• Không có kết quả nào được tìm thấy

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÀI LIỆU

1.5. Các phương pháp đánh giá kết quả phẫu thuật LTLT

1.5.3. Niệu dòng đồ

* Khái niệm: Niệu dòng đồ là phép đo tốc độ bài xuất nước tiểu trong một đơn vị thời gian (ml/s). Cách thực hiện khá đơn giản, BN đi tiểu vào một phễu có kết nối với một dụng cụ đo điện tử. Thiết bị đo tính toán khối lượng nước tiểu được tạo ra trong suốt khoảng thời gian từ khi bắt đầu đến khi kết thúc đi tiểu. Thông tin này sau đó được chuyển thành đồ thị X - Y với tốc độ dòng chảy trên trục X phối hợp với thời gian trên trục Y [31], [32].

Tốc độ dòng tiểu thường được xác định là tốc độ dòng tiểu tối đa (maximum flow rate - Qmax là giá trị đo được lớn nhất của tốc độ dòng tiểu), tốc độ dòng tiểu trung bình (average flow rate - Qave là thể tích nước tiểu chia cho thời gian đi tiểu), thời gian đi tiểu (voiding time là tổng thời gian đi tiểu bao gồm cả lúc tiểu ngắt quãng), thời gian đạt lưu lượng cực đại (maximum flow time là thời gian trôi qua trước khi tốc độ dòng chảy tối đa đạt được) [32], [33], [34]. Các nghiên cứu về niệu dòng đồ nên được thực hiện trong sự riêng tư khi bệnh nhân có nhu cầu đi tiểu và được thư giãn [34].

* Giải thích đường ghi niệu dòng đồ

Niệu dòng đồ biểu diễn hoạt động của bàng quang và đường thoát ra của nước tiểu trong suốt giai đoạn đi tiểu. Tốc độ dòng chảy và dạng biểu đồ là các biến được ghi lại. Lưu lượng nước tiểu có thể được mô tả dưới dạng tốc độ dòng tiểu và biểu đồ dòng tiểu [34]. Biểu đồ tốc độ dòng tiểu được biểu thị liên tục hoặc ngắt quãng [34], [33].

- Mô hình dòng tiểu bình thường: Biểu đồ dòng tiểu liên tục được biểu diễn dưới dạng đường cong hình vòng cung trơn tru mà không gián đoạn.

Trường hợp bình thường đường cong dòng tiểu có dạng “hình chuông”. Dòng chảy tối đa đạt được trong 5 giây từ khi bắt đầu có dòng tiểu. Tốc độ dòng tiểu thay đổi theo thể tích nước tiểu [34].

Hình 1.16. Biểu đồ hình chuông

“Nguồn Paul Abrams (2006)” [34]

- Mô hình dòng tiểu bất thường: Laponinte và Barieras cho biết thường gặp 2 dạng biểu đồ niệu dòng đồ bất thường ở trẻ em [35]:

- Dạng cao nguyên: có thể ở trẻ em bình thường, tắc nghẽn trong lòng bàng quang, van niệu đạo hoặc trẻ có tiền sử phẫu thuật LTLT trước đó.

- Dạng gián đoạn: bất thường của sự co giãn cơ thắt vân niệu đạo, sự co thắt không ổn định của cơ chóp bàng quang, rối loạn chức năng đi tiểu không do bàng quang thần kinh hoặc sự mỏi của cơ thành bụng.

Hình 1.17. Biểu đồ dạng cao nguyên, gián đoạn (ngắt quãng) [34]

* Chỉ định niệu dòng đồ: Chỉ định niệu dòng đồ bao gồm những đánh giá ban đầu trên những BN phì đại lành tính tuyến tiền liệt, tiểu tiện không tự chủ, hẹp NĐ, nhiễm khuẩn đường niệu tái phát và rối loạn chức năng bàng quang thần kinh. Ở những BN này qua niệu dòng đồ có thể thấy sự bất thường của quá trình tiểu tiện. Niệu dòng đồ cũng rất hữu ích trong theo dõi tình trạng hẹp NĐ của những BN có chấn thương NĐ và có tiền sử phẫu thuật liên quan đến NĐ như tạo hình NĐ trong điều trị LTLT [32].

* Tình hình nghiên cứu niệu dòng đồ đối với PT tạo hình LTLT

Niệu dòng đồ đã được sử dụng phổ biến từ lâu trong rối loạn chức năng đi tiểu và theo dõi sau phẫu thuật LTLT. Phẫu thuật LTLT cũng có thể liên quan đến tắc nghẽn lỗ tiểu hoặc niệu đạo mà không có triệu chứng nào rõ ràng.

Vì vậy, một vài nghiên cứu đã nhấn mạnh vai trò của tốc độ dòng tiểu đối với việc đánh giá chức năng trên những bệnh nhi bị LTLT để phát hiện triệu chứng hẹp. Niệu dòng đồ thường được sử dụng để đánh giá kết quả các chức năng, theo dõi sau phẫu thuật LTLT kết hợp với khám toàn thân, từ đó giúp chẩn đoán bất kỳ tắc nghẽn nào có liên quan đến phẫu thuật ban đầu [36].

Năm 1995, Garibay và CS đánh giá kết quả phẫu thuật LTLT qua niệu dòng đồ. Các tác giả nghiên cứu 32 bệnh nhân, sau mổ LTLT thấy tốc độ dòng chảy tối đa thấp hơn so với trẻ cùng lứa tuổi [37].

Năm 1997, Werff cùng CS đánh giá kết quả điều trị LTLT bằng niệu dòng đồ và kết luận: Không có sự khác biệt về niệu dòng đồ giữa các kỹ thuật mổ LTLT. Có sự cải thiện về niệu dòng đồ khi theo dõi dài [38].

Năm 2001, Marte cùng CS sử dụng niệu dòng đồ đánh giá chức năng BN LTLT thể 1/2 sau thân DV. Tác giả kết luận, niệu dòng đồ là một công cụ không xâm lấn, quan trọng để đánh giá kỹ thuật mổ LTLT và cần theo dõi dài để khẳng định các kết quả sau PT [39].

Năm 2006, Holmdahl và CS kết luận rằng theo dõi niệu dòng đồ ngay sau phẫu thuật LTLT là không cần thiết. Tuy nhiên, theo dõi lâu dài lại đóng vai trò quan trọng, đặc biệt với trường hợp LTLT thể gần [40].

Năm 2011, Gonzaslez và Ludwikowski xem xét một cách hệ thống về tầm quan trọng của nghiên cứu niệu dòng đồ sau phẫu thuật LTLT. Nghiên cứu của 2 tác giả cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng trong việc đánh giá chức năng niệu đạo sau phẫu thuật LTLT bằng cách sử dụng niệu dòng đồ [41].

Năm 2012, Perera và CS đánh giá việc sử dụng niệu dòng đồ để theo dõi dài chức năng niệu đạo sau phẫu thuật LTLT. Các tác giả kết luận:

Theo dõi dài sau phẫu thuật LTLT thấy tốc độ dòng tiểu thấp hơn đáng kể so với nhóm chứng cùng lứa tuổi, nhưng vẫn trong giới hạn bình thường. Cong DV nặng là một yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến dòng tiểu yếu khi theo dõi dài [42].

Năm 2013, Husein và CS đánh giá kết quả về thẩm mỹ và chức năng của phẫu thuật hai thì chữa LTLT bằng thang điểm HOSE và niệu dòng đồ.

Các tác giả kết luận thang điểm HOSE và niệu dòng đồ là phương pháp đơn giản, không xâm lấn, rẻ tiền và dễ thực hiện để đánh giá khách quan kết quả phẫu thuật LTLT khi theo dõi xa [43].

Tại Việt Nam, cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào áp dụng niệu dòng đồ để đánh giá kết quả phẫu thuật điều trị LTLT ở trẻ em.