• Không có kết quả nào được tìm thấy

Từ khóa: an sinh xã hội, ven đô Hà Nội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ giúp xã hội

N/A
N/A
Protected

Academic year: 2022

Chia sẻ "Từ khóa: an sinh xã hội, ven đô Hà Nội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ giúp xã hội"

Copied!
14
0
0

Loading.... (view fulltext now)

Văn bản

(1)

AN SINH XÃ HỘI VÙNG VEN ĐÔ HÀ NỘI (Nghiên cứu trường hợp xã Tân Lập huyện Đan Phượng và phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)

ĐOÀN KIM THẮNG*

Tóm tắt: An sinh xã hội (ASXH) là một hệ thống tổ chức và thể chế nhằm phòng ngừa và giảm thiểu các rủi ro cho người dân. Về nguyên tắc, hệ thống ASXH hướng tới phục vụ toàn dân, nhưng trong thực tế, với khả năng bao phủ có hạn, hệ thống này thường còn gặp nhiều khó khăn để thực hiện mục tiêu như đã nêu. Ở vùng ven đô, nơi vốn có nền ASXH được kiến tạo chủ yếu dựa trên nền tảng quan hệ gia đình, dòng họ và cộng đồng, các hoạt động ASXH cơ bản chưa đáp ứng kịp thời và đầy đủ để giúp người dân vượt qua khó khăn. Qua nghiên cứu định tính trường hợp xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) và phường Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm), Hà Nội năm 2018, bài viết cung cấp một bức tranh thực trạng của hệ thống ASXH vùng ven đô và đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển dịch vụ ASXH trong bối cảnh hiện nay.

Từ khóa: an sinh xã hội, ven đô Hà Nội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ giúp xã hội.

Nhận bài: 05/7/2018 Gửi phản biện: 16/7/2018 Duyệt đăng: 10/9/2018

1. Giới thiệu

An sinh xã hội (ASXH) là hệ thống các chính sách và chương trình do Nhà nước và các tổ chức xã hội thực hiện nhằm bảo đảm cho mọi người dân ít nhất có được mức thu nhập tối thiểu, có cơ hội tiếp cận ở mức tối thiểu các dịch vụ xã hội cơ bản như: giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin,... thông qua việc nâng cao năng lực tự an sinh của người dân và sự trợ giúp của Nhà nước. Ở Việt Nam, công cuộc Đổi mới (kể từ 1986) đến nay đã đem lại nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế và xã hội, trong đó có việc củng cố và hoàn thiện hệ thống chính sách về ASXH. Đây vừa là mục tiêu, vừa là cơ sở để ổn định chính trị-xã hội, phát triển bền vững.

Vùng ven đô trong quá trình đô thị hóa là nơi chứng kiến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp sang phi nông nghiệp, là môi trường trung gian cho sự tác động qua lại giữa văn hóa nông thôn và văn hóa đô thị. Là nơi an sinh của người dân được kiến tạo chủ yếu dựa trên nền tảng quan hệ gia đình, dòng họ và cộng đồng. Đó là phúc lợi làng-xã (Bùi Thế Cường và cộng sự, 2003). So với thành thị, vùng ven đô là nơi tập trung phần lớn nông dân và tập trung đông dân cư với sự đa dạng cả về dân số cơ học do quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, cùng với khối lượng người nhập cư ngày càng lớn, dẫn tới

* Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

(2)

nhiều người rơi vào rủi ro, rơi vào tình cảnh yếu thế hơn. Trong khi đó, hoạt động ASXH cơ bản chưa đáp ứng kịp thời, đủ yêu cầu và chỉ ở mức độ tối thiểu, không đủ để giúp người dân gặp rủi ro vượt qua khó khăn (Tô Duy Hợp và cộng sự, 2000).

Vùng ven đô Hà Nội được lựa chọn trong nghiên cứu này là xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) và phường Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Đây là hai khu vực cận kề với thành phố, nơi vừa có các hoạt động nông nghiệp vừa có các hoạt động phi nông nghiệp, trong đó các hoạt động phi nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn. Bài viết phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm phát triển hệ thống ASXH vùng ven đô.

2. Đặc trưng kinh tế-xã hội vùng ven đô 2.1. Cơ cấu dân số-xã hội

Cơ cấu dân số-xã hội vùng ven đô là sự đa dạng hóa của các nhóm xã hội và các bộ phận dân cư mới gia nhập vùng đất này. Bản thân cấu trúc cư dân tại chỗ, dân gốc của khu vực vốn cũng đã đa dạng hơn các vùng nông thôn ngoại vi và khu vực nội thành, bởi vì nó thường bao gồm một bộ phận nông dân (trồng lúa, trồng rau, trồng hoa truyền thống), cùng với các nhóm dân cư đô thị khác như: công nhân, viên chức, thợ thủ công, buôn bán nhỏ (Trịnh Duy Luân, 2016). Vùng ven đô cũng xuất hiện một số nhóm dân cư mới, khiến cho cấu trúc dân cư ở đây càng đa dạng và phức tạp hơn cùng với những quan hệ xã hội giữa họ, đó là nhóm dân di cư từ nông thôn vào đô thị, tạm trú ở đây tại các khu nhà trọ, một nhóm khác có thể là dân cư từ nội thành chuyển ra ở vùng ven đô nhằm cải thiện chỗ ở do nơi ở cũ quá chật hẹp. Bên cạnh đó, vùng ven đô cũng khá gần với các khu công nghiệp, nơi có đông công nhân nhập cư từ nơi khác đến làm việc và đang cần chỗ ở, một số sinh viên các trường đại học và trung cấp ở xung quanh cũng có nhu cầu nhà ở.

Do vậy, thành phần cư dân vùng ven đô đa dạng hơn khi có thêm nhóm lao động trẻ và sinh viên tới cư trú và sinh sống.

2.2. Chức năng sản xuất

Tuy tồn tại trong một hệ thống nông thôn-ven đô-đô thị (Laquinta và Drescher, 2002), nhưng vùng ven đô vẫn có những đặc trưng kinh tế, văn hoá và xã hội riêng. Về kinh tế, khác với nông thôn, khu vực này là nơi không đồng nhất về các hoạt động kinh tế vì khu vực này bao gồm các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ thương mại. Tỷ trọng nông nghiệp chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng thu nhập từ các hoạt động kinh tế của khu vực. Ven đô là nơi chịu tác động mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa, các hoạt động sản xuất nông nghiệp bị giảm dần và có thể mất đi do chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp và thay vào đó là các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp. Theo số liệu thống kê Hà Nội, trong giai đoạn 2011-2015, diện tích đất nông nghiệp giảm 5.500-6.000 ha, bình quân mỗi năm giảm trên 1000 ha1. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu như năm 2010, tỷ lệ đô thị hóa ở Hà Nội là 30-32%, đến năm 2020 dự báo sẽ chiếm tới 55-65%. Đô thị hóa tăng nhanh, sự gia tăng dân số kéo theo diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội ngày càng bị thu hẹp (Mai

1 Nguồn: Niên giám Thống kê Hà Nội các năm 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015.

(3)

Anh, 2017). Mặc dù cơ cấu sản xuất của vùng ven đô đã có nhiều chuyển đổi theo hướng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại, nhưng ven đô vẫn là nơi liên kết đô thị-nông thôn về kinh tế-xã hội với các vành đai xanh trên diện tích đất nông nghiệp còn lại sau quá trình thu hồi đất của nhà nước để phát triển các khu công nghiệp và nhà ở đô thị.

2.3. Về văn hóa-xã hội

Về văn hoá, lối sống của cư dân ven đô là sự pha trộn giữa lối sống nông thôn và lối sống đô thị do sự đa dạng về thành phần dân cư, trong đó lối sống đô thị có lúc chi phối, có lúc đan xen với lối sống nông thôn. Thái độ, hành vi và ứng xử giữa các cá nhân với nhau và với môi trường thay đổi theo xu hướng đô thị. Các giá trị, chuẩn mực và văn hoá cũng biến đổi theo hướng đô thị.

Về xã hội, vùng ven đô không thuần nhất về thành phần dân cư, khu vực này bao gồm nông dân, công nhân, trí thức, chủ doanh nghiệp, tầng lớp trung lưu, người nghèo, thậm chí cả người dân tộc thiểu số. Trình độ dân trí và nhận thức của người dân cao hơn so với nông thôn vì được tiếp xúc với hiện đại và được cung cấp thông tin thường xuyên từ nhiều nguồn khác nhau. Quan hệ xã hội đa chiều và phức tạp hơn so với khu vực nông thôn, thường có những xung đột về lợi ích giữa các nhóm dân cư do có sự khác nhau về nhận thức và quyền lợi (trong sử dụng đất, các dịch vụ xã hội, vệ sinh và môi trường).

3. Đặc điểm địa bàn khảo sát

3.1. Xã Tân Lập

Xã Tân Lập, huyện Đan Phượng có diện tích tự nhiên là 554,17 ha. Dân số tính đến tháng 6 năm 2018 là 17.797 người, là xã đông dân thứ hai của huyện Đan Phượng, Hà Nội. Nghề nghiệp chủ yếu của người dân trong xã từ năm 1960 trở về trước là nông nghiệp và nghề truyền thống dệt vải. Bên cạnh đó còn có một số nghề phụ khác như: thợ mộc, thợ nề, thợ rèn, gò… Những năm gần đây Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, đã có tác động nhiều đến các xã ven đô, trong đó có xã Tân Lập. Diện tích canh tác xã Tân Lập dần bị thu hẹp, nếu như năm 2005 diện tích đất nông nghiệp của xã là 390 ha, thì sau 10 năm diện tích này đã giảm chỉ còn 288 ha; năm 2016 là 250,77 ha và đến cuối năm 2017 chỉ còn 232,07 ha2. Do diện tích đất bị thu hẹp nên cơ cấu lao động của xã Tân Lập cũng có nhiều thay đổi. Cơ cấu lao động, việc làm của xã cũng có những thay đổi bởi tác động của quá trình chuyển đổi kinh tế-xã hội. Nếu năm 2012, tỷ trọng sản xuất Nông nghiệp là 16,0% thì năm 2017 chỉ còn 5,5%, trong khi đó tỷ trọng Thương mại và Dịch vụ tăng từ 43,6% năm 2015 lên 54,6% năm 2017.

3.2. Phường Liên Mạc

Liên Mạc là một phường ven đô, được thành lập năm 2013 khi huyện Từ Liêm được tách để thành lập hai quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm. Phường Liên Mạc có 3.126 hộ gia đình với 13.386 nhân khẩu. Tổng số lao động toàn phường là 8.924 lao động, trong đó lao động nam chiếm 54,0% và 46,0% là lao động nữ. Sản xuất nông

2 Thống kê về kinh tế-xã hội UBND xã Tân Lập năm 2005; 2015 và 2017.

(4)

nghiệp là nghề chính của người dân trong xã, bên cạnh đó nghề phụ truyền thống là sản xuất đậu phụ cung cấp cho thành phố Hà Nội3. Sau khi trở thành phường, tỷ trọng sản xuất và thu nhập từ nông nghiệp của Liên Mạc có xu hướng giảm. Năm 2015, cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp là 33,5% thì năm 2018 chỉ còn 24,5%. Trong khi đó, các ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại-dịch vụ tăng nhanh (Thống kê phường Liên Mạc, 2015; 2016; 2017; 2018). Có thể thấy cơ cấu lao động việc làm của vùng ven đô qua số liệu xã Tân Lập và phường Liên Mạc như sau:

Hình 1. Cơ cấu lao động, việc làm xã Tân Lập và phường Liên Mạc, 6/2018

Nguồn: Thống kê xã Tân Lập và phường Liên Mạc, 2017 và 2018.

4. Thực trạng an sinh xã hội

4.1. Lao động, việc làm và giảm nghèo

Phát triển dịch vụ ASXH có ý nghĩa để bảo đảm hệ thống ASXH bao phủ toàn dân, nhằm giúp người dân có việc làm, thu nhập tối thiểu; tham gia bảo hiểm xã hội và các trợ giúp xã hội.

Khảo sát tại xã Tân Lập và phường Liên Mạc, số liệu cho thấy mặc dù số hộ thiếu việc làm tỷ lệ không nhiều, nhưng số hộ nghèo và cận nghèo vẫn có tỷ lệ đáng kể, nhất là hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều. Năm 2015, phường Liên Mạc có 79 hộ nghèo, năm 2016 tăng lên 129 hộ và đến 6 tháng đầu năm 2018 giảm còn 90 hộ chiếm tỷ lệ 6,5%

(trong đó 3,4% hộ nghèo và 3,1% hộ cận nghèo). Tại xã Tân Lập, tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 là 5,4% (2,3% hộ nghèo và 3,1% hộ cận nghèo), năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,6% xuống còn 4,8%, trong đó 2,2% hộ nghèo và 2,6% hộ cận nghèo.

3 Xã Liên Mạc trở thành phường năm 2013 theo Nghị quyết số 132 ngày 27/12/2013 về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 02 quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm với 23 phường thuộc thành phố Hà Nội.

6,9

19,2 19,8 15

19,7 9,5

9,8 0,1

8,6 3,7

23,5

26,8 12,8

24,5

0 5 10 15 20 25 30

Thiếu việc làm Làm thuê/nghề tự do Cán bộ nhà nước Thương mại/Dịch vụ Công nghiệp/xây dựng Tiểu thủ công nghiệp Nông/lâm/ngư nghiệp Thiếu việc làm Làm thuê/nghề tự do Cán bộ nhà nước Thương mại/Dịch vụ Công nghiệp/xây dựng Tiểu thủ công nghiệp Nông/lâm/ngư nghiệp

Xã Tân LậpPhương Ln Mạc

%

(5)

Hình 2. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo xã Tân Lập và phường Liên Mạc

Nguồn: UBND xã Tân Lập và UBND phường Liên Mạc, Hà Nội năm 2017, 2018.

Để triển khai công tác giảm nghèo, bảo đảm ASXH cho người dân, những năm qua, các ngành, các cấp tại các xã/phường ven đô cũng đã triển khai nhiều hoạt động có hiệu quả như: Hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo; phối hợp giải quyết cho nhiều lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn; mở các lớp dạy nghề cho người nghèo, hộ nghèo tại địa phương…

Số liệu khảo sát tại vùng ven đô cho thấy trong 3 năm gần đây (2015, 2017 và 2018) tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo tại xã Tân Lập và phường Liên Mạc được tập huấn hướng dẫn cách làm ăn phát triển kinh tế tăng lên rõ rệt. Chẳng hạn, xã Tân Lập năm 2015 có 16,4% số hộ nghèo, cận nghèo được tập huấn, thì năm 2017 tỷ lệ này đã tăng lên 41,6% và năm 2018 là 43,3%. Tương tự, phường Liên Mạc tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo được tập huấn hướng dẫn cách làm ăn, phát triển kinh tế cũng tăng qua các năm, năm 2015 (14,6%)… Trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 về “Tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác”. Chính sách này cũng được triển khai ở ven đô, đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước để từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho các hộ gia đình.

Kết quả khảo sát cho thấy, trong các năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở Tân Lập và Liên Mạc được vay vốn tín dụng từ ngân hàng chính sách xã hội tăng. Năm 2015, các hộ nghèo, cận nghèo ở Tân Lập được vay vốn tín dụng từ quỹ tín dụng ưu đãi với tỷ lệ 46,6% số hộ, năm 2017 (44,2%) và năm 2018 (41,6%). Các hộ nghèo, cận nghèo phường Liên Mạc năm 2015 được vay vốn tín dụng ưu đãi với tỷ lệ là 64,0%, năm 2017 (62,0%) và năm 2018 (63,6%).

2,30 2,20

3,40

2,80 3,1

2,6

3,1

3,7

0 1 2 3 4

2017 06/2018 2017 06/2018

Xã Tân Lập Phương Liên Mạc

%

Hộ nghèo Hộ cận nghèo

(6)

Hình 3. Tỷ lệ hộ nghèo được vay vốn và tham gia chương trình ASXH

Nguồn: Khảo sát xã Tân Lập (Đan Phượng) và phường Liên Mạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, 2018.

Thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) thành phố Hà Nội cũng đã triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác, trong đó có vùng ven đô. Cụ thể, đã có gần 515 lượt hộ nghèo ở Tân Lập và 200 lượt hộ nghèo, cận nghèo ở Liên Mạc được vay vốn trong hai năm 2017-2018; giúp hơn 70 hộ ở Tân Lập và 32 hộ ở Liên Mạc thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho 900 lao động ở Liên Mạc và 525 lao động ở Tân Lập trong hai năm 2017-2018; giúp nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo...

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, cũng như giảm nghèo vùng ven đô. Tỷ lệ hộ nghèo vùng ven đô vì thế có chiều hướng giảm. Cụ thể, hộ nghèo, cận nghèo xã Tân Lập giảm từ 6,2% (2016) xuống 4,8% (2018); hộ nghèo, cận nghèo phường Liên Mạc giảm từ 4,1%

(2016) còn 2,82% (2018).

Tuy nhiên, sự kết hợp giữa các ngành, các cấp trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo còn những bất cập cần khắc phục:

Cũng còn lúng túng, tư tưởng ỷ lại (ý nói hộ dân), tạo ra sức ỳ trong việc xóa những hộ nghèo, chính sách giảm nghèo còn chồng chéo, thiếu tính thống nhất và đồng bộ, chủ yếu thiên về lượng, ngắn hạn mà chưa thực sự chú trọng đến chất lượng giảm nghèo theo hướng bền vững. Cũng còn tính chất, mức độ “hành chính quan liêu” trong các cấp, một số cán bộ làm công tác giảm nghèo… Việc xác định diện hộ nghèo theo quy định có những lệch lạc, còn có biểu hiện dựa vào quan hệ thân quen đưa vào diện nghèo những hộ không nằm trong tiêu chí nghèo…

(PVS, Lãnh đạo xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội)

46,6

64

44,2

62

41,6

63,6

14,6 14,6

41,6

16,6

43,3

0

0 10 20 30 40 50 60 70

Tân Lập Liên Mạc Tân Lập Liên Mạc Tân Lập Liên Mạc

2015 2017 2018

%

Tỷ lệ hộ nghèo,cận nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội

Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo được tập huấn hướng dẫn cách làm ăn phát triển kinh tế

(7)

4.2. Tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế của người dân

Cho đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách kết hợp với nhau nhằm tạo ra một mạng lưới ASXH rộng khắp, đa tầng nhằm hạn chế, phòng ngừa và khắc phục rủi ro do thiên tai và các biến động về kinh tế-xã hội gây ra cho các thành viên trong xã hội, nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh việc ban hành các chương trình ASXH quan tâm toàn diện đến các nhóm xã hội yếu thế, thì việc tiến tới phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội cho toàn dân cũng là mục đích trong các chương trình ASXH hướng đến.

Tại xã Tân Lập, năm 2018 đã cấp 2.186 thẻ BHYT đến các đối tượng chính sách xã hội và trẻ em. Xây dựng và hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 16 hộ nghèo bằng phương thức vận động xã hội hóa với tổng số tiền hơn 155 triệu đồng. Năm 2017, xã đã phối hợp với Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây mở 01 lớp đào tạo nghề kỹ thuật trồng cây ăn quả cho 35 học viên là lao động nghèo của xã.

Khảo sát tại hai địa bàn ven đô cũng cho thấy bức tranh chung về nhận thức của người dân ở khía cạnh này. Tỷ lệ chung người dân được hỏi biết được các loại hình về bảo hiểm khá cao đó là: BHYT; Trợ cấp hưu trí; Bảo hiểm thất nghiệp; Trợ cấp tai nạn lao động; Trợ cấp ốm đau; Trợ cấp tử tuất và các loại bảo hiểm khác. Tuy nhiên khi xem xét mức độ hiểu biết đầy đủ về các loại BHXH, số liệu cho biết tỷ lệ hiểu biết về BHYT là cao nhất (30,7%), tiếp đến là các loại khác như: Trợ cấp thất nghiệp (9,2%); BHYT tự nguyện (6,9%); Trợ cấp tai nạn lao động (3,7%); Trợ cấp tử tuất (2,2%) (Trương Xuân Trường, 2016). Kết quả nghiên cứu định tính cũng cho thấy hiểu biết đối với BHXH và BHYT.

Thời gian qua, tôi cũng được cán bộ đến tuyên truyền, nên hiểu rằng tham gia BHYT vừa chăm sóc tốt sức khỏe bản thân, đồng thời, góp phần chia sẻ với cộng đồng xã hội… Dẫu được tuyên truyền nhiều lần, nhưng tôi cũng chưa rõ về lợi ích khi tham gia BHYT 5 năm liên tục là như thế nào.

(PVS, Nam, 40 tuổi, phường Liên Mạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) Các cấp, các ngành cần tuyên truyền nhiều hơn về BHXH tại các cụm dân cư, tổ dân phố…, bởi người dân chưa hiểu rõ về chính sách này.

(PVS, Nữ, 45 tuổi, xã Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội) Một điều nhận thấy là số người tham gia BHXH, BHYT tăng nhanh trong những năm gần đây. Tại xã Tân Lập, năm 2016 tỷ lệ dân số trong xã có thẻ BHYT là 81,7%, trong đó, 51,2% dân số có BHYT bắt buộc và 30,5% dân số có thẻ BHYT tự nguyện. Như vậy, so với số liệu của toàn quốc cùng thời kỳ thì tỷ lệ sử dụng thẻ BHYT ở Tân Lập có tỷ lệ cao hơn (81,7% so với 77,1%). Năm 2018, lao động hưởng lương có BHYT bắt buộc ở Tân Lập chiếm 25% tổng dân số toàn xã; tiếp đến là BHYT học sinh (22,3%); BHYT trẻ em dưới 6 tuổi (12,0%); BHYT người nghèo (11,2%); BHYT diện chính sách xã hội (7,8%) và BHYT cận nghèo (2,2%). Tương tự Tân Lập, phường Liên Mạc tỷ lệ những người lao động hưởng lương, trợ cấp cũng chiếm tỷ lệ cao nhất (14,5%), tiếp đến là BHYT học sinh (11,6%), BHYT trẻ em <6 tuổi (7,6%), BHYT cận nghèo (2,9%), BHYT người nghèo (2,7%), BHYT diện chính sách xã hội (3,7%).

(8)

Có một sự khác biệt trong việc người dân tham gia BHYT tự nguyện ở hai địa bàn ven đô, đó là tỷ lệ hộ gia đình tham gia BHYT tự nguyện ở Liên Mạc cao hơn hẳn so với Tân Lập (51,6% so với 18,9%). Riêng BHYT tự nguyện cho thân nhân người lao động khác tỷ lệ này ở Liên Mạc là 2,1%, trong khi ở Tân Lập không có người nào tham gia. Để cộng đồng có trách nhiệm với người bệnh khi ốm đau thì chính những người thân trong gia đình nên có trách nhiệm tham gia BHYT. Đây là loại hình lúc khỏe mua thẻ để tích lũy cho lức ốm, nhưng nhiều người được hỏi tại địa bàn khảo sát đều lựa chọn ngược là đến khi có bệnh nặng mới đi mua thẻ BHYT. Bên cạnh đó, nhu cầu mua bảo hiểm phòng thân cũng khác không phải ai cũng cần. Điều đó phần nào lý giải vì sao tỷ lệ mua thẻ BHYT tự nguyện cho thân nhân là rất thấp ở Liên Mạc và không có ai tham gia ở Tân Lập.

Hình 4. Tỷ lệ tham gia BHYT bắt buộc và tự nguyện

Nguồn: Khảo sát xã Tân Lập (Đan Phượng) và phường Liên Mạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, 2018.

Mặc dù vậy, nhìn chung tình trạng tham gia BHYT tự nguyện hộ gia đình còn thấp ở cả cấp độ thành phố lẫn vùng ven đô. Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này.

Một số bệnh viện cũng chưa lấy được uy tín. Nếu các bệnh viện thực hiện đúng các quy định của nhà nước thì ở địa phương mọi người cũng sẽ mua thẻ bảo hiểm để sử dụng. Có người mua bảo hiểm, nhưng khi khám bệnh hay có bệnh phải đến bệnh viện thì thuốc cũng không có, các nhân viên phục vụ khám chữa bệnh chưa nhiệt tình, nói chung bảo hiểm chỉ đỡ được tiền giường còn thuốc chỉ được những loại rẻ tiền.

(PVS, nam, 61 tuổi, Tân Lập) Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2015, BHYT được chuyển đổi từ tự nguyện sang hình thức BHYT hộ gia đình. Thực tế trong quá trình thực hiện, việc thu BHYT đã nảy sinh nhiều vướng mắc, vượt quá tầm giải quyết ở cấp cơ sở. Về quản lý nhà nước, hiện các chỉ tiêu tham gia BHYT tự nguyện hộ gia đình, hiện nay đang giao cho các UBND cấp xã xác định và lập danh sách (thông tư áp dụng từ tháng 10/2015), vì vậy để áp dụng vẫn còn lúng túng, khác nhau từng địa phương. Phỏng vấn sâu người dân ven đô về tình hình này được biết:

25

11,1

2,2

12

7,8

22,3

0

18,9

0 14,5

2,7 2,9 7,6 3,7

11,6

0

51,6

2,1

0 10 20 30 40 50 60

Người hưởng lương, trợ

cấp

Người nghèo Người cận nghèo

Trẻ em dưới 6 tuổi

Diện chính sách xã hội

Học sinh, sinh viên

Hội, đoàn thể Hộ gia đình Thân nhân người lao động khác

%

Xã Tân Lập Liên Mạc

(9)

Thực tế, mỗi xã có 2-3 đại lý BHYT, chỉ ở Văn phòng UBND xã do cán bộ xã kiêm nhiệm, bán theo ngày, giờ. Hiện hoạt động theo hướng chờ khách mua, chứ chưa đi vận động tại nhà. Có xã chỉ bán BHYT vào chiều thứ 2/5/7 tại UBND xã. Thường sau 1 tháng người dân mới có thẻ; chưa kể có nơi sau 1 quý mới có…

(PVS, nam, 60 tuổi, xã Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội) 5. An sinh xã hội trong hoạt động trợ giúp xã hội (TGXH)

Trợ giúp xã hội bao gồm: TGXH thường xuyên; Hỗ trợ giáo dục, dạy nghề và đào tạo việc làm cho người nghèo; và TGXH đột xuất trong cộng đồng. TGXH thường xuyên là sự trợ giúp của Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng về vật chất và tinh thần cho những đối tượng xã hội có hoàn cảnh khó khăn không tự lo được cuộc sống để họ ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng xã hội và phát triển4. Tại Liên Mạc, năm 2016, các đối tượng chính sách đã được nhận hỗ trợ với tổng số tiền là 2.854.435.000 đồng. Bên cạnh công tác chăm lo về vật chất cho các đối tượng chính sách, người nghèo về an sinh xã hội, công tác khám chữa bệnh cũng đã được triển khai đồng bộ. Năm 2016 đã khám 80 lượt cho các đối tượng BHYT; khám dự phòng 2.435 người; phối hợp sửa chữa nhà cho

“người già cô đơn”, “nhà hộ nghèo” và “nhà tình đồng đội” bằng nguồn xã hội hóa và quỹ người nghèo, trị giá xấp xỉ 100 triệu đồng. Năm 2017, công tác TGXH vẫn tiếp tục được triển khai. Để thực hiện công tác này, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội của phường đã hướng dẫn 14 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp 1 lần cho người già yếu, ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo, họp xét duyệt trợ cấp xã hội theo nghị định 136/NĐ-CP cho 15 đối tượng. Hoàn thiện rà soát 2 đối tượng lang thang trên địa bàn gửi về Trung tâm bảo thành phố, đề nghị cấp thẻ xe buýt cho 10 trường hợp người có công và người khuyết tật trên địa bàn phường. Hoàn thiện 38 hồ sơ trợ cấp một lần đối với người được tặng bằng khen của bộ trưởng và của Chủ tịch UBND thành phố... Tại Tân Lập, năm 2017 đã xét đề nghị 84 trường hợp hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo Nghị định 28/NĐ-CP ngày 29/4/1995, Nghị định 136/NĐ-CP ngày 21/10/2013; lập hồ sơ đề nghị và trao số tiền 2 tỷ 450 triệu đồng hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở theo Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 đối với 39 người có công và thân nhân người có công.

Hỗ trợ giáo dục, dạy nghề và đào tạo việc làm cho người nghèo: Theo kế hoạch hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn Hà Nội, số lượng người nghèo được TGXH thường xuyên từng bước được mở rộng và tăng mạnh trong những năm gần đây. Theo kết quả rà soát của các huyện, thị xã tại thời điểm tháng 12/2017, Hà Nội có 4.046 hộ nghèo đề nghị hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở. Triển khai các hoạt động này tại ven đô, phường Liên Mạc năm 2016 đã tiến hành rà soát hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nghèo đa chiều theo tiêu chí thành thị. Đã tổ chức 02 lớp tập huấn đào tạo nghề ngắn hạn cho 68 lao động; giới thiệu 90 và tạo việc làm cho 466 lao động đạt 116,5% kế hoạch năm.

Trợ giúp xã hội đột xuất nhằm giảm nghèo là một trong những nhân tố quan trọng góp phần đảm bảo ASXH. Đến ngày 20/6/2018 Chi nhánh Ngân hàng chính

4 Nguồn: Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.

(10)

sách xã hội thành phố đã cung cấp cho 2.902 hộ vay vốn với số tiền vay là 72.545 triệu đồng, đạt 66,8% kế hoạch. Tại Liên Mạc, bên cạnh các hỗ trợ của thành phố, công tác trợ giúp xã hội cũng đã được thực hiện. Cụ thể, Hội Phụ nữ phường hỗ trợ xây dựng 01 mái ấm tình thương trị giá 30.000.000đ; Hội Cựu chiến binh hỗ trợ xây dựng 01 nhà nghĩa tình đồng đội trị giá 70.000.000 đồng và Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ xây dựng 01 nhà tình thương trị giá 50.000.000 đồng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xây dựng 01 nhà đại đoàn kết.

Đánh giá về chất lượng của các chương trình hỗ trợ hiện nay ở ven đô theo 3 cấp độ an sinh, có thể thấy những hỗ trợ chủ yếu vẫn là cấp độ lưới an toàn. Cho dù ở mức độ lưới an toàn thì chất lượng vẫn còn yếu và hạn hẹp. Các hỗ trợ mang tính giải quyết tình thế, ứng phó hơn là một chương trình được hoạch định cụ thể. Những trường hợp bị tai nạn đột xuất, hoàn cảnh khó khăn có chăng nhận được một ít tiền trợ giúp từ Hội chữ thập đỏ, nhưng sau đó các hoạt động khác hầu như không được nhắc đến. Ở đây đặt ra vấn đề ASXH như thế nào ở cả 3 cấp độ lưới an toàn, phòng ngừa và nâng cao năng lực cho những người còn lại như trẻ em và người già trong gia đình này khi hai lao động chính thức của gia đình không còn nữa? Bên cạnh đó, hỗ trợ xã hội, trợ cấp xã hội cho các nhóm đối tượng cũng cần tính đến các nhóm có hoàn cảnh khác nhau. Tùy theo mức độ nặng nhẹ, nghiêm trọng ít nhiều để có phương thức hỗ trợ phù hợp:

Để xây dựng mạng lưới hỗ trợ cho bất kỳ một gia đình nào có hoàn cảnh khó khăn thì cái khó nhất vẫn là kinh phí của nông thôn không có, lấy nguồn ở đâu, chủ yếu là do dân đóng góp.

(PVS, Nam 55, Cụm trưởng, Tân Lập) Có thể nhận thấy ASXH vùng ven đô hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào gia đình và cộng đồng. Gia đình hạt nhân hai thế hệ và gia đình mở rộng vẫn là chỗ dựa của các nhóm xã hội, đặc biệt là nhóm yếu thế hay dễ bị tổn thương. Các trợ giúp bên ngoài thường xuyên hay không thường xuyên, vẫn chỉ mang tính chất động viên, thăm hỏi hoặc trợ giúp phần nào các khó khăn của những gia đình cần được trợ giúp.

Ở nông thôn theo tập quán hồi xưa để lại thì vẫn trẻ cậy (trông vào) cha mà già thì cậy con. Những người có lương hưu thì không nói, còn những ông bà làm nông nghiệp thì hầu như phải trông cậy vào con thôi. Ví dụ như đi ăn cỗ, còn bố mẹ thì người con phải có trách nhiệm đưa tiền cho bố mẹ đi ăn cỗ… Nông thôn bây giờ kinh tế có phát triển hơn trước, có ít nhiều ảnh hưởng của đô thị, nhưng cũng ít cụ có vốn riêng để chi tiêu, mà vẫn trong chờ vào con cái.

(PVS hộ dân, nam, 65 tuổi, xã Tân Lập) 6. Một số vấn đề đặt ra đối với An sinh xã hội vùng ven đô

Bảo hiểm xã hội là bộ phận lớn nhất trong hệ thống ASXH, là trụ cột cơ bản của ASXH. Một hệ thống ASXH với các loại hình bảo hiểm đa dạng sẽ giúp bao phủ đến nhiều người dân với các nhu cầu khác nhau. Trong lúc mạng lưới bảo hiểm chưa phủ hết trên diện rộng thì một vấn đề đặt ra là cần cải thiện các tổ chức, các bên liên quan. Thực tế vẫn còn những thủ tục phiền hà, rắc rối, gây mệt mỏi cho người dân - đó là nhận xét

(11)

của nhiều người dân khi mua BHYT hộ gia đình, áp dụng theo quy định mới của Luật BHYT sửa đổi.

Để được mua BHYT, chúng tôi phải mang theo nhiều giấy tờ như: sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, thẻ BHYT của các thành viên trong gia đình, kèm bản sao chụp các loại giấy tờ trên. Rắc rối phát sinh ở chỗ là nếu thành viên trong gia đình đang làm ăn xa, công tác nước ngoài, thì đại diện hộ gia đình phải có giấy tờ chứng minh sự vắng mặt, cũng như phải giải trình tình trạng mua BHYT hiện thời của các thành viên. Những trường hợp gia đình có người nhà tạm thời đi làm nơi khác, chỗ ở không ổn định, thì biết chứng minh bằng cách nào? Hoặc nữa, trường hợp vợ chồng đã ly hôn nhưng chưa tách khẩu, thì việc mua BHYT giải quyết ra sao?

(PVS, nữ, 48 tuổi, xã Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội) Trong quá trình đô thị hóa, về mặt dân số vùng ven đô không chỉ có dân bản địa sinh sống, mà còn có cả người dân di cư cư trú và các khu nhà trọ cùng dần phát triển.

Đối với các lao động ở các khu nhà trọ, việc tiếp cận với BHYT và BHXH cũng có những bất cập. Theo quy định mới, nếu một người không mua BHYT theo hộ gia đình, thì thành viên khác trong hộ cũng không có được BHYT. Việc mua BHYT theo nhóm hộ gia đình nhằm giúp người dân được hưởng nhiều ưu đãi hơn trước đây, mọi người đều phải đóng BHYT cùng một mức bằng 4,5% mức lương cơ sở. Theo Luật BHYT sửa đổi, mức đóng của hộ gia đình sẽ giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi. Nếu người thứ nhất của hộ gia đình đóng BHYT tối đa bằng 6% mức lương cơ sở thì người thứ hai, thứ ba, thứ tư chỉ phải đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất5. Luật cũng có những điều chỉnh theo chiều hướng bảo vệ quyền lợi cho người có thẻ BHYT với việc nâng các mức chi trả tiền khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, cũng có những phiền hà đối với người dân như ý kiến một chủ nhà trọ than phiền:

Khu tôi ở gồm chục phòng trọ, có sáu người đăng ký hộ khẩu tạm trú, trong số này có hai người mua bảo hiểm của nước ngoài, nên không mua BHYT. Nay tôi muốn mua BHYT cũng không được vì không thể thuyết phục họ cùng tham gia.

(PVS, người thuê nhà, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) Về mức đóng BHYT hiện nay vẫn còn tồn tại những ý kiến khác nhau, nhưng có khá nhiều ý kiến cho rằng đối với người dân vùng ven đô, mà số đông cư dân vẫn là dân nông nghiệp thì mức phí BHYT vẫn cao. Có 58,0% người được hỏi ở Tân Lập cho rằng mức phí đóng BHYT là “cao và rất cao”, 27,8% ý kiến cho rằng mức đóng theo quy định là “vừa phải”, 16,7% không bày tỏ quan điểm về vấn đề này. Tỷ lệ không đáng kể (0,5%) người được hỏi cho biết mức giá đóng BHYT là thấp (Trương Xuân Trường, 2016).

Từ 1 tháng 7 năm 2018, lương cơ sở bắt đầu được áp dụng tăng từ 1,3 triệu đồng lên 1,39 triệu đồng/tháng. Mức đóng BHYT được tính theo công thức 4,5% lương cơ sở, vì vậy cũng điều chỉnh theo. Đến nay, theo quy định người mua BHYT tự nguyện phải trả

5 Mục 3 điều 13 Luật BHYT sửa đổi số 46/2014/QH13 ngày 13/6/2014.

(12)

58.500 đồng/ tháng tức 702.000 đồng/ năm. Từ 1/7, phí mua BHYT tăng thêm 48.600 đồng/năm, ở mức 750.600 đồng, tương đương một tháng 62.550 đồng. Đây cũng sẽ là vấn đề đặt ra trong việc vận động người dân tham gia BHYT, nhất là người dân nông thôn không có chế độ lương như những lao động làm công ăn lương nhà nước khác.

Một cản trở cần được nhắc đến trong việc mở rộng độ bao phủ BHXH là các biện pháp thể chế hỗ trợ đã có thay đổi, nhưng còn những bất cập. Chẳng hạn như Nghị định 11/NĐ-CP ngày 16/4/2004 về xử phạt nợ đọng BHXH bắt buộc đối với các đơn vị vi phạm cao nhất là 20 triệu đồng đến Nghị định 86/NĐ-CP ngày 13/8/2010 đã nâng mức xử phạt lên 30 triệu đồng đối với người sử dụng lao động từ 501 lao động trở lên. Tuy nhiên, với mức phạt như vậy thì chưa đủ sức răn đe và làm thiệt hại đến người lao động.

Cháu cũng hiểu sơ sơ về luật lao động là người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Nhưng chỗ cháu làm chẳng thấy ai nói là ký hợp đồng gì, cứ làm việc và đến tháng nhận tiền lương thôi…

(PVS, nam, thợ cắt kính, 39 tuổi, Liên Mạc) Một xã hội ở nơi đó có các quan hệ lao động được xây dựng dựa trên chế độ hợp đồng, có hệ thống kiểm soát, thanh tra và giám sát việc thực hiện bảo vệ quyền lợi người lao động mới có thể thúc đẩy tiến trình mở rộng diện bao phủ của BHXH. Nếu như các điều kiện pháp lý chưa được đảm bảo và thiếu một cơ chế giám sát buộc các chủ doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm cho người lao động thì rất khó cải thiện tình hình hiện tại về BHXH cho khu vực tư nhân. Trong lúc BHXH bắt buộc còn chưa được giải quyết triệt để thì rất khó có thể nói đến BHXH tự nguyện.

Bảo hiểm y tế tự nguyện được xem là giải pháp cần thiết đối với khu vực nông thôn nói chung, vùng ven nói riêng trong việc giải quyết các vấn đề về ASXH cũng như trong bước chuyển dịch mô hình an sinh phi chính thức sang chính thức, từ dựa trên hỗ trợ xã hội là chính sang bảo hiểm là chính. Qua kết quả khảo sát, nhìn nhận về quá trình chuyển đổi này có lẽ là một triển vọng lâu dài trong tương lai gần. Hơn nữa, những ưu tiên trước hết của người dân vẫn là sức khỏe, còn các loại bảo hiểm khác được ưu tiên sau.

Người nông dân tham gia chủ yếu là để phòng khi ốm đau bệnh tật và giảm chi phí khi đi khám chữa bệnh, đa số người dân tham gia vì lợi ích của bản thân, họ chưa có ý thức vì lợi ích của cộng đồng. Chính vì vậy khi tham gia BHYT tự nguyện mà không dùng đến thẻ BHYT, thì họ cảm thấy đồng tiền bỏ ra không mang lại lợi ích cho bản thân, nên có một số người lại không tiếp tục tham gia hoặc không ốm đau cũng đi khám chữa bệnh.

(PVS cán bộ LĐ-TB-XH, Liên Mạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) Kết quả thực hiện chính sách BHXH tự nguyện trong những năm qua đến năm 2017 ở thành phố nói chung và ven đô cho thấy, mặc dù đối tượng tham gia ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước, nhưng việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn rất chậm. Hơn nữa, chính sách BHXH tự nguyện là chính sách mới, vì vậy, mặc dù số thu năm sau có tỷ lệ cao hơn so với năm trước, nhưng số người tham gia so với lực lượng

(13)

lao động còn đạt tỷ lệ thấp. Đây cũng là điểm yếu cần khắc phục để phát triển dịch vụ ASXH ở ven đô.

7. Kết luận và giải pháp phát triển dịch vụ An sinh xã hội ven đô

Bảo đảm ASXH cho người dân là giải pháp cơ bản để giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của nhân dân và góp phần ổn định chính trị xã hội. Tuy nhiên, hệ thống ASXH vùng ven đô còn nhiều hạn chế, diện bao phủ của nhiều chính sách ASXH như:

BHXH, BHYT trong đó đặc biệt BHYT tự nguyện tỷ lệ người dân tham gia còn thấp, một bộ phận người dân nhất là người nghèo còn gặp những khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ này.

Thị trường lao động và cơ cấu lao động việc làm vùng ven đô tuy đã có bước phát triển nhưng chưa hoàn thiện, chất lượng việc làm còn thấp. Lao động ven đô chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp, khu vực phi kết cấu, năng suất thấp với điều kiện lao động kém, thu nhập bấp bênh. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn chiếm tỷ lệ đáng kể nhất là nghèo đa chiều. Một bộ phận hộ nghèo rơi vào nghèo kinh niên và khó có thể tự vươn lên thoát nghèo đòi hỏi phải có những chính sách đặc thù.

Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách ASXH vẫn còn hạn chế, nhiều người lao động không biết thông tin về quyền lợi và nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội. Một trụ cột khác của ASXH ven đô là TGXH phạm vi thực hiện còn hẹp, mới tập trung chủ yếu cho đối tượng được hỗ trợ xã hội...

Xuất phát từ việc phân tích thực trạng nhằm phát triển dịch vụ ASXH vùng ven đô, một số giải pháp cụ thể cần được triển khai thực hiện như sau:

Thứ nhất, cần mở rộng độ bao phủ và sự tham gia chương trình ASXH của người dân. Để mọi người lao động có quan hệ lao động hoặc thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tuân thủ pháp luật, phải làm cho họ hiểu, đóng BHXH để hưởng, đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp. Với đối tượng đóng BHXH tự nguyện, phải mở rộng độ bao phủ để bảo đảm quyền lợi cho người lao động theo tinh thần của Hiến pháp, quan điểm của Đảng và Nhà nước.

Thứ hai, cần tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện. Việc thu hút người dân tham gia BHXH, trong đó có BHXH tự nguyện nhằm phát huy đầy đủ vai trò trụ cột của bảo hiểm xã hội, góp phần quan trọng không chỉ cho sự phát triển kinh tế mà còn nhằm mục tiêu ổn định xã hội cho mọi người dân. Nhà nước cũng cần hỗ trợ một phần phí để người dân tích cực hơn trong việc tham gia BHXH tự nguyện.

Thứ ba, cần đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân tham gia hệ thống ASXH. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật, chính sách về BHXH tự nguyện theo hướng đa dạng hóa các hình thức triển khai và phối hợp sự tham gia của nhiều tổ chức đoàn thể.

Thứ tư, mở rộng và nâng cao hiệu quả chính sách TGXH đến nhóm dân cư có thu nhập thấp và nhóm có hoàn cảnh khó khăn. Trong thời gian tới, trên phạm vi cả nước, trong đó có vùng ven Hà Nội phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như: vấn đề

(14)

già hoá dân số; tác động của biến đổi khí hậu và nhiều nguyên nhân khác nhau làm gia tăng số người cao tuổi, khuyết tật, người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đòi hỏi phải có một hệ thống chính sách ASXH và TGXH đồng bộ, bao phủ và đủ sức làm tốt vai trò phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân. Muốn vậy, hệ thống trợ giúp xã hội cần phải được đổi mới một cách căn bản theo hướng: Phải chuyển mạnh mẽ về quan điểm coi TGXH từ hoạt động nhân đạo sang quan điểm bảo đảm thực hiện quyền cho đối tượng hưởng TGXH.

Tài liệu tham khảo

Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Tổng cục Thống kê: Kết quả điều tra lao động việc làm Quý I năm 2017.

Bùi Thế Cường và cộng sự. 2003. Phúc lợi xã hội ở Việt Nam - Hiện trạng, vấn đề và điều chỉnh. Đề tài cấp Bộ.

Đảng bộ quận Bắc Từ Liêm. Ban chấp hành Đảng bộ phường Liên Mạc. 2014. Lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân phường Liên Mạc. Hà Nội.

Đảng Cộng sản Việt Nam. 1987. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI. Nxb Sự thật. Hà Nội.

Trang 15.

Iaquinta D.L and Drescher A.W. 2002. Defining the peri-urban: Rural - Urban linkages and Institutional connections. Nebraska Wesleyan University.

Mai Anh, 2017. Hà Nội phát triển nông nghiệp ven đô - Hướng đi bền vững. Truy cập từ http://moitruong.com.vn.

Niên giám Thống kê Hà Nội các năm 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015.

Nghị định số 113/NĐ-CP ngày 16/4/2004 Quy định xử phạt hành chính về hành vi phạm pháp luật lao động.

Nghị định số 135/NĐ-CP ngày 16/8/2007 Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội.

Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.

Nghị quyết TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020.

Tô Duy Hợp và cộng sự. 2000. Báo cáo nhiệm vụ cấp Bộ năm 2000. Luận cứ khoa học cho việc điều chỉnh chính sách xã hội nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam ngày nay.

Thống kê về kinh tế - xã hội UBND xã Tân Lập và phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm 2015, 2017, 2018.

Trịnh Duy Luân. 2016. Bài tham luận tại Hội thảo Phát triển nông nghiệp đô thị ven đô, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho người nông dân do Quỹ Châu Á và Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 31/8/2016.

Trương Xuân Trường. 2016. Nghiên cứu mức độ hài lòng của người dân đồng bằng sông Hồng với chính sách Bảo hiểm y tế. Đề tài cấp Bộ.

đất nông nghiệp

Tài liệu tham khảo

Tài liệu liên quan