• Không có kết quả nào được tìm thấy

Bằng các chứng cứ văn hóa và lịch sử, bài báo này sẽ minh giải vật tổ của người Việt là “cá sấu” và “chim trĩ

N/A
N/A
Protected

Academic year: 2022

Chia sẻ "Bằng các chứng cứ văn hóa và lịch sử, bài báo này sẽ minh giải vật tổ của người Việt là “cá sấu” và “chim trĩ"

Copied!
23
0
0

Loading.... (view fulltext now)

Văn bản

(1)
(2)
(3)
(4)
(5)
(6)

237 ĐI TÌM VẬT TỔ (TOTEM) CỦA NGƯỜI VIỆT,

MINH GIẢI TRUYỀN THUYẾT

“CON RỒNG CHÁU TIÊN” DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA LÍ THUYẾT TOTEM Hoàng Hữu Phước Đại học Sư phạm Huế Việc xác định vật tổ của một dân tộc là tối cần thiết để giải mã các bí ẩn về tín ngưỡng, văn hóa, tư duy, môi trường sống... của dân tộc đó vào thời kì sơ khai. Tuy nhiên, vật tổ của người Việt là gì? xuất hiện từ bao giờ? ý nghĩa của nó như thế nào? vẫn là điều mà các học giả còn đang tranh cãi. Sơ loại, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng vật tổ của người Việt là: “con Rồng cháu Tiên”, “rồng”, “cá sấu”, “chim Lạc”, “chim Hồng”,

“chim trĩ”, “rắn”, “quả bầu”,... Bằng các chứng cứ văn hóa và lịch sử, bài báo này sẽ minh giải vật tổ của người Việt là “cá sấu” và “chim trĩ” . Từ việc xác định được vật tổ người Việt, bài viết sẽ phân tích một cách nhìn mới truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên dưới ánh sáng của lí thuyết vật tổ.

Từ khóa: xác định vật tổ, người Việt, cá sấu và chim trĩ, Con Rồng cháu Tiên.

1. Lí thuyết vật tổ

Vật tổ (totem) là một tín ngưỡng thần bí tối cổ mà các nhà nhân loại xã hội học cận đại còn thấy lưu hành ở các xã hội bán khai của Đông Nam Á cũng như ở châu Phi. Đạo thờ vật tổ (Totemism) một tập tục có từ thời kì các thị tộc. Thời kì này nhận thức con người còn hoang sơ, con người vẫn còn khiếp sợ sức mạnh của tự nhiên, bởi vậy nhiều thị tộc/ bộ lạc lấy một con vật nào đó coi như vật tổ của mình. Dấu tích của nó vẫn còn đến tận ngày nay, có thể thấy qua một số họ của người Hán như: Mã (Ngựa), Long (Rồng), Việt (chim Cắt), Bộc (chim Nông); một số dân tộc sinh sống trên địa bàn lãnh thổ nước ta cũng có dấu tích này như: họ Thràng (Chim Phượng) của người Khơme, họ Lò (Chim Phường hoàng đất) của người Thái, …

Năm 1900, S. Reinach đã công thức hoá Totemism bằng 12 điều có tính cách pháp điển [4], có thể kể một số điều đặc trưng của đạo thờ vật tổ Totem đáng chú ý để phân tích vật tổ của Việt tộc:

- Điều 6: Trong một số dịp long trọng, trong những cuộc lễ tôn giáo, người ta mặc bằng bộ da của một số thú vật. Ở các dân tộc còn đang sống với chế độ Totem người ta mặc da con Totem vào các dịp ấy.

- Điều 7: Các bộ lạc và cá cá nhân lấy tên mình là tên con vật Totem.

- Điều 8: Nhiều bộ lạc dùng hình ảnh những con vật làm huy hiệu trang trí vào vũ khí của họ, đàn ông thì vẽ lên mình những hình ảnh thú vật và cố định lại bằng xăm chích.

(7)

238 - Điều 12: Các thành viên của bộ lạc totem tin rằng: Họ được gắn bó với con vật totem bởi những liên lạc chung cội nguồn [3, 2005-2006].

2. Vật tổ người Việt

2.1. Con Rồng cháu Tiên - Hợp thể bị “hiểu nhầm” là vật tổ người Việt

Đầu tiên, phải khẳng định, vật tổ người Việt là một phức thể hai linh vật, chứ không phải một như các dân tộc khác. Kết hợp thể Rồng - Tiên đã có đi vào tâm thức người Việt, người Việt luôn tự hào xưng là “con Rồng cháu Tiên”. Tác giả Nguyễn Công Thuần đã viết tại cước chú số 4: "Vật tổ của Việt Nam là phức thể Con Rồng cháu Tiên.

Rõ ràng, tác giả Nguyễn Công Thuần đã nhầm phức thể Con Rồng cháu Tiên là vật tổ. Nếu quả thật có cái gì đó dính dáng đến khái niệm “vật tổ” trong cái thành ngữ bốn tiếng này thì đó chỉ là “Rồng” và “Tiên” mà thôi. Còn con Rồng cháu Tiên thì chính là chúng ta ngày nay.

Vậy “Rồng” và “Tiên” có phải là vật tổ của người Việt?

Theo quan điểm của các nhà Totem học và nhân loại học: “khi một xã hội thị tộc phát triển đến một giai đoạn nhất định nào đó thì người nguyên thủy bắt đầu tìm hiểu về cội nguồn thị tộc của họ. Ở thời kỳ tri thức loài người còn ở mức độ nhất định chưa phân biệt được ranh giới giữa xã hội loài người với thiên nhiên vạn vật muôn loài, họ cho thiên nhiên có những sức mạnh kỳ bí, nên cho rằng thị tộc có một quan hệ huyết thống mật thiết với một động vật hoặc thực vật nào đó, với mục đích là cầu mong sự che chở, có được sức mạnh của vật tổ” [6].

Theo Frazer, trong tác phẩm “Tục Totem và chế độ ngoại hôn” (Totemism and Exogamy) đã bổ sung một nội dung rất quan trọng nữa của tục thờ vật tổ: Totem bao giờ cũng là đại diện cho một loại, động vật hay thực vật, hiếm hơn là một hạng tĩnh vật, hiếm hơn nữa là những đồ vật do con người chế tạo ra [4]. Chắc chắn hai hình tượng này được người đời sau huyền thoại hóa (chúng tôi sẽ có chứng minh). Vấn đề của các nhà nghiên cứu Totemism là tìm ra vật tổ đích thực sau lớp màn huyền thoại kia.

Từ kết luận trên, chúng ta thấy rằng vật tổ phải là những đại diện của thiên nhiên, gần gũi với đời sống dân cư bản địa, có sức ảnh hưởng lớn đến con người thời kì sơ khai nhất.

Giả thiết về “Rồng” là vật tổ của người Việt thời cổ đại khó có thể chấp nhận. Bởi lẽ:

- Rồng là linh vật không có thật, mà là sự tưởng tượng, chắp nối từ nhiều loại động vật khác. Hình tượng này khó có thể phù hợp với tư duy con người thời thượng cổ.

- Việc Rồng có xuất xứ từ nền văn hóa phương Nam vẫn còn đang tranh cãi (D.V.

Deopik, N. I. Niculin, Trần Ngọc Thêm, Nguyễn Ngọc Thơ là người đưa ra giả thiết Rồng

(8)

239 phương Bắc là kết quả của quá trình du nhập văn hóa phương Nam). Tuy nhiên, cổ sử ghi lại: thời Đế Thuấn (kết thúc năm 2598 TCN) có ông Đổng Phụ thuần dưỡng Rồng rất giỏi, được phong cho cái họ là “Mông Long thị”. Trong khi đó, nước ta lập quốc từ thời Lạc Long Quân, hình tượng Rồng cũng mới xuất hiện trong văn tịch cổ thời kì này, điển tích cổ nhất nhắc đến Rồng là: “Vua Kinh Dương (thế kỷ VII TCN) Vương lấy bà Long Nữ (giống Rồng), con gái chúa Động Đình Hồ, sinh ra Sùng Lãm tức Lạc Long Quân”. Nghĩa là hình ảnh con Rồng đối với người Việt được nhắc đến chính là mẹ của Lạc Long Quân, cách con Rồng của phương Bắc sau gần 1800 năm.

Về bằng chứng khảo cổ học, di chỉ Tây Thủy Pha tỉnh Hà Nam TQ có hình tượng Rồng trong một ngôi mộ niên đại cách nay 5000 năm, còn Rồng của người Việt được các nhà khảo cổ tìm thấy sớm nhất là hình khắc trên tấm che ngực bằng đồng của các chiến binh, được làm từ thời Bắc thuộc, cách con Rồng Trung Quốc 3000 năm về trước.

Chính vì vậy, ta có thể nhận định, Rồng chưa hẳn đã có nguồn gốc bản xứ và gắn bó với đời sống tinh thần người Việt cổ.

Còn về vật tổ “Tiên”:

Sở dĩ có câu thành ngữ: “Con Rồng cháu Tiên” bởi theo cổ sử chép: Đế Minh lấy bà Vụ Tiên (giống Tiên) sinh ra Lộc Tục, cho làm vua phương Nam, tức Kinh Dương Vương.

Vua Kinh Dương Vương lấy bà Long Nữ (giống Rồng), con gái chúa Động Đình Hồ, sinh ra Sùng Lãm [2,15] tức Lạc Long Quân (là con Rồng, cháu Tiên - vì theo họ mẹ và bà ngoại, thời đó theo chế độ mẫu hệ).

Tuy nhiên, Tiên không thể là vật tổ được, bởi các lí do sau:

- Tiên (hiểu theo nghĩa là tên riêng, lấy từ từ “Vụ Tiên”) càng không phải là vật tổ, vì đó là tên người, hơn nữa, nó có nguồn gốc ngoại lai (người Hán).

- Tiên (hiểu theo nghĩa là một lực lượng thần kì) thì không phải là một loại, động/ vật, hay tĩnh/ đồ vật.

- Tiên không thể là hình ảnh gắn bó với người Việt thời bộ lạc, bởi vì Tiên là thành quả của quá trình tư duy con người, hoàn toàn là do tưởng tưởng tượng, không dựa trên nhân vật có thật (như “Thánh”). Chính vì vậy, Tiên phải là sản phẩm quá trình tư duy cấp cao, khi con người thoát ra khỏi mông muội và độc lập tương đối với tự nhiên, có ý thức sử dụng sức mạnh của con người để cải tạo tự nhiên.

Theo tác giả Bùi Anh Tuấn trong Một số hình thức tôn giáo nguyên thủy [7] phổ biến trong lịch sử và dấu ấn của nó trong tôn giáo hiện đại, con người trải qua năm hình thức tôn giáo nguyên thủy là: Tô tem giáo, Bái vật giáo, Ma Thuật giáo, Sa man giáo và Vật linh giáo.

(9)

240 Totem giáo là hình thức sơ đẳng nhất, xuất hiện vào thời kì bộ lạc là sự thể hiện tin vào mối liên hệ gần gũi, huyết thống giữa một nhóm người với một loài động vật, cây cỏ, đồ vật.

Sa man giáo xuất hiện cuối chế độ thị tộc, quan niệm có thế giới trần tục và thế giới siêu nhiên, giữa con người với thần tiên, ma quỷ. Về vấn đề cuối chế độ thị tộc xuất hiện các lực lượng siêu nhiên (thần tiên, ma quỷ) cũng trùng với những nghiên cứu của các nhà Folklore học, nhận định rằng thời gian này xuất hiện truyện cổ tích, dẫn đến xuất hiện các hình ảnh về ông Tiên, bà Tiên.

Điều đó có nghĩa là khi những lực lượng thần kì này xuất hiện thì con người nguyên thủy đã trải qua thời kì bộ lạc (thời kì người ta vẫn còn ở hình thức sùng bái vật tổ), vậy nên, Tiên không thể là vật tổ người Việt.

2.2. Vật tổ cá sấu

Theo điều 12, dẫn trong công trình Vật tổ và cấm kị của S. Freud: về mối liên hệ giữa con vật totem và những liên lạc chung cội nguồn [3, 2011], chúng tôi sẽ đưa ra một số minh chứng để nhìn nhận một mối liên hệ giữa cá sấu và Lạc Long Quân (tổ phụ Việt tộc):

2.2.1 Các chứng cứ ngôn ngữ học

Tầm nguyên ngữ nghĩa của địa danh Giao Chỉ (交趾) sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa vật biểu “Rồng” của Việt tộc. Bởi trong chữ Giao long (蛟龍), chữ “Giao” ở đây là danh từ riêng (交), viết ghép với chữ trùng 虫 để chỉ con Giao thuộc loại bò sát họ “Long”.

Chữ “Long” dùng để chỉ những con vật khổng lồ, có sức mạnh khủng khiếp thời cổ đại như Khủng Long, Lôi Long, Dực Long, Cự Long và Giao Long. Còn chữ “Chỉ” viết tượng ý bàn chân in trên mặt đất hàm nghĩa là tại, ở. Mặt khác, căn cứ vào tự dạng của chữ Chỉ ở đây còn cho ta một ý nghĩa nữa là vùng đất, nơi ở như ta vẫn dùng từ địa chỉ. Chính vì ở Trung Hoa không có cá sấu nên khi tới đất Việt, người Hán lần đầu tiên nhìn thấy con cá sấu hung dữ, hình dung nó như một loại rồng đã biết qua tưởng tượng, bèn gọi nó là con Giao long (蛟龍

= Rồng của xứ Giao Chỉ), gọi tắt là con giao. Vậy nên, Giao Chỉ có thể hiểu là vùng đất có nhiều cá sấu.

Truy nguyên nguồn gốc hình tượng Rồng bằng ngôn ngữ học, ta có thể có những chứng cứ thuyết phục, bởi ngôn ngữ bản địa người Việt và nhóm ngôn ngữ thuộc tiểu chi Proto Việt-Chứt là những dấu tích chưa bị “Hán hóa” sau thời kì Bắc thuộc, gần gũi với tư duy người Việt cổ thưở sơ khai:

Theo nghiên cứu của Nguyễn Tài Cẩn [5], /khú/ trong tiếng Mường, /khlụ/ trong tiếng Poọng. Người Mường xem cá sấu là chúa tể cai quản vùng sông nước với tên gọi là /Bua Khú/ = ‘Vua Sấu’. Âm /khlụ/ hoàn toàn ứng với “sấu” trong tiếng Việt: tổ hợp phụ âm /khl/

tiếng Poọng ứng với /s/ tiếng Việt, /u/ tiếng Poọng ứng với /âu/ tiếng Việt; ở vùng Bru Vân Kiều hiện nay cá sấu vẫn có tên gọi là con /t-rụ/.

(10)

241 Người Việt cũng thường gọi Lạc Long Quân = Long Quân. Truyện Hồng Bàng Thị có nhắc: “Hễ dân có việc lại lớn tiếng gọi Long Quân rằng: "Bố ơi! sao không lại cứu chúng tôi". Long Quân tới ngay, sự linh hiển của Long Quân, người đời không ai lường nổi” [2,16].

Lĩnh Nam Chích Quái có nhắc đến câu nói của Long Quân: “Ta đem năm mươi con về Thủy Phủ chia trị các xứ, năm mươi con theo nàng về ở trên đất, chia nước mà trị” [2,16]. Chính vì vậy, Long Quân được xem là thủy tổ người Việt, cũng được xem là vua Thủy Phủ. Cũng tương tự như tư duy người Mường xem cá sấu là vua vùng sông nước.

2.2.2 Các chứng cứ cổ văn

Theo Lĩnh Nam Chích Quái (phần Hồng Bàng Thị truyện): Bấy giờ, dân trên núi xuống nước đánh bắt cá thường bị thuồng luồng gây thương tổn, bèn cùng nhau tâu việc ấy với Vua. Vua nói: “Các giống ở trên núi khác với các loài ở dưới nước. Các loài ở dưới nước chỉ ưa những gì giống với mình và ghét những gì khác mình, vì vậy, ta mới bị gây hại. Nói rồi, Vua bèn ra lệnh cho ai nấy cũng phải lấy màu xăm hình thuỷ quái vào người. Từ đó, không bị thuồng luồng gây thương tích nữa. Tục vẽ mình của dân Bách Việt bắt đầu có kể từ đấy…”[2,16]. Sử sách cho biết tục xăm mình theo hình rồng gọi là

“thái long” đến đời Trần vẫn còn thịnh hành.

Cũng trong Lĩnh Nam Chích Quái, truyện chim trĩ trắng, có nhắc: “Chu Công hỏi:

“Tại sao dân Giao Chỉ cắt tóc ngắn, để đầu trần, xăm mình, đi chân đất như vậy là cớ sao?”

Sứ thần đáp rằng đáp: “Cắt tóc ngắn để tiện đi trong rừng. Xăm mình để giống hình Long Quân bơi lội dưới sông loài giao long không phạm tới.” Cao Dụ nói: “xăm mình tức là thích hình vẽ lên thịt rồi chấm (tô màu) cho giống con giao long để xuống nước không bị giao long làm hại” [2,37].

Chính vì vậy, đây là một chứng cứ để khắng định Lạc Long Quân có nguyên mẫu từ một loài vật dưới nước, đó là loài giao long: “ưa những gì giống với mình”, “loài giao long không chạm tới”.

Yếu tố xăm mình của người Việt xưa là một trong những nét đặc trưng của người Việt, chữ “văn” 文 trong tiếng Hán chính là bắt nguồn từ tục xăm hình cá sấu – Rồng lên mình của người Việt (theo Trần Ngọc Thêm), Văn Lang - có nghĩa là chàng trai xăm mình. . Trang Tử viết: “Việt nhân đoạn phát văn thân” 越人断发文身 (= ‘người Việt cắt tóc văn [xăm] mình’) Đây cũng là một trong những chứng cứ quan trọng để truy nguyên nguồn gốc Vật tổ. Theo điều 8, dẫn trong công trình Vật tổ và cấm kỵ của S. Freud: đàn ông thì vẽ lên mình những hình ảnh vật tổ và cố định lại bằng xăm chích, việc xăm chích hình cá sấu chứ không phải là một con vật nào khác là minh chứng rõ ràng nhất cho việc chứng minh cá sấu là vật tổ của người Việt.

(11)

242 Mặt khác, như đã phân tích ở trên, cá sấu cũng được xem là chúa tể vùng sông nước, tích hợp hai dữ liệu này lại, ta có thể kết luận: Tầm nguyên hình ảnh và sức mạnh của Lạc Long Quân chính là từ linh vật cá sấu.

2.2.3 Các chứng cứ khảo cổ học

Ở Việt Nam, hình con cá sấu mang dáng dấp con rồng đã là môtíp trang trí khá phổ biến trên các đồ đồng Đông Sơn. Cần lưu ý là trên các họa tiết của trống đồng Đông sơn khắc họa hình một loại bò sát có chân, chứ không phải là rắn. Đó là một trong những chứng cứ quan trọng bác bỏ lại thuyết cho rằng vật tổ của người Việt là rắn.

Nguyễn Minh Hiệu, Trần Ngọc Thêm cũng đã chứng minh bằng nhiều cứ liệu: con rồng Việt chính là con cá sấu, vật tổ chính của người Việt cổ (tạp chí Khảo cổ học, 1983, số 2). Người Việt cổ đã thần thánh hóa loài cá sấu, tô điểm cho hình hài cá sấu nhiều chi tiết tưởng tượng phong phú và ý nghĩa hơn. Có thể là sự thay đổi môi trường sống, dựa vào trí tuệ và sức mạnh tập thể khiến cho việc tiếp xúc với linh vật cá sấu không còn nhiều, và cá sấu cũng không sức ảnh hưởng đến tư duy người Việt như thời thượng cổ, cộng với quá trình huyền thoại hóa sau quá trình 1000 năm Bắc thuộc, du nhập tư duy phương Bắc: Chỉ có rồng là cao quý nhất trong muôn loài, nên gốc gác của tổ tiên chắc chắn phải xuất phát từ loài cao quý. Điều đó dễ hiểu là hình tượng cá sấu dần dần thay thế bằng hình tượng rồng.

2.3. Vật tổ chim trĩ

2.3.1 Xác định vật tổ người Việt là chim

Tục sùng bái chim xuất hiện phổ biến ở các tộc người phương Nam như: người Xá Cẩu, Miêu (Miao, Mạng ư, Xing Minh, Thái, Stiêng,..) Các di chỉ đào được Hà Mẫu Độ có

Hoa văn trên trống đồng Đông Sơn

Giải thích của Lý Lạc Nghị & J. Waters về nguồn gốc chữ “Văn” và tục xăm giao long lên thân thể của người Việt cổ. Trần Ngọc Thêm giới thiệu.

(12)

243 khắc hình tượng con chim, điều này có nghĩa là Việt tộc đã sùng bái totem chim như vật tổ thiêng liêng của mình. Theo điều 6, trong công trình Vật tổ và cấm kỵ của S. Freud [3,1958]:

Trong một số dịp long trọng, trong những cuộc lễ tôn giáo, người ta mặc bằng bộ da/ lông con Totem vào các dịp ấy. Điều này chúng ta có thể thấy rõ dựa vào các tài liệu khảo cổ học, cung cấp rất nhiều hình chim và hình người hoá trang thành chim, hình thuyền, hình vũ nhân trang sức bằng lông chim trên các trống đồng và những đồ đồng Đông Sơn khác.

Dẫn theo điều 12, trong công trình Vật tổ và cấm kỵ của S. Freud: về mối quan hệ giữa niềm tin cội nguồn của thị tộc với vật tổ [3,1958], chúng tôi sẽ đưa ra một số minh chứng để nhìn nhận một mối liên hệ giữa chim và Âu Cơ (tổ mẫu Việt tộc): “Âu Cơ là một nàng tiên xinh đẹp sống ở trên những ngọn núi cao. Một ngày nọ, một con quái vật làm nàng sợ hãi. Nàng liền biến thành một con chim mà bay đi. Lạc Long Quân, là thần rồng từ biển cả, thấy nàng đang gặp nguy hiểm liền cầm lấy cục đá và giết tên quái vật” [10].

2.3.2 Xác định loài chim là vật tổ người Việt Đặc điểm hình chim trên trống đồng Đông Sơn:

- Đầu có mào hoặc lông gáy kéo dài.

- Đuôi dài (dài hơn chân khi bay).

- Chân: Có hình trên trống không thấy chân đâu. Có hình thì có chân đang duỗi ra và ngắn hơn đuôi. (Hình không có chân là vì nhìn từ dưới lên chân duỗi ra ngắn hơn đuôi và ẩn vào đuôi)

- Tập tính bầy đàn, di cư: Không rõ. Trên trống đồng nhận thấy rõ ràng là một đàn chim nối đuôi nhau bay vòng quanh mặt trời, nhưng rất có thể chỉ là một con được cách điệu chứ không phải chim bay theo bầy đàn. Cũng không rõ chim có di cư hay không, chỉ nổi bật hình ảnh chim bay về tổ dưới ánh mặt trời.

Dựa vào hình chim trên trống đồng và các thư tịch cổ, các học giả ủng hộ ba giả thuyết lớn về hình tượng chim trên trống đồng cũng như chim là vật tổ người Việt:

Hoa văn trên trống đồng Ngọc Lũ, Miếu Môn, Hoàng Hạ

(13)

244 2.3.2.1 Các loài chim trong Họ cò (Threskiornithidae)

Các học giả ủng hộ cho rằng:

Thứ nhất: Họ cò có tư thế đứng giống nhất (so với tất các các loài chim khác) trên trống đồng. Nhiều dạng chim trên trống đồng tương ứng với nhiều dạng cò: cò quăm (đang đứng), cò thìa (đang ăn), diệc (đang bay).

Thứ hai: Họ cò là loài chim nước, đặc trưng vùng đất ruộng đồng, biểu trưng cho văn minh lúa nước.

Thứ ba: Họ cò xuất hiện nhiều trong tục ngữ, ca dao, dân ca, gắn bó với tâm thức người Việt.

Theo chúng tôi, thuyết này có những điểm chưa ổn:

Thứ nhất: Nếu như dùng nhiều dạng cò để giải thích cho việc có nhiều hình ảnh, tư thế của loài chim khác nhau trên trống đồng là không hợp lí. Vì trên trống đồng cũng có xuất hiện các con vật hươu, khỉ, bò, lợn,... Mỗi con một Họ, chứ không cụ thể từng Loài như các học giả phân tích. Hơn nữa, con Cò khi bay, chân nó duỗi ra dài hơn đuôi nhiều. Tức là con cò đứng và con chim trên trống đồng đứng nhìn hao hao giống nhau. Nhưng con cò bay thì hai chân nó duỗi dài ra khác hẳn con chim trên trống đồng khi đang bay.

Thứ hai: Thưở sơ khai, người Việt sống theo chế độ bộ lạc, sinh sống chủ yếu bằng săn bắn và hái lượm, thời Hùng Vương, con người mới biết trồng trọt, đầu tiên là thuần dưỡng lúa dại và trồng lúa rẫy (còn được gọi là lúa nếp lúa nương). Cuối thời Hùng Vương mới có dấu hiệu của việc canh tác lúa nước. Các bằng chứng về khảo cổ học cũng nhận định:

Xét về hình dạng, những hạt lúa thời kì Đồng Đậu (1.500 - 1.000 TCN) giống hạt “Nếp Cái”, một loại lúa nếp được trồng trong khu vực. Còn “văn minh lúa nước là biết trồng lúa hai vụ, biết cấy lúa, dùng sức kéo trâu bò để sửa soạn đất trồng lúa và khai thác thủy lợi, xuất hiện cùng lúc với nền văn hóa Đông Sơn (700 TCN - 100)”. Các sự tích, truyền thuyết văn học cũng chứng minh nhận định này: Đầu thời Hùng Vương, người Việt chỉ mới biết canh tác lúa nếp (thể hiện ở Sự tích Bánh chưng bánh giày, thời Hùng Vương thứ VI), cuối thời Hùng Vương, người Việt mới biết canh tác lúa nước, do biết cách trị thủy (thể hiện qua truyền thuyết Sơn tinh - Thủy tinh, thời Hùng Vương thứ XVIII).

Cần phải nhớ rằng Trống đồng Ngọc Lũ có niên đại 2.500 năm, tức là vào đầu thời điểm nền văn hóa Đồ đồng - văn hóa Đông Sơn, đã in hình chim trên mặt trống. Thời điểm này, theo chứng minh ở trên, người Việt mới bắt đầu chuyển từ canh tác lúa rẫy sang lúa nước, nền sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, vậy nên, hình ảnh con cò chưa thực sự gắn bó với đồng lúa, lại càng không thể xem con cò là vật tổ của người Việt được.

Thứ ba: Hình tượng con cò xuất hiện nhiều trong ca dao, dân ca. Tuy nhiên, đây là loại hình nghệ thuật xuất hiện vào thời kì sau. Thời kì Hùng Vương mới chỉ xuất hiện các thể

(14)

245 loại: Thần Thoại, Truyền Thuyết và cuối thời là Truyện cổ tích. Trong các truyện thuộc thể loại vừa kể trên, tuyệt nhiên không hề xuất hiện hình ảnh con cò.

2.3.2.2 Chim hồng

Thư tịch cổ cũng xác nhận người Việt cổ ở nước Sở chọn vật biểu là chim hồng hộc.

Hồng hộc là tên gọi của ngỗng trời (Chen Anatidae), loài chim tiêu biểu cho vẻ đẹp thanh thoát, nhưng ẩn dấu sức mạnh bền bỉ vì chúng có cánh rất khỏe, có thể bay cao và xa, không sợ gió bão, Lưu Bang cũng có bài thơ “Hồng hộc ca”.

Người Việt Nam cũng tự hào mình là “Con Lạc, cháu Hồng”, từ chữ “Hồng” này, nhiều học giả suy đoán đóa là chim hồng hộc. Theo Đào Tử Khai thì khi nghiên cứu hoa văn trên mặt trống đồng đã chứng tỏ: “Totem của các thị tộc Tổ tiên của người Đông Sơn là con chim hồng mà mãi đến thời Đông Sơn, chim Hồng vẫn là vật tượng trưng cho họ” [6].

Thuyết trên có những điểm chưa ổn sau:

- Ngỗng trời cũng là một loại chim có mặt ở lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, lại là loài chim không phổ biến, chưa hề thấy xuất hiện trong thư tịch cổ cũng như trong văn hóa dân gian.

- Ngỗng là loại chim có màng, đuôi ngắn, khi bay không hề thấy chân, đầu không có chuỗi lông, không thích hợp với hình chim trên trống đồng.

Theo chúng tôi, từ Hồng trong cụm từ “Con Lạc cháu Hồng” lấy từ chữ “Hồng”

trong từ “Hồng Bàng”, được coi là họ tổ của người Việt ta. Chữ “Hồng” đó có nghĩa là to lớn, cũng có nghĩa là trận lụt lớn bao trùm toàn cầu, đồng nghĩa với hồng thủy (theo Hán – Việt tự điển của Thiều Chửu). Bàng, chữ Hán có nghĩa là to lớn mênh mông, rộng trùm vũ trụ. Hai chữ Hồng và Bàng này kết hợp lại để chỉ thời kì khởi nguyên của dân tộc, chính là biểu tượng thần thoại phổ biến toàn thế giới (Vũ trụ khởi nguyên mênh mông mù mịt và hỗn mang, bắt đầu của mọi bắt đầu: Vũ trụ Khaox trong văn hóa của người Hy Lạp, Bàn Cổ ước phân biệt Trời Đất trong văn hóa của người Hán, Ông Đùng Bà Đùng dựng cột chống trời trong văn hóa người Hán).

2.3.2.3 Chim Lạc (chim trĩ - Phasianidae)

Đầu tiên, phải xác định chim Lạc là loại chim gì. Có một điều phải thừa nhận rằng:

Chim Lạc là một loài chim chỉ xuất hiện tên trên trống đồng. Ngoài ra, đi tìm trong các truyện cổ Việt Nam, trong các sách truyện thần thoại Việt Nam (Việt điện u linh tập, Lĩnh Nam chích quái), trong truyện dân gian đồng quê Việt Nam, trong ca dao, trong tục ngữ Việt Nam, hoàn toàn không có dấu vết con chim lạc.

(15)

246 Chúng tôi ủng hộ giả thiết chim Lạc (một loại chim thuộc họ Trĩ) là vật tổ của người Việt vì:

Các chứng cứ cổ trong cổ sử:

- Sách Thuyết Văn giải tự (năm 121) viết: “Man Di phương Nam theo côn trùng, Địch ở phương Bắc theo Khuyển, Lạc ở phương Đông theo Trĩ, Khương ở phương Tây theo Dương ...”.

- Nhà Điểu học Nhật Bản Hachi Suka nhận định: Lạc Địch là giống chim Trĩ của Lạc Việt mà người cổ đại đã tôn thờ như vật tổ vì những đặc trưng riêng biệt của Việt tộc.

- Một nghiên cứu mới đáng chú ý là trong tiếng Hán, chữ Lạc trong Lạc Việt có xuất phát điểm là từ một từ tượng thanh về một loài chim thuộc họ trĩ, chúng tôi xin được phép trích nguyên văn:

遗 失 的 广 西 古 代 文 明: 雒 越 是 个 伟 大 的 民 族

雒”的 声 源 并 非 来 源 于 汉 字 的 读 音 , 而 是 来 源 于 鸟 类 的 叫 声。 雒 越 人 捕 捉 百 鸟 之 声,创 造 了 丰 富 多 彩 的 语 言。

鸡,侗 语 叫 “雒 拜”。 侗 语 称 排 队 为 “拜”,也 称 斜 坡 为

“拜”,竹 鸡 常 成 群 结 队 排 成 单 行 在 丛 林 里 行 走 ,故 叫 “雒 拜”。

Những dấu viết còn để lại một nền văn minh cổ Quảng Tây: Sự tồn tại của Đại tộc Lạc Việt

Từ "Lạc" có nguồn gốc không phải bắt nguồn từ cách phát âm của các ký tự Trung Quốc, mà là từ âm thanh của các loài chim. Người Lạc Việt nắm bắt âm thanh của các loài chim, tạo ra một ngôn ngữ phong phú và đầy màu sắc. Gà rừng, ngôn ngữ phương Đông gọi là "Lạc bái" [9].

Chúng ta cần chú ý thông tin: Lã Hậu 呂后 nhà Hán tên là Trĩ 雉, vì kiêng húy nên gọi chim trĩ là dã kê 野 雞, Chính vì vậy, giữa chim trĩ và gà, gà rừng trong các văn bản tiếng Hán về sau có sự nhầm lẫn, gà rừng trong tư duy người Hán hiện đại cũng có thể đồng nhất với chim Trĩ, cho nên “Lạc bái” có thể hiểu là chim Trĩ.

Vì vậy, có thể có một giống chim Trĩ đặc trưng của đất Giao Chỉ, lại là loài được xem là vật tổ, nên người Việt lấy tên bộ lạc mình lúc đó (Lạc Việt) đặt tên cho loài chim này (chim Lạc).

(16)

247 - Các chứng cứ về hình thể:

Chim Trĩ có đuôi dài hơn chân, cổ ngắn, đầu có dải đuôi dài. Cổ thư có nhắc đến đặc trưng riêng biệt Trĩ Lạc Việt là khi bay thường thu cánh bên trái trước “Lạc địch tập kỳ tả dực” mà cổ thư gọi là Tả nhậm. Sách Quảng Đông Tân ngữ ghi là: “Tuỳ dương Việt Trĩ”

nghĩa là hình ảnh con chim Trĩ của Việt tộc bay theo hướng mặt trời. Tất cả đều mô tả giống với hình chim trên trống đồng.

- Các chứng cứ trong cổ văn:

"Hậu Hán thư”, quyển 86, Nam Man Tây Nam Di liệt truyện đệ thất thập lục có đoạn nói rằng Chu Công nhiếp chính năm thứ 6 sứ giả nước Việt Thường ở phía nam Giao Chỉ dâng chim trĩ trắng (bạch trĩ) cho Chu Công. Chuyện này được Việt sử lược, "Đại Việt sử ký toàn thư" và "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" dẫn lại. "Đại Việt sử ký toàn thư", Ngoại kỷ, quyển 1, Hồng Bàng thị kỷ, Hùng vương ghi cụ thể:

Nước Việt ta lần đầu sang thăm nhà Chu (không rõ vào đời Hùng Vương thứ mấy), xưng là Việt Thường thị, hiến chim trĩ trắng. Chu Công nói: "Chính lệnh không ban đến thì người quân tử không coi người ta là bề tôi của mình", rồi sai làm xe chỉ nam đưa sứ giả về nước.

Cổ sử Trung Hoa cũng có chép: Chu Thành Vương thời, Hùng Vương mệnh kì thần xưng Việt Thường thị, hiến bạch trĩ ư Chu.

Rõ ràng, chim trĩ phải là biểu tượng của nền văn hóa Việt Thường (Văn Lang). Từ ngàn dặm xa mang chim đi tặng, tức là mang văn hóa của mình để giới thiệu với người phương Bắc. Đây cũng là một điểm chính để nói đến sự tự hào của người Việt đối với con totem của mình.

Chim Trĩ thời Hùng Vương được nhắc đến nhiều trong các truyền thuyết, truyện cổ, hơn hẳn các loài chim khác cụ thể:

Theo Lĩnh Nam chích quái “Về đời Hùng vương có viên quan tên là Mai Tiêm vốn người ngoại quốc, khi lên 7,8 tuổi vua mua từ thương thuyền về làm nô bộc. [...] Tiêm không biết gọi là quả gì, nhân vì chim trĩ (bạch) ngậm hạt từ phương Tây bay tới nên gọi là quả Tây qua”[2,39].

Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỷ, quyển 1, từ tờ 6a đến tờ 7b), kể về truyện An Dương Vương xây thành Cổ Loa:

Cạnh núi Thất Diệu có cái quán, Ông ta có đứa con gái và một bạch trĩ (có bản chép là gà lôi trắng). [...] Nay nếu giết được con gà trắng ấy để trừ tinh khí đi thì thành sẽ tự nhiên xây được bền vững. [2,47].

(17)

248 - Các chứng cứ về Totem học:

Dẫn theo điều 6, trong công trình Vật tổ và cấm kỵ của S. Freud về việc trang trí da/

lông con totem trong các dịp lễ nghi của thị tộc, dựa vào các hình ảnh trên trống đồng, chúng ta thấy:

- Xuất hiện đoàn người mặc y phục có gắn lông chim, hoá trang thành chim, đầu dắt lông chim, dắt cả trên vũ khí.

Phải thừa nhận một sự thật hiển nhiên rằng, Trĩ và các loài thuộc học Trĩ (gà lôi, gà tiền, công,,...) là những loài chim có lông duôi dài, thích hợp với việc trang trí, làm trang phục thậm chí là tôn thờ. Những hình ảnh trên mặt trống đồng vẽ những người có gắn lông chim dài, to, với tỉ lệ gần bằng thân người, chứng tỏ y phục phải được trang trí từ lông của chim trĩ hoặc công. Điều này không thể làm được với các loài chim cò, ngỗng hay bất cứ loài chim nào khác ngoài họ trĩ như các giả thiết khác miêu tả.

Theo điều 12, dẫn trong công trình Vật tổ và cấm kỵ của S. Freud [3,1958]: về mối liên hệ giữa con vật totem và những liên lạc chung cội nguồn thị tộc, qua truyện thời Hồng Bàng, ta thấy: “Long Quân lấy Âu Cơ rồi đẻ ra một bọc, [...] qua sáu bảy ngày, bọc vỡ ra một trăm quả trứng, mỗi trứng nở ra một con trai”. Chính vì hiện thân của Long Quân (giao long, loài bò sát) và Âu Cơ (loài chim), nên mới đẻ ra trứng. Truyền thuyết này phản ánh tư duy nguồn cội của dân tộc.

Trống đồng Hòa Bình Trống đồng Phú Xuyên

Hình người có gắn lông chim trên Trống đồng Ngọc Lũ

(18)

249 Sau này, cũng giống như giao long dần tiếp biến thành rồng, trĩ dần tiếp biến thành một loạt các linh vật có sức mạnh siêu nhiên dựa trên họ chim này, như: Phượng hoàng, Loan, Khổng tước,... Chim trĩ mất dần vị thế của mình trong tâm thức người Việt hiện đại, được thay dần bởi các loài chim huyền thoại đó.

3. Nhìn lại truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”

3.1 Truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên và những vấn đề phi lí

Lĩnh Nam Chích Quái có đề cập nguồn gốc Việt tộc trong phần Hồng Bàng thị truyện [2,15]:

Đế Minh cháu ba đời họ Viêm Đế Thần Nông. Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau ấy được con gái bà Vụ Tiên rồi sinh ra Lộc Tục (Kinh Dương Vương). Đế Minh lập con trưởng Đế Nghi làm kẻ nối ngôi. Lại phong Lộc Tục là Kinh Dương Vương để trị đất Nam, Kinh Dương Vương sinh ra Sùng Lãm hiệu là Lạc Long Quân, cho nối ngôi trị nước. [...]

Đế Nghi truyền ngôi cho con là Đế Lai, cai trị Bắc phương. Nhân khi thiên hạ vô sự, Đế Lai bèn để ái nữ là âu Cơ và các thị tỳ ở lại nơi hành tại rồi đi chu du thiên hạ. Long Quân thấy Âu Cơ có dung mạo đẹp đẽ kỳ lạ,trong lòng vui mừng, bèn hóa thành một trang thiếu niên phong tư tú lệ, tả hữu kẻ hầu người hạ đông đúc, Âu Cơ vui lòng theo Long Quân.

Chúng ta sẽ thấy một số điểm lưu lý:

Theo truyện này chép thì Lạc Long Quân có ông nội là Đế Minh, Âu Cơ có cố nội là Đế Minh, vậy Lạc Long Quân là cậu ruột của Âu Cơ. Chúng tôi không bàn về vấn đề hôn nhân cận huyết trong truyền thuyết này, bởi lẽ chuyện loạn luân là chuyện thường tình của các dân tộc thời sơ khai, phản ánh nhiều trong văn học dân gian buổi đầu (Nữ Oa và Phục Hy, Zeus và Hera đều là anh em mà lấy nhau). Tuy nhiên, về vấn đề nguồn gốc dân tộc, chúng ta phải hết sức cẩn trọng. Theo truyện này, cả tổ phụ và tổ mẫu của dân tộc ta đều có gốc là người Hán (Viêm Đế Thần Nông là một trong những vua tổ của người Hán).

Từ truyện này mà một số học giả xây dựng nên thuyết Bách Việt, tiêu biểu là tác giả Đào Duy Anh trong các tác phẩm Lịch sử cổ đại Việt Nam (1956), Nguồn gốc dân tộc Việt Nam (1958) ủng hộ giả thiết về người Việt có nguồn gốc ở vùng duyên hải phía nam sông Dương Tử, do bị người Hán xâm chiếm mà người Việt di cư, theo hướng loài “hậu điểu”

(chim Hồng - ngỗng trời) theo đường biển di cư sang miền Bắc nước ta. Chính vì vậy, người Việt chọn chim Hồng là vật tổ, được khắc hình trên trống đồng Đông Sơn, các đoàn thuyền được khắc trên trống đồng cũng là minh chứng cho cuộc “đại di cư” đó.

Chúng tôi không đồng ý quan điểm này, bởi lẽ:

(19)

250 Một là, theo thuyết totem, một khi một dân tộc đã nhận mình có quan hệ với con vật totem, thì không thể xuất hiện “gia phả” có nguồn gốc từ con người. Vậy nên, xuất hiện mâu thuẫn chính trong bản thân câu truyện, nếu xem như Lạc Long Quân là giống Rồng, Âu Cơ là giống Tiên, thì phải xuất phát từ một nguồn gốc thần thoại, mang tính huyền ảo hoàn toàn, không thể có ông tổ là người thường được.

Hai là, tuyệt nhiên không có bộ sử nào của Trung Quốc ghi chép về truyền thuyết

“anh em” giữa Kinh Dương Vương và Đế Nghi. Có lẽ nào anh em cùng một bố (Đế Minh) mà họ lại không ghi chép một câu nào về nguồn gốc của dân tộc ta? Trong khi sử Việt lại có hơn chục cuốn sử đồ sộ nhắc đến truyền thuyết này.

Ba là, theo câu truyện, Kinh Dương Vương là anh em cùng một gốc Trung Hoa thì tại sao khi đoàn sứ giả của ta sang sứ lại phải qua nhiều lần dịch mới hiểu được nhau? An Nam Chí Lược của Lê Tắc trong phần Tổng Tự cũng ghi chép như sau: “Từ xưa, nước An Nam thông giao với Trung Quốc, đời Chu Thành Vương (1115 – 1079 trước Công nguyên), họ Việt Thường qua chín lần thông ngôn, ngay cả trong Lĩnh Nam Chích Quái cũng đề cập vấn đề thông ngôn qua truyện Chim trĩ trắng [2,19] và truyện Rùa vàng [2,37].

Bốn là, nếu chấp nhận có một cuộc di cư như thế thì vùng bờ biển Phúc Kiến, Quảng Châu, bán đảo Lôi Châu, và đảo Hải Nam (Trung Quốc) phải dày đặc người Việt (cụ thể là dân tộc Kinh của chúng ta). Họ phải đổ bộ lên các vùng đất ấy trước khi phát hiện ra miền Bắc Việt Nam. Vậy thì tại sao ở những địa điểm đó lại vắng bóng người Việt chúng ta (Những điểm tụ cư, những làng mạc trù phú của người Việt)? Và tại sao kinh đô đầu tiên của người Việt lại ở vùng trung du - miền núi (Phong Châu, Phú Thọ).

Năm là, các bằng chứng về ngôn ngữ học cho thấy ngôn ngữ tổ tiên của tiếng Việt, Mường, Nguồn, Phong, Liha..., có nguồn gốc từ các tỉnh Khammouane và Bolikhamxay thuộc Lào với một số phân bố qua sườn bên kia của dãy Sai Phou Louang (Annamite) (tức đông Trường Sơn), phía bắc đến Nghệ An và phía đông đến Quảng Bình, nghĩa là xa về phía nam của đồng bằng sông Hồng, cho thấy rằng người Việt có nguồn gốc bản xứ, có địa bàn cư trú ở bắc Việt Nam như bây giờ, không hề liên quan gì đến phía Nam sông Dương Tử như thuyết Bách Việt nêu lên.

Sáu là, các di chỉ khảo cổ học có niên đại thuộc thời đại Đồ Đá Mới (Neolithic) tại Quảng Tây và ở miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là các ngôi mộ chum được tìm thấy nhiều ở Việt Nam và một số ở Quảng Tây, cho thấy thổ dân bản xứ có nguồn gốc ở phía Nam và có quan hệ gần gũi với các nền văn hóa Hòa Bình (9000-5600 TCN) và Bắc Sơn (8300- 5900 TCN) ở Việt Nam. Kết quả khảo cổ học còn chứng minh rằng, người Việt chúng ta là chủ nhân của một nền văn minh phát triển liên tục từ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun đến Đông Sơn cách đây trên bốn nghìn năm, không có một cuộc di cư hay tiếp biến

(20)

251 văn hóa nào vào thời sơ khai cả. Hơn nữa, trước văn hóa Phùng Nguyên, con người đang ở thời kỳ đồ đá, chưa thể đóng thuyền vượt biển được!

Cuối cùng, như chúng tôi đã chứng minh ở trên, chim Hồng, tức ngỗng trời hay không phải là vật tổ người Việt được khắc trên trống đồng.

3.1.2 Truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên và kiến giải 3.1.2.1 Nguyên nhân của sự phi lí

Theo kiến giải của chúng tôi, thành ngữ “Con Rồng cháu Tiên” được nhắc đến lần đầu tiên trong Lĩnh Nam chích quái là tập truyện dã sử được biên soạn vào cuối thời nhà Trần (TK XIV). Do là truyện dã sử, lại được biên soạn vào thế kỉ XIV, tức là sau 1000 năm Bắc thuộc và cách thời Lạc Long Quân gần 2500 năm nên khó có thể nhận định đây là tác phẩm gốc, chắc chắn bị ảnh hưởng bởi quá trình Hán hóa. Vì vậy, ta không nên vội vàn kết luận vật tổ của người Việt dựa trên văn bản này.

Sở dĩ có hiện tượng “gán ghép” gốc rễ nước ta có liên quan đến cội nguồn người Hán bởi hai lí do:

Thứ nhất, từ phía Trung Quốc và văn hóa Hán: Dân tộc Hoa Hán có sức mạnh văn hóa tư tưởng rất ghê gớm, như Mông Cổ, Mãn Thanh từng đô hộ Trung Quốc nhưng lại bị văn hóa Hán “đồng hóa ngược” trở lại. Trong hơn một nghìn năm Bắc thuộc, một trong những chính sách có tính chất xuyên suốt, liên tục của chính quyền đô hộ chính sách đồng hóa. Mục tiêu cuối cùng của phong kiến Trung Hoa là nhằm thiết lập trên đất nước ta một cơ cấu xã hội, phong tục tập quán giống như Trung Hoa. Người Hán đã có nhiều cách để đồng hóa người Việt, một trong những âm mưu thâm độc là “đồng hóa” bằng con đường văn hóa, nghĩa là “cải biên” lịch sử, nhất là thời thủy tổ.

Thứ hai, từ phía Việt Nam và văn hóa Việt: Vào đầu thế kỷ XV, sau khi đánh đuổi được quân Minh ra khỏi bờ cõi, nhà nước Đại Việt ta đang ở vào thời kỳ phát triển thịnh vượng. Qua các đời vua Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông, chế độ phong kiến phát triển cực thịnh. Với ý thức độc lập, tự chủ, tự cường, các sử thần nhà Lê, tự thấy rằng, nước ta không thua kém gì bậc “đàn anh” Trung Hoa. Để cho Đại Việt “sánh ngang” với Trung Hoa, các sử thần của ta đã cóp nhặt, đào bới trong sử sách, tạo ra một lịch sử tổ tiên mình với mong muốn là không thua kém gì Trung Hoa. Sự sáng tác đó chứa đựng nhiều điều phi lý, mâu thuẫn, trái ngược với logic của lịch sử.

Vì vậy, chúng ta có thể kết luận: truyện Con Rồng Cháu Tiên được biến đổi vừa theo hướng tự nguyện, vừa theo hướng cưỡng bức văn hóa. Nó xa rời truyện gốc ở hai điểm chính: Nguồn gốc “phả hệ” của Lạc Long Quân và Âu Cơ; totem vật tổ bị biến đổi (Cá sấu thành Rồng, chim thành Tiên).

(21)

252 3.1.2.2 Đi tìm câu trả lời thỏa đáng

Để tìm được bản gốc của truyện Con Rồng Cháu Tiên qua hơn mấy ngàn năm, là điều không dễ dàng. May mắn, chúng tôi đã tìm được bản truyện Ngu Kơ và Lương Wong của người Mường - dân tộc mà theo các chứng minh về văn hóa, ngôn ngữ, nhân chủng và khảo cổ học, là chủng tộc gần gũi nhất với người Việt bản địa từ thời sơ khai:

Theo sách nghiên cứu về xã hội và phong tục Mường của Jeanne Cuisinier [8], truyền thuyết về thủy tổ người Mường được chép như sau:

Ngày xửa ngày xưa, có một nàng công chúa xứ Mường tên là Ngu Kơ, mang tiền kiếp một con nai có đốm ngôi sao (cerf étoilé), cưới một ông hoàng tử con Byua Yịt tên Lương Wong, gốc vốn loài cá. Ít lâu sau, Ngu Kơ sinh được 50 con gái và 50 con trai. Nhưng rồi cơm không lành canh chẳng ngọt. Từ ở chỗ con cái không đủ đồ ăn thức uống, Ngu Cơ và Lương Wong ưa cãi vã với nhau. Cuối cùng, Ngu Kơ và Lương Wong đành phải chia tay, đôi ngả đôi ta. Ngu Kơ dẫn 50 người con lên miền rừng núi, và Lương Wong dẫn 50 người con kia xuôi về miền sông biển. Dân Mường thờ kính bà Ngu Kơ như mẫu tổ và thường làm cờ có hình con nai đốm sao, như một vật tổ để tưởng nhớ đến bà.

Cần phải lưu ý rằng: /Ngu Kơ/ và / Âu Cơ/, /Long Quân/ và /Lương Wong/ chính là biến thể ngữ âm của nhau.

Qua truyện trên, chúng ta có thể rút ra một số kết luận:

Truyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, cũng như Ngu Kơ và Lương Wong có chung một cốt truyện (do hai dân tộc cùng sinh sống gắn bó với nhau), phản ánh tư duy của hai dân tộc trước khi bị Hán hóa (chưa hề thấy có dấu tích người Hán).

Tương thông văn hóa với nhau, nên chắc chắn người Việt và người Mường có chung địa bàn sinh sống, ít nhât là vào thời cổ đại. Theo truyện Mường, tổ mẫu Ngu Kơ có nguồn gốc từ con nai đốm sao. Đó là loài vật đại diện cho miền núi rừng. Tổ phụ Lương Wong xuất thân từ loài cá, đại diện cho vùng sông nước. Điều đó hoàn toàn phù hợp với hai con vật totem của người Việt mà chúng tôi đề cập ở trên: Chim Trĩ - Âu Cơ - Vùng núi rừng; Cá sấu - Long Quân - vùng sông nước.

Theo chúng tôi, sở dĩ người Việt có hai vật tổ thay vì một, khác với các dân tộc khác, theo chúng tôi, bởi hai lí do:

Thứ nhất, về trình độ tư duy:

Melentinsky chỉ ra rằng, “logic huyền thoại sử dụng rộng rãi các cặp đối lập nhị phân (cặp đôi) những phẩm chất cảm xúc, đồng thời qua đó khắc phục tính liên tục của tri giác về thế giới xung quanh bằng cách tách các khuôn hình riêng rẽ có dấu hiệu mâu

(22)

253 thuẫn” [1]. Qua huyền thoại và tục thờ như đã nêu, các biểu trưng của cá sấu - chim thường đi theo một logic đối lập - cặp đôi. Ban đầu nó biểu trưng cho nhận thận thức đơn giản như: trên/dưới, khô/nước, nóng/lạnh,... cho đến các cặp đôi mang tính phức tạp hơn như: nam - nữ, miền núi - vùng sông nước, trần gian/thủy phủ, tái hợp/chia li,... Có thể nói, để ẩn dụ, biểu trưng cho các vấn đề của giới tự nhiên, xã hội và các trạng thái phức tạp của tình cảm con người trong xã hội và trình độ nhận thức lúc bấy giờ thì một cặp totem đôi cá sấu - chimtrĩ là một sự lựa chọn hoàn hảo. Nói theo kiểu phương Đông, đó là triết lí Âm Dương của người cổ đại, tự thân huyền thoại đã hàm tàng uyên nguyên của triết lý âm dương, nguyên lý sinh tồn tiến hóa của vũ trụ vạn vật muôn loài, sự tương sinh tương khắc nhưng không dẫn đến mâu thuẫn loại bỏ nhau mà cùng nhau tương hòa để cùng tồn tại, đó cũng là cội nguồn văn hóa “tiếp biến” của người Việt.

Thứ hai, về hoàn cảnh lịch sử:

Tình duyên giữa Âu Cơ và Lạc Long Quân có thể biểu tượng cho việc Thục Phán, người gốc nước Thục chủng Âu (Thái), đem quân dân từ nước Tây Âu sang chiếm lĩnh xứ sở của Lạc Việt, tạo thành nước Âu Lạc. Thục Phán lên ngôi vua và xưng là An Dương Vương, mở đầu cho một chương mới về sự hợp chủng Âu và Lạc. Có lẽ, mỗi dân tộc đã thờ một con totem, và sự hòa huyết vào thời hai dân tộc vẫn còn thờ con totem của thị tộc mình, dẫn đến người Việt (người con của hai dòng máu Âu Việt và Lạc Việt) có hai con totem của hai dân tộc.

4. Việc tìm hiểu totem của người Việt không chỉ giúp chúng ta định danh con totem đó là gì, mà còn là những chứng cứ khoa học quan trọng, nhằm xác định chính xác nguồn gốc, địa bàn cư trú và sinh hoạt văn hóa của dân tộc Việt, quan hệ của người Việt với người Mường và người Hán, chỉ ra một số sai sót trong cổ sử cũng như các cuốn biên niên sử của dân tộc, và quan trọng nhất, là có một góc nhìn mới về vật tổ người Việt, không để cho một dân tộc, với mấy nghìn năm văn hóa, vẫn còn băn khoăn mãi về vật tổ của mình.

Cuộc tranh luận về Totem của người Việt có lẽ chẳng bao giờ đến hồi kết, bởi vì chúng ta đã ở khoảng cách quá xa và có quá ít tư liệu về thời sơ sử. Tuy nhiên, các nhà khoa học có trách nhiệm phải là những người đưa ra những chứng cứ khoa học thuyết phục nhất, để có thể “tiệm cận” gần nhất với sự thật lịch sử. Có như vậy, vật tổ của người Việt mới được sáng rõ, chứ không thể để nó khoác mãi cái áo Hán hóa, với tên gọi ỡm ờ

“nửa Rồng, nửa Tiên” như người Việt ta ngày nay vẫn gọi.

(23)

254 TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Trần Minh Hường, Hình tượng rắn qua tục thờ và huyền thoại, Tạp chí VHNT số 311 (tháng 5), 312 (tháng 6) -2010, Hà Nội.

[2] Trần Thế Pháp (2005), Lĩnh Nam Chích Quái, NXB Trẻ, Hà Nội.

[3] S. Freud (2013), Vật tổ và cấm kị, Trung tâm văn hoá dân tộc xuất bản, Tp. Hồ Chí Minh.

[4] Bùi Quang Thắng, Totem và Totemism, Những vấn đề Khoa học Xã hội & Nhân văn – Chuyên đề Văn hoá học, Nxb Đại học Quốc gia, 2014

[5] Trần Ngọc Thêm, Nguyễn Ngọc Thơ (2013), Vấn đề nguồn gốc con rồng từ góc nhìn văn hoá, Những vấn đề Khoa học Xã hội & Nhân văn – Chuyên đề Văn hoá học, Nxb Đại học Quốc gia, 2013.

[6] Phạm Trần Anh, Việt Nam thời lập quốc từ truyền thuyết đến lịch sử, https://huvi.wordpress.com /2012/09/19/vie%CC%A3t-nam-thoi-la%CC%A3p-quoc-tu- truyen-thuyet-den-li%CC%A3ch-su%CC%89-2/

[7] Bùi Anh Tuấn (2014) , Một số hình thức tôn giáo nguyên thủy phổ biến trong lịch

sử dấu ấn của trong tôn giáo hiện đại,

http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/2310/Mot_so_

hinh_thuc_ton_giao_nguyen_thuy_pho_bien_trong_lich_su_va_dau_an_cua_no_trong_ton_

giao_hien_dai

[8] http://alcor.concordia.ca/~tmai/HungWang1.pdf [9] http://dd.gaodawang.cn/q/r/e.html

[10] https://vi.wikipedia.org/wiki/%C3%82u_C%C6%A1

https://huvi.wordpress.com http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/2310/Mot_so_ hinh_thuc_ton_giao_n ] http://alcor.concordia.ca/~tmai/HungWang1.pdf http://dd.gaodawang.cn/q/r/e.html ] https://vi.wikipedia.org/wiki/%C3%82u_C%C6%A1

Tài liệu tham khảo

Tài liệu liên quan

Thấy được tầm quan trọng của vấn đề, nghiên cứu này sẽ cung cấp một phương pháp mô hình hoá hỗ trợ việc phân tích các yếu tố tác động đến quyết định thuê

Kết quả nghiên cứu này sẽ góp phần cung cấp bằng chứng cho các nhà quản lý đào tạo sau đại học của nhà trường về thực trạng chất lượng luận văn cao học và bác sĩ nội

Khi đi tới làng Gióng, một em bé đã lên ba mà không biết nói, biết cười, biết đi, tự nhiên cất tiếng nói bảo mẹ ra mời sứ giả vào.. Chú bé ấy

Câu 13: Ý nào sau đây không chính xác về nguyên nhân Đồng bằng sông Hồng là vùng đông dân nhất nước ta.. Có lịch sử khai thác lãnh thổ

Câu 10: Ý nào sau đây không chính xác về nguyên nhân Đồng bằng sông Hồng là vùng đông dân nhất nước ta.. Nền nông nghiệp lúa nước cần nhiều

Khoa học tự nhiên là ngành khoa học nghiên cứu về các sự vật, hiện tượng, quy luật tự nhiên, những ảnh hưởng của chúng đến cuộc sống con người và môi trường.. Theo em

Hiệp ước Nhâm Tuất đánh dấu việc triều đình nhà Nguyễn chính thức thừa nhận quyền cai quản của thực dân Pháp ở ba tỉnh Đông Nam Kì (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa)

GIẢI THÍCH: Hoạt động giao tiếp là hoạt động trao đổi thông tin của con người trong xã hội, được tiến hành chủ yếu bằng phương tiện nói và viết.. Thông