• Không có kết quả nào được tìm thấy

THIẾT KẾ NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TRONG DẠY HỌC CHỦ ĐỀ “HỆ HÔ HẤP” (SINH HỌC 8) NHẰM PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

N/A
N/A
Protected

Academic year: 2022

Chia sẻ "THIẾT KẾ NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TRONG DẠY HỌC CHỦ ĐỀ “HỆ HÔ HẤP” (SINH HỌC 8) NHẰM PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ"

Copied!
7
0
0

Loading.... (view fulltext now)

Văn bản

(1)

THIẾT KẾ NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TRONG DẠY HỌC CHỦ ĐỀ “HỆ HÔ HẤP” (SINH HỌC 8) NHẰM PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

CỦA HỌC SINH

Design case studies exercises in teaching Respiratory system topic, 8

th

grade biology to develop students' problem solving competencies

Đặng Thị Dạ Thủy1 Nguyễn Thị Diệu Phương1,+

Tạ Quốc Khánh2

1Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế

2Trường THCS Nguyễn Trãi, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị +Tác giả liên hệ ● Email: ntdphuong.dhsp@hueuni.edu.vn Article History

Received: …/…/2021 Accepted: …/…/2021 Published: …/…/2021 Keywords

Problem solving

competencies, case studies, Respiratory system, 8th grade Biology

Từ khóa

Năng lực giải quyết vấn đề, nghiên cứu trường hợp, hệ hô hấp, Sinh học 8

ABSTRACT

Case studies is a teaching method, in which learners conduct a research on an actual situation and solve its practical problems by themselves. Using case studies in teaching is one of the techniques which help develop student’s core competencies such as self-studying, collaborating and particulary problem-solving. This article proposes the process of designing case studies and types of case studies designed applying this process in teaching Respiratory system topic 8th grade Biology at school.

TÓM TẮT

Nghiên cứu trường hợp là một phương pháp dạy học, trong đó người học tự lực nghiên cứu một tình huống thực tiễn và giải quyết các vấn đề của tình huống đặt ra. Việc sử dụng nghiên cứu trường hợp trong dạy học là một trong những biện pháp hữu hiệu góp phần phát triển các năng lực cốt lõi của học sinh như năng lực tự học, năng lực hợp tác, đặc biệt là năng lực giải quyết vấn đề. Bài báo đề xuất quy trình thiết kế nghiên cứu trường hợp trong dạy học chương trình Sinh học 8 nhằm phát triển năng lực giải quyết vấn đề của học sinh. Vận dụng quy trình đó thiết kế các dạng nghiên cứu trường hợp trong dạy học chủ đề “Hệ hô hấp” (Sinh học 8).

1. Mở đầu

Chương trình giáo dục phổ thông bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua nội dung giáo dục, chú trọng vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề (GQVĐ) trong học tập và thực tiễn nhằm chuẩn bị cho người học có năng lực giải quyết được các tình huống của cuộc sống và nghề nghiệp (Bộ GD-ĐT, 2018a). Nghiên cứu trường hợp (NCTH) là một phương pháp dạy học, trong đó người học tự lực nghiên cứu một tình huống thực tiễn và giải quyết các vấn đề của tình huống đặt ra, hình thức làm việc chủ yếu là nhóm. Năng lực của học sinh (HS) được hình thành và phát triển thông qua hoạt động học tập. NCTH không những là công cụ để giáo viên (GV) tổ chức hoạt động học tập (khám phá, luyện tập, vận dụng và mở rộng) mà còn là công cụ để HS tự đánh giá hoặc GV đánh giá năng lực của HS. Vì vậy, việc thiết kế NCTH là một trong những biện pháp hữu hiệu góp phần phát triển năng lực đặc thù của môn học và năng lực chung, trong đó có năng lực giải quyết vấn đề (NLGQVĐ) của HS.

Nội dung phần “Sinh học cơ thể người và vệ sinh” trong Chương trình Sinh học 8 bao gồm các kiến thức về cấu tạo và hoạt động sinh lí của các cơ quan nói riêng và các hệ cơ quan nói chung trong cơ thể người, kiến thức vệ sinh cùng các biện pháp rèn luyện cơ thể bảo vệ và tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật (Bộ GD-ĐT, 2006). Vì vậy, cơ sở khoa học của những vấn đề thực tiễn về sức khỏe của con người là nguồn tư liệu bổ ích để xây dựng các NCTH nhằm phát triển NLGQVĐ của HS trong dạy học phần này.

2. Kết quả nghiên cứu 2.1. Năng lực giải quyết vấn đề

- Khái niệm: Nghiên cứu của OECD (2012) đã định nghĩa: “NLGQVĐ là khả năng một cá nhân tham gia vào việc xử lí, nhận thức để hiểu và giải quyết các tình huống có vấn đề tại thời điểm đó chưa tìm ra được phương pháp giải quyết rõ ràng. Nó bao gồm sự tự nguyện tham gia giải quyết tình huống để cá nhân đạt được tính phản

(2)

xạ và xây dựng” (tr 30). Theo Phan Thi Thanh Hoi và cộng sự (2018), “NLGQVĐ là khả năng cá nhân huy động kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm bản thân để phát hiện vấn đề, tìm ra giải pháp và thực hiện giải quyết vấn đề một cách hiệu quả” (tr 539). Như vậy, có thể hiểu, NLGQVĐ là khả năng cá nhân huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng, hành động và thái độ, động cơ, xúc cảm để giải quyết có hiệu quả những tình huống có vấn đề mà ở đó không có sẵn quy trình, thủ tục, giải pháp thông thường.

- Cấu trúc: Theo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (Bộ GD-ĐT, 2018a), cấu trúc NLGQVĐ của HS ở cấp trung học cơ sở bao gồm 4 thành tố sau (bảng 1):

Bảng 1. Cấu trúc của NLGQVĐ Các thành tố của

NLGQVĐ Biểu hiện

Phát hiện và làm rõ vấn đề Phân tích được tình huống trong học tập và cuộc sống, phát hiện vấn đề và diễn đạt được vấn đề

Đề xuất các giải pháp Xác định được và biết tìm hiểu các thông tin liên quan đến vấn đề; đề xuất được giải pháp giải quyết vấn đề

Lựa chọn giải pháp và triển khai, điều chỉnh giải pháp GQVĐ

Lựa chọn được giải pháp phù hợp nhất. Lập được kế hoạch GQVĐ (kế hoạch hoạt động có mục tiêu, nội dung, hình thức, phương tiện, hoạt động phù hợp).

Thực hiện được kế hoạch GQVĐ.

Đánh giá hiệu quả của giải pháp GQVĐ

Đánh giá được sự phù hợp hay không phù hợp của kế hoạch, giải pháp và việc thực hiện kế hoạch, giải pháp.

2.2. Nghiên cứu trường hợp

- Khái niệm: Theo Bernd Meier và Nguyễn Văn Cường (2015), NCTH là một phương pháp dạy học, trong đó người học tự lực nghiên cứu một tình huống thực tiễn và giải quyết vấn đề của tình huống, hình thức làm việc chủ yếu là hoạt động nhóm (tr 136). Trọng tâm của phương pháp này là người học phân tích và giải quyết vấn đề của một trường hợp được lựa chọn từ thực tiễn.

- Các dạng NCTH: Căn cứ vào quy mô và tính chất của vấn đề cũng như trọng tâm của nhiệm vụ học tập khi NCTH, có thể có các dạng trường hợp khác nhau như sau (Bernd Meier và Nguyễn Văn Cường, 2015):

+ Dạng trường hợp tìm vấn đề: HS học cách xác định xem vấn đề gì ẩn chứa trong trường hợp. Thông tin trong trường hợp đã cho là có cả thông tin nhiễu; vấn đề chưa được nêu rõ, HS cần phát hiện các vấn đề ẩn. Sau khi xác định được vấn đề mới tìm phương án giải quyết vấn đề, thực hiện phương án đã chọn, đánh giá vấn đề.

+ Dạng trường hợp quyết định: HS học cách lí giải một quyết định của vấn đề từ các thông tin đã cho đầy đủ.

+ Dạng trường hợp thông tin: HS học cách tập hợp, nghiên cứu và trình bày các thông tin cần thiết trong một trường hợp đã cho để giải quyết một vấn đề.

+ Dạng trường hợp giải quyết vấn đề: HS học cách giải quyết một vấn đề đã được nêu rõ. HS học cách đề xuất giả thuyết, thiết kế và thực hiện thí nghiệm kiểm chứng giả thuyết, từ đó rút ra kết luận về vấn đề.

+ Dạng trường hợp đánh giá: Ở dạng này, vấn đề và các phương án giải quyết vấn đề đã rõ ràng. HS học cách đánh giá, phê phán hay đồng tình với các phương án đã đưa ra. HS có thể đưa ra phương án khác thay thế.

2.3. Quy trình thiết kế nghiên cứu trường hợp trong dạy học Sinh học 8 nhằm phát triển năng lực giải quyết vấn đề của học sinh

- Bước 1. Xác định mục tiêu của chủ đề, chú trọng xác định mục tiêu về phát triển NLGQVĐ của HS: GV nghiên cứu chương trình môn học, xác định mục tiêu học tập cụ thể của chủ đề gồm: kiến thức, năng lực, phẩm chất. Trên cơ sở đó, xác định mục tiêu phát triển NLGQVĐ của HS thông qua các vấn đề trọng tâm và gắn với thực tiễn của chủ đề.

- Bước 2. Phân tích nội dung của chủ đề, xác định thành phần kiến thức để thiết kế NCTH: Chương trình Sinh học 8 gồm một hệ thống các khái niệm: Khái niệm giải phẫu, khái niệm sinh lí (hiện tượng sinh lí và quá trình sinh lí), khái niệm vệ sinh và y học. Mục tiêu của GV khi xây dựng một NCTH là giúp HS vận dụng các khái niệm để phân tích các tình huống thực tiễn và đưa ra cách thức giải quyết. Vì vậy, việc xác định và phân tích nội dung trọng tâm của chủ đề để làm cơ sở cho việc xác định vấn đề đặt ra của NCTH là rất cần thiết.

- Bước 3. Nghiên cứu vấn đề, thu thập và lựa chọn dữ liệu: Sau khi xác định vấn đề, GV nghiên cứu và thu thập các dữ liệu thích hợp, cần thiết từ các nguồn tài liệu tham khảo. Đối chiếu với mục tiêu học tập ở bước 1 và nội dung trọng tâm ở bước 2, GV lựa chọn các thông tin có thể mã hóa thành các dạng NCTH ứng với các khâu của quá trình dạy học. Đây chính là nguồn dữ liệu “thô” để xây dựng các NCTH phát triển NLGQVĐ ở bước 4.

(3)

- Bước 4. Viết NCTH, biên tập và xem xét lại NCTH: Trên cơ sở nguồn dữ liệu đã được chọn lọc ở bước 3, GV sắp xếp các dữ liệu và viết bản thảo về NCTH, bao gồm: (1) Tổ chức tài liệu và các ghi chép; (2) Xác định tình huống hay sự kiện cần xây dựng; (3) Chuẩn bị một đề cương tình huống (có thể dưới dạng bản đồ tư duy); (4) Viết bản thảo về NCTH. Cấu trúc NCTH gồm có bốn phần sau:

+ Tiêu đề: Tiêu đề về trường hợp nghiên cứu. Dựa vào vấn đề trọng tâm của tình huống và căn cứ vào mục tiêu học tập, GV đặt tiêu đề phù hợp, kích thích hứng thú nhận thức của HS.

+ Phần mô tả trường hợp: Trường hợp cần được mô tả rõ ràng và cần thực hiện các chức năng lí luận dạy học như: chứa đựng vấn đề và có thể có xung đột; có nhiều cách giải quyết; cần tạo cho HS có thể trình bày theo cách hiểu của mình; vừa sức và HS có thể giải quyết trên cơ sở vận dụng kiến thức và kĩ năng của mình.

+ Phần nhiệm vụ của người học: Đây chính là hệ thống câu hỏi người học cần trả lời khi NCTH. Các câu hỏi cần rõ ràng, vừa sức và nhằm GQVĐ đặt ra để đạt mục tiêu của chủ đề. Căn cứ vào mục tiêu phát triển NLGQVĐ của chủ đề học tập để thiết kế hệ thống câu hỏi phù hợp. Có thể có một hoặc nhiều câu hỏi (trắc nghiệm khách quan/ trắc nghiệm tự luận), câu hỏi có thể được sắp xếp theo các mức độ rèn luyện NLGQVĐ khác nhau từ thấp đến cao. GV xây dựng đáp án của trường hợp. Ngoài ra, GV cần dự kiến cách giải quyết của HS để có sự định hướng phù hợp.

+ Phần yêu cầu về kết quả: Phần này đưa ra những yêu cầu cần thực hiện được trong khi NCTH, nhằm định hướng cho việc nghiên cứu vấn đề.

Biên tập và xem xét lại: Xem xét kĩ lưỡng cách trình bày thông tin. Loại bỏ thông tin không cần thiết. Kiểm tra xem liệu thông tin có được trình bày theo một trật tự có ý nghĩa không. Kiểm tra lỗi chính tả, kiểm tra kết cấu câu và đoạn văn.

- Bước 5. Thử nghiệm NCTH: GV thử nghiệm NCTH với một nhóm nhỏ HS; biên tập lại để hoàn thiện hơn.

- Bước 6. Thiết kế kế hoạch bài dạy của chủ đề có sử dụng NCTH: GV thiết kế kế hoạch bài dạy của chủ đề, trong đó NCTH được sử dụng như là một phương pháp phát triển NLGQVĐ của HS. GV xác định NCTH sẽ được sử dụng ở khâu nào trong quá trình dạy học (nghiên cứu tài liệu mới, ôn tập, tổng kết chương; hoặc sử dụng trong kiểm tra đánh giá), ở hoạt động học tập nào (khám phá, luyện tập, vận dụng hay mở rộng). Xác định thời gian, không gian HS giải quyết NCTH (trên lớp, ở nhà hay cả hai). Từ đó, soạn kế hoạch bài dạy phù hợp.

2.4. Ví dụ minh họa quy trình thiết kế nghiên cứu trường hợp trong dạy học Sinh học 8 nhằm phát triển năng lực giải quyết vấn đề của học sinh

Thiết kế NCTH trong dạy học chủ đề “Hệ hô hấp” - Sinh học 8 nhằm phát triển NLGQVĐ của HS.

- Bước 1. Xác định mục tiêu của chủ đề Hệ hô hấp: GV xác định mục tiêu về năng lực đặc thù, bao gồm: + Trình bày được khái niệm hô hấp và vai trò của hô hấp; + Xác định được trên hình các cơ quan hô hấp ở người và nêu được chức năng của chúng; + Trình bày được các đặc điểm chủ yếu trong cơ chế thông khí ở phổi; + Trình bày được cơ chế trao đổi khí ở phổi và ở tế bào; + Trình bày được tác hại của các tác nhân gây ô nhiễm không khí đối với hoạt động hô hấp; + Nêu được một số bệnh về phổi, đường hô hấp và cách phòng chống; + Vận dụng được hiểu biết về hô hấp để bảo vệ bản thân và gia đình (Bộ GD-ĐT, 2006, 2018b). Trên cơ sở đó, xác định mục tiêu phát triển NLGQVĐ của HS (bảng 1) qua việc giải quyết những vấn đề thực tiễn khi tìm hiểu NCTH trong chủ đề.

- Bước 2. Phân tích nội dung của chủ đề, xác định thành phần kiến thức để thiết kế NCTH: GV nghiên cứu nội dung, xác định thành phần kiến thức trọng tâm của chủ đề. Đó là những khái niệm giải phẫu (đặc điểm hình thái và cấu tạo của hệ hô hấp), mối quan hệ giữa cấu trúc và chức năng của các cơ quan hô hấp, khái niệm sinh lí (cơ chế trao đổi khí ở phổi và tế bào), khái niệm vệ sinh, y học (khái niệm về các bệnh, các dấu hiệu đặc trưng của bệnh nguyên nhân, triệu chứng,…), từ đó đề ra các biện pháp bảo vệ sức khỏe, phòng chống bệnh tật. GV xác định các vấn đề thực tiễn như: một số bệnh đường hô hấp trong trường học hoặc tại địa phương (nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng tránh), ô nhiễm không khí liên quan đến các bệnh về hô hấp, vấn đề tác hại của hút thuốc lá và kinh doanh thuốc lá, thực trạng và nguyên nhân trẻ em chết vì đuối nước và đuối nước khô, hô hấp nhân tạo, cấp cứu người đuối nước… Đây chính là cơ sở cho việc thu thập và lựa chọn dữ liệu để thiết kế NCTH ở bước 3.

- Bước 3. Nghiên cứu vấn đề, thu thập và lựa chọn dữ liệu: GV nghiên cứu xác định cơ sở khoa học của các vấn đề thực tiễn đó. Ví dụ: các bệnh đường hô hấp là do phế quản bị viêm, tăng tiết nhiều đờm nhầy làm đường thở bị hẹp lại; chết vì đuối nước hay đuối khô là do nước tràn vào phổi, nước lấp khoảng trống chứa ôxy của phổi, dẫn tới phù phổi, suy hô hấp… GV thu thập các dữ liệu thích hợp, cần thiết từ các nguồn như sách, báo, tạp chí chuyên ngành, các trang web của Bệnh viện phổi trung ương - Hội phổi Việt Nam, Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, tài liệu Hỏi & Đáp về phòng chống tác hại thuốc lá của Bộ Y tế, tài liệu phòng chống đuối nước trẻ em của Bộ Lao

(4)

động - Thương binh và xã hội…. Đối chiếu với mục tiêu và nội dung trọng tâm của chủ đề ở bước 1 và 2, GV lựa chọn các thông tin về các vấn đề thực tiễn liên quan có thể mã hóa thành NCTH ứng với các khâu của quá trình dạy học. Đây chính là nguồn dữ liệu “thô” để xây dựng các NCTH phát triển NLGQVĐ ở bước 4.

- Bước 4. Viết NCTH, biên tập và xem xét lại NCTH: Trên cơ sở nguồn dữ liệu đã được chọn lọc ở bước 3, GV sắp xếp các dữ liệu và viết bản thảo về NCTH. Dưới đây là một số dạng NCTH trong chủ đề “Hệ hô hấp”.

+ Dạng trường hợp quyết định: Mô tả trường hợp “Hỏi bác sĩ bệnh viện phổi”

Người hỏi: Thưa bác sĩ, bố tôi năm nay 53 tuổi, thường xuyên có các triệu chứng như: ho, có nhiều đờm và thở khò khè. Ông thường xuyên hút thuốc. Con tôi, cháu 6 tuổi cũng đang bị sổ mũi, ho nhiều có đờm và sốt nhẹ. Bố tôi thường trông nom cháu. Xin hỏi bác sĩ bố tôi bị bệnh gì? Con tôi có phải bị bệnh liên quan đến phổi không ạ?

Bác sĩ trả lời: Chào anh, bố anh có thể bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), là bệnh hô hấp gây khó thở vì đường thở bị hẹp lại so với bình thường (hình 1). Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính bao gồm: tổn thương phế nang và viêm phế quản mãn tính (đặc trưng bởi sự tăng tiết nhiều đờm nhầy trong phế quản và có biểu hiện ho khạc đờm).

Bác phải ngừng hút thuốc, đi khám để được đánh giá cụ thể và điều trị. Trường hợp con anh, cháu bị viêm phế quản (hình 2), cần đưa cháu đi bác sĩ. Không nên để người hút thuốc trông nom trẻ (Vũ Văn Thành, 2020).

Hình 1. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) (Nguyễn Ngọc Phú, 2015; Bộ GD-ĐT, 2014)

Hình 2. Bệnh viêm phế quản (Bộ GD-ĐT, 2014)

Nghiên cứu đoạn thông tin trên, thảo luận nhóm để thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Hãy ghép nối thông tin ở cột “cấu tạo” với cột “vai trò” của khí quản và phế quản sao cho phù hợp.

quan Cấu tạo Vai trò

Khí quản và phế quản

a. Cấu tạo là các vòng sụn khuyết, xếp chồng lên nhau. Phần nối với phế nang thì không có vòng sụn mà chỉ có cơ.

1. Đậy kín đường hô hấp

b. Lót bên trong khí quản và phế quản luôn có lớp tế bào biểu bì có tuyến nhầy và lông luôn rung động.

2. Mở rộng cho không khí ra vào

3. Tác dụng sưởi ấm không khí đi vào cơ thể

4. Giúp cho việc cản, giữ bụi và diệt khuẩn 2. Quan sát hình 1, hãy giải thích tại sao bệnh viêm phổi mạn tính gây ra triệu chứng khó thở, ho có nhiều đờm?

Quan sát hình 2, hãy nêu cơ chế viêm phế quản ở trẻ nhỏ.

3. Tại sao bác sĩ khuyên bệnh nhân ngừng hút thuốc và không nên để người hút thuốc chăm sóc trẻ nhỏ?

4. Hãy đề xuất một số biện pháp vệ sinh và bảo vệ hệ hô hấp.

Yêu cầu về kết quả: (1) Xác định được cấu tạo, vai trò của cơ quan khí quản và phế quản trong hoạt động hô hấp; (2) Phân tích hình để giải thích được cơ chế của bệnh viêm phổi mạn tính, bệnh viêm phế quản ở trẻ nhỏ; (3) Nêu được tác hại của việc hút thuốc lá, hít khói thuốc lá; (4) Đề xuất được biện pháp vệ sinh và bảo vệ hệ hô hấp.

+ Dạng trường hợp thông tin: Mô tả trường hợp “Lên bờ nói chuyện, vẫn tử vong”

Trong vụ 9 học sinh chết đuối ở sông Trà Khúc (Quảng Ngãi), có 2 em sau khi được cứu lên bờ vẫn nói được nhưng do không ai biết sơ cứu kịp thời đã khiến các cháu bị chết đuối khô (còn gọi là chết đuối thứ cấp). Các nạn nhân bị nước vào phổi, khi được đưa lên bờ lại không được sơ-cấp cứu ngay nên nước thũng phổi chiếm hết diện tích ôxy, dẫn tới tử vong. Các chuyên gia y tế cho biết, khi rơi xuống nước hoặc khi bơi lội vẫy vùng, nạn nhân thường dễ bị hít nước vào phổi. Chỉ cần một ngụm nước nhỏ tràn vào phổi cũng có thể cản trở phổi cung cấp ôxy cho máu, dẫn tới phù phổi, suy hô hấp dẫn đến chết đuối thứ cấp. Nước đó qua phế quản vào các phế nang. Lượng

(5)

nước đọng dần có thể lấp khoảng trống chứa ôxy của phổi khiến giảm khả năng ôxy hóa máu. Với chứng suy hô hấp trên cạn này, người gặp nạn lên bờ tim chưa bị chậm nhịp, vẫn thở được với lượng nước ít đọng trong phổi (do chưa loại bỏ hết nước ra khỏi cơ thể), có thể đi bộ và nói chuyện được, nhưng yếu.

Trong vòng 72 giờ sau khi suýt đuối nước, hoặc bơi về nếu thấy xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, tức ngực, tím, mạch nhanh, khó thở, hoặc ho dữ dội, mệt lả, có hành vi bất thường liên quan đến chức năng não (nói lắp, chậm chạp lờ đờ, thiếu nhận thức…), cần sơ cứu và đưa đi bệnh viện sớm (Phạm Anh Tuấn, 2016).

Nghiên cứu đoạn thông tin trên, thảo luận nhóm hoàn thành các nhiệm vụ sau:

1. Phát biểu về cấu tạo của phổi và ý nghĩa tương ứng cấu tạo này ở bảng dưới đây là đúng hay sai?

Phát biểu Đúng/ Sai

1. Người có hai lá phổi, lá phải có ba thùy, lá trái có hai thùy, mỗi thùy có nhiều phế nang.

2. Có nhiều phế nang trong mỗi phế bào. Mỗi phế nang có mạng lưới mao mạch dày bao phủ giúp việc trao đổi khí.

3. Có nhiều phế bào trong mỗi phế nang. Mỗi phế nang có mạng lưới mao mạch dày bao phủ giúp việc trao đổi khí.

4. Phổi có nhiều phế bào nên diện tích trao đổi khí lớn.

2. Trong trường hợp người bị đuối nước, tại sao “Chỉ cần một ngụm nước nhỏ tràn vào phổi cũng có thể dẫn đến tử vong nếu không được sơ cứu và đưa đi bệnh viện kịp thời”?

3. Hãy đề xuất các biện pháp đề phòng tai nạn đuối nước và đuối khô.

Yêu cầu về kết quả: (1) Xác định được cấu tạo của phổi và ý nghĩa của cấu tạo này; (2) Giải thích nguyên nhân của chết đuối cạn; (3) Đề xuất được các biện pháp đề phòng tai nạn đuối nước.

+ Dạng trường hợp giải quyết vấn đề: Mô tả trường hợp “Phổi của người hút thuốc lá sẽ như thế nào?”

Theo các chuyên gia y tế, khói thuốc lá chứa nhiều chất độc hại, trong đó có 69 chất gây ung thư. Một số chất điển hình như: Hắc ín (hay còn gọi là nhựa thuốc lá) có màu đen và quánh giống như nhựa đường, chứa rất nhiều chất gây ung thư; carbon monoxide (khí CO) trong khói thuốc lá khi hấp thụ vào máu sẽ gắn kết rất chặt với hemoglobine trong hồng cầu, làm giảm khả năng vận chuyển oxy của hồng cầu, giảm nồng độ oxy trong máu, làm máu đặc hơn và làm tăng gánh nặng cho tim,… Lá phổi của những người hút thuốc lá chuyển sang màu sẫm, đen, phổi có kích thước to hơn so với bình thường, không nhìn rõ các mạch máu trên phổi. Đây là biểu hiện bên ngoài chứng tỏ phổi của người hút thuốc đã bị hắc ín bám vào, lâu ngày hình thành các mảng ố đen. Từ đó, dẫn đến tắc nghẽn mạch phổi, gây viêm, các bệnh về phổi, nhất là ung thư phổi (Lương Ngọc Khuê, 2018; tr 8).

Khi đọc bài báo trên, Nga cho rằng, không những người hút thuốc lá mà cả người hít phải khói thuốc cũng cực kì độc hại. Nga muốn làm một thí nghiệm chứng minh tác hại của khói thuốc lá đối với phổi.

Nghiên cứu thông tin trên, thảo luận nhóm hoàn thành các nhiệm vụ sau:

1. Vì sao hút thuốc lá gây hại cho hoạt động hô hấp?

2. Để giải quyết vấn đề của bạn Nga đặt ra: “Hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá sẽ ảnh hưởng đến phổi của bạn như thế nào?”, hãy đề xuất giả thuyết, thực hiện thí nghiệm để kiểm chứng giả thuyết của bạn với các vật liệu sau: bông gòn, bật lửa, 2 điếu thuốc lá, chai nhựa trong có nắp, dao (hoặc vật nhọn) để khoét lỗ trên nắp (hình 3).

3. Hãy đưa ra quan điểm về vấn đề: Hút thuốc lá và kinh doanh thuốc lá.

4. Hãy thiết kế poster tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá nhân ngày Thế giới không thuốc lá 31/5?

Yêu cầu về kết quả: (1) Giải thích được tác hại của hút thuốc; (2) Nêu được giả thuyết về tác hại của khói thuốc, thực hiện TN để kiểm chứng; (3) Đưa ra được quan điểm về hút và kinh doanh thuốc lá (4) Thiết kế được poster.

- Dạng trường hợp đánh giá: Mô tả trường hợp “Mô hình hệ hô hấp”

Vận dụng tích hợp giáo dục STEM ở chủ đề Hệ hô hấp, các bạn HS nhóm 1 và nhóm 2 đã đề xuất hai bản thiết kế mô hình hoạt động của Hệ hô hấp ở người như hình 4 và 5:

Hình 3. Dụng cụ và vật liệu Hình 4. Bản thiết kế của Hình 5. Bản thiết kế của Hình 6. Bản thiết kế

(6)

nhóm 1 nhóm 2 của nhóm 3 Nghiên cứu thông tin trên, thảo luận nhóm hoàn thành các nhiệm vụ sau:

1. Bản thiết kế của nhóm 1, nhóm 2 tương ứng với sự tham gia của cơ quan nào sau đây vào hoạt động hô hấp?

a. cơ hoành b. lồng ngực

2. Có ý kiến cho rằng, các mô hình trên chỉ mô tả được biểu hiện bên ngoài của quá trình hô hấp chứ chưa nêu được bản chất bên trong của hoạt động hô hấp. Em có đồng ý với ý kiến này không? Giải thích.

3. Em đánh giá như thế nào về bản thiết kế của nhóm 1, nhóm 2?

4. Sau khi nghiên cứu bản thiết kế mô hình của nhóm 1 và nhóm 2, HS nhóm 3 đã đề xuất bản thiết kế mô hình hoạt động hô hấp nhóm mình như ở hình 6. Em đánh giá như thế nào về bản thiết kế của nhóm 3?

Yêu cầu kết quả: (1) Xác định được cơ quan tham gia vào hoạt động hô hấp ở bản thiết kế 1 và 2; (2) Đánh giá được nhận định về quá trình hô hấp (3) Đánh giá được bản thiết kế của nhóm 1, 2 và 3.

- Bước 5. Thử nghiệm NCTH: GV thử nghiệm NCTH với một nhóm nhỏ HS; trên cơ sở đó, có thể biên tập lại NCTH để hoàn thiện hơn.

- Bước 6. Thiết kế kế hoạch bài dạy của chủ đề có sử dụng NCTH: GV thiết kế kế hoạch bài dạy của chủ đề, trong đó NCTH được sử dụng như là một biện pháp phát triển NLGQVĐ của HS. GV xác định NCTH sẽ được sử dụng ở khâu nào, hoạt động học tập nào trong quá trình dạy học. Xác định thời gian HS sử dụng NCTH (thực hiện trên lớp hay ở nhà). Từ đó, soạn kế hoạch bài dạy có sử dụng NCTH phù hợp.

3. Kết luận

Qua nghiên cứu cơ sở lí luận và thực tiễn giảng dạy, chúng tôi nhận thấy việc sử dụng NCTH trong dạy học Sinh học 8 là một trong những biện pháp dạy học không những phát triển được NLGQVĐ của HS mà còn phát triển được năng lực sáng tạo, năng lực hợp tác, năng lực tự học; gắn lí luận với thực tiễn. Đặc biệt, thông qua việc NCTH, HS biết vận dụng kiến thức, kĩ năng học được để giải quyết các vấn đề thực tiễn liên quan đến các hiện tượng, quá trình sinh lí xảy ra trong cơ thể, từ đó có ý thức và hành động thực hiện các biện pháp rèn luyện cơ thể, bảo vệ và tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật. Nắm vững quy trình thiết kế NCTH trong dạy học chương trình Cơ thể người và vệ sinh (Sinh học 8) là rất cần thiết, giúp cho GV vận dụng NCTH vào quá trình dạy học, góp phần phát triển NLGQVĐ của HS, đáp ứng được định hướng đổi mới phương pháp dạy và học Sinh học ở trường phổ thông hiện nay.

Tài liệu tham khảo

Bernd Meier, Nguyễn Văn Cường (2015). Lí luận dạy học hiện đại. NXB Đại học Sư phạm.

Bộ GD-ĐT (2006). Chương trình Giáo dục phổ thông môn Sinh học cấp trung học cơ sở (Ban hành kèm theo quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/ 2006 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT).

Bộ GD-ĐT (2014). Hướng dẫn học Khoa học tự nhiên 7. NXB Giáo dục Việt Nam.

Bộ GD-ĐT (2018a). Chương trình giáo dục phổ thông - Chương trình tổng thể (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT).

Bộ GD-ĐT (2018b). Chương trình giáo dục phổ thông môn - Chương trình môn Khoa học tự nhiên (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT).

Lương Ngọc Khuê (2018) Hỏi & đáp về phòng chống tác hại của thuốc lá. Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế.

Nguyễn Ngọc Phú (2015). Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/benh-phoi-tac-nghen-man-tinh- copd/. Cập nhật ngày 02/5/2019.

OECD (2014). PISA 2012 Results: Creative Problem Solving: Students’ Skills in Tackling Real-Life Problems (Volume V). PISA, OECD Publishing.

Phạm Anh Tuấn (2016). Chết đuối trên cạn, triệu chứng hãi hùng nên biết. http://bachmai.gov.vn/tin-tuc-va-su- kien/y-hoc-thuong-thuc-menuleft-32/2035-chet-duoi-tren-can-trieu-chung-hai-hung-nen-biet-2035.html. Cập nhật ngày 13/5/2016.

Phan Thi Thanh Hoi, Dinh Quang Bao, Phan Khac Nghe, Nguyen Thi Hang Nga (2018). Developing Problem- Solving Competency for Students in Teaching Biology at High School in Vietnam. American Journal of Educational Research, 6(5), 539-545. DOI: 10.12691/education-6-5-27.

Vũ Văn Thành (2020). Hỏi bác sĩ bệnh viện phổi. https://bvptw.org/cau-hoi/hoi-bac-si-benh-vien-phoi-

(7)

20200904063030914.html. Cập nhật ngày 04/9/2020.

Tài liệu tham khảo

Tài liệu liên quan

- Các cơ xương ở lồng ngực đã phối hợp hoạt động với nhau như thế nào để làm tăng thể tích lồng ngực khi hít vào và làm giảm thể tích lổng ngực khi thở ra.. - Dung

Những đặc điểm cấu tạo nào của các cơ quan trong đường dẫn khí có tác dụng làm ẩm, làm ấm không khí khi đi vào phổi và đặc điểm nào tham gia bảo vệ phổi tránh khỏi

Nhờ hoạt động của lồng ngực với sự tham gia của các cơ hô hấp mà ta thực hiện hít vào và thở ra, giúp cho không khí trong phổi thường xuyên được đổi mới. Trao đổi khí

- Quá trình luyện tập để tăng dung tích sống phụ thuộc vào sự phát triển của khung xương sườn ở độ tuổi phát triển (ở người trưởng thành xương không phát triển nữa)

+ Các em có thể làm những gì ở nhà và xung quanh khu vực nơi các em sống để bảo vệ bầu không khí trong lành. -Quét dọn nhà cửa, trồng cây xanh, giữ

Hô hấp là tập hợp những quá trình, trong đó cơ thể lấy O 2 từ bên ngoài vào để ôxi hoá các chất trong tế bào và giải phóng năng lượng cho các hoạt động sống đồng thời thải

TÁC ĐỘNG CỦA CÁC ĐIỀU KIỆN NGOẠI CẢNH VÀ ỨNG DỤNG TRONG BẢO QUẢN NÔNG SẢN.. NỘI DUNG THUYẾT

THUỐC GIẢM ĐAU, HẠ SỐT, CHỐNG VIÊM KHÔNG STEROID, THUỐC ĐIỀU TRỊ GÚT VÀ CÁC BỆNH XƯƠNG KHỚP.. DL-Lysin-Acetylsalicylat