• Không có kết quả nào được tìm thấy

BỘ MÁY CHÍNH QUYỀN CỦA NGƯỜI PHÁP Ở LẠNG SƠN CUỐI THẾ KỈ XIX – ĐẦU THẾ KỈ XX

N/A
N/A
Protected

Academic year: 2022

Chia sẻ "BỘ MÁY CHÍNH QUYỀN CỦA NGƯỜI PHÁP Ở LẠNG SƠN CUỐI THẾ KỈ XIX – ĐẦU THẾ KỈ XX "

Copied!
6
0
0

Loading.... (view fulltext now)

Văn bản

(1)

BỘ MÁY CHÍNH QUYỀN CỦA NGƯỜI PHÁP Ở LẠNG SƠN CUỐI THẾ KỈ XIX – ĐẦU THẾ KỈ XX

Hà Thị Thu Thủy*, Đỗ Thị Hương Liên

Trường Đại học Sư phạm – ĐH Thái Nguyên

TÓM TẮT

Cuối thế kỉ XIX, sau khi cơ bản hoàn thành xâm lược, người Pháp đã tiến hành ngay việc xây dựng chính quyền từ trung ương đến địa phương và coi đây là công cụ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chính sách khai thác thuộc địa ở Việt Nam. Bộ máy chính quyền mới cùng với chính sách khai thác thuộc địa đã ảnh hưởng đa chiều đối với kinh tế - xã hội Việt Nam. Trong đó địa bàn đô thị là nơi phản ánh sinh động những ảnh hưởng này. Trường hợp đô thị Lạng Sơn là một điển hình của khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam.

Từ khóa: Chính quyền, người Pháp, Lạng Sơn, cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX

ĐẶT VẤN ĐỀ*

Từ cuối thế kỉ XIX, nhất là sau khi triều đình Huế kí với Pháp hiệp ước Hácmăng (1883) và Patơnốt (1884), thực dân Pháp về cơ bản đã hoàn thành công cuộc bình định Việt Nam về mặt quân sự. Ngày 22-3-1897, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã đưa ra dự án chương trình hoạt động, nhằm biến Đông Dương (chủ yếu là Việt Nam) thành thuộc địa khai khẩn bậc nhất, đảm bảo siêu lợi nhuận cao nhất cho đế quốc Pháp, đã được Jean Chesneaux đánh giá như sau: “Chính ông (Paul Doumer) đã đưa chế độ thuộc địa từ giai đoạn kinh nghiệm chủ nghĩa hầu như

“thủ công” sang giai đoạn tổ chức hệ thống.

Chính ông đã tạo dựng bộ máy thống nhất về bóc lột tài chính và đàn áp chính trị trong thực tế sẽ được duy trì nguyên vẹn đến tận 1945” [1; tr.98]. Trên cơ sở đó, việc làm đầu tiên của Paul Doumer sau khi sang Việt Nam là tiến hành thiết lập bộ máy hành chính cai trị chặt chẽ từ trung ương đến địa phương, đồng thời thực hiện triệt để chính sách “chia để trị” và “dùng người Việt trị người Việt”

nhằm phục vụ kịp thời và đắc lực cho công cuộc khai thác, thống trị lâu dài ở Việt Nam nói chung và Bắc Kỳ nói riêng, trong đó có Lạng Sơn.

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

Sự hình thành chính quyền của người Pháp ở Lạng Sơn

*Tel: 0912 804549; Email: hathuyduc2002@gmail.com

Tính đến năm 1925, về cơ bản thực dân Pháp đã thực hiện xong chính sách bình định tại Bắc Kỳ nói chung và Lạng Sơn nói riêng, trong đó thực dân Pháp dùng mọi thủ đoạn đàn áp bằng quân sự, thực hiện âm mưu chia rẽ dân tộc, kết hợp với chính sách bóc lột về kinh tế nhằm làm cho nhân dân ta suy yếu, nghèo nàn về kinh tế và lạc hậu về chính trị để dễ bề thống trị lâu dài. Bên cạnh Trung Kỳ và Nam Kỳ, ở Bắc Kỳ có cơ quan cai trị cao nhất là Phủ Thống sứ, do Thống sứ người Pháp đứng đầu và một Hội đồng Bảo hộ giúp việc [1; tr.98].

Trên cơ sở đó Toàn quyền Đông Dương De Lanessan cho rằng: Việc bình định xứ Bắc Kỳ chỉ có thể thực hiện được nếu quyền hành chính và quân sự đều được tập trung vào trong tay một người. Để thực hiện chính sách vừa bình định vừa chiếm đóng, ngay từ năm 1888, thực dân Pháp chia địa bàn miền Bắc thành 14 quân khu (Resgions militaires), mỗi quân khu do một viên sĩ quan cao cấp trực tiếp chỉ huy. Đến ngày 6-8-1891, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định bãi bỏ các quân khu và cho thiết lập các đạo quan binh (Terriitoires militaires) [2; tr.18], đây là hình thức đặc biệt trong bộ máy thống trị của thực dân Pháp ở miền Bắc Việt Nam thời kì này.

Theo đó, đạo quan binh được tổ chức ngang với đơn vị cấp tỉnh, có Hội đồng hàng tỉnh như các tỉnh dân sự, những đạo quan binh đó lại được chia thành khu đặt dưới quyền của

(2)

Tư lệnh với đầy đủ quyền hạn ngang với Công sứ hoặc Phó Công sứ và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thống sứ Bắc Kỳ [2; tr.12].

Theo Nghị định ngày 5-8-1896, của Toàn quyền Đông Dương, các đạo quan binh được quy định như sau: Đạo quan binh thứ nhất có trụ sở đặt ở Lạng Sơn gồm các khu Lạng Sơn, Móng Cái và Yên Thế; Đạo quan binh thứ hai có trụ sở đặt ở Cao Bằng gồm các khu Cao Bằng, chợ Mới (tỉnh Bắc Kạn); Đạo quan binh thứ ba có trụ sở đặt ở Tuyên Quang gồm các khu Hà Giang, Bắc Giang và Tuyên Quang; Đạo quan binh thứ tư có trụ sở đặt ở Lào Cai gồm các khu: Lào Cai, Bắc Hà, Yên Bái, Nghĩa Lộ [3; tr.237]. Ngày 23 tháng 9 năm 1925, chính quyền thực dân Pháp đã ra Nghị định số 30431, về việc thành lập thị xã Lạng Sơn là trung tâm đô thị của tỉnh Lạng Sơn (Theo Công điện của Chánh văn phòng Phó Thống sứ Bắc Kỳ về Nghị định thiết lập Lạng Sơn - Thất Khê thành thị xã ngày 23/9/1925), Lạng Sơn trở thành thị xã của người bản địa [4; tr.2]. Song song với quá trình khai thác thuộc địa thực dân Pháp còn cho thiết lập hệ thống chính quyền phục vụ cho quá trình cai trị của thực dân Pháp, bao gồm hệ thống quan lại người Pháp và một bộ phận quan lại người Việt, cùng một bộ máy cai trị toàn tỉnh cũng đã được thiết lập nhằm tiến hành vơ vét bóc lột nhân dân trong tỉnh.

Tại địa phận thị xã Lạng Sơn ngày nay, mặc dù Pháp đã ra Nghị định về việc thành lập thị xã Lạng Sơn, tuy nhiên, đây vẫn chưa được coi là một đơn vị hành chính riêng do nhà nước thực dân chưa cho thành lập tỉnh, Lạng Sơn vẫn có một tỉnh lỵ chung cho toàn tỉnh.

Tổ chức bộ máy chính quyền thực dân Trong hệ thống cai trị của thực dân Pháp, cấp tỉnh là cấp hành chính cuối cùng do người Pháp trực tiếp đứng đầu sau cấp Liên bang Đông Dương và cấp Sứ Bắc Kỳ. Trước hết để củng cố bộ máy hành chính từ trên xuống dưới, thực dân Pháp cho đặt ở Lạng Sơn cũng như các tỉnh lớn khác ở Bắc Kỳ một viên Công sứ Chủ tỉnh người Pháp theo Hiệp ước ngày 25/8/1883, giữa triều đình Huế với Pháp

(Traité de Hué du 25 Aout 1883) [5; tr.5], đứng đầu tỉnh và trực thuộc quyền lãnh đạo của Thống sứ Bắc Kỳ (Bắc Kỳ lúc này có 26 tỉnh, 35 đại lí và 2 thành phố (Hà Nội, Hải Phòng) [1; tr.102]. Công sứ ở Lạng Sơn sẽ thay mặt Thống sứ nắm tình hình cấp tỉnh về mọi mặt thông qua hệ thống quan lại người Việt và do Toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm. Theo Nguyễn Thế Anh, trong “Việt Nam thời Pháp đô hộ” có ghi chép lại:

“Quyền hành chính địa phương ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ ở trong tay các Thống sứ; trong phạm vi mỗi xứ các tỉnh được điều khiển bởi Công sứ (résidents de France) và Tỉnh trưởng ở Nam Kỳ (chefs de province). Nhưng đây chỉ là sự khác biệt về danh từ: khắp mọi nơi công chức người Pháp nắm quyền hành thực thụ…

các quan viên người Việt không có thực quyền, ngoài những thuộc chức của chính quyền hàng tỉnh Pháp. Các đô thị hoàn toàn thuộc quyền kiểm tra và hành chính của người Pháp” [6; tr.108].

Ngoài ra, Công sứ người Pháp chỉ kiểm soát công việc cai trị của quan lại hàng tỉnh người bản xứ mà không trực tiếp cai trị, khi thấy viên quan người Việt nào có thái độ chống đối, Công sứ có quyền chuyển viên quan đó đi nơi khác….Về mặt tư pháp, Công sứ chịu trách nhiệm xét xử các vụ án dân sự, thương mại, án tiểu hình xảy ra giữa người Âu với người Âu, người Âu với người Việt hoặc người châu Á, hay giữa người Việt với người châu Á. Về mặt tài chính, Công sứ phụ trách và kiểm soát việc thu thuế, sử dụng tiền thu thuế với sự hỗ trợ của Bố chánh người Việt [2; tr.13].

Do là địa bàn quan trọng, cửa ngõ biên giới phía Bắc nên tại thị xã Lạng Sơn, ngoài Công sứ còn có thêm viên Phó Công sứ người Pháp làm phụ tá cùng hiệp đồng cai trị. Giúp việc cho Công sứ và Phó Công sứ là Tòa Công sứ và “Hội đồng hàng tỉnh” [7; tr.236], thành phần là những người Pháp và một số quan lại người địa phương.

Bên cạnh viên Công sứ người Pháp là quan đầu tỉnh còn có hệ thống quan lại Nam triều.

(3)

Đứng đầu hàng tỉnh là Tuần phủ sau là Án sát coi việc tư pháp, Bố chính coi việc thuế khóa, mỗi châu, phủ có Tri châu hoặc Tri phủ. Mỗi tổng có Chánh tổng, Phó tổng… Các châu lỵ cũng được sắp xếp lại theo địa giới [7; tr.8].

Chính quyền thuộc địa cũng cho lập thêm phủ Cao Lộc gồm một phần đất của châu Thoát Lãng và châu Lộc Bình, bộ máy hành chính của phủ đặt ở Bản Sầm về sau chuyển về Kỳ Lừa; nhân dân ở các phố, xã ngoại vi tỉnh lị thuộc quyền của phủ Cao Lộc. Về phía bảo hộ, vì chưa có thành phố Lạng Sơn nên chưa có Đốc lí (Résident maire) [6; tr157], trên thực tế người Pháp nắm toàn quyền cai trị.

Bên cạnh đó, một hệ thống các cơ quan chuyên môn giúp việc của chính quyền thực dân ở cấp tỉnh cũng được thiết lập và đều do người Pháp đứng đầu, có trụ sở đóng tại tỉnh lỵ như: Sở Cẩm; Sở Thuế quan; Sở Kho bạc, cùng một hệ thống các nhà ga, nhà máy điện, nhà đoan, sân bay dã chiến ở Mai Pha…lần lượt được xây dựng. Các đồn lớn ở Thất Khê, Na Sầm, Đồng Đăng, Lộc Bình nhưng chủ yếu là phục vụ cho mục đích quân sự nhằm khống chế con đường số 4 và đàn áp các cuộc nổi dậy của nhân dân ta; mỗi đồn có một đại đội lính khố đỏ do một viên quan ba chỉ huy.

Để quản lí an ninh trật tự đô thị, thực dân Pháp đã cho thiết lập ở đây một hệ thống tòa án các cấp. Tỉnh Lạng Sơn có 2 tòa án là Tòa án Pháp và Tòa án bản xứ. Trong đó, Tòa án Pháp trực thuộc Viện kiểm sát tối cao và do Công sứ Chủ tỉnh làm Chủ tọa hoặc Phó Công sứ được trợ giúp bởi một thư ký thực hiện quyền hạn như một viên lục sự. Các toà bản xứ của tỉnh Lạng Sơn gồm các tòa cấp 1 có trụ sở ở mỗi phủ hoặc châu, do Tri phủ hoặc tri châu làm chủ tọa và 1 tòa cấp 2 ở thị xã Lạng Sơn do Bố Chánh hạng 2 giữ chức vụ như một Chủ tọa; ngoài ra còn có một thẩm phán dự thẩm là thương tá của tỉnh được 2 thừa phái trợ giúp [5; tr.7].

Bên cạnh đó, Pháp còn cho thiết lập lực lượng cảnh sát đặt dưới quyền hành trực tiếp của Công sứ, dưới quyền chỉ huy của một giám

binh. Để củng cố cho bộ máy chính quyền, một hệ thống nhà tù cũng được thiết lập tại thị xã Lạng Sơn, Viên Công sứ là giám đốc nhà tù, dưới có đề lao người Pháp giúp việc.

Các cơ quan cai trị

Sau khi tỉnh lỵ Lạng Sơn được hình thành, thị xã Lạng Sơn trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự của toàn tỉnh. Lấy ranh giới tự nhiên là khúc sông Kỳ Cùng chảy qua địa phận thị xã, lúc này thị xã Lạng Sơn hình thành nên hai khu vực: Một khu vực gọi là “Khu Tỉnh” bao gồm các cơ quan cai trị hàng tỉnh của thực dân Pháp và một khu vực gọi là bên “Khu Kỳ Lừa”.

Ở Tỉnh: Thực dân Pháp và phong kiến đã đặt các cơ quan cai trị sau:

Các cơ quan cai trị người Pháp: Bao gồm có Tòa Công sứ, trong đó có những viên Thông phán và Ký lục người Việt thừa hành mệnh lệnh hàng ngày, hàng giờ của Công sứ hay Phó Công sứ Pháp. Trong đó Công sứ hay Phó Công sứ là người đứng đầu tỉnh, thuộc quyền lãnh đạo trực tiếp của Thống sứ Bắc Kỳ [5; tr.5]. Ngoài ra, còn có các cơ quan chuyên môn giúp việc của chính quyền thực dân Pháp và do người Pháp đứng đầu.

Tòa Công sứ và tòa Phó Công sứ, được tổ chức theo nơi ở của Công sứ và Phó Công sứ người Pháp. Cũng giống với các tỉnh khác tại Bắc Kỳ, Tòa Công sứ tại Lạng Sơn cũng được thiết lập trên cơ sở Sắc lệnh ngày 3-2-1886 (Sắc lệnh thiết lập Phủ thống sứ Bắc Kỳ của Tổng thống Pháp). Do đó cũng có các văn phòng tương tự như các văn phòng của Phủ thống sứ, thành phần gồm có: Một văn phòng chịu trách nhiệm chung và đứng đầu là Chánh văn phòng; Phòng phụ trách những công việc của người Âu; Phòng phụ trách những công việc có liên quan đến người Việt, Phòng phụ trách về ngân sách Bắc Kỳ. Tất cả đều đặt dưới sự điều hành trực tiếp của viên Chánh văn phòng tòa Công sứ (hay Chánh văn phòng tòa Phó sứ). Đây vừa là cơ quan tổng hợp, vừa là cơ quan điều phối giúp Công sứ (hay Phó sứ) [7; tr.134].

(4)

Hội đồng hàng tỉnh (tên đầy đủ là Hội đồng Kì mục bản xứ hàng tỉnh), được thành lập chính thức theo Nghị định ngày 19-3-1913 của Toàn quyền Đông Dương, trước đó có tổ chức tiền thân, đây là nơi làm việc và hội họp của quan lại người Việt, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Công sứ và Phó Công sứ Pháp. Các ủy viên của Hội đồng hàng tỉnh là người Việt được tuyển lựa thông qua bầu cử do đoàn cử tri gồm: các Chánh tổng, Phó tổng, Tiên chỉ và Thứ chỉ, Lí trưởng, các cựu Chánh, Phó tổng thực thụ bầu ra, do Công sứ hay Phó sứ đề nghị, còn Thống sứ quyết định và nhiệm kì của các hội viên hàng tỉnh là 3 năm, tuy nhiên có thể được gia hạn [2; tr.298]. Chức năng của Hội đồng là tư vấn, góp ý với chính quyền trên tất cả các vấn đề của tỉnh như ngân sách địa phương, các công trình bảo dưỡng và xây dựng đường sá, trừ chính trị. Do đó, Hội đồng hàng tỉnh không phải là cơ quan quyền lực mà đơn thuần chỉ là cơ quan tư vấn [7;

tr.136]. Trong tài liệu « Réunions des Conseils provinciaux des provinces de Lang Son, Laokay, Nam Dinh de la session 1926 » (Cuộc họp của Hội đồng hàng tỉnh các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Nam Định năm 1926) có ghi chép khá cụ thể về nhiệm vụ của Hội đồng hàng tỉnh như sau: Phiên họp thường kì năm 1926 của Hội đồng Hàng tỉnh Lạng Sơn bàn về việc xây dựng đường sá tại Vạn Linh, Bình Gia cùng các con đường từ Thất Khê đến Pola (5km), Lộc Bình đến Chi Ma (2km)… [8; tr.1,5]. Theo báo gửi Thống sứ Bắc Kỳ, Hội đồng này ở Lạng Sơn được thành lập từ năm 1913, từ thời điểm thiết lập chế độ quyền đại diện của người bản xứ trong chính quyền các tỉnh ở Bắc Kỳ. Nhiệm kỳ 1939-1942, theo Nghị định ngày 27/01/1939 gồm có các ủy viên sau: Uỷ viên người Pháp:

Ông Drouet - Giám đốc Nhà máy Antoine Chiris; Ông Retif Auguste - nhà công nghiệp;

Uỷ viên người Việt: Ông Nguyễn Công Tý, phủ Tràng Định; Vi Lợi Hạnh, châu Thoát Lãng; Đồng Hữu Thương, châu Văn Uyên; La Hữu Lịch, châu Lộc Bình; Lương Khanh

Hương, châu Cao Lộc; Hà Văn Trai, châu Điềm He; Hoàng Đình Chương, châu Ôn;

Lâm Văn Bân, châu Bình Gia; Trần Văn Hà, châu Bằng Mạc; Nguyễn Văn Hương, châu Bắc Sơn [5; tr.7].

Dinh tư lệnh đạo quan binh: nơi ở của sĩ quan cao cấp người Pháp. Kho bạc (nhà ngân hàng) do một chủ tư bản Pháp nắm giữ. Hệ thống nhà tù (nhà đề lao) được đặt giữa Sở Cẩm và Sở Mật thám Pháp, nhà tù Lạng Sơn ở thị xã Lạng Sơn thường xuyên giam giữ hàng trăm người, cả tù chính trị và dân thường, bốn bề có tường cao, dây thép gai, dây điện, các chòi canh, chỉ để một cổng sắt ra vào. Bên trong nhà tù là xích xiềng, gông cùm.

Cơ quan cai trị người Việt: Đứng đầu chính quyền bản xứ là Tổng đốc, quản lí mọi mặt về dân sự lẫn quân sự trong địa phận mình quản lí. Bên dưới do Bố chánh hạng 1 quản lí với quyền hạn như một quyền Tuần phủ. Giúp việc cho Bố chánh là 1 thương tá, 1 thông phán và 2 hoặc 3 thừa phái [5; tr.5]. Ngoài ra còn có dinh Tổng đốc (hay Tuần phủ) là nơi ở và làm việc của tỉnh trưởng bù nhìn người Việt; Dinh Bố chánh (hay Án sát) là nơi ở và làm việc của quan chánh án bù nhìn người Việt.

Các cơ quan cai trị khác như: Sở Mật thám, gồm những trùm mật thám Pháp và một số Việt gian; Sở Cẩm (sở Cảnh sát) được đặt dưới sự chỉ huy của Chánh cẩm và Phó Chánh cẩm người Pháp, chỉ huy một số nhân viên người Việt; Trại lính Lê Dương với vài trăm lính Pháp và lính đánh thuê, được trang bị nhiều xe cơ giới và xe bọc thép; Nhà đoan (Thuế vụ) do chủ người Pháp chỉ huy một số người Việt.

Ở Kỳ Lừa: Trại lính khố xanh người Việt (lính ngụy), chuyên dùng để đàn áp các cuộc khởi nghĩa, canh giữ nhà tù và phục dịch các đạo quan binh. Trong đồn Cao Lộc thường xuyên có vài trăm lính Pháp và lính khố đỏ đóng quân dưới sự chỉ huy của sĩ quan Pháp, còn phủ Cao Lộc lại là nơi ở và làm việc của Tri phủ, quan lại người Việt, có lính cơ hay lính lệ người địa phương phục dịch [9; tr.17].

(5)

Ở cấp xã, thực dân Pháp đã rất ý thức về việc tổ chức bộ máy hành chính cấp xã đứng đầu là Lí trưởng. Chính quyền thực dân thực hiện chính sách “cải lương hương chính” để can thiệp sâu vào tổ chức quản lí cấp xã tại Bắc Kỳ, trong đó có Lạng Sơn. Tổ chức hành chính cấp xã ở Lạng Sơn chịu sự giám sát và kiểm soát tối cao của chính quyền cấp tỉnh về nhân sự cũng như mọi hoạt động của xã thông qua Hội đồng Tộc biểu [10; tr.19] cùng các ủy ban thường trực hợp thành công cụ thống trị cấp cơ sở của chính quyền thuộc địa [2; tr.20].

Tóm lại, tại một tỉnh lỵ miền núi không lớn lắm như Lạng Sơn và trên địa bàn thị xã Lạng Sơn, Pháp và triều đình phong kiến đã phải thiết lập khá dầy đặc những công cụ đàn áp, phòng thủ, nhằm bảo vệ cho dã tâm xâm lược và nô dịch lâu dài trên đất nước ta. Thông qua đội ngũ quan lại cấp tỉnh, cấp xã, chính quyền thuộc địa đã nắm mọi hoạt động của chính quyền cả về hành chính và tài chính. Với việc thiết lập bộ máy hành chính này, Pháp đã thực thi hàng loạt các chính sách quản lí tại đô thị Lạng Sơn.

KẾT LUẬN

Như vậy, tính đến cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, toàn bộ đất nước ta bị đặt dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phong kiến. Việt Nam trở thành một xã hội thuộc địa, thị xã Lạng Sơn cũng nằm trong bối cảnh chung đó.

Mặc dù Hội đồng hàng tỉnh được thiết lập nhưng thực chất không có chút quyền hạn gì mà chỉ là một tổ chức hư danh nhằm mua chuộc và an ủi tầng lớp kỳ hào ở các làng xã.

Về cơ bản thực dân Pháp nắm toàn quyền thực thi, điều khiển bộ máy chính quyền, đồng thời ra sức củng cố, kiện toàn bộ máy quyền lực. Mục đích cuối cùng của nó là nhằm phục vụ cho chính sách khai thác, bóc lột, làm giàu cho tư bản Pháp; đồng thời tuyên truyền và khuếch trương ảnh hưởng của văn minh Pháp, duy trì sự thống trị lâu dài của chủ nghĩa thực dân Pháp trên đất nước ta.

Trên cơ sở đó, thực dân Pháp bắt đầu thực hiện kế hoạch khai thác thuộc địa lần thứ nhất

(1897-1914) và lần thứ hai (1918-1929), do đó nhiều phong trào đấu tranh của nhân dân ta đã diễn ra trong giai đoạn này nhằm chống lại bộ máy chính quyền cùng các chính sách cai trị của thực dân Pháp. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, do có sự kết hợp giữa chính quyền thực dân và phong kiến cai trị, hơn thế nữa trong hệ thống cai trị của người Pháp ở cấp tỉnh không có các cơ quan tư vấn nghiên cứu, đề xuất các chủ chương cai trị mà chỉ có các phòng và nhân viên thừa hành cần thiết.

Đánh giá một cách khách quan, có thể nhận thấy, với cách tổ chức như vậy, nếu so sánh với bộ máy chính quyền phong kiến thì bộ máy cai trị của Pháp đơn giản, gọn nhẹ, chặt chẽ hơn, mang nhiều điểm tiến bộ và cũng rất khoa học. Với sự trợ giúp của bộ máy chính quyền này, Công sứ Lạng Sơn đã thực thi một loạt các chính sách quản lí về đô thị tại thị xã Lạng Sơn, như: chính sách quản lí ngân sách;

quản lí nhà đất và xây dựng đô thị; quản lí an ninh, trật tự đô thị…. Bước đầu đã đem lại những chuyển biến tích cực cho đô thị Lạng Sơn trên nhiều mặt, hơi hướng của văn minh phương Tây cũng dần hình thành.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đinh Xuân Lâm (chủ biên) (2008), Đại cương lịch sử Việt Nam (tập 2). Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 (2013), Tổ chức bộ máy các cơ quan trong chính quyền thuộc địa ở Việt Nam qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1862- 1945). Nxb Hà Nội, Hà Nội.

3. Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn (1999), “Địa chí Lạng Sơn”. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

4. Tài liệu “Nghị định cho phép thành lập một thị xã người bản xứ trong trung tâm đô thị Lạng Sơn thuộc tỉnh Lạng Sơn”, hiệu 915.9711/NĐH300Đ. Thư viện tỉnh Lạng Sơn.

5. Renseignements sur la situation politique, économique et financière de la province de la province de Lang Son (Thông tin về tình hình chính trị, kinh tế và tài chính của tỉnh Lạng Sơn) TTLTQGI, phông RST, Hồ sơ 68548.

6. Nguyễn Thế Anh (2017), Việt Nam thời Pháp đô hộ. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

7. Dương Kinh Quốc (1999), Việt Nam - những sự kiện lịch sử (1858-1918). Nxb Giáo dục, Hà Nội.

8. Réunions des Conseils provinciaux des provinces de Lang Son, Lao Kay, Nam Dinh de la

(6)

session 1926 (Cuộc họp của Hội đồng hàng tỉnh các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Nam Định năm 1926). TTLTQGI, phông RST, Hồ sơ 78526-02.

9. Ban Tuyên giáo Thị ủy Lạng Sơn (1990), Lịch sử Đảng bộ thị xã Lạng Sơn (1930 - 1954), Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

10. A.S.créations des commines aux centes urbains de That Khe et Lang Son (Quyết định về việc thành lập các xã ở trung tâm đô thị Thất Khê và Lạng Sơn). TTLTQGI, phông RST, Hồ sơ 68552.

ABSTRACT

THE FRENCH GOVERNMENT IN LANG SON IN THE LATE 19TH CENTURY AND THE EALRY 20TH CENTURY

Ha Thi Thu Thuy*, Do Thi Huong Lien University of Education - TNU

In the late 19th century after having completed their invasion in Vietnam, the French immediately proceeded with developing their governance from local to central levels, which were considered as their important tools in realizing their policy of exploiting their Vietnamese colony. The new French government and their colony-exploiting policies made multi-dimensional impacts on the socio-economic situation of Vietnam. The urban areas seemed to be the lively reflection of such impacts. Lang Son Urban Town was a typical example of the Northern mountainous areas of Vietnam.

Key words: Government, the French, Lang Son, Late 19th Century, Early 20th Century

Ngày nhận bài: 01/11/2018; Ngày hoàn thiện: 13/11/2018; Ngày duyệt đăng: 28/12/2018

*Tel: 0912 804549; Email: hathuyduc2002@gmail.com

Tài liệu tham khảo

Tài liệu liên quan

Phần a: hãy đánh dấu X vào ô trống trước ý trả lời đúng về chính sách kinh tế - xã hội mà thực dân Pháp đã thi hành ở Việt Nam trong thời gian chiến tranh thế giới