• Không có kết quả nào được tìm thấy

Ban hành phương án phòng, chống, ứng phó khi bão mạnh, siêu bão đổ bộ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long

N/A
N/A
Protected

Academic year: 2022

Chia sẻ "Ban hành phương án phòng, chống, ứng phó khi bão mạnh, siêu bão đổ bộ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long"

Copied!
16
0
0

Loading.... (view fulltext now)

Văn bản

(1)

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Số:2335/QĐ-UBND

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Vĩnh Long, ngày 30 tháng 10 năm 2018 QUYẾT ĐỊNH

Ban hành phương án phòng, chống, ứng phó khi bão mạnh, siêu bão đổ bộ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013;

Căn cứ Nghị định số 71/2002/NĐ-CP ngày 23/7/2002 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp trong trường hợp có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm;

Căn cứ Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai;

Xét Tờ trình số 11/TTr-PCTT&TKCN ngày 21/9/2018 của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh,

QUYÊT ĐỊNH:

Điều 1.Ban hành Phương án phòng, chống ứng phó với bão mạnh, siêu bão đổ bộ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long (Đính kèm Phương án).

Điều 2. Giao Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các nội dung tại Điều 1 của Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày kývà thay thế Quyết định số 1204/QĐ- UBND, ngày 15/7/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long./.

Nơi nhận:

- Như Điều 3;

- Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT;

- Ủy ban QG về Ứng phó sự cố TT vàTKCN;

- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;

- CT, các PCT UBND tỉnh;

- LĐVP. UBND tỉnh;

- Đài PT&THVL, Báo VL, CQTT TTX Việt Nam tại VL;

- Các phòng: KTN, TH, KTTH;

- Lưu: VT.4.11.05

KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH

Đã ký: Trần Hoàng Tựu

(2)

ỦY BAN NHÂN DÂN

TỈNH VĨNH LONG CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

PHƯƠNG ÁN

Phòng, chống, ứng phó khi bão mạnh, siêu bão đổ bộ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long

(Kèm theo Quyết định số 2335 /QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

I. CÁC CĂN CỨ XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN

Luật Phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 19/6/2013;

Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp ban hành ngày 23/3/2000 và Nghị định số 71/2002/NĐ-CP ngày 23/7/2002 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp trong trường hợp có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm;

Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg, ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai;

Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg, ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai.

II. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN 1. Vị trí địa lý

Tỉnh Vĩnh Long nằm giữa sông Tiền và sông Hậu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), được giới hạn bởi:

- Phía Bắc và Đông bắc giáp tỉnh Tiền Giang và Bến Tre;

- Phía Tây Bắc giáp tỉnh Đồng Tháp;

- Phía Tây và Tây Nam giáp Thành phố Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng;

- Phía Đông Nam giáp tỉnh Trà Vinh.

Nằm trong tọa độ địa lý từ 9052’40’’ đến 10019’48’’ độ vĩ bắc và 105041’18’’

đến 106017’03’’ độ kinh đông, cách thành phố Hồ Chí Minh 135 km về phía Bắc theo đường quốc lộ 1 và cách thành phố Cần Thơ 33 km về phía Nam theo đường quốc lộ 1.

Vĩnh Long có quốc lộ 1A chạy qua tỉnh, cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ; Quốc lộ 53, 54, 57, 80 cùng với giao thông đường thủy khá thuận lợi đã nối liền với các tỉnh trong vùng và cả nước, tạo cho Vĩnh Long một vị thế rất quan trọng trong chiến lược phát triển và hợp tác kinh tế với cả vùng.

(3)

2. Diện tích tự nhiên:1.525,73 km2, dân số năm 2017 là 1.050.241 người.

3. Đặc điểm địa hình, khí hậu 3.1. Địa hình

Địa hình Vĩnh Long tương đối bằng phẳng, thấp dần từ Bắc xuống Nam và có dạng cao ở hai bên bờ sông Tiền, sông Hậu; được bao bọc bởi 03 con sông lớn từ 03 phía: sông Hậu ở phía Tây Nam; sông Cổ Chiên ở phía Đông Bắc và sông Măng Thít nối từ sông Cổ Chiên sang sông Hậu, cùng với mạng lưới kênh, rạch chằng chịt.

Cao độ đất trung bình từ 0,5 - 1,25 m, có xu thế thoải dần theo hướng Bắc- Nam, cao ở ven sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên và thấp dần vào trung tâm, tạo thành địa hình lòng máng chạy song song với hướng sông Hậu. Địa hình cao nhất nằm ở ven sông Tiền (1,75m), tập trung ở xã Tân Hòa, Tân Hội, Tân Ngãi (Tp Vĩnh Long) và thấp nhất (<0,5m) nằm ở xã Song Phú, Mỹ Lộc, Hậu Lộc (huyện Tam Bình).

3.2. Khí hậu

Tỉnh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia làm 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Lượng mưa bình quân hàng năm từ 1.400 - 1.450 mm kéo dài từ tháng 04 đến tháng 11, nhiệt độ tương đối cao, ổn định, nhiệt độ trung bình là 270C, độ ẩm trung bình 79,8%.

4. Đơn vị hành chính

Tỉnh Vĩnh Long có 08 đơn vị hành chính cấp huyện gồm:01 thành phố,01 thị xãBình Minh và 06 huyện (Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn, và

(4)

Bình Tân). Trong đó có 05 thị trấn, 10 phường và 94 xã.

5. Cơ cấu dân số

Dân số của tỉnh năm 2017 là 1.050.241 người. Mật độ dân số trung bình là 688 người/km2,trừ thành phố Vĩnh Long, các huyện còn lại mật độ dân số phân bố tương đối đồng đều giữa các huyện trong tỉnh, thấp nhất là huyện Trà Ôn có mật độ 512 người/km2, cao nhất là thị xã Bình Minh với 962 người/km2.

III. CÁC LOẠI HÌNH THIÊN TAI THƯỜNG XUYÊN GÂY THIỆT HẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Bão và áp thấp nhiệt đới:Gần đây, năm nào cũng có từ 03 đến 05 cơn ảnh hưởng tới tỉnh Vĩnh Long. Cơn bão số 9 năm 2006 ngay khi áp sát bờ biển có sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11. Sau khi bão đổ bộ vào tỉnh Vĩnh Long đã làm 04 người chết, 78 người bị thương, 5.282 căn nhà sập, 15.094 căn nhà tốc mái, 24 bè nuôi cá và 24 ghe, xuồng máy bị chìm và 500 ha lúa thu đông, 1.592 ha vườn cây ăn trái, 72,9 ha hoa màu bị thiệt hại...đã gây thiệt hại cho tỉnh khoảng 172 tỷ đồng.Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết xảy ra cực đoan hơn, bão mạnh và bão rất mạnh đã và đang có chiều hướng gia tăng và ảnh hưởng đến Việt Nam, trong đó có Vĩnh Long.

2. Lũ, triều cường:Vĩnh Long là vùng ảnh hưởng lũ, triều cường và ngập nông của Đồng bằng sông Cửu Long;vùng trọng điểm lũ và chịu ảnh hưởng lũ mạnh nhất của tỉnh là vùng Bắc quốc lộ 1A (giáp tỉnh Đồng Tháp) và các cù lao trên sông Tiền, sông Hậu chiếm diện tích khoảng 37.546,7 ha (vùng Bắc quốc lộ 1A là 26.846,7 ha và vùng cù lao 10.700 ha). Phần lớn diện tích đất ở vùng này là canh tác lúa, rau màu và vườn cây ăn trái. Hàng năm lũ về vào giữa tháng 8 và chịu ảnh hưởng lũ khoảng 02- 03 tháng. Lũ lụt tại Vĩnh Long do lũ thượng nguồn đổ về và triều cường gây ra tình trạng ngập lụt là chính, nếu thời gian lũ lớn trùng với kỳ triềucường và lượng mưa tại chỗ nhiều thì mức độ ngập lụt sẽ nghiêm trọng hơn. Lũ xuất hiện ở Vĩnh Long từ tháng 08 đến tháng 12 hàng năm. Nước lũ chảy vào nội đồng theo 02 hướng, từ sông Tiền và sông Hậu chảy theo các trục kênh chính vào. Riêng khu vực Bắc quốc lộ 1A dòng chảy lũ trong thời kỳ đầu tập trung trong lòng dẫn kênh rạch, sau đó tràn qua bờ bao vào đồng. Tình hình ngập lụt cũng xảy ra gần như hết diện tích, các khu vực còn lại tập trung ở những vùng trũng mà chủ yếu vùng giữa là vùng giáp nước của 02 sông Cổ Chiên và sông Hậu. Nước lũ thoát theo 02 hướng ra sông Cổ Chiên và sông Hậu.

Đỉnh lũ hàng năm thường xuất hiện từ trung tuần tháng 09 đến trung tuần tháng 11, có năm kết hợp triều cường mức nước cao kéo dài tới tháng 12.

3.Giông lốc, sét đánh: Trong những năm gần đây, giông lốc, sét đánh xảy ra với mức độ gây thiệt hại ngày càng nghiêm trọng và rất khó lường, thường xuyên nhất vào các tháng đầu mùa mưa từ tháng 04 đến tháng 06 hàng năm, đặc biệt khi có mưa giông.

IV. CẤP ĐỘ RỦI RO THIÊN TAI DO BÃO VÀ CÁC MỨC BÁO ĐỘNG

1. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão có 3 cấp

1.1. Rủi ro thiên tai cấp độ 03 gồm các trường hợp sau:

(5)

a) Bão mạnh cấp 10, cấp 11 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa), vùng biển ven bờ, trên đất liền khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ;

b) Bão rất mạnh từ cấp 12 đến cấp 15 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa).

1.2. Rủi ro thiên tai cấp độ 04 gồm các trường hợp sau:

a) Bão mạnh cấp 10, cấp 11 hoạt động trên đất liền khu vực Nam Bộ;

b) Bão rất mạnh từ cấp 12 đến cấp 15 hoạt động trên vùng biển ven bờ, đất liền khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ;

c) Siêu bão từ cấp 16 trở lên hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa).

1.3. Rủi ro thiên tai cấp độ 05 gồm các trường hợp sau:

a) Bão rất mạnh từ cấp 12 đến cấp 15 hoạt động trên đất liền khu vực Nam Bộ;

b) Siêu bão từ cấp 16 trở lên hoạt động trên vùng biển ven bờ, đất liền khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ.

2. Các mức báo động lũ: lấy mốc tại trạm Mỹ Thuận để làm chuẩn.

- Báo động 1: H = 1,6 m - Báo động 2: H = 1,7 m - Báo động 3: H = 1,8 m

V.BẢN TIN DỰ BÁO, CẢNH BÁO BÃO 1. Tin bão gần Biển Đông

Tin bão gần Biển Đông được ban hành khi bão hoạt động ở ngoài Biển Đông và có khả năng di chuyển vào Biển Đông trong 48 giờ tới.

2. Tin bão trên Biển Đông

Tin bão trên Biển Đông được ban hành khi bão hoạt động trên Biển Đông và có một trong các điều kiện sau:

a) Vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền Việt Nam trên 1.000 km;

b) Vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền Việt Nam từ 500 đến 1.000 km và chưa có khả năng di chuyển về phía đất liền Việt Nam trong 48 giờ tới.

3. Tin bão gần bờ

Tin bão gần bờ được ban hành khi có một trong các điều kiện sau:

a) Vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền Việt Nam từ 500 đến 1.000 km và có khả năng di chuyển về phía đất liền Việt Nam trong 48 giờ tới;

b) Vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền Việt Nam từ 300 đến dưới 500 km và chưa có khả năng di chuyển về phía đất liền Việt Nam trong 48

(6)

giờ tới.

4. Tin bão khẩn cấp

Tin bão khẩn cấp được ban hành khi có một trong các điều kiện sau:

a) Vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền Việt Nam dưới 300km;

b) Vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền Việt Nam từ 300 đến 500 km và có khả năng di chuyển về phía đất liền Việt Nam trong 48 giờ tới.

5. Tin bão trên đất liền

Tin bão trên đất liền được ban hành khi có một trong các điều kiện sau:

a) Tâm bão đã đi vào đất liền Việt Nam và sức gió mạnh nhất vẫn còn từ cấp 8 trở lên;

b) Tâm bão đã đổ bộ vào nước khác, nhưng sức gió mạnh nhất vẫn còn từ cấp 8 trở lên và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam trong 48 giờ tới.

6. Tin cuối cùng về cơn bão

Tin cuối cùng về cơn bão được ban hành khi có một trong các điều kiện sau:

a) Bão đã tan;

b) Bão đã đổ bộ vào nước khác hoặc ra khỏi lãnh thổ, không còn khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam;

c) Bão đã di chuyển ra ngoài Biển Đông và không có khả năng quay trở lại Biển Đông.

Chương II

MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

I. MỤC ĐÍCH

1. Nhằm hạn chế mức độ thiệt hại do bão mạnh, siêu bão gây ra đặc biệt là tính mạng, tài sản, cơ sở hạ tầng và các công trình trọng yếu.

2.Có kế hoạch chủ động di dời, sơ tán dân đến nơi trú bão kiên cố, chắc chắn, nhất là đối với người già, trẻ em và phụ nữ.

3. Bảo vệ sản xuất, ổn định đời sống nhân dân sau thiên tai.

II. YÊU CẦU

1. Tất cả các ngành, các cấp quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm

“bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).

2. Phổ biến cho người dân biết và theo dõi thường xuyên diễn biến của bão mạnh, siêu bão,nghiêm chỉnh chấp hành các mệnh lệnh, hướng dẫn của chính quyền, cơ quan chức năng trong suốt thời gian từ trước, trong và sau khi xảy ra bão mạnh, siêu bão; đồng thời chủ độngtham gia cùng chính quyền, ban - ngành, đoàn thể ở địa

(7)

phương trong công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả do bão mạnh, siêu bão gây ra.

Chương III

CÁC PHƯƠNG ÁN PHÒNG, TRÁNH, ỨNG PHÓ VỚI BÃO MẠNH, SIÊU BÃO

I. CÔNG TÁC THỰC HIỆN ĐỐI VỚI BÃOTRÊN BIỂN ĐÔNG

Vị trí tâm bão nằm trên biển Đông (vượt qua kinh tuyến 1200): cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền Việt Nam trên 1.000km; Từ 500-1.000km và chưa có khả năng di chuyển về phía đất liền Việt Nam trong 48 giờ.

1. Đối với Ban chỉ huy PCTT và TKCN các ngành, các cấp

- Tổ chức trực ban 24/24, theo dõi sát diễn biến của bão, tổng hợp và báo cáo kết quả triển khai các biện pháp đối phó của ngành và cấp mình về Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

- Ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp ban hành công điện cảnh báo bão.

- Ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức kiện toàn Ban chỉ huy cấp mình.

- Ban chỉ huy PCTT và TKCN các ngành, các cấp rà soát lại các phương án đã xây dựng để sẵn sàng đối phó với bão.

- Kiểm tra và chặt tỉa các cành cây có nguy cơ đổ ngã.

- Ban chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, thành phố thống kê đầy đủ số lượng, đối tượng dân cần sơ tán và đảm bảo đủ các phương tiện để thực hiện sơ tán.

Toàn tỉnh có 1.723 căn nhà tạm bợ cần chằng, chống để đảm bảo an toàn phòng, chống bão. (Trong đó: TP Vĩnh Long64 căn nhà, Long Hồ 304 căn nhà, Mang Thít 187 căn nhà, Tam Bình 241 căn nhà, Trà Ôn 469 căn nhà, Bình Tân 169 căn nhà và TX Bình Minh 289 căn nhà).

(Chi tiết xem Phụ lục 1 đính kèm)

- Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn (Chi cục Thủy sản) phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương kiểm tra nắm chắc số lượng lồng, bè nuôi cá trên sông và thông tin cho chủ lồng, bè theo dõi tọa độ của bão, cường độ, hướng di chuyển và bán kính ảnh hưởng bão. Thông báo cho các chủ lồng, bè neo đậu khi có bão; Đôn đốc, chỉ đạo công tác trực ban của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN.

- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài truyền thanh các huyện, xã, phường, thị trấn và các phương tiện, thông tin, truyền thông đại chúng khác thường xuyên thông tin về bão, tác động và ảnh hưởng của bão, các giải pháp phòng, tránh và ứng phó với bão; thông báo các chỉ đạo của cấp trên về diễn biến của cơn bão cho nhân dân biết để chủ động phòng tránh.

1.1. Khả năng huy động

- Các cửa hàng cung cấp lương thực, thực phẩm, nước sạch: Toàn tỉnh có

(8)

1.285cửa hàng cung cấp lương thực, thực phẩm, nước sạch.(Trong đó: TP Vĩnh Long 138 cửa hàng, huyện Long Hồ 173 cửa hàng, huyện Mang Thít 180 cửa hàng, huyện Vũng Liêm 220 cửa hàng, huyện Tam Bình 15 cửa hàng, huyện Trà Ôn 193 cửa hang, huyện Bình Tân 181 cửa hang và TX Bình Minh 185 cửa hàng).

(Chi tiết xem Phụ lục 2 đính kèm)

- Các doanh nghiệp cung ứng vật tư xây dựng: Toàn tỉnh có 319 doanh nghiệp cung ứng vật tư xây dựng. (Trong đó: TP Vĩnh Long 47 doanh nghiệp, huyện Long Hồ 57 doanh nghiệp, huyện Mang Thít 28 doanh nghiệp, huyện Vũng Liêm 43 doanh nghiệp, huyện Tam Bình 11 doanh nghiệp, huyện Trà Ôn 35 doanh nghiệp, huyện Bình Tân 47 doanh nghiệp và TX Bình Minh 51 doanh nghiệp).

(Chi tiết xem Phụ lục 3 đính kèm)

- Số máy bơm điện và máy bơm dầu do nhà nước quản lý: Toàn tỉnh có 25trạm bơm điện và 104 máy bơm dầu. (Trong đó:huyện Long Hồ 6 trạm bơm điện;huyện Vũng Liêm 15 trạm bơm điện, 20 máy bơm dầu;huyện Tam Bình 4 trạm bơm điện, 34 máy bơm dầu;huyện Bình Tân 44 máy bơm dầu và TX Bình Minh 6 máy bơm dầu).

(Chi tiết xem Phụ lục 4 đính kèm)

1.2.Các khu vực và vị trí có khả năng chịu ảnh hưởng

- Các bến đò qua sông:Toàn tỉnh có 119 bến đò qua sông.(Trong đó:TP Vĩnh Long 5 bến đò, huyện Long Hồ 7 bến đò, huyện Mang Thít 10 bến đò, huyện Vũng Liêm 5 bến đò, huyện Tam Bình 12 bến đò, huyện Trà Ôn 37 bến đò, huyện Bình Tân 20 bến đò và TX Bình Minh 23 bến đò).

(Chi tiết xem Phụ lục 5 đính kèm)

- Các lồng, bè cá nuôi trên sông:Toàn tỉnh có 940 lồng, bè nuôi cá trên sông (877 lồng và 63 bè). (Trong đó: TP Vĩnh Long 35 lồng, bè, huyện Long Hồ 892 lồng bè và huyện Vũng Liêm 13 lồng).

(Chi tiết xem Phụ lục 6 đính kèm) 2. Đối với các đoàn thể

- Vận động, tuyên truyền người dân có ý thức tự phòng vệ để hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra.

- Có kế hoạch chăm sóc người già, người tàn tật, trẻ em và phụ nữ mang thai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người do bão gây ra. Phối hợp với địa phương thành lập các đội xung kích (mỗi đội từ 10-15 người) giúp dân khắc phục thiên tai.

- Có kế hoạch vận động nguồn cứu trợ để giúp các hộ dân gặp khó khăn khi có thiên tai.

3. Trách nhiệm của cộng đồng dân cư

- Thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo về diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện nội dung công điện của tỉnh và sự chỉ đạo trực tiếp của chính quyền địa phương.

- Bổ sung dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm. Tổ chức chằng chống

(9)

nhà cửa, tiếp tục chặt tỉa cành cây ở gần nhà để đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ vào.

- Khẩn trương thu hoạch sản phẩm nông nghiệp, thủy sản đang và sắp đến giai đoạn thu hoạch. Đối với các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản chưa đến giai đoạn thu hoạch ở vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão phải triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất như gia cố, chằng buộc hoặc di dời đến nơi an toàn.

- Chuẩn bị các vật dụng cá nhân cần thiết để sẵn sàng sơ tán theo chỉ đạo của chính quyền.

- Tham gia cùng chính quyền địa phương và cộng đồng trong việc phòng tránh bão.

II. CÔNG TÁC THỰC HIỆN ĐỐI VỚI BÃO GẦN BỜ

Vị trí tâm bão cách bờ biển Việt Nam từ 500 đến 1.000 km và có khả năng di chuyển về phía đất liền Việt Nam trong 48 giờ tới hoặc vị trí tâm bão cách bờ biển Việt Nam từ 300 đến dưới 500 km và chưa có khả năng di chuyển về phía Việt Nam trong 48 giờ tới.

1. Đối với Ban chỉ huy PCTT và TKCN các ngành, các cấp

- Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão tổng hợp và báo cáo kết quả triển khai các biện pháp đối phó về Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

- Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh ban hành công điện chỉ đạo.

- Trưởng ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh ban hành Quyết định thành lập và phân công nhiệm vụ Ban chỉ huy tiền phương. Ban chỉ huy tiền phương có nhiệm vụ hỗ trợ việc điều hành công tác phòng, tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả do bão gây ra tại các huyện. Văn phòng Ban chỉ huy tiền phương đặt tại Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh.

- Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn (Chi cục thủy sản) phối hợp chính quyền địa phương nắm số lượng lồng, bè nuôi cá trên sông. Thông báo cho các chủ lồng, bè neo đậu khi có bão và báo cáo về Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh theo quy định; Đôn đốc, chỉ đạo công tác trực ban của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN.

- Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh rà soát lại các Phương ánhiệp đồng hỗ trợ sơ tán, ứng phó cho các địa phương; bố trí lực lượng, phương tiện ứng phó, xử lý tình huống khẩn cấp và tìm kiếm cứu nạn tại các khu vực trọng điểm.

- Lãnh đạo địa phương có trách nhiệm chỉ đạo việc gia cố, nâng cấp đảm bảo cao trình thiết kế đối với các tuyến đê thấp để chống tràn, tổ chức lực lượng hộ đê;

phát động nhân dân chằng chống nhà cửa đề phòng gió lốc, kiểm tra bờ bao, đê bao, có kế hoạch bảo vệ kho tàng, bến bãi, nơi chứa hóa chất, nhà cửa, cơ sở hạ tầng,...

tránh thiệt hại do nước dâng và gió bão gây ra.

- Trưởng Ban chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp công tác di dời dân trên địa bàn huyện theo kế hoạch của từng huyện, thị xã, thành phố.

Trưởng Ban chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các địa phương có dân sơ tán phải tổ chức các tổ đưa dân sơ tán và quản lý người sơ tán

(10)

trong suốt quá trình tránh bão, các đơn vị tiếp nhận sơ tán phải thành lập các ban tiếp nhận để sắp xếp, bố trí nơi ăn, ở cho người sơ tán. Công việc này phải được hoàn thành trước 12 giờ so với thời điểm dự báo bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào địa bàn tỉnh.

- Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra các trường học, cơ sở dạy nghề để ứng cứu kịp thời và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên, nhân viên, yêu cầu các trường tổ chức cho học sinh nghỉ học trước 12 giờ so với thời điểm dự báo bão đổ bộ. Tổ chức kiểm tra các trường, cơ sở dạy nghề để ứng cứu kịp thời và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên, nhân viên; cho học sinh nghỉ học khi phạm vi bão đổ bộ có khả năng gây nguy hiểm theo dự báo. Tổ chức bảo quản tài sản và trang thiết bị của trường, đảm bảo đủ điều kiện dạy sau bão. Phối hợp chính quyền địa phương, hội phụ huynh các trường tổ chức quản lý việc đi lại của học sinh, hướng dẫn học sinh bảo quản tài liệu, dụng cụ học tập nhất là học sinh tiểu học.

- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thông báo diễn biến tình hình bão, theo quy định về chế độ thông tin báo bão và đồng thời phát hình minh họa một số hình ảnh tác hại do bão gây ra để cảnh báo cho nhân dân hiểu nhằm có biện pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả tốt ở từng hộ gia đình. Liên tục cập nhật và phát tin, phát hình về tình hình diễn biến bão.

- Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông kiểm tra trang thiết bị, các đường dây, máy điện thoại, máy bộ đàm, cột anten, dây chống sét, cầu chì, thiết bị truyền dẫn chuyển mạch, máy nổ...đảm bảo thông tin liên tục thông suốt phục vụ cho công tác phòng chống bão nhất là việc thông tin từ các bộ phận và các huyện về Bộ Chỉ huy tiền phương và ngược lại cũng như bảo đảm thông tin liên lạc từ Ban Chỉ huy tiền phương về tỉnh và Trung ương.

- Điện lực Vĩnh Long tiến hành kiểm tra tất cả các trụ điện vượt sông, hành lang an toàn lưới điện khu vực các huyện, thị xã, thành phố; chặt mé cây cối có thể đổ ngã vào đường điện hoặc trụ điện khi bão đổ bộ. Kiểm tra hệ thống lưới điện nông thôn, đặc biệt lưu ý đến khu vực ven sông, ven những vùng thường xảy ra sạt lở.

Chuẩn bị phương tiện xe tải, xe cẩu, dự phòng vật tư, thiết bị cần thiết để thay thế ngay khi có sự cố. Khi nhận được thông báo tình hình diễn biến thời tiết xấu, trong trường hợp cần thiết phải lập tức cắt điện cô lập khu vực có nguy cơ ảnh hưởng mà không cần thông báo trước nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân.

- Sở Giao thông và vận tải tổ chức kiểm tra lại các tuyến đường giao thông, phát hiện kịp thời các chân đường, mố cầu đã bị xói lở, xuống cấp để tiến hành thực hiện các giải pháp khẩn cấp nhằm đảm bảo thông đường, thông tuyến trong suốt thời gian bão xảy ra. Giao việc cụ thể cho từng đội duy tu sửa chữa, điều động lực lượng giải quyết nhanh ưu tiên theo thứ tự Quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, đặc biệt lưu ý những trục giao thông chính đảm bảo vận chuyển người, lương thực... trong khi bão xảy ra.

Bố trí cụ thể phương tiện để vận chuyển sơ tán dân tránh bão.

- Sở Công Thương phối hợp Hội Chữ thập đỏ, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh tỉnh phải đảm bảo cung cấp lương thực cho dân sơ tán và dân bị thiệt hại do bão; trang bị đầy đủ các thiết bị cứu hộ, cứu nạn, sơ cấp cứu; túc trực tại các vùng dân cư, vùng có nguy cơ xảy ra rủi ro cao để sẵn sàng trợ giúp, riêng Sở Công Thương kiểm soát chặt chẽ thị trường không để tiểu thương lợi

(11)

dụng tăng giá các vật tư, nguyên vật liệu, nhiên liệu...trước, trong và đặc biệt là sau khi bão xảy ra.

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, thông báo, yêu cầu các doanh nghiệp quảng cáo thực hiện chằng chống, gia cố các pa nô, biển quảng cáo…đúng kỹ thuật, đề phòng gió bão gây sự cố, tai nạn.

- Sở Xây dựng phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn tại các nhà ở, xưởng, công trình, công trường đang thi công (nhất là giàn giáo, cần trục tháp), chung cư cũ, xuống cấp trước khi bão đổ bộ.

2. Đối với các đoàn thể

- Thực hiện kế hoạch chăm sóc người già, người tàn tật, trẻ em và phụ nữ mang thai…, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người do bão gây ra. Tổ chức thành lập các đội xung kích (mỗi đội từ 10-15 người) giúp dân sơ tán và khắc phục thiên tai.

- Vận động nguồn cứu trợ để giúp các hộ dân gặp khó khăn khi có thiên tai.

3. Trách nhiệm của cộng đồng dân cư

- Cộng đồng dân cư phải thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo về diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện nội dung công điện của tỉnh và sự chỉ đạo trực tiếp của chính quyền địa phương.

- Bổ sung dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm. Tổ chức chằng chống nhà cửa, tiếp tục chặt tỉa cành cây ở gần nhà để đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ vào.

- Tổ chức gia cố bờ vùng, bờ bao…để bảo vệ sản xuất, chuẩn bị các phương tiện sẵn sàng bơm tiêu chống úng đối với các vùng trũng, thấp có nguy cơ bị ngập úng.

- Sẵn sàng thực hiện sơ tán khi có lệnh của chính quyền địa phương.

III. CÔNG TÁC THỰC HIỆN ĐỐI VỚI BÃO KHẨN CẤP

Vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền dưới 300 km hoặc vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền Việt Nam từ 300-500 km và có khả năng di chuyển về phía đất liền trong 48 giờ tới.

1. Đối với Ban chỉ huy PCTT và TKCNcác ngành các cấp

- Tổ chức trực ban lãnh đạo và cơ quan tham mưu 24/24 giờ để nắm chắc diễn biến tình hình, dự kiến các tình huống xấu nhất có thể xảy ra; phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng ứng phó tại chỗ với lực lượng chi viện của cấp trên để khẩn trương bố trí cán bộ trực tiếp đến các địa bàn xung yếu cùng với cấp ủy - chính quyền địa phương chỉ đạo công tác ứng phó kịp thời và có hiệu quả. Triển khai các phương án, kế hoạch phòng, chống bão - tìm kiếm cứu nạn của địa phương, đơn vị mình. Báo cáo kết quả triển khai đối phó, tình hình về gió bão, mưa, lũ các sự cố do bão gây ra tại địa phương về Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

- Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh ban hành công điện chỉ đạo đối phó với bão khẩn cấp.

(12)

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh chuẩn bị lực lượng, bố trí cán bộ, chiến sĩ, sẵn sàng huy động các phương tiện, trang thiết bị để tham gia sơ tán, di dời dân, tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt là tại các khu vực xung yếu. Sẵn sàng phối hợp với các đơn vị, hỗ trợ, tiếp ứng cho các địa phương khi cần thiết.Toàn tỉnh có 3.362 hộ với tổng số là 11.870 người cần sơ tán (8.265 người lớn, 3.479 trẻ em). (Trong đó: TP Vĩnh Long 791 người, huyện Long Hồ 1.119 người, huyện Mang Thít 6.562 người, huyện Vũng Liêm 290 người, huyện Tam Bình 5.97 người, huyện Trà Ôn 701 người, huyện Bình Tân 1.203 người và TX Bình Minh 607 người).

(Chi tiết xem Phụ lục 7 đính kèm)

- Công an tỉnh triển khai các lực lượng để bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, các công trình trọng điểm, tài sản của nhân dân, Nhà nước và doanh nghiệp, ngăn ngừa các đối tượng xấu lợi dụng khi bão xảy ra để trộm cắp, cướp giật.

- Sở Y tế thực hiện việc huy động lực lượng y bác sĩ, chỉ đạo hệ thống bệnh viện, trạm xá trong tỉnh, phục vụ việc sơ cấp cứu, phòng ngừa dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong vùng có thiên tai.

- Sở Giao thông vận tải phối hợp chính quyền địa phương bố trí lực lượng hướng dẫn điều tiết giao thông đảm bảo an toàn đi lại của nhân dân tại các bến phà, đò ngang, đò dọc, các bến tàu vận tải hành khách trong thời gian bão có khả năng đổ bộ vào tỉnh. Thông báo đình chỉ hoạt động các bến phà, đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn khi có lệnh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh hoặc khi có cảnh báo của cơ quan chức năng.

- Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm lắp đặt hệ thống thông tin hữu tuyến, hệ thống thông tin vô tuyến đảm bảo liên lạc từ Ban Chỉ huy tiền phương đến các bộ phận, các Trạm và ngược lại.

- Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh triển khai phương án bảo vệ kho tàng, kho hóa chất, các bãi rác đảm bảo an toàn khi mưa, bão tránh gây ngập úng trên diện rộng.

- Sở Công Thương phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long tổ chức trợ giúp, cung ứng hàng hóa, chất đốt, lương thực, thực phẩm thiết yếu… cho người dân phải sơ tán, di dời tránh bão, cứu trợ nhân dân vùng bị thiệt hại, không để người dân thiếu đói; thông báo kịp thời cho các tổ chức kinh tế và hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại các kho bãi, chợ, Trung tâm thương mại trọng yếu.

- Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với chính quyền địa phương không để người già và trẻ em ở lại các lồng, bè nuôi trồng thủy, hải sản;trường hợp không chấp hành việc chỉ đạo sơ tán người già và trẻ em thì áp dụng biện pháp cưỡng chế.

- Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện, xã chủ động phối hợp với lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn, lực lượng chi viện, hỗ trợ từ cấp trên và huy động lực lượng tại chỗ tổ chức di dời dân ở các khu vực xung yếu đến nơi trú ẩn an toàn; đảm bảo cung cấp các dịch vụ hậu cần trước hết là lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, ánh sáng, thuốc men, chăm sóc sức khỏe cho người dân, vệ sinh môi trường, phòng ngừa

(13)

dịch bệnh, bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương và nơi tạm cư. Bảo vệ các khu vực, công trình trọng điểm, cứu hộ, cứu nạn và giúp đỡ các gia đình bị nạn.Triển khai ngay kế hoạch chi tiết việc huy động lực lượng giúp người dân chằng chống nhà cửa trước bão và khắc phục hậu quả sau bão.

- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và Đài truyền thanh huyện và xã, phường, thị trấn thường xuyên thông tin về bão, tác động và ảnh hưởng của bão, các giải pháp phòng, tránh và ứng phó với bão; thông báo các chỉ đạo của cấp trên về diễn biến của cơn bão cho người dân biết để chủ động phòng tránh.

2. Đối với các đoàn thể

- Tiếp tục thực hiện kế hoạch chăm sóc người già, người tàn tật, trẻ em và phụ nữ mang thai…, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người do bão gây ra. Thành lập các đội xung kích (mỗi đội gồm 10-15 người) giúp nhân dân khắc phục thiên tai.

- Vận động nguồn cứu trợ để giúp các hộ dân gặp khó khăn khi có thiên tai.

3. Trách nhiệm của cộng đồng dân cư

- Cộng đồng dân cư phải thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo về diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện nội dung công điện của tỉnh và sự chỉ đạo trực tiếp của chính quyền địa phương.

- Tiếp tục bổ sung dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm.

- Tổ chức gia cố bờ vùng, bờ thửa,…để bảo vệ sản xuất, chuẩn bị các phương tiện sẵn sàng bơm tiêu chống úng đối với các vùng trũng, thấp có nguy cơ bị ngập úng.

- Thực hiện sơ tán theo lệnh của chính quyền địa phương. Khi bão đổ bộ không ra ngoài nếu không có nhiệm vụdù vào thời điểm lặng gió. Đồng thời, phối hợp cùng chính quyền địa phương tham gia giữ gìn trật tự an ninh nơi ở và nơi sơ tán.

IV. CÔNG TÁC THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN BÃO ĐỔ BỘ 1. Đối với Ban chỉ huy PCTT và TKCNcác ngành, các cấp

- Đảm bảo chế độ trực chỉ huy, trực ban 24/24 giờ trong suốt thời gian bão đổ bộ.

- Ban chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên cập nhật thông tin mọi diễn biến, ảnh hưởng của bão. Kịp thời báo cáo những thiệt hại do bão gây ra về Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để có phương án chỉ đạo, xử lý phù hợp.

- Thực hiện cơ chế chỉ huy tập trung, thống nhất do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (Trưởng Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện, thị xã, thành phố) trực tiếp chỉ huy, điều hành, phân công các lực lượng có mặt trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố trong quá trình ứng phó với bão. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quyết định việc triển khai các biện pháp ứng phó trên địa bàn mình quản lý để giải quyết các sự cố do bão gây ra.

2. Đối với các đoàn thể

- Tiếp tục thực hiện kế hoạch chăm sóc người già, người tàn tật, trẻ em và phụ

(14)

nữ mang thai…, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người do bão gây ra. Tổ chức thành lập các đội xung kích (mỗi đội gồm 10-15 người) chuẩn bị giúp nhân dân khắc phục thiên tai.

- Vận động nguồn cứu trợ để giúp các hộ dân gặp khó khăn khi có thiên tai.

3. Trách nhiệm của cộng đồng dân cư

- Tuyệt đối chấp hành theo các mệnh lệnh của nhà nước, trong thời gian bão đổ bộ không được đi ra ngoài; không được ở lại các lồng, bè nuôi trồng thủy sản.

- Có trách nhiệm giữ gìn trật tự an ninh nơi ở và nơi sơ tán.

V. CÔNG TÁC THỰC HIỆN SAU KHI BÃO ĐI QUA

1.Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện các công việc sau:

- Tổ chức đưa người dân sơ tán, di dời trước bão về nơi ở cũ an toàn, trật tự.

- Trợ giúp hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu, nước uống, chăm sóc y tế nhằm đảm bảo điều kiện sinh hoạt, đời sống cho nhân dân.

- Tổ chức lực lượng xung kích, tình nguyện giúp nhân dân khắc phục hậu quả, sửa chữa, xây dựng lại nhà ở, bảo vệ trật tự, trị an và tài sản của nhân dân, doanh nghiệp, nhà nước trong vùng bị ảnh hưởng của bão.

- Trong thời gian ngắn nhất, huy động nguồn lực tổ chức thu dọn cây xanh, cột điện, công trình, thiết bị ngã đổ; sửa chữa trường học, bệnh viện, các công trình bị hư hỏng; đảm bảo giao thông, nước sạch, điện, viễn thông thông suốt; tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường, phòng dịch tại vùng bị ảnh hưởng của bão…

- Tổ chức ngay công tác thăm hỏi, động viên các hộ dân bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão, chủ động thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” có hiệu quả trong việc khắc phục hậu quả tại các đơn vị cơ sở, xã, phường, thị trấn.

- Tổ chức kiểm kê, đánh giá xác định thiệt hại theo đúng quy định và báo cáo cho Ban chỉ huy PCTT và TKCN cấp trên.

2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh: phối hợp chặt chẽ với các đơn vị và chính quyền địa phương huy động lực lượng, sử dụng các phương tiện, trang thiết bị để triển khai ngay các phương án, kế hoạch tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, đảm bảo an ninh trật tự, phòng ngừa, ngăn chặn các đối tượng lợi dụng để trộm cắp, cướp giật.

3. Sở Giao thông vận tải: phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, Phòng Quản lý đô thị thành phố, thị xã khẩn trương tiến hành thu dọn các cây xanh bị ngã đổ đảm bảo giao thông được thông suốt, nhất là các tuyến đường chính vào các huyện, thành phố và thị xã. Tổ chức dọn dẹp vệ sinh đường phố sạch sẽ. Rà soát các cây xanh có nguy cơ bị ngã đổ để có biện pháp chặt tỉa, khôi phục.

4. Sở Y tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tỉnh: điều động lực lượng y - bác sĩ, các đội cấp cứu, phương tiện, thiết bị hỗ trợ cho Bệnh viện - Trung tâm Y tế dự phòng các huyện, thị xã, thành phố để cứu thương, điều trị bệnh nhân, phòng dịch kịp thời.

(15)

5. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh: huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên tình nguyện trực tiếp xuống địa bàn giúp nhân dân sửa chữa lại nhà ở bị hư hỏng.

6. Công ty Điện lực Vĩnh Long: đảm bảo an toàn mạng lưới điện, huy động lực lượng và các phương tiện, thiết bị để khắc phục sự cố đường dây tải điện bị hư hỏng trong thời gian sớm nhất.

7. Sở Công Thương: chỉ đạo các công ty thương mại, siêu thị tổ chức các chợ tạm, xe bán hàng lưu động tại các địa điểm xảy ra thiên tai, để cung cấp đầy đủ các mặt hàng nhu yếu phẩm cho người dân; chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, nâng giá, nhất là lương thực, thực phẩm thiết yếu, nước uống, vật liệu xây dựng, nhiên liệu, chất đốt.

8. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long: cùng các huyện, thị xã, thành phố tổ chức cứu trợ về lương thực, thực phẩm, thuốc men, hỗ trợ kinh phí cho người dân bị thiệt hại sớm ổn định cuộc sống, nhất là hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn.

9. Thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh:(Sở Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với các sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư xem xét cân đối nguồn dự phòng ngân sách tỉnh để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chi hỗ trợ cho các địa phương khắc phục thiệt hại và đề xuất chính sách hỗ trợ người dân vùng bị thiệt hại sớm phục hồi sản xuất; đồng thời, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố giải quyết các chính sách, chế độ trợ giúp đột xuất cho các đối tượng bị thiệt hại do bão gây ra.

Chương IV

LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN, PHÒNG TRÁNH, ỨNG PHÓ BÃO MẠNH, SIÊU BÃO

I. LỰC LƯỢNG

Lực lượng dự kiến huy động từ các đơn vị phòng, ban huyện đến xã, phường, thị trấn:Toàn tỉnh có 15.255 người tham gia sơ tán.(Trong đó: TP Vĩnh Long 2.549 người, huyện Long Hồ 1.224 người, huyện Mang Thít 1.532 người, huyện Vũng Liêm 2.225 người, huyện Tam Bình 2.325 người, TX Bình Minh 1.120 người, huyện Bình Tân 1.707 người và huyện Trà Ôn 2.573 người).

(Chi tiết xemPhụ lục 8 đính kèm)

Lực lượng tại chổ: các sở, ban ngành tỉnh tham gia công tác phòng, tránh, ứng phó khi bão mạnh, siêu bão đổ bộ.

II. PHƯƠNG TIỆN, TRANG THIẾT BỊ

Phương tiện, trang thiết bị dự kiến huy động gồm có phương tiện, trang thiết bị cơ động, chi viện của các đơn vị đến xã, phường, thị trấn.Toàn tỉnh có 8.061 phương tiện, trang thiết bị tham gia sơ tán. (Trong đó: TP Vĩnh Long 993 phương tiện, trang thiết bị; huyện Long Hồ 1.497 phương tiện, trang thiết bị; huyện Mang Thít 658 phương tiện, trang thiết bị; huyện Vũng Liêm 949 phương tiện, trang thiết bị; huyện

(16)

Tam Bình 699 phương tiện, trang thiết bị; TX Bình Minh 695 phương tiện, trang thiết bị; huyện Bình Tân 1.034 phương tiện, trang thiết bị và huyện Trà Ôn 1.536 phương tiện, trang thiết bị).

(Chi tiết xem phụ lục 9 đính kèm)

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I.THỦ TRƯỞNG CÁC SỞ, BAN NGÀNH, ĐOÀN THỂ TỈNH VÀ PHÒNG BAN, ĐOÀN THỂCẤP HUYỆN

Phải trực tiếp chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN của đơn vị thực hiện các công việc trước, trong và sau khi bão mạnh, siêu bão đổ bộ; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.

II. CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN

- Căn cứ phương án này để chỉ đạo phòng, chống, ứng phó khi bão mạnh, siêu bão đổ bộ trực tiếp vào địa bàn; Đồng thời, phổ biến phương án này đến tận xã - phường - thị trấn, thông tin rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn mình quản lý.

- Trong chỉ đạo, điều hành ứng phó bão mạnh, siêu bão cần tập trung lực lượng, phương tiện ứng cứu hiệu quả các khu vực xung yếu, di dời dân đến nơi an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân.

III. CÁC TỔ CHỨC, LỰC LƯỢNG ĐÓNG TRÊN ĐỊA BÀN

Các tổ chức, lực lượng đóng trên địa bàn phải chịu mọi sự điều động và chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân (Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn) các cấp đảm bảo cơ chế chỉ huy tập trung, thống nhất trong công tác chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiệt hại do bão mạnh, siêu bão gây ra đảm bảo quá trình xử lý sự cố thiên tai được kịp thời, nhanh chóng và an toàn cho nhân dân./.

Tài liệu tham khảo

Tài liệu liên quan