• Không có kết quả nào được tìm thấy

PHÂN CÔNG LAO ĐỘNG TRONG GIA ĐÌNH TỪ GÓC NHÌN CỦA NAM GIỚI KHU VỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG

N/A
N/A
Protected

Academic year: 2022

Chia sẻ "PHÂN CÔNG LAO ĐỘNG TRONG GIA ĐÌNH TỪ GÓC NHÌN CỦA NAM GIỚI KHU VỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG "

Copied!
13
0
0

Loading.... (view fulltext now)

Văn bản

(1)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn

PHÂN CÔNG LAO ĐỘNG TRONG GIA ĐÌNH TỪ GÓC NHÌN CỦA NAM GIỚI KHU VỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG

NGÔ NGÂN HÀ*

Tóm tắt: Bài viết tập trung mô tả sự phân công lao động trong các gia đình ở vùng đồng bằng sông Hồng từ góc nhìn của nam giới. Đối với các công việc nội trợ và chăm sóc gia đình thường mất nhiều thời gian và công sức để hoàn thành như nấu nướng hay giặt giũ, phụ nữ vẫn là người chịu trách nhiệm chính. Sự đóng góp của nam giới vào các công việc này là tương đối hạn chế, và họ thường có quyền lựa chọn từng công việc cụ thể cũng như khối lượng công việc mà họ muốn tham gia. Đối với các công việc khác như sửa chữa vặt trong nhà, tham gia sinh hoạt cộng đồng, hay thờ cúng, khấn vái tổ tiên, nam giới thường là người gánh vác chính trong gia đình. Mặc dù có thể có sự “phóng đại” trong các trả lời của nam giới, tuy nhiên nghiên cứu này cũng ghi nhận sự tham gia nhiều hơn của họ đối với công việc nhà so với các nghiên cứu trước đó, một điều có thể báo hiệu sự thay đổi tích cực trong quan niệm của nam giới đối với công việc nhà.

Từ khóa: giới, vai trò giới, gia đình, phân công lao động gia đình.

1. Đặt vấn đề

Nhiều nghiên cứu tại Việt Nam nhận định rằng ít có sự thay đổi trong phân công lao động gia đình trong suốt thời gian qua (Đỗ Thị Bình và cộng sự, 2002;

Teerawichitchainan và cộng sự, 2010). Cho dù ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động xã hội, và mặc dù đa phần trong số họ làm việc nhiều không kém so với nam giới, công việc nội trợ vẫn được xem là trách nhiệm riêng có của phụ nữ. Một nghiên cứu của Vũ Tuấn Huy (2004) đã chỉ ra rằng phụ nữ đảm trách 76,3% việc mua bán thực phẩm phục vụ cho gia đình; 79,7% việc nấu nướng, 90,6% việc rửa bát đĩa, 84,2% việc lau dọn nhà cửa; và 90,0% việc giặt giũ quần áo. Theo kết quả Điều tra mức sống dân cư năm 2008, phụ nữ đô thị và phụ nữ nông thôn tốn lần lượt khoảng 17,5 giờ và 15,4 giờ trong một tuần cho việc nội trợ. Trong khi đó, nam giới đô thị và nam giới nông thôn chỉ tốn lần lượt khoảng 11,2 giờ và 10,2 giờ, tức là ít hơn khoảng 1/3 so với phụ nữ (dẫn theo Jones và Trần, 2012: 2).

Nghiên cứu của Teerawichitchainan và cộng sự (2010) cũng cho thấy rằng phụ nữ

* Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

(2)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn

đảm trách khoảng hơn 80% các công việc nội trợ và chăm sóc trẻ nhỏ1. Trong một cuộc khảo sát được tiến hành với nam giới Việt Nam năm 2011, khoảng 64% người trả lời cho biết vợ của họ chịu trách nhiệm chính đối với việc nội trợ (Priya và cộng sự, 2012: 34). Ở chiều ngược lại, chỉ có khoảng một phần tư số nam giới được hỏi nói rằng họ chia sẻ bình đẳng hoặc cùng đảm trách các công việc nhà với vợ của mình (Priya và cộng sự, 2012:

34). Có thể nói rằng, “sự phân công lao động theo giới đối với các công việc nội trợ ở Việt Nam trong suốt bốn thập kỷ qua thể hiện tồn tại dai dẳng của những giá trị trong gia đình truyền thống hơn là những sự biến đổi mang tính chất bước ngoặt”

(Teerawichitchainan và cộng sự, 2010).

Tuy nhiên, trong khi hầu hết các nghiên cứu về giới thường chỉ tập trung tìm hiểu nhận thức, thái độ, hành vi của phụ nữ đối với lao động nội trợ, rất ít nghiên cứu thực sự đào sâu đến suy nghĩ và nhận thức của nam giới về các vấn đề này. Hơn thế nữa, các nghiên cứu về phân công lao động trong gia đình tại Việt Nam hay đề cập đến những công việc nội trợ vốn vẫn được mặc định là dành cho phụ nữ2, chứ thường bỏ qua hoặc không đề cập đến những công việc nhà khác mà nam giới hay đảm nhiệm như: sửa chữa vặt trong nhà, sửa xe đạp, xe máy, hay đại diện gia đình tham gia các sự kiện bên ngoài (Vũ Mạnh Lợi và cộng sự, 2013).

Đây chính là những khoảng trống nghiên cứu cần được tập trung phân tích làm rõ.

Sử dụng số liệu thu thập được từ 122 bảng hỏi định lượng và 30 cuộc phỏng vấn sâu nam giới tại Hà Nội và Hà Nam, hai địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, nghiên cứu này được thực hiện nhằm mô tả phần nào nhận thức, thái độ và hành vi của nam giới Việt Nam đối với sự phân công lao động trong gia đình. Nghiên cứu sử dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên hệ thống, với hai phường được chọn tại thành phố Hà Nội là Láng Hạ và Thổ Quan (quận Đống Đa), và một xã được chọn tại tỉnh Hà Nam là xã Đồng Du (huyện Bình Lục). Trong số 122 nam giới tham gia trả lời bảng hỏi, 49,2% sinh sống tại đô thị, 50,8% sinh sống tại nông thôn. Về tuổi tác, 34,4% người trả lời dưới 35 tuổi, 34,4% ở độ tuổi từ 35 đến 49, và 31,2% người trả lời 50 tuổi trở lên. Về trình độ học vấn, 59% có trình độ từ cấp ba trở xuống, và 41% còn lại đã tốt nghiệp từ cao đẳng/đại học trở lên. Về nghề nghiệp, 38,5% người trả lời đang là công chức/viên chức nhà nước tại thời điểm được hỏi, 31,2% đang làm thuê cho các doanh nghiệp tư nhân, và 30,3% là lao động tự do/nông dân/thợ thủ công/kinh doanh cá thể. Kết quả nghiên cứu này là một phần trong Luận án Tiến sĩ của tác giả đã được bảo vệ thành công tại trường Đại học Manchester Metropolitan, Vương quốc Anh vào tháng 9 năm 2015.

1 Teerawichitchainan cũng nhận thấy một vài thay đổi nhỏ được tìm thấy qua cuộc khảo sát này. Các ông bố được cho là cũng đã có tham gia nhiều hơn trước kia trong việc quản lý chi tiêu của gia đình và chăm sóc, dạy dỗ con cái ở độ tuổi đi học. Tuy nhiên, tác giả cũng lưu ý rằng có thể do sự phát triển chung của kinh tế - xã hội, các hộ gia đình dần trở nên khá giả hơn, thu nhập của gia đinh có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba so với trước đã dẫn đến việc nam giới muốn “dính líu” nhiều hơn đến việc chi tiêu của gia đình. Trong khi đó, việc dạy dỗ con cái tuổi đi học có thể liên quan đến trình độ học vấn tốt hơn của nam giới so với nữ giới.

2 Ví dụ như nấu nướng, giặt giũ, lau dọn nhà cửa, chăm sóc trẻ nhỏ… Một vài nghiên cứu cũng có đề cập đến việc mua sắm các đồ vật có giá trị trong gia đình.

(3)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn

2. Phân công lao động trong gia đình người trả lời

Có thể nói rằng, muốn hoàn thành các công việc nhà thì cần phải có một sự nhất trí giữa các thành viên trong gia đình liên quan đến việc phân chia chúng một cách thích hợp. Tuy nhiên, việc phân công lao động này hay bị tác động bởi các quan điểm gia trưởng truyền thống, thường là dành phần ưu tiên cho nam giới. Quá trình này cũng có khả năng mang lại sự bất đồng hoặc xung đột giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là giữa các cặp vợ chồng.

Thống nhất với các kết quả nghiên cứu trước đây, số liệu thu thập được từ cuộc điều tra này tiếp tục khẳng định sự bất bình đẳng về giới trong việc phân công lao động trong gia đình. Như được trình bày tại Biểu đồ 1, gần 60% nam giới cho biết vợ của họ đảm nhận phần lớn công việc nhà, trong khi chỉ có khoảng một phần ba nói rằng họ san sẻ bình đẳng việc nhà với vợ của mình. Có rất ít ông chồng thừa nhận họ chịu trách nhiệm chính đối với công việc nhà3. Các phân tích thống kê của nghiên cứu cũng chỉ ra rằng không có bất kỳ sự liên quan nào giữa các đặc điểm nhân khẩu học của người trả lời như tuổi tác, nơi cư trú, nghề nghiệp, và trình độ học vấn tới việc họ tham gia công việc nhà như thế nào. Nam giới, mặc cho có những sự khác biệt về nhâu khẩu học, hầu hết đều ít tham gia công việc nhà hơn so với bạn đời của họ.

Biểu đồ 1. Phân công lao động trong gia đình người trả lời

Đơn vị: %

59,8

33,6

3,3 3,3

0 10 20 30 40 50 60 70

Vợ làm nhiều hơn Vợ chồng chia sẻ bình đẳng

Chồng làm nhiều hơn Người khác làm

%

Nguồn: Số liệu khảo sát của đề tài, 2012.

Một điểm đáng lưu ý được rút ra từ các cuộc phỏng vấn sâu là nam giới thường dùng từ “giúp” khi họ miêu tả việc họ tham gia công việc nhà. Các câu trả lời của họ thường là “tôi sẽ giúp bà ấy khi tôi rảnh” hoặc “tôi thường giúp vợ tôi việc nhà lúc nào cô ấy đi vắng”. Điều này gợi ý rằng rất nhiều đàn ông Việt Nam quan niệm rằng việc nhà là trách nhiệm riêng của người phụ nữ, và người phụ nữ nghĩa vụ phải hoàn thành chúng.

Còn đối với nam giới, họ có thể tham gia giúp bất kỳ khi nào và với bất kỳ việc nhà nào

3 Cần lưu ý rằng đây mới chỉ đơn giản là câu trả lời của nam giới về sự phân công lao động trong gia đình

của họ một cách chung nhất. Phần sau của bài viết này sẽ đề cập đến việc phân chia từng công việc cụ thể.

(4)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn

mà họ muốn. Trong hầu hết các trường hợp, nam giới có toàn quyền quyết định việc họ có tham gia làm các công việc nhà hay không4.

Trong các cuộc phỏng vấn sâu, nam giới hay nghiễm nhiên coi việc quán xuyến công việc nhà như là một thiên chức của người phụ nữ. Đây thường là lý do chính được các ông chồng viện ra để “biện hộ” cho việc ít tham gia lao động công việc nhà của mình.

… Công việc nhà là trách nhiệm của phụ nữ. Đấy là thiên chức của họ từ xa xưa đến nay rồi em ạ.

(PVS, nam, 53 tuổi, nông dân, Hà Nam)

… Thiên chức của người phụ nữ là làm vợ và làm mẹ. Trong đó, trách nhiệm của một người vợ là yêu thương chồng mình và quán xuyến các công việc nhà, còn trách nhiệm của một người mẹ là nuôi dưỡng và chăm sóc con cái.

(PVS, nam, 52 tuổi, cán bộ nhà nước, Hà Nội) Quan điểm này được củng cố bởi truyền thống gia trưởng phong kiến vốn tồn tại dai dẳng ở Việt Nam trong suốt hàng nghìn năm qua. Tục ngữ Việt Nam có câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Theo đó, nam giới được trông đợi sẽ xây dựng cho gia đình mình một ngôi nhà để trú ẩn - một vai trò mang tính cụ thể, rõ ràng và có điểm dừng;

trong khi trách nhiệm của người phụ nữ là duy trì tổ ấm - một vai trò mang tính tình cảm, trừu tượng và liên tục (Brickell, 2013). Trong tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước”, Ăngghen ([1884] 1972) đã đưa ra luận điểm rằng phụ nữ sẽ được giải phóng khỏi công việc nhà một khi có những điều kiện kinh tế - xã hội nhất định. Đó là sự tham gia của toàn bộ nữ giới vào lao động sản xuất xã hội, là sự chuyển dịch của các công việc nhà thành một ngành công nghiệp xã hội, và sự xã hội hóa chức năng chăm sóc và giáo dục trẻ em của gia đình. Tuy nhiên, nếu xã hội Việt Nam và cụ thể là nam giới Việt Nam vẫn nhìn nhận thiên chức tự nhiên của người phụ nữ là đảm trách các công việc nhà thì sự bất bình đẳng giới trong xã hội sẽ tiếp tục được duy trì, và khi đó thì sự nghiệp giải phóng phụ nữ xem chừng vẫn còn rất gian nan.

3. Phân công các công việc nhà cụ thể trong gia đình người trả lời

Có thể nói, công việc nhà thường bao gồm rất nhiều việc nhỏ khác nhau trong gia đình. Khi thực hiện nghiên cứu này, tác giả đưa ra một danh sách gồm 15 công việc nhà (xem Bảng 1). Chín công việc đầu tiên được liệt kê trong bảng này đề cập trực tiếp đến những việc nội trợ hằng ngày như: nấu nướng, dọn dẹp, giặt giũ…; trong khi đó, sáu công việc còn lại không phải là việc nội trợ, nhưng chúng lại là những công việc được thực hiện trong gia đình, ví dụ như: sửa chữa vặt trong nhà, dọn dẹp nơi thờ tự, thờ cúng tổ tiên, hay tham gia sinh hoạt cộng đồng…

4 Đôi lúc, nam giới Việt Nam thậm chí còn được ngợi khen vì biết chia sẻ việc nhà với vợ của mình trong khi xã hội lại xem việc phụ nữ quán xuyến công việc gia đình là một điều hết sức bình thường (Phùng Thị Kim Anh, 2010).

(5)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn Bảng 1. Phân công các công việc nhà cụ thể trong gia đình người trả lời

Đơn vị: % Vợ làm là

chính

Vợ chồng san sẻ bình đẳng

Chồng làm là chính

Người khác làm

là chính

Tổng

1. Quét dọn/Lau chùi/Hút bụi 68,0 18,0 4,9 9,0 100

2. Đổ rác 62,3 13,1 11,5 13,1 100

3. Mua thực phẩm 88,5 6,6 2,5 2,5 100

4. Sơ chế thực phẩm/Nấu nướng 74,6 17,2 2,5 5,7 100

5. Rửa bát đĩa 70,5 8,2 2,5 18,8 100

6. Giặt quần áo 63,1 18,9 1,6 16,4 100

7. Phơi và là ủi quần áo 71,9 12,4 1,7 14,0 100

8. Khâu vá quần áo 89,3 2,5 8,2 100

9. Mua quần áo mới 71,3 24,6 3,3 0,8 100

10. Sửa chữa vặt trong nhà 4,1 93,4 2,5 100

11. Sửa chữa ô tô/xe máy của nhà 0,8 81,1 18,0 100

12. Rửa ô tô/xe máy của nhà 2,5 1,6 63,9 32,0 100

13. Tham gia sinh hoạt cộng

đồng/họp thôn/họp tổ dân phố 1,6 35,2 63,1 100

14. Dọn dẹp bàn thờ/nơi thờ tự 20,5 18,0 57,4 4,1 100

15. Thờ cúng, lễ bái tổ tiên 19,7 27,9 50,8 1,6 100

Nguồn: Số liệu khảo sát của đề tài, 2012.

Hai điểm đáng lưu ý có thể được rút ra từ Bảng 1. Thứ nhất, bất kỳ công việc nào trong danh sách 15 công việc được liệt kê cũng đều có sự tham gia, dù ít hay nhiều, của cả người chồng và người vợ. Thứ hai, số liệu tiếp tục khẳng định vai trò của người vợ trong việc đảm nhiệm các công việc nhà. Trên 50% số người trả lời cho biết “vợ làm là chính” đối với chín công việc đầu tiên, trong khi đó, nam giới chỉ phải chịu trách nhiệm chính cho sáu công việc còn lại (thường không phải là những việc hàng ngày). Nếu xét về số lượng cũng như mức độ thường xuyên của công việc thì có thể thấy sự không công bằng trong phân chia công việc nhà cũng như sự bất bình đẳng về giới trong gia đình của người trả lời.

3.1. Các công việc phụ nữ thườ g đảm nhiệm chí h tro g gia đì h

Số liệu trong Bảng 1 cho thấy, năm công việc nhà mà phụ nữ đảm trách nhiều nhất theo thứ tự là: khâu vá quần áo (89,3%), mua thực phẩm (88,5%), nấu ăn (74,6%), phơi và là ủi quần áo (71,9%), và mua quần áo mới (71,3%). Sự tham gia của nam giới vào các hoạt động này khá hạn chế. Chỉ có dưới 5% nam giới cho biết họ đảm trách chính các công việc này trong gia đình. Số liệu này tiếp tục khẳng định lại các kết quả nghiên cứu định lượng khác rằng phụ nữ vẫn là người chịu trách nhiệm chủ yếu cho các công việc nội trợ và chăm sóc gia đình (Knodel và cộng sự, 2005;

Teerawichitchainan và cộng sự, 2010; Vũ Mạnh Lợi và cộng sự, 2013). Hơn thế nữa, do hầu hết các công việc này đều phải được thực hiện hằng ngày, trong khi các công việc mà nam giới hay đảm trách lại không diễn ra thường xuyên, liên tục, nên tổng

(6)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn

lượng thời gian mà phụ nữ dành cho công việc nhà thường sẽ cao hơn rất nhiều so với lượng thời gian đó của nam giới.

Đa phần nam giới tham gia phỏng vấn sâu cho biết họ chưa bao giờ tự khâu vá hay sửa chữa quần áo vì “khâu vá thêu thùa vẫn là việc riêng của đàn bà con gái từ trước đến giờ” (PVS, nam, 54 tuổi, thợ điện, Hà Nam). Tương tự, một ông chồng đến từ Hà Nội khăng khăng rằng mình chưa bao giờ phải suy nghĩ về việc khâu vá quần áo vì phụ nữ trong gia đình anh ta luôn làm việc này. Bên cạnh công việc may vá, nam giới cũng cho biết họ hạn chế đi mua thực phẩm ở chợ vì họ không biết “giá cả chính xác như thế nào để mặc cả không bị hớ” (PVS, nam, 30 tuổi, nhân viên IT, Hà Nội); và “phụ nữ thường nắm rõ giá cả nên họ mặc cả tốt hơn cánh đàn ông” (PVS, nam, 40 tuổi, công chức, Hà Nam). Một số nam giới còn cho rằng việc đi chợ mua thực phẩm và mặc cả có thể khiến họ mất đi vẻ nam tính: “Chỉ phụ nữ mới mặc cả khi mua sắm. Còn đàn ông là phải hào sảng, rộng lượng, lo cho công to việc lớn chứ mấy ai lại đi mặc cả mớ rau con cá ngoài chợ” (PVS, nam, 52 tuổi, công chức, Hà Nội).

Người Việt Nam có câu “Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp”. Do đó, nấu ăn cũng là một trong những công việc nhà mà phụ nữ thường phải chịu trách nhiệm chính trong gia đình. Hơn thế nữa, nghiên cứu này chỉ ra rằng dường như có mối liên hệ giữa nơi ở của người trả lời và sự phân chia công việc nấu ăn trong gia đình5. Nam giới ở nông thôn có vẻ như ít tham gia vào nấu nướng so với nam giới đô thị. Hơn 90% người trả lời tại Hà Nam cho biết vợ của họ đảm trách chính việc nấu ăn, trong khi số liệu này ở Hà Nội chỉ khoảng 65%. Trong số tất cả nam giới được phỏng vấn tại Hà Nội, có duy nhất một người (36 tuổi, là cán bộ đang công tác tại một phường của Hà Nội) cho biết mình là đầu bếp chính của gia đình. Anh khẳng định rằng mình có thể làm mọi công việc nội trợ và luôn giúp vợ mỗi khi cô ấy quá bận hoặc ốm.

Trong các cuộc phỏng vấn, một số nam giới, đặc biệt là những người ở Hà Nội, có đề cập đến việc các đồ gia dụng điện tử như nồi cơm điện, bếp ga, lò vi sóng… đã giúp họ rất nhiều trong việc chia sẻ công việc nhà với vợ. Ví dụ như, nam giới thường hay nhắc đến việc nấu cơm bằng nồi cơm điện (đặt nồi cơm) như là đóng góp của họ vào việc nấu ăn cho cả gia đình. Rất tiếc là số liệu từ nghiên cứu này không thể đo lường được liệu việc sử dụng đồ điện gia dụng có làm giảm thời gian nam giới tham gia vào nội trợ hay không. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng việc sử dụng đồ điện gia dụng có ảnh hưởng phần nào tới sự phân công lao động theo giới trong gia đình, ít nhất là đối với những gia đình có hoặc không có máy giặt. Căn cứ vào Bảng 1 có thể thấy, “giặt giũ”

đứng thứ tám trên tổng số chín công việc nhà mà phụ nữ đảm trách nhiều hơn nam giới.

Tuy nhiên, phụ nữ ở nông thôn được cho biết là tham gia công việc này nhiều hơn so với phụ nữ ở đô thị. Điều này có thể hiểu đơn giản là do máy giặt được sử dụng phổ biến ở đô thị hơn so với nông thôn6. Gần một nửa (41,2%) số nam giới được khảo sát tại Hà Nội cho biết họ chia sẻ bình đẳng công việc giặt giũ với vợ mình, trong khi hầu như tất cả

5 Chi-square value = 21.261; df = 2; p value < 0.001; Pearson’s r = - 0.229.

6 Kết quả của cuộc điều tra Mức sống Hộ gia đình Việt Nam năm 2012 chỉ ra rằng 48,1% số hộ gia đình tại

đô thị sở hữu máy giặt so với chỉ 11,5% số hộ ở nông thôn (Tổng cục Thống kê, 2013: 287).

(7)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn

(94,1%) người được phỏng vấn tại Hà Nam nói rằng vợ của họ đảm nhiệm chính công việc này7.

Nhà có máy giặt nên đồ của ai bẩn thì người ấy tự giặt thôi. Thường thì hai bác giặt chung để tiết kiệm điện nước chứ giặt riêng thì tốn lắm. Nói chung là ai có nhiều đồ cần giặt hơn thì người ấy sẽ giặt luôn.

(PVS, nam, cán bộ nhà nước đã nghỉ hưu, Hà Nam) Tuy nhiên, ở vùng nông thôn, các gia đình ít có điều kiện để mua và sử dụng máy giặt, do đó quần áo thường được giặt bằng tay. Công việc giặt giũ khi đó khá vất vả và tốn nhiều thời gian. Phụ nữ nông thôn tiếp tục là người đảm nhiệm chính công việc này trong gia đình mình. Qua các cuộc phỏng vấn với nam giới nông thôn, một nhận xét được rút ra là giặt giũ là một trong các công việc nhà ít được nam giới làm nhất. Một số người trả lời cho biết họ sẵn sàng chia sẻ bất kỳ công việc gì với vợ mình, ngoại trừ giặt giũ, ngay cả khi nhấn mạnh rằng cần phải có sự bình đẳng giữa nam và nữ:

Chú cũng hay giúp cô nhà chú việc nhà lắm. Vợ chồng thì phải bình đẳng chứ.

Nhưng có mỗi việc giặt quần áo thì chú không thích dính vào. Có mỗi hai vợ chồng ở nhà nên cũng chẳng có nhiều nhặn gì đồ. Quần áo bẩn mỗi lần tắm xong chú cứ để đấy, cô ấy tắm sau rồi giặt luôn.

(PVS, nam, 53 tuổi, nông dân, Hà Nam) Tóm lại, mặc dù phụ nữ vẫn chịu trách nhiệm chính đối với hầu hết những công việc nhà mang tính chất thường xuyên, lặp đi lặp lại, nam giới có thể sẽ chia sẻ bớt phần nặng nhọc của những công việc này nếu có sự hỗ trợ của các đồ điện gia dụng. Một điểm đáng lưu ý khác ở đây là sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nam giới ở nông thôn và đô thị trong việc họ tham gia nấu nướng và giặt giũ trong gia đình. Người trả lời tại Hà Nam có vẻ như hay lảng tránh các công việc này hơn so với người trả lời ở Hà Nội. Điều này gợi ý rằng sự phân biệt mang tính truyền thống về giới đối với các công việc nhà có vẻ như vẫn còn tồn tại khá dai dẳng tại các vùng nông thôn hơn là ở các vùng đô thị.

3.2. Các công việc nam giới thườ g đảm nhiệm chí h tro g gia đì h

Tất cả nam giới tham gia trả lời phỏng vấn sâu đều khẳng định rằng mình có thể làm bất kỳ công việc nhà nào. Hai người trả lời ở Hà Nam thậm chí còn cho rằng mình

“có thể nấu ăn ngon hơn” vợ; trong khi một số người trả lời khác thì nói rằng họ thường cho con ăn, hoặc họ rất thích mỗi khi được tắm cho con. Tuy nhiên, nghiên cứu này nhận thấy rằng sự tích cực trong thái độ/quan niệm/khả năng tham gia của nam giới vào các công việc nhà không tỷ lệ thuận với khối lượng công việc mà họ thực sự đảm trách. Các ông chồng có thể cho rằng mình nấu ăn ngon hơn vợ, nhưng các ông chỉ nấu “trong những dịp đặc biệt như là lễ Tết hoặc đám giỗ” (PVS, nam, 54 tuổi, thợ thủ công, Hà Nam). Các ông bố có thể cho con ăn hoặc tắm cho con nhưng tần suất tham gia vào những công việc này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Ví dụ như, “chiều nào mà

7 Chi-square value = 20.384; df = 2; p value < 0.001; Pearson’s r = - 0.385.

(8)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn

mình rảnh thì mình sẽ đi đón bọn nhóc rồi tắm cho nó luôn” (PVS, nam, 30 tuổi, buôn bán nhỏ, Hà Nội). Điều này tiếp tục nhấn mạnh nhận định là nam giới có nhiều ưu thế hơn nữ giới trong việc quyết định công việc nhà nào cũng như khối lượng công việc nhà mà họ muốn tham gia.

Mặc dù nam giới cho biết họ không tham gia công việc nhà nhiều như vợ của mình, tuy nhiên vẫn có một số công việc đặc thù mà nam giới sẽ chịu trách nhiệm chính. Nghiên cứu của Vũ Mạnh Lợi và cộng sự (2013) chỉ ra rằng nam giới thường đảm trách việc sửa chữa vặt trong nhà, ví dụ như sửa chữa/thay thế đồ điện, đồ gỗ, hoặc đường ống nước. Rất hiếm khi phụ nữ tham gia vào các công việc này. Kết quả tương tự cũng được tìm thấy trong nghiên cứu này khi mà đa số các ông chồng cho biết họ thường giữ vai chính trong việc thực hiện các công việc liên quan đến sửa chữa vặt trong nhà hoặc duy trì quan hệ với cộng đồng/thôn xóm. Từ Bảng 1 có thể thấy năm công việc mà nam giới phụ trách chính trong gia đình mình bao gồm sửa chữa vặt trong nhà (93,4%), sửa chữa ô tô/xe máy của nhà (81,1%), rửa ô tô/xe máy của nhà (63,9%), tham gia sinh hoạt cộng đồng/họp thôn/họp tổ dân phố (63,1%), và dọn dẹp bàn thờ/nơi thờ tự (57,4%).

Có thể thấy rằng, sự phân biệt giới trong việc thực hiện các công việc nhà được thể hiện một cách rõ nét nhất thông qua sự phân công việc sửa chữa vặt trong nhà giữa vợ và chồng. Tất cả nam giới tham gia trả lời phỏng vấn sâu đều nhấn mạnh rằng họ có thể làm bất kỳ việc nhà nào, trong khi đó vợ của họ lại không thể sửa chữa vặt trong nhà được.

Theo cánh nam giới, các công việc ví dụ như thay bóng đèn, cầu chì, sửa đồ gỗ, nối ống nước, v.v…, là vượt ngoài khả năng của vợ mình:

Chẳng có việc gì bà ấy làm được mà chú không làm được cả. Thực ra thì mình có thể nấu ăn không ngon bằng hoặc vá cái quần không khéo bằng, nhưng mình vẫn làm được. Ngược lại thì bà ấy chưa bao giờ động đến mấy việc sửa chữa linh tinh trong nhà cả. Đến thay cái bóng đèn bà ấy còn chẳng biết nữa là.

(PVS, nam, 47 tuổi, thợ mộc, Hà Nam) Đối với nhiều nam giới, phụ nữ thường “không biết gì về điện đóm” (PVS, nam, 53 tuổi, nông dân, Hà Nam) và “không cẩn thận, kỹ lưỡng như đàn ông để làm mấy việc sửa chữa trong nhà” (PVS, nam, 52 tuổi, nông dân, Hà Nam). Đàn ông thường được coi là

“khỏe mạnh hơn, lanh lẹ hơn và cẩn thận hơn” phụ nữ nên họ sẽ “làm những việc này tốt hơn” (PVS, nam, 26 tuổi, viên chức, Hà Nội). Một nam giới khác đến từ Hà Nội chia sẻ:

Đàn ông như anh em mình là phải biết sửa chữa vặt trong nhà. Không nói đến mấy việc như là lắp điện hay lắp ống nước, mấy việc này dành cho thợ rồi. Đàn ông trong nhà phải làm được mấy việc đơn giản hơn như là thay bóng tuýp, thay cầu chì, hay là thông tắc cống. Ở nhà em thì có mình em làm được mấy việc này thôi.

(PVS, nam, 30 tuổi, nhân viên IT) Bên cạnh sửa chữa vặt trong nhà, một công việc khác cũng được hơn hai phần ba nam giới cho biết phải đảm trách chính là đại diện gia đình tham gia sinh hoạt cộng đồng, ví dụ như các buổi họp thôn hoặc họp tổ dân phố. Kết quả phân tích từ các cuộc phỏng

(9)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn

vấn sâu chỉ ra rằng nam giới thường xuyên đại diện gia đình tham gia các hoạt động này.

Tại các buổi họp thôn/họp tổ dân phố, người tham dự sẽ được phổ biến về đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoặc bàn bạc những vấn đề liên quan đến cộng đồng8. Theo giải thích của một nông dân 52 tuổi đến từ Hà Nam, phụ nữ ít tham gia họp thôn vì họ “có biết gì về chính trị đâu mà đi họp”. Ông nói thêm rằng “ngay cả khi các bà ấy đi họp thì cũng chẳng quyết được cái gì. Cái gì cũng phải về hỏi chồng rồi để chồng quyết”. Một người trả lời khác nhận xét: “Cũng có nhiều phụ nữ đi họp đấy nhưng các bà ấy hay ngại nên toàn túm tụm lại một góc, chẳng dám phát biểu gì” (PVS, nam, 42 tuổi, công chức, Hà Nam). Kết quả này gợi ý rằng phụ nữ có ít cơ hội hơn nam giới trong việc tiếp cận với các thông tin liên quan đến chính sách và pháp luật, cũng như trong việc thể hiện ý kiến, quan điểm của mình trước cộng đồng.

Theo nhận xét của Hồ Tài Huệ Tâm (2001) và Mai Huy Bích (2003), trong các gia đình truyền thống Việt Nam, nam giới và phụ nữ không chỉ có các vai trò khác nhau mà còn chiếm lĩnh những khoảng không gian khác nhau trong nhà. Đối với phụ nữ, không gian quen thuộc của họ là khu bếp hoặc là các phòng phía sau nhà. Trong khi đó, nam giới cai quản phòng khách nơi có bàn thờ/nơi thờ tự tổ tiên. Do đó, nam giới thường chịu trách nhiệm chính trong việc lau dọn bàn thờ và thờ cúng/khấn vái tổ tiên. Tập quán này dường như vẫn được duy trì cho đến ngày nay khi mà hơn một nửa số nam giới tham gia nghiên cứu này cho biết họ đảm nhiệm chính việc lau dọn bàn thờ/nơi thờ tự (57,4%) và thờ cúng, lễ bái tổ tiên (50,8%). Các phân tích thống kê của nghiên cứu không cho thấy sự liên quan giữa các đặc điểm nhân khẩu học của người trả lời như tuổi tác, nơi cư trú, nghề nghiệp, và trình độ học vấn tới việc họ tham gia hai công việc nêu trên như thế nào

Trong các cuộc phỏng vấn, một số nam giới cho biết việc giữ gìn nơi thờ tự sạch sẽ và lễ bái tổ tiên là “nghĩa vụ của người con trai có hiếu” (PVS, nam, 40 tuổi, viên chức, Hà Nam). Người trả lời nhấn mạnh thêm rằng mặc dù phụ nữ cũng có thể làm những việc này tốt không kém nam giới, nhưng nam giới vẫn cần phải đảm trách chính vì nó là “trách nhiệm truyền thống của đàn ông”. Một người trả lời khác cũng nhấn mạnh vào từ truyền thống khi miêu tả sự sắp xếp công việc này trong nhà mình:

Nó là truyền thống gia đình rồi. Như ở nhà chú thì cứ trước 23 tháng Chạp hoặc trước ngày giỗ ông bà là chú và con trai chú lo dọn dẹp bàn thờ sạch sẽ. Còn vợ và con gái chú thì lo chuẩn bị mâm cơm thắp hương, hoa quả, tiền vàng. Chú sẽ bàn biện đồ lễ lên bàn thờ rồi thắp hương lễ luôn.

(PVS, nam, 60 tuổi, hưu trí, Hà Nội) Một điểm đáng lưu ý được rút ra từ câu trả lời trên là, mặc dù nam giới có thể đảm trách chính việc lau dọn nơi thờ tự, nhưng họ cũng chỉ làm việc này vào những dịp đặc biệt, đôi lần trong năm. Trong khi đó, như đã phân tích ở phần trước, phụ nữ vẫn phải chịu trách

8

8 Trong một nghiên cứu khác, Vũ Mạnh Lợi và cộng sự (2013) lại chỉ ra rằng ở các vùng nông thôn, phụ nữ thường đại diện gia đình để đi họp thôn. Các tác giả này giải thích rằng do nam giới thường xuyên phải đi làm lụng kiếm tiền chu cấp cho gia đình nên họ ít quan tâm đến các cuộc họp thôn.

(10)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn

nhiệm chính với những công việc nhà diễn ra hàng ngày. Điều này góp phần lý giải tại sao số đầu công việc mà riêng người vợ hoặc người chồng đảm nhận có thể không quá chênh lệch nhưng thời gian phụ nữ dành cho việc nhà luôn cao hơn rất nhiều so với nam giới.

Tuy nhiên, quy định truyền thống nam giới lau dọn bàn thờ và thờ cúng, lễ bái tổ tiên không còn được tuân thủ nghiêm ngặt trong các gia đình hiện đại ngày nay. Khoảng một phần năm số người trả lời cho biết vợ của họ thường xuyên chăm lo công việc này.

“Bây giờ thì việc lễ bái tổ tiên cũng không quá câu nệ như thời xưa nên vợ hay chồng làm cũng đều thế cả” (PVS, nam, 30 tuổi, nhân viên IT, Hà Nội). Người trả lời cho biết rằng do phải dành phần lớn thời gian làm việc tại công ty nên những công việc này ở nhà đều do “một tay vợ em lo hết”. Một người trả lời khác phân trần việc mình ít lễ bái tổ tiên là do tính mê tín của vợ:

Vợ anh tín lắm, suốt ngày thấy lầm rầm khấn vái. Nhiều lúc còn mời cả thầy cũng về nhà làm lễ nữa. Anh thì chẳng biết mấy về mấy cái việc này nên cứ mặc cho chị làm gì thì làm.

(PVS, nam, 42 tuổi, công chức, Hà Nội) 4. Bình luận

Kết quả của nghiên cứu này tiếp tục khẳng định sự phân công lao động theo giới mang tính chất truyền thống trong các gia đình Việt Nam. Phụ nữ vẫn là những người chịu trách nhiệm chính đối với các công việc nội trợ trong nhà như nấu nướng, giặt giũ, rửa chén bát, đi chợ, v.v… Gần 60% số người trả lời cho biết rằng vợ của họ làm phần lớn các công việc này trong gia đình. Các phân tích thống kê của nghiên cứu cũng không cho thấy sự liên quan giữa các đặc điểm của người trả lời như tuổi tác, nơi cư trú, nghề nghiệp, và trình độ học vấn tới việc họ tham gia công việc nhà như thế nào. Nam giới, mặc cho có những sự khác biệt về nhâu khẩu học, hầu hết đều ít tham gia công việc nhà hơn so với bạn đời của họ9. Số liệu này xác nhận kết luận của các nghiên cứu trước đây rằng phụ nữ Việt Nam là người nội trợ chính trong gia đình (Knodel và cộng sự, 2005;

Teerawichtchainan và cộng sự, 2010; Vũ Mạnh Lợi và cộng sự, 2013). Hơn nữa, nó còn chỉ ra rằng, mặc dù nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển rất đáng kể, và mặc dù Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nữ tham gia vào lực lượng lao động cao nhất thế giới10, phụ nữ Việt Nam, ít nhất là ở vùng đồng bằng sông Hồng, vẫn tiếp tục

9

9 Tuy nhiên, phân tích thống kê từ nghiên cứu này cũng cho thấy có điểm khác biệt giữa nam giới đô thị và nông thôn trong việc tham gia nấu nướng và giặt giũ, hai công việc vốn vẫn được cho là trách nhiệm truyền thống của phụ nữ. Nam giới nông thôn dường như ít đóng góp vào hai công việc này hơn so với nam giới đô thị. Điều này gợi ý rằng, trong khi sự phân công lao động dựa trên cơ sở giới trong gia đình vẫn rất phổ biến ở cả nông thôn và đô thị vùng đồng bằng sông Hồng, có vẻ như nó được tuân thủ chặt chẽ ở nông thôn hơn so với ở đô thị.

10 Khoảng 71,1% phụ nữ trong độ tuổi lao động tại Việt Nam tham gia vào lực lượng sản xuất (Tổng cục Thống kê, 2012: 7).

(11)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn

phải chịu “gánh nặng lao động kép”: lao động kiếm tiền và lao động nội trợ gia đình. Sự tiếp diễn của mô hình phân công lao động theo giới trong gia đình này thực sự rất đáng quan ngại cho phụ nữ. Khi cùng tham gia lao động sản xuất, cả phụ nữ và nam giới đều phải đối mặt với sức ép căng thẳng và đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động. Tuy nhiên, không như hầu hết nam giới, phụ nữ còn phải dành thời gian và công sức để tham gia lao động nội trợ và chăm sóc các thành viên khác trong gia đình. Kết quả là, tổng thời gian mà người phụ nữ phải tham gia lao động (cả trong gia đình và ngoài xã hội) sẽ có xu hướng tăng lên. Mặc dù nhiều nam giới thừa nhận có tham gia giúp vợ mình với một số công việc nhà, sự giúp đỡ này có vẻ như cũng không tương xứng với sự gia tăng của phụ nữ trên thị trường lao động.

Theo một số nhà nữ quyền xã hội chủ nghĩa (Folbre và Hartmann, 1989;

Hartmann, 1979, 1981; Sokoloff, 1980), chính chế độ gia trưởng phụ quyền đã tạo ra sự phân công lao động theo giới trong gia đình. Dưới chế độ này, do được đặt ở vị trí cao hơn phụ nữ nên nam giới có khả năng quản lý lao động của phụ nữ và hưởng lợi một cách cả trực tiếp và gián tiếp từ sự quản lý này (Shelton và John, 1996: 303).

Trong bối cảnh của Việt Nam, một xã hội thấm đẫm tư tưởng gia trưởng Nho giáo, phụ nữ luôn được nhìn nhận với tư cách là những người trực tiếp và chủ yếu đảm nhiệm công việc nội trợ và chăm sóc gia đình. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tư tưởng này chính là cơ sở chủ yếu để biện hộ cho việc nam giới ít tham gia đóng góp vào công việc nhà hơn nữ giới (Phạm Văn Bích, 1999; Knodel và cộng sự, 2005;

Trần Quý Long, 2008; Teerawichitchainan và cộng sự, 2010). Bài viết này chỉ ra rằng, mặc dù có những bằng chứng về sự thay đổi trong thái độ của nam giới đối với tư tưởng phong kiến Nho giáo khi mà ngày càng có nhiều nam giới tham gia phụ giúp vợ mình công việc nhà, nhưng công việc nội trợ trong gia đình, từ góc nhìn của nam giới, vẫn được nhìn nhận là không bắt buộc đối với nam giới, và bắt buộc đối với nữ giới. Ở đây, bản chất của từ giúp khi nam giới nói tham gia giúp vợ mình việc nhà có thể được hiểu là quyền lực trong việc phân công lao động trong gia đình vẫn thuộc về nam giới. Nam giới có thể lựa chọn từng công việc cụ thể và khối lượng công việc mà họ muốn tham gia trong gia đình nhưng phụ nữ không có quyền đó. Do vậy, nghiên cứu này khẳng định rằng, trong bối cảnh đồng bằng sông Hồng ngày nay, sự phân công lao động đối với công việc nhà không chỉ đơn giản là việc các thành viên trong gia đình chia sẻ việc nhà với nhau như thế nào, mà nó còn là một cách để “thực hành giới”11. Chính những quan điểm truyền thống về vai trò giới vốn đã ăn sâu bám rễ tại đồng bằng sông Hồng suốt hàng thế kỷ qua là căn cứ để củng cố cho sự phân chia lao động bất bình đẳng này. Vì lẽ đó, bất kỳ nỗ lực nào để thay đổi cách “thực hành giới” mang tính chất gia trưởng Nho giáo này cũng sẽ là một quá trình chậm chạp và đầy khó khăn.

Tuy nhiên, đã có sự thay đổi trong quan niệm của nam giới đối với việc nhà, mặc dù

11 Điều này đã được đề cập đến trong nghiên cứu ở một số nước khác (xem West và Zimmerman, 1987).

(12)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn

mới chỉ ở chừng mực nào đó. Số liệu thu thập được cho thấy nam giới đã làm việc nhà nhiều hơn, và nhiều người trong số họ cũng đã chung tay với vợ mình trong các công việc ít “nam tính” hơn. Một điểm tích cực hơn nữa là khoảng một phần ba người trả lời cho biết họ chia sẻ việc nhà bình đẳng với vợ của mình. Đây là một số liệu rất đáng lưu ý, và nó cao hơn số liệu thu thập được từ nghiên cứu trước (24%) của Priya và cộng sự (2012:

34). Trong khi sự khác nhau này có thể đến từ sự khác biệt trong phương pháp đo lường của từng cuộc nghiên cứu, hoặc đơn giản chỉ là do ngẫu nhiên, nó vẫn có thể báo hiệu một sự thay đổi tích cực trong quan niệm của nam giới đối với công việc nhà. Các nghiên cứu trong tương lai có thể cân nhắc xem đây là một giả thuyết nghiên cứu tiềm năng.

Như đã nhắc đến ở phần trước, này không loại trừ khả năng người trả lời có thể thổi phồng sự tham gia của mình vào công việc nhà với mong muốn được nhìn nhận như là những ông chồng “tích cực”, người biết cảm thông và chia sẻ công việc nhà với vợ của mình. Tuy nhiên, ít nhất thì sự thổi phồng này (nếu có) cũng phản ánh được một sự thay đổi rất đáng chú ý trong quan niệm và thái độ của nam giới. Nó chứng tỏ rằng nhiều đấng mày râu đã thừa nhận tầm quan trọng và ý nghĩa tích cực của việc xuất hiện trước mắt người khác như là một ông chồng “tích cực”. Đây là một sự thay đổi quan trọng. Nó khác biệt so với thời kỳ trước đây trong xã hội truyền thống, khi mà đàn ông

“đích thực” nhìn nhận việc tham gia công việc nhà là không “nam tính”. Ngày nay, thay vì tránh xa các công việc này, theo như đòi hỏi của các quan niệm gia trưởng truyền thống, nhiều nam giới cho biết rằng họ cũng đã tham gia đỡ đần công việc nhà cùng vợ mình. Do đó, kết quả nghiên cứu này chỉ ra rằng, tại vùng đồng bằng sông Hồng ngày nay, sự phân công lao động gia đình trên cơ sở giới, cùng với nó là các quan điểm Nho giáo truyền thống, không còn được tuân thủ một cách nghiêm ngặt và chặt chẽ như trước đây nữa.

Tài liệu tham khảo

Ăngghen, Ph. [1884] 1972. Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước. Nxb Sự thật.

Hà Nội.

Brickell, K. 2013. Towards geographies of speech: Proverbial utterances of home in contemporary Vietnam. Transactions of the Institute of British Geographers, 38: 207-220.

Đỗ Thị Bình, Lê Ngọc Văn và Nguyễn Linh Khiếu. 2002. Gia đình Việt Nam và người phụ nữ trong gia đình. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội.

Folbre, N. and H. Hartmann. 1989. The persistence of patriarchal capitalism. Rethinking Marx: A Journal of Economic, Culture, and Society, 2(4): 90-96.

Hartmann, H. I. 1979. The unhappy marriage of marxism and feminism: Towards a more progressive union.

Capital & Class, 3(2): 1-33.

Ho Tai Hue Tam. 2001. The country of memory - Remarking the past in late socialist Vietnam. California:

University of California Press.

Jones, N. and Tran Thi Van Anh. 2012 The politics of gender and social protection in Viet Nam:

opportunities and challenges for a transformative approach. London: Institute for Family and Gender Studies, Overseas Development Institute.

(13)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn Knodel, J., Vu Manh Loi, R. Jayakody and Vu Tuan Huy. 2005. Gender roles in the family: change and

stability in Vietnam. Asian Population Studies, 1(1): 69-92.

Mai Huy Bich. 2003. Vài nhận xét về vai trò nuôi dưỡng và dạy dỗ của người cha. Tạp chí Xã hội học, 2 (82): 13-27.

Pham Van Bich. 1999. The Vietnamese Family in Change: The Case of the Red River Delta. Surrey: Curzon Press.

Priya, N., G. Abhishek, V. Ravi, H.K. Thu, P. Mahesh, L.T. Gian, T. Jyotsna and L. Prabhat. 2012. Study on gender, masculinity and son preference in Nepal and Vietnam. New Delhi: International Center for Research on Women.

Shelton, B. A. and D. John. 1996. The division of household labour. Annual Review of Sociology, 22:

299-322.

Sokoloff, N. J. 1980. Between Money and Love: The Dialectics of Women’s Home and Market Work. New York: Praeger.

Teerawichitchainan, Bussarawan, John Knodel, Vu Manh Loi and Vu Tuan Huy. 2010. The Gender Division of Household Labour in Vietnam: Cohort Trends and Regional Variations. Journal of Comparative Family Studies, 41(1): 57-85.

Tổng cục Thống kê. 2013. Báo cáo Điều tra Lao động việc làm năm 2012. Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hà Nội.

Tổng cục Thống kê. 2013. Kết quả Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2012. Nxb Thống kê. Hà Nội.

Trần Quý Long. 2008. Lao động nội trợ của phụ nữ nông thôn và các yếu tố tác động (Nghiên cứu tại xã Phú Đa, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế). Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, 18(6): 53-65.

Vũ Tuấn Huy. 2004. Xu hướng gia đình ngày nay. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội.

Vũ Mạnh Lợi, Trịnh Thị Quang, Nguyễn Hồng Thái, Nguyễn Khánh Bích Trâm, Đặng Vũ Hoa Thạch.

2013. Phân công lao động và quyền quyết định trong gia đình nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, 23(1): 3-16.

Tài liệu tham khảo

Tài liệu liên quan