• Không có kết quả nào được tìm thấy

Một số yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tìm kiếm hỗ trợ của phụ nữ bị

Chương 1: TỔNG QUAN TÀI LIỆU

1.6. Hành vi tìm kiếm hỗ trợ của phụ nữ khi bị trầm cảm

1.6.2. Một số yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tìm kiếm hỗ trợ của phụ nữ bị

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc người phụ nữ quyết định tìm kiếm dịch vụ hỗ trợ hay không. Các yếu tố ảnh hưởng bao gồm cả yếu tố rào cản và thúc đẩy.

1.6.2.1. Yếu tố rào cản

Yếu tố rào cản bao gồm: Rào cản từ phía bản thân người phụ nữ, từ phía người chồng, các thành viên trong gia đình nhà chồng, bạn bè; rào cản từ phía cung cấp dịch vụ y tế; rào cản bởi truyền thống văn hóa, phong tục tập quán...

a. Rào cản từ phía bản thân người phụ nữ

Ở các nền văn hóa khác nhau, nhiều phụ nữ đã không chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ khi có dấu hiệu trầm cảm mặc dù họ thường xuyên liên hệ với các chuyên gia y tế trong thời kỳ hậu sản. Một số ít thì miễn cưỡng cung cấp thông tin liên quan đến dấu hiệu TCSS để có được sự hỗ trợ từ phía chuyên gia y tế [66]. Một nghiên cứu ở Vương quốc Anh cho thấy, hầu hết phụ nữ bị trầm cảm sau sinh không tìm sự giúp đỡ từ bất cứ nguồn nào và chỉ có khoảng 25% tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế [87]. Nhiều bà mẹ đã

chia sẻ không biết đến đâu để nhận được sự hỗ trợ hoặc là không biết về khả năng điều trị [66].

Một số bà mẹ có biểu hiện một số triệu chứng của trầm cảm sau sinh như: tức ngực, nhức đầu, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi và lo âu ...nhưng vì thiếu kiến thức về vấn đề này nên họ không biết mình bị TCSS. Vì vậy, họ đã không tìm kiếm dịch vụ hỗ trợ [88]. Một số phụ nữ khác biết mình bị TCSS nhưng không chịu chấp nhận điều này vì sợ rằng cuộc sống của họ sẽ gặp nhiều bất lợi nếu tiết lộ điều này hoặc có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ mẹ-con [66]. Bên cạnh đó, có một số phụ nữ nhận ra rằng họ thường không sẵn sàng hoặc không thể tiết lộ cảm xúc của mình với chồng, với các thành viên trong gia đình, bạn bè, hoặc chuyên gia y tế. Họ luôn cố gắng thể hiện cảm xúc bình thường nhằm che dấu triệu chứng của trầm cảm [66]. Hơn thế nữa, một số bà mẹ bị trầm cảm đã tìm cách từ chối điều trị do nhận thức không đầy đủ [89] và thường tạo ra những bất tiện trong các cuộc hẹn với NVYT. Ví dụ như NVYT hẹn nhưng họ không đến [90]. Chính vì những lý do này có thể ảnh hưởng đến việc phụ nữ có quyết định tìm kiếm dịch vụ hỗ trợ hay không.

b. Rào cản từ phía gia đình

Nghiên cứu cho thấy các thành viên trong gia đình thường không thể cung cấp, hỗ trợ hoặc giới thiệu giúp đỡ tìm kiếm dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ bị trầm cảm do sự thiếu hiểu biết về bệnh này [87]. Trong một số nền văn hóa, các thành viên trong gia đình của họ còn ngăn cản người phụ nữ tìm kiếm sự giúp đỡ, vì họ không thừa nhận triệu chứng trầm cảm hoặc không muốn chia sẻ về những khó khăn của họ với người ngoài gia đình vì sợ bị kỳ thị. Một số phụ nữ khác đã rất khó khăn khi tiết lộ tình trạng của họ cho các thành viên trong gia đình. Ví dụ, phụ nữ Bangladesh sống ở Anh cho biết, họ đã nói chuyện một cách thoải mái trong bệnh viện về vấn đề TCSS nhưng lại gặp khó khăn khi chia sẻ với các thành viên trong gia đình mình [91].

Bên cạnh đó, một số phụ nữ không được chồng hoặc các thành viên khác trong gia đình khuyến khích, động viên họ tìm kiếm sự giúp đỡ khi họ có các dấu hiệu của trầm cảm sau sinh [92].

c. Rào cản từ phía nhân viên y tế

Nhân viên y tế có vai trò quan trọng trong việc hoặc thúc đẩy hành vi tìm kiếm giúp đỡ hoặc cản trở việc tìm kiếm giúp đỡ của phụ nữ có dấu hiệu trầm cảm. Một số nghiên cứu cho thấy các nhân viên y tế đã có thái độ thờ ơ với phụ nữ bị trầm cảm và họ phải miễn cưỡng theo đuổi để điều trị [66].

Nghiên cứu của McGarry năm 2009 cho thấy, phụ nữ sau sinh bị trầm cảm đã tìm kiếm sự trợ giúp từ NVYT, cán bộ tâm lý nhưng họ cảm thấy thất vọng khi tiếp xúc vì NVYT tỏ thái độ không tôn trọng, không quan tâm tới cảm xúc, tâm trạng, dấu hiệu trầm cảm của họ [93].

Ngoài ra, họ không hài lòng hoặc không thỏa mãn với NVYT, cán bộ tâm lý vì họ bị giới hạn thời gian tư vấn. Nhân viên y tế thường ưu tiên kê đơn thuốc hơn là tư vấn trị liệu tâm lý. Như nghiên cứu trên phụ nữ ở Bangladesh năm 2006 cho thấy: họ phàn nàn rằng nhân viên y tế không có đủ thời gian để tham vấn cho họ; họ không được khám bệnh một cách nghiêm túc; họ không được kiểm tra đúng cách [66].

d. Rào cản từ truyền thống văn hóa, xã hội

Những chuẩn mực văn hóa xã hội đặt ra cho phụ nữ có liên quan đến việc họ có quyết định tìm kiếm dịch vụ hỗ trợ hay không. Như ở Hoa Kỳ, họ quan niệm "người mẹ tốt" là có thể cảm nhận được tình yêu, sự tôn trọng và chăm sóc vô điều kiện với con cái. Chính vì quan niệm này nên họ không tiết lộ họ bị trầm cảm vì hai lý do: một là, họ sợ bị kỳ thị do chính bệnh tâm thần của họ. Hai là, họ sợ không thể đáp ứng tiêu chí "người mẹ tốt" [3]. Đặc biệt, phụ nữ bị trầm cảm nhận thấy rằng họ thường bị kỳ thị và gặp phải định kiến, phân biệt đối xử. Như vậy, phụ nữ có dấu hiệu TCSS có thể cảm nhận xã hội

sẽ đánh giá họ là "bà mẹ xấu”. Do đó, nhận biết và hiểu được quan niệm của phụ nữ về vai trò của họ, về bối cảnh văn hóa để có thể cung cấp những hiểu biết đa dạng về rào cản nhận thức và các yếu tố môi trường có ảnh hưởng đến việc ra quyết định tìm kiếm dịch vụ hỗ trợ là rất quan trọng.

1.6.2.2. Yếu tố thúc đẩy

Một số yếu tố thúc đẩy phụ nữ tìm kiếm dịch vụ bao gồm: họ có cơ hội để bày tỏ cảm xúc của mình, được hỗ trợ từ chồng/bạn tình, lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với hoàn cảnh, thay đổi suy nghĩ.

a. Cơ hội được bày tỏ cảm xúc

Đối với nhiều bà mẹ, điều quan trọng nhất là mong muốn có cơ hội để được bày tỏ cảm xúc, cảm giác của mình với một người biết lắng nghe và đồng cảm. Họ muốn nói chuyện về cảm xúc của họ, bao gồm cả những cảm giác lẫn lộn và những khó khăn trong cuộc sống; ngoài ra họ muốn nói chuyện với một người không phán xét họ và sẵn sàng dành nhiều thời gian để lắng nghe họ nói một cách nghiêm túc, hiểu và thông cảm với họ [66].

b. Được hỗ trợ từ chồng/bạn tình

Phụ nữ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ chồng/bạn tình hoặc các thành viên trong gia đình chẳng hạn như hỗ trợ việc trông trẻ hoặc các công việc khác trong gia đình. Đây được coi là một phương thuốc điều trị TCSS rất hữu ích. Các bà mẹ mong muốn nhân viên y tế thông báo tình hình sức khỏe của mình để họ có thể được nhận sự hỗ trợ tinh thần từ phía gia đình [84].

Điều này hết sức quan trọng để làm giảm triệu chứng TCSS.

c. Lựa chọn phương thức điều trị phù hợp

Đa số phụ nữ tự tìm kiếm giải pháp phù hợp để giảm căng thẳng bằng cách tâm sự với chồng/bạn tình của họ hoặc dùng kỹ thuật thư giãn hoặc hoạt động thể chất, chẳng hạn như đi bộ cùng với em bé [66]. Trong một cuộc khảo sát trên 500 bà mẹ ở Australia có con 0-5 tuổi cho thấy 92% các bà mẹ

tin rằng đẩy xe nôi đi bộ cùng em bé sẽ làm tăng cảm giác hạnh phúc và 87%

tin rằng nó sẽ giúp giảm triệu chứng TCSS [94].

d. Thay đổi thái độ và suy nghĩ tích cực

Nhiều phụ nữ cho rằng họ sẽ thay đổi thái độ và suy nghĩ một cách tích cực như “giữ bình tĩnh” và "cố gắng để quên nó đi”. Một số phụ nữ khác đã trải qua những mâu thuẫn, căng thẳng và đã rút ra được những kinh nghiệm cho mình và suy nghĩ, tìm ra giải pháp tích cực hơn để giải quyết những vấn đề mâu thuẫn mới nảy sinh [58].

Tóm lại, trên thế giới đã có một số nghiên cứu về hành vi tìm kiếm dịch vụ hỗ trợ của phụ nữ khi bị trầm cảm. Ở Việt Nam, nghiên cứu về vấn đề này còn chưa nhiều. Chính vì vậy, nghiên cứu về hành vi tìm kiếm dịch vụ hỗ trợ, tìm hiểu nguyên nhân, rào cản của phụ nữ trong việc tìm kiếm dịch vụ hỗ trợ là cần thiết để trợ giúp và can thiệp kịp thời cho họ khi có dấu hiệu trầm cảm.

Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em trong tương lai.

Dưới đây là một số yếu tố ảnh hưởng tới hành vi tìm kiếm dịch vụ hỗ trợ của phụ nữ có dấu hiệu trầm cảm (sơ đồ 1.2) [94], [95], [96], [97].

Sơ đồ 1.2. Hành vi tìm kiếm hỗ trợ của phụ nữ có dấu hiệu trầm cảm

NVYT:

Thái độ thờ ơ, ít dành thời gian tư vấn Văn hóa, xã hội:

Kỳ thị, quan niệm bà mẹ tốt-xấu

Gia đình:

Không hỗ trợ, sợ bị kỳ thị

Cá nhân:

Không biết mình bị bệnh, Sợ bị xa lánh Sợ bị tách mẹ-con

Hành vi tìm kiếm hỗ trợ

Chuyên nghiệp:

Gọi điện thoại tư vấn từ chuyên gia

Uống thuốc

Đến bệnh viện tâm thần

Đến gặp nhân viên y tế

Đến tư vấn và trị liệu tâm lý

Không chuyên nghiệp:

Tâm sự với bố mẹ

Tâm sự với con cái

Tâm sự với bạn bè, đồng nghiệp

Đi dạo một mình, tự thư giãn

Uống thuốc bổ