• Không có kết quả nào được tìm thấy

Các yếu tố liên quan đến trầm cảm sau sinh

Chương 1: TỔNG QUAN TÀI LIỆU

1.5. Trầm cảm sau sinh trên thế giới và Việt Nam

1.5.3. Các yếu tố liên quan đến trầm cảm sau sinh

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến TCSS ở phụ nữ. Các yếu tố có thể được phân thành các nhóm như sau: yếu tố về thể chất/sinh học (Physical/biological factors), yếu tố tâm lý (Psychological factors), yếu tố sản khoa/trẻ em (Obstetric/Paediatric factors), yếu tố nhân khẩu học-xã hội (Socio-demographic factors) và các yếu tố văn hóa (Cultural factors) [13], [68].

a. Yếu tố thể chất/sinh học

Nghiên cứu đã tổng hợp và chỉ ra mối liên quan giữa yếu tố sinh học/thể chất và trầm cảm sau sinh. Một là, các bà mẹ bị trầm cảm sau sinh cho biết các triệu chứng rối loạn kinh nguyệt, sức khỏe thể chất kém và khó khăn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày. Hai là, những bà mẹ có chỉ số khối cơ thể (BMI) dưới mức bình thường (<20 kg/m2) thì nguy cơ bị trầm cảm cao hơn những người có BMI bình thường [13].

b. Ảnh hưởng của yếu tố tâm lý (Psychological factors)

Ảnh hưởng của yếu tố tâm lý đến TCSS đã được chứng minh ở nhiều nghiên cứu như trầm cảm khi mang thai, lo âu trong mang thai, có tiền sử trầm cảm, các sự kiện cuộc sống căng thẳng, stress khi chăm sóc trẻ, tự ti, thái độ tiêu cực đối với việc làm. Đây là những yếu tố nguy cơ liên quan chặt chẽ đến TCSS [13].

 Lo âu trong mang thai

Từ lâu, mối liên quan giữa lo âu trong thời kỳ mang thai và TCSS đã được khẳng định trong một số nghiên cứu trên thế giới [67]. Các nghiên cứu gần đây đã tiếp tục cung cấp thêm những bằng chứng về mối liên quan giữa 2 yếu tố này. Như nghiên cứu của O’Hara và cộng sự trên 600 đối tượng về tỷ lệ và yếu tố nguy cơ của TCSS cho thầy những phụ nữ có tiền sử lo âuthì nguy cơ bị TCSS cao hơn những phụ nữ không có tiền sử lo âu [69].

 Tiền sử trầm cảm

Trầm cảm trong khi mang thai cũng được O’Hara và cộng sự chỉ ra là có mối liên quan khá chặt với TCSS [15],[69]. Một nghiên cứu tại Việt Nam năm 2002 cho kết quả: những sản phụ có tiền sử bị lo âu/trầm cảm/mất ngủ thì nguy cơ bị TCSS cao hơn khi so sánh với nhóm sản phụ bình thường và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p< 0,001) [5].

 Bạo lực gia đình

Một vài nghiên cứu đã chỉ ra các mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa vợ với chồng, giữa con dâu với mẹ chồng là yếu tố ảnh hưởng đến TCSS. Nghiên cứu của Green và cộng sự năm 2006 đã chỉ ra rằng: xung đột giữa mẹ chồng và con dâu có thể làm tăng nguy cơ TCSS. Cụ thể là phụ nữ bị bạo lực từ chồng và mẹ chồng thì nguy cơ bị trầm cảm cao hơn những phụ nữ không bị bạo lực từ chồng và mẹ chồng [70].

Các bằng chứng khác chứng minh về mối liên quan giữa bạo lực do chồng và TCSS được ghi nhận trong một số nghiên cứu về mối liên quan giữa bạo lực gia đình và trầm cảm ở phụ nữ sau sinh cho thấy: phụ nữ bị bạo lực do chồng làm tăng nguy cơ TCSS từ 1,5 đến 2,0 lần so với phụ nữ không bị bạo lực do chồng [71], [72], [73], [74]. Ngoài ra, Bonomi và cộng sự trong năm 2009 cũng cho kết quả tương tự, những phụ nữ bị bạo lực do chồng thì nguy cơ bị trầm cảm cao gấp 2 lần so với những phụ nữ không bị bạo lực [28]. Nghiên cứu của Thombs và cộng sự năm 2014 cho thấy bạo lực do chồng tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của phụ nữ như bị trầm cảm, lo âu, lạm dụng chất và stress [4]. Họ luôn cảm thấy bế tắc, cuộc sống nặng nề và có ý định tự tử, thậm chí sát hại chính đứa con mình sinh ra [75].

c. Yếu tố sản khoa/trẻ em

Nghiên cứu tổng hợp của Klainin và Arthur năm 2009 đã đánh giá vai trò của các yếu tố sản khoa/trẻ em liên quan đến TCSS như: Tiền sử phá thai,

tiền sử thai lưu, mang thai ngoài ý muốn, thiếu kiến thức chăm sóc trẻ và không thể cho trẻ bú mẹ đến khi trẻ được hai tuổi [54]. Theo một nghiên cứu ở Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất của Green và cộng sự năm 2006 cho kết quả: người mẹ không thể cho trẻ bú mẹ đến khi trẻ được hai tuổi theo như quy định của tín ngưỡng tôn giáo thì nguy cơ bị TCSS cao hơn các bà mẹ cho con bé đến 2 tuổi vì họcảm thấy bị tội lỗi, căng thẳng và do đó làm tăng các triệu chứng trầm cảm [70].

Một nghiên cứu tổng hợp khác của O’Hara năm 1996 đã tìm hiểu ảnh hưởng của yếu tố sản khoa và kết luận rằng phụ nữ bị tai biến sản khoa có nguy cơ bị TCSS cao hơn so với phụ nữ không bị tai biến sản khoa [17].

Ngoài tai biến sản khoa liên quan đến TCSS, hình thức sinh cũng liên quan đến TCSS. Một số nghiên cứu cho rằng những phụ nữ bị cấp cứu do suy thai, vỡ ối, cạn ối…nên phải sinh mổ và dùng kẹp can thiệp thì nguy cơ bị TCSS tăng gấp hai lần khi so với những phụ nữ sinh con bình thường qua đường tự nhiên. Tuy nhiên, một số nghiên cứu lại chứng minh tự chọn phương pháp mổ lấy thai lại là một yếu tố bảo vệ chống lại TCSS ở phụ nữ, như nghiên cứu của Klainin và cộng sự năm 2009 về trầm cảm ở phụ nữ sau sinh ở Beirut (thủ đô của Lebanon) cho rằng phương pháp mổ lấy thai là yếu tố bảo vệ.

Một trong những giải thích có thể là phụ nữ ở Beirut sống hiện đại hơn và có tình trạng kinh tế khá hơn, có địa vị xã hội cao hơn, họ thấy việc sinh qua đường âm đạo khiến họ sợ hãi, căng thẳng, và đau đớn hơn sinh mổ [54].

Tại Nepal, có nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, việc sinh thêm một em bé có thể dẫn đến gánh nặng tài chính và do đó gia tăng sự lo lắng, căng thẳng trong gia đình. Một nghiên cứu tại Nepal cho thấy phụ nữ sinh từ hơn 4 người con trở lên thì nguy cơ TCSS cao hơn những phụ nữ sinh ít con hơn [76].

d. Yếu tố nhân khẩu-xã hội

Nghiên cứu tổng hợp của Klainin và Arthur năm 2009 đã chỉ ra mối liên quan giữa các yếu tố nhân khẩu, kinh tế - xã hội với TCSS như: Tình

trạng kinh tế khó khăn, thiếu ăn trong tháng vừa qua, phụ nữ làm nghề nội trợ, chồng thất nghiệp hoặc thất học, chồng có tiền sử rối loạn tâm thần, tình trạng đa thê, bạo lực gia đình, không hài lòng với cuộc sống, thiếu sự hỗ trợ về tinh thần, và không hài lòng với sự hỗ trợ từ chồng, bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng là những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến TCSS [54].

 Hỗ trợ từ gia đình

Hỗ trợ từ gia đình được định nghĩa là sự hỗ trợ từ tất cả các thành viên trong gia đình bao gồm: chồng, cha mẹ và anh chị em ruột, anh chị em bên chồng. Một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ thiếu sự hỗ trợ gia đình thì nguy có TCSS cao hơn so với những phụ nữ được gia đình hỗ trợ. Một nghiên cứu thuần tập tương lai của Xie và cộng sự năm 2010 trên 534 thai phụ tại Hồ Nam, Trung Quốc cho kết quả phụ nữ thiếu hỗ trợ từ gia đình, đặc biệt là người chồng thì nguy cơ bị TCSS cao gấp hơn 4 lần khi so sánh với phụ nữ được hỗ trợ từ gia đình (OR= 4,4; 95%CI: 2,3- 8,4) [77].

 Tình trạng kinh tế gia đình

Bên cạnh yếu tố hỗ trợ gia đình liên quan đến TCSS, tình trạng kinh tế xã hội cũng có mối liên quan đến TCSS. Nhiên cứu khác của A.Bener và cộng sự năm 2012 đã chỉ ra về mối liên quan giữa thu nhập hàng tháng của gia đình với TCSS, cụ thể là phụ nữ ở những gia đình có thu nhập bình quân hàng tháng thấp có nguy cơ TCSS cao hơn so với ở những gia đình có thu nhập cao và sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p <0,001 [78].

e. Yếu tố văn hóa

Yếu tố văn hóa đặc trưng cho phụ nữ châu Á. Phụ nữ châu Á mới sinh thường được hỗ trợ từ các thành viên trong gia đình như chồng, mẹ đẻ, mẹ chồng, anh, chị em và người thân trong gia đình [54].

 Chế độ nghỉ ngơi, kiêng khem sau sinh

Để nhanh chóng phục hồi sức khỏe thể chất và tâm lý, phụ nữ phải tuân theo một số quy định về thời gian nghỉ ngơi, chế độ ăn uống và các hoạt động

được phép làm và không được phép làm, đặc biệt là trong vòng 1 tháng đầu sau sinh. Đây chính là tập quán văn hóa tốt để bảo vệ phụ nữ khỏi bị trầm cảm sau sinh [79].

Ở Nhật Bản, phụ nữ có thai từ trên 32 đến 35 tuần, họ được về sống với bố mẹ đẻ cho đến khoảng 2 tháng sau sinh [54]. Ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore và Việt Nam, phụ nữ được khuyến khích nghỉ ngơi 1 tháng sau sinh và nhận được sự hỗ trợ từ mẹ đẻ, mẹ chồng hoặc người thân trong gia đình [80].

Ở Malaysia, phụ nữ phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về chế độ ăn kiêng và phải mặc quần áo ấm, buộc đá ấm xung quanh bụng hoặc ở trong một căn phòng nóng để phục hồi cân bằng cơ thể và để tự bảo vệ mình khỏi bị tổn hại bởi những linh hồn ma quỷ [81]. Việc tuân thủ các phong tục tập quán sau sinh ở các nền văn hóa khác nhau khiến một số phụ nữ có thể bị stress, lâu ngày có thể dẫn đến trầm cảm [54]. Như nghiên cứu cắt ngang của Fisher và cộng sự năm 2004 trên 506 phụ nữ sau sinh cho thấy những phụ nữ tuân thủ phong tục tập quán sau sinh nguy cơ bị trầm cảm cao hơn những phụ nữ không phải tuân thủ những phong tục tập quán này [19]. Hay phụ nữ ở Malaysia, Singapore, Trung Quốc mà phải tuân thủ các nghi lễ và phong tục tập quán do nhà chồng quy định thì nguy cơ bị trầm cảm cao hơn những phụ nữ không phải tuân thủ những phong tục tập quán này. Họ cho rằng đây là những phong tục cổ hủ, lạc hậu và họ cảm thấy rất buồn chán trong vòng 30 ngày hoặc 40 ngày sau sinh tùy từng nền văn hóa [54].

 Giới tính của trẻ

Sự ưa thích con trai được coi là một vấn đề phổ biến tại một số nước châu Á, đặc biệt là ở các vùng nông thôn ở Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Nepal và Pakistan [54]. Ở Việt Nam, bố mẹ thường sống với con trai và gần như con trai phải kiếm tiền và nuôi dưỡng cha mẹ khi tuổi già và nối dõi tông

đường, trong khi đó con gái lớn đi lấy chồng và thường sống ở nhà chồng.

Hơn nữa, hiện nay chính sách về kế hoạch hóa gia đình của nhà nước là sinh hai con, nên áp lực sinh con trai đối với phụ nữ là rất lớn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của phụ nữ [54]. Giống như Việt Nam, ở Trung Quốc, việc yêu thích con trai hơn con gái là phổ biến, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Bởi vì Trung Quốc thiếu một hệ thống an sinh xã hội, cha mẹ dựa vào con trai về kinh tế khi họ về già và con trai thì có nhiệm vụ quan trọng là nối dõi tông đường. Chính điều này đã tạo nên những áp lực nặng nề đối với người phụ nữ và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tâm thần của họ. Như trong nghiên cứu của Xie và cộng sự trên phụ nữ sau sinh 6 tuần cho thấy: những phụ nữ sinh ra bé gái thì nguy cơ bị trầm cảm cao gấp gần 3 lần khi so sánh với những phụ nữ sinh con trai (OR=2,80;

95%CI: 1,30–6,03) [82].