• Không có kết quả nào được tìm thấy

Từ khóa: Ý thức phái tính, ngôn ngữ thơ, Đoàn Thị Lam Luyến 1

N/A
N/A
Protected

Academic year: 2022

Chia sẻ "Từ khóa: Ý thức phái tính, ngôn ngữ thơ, Đoàn Thị Lam Luyến 1"

Copied!
10
0
0

Loading.... (view fulltext now)

Văn bản

(1)

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 12, Số 3 (2018)

Ý THỨC PHÁI TÍNH QUA SỰ ĐA DẠNG NGÔN NGỮ THƠ CỦA ĐOÀN THỊ LAM LUYẾN

Nguyễn Thị Thùy Trang

Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế Email: thuytrang.lhhpy@gmail.com Ngày nhận bài: 28/02/2018; ngày hoàn thành phản biện: 22/3/2018; ngày duyệt đăng: 8/6/2018 TÓM TẮT

Đoàn Thị Lam Luyến là một trong số ít những nhà thơ nữ sớm được biết đến từ thập niên 80, 90 của thế kỷ 20. Ngay từ tập thơ đầu tay của nữ sĩ họ Đoàn ra mắt công chúng mang tên Lỡ một thì con gái đã được độc giả, nhất là độc giả nữ đón nhận và yêu quí bởi chất thơ đầy tình yêu và nữ tính. Đoàn Thị Lam Luyến có cá tính, có phong cách sáng tác khá độc đáo, viết nhiều và viết từ khá sớm. Bà khẳng định tên tuổi mình bằng giọng thơ giàu chất tự sự, trăn trở như chính cuộc đời đầy đa đoan của mình. Thơ bà thể hiện rõ yếu tố phái tính qua sự bộc lộ cái tôi trữ tình phong phú, đa dạng trong từng câu chữ. Yếu tố phái tính trong thơ Đoàn Thị Lam Luyến chính là sự đa dạng ngôn ngữ thơ của bà, đó là ngôn ngữ dung dị đời thường, ngôn ngữ đối thoại chất vấn và triết lý chiêm nghiệm.

Từ khóa: Ý thức phái tính, ngôn ngữ thơ, Đoàn Thị Lam Luyến

1. NGÔN NGỮ DUNG DỊ, ĐỜI THƯỜNG

Đọc thơ Đoàn Thị Lam Luyến, hầu như độc giả đều nhận thấy ngôn ngữ thơ được bà sử dụng là ngôn ngữ bình dị, mộc mạc, gần gũi; đặc biệt là ngôn ngữ đời thường được dùng để đối thoại, để độc thoại khá lý thú, tạo được dấu ấn rất riêng. Bởi bao giờ bà cũng đẩy cảm xúc lên mức độ cao nhất, bởi tác phẩm nào cũng thể hiện tâm trạng của một phụ nữ luôn khát khao yêu thương đến cháy bỏng. Chính ý thức ấy đã tạo “chất” riêng về ngôn ngữ trong sáng tác của bà, giúp thơ bà có sức neo giữ khá lâu trong lòng độc giả.

Ví như hình tượng người giáo viên qua thơ Lam Luyến thật gần gũi, thật mộc mạc, nhưng ẩn sâu trong nghề nghiệp vẫn là mong ước rất đời thường của một người phụ nữ: được làm vợ, làm mẹ, làm dâu: “Em là cô giáo mầm non/ Nghề chi mà dễ sớm con muộn chồng/ Đêm thì vắng, ngày thì đông/ Chăm thì chăm thế, mẹ chồng vẫn chê!... Sáng sớm đi, tối muộn về/ Trong nhà chân đất, dép lê ngoài đường” (Ngọn gió lá diều).

(2)

Ý thức phái tính qua sự đa dạng ngôn ngữ thơ của Đoàn Thị Lam Luyến

Là người tinh tế, có óc quan sát và khéo léo trong cách lựa chọn ngôn từ đời thường đưa vào thơ, nên dù lời thơ Lam Luyến bình dị, mộc mạc, chân thật nhưng luôn có sức hút với người đọc: “Gần được ấm, xa được êm/ Biết thì ruộng hóa cũng nên mùa màng/ Cái giần vục phải cái sàng/ Xui cho hai đứa nhỡ nhàng duyên nhau”

(Chồng chị, chồng em) hay: “Em đầy ngộ nhận như tôi/ Cũng yêu chí chết cái người mình yêu/ Cũng tìm những lối phong rêu/ Để rồi bước trật, bước trèo, uổng công” (Em gái). Nếu không lăn lộn trong thực tế, không gần gũi với đời sống người dân lao động một nắng hai sương, hoặc không tiếp xúc nhiều với tầng lớp bình dân thì làm sao có thể hiểu thế nào là “ruộng hóa”, “cái giần”, “cái sàng”, “yêu chí chết”, “bước trật, bước trèo”.

Thơ Lam Luyến là tiếng nói hồn nhiên của một tâm hồn mẫn cảm, tràn đầy tình yêu người và yêu cuộc sống xung quanh. Lam Luyến dễ dàng tìm thấy sự hòa hợp, đồng cảm với những hình ảnh, những sự việc tự nhiên, đơn sơ, trong trẻo. Bà không mất công nhiều trong việc chải chuốt ngôn ngữ, nên có những câu thơ mộc mạc, dễ hiểu, thân thuộc thật gần gũi. Sức hấp dẫn trong thơ Đoàn Thị Lam Luyến không chỉ bởi cách sử dụng những từ ngữ giản đơn, đời thường, cách nói hồn hậu của người dân lao động được thể hiện qua giọng thơ nhẹ nhàng, sâu lắng mà còn từ lối nói hết sức tự nhiên, thậm chí đôi lúc trở nên suồng sã: “Em sẽ đẻ cho anh một đứa... rồi một đứa/ Để hai đứa mình bồng bế chúng đi chơi” (Đàn bà); hoặc “Em mãi là con nợ của anh thôi”, rồi “Không hoang cây chỉ hoang đồi/ Em hoang con bởi có người đi hoang” (Đứa con mang họ mẹ). Đọc những câu thơ của thi sĩ, tuy có lúc chát chúa, dồn nén bởi cảm xúc của chính tác giả nhưng chính cảm xúc đó đã tự chọn được ngôn ngữ phù hợp - ngôn ngữ rất đời, rất người: “Khi em vấp ngã/ Anh đang ở đâu”. (Em đã khôn rồi).

Cháy bỏng nhưng chân thành, đó là những điều mà người yêu thơ hay nói khi nhắc đến Lam Luyến. Bởi bà thường bộc bạch những tâm sự có thật, những nỗi niềm riêng tư nhất trong cuộc sống đời thường vào thơ mình. Nhà thơ như vừa tự nói với mình, vừa muốn giãi bày với đời: “Xin dịu dàng thế chấp trái tim ta/ Khi biết trước trò chơi mang số phận/ Đã qua hai phần đời khấp khểnh/ Lộ trình này phẳng lặng hay chưa?” (Thế chấp). Cuộc sống không phải lúc nào cũng mang màu hồng, tình cảm của vợ chồng có thể trục trặc, xích mích, hiểu lầm nếu không được giải quyết ổn thỏa sẽ nhanh chóng bùng lên đến mức khó kiểm soát. Nhờ sáng tạo và vận dụng tài tình trong việc sử dụng ngôn ngữ đời thường vào sáng tác mà những cảnh “nửa khóc, nửa cười” trong đời sống vợ chồng được bà khắc họa sâu sắc qua những vần thơ ý nghĩa, thâm sâu: “Mấy khi được mẻ no đòn/ Đã dăm cú đá lại còn bạt tai/ Má căng như một trái xoài/ Mắt mờ nào thấy bóng người nữa đâu”. Thơ của nữ sĩ họ Đoàn là nơi bà gửi gắm tâm trạng, là nơi bộc lộ những suy nghĩ thầm kín, là nơi tâm hồn trống trải, cô đơn của bà muốn được chia sẻ, nhận sự sẻ chia nên thật cảm động: “Lạ kỳ ta chẳng thấy đau/ Chỉ nghe buốt một vùng sâu tâm hồn/ Tim ta chẳng thấy cô đơn/ Như cây

(3)

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 12, Số 3 (2018)

chặt ngọn càng vươn giữa trời/ Khác chi một vệt sao giời/ Chẳng thưa mà sáng hơn mười rằm xưa/ Đánh đòn đã thỏa ý chưa/ No đòn mà lại thấy vừa lòng đây” (No đòn).

Ngôn ngữ tự sự trong thơ Lam Luyến cũng thể hiện khá rõ qua các nhan đề bài thơ. Nhiều bài có nhan đề bình dị, tự nhiên như ngôn ngữ hàng ngày nhưng có sức gợi mở và gây ấn tượng mạnh, khiến người đọc như cùng hòa mình vào dòng cảm xúc chung của chính thi nhân. Có thể kể ra đây một vài tựa bài: Đàn bà, Đa mang, Em gái, Đợi, Lửa chiều, Cháy dở, Nửa đêm, No đòn.... Thơ của nữ sĩ họ Đoàn thực hiện nhu cầu tự bộc lộ, dù thơ 4 chữ, thơ 5 chữ, thơ 6 chữ, thơ 7 chữ, thơ lục bát hay thơ tự do người đọc đều cảm nhận được mạch thơ nhẹ nhàng, sâu lắng và thể hiện rõ yếu tố phái tính qua sự kết hợp hài hòa giữa chất tự sự và trữ tình, làm cho thơ bà gần gũi, tự nhiên mà vẫn có sự trau chuốt kín đáo.

2. NGÔN NGỮ ĐỐI THOẠI, CHẤT VẤN

Cùng với ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, đời thường ấy, Đoàn Thị Lam Luyến còn sử dụng ngôn ngữ đối thoại, chất vấn để thể hiện rõ ý thức phải tính trong sáng tác của mình. Trong nhiều tác phẩm thơ của Đoàn Thị Lam Luyến, người đọc cảm nhận sâu sắc những băn khoăn, những suy tư về cái tôi của bà trước sóng gió cuộc đời: đó không những là những va vấp đến cháy lòng trong tình yêu, mà còn là sự vấp ngã đầy đau đớn trong hôn nhân. Đối diện với nhiều biến động trong tình cảm nên suy nghĩ của nữ sĩ họ Đoàn được thể hiện bằng ngôn ngữ đối thoại, chất vấn thật tinh tế. Những phút giây êm đềm, hạnh phúc với Lam Luyến quá ngắn ngủi, riêng nỗi cô đơn lại trở thành bạn đồng hành thường trực bao tháng ngày. Dường như, tình yêu vẫn chưa trao cho Lam Luyến một cơ hội, thế nên bà vẫn mải miết kiếm tìm bến đỗ bình yên nhưng sao quá xa vời. Trước khi trách người, bà đã tự trách mình, tự an ủi mình và lại băn khoăn:

“Sao ta cứ lầm hương/ Với mùi thơm của lá/ Lửa tình ta cố nhen/ Khi tim người lạnh giá” (Trả ta về cô đơn).

Tình yêu lứa đôi chỉ thật sự vững bền và hạnh phúc khi có sự rung động và hòa nhịp của hai trái tim, còn tình yêu đơn phương lại luôn làm cõi lòng tan nát. Lam Luyến đã thấu tỏ điều ấy qua chính cuộc đời truân chuyên, qua chính tình yêu dang dở của mình. Bà cũng đã từng yêu đơn phương, và cố nhen nhóm lửa tình, nhưng nhiều khi sự nỗ lực ấy cũng không thể nào sưởi ấm khi tim người kia đã giá lạnh và nỗi cô đơn lại giằng xé tâm hồn, để rồi: “Những khi trời êm ả/ Ai chẳng mong sum vầy/ Còn những khi gió cả/ Nhớ đến ai lúc này?” (Trả về cô đơn).

Thơ Lam Luyến chất chứa những cảm xúc mãnh liệt trong sâu thẳm trái tim cô đơn của bà: một tâm trạng trống trải, giằng xé, day dứt, dằn vặt, trách móc đan xen mâu thuẫn. Đó chính là sự tự vấn nội tâm của nữ sĩ họ Đoàn thông qua ngôn ngữ đối thoại, chất vấn: “Còn bao đêm em trốn chạy tiếng thở dài” (Con nợ), hay “Tình ta sao

(4)

Ý thức phái tính qua sự đa dạng ngôn ngữ thơ của Đoàn Thị Lam Luyến

dở dang/ Đời ta sao trái ngang/ Để cười trong thế gian/ Để sầu sang mênh mang” (Giọt hồng phút cuối). Tiếng cười vỡ ra thành nước mắt, đau đớn sầu dâng mênh mang khiến bà sớm phải sám hối và xót xa: “Trả ta về cô đơn/ Trả ta về hoang dã” (Trả ta về cô đơn). Người đọc đã tìm thấy nỗi trăn trở về người đàn ông của mình trong thơ bà:

“Dù hóa trang gương mặt mình, khéo đến thế nào đi chăng nữa/ Anh vẫn là một Thúc Sinh thôi?” (Kiều có ở trong em), “Em ở hiền em có ác chi đâu/ Mà trời lại xui anh bắt đầu tình yêu với người con gái khác?” (Huyền thoại), “Đã bao giờ anh sống thực cùng em” (Con nợ), “Khi em chờ mỏi mắt rồi/ Anh còn ở mãi phương trời nào đây” (Nhớ Hồ Xuân Hương). Điều không thuộc về mình, thì dù có cố ràng buộc cũng chẳng thể thuộc về mình. Ngay cả khi bản thân đang tràn trụa tủi hờn, thì vẫn nghĩ, người cất bước ra đi sẽ có vô vàn lý do để ngụy biện. Khi ta đã không cảm nhận được những ấm nồng yêu thương, không cảm thấy "cần" nhau thì ra đi cũng là điều tất yếu, không lý do... Vì thế, bà sẽ không níu giữ, không hờn giận, không oán trách. Từ cuộc đời thật của mình, nữ sĩ họ Đoàn đã nhận ra chân lý đó. Đến rồi đi, gắn bó nhưng không vĩnh viễn, bởi đâu đó vẫn còn những “vòng tay hẹn hò”. Càng đọc, ta càng thấm thía nỗi đau của người phụ nữ bị ruồng bỏ, bị phụ bạc và thêm lần nữa ta muốn sẻ chia những mất mát đau thương trong tình yêu và hôn nhân của nữ sĩ họ Đoàn. Ngôn ngữ đối thoại chất vấn trong sáng tác của Đoàn Thị Lam Luyến còn hướng tới một đối tượng khác, ngoài chính bản thân bà và anh. Là những người “cùng hội cùng thuyền”, cùng chung số phận “tài hoa bạc mệnh”, trông lại nghìn xưa, đối thoại với người thiên cổ như cố tìm lấy sự đồng cảm, niềm an ủi khi gặp bất hạnh giữa cuộc đời: “Em muốn hồng nhan mà không bạc phận/ Có thể nào khác được chị Kiều ơi” (Gọi Thúy Kiều).

Ngôn ngữ thể hiện ý thức phái tính trong thơ Đoàn Thị Lam Luyến chứa đựng khả năng biểu cảm lớn, mang ý nghĩa sâu xa - đó là ngôn từ của một trái tim nhạy cảm yêu thương. Đoàn Thị Lam Luyến đã sử dụng ngôn ngữ đối thoại, chất vấn trong thơ của mình trước sự bâng khuâng suy tư về cái tôi của cuộc đời thật độc đáo!

3. NGÔN NGỮ TRIẾT LÝ, CHIÊM NGHIỆM

Ngôn ngữ triết lý, chiêm nghiệm cũng là một đặc tính làm nên sắc thái thơ của Đoàn Thị Lam Luyến. Luận bàn đến nội dung ngôn ngữ triết lý, chiêm nghiệm trong thơ, nhà thơ, nhà phê bình Hồ Thế Hà đã có nhận định thật sâu sắc: “Chất triết lý trong thi ca, đặc biệt ở những nhà thơ lớn, bên cạnh kiểu tư duy thuận lý, dường như bao giờ cũng thể hiện sự nghịch lý nhưng là sự nghịch lý nằm trong tính toàn thể của nó, bao gồm cả hình thức và nội dung, để cuối cùng người đọc nhận ra một nét riêng, một phong cách đặc biệt từ sự hài hòa này” [7,tr40]. Vận dụng nhận định của Hồ Thế Hà, tác giả bài viết này đã đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu thơ Đoàn Thị Làm Luyến để tìm lời giải cho câu hỏi ngôn ngữ triết lý, chiêm nghiệm trong thơ nữ sĩ họ Đoàn là gì? Sau khi lần lượt nghiên cứu các nội dung liên quan đến ngôn ngữ dung dị, đời thường, ngôn ngữ đối thoại, chất vấn

(5)

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 12, Số 3 (2018)

để thể hiện rõ ý thức phải tính trong sáng tác của nữ sĩ họ Đoàn… người viết bài này cũng dần tìm ra được câu trả lời cho riêng mình về ngôn ngữ triết lý, chiêm nghiệm trong thơ Đoàn Thị Lam Luyến; đó là sự bộc lộ niềm đam mê chân thực của bản thân nữ sĩ họ Đoàn cũng như mỗi người đàn bà trên trái đất này: “Suốt cuộc đời bà tìm kiếm tình yêu”.

Thơ tình của Đoàn Thị Lam Luyến đã được nhiều người đón nhận và yêu thích.

Càng đọc thơ của bà ta càng thấy nhu cầu được giãi bày, được tự thú, những suy tư, những khát vọng tình yêu đôi lứa, những góc khuất cuộc đời… càng được phơi bày, bộc bạch. Không thể tin rằng, những bài thơ ấy, nữ sĩ họ Đoàn có thể viết bằng sự trải nghiệm của người khác. Nguyên cớ riêng của Lam Luyến đó là tâm trạng, nỗi niềm của thân phận đàn bà dở dang, nhỡ nhàng, với những khía cạnh và cung bậc tình cảm khác nhau. Với Lam Luyến, thơ chính là sự sống ròng - sự sống nhiệm màu, là sự sinh sôi và là cuộc đời thực của bà. Đã có lần Lam Luyến nói: Dấn thân vào nghiệp văn chương thì gian truân rồi. Muốn thành đạt, người ta phải vứt bỏ đời sống cá nhân sang một bên. Tôi luôn phải tách mình ra làm đôi để vừa nuôi đời sống của thân xác, vừa nuôi đời sống tinh thần, và hai đời sống va chạm mâu thuẫn nhau kinh khủng… hay: Nhan sắc của bài thơ, nếu có, thì người viết phải biết hy sinh nhan sắc của chính mình. Lời bộc bạch của nữ sĩ họ Đoàn thật thâm sâu, giúp ta nhận ra những nghịch lý trong suy nghĩ và con người bà, chính điều này đã tạo ra nét riêng trong thơ Đoàn Thị Lam Luyến. Bà đã không dấu diếm mà bộc lộ rất thật "chất con/ chất người" niềm đam mê chân thực của mỗi người đàn bà trên trái đất này: “Suốt cuộc đời tôi tìm kiếm tình yêu”. Ai đó cũng đã từng nói thơ hay không hẳn vì cái áo ngôn từ bay bổng mà hay bởi tính triết lý đằm sâu. “Đi tìm” của Đoàn Thị Lam Luyến là như thế. Lời thơ chân thật, tuôn trào tự nhiên trong sự khát khao. Sự khát khao tình yêu của bà “để” rồi thành triết lý suy tư, chiêm nghiệm của một chủ thể triết luận sắc sảo: “Tôi khao khát một mối tình/Một tình yêu chỉ riêng dành cho tôi/Để ngày tôi ngắm tôi soi/Để đêm đắp áo cho người xông hương”.

Qua sự khát khao tình yêu và hạnh phúc hôn nhân, bà hiểu thực tế bằng sự cảm nhận những ước vọng được sẻ chia với người mình yêu thương: “Để xa tôi nhớ, tôi thương/ Để gần tôi thấy thiên đường ở bên/ Để khi trống trải ưu phiền/ Ngã vào lòng bạn là tan hết sầu/ Để khi nước lớn sông sâu/ Được cầm tay bạn qua cầu bình yên”. Qua từng dòng thơ của bà, ta thấy Lam Luyến luôn chiêm nghiệm và khát khao những giá trị nhân văn: “Tôi đang khao khát đi tìm/ Một tình yêu chỉ là riêng của mình” (Tôi khao khát đi tìm).

Bên cạnh đó, thơ Đoàn Thị Lam Luyến còn giàu tính triết lý: triết lý của trải nghiệm sâu sắc, triết lý của sự chiêm nghiệm đầy bản thể. Thơ Lam Luyến không cầu kì về hình thức, câu chữ rất tự nhiên, rất đời thường, ít thủ thuật phân cắt con chữ. Bà hóa giải hình thức thơ ca bằng những đào sâu chiêm nghiệm qua những “Vết thương”:

“Mặt em mang vết thương đau/ Bước đi chẳng dám ngẩng đầu/ Vết thương tựa niềm

(6)

Ý thức phái tính qua sự đa dạng ngôn ngữ thơ của Đoàn Thị Lam Luyến

nếm trải, những dư vị mà bà đã từng va chạm, đối mặt với những vết thương lòng:

“Chỉ riêng có một người thôi/ Em muốn nhìn lên, nhìn thẳng/ Bởi chính từ vết thương này”…

Hành động e ngại, lo lắng của Đoàn Thị Lam Luyến không chỉ là sự bế tắc, mà bà nhìn thấu đáo mọi vấn đề: E có một điều đáng sợ. Tình ta rồi sẽ mất đi. Bà biết rằng:

“Thời gian không ta vẫn chảy/ Cuộc đời không ta vẫn vui”. Rồi chợt nghiệm ra rằng:

“Còn đây vết thương rỉ máu/ Lành da, vẫn sẹo muôn đời”. Đến đây, ta cảm nhận được từng vết thương rất sâu vì yêu trong từng câu, chữ của bà. Chính “vết thương” là nơi chứa đựng bao kí ức về người cũ, về tình yêu đầy mãnh liệt; là nơi âm ỉ máu làm tan nát cõi lòng. Sự suy ngẫm về vết thương lòng đã đưa thơ Đoàn Thị Lam Luyến đến cách thể hiện trực diện: tái hiện chân thật những quằn quại đau đớn, trở trăn trong tình yêu. Ở mọi nẻo đường kiếm tìm hạnh phúc ấy luôn có chông gai, thử thách, khó khăn, nhưng trên hết vẫn là một trái tim biết yêu, biết sẻ chia và biết hi sinh: “Em đầy ngộ nhận như tôi/ Cũng yêu chí chết cái người mình yêu” (Em gái).

Trong tập thơ Dại yêu, bà đã gom những nỗi niềm, chiêm nghiệm, triết lý kết nên một hồn thơ ưu tư, trăn trở. Sự trăn trở ấy cuồn cuộn khi cuộc đời bà quá “đa mang”: “Chia ly nào chẳng đớn đau/ Đa mang một chốc để sầu vạn niên”.

Trăn trở ưu tư trong tình yêu luôn thường trực, day dứt trong tâm trí nhà thơ, cho thấy một nhãn quan nhạy bén, đầy ám ảnh và một tâm hồn nữ tính bao dung:

“Vạn lần tha thiết gọi tên/ Vạn ngày chí dị, vạn đêm khứ hồi/ Phù sa chỉ đắp nên bồi/

Trái tim phiêu lãng biển trời nhớ thương”. Tuy nhiên, sự vần xoay hỗn loạn của cuộc đời đã làm cho bà thấy mình như cơn gió lạc đường: “Em như cơn gió lạc đường/ Theo anh lỡ cả mười phương lấy chồng!”

Đoàn Thị Lam Luyến thường hay suy tư, chiêm nghiệm về thân phận và tình yêu. Giọng thơ của bà đặc sắc nhờ những suy tưởng, chiêm nghiệm. Nhà thơ quan sát, nhìn nhận từ hiện thực cuộc sống và đã mượn tình yêu để nói về thời cuộc và mượn thế sự để nói về tình yêu, về con người, về cái thiện – cái ác, về cái thật – cái giả, về mọi khía cạnh của đời sống: “Giữa trăm cái thực mà một giả/ Như chột xứ mù mấy hiển vinh/ Giữa trăm cái giả, mình ta thật/ Nào có ra chi, tổ lụy tình (Thật giả). Rồi bà lý giải, truy cầu một sự phân tích: “Thiện ác muôn đời từng giao tranh/ Tình đôi lứa thăng trầm – đời vốn thế.... Tội ác đang còn, tình yêu thì bất diệt/ Thế gian này thiện ác vẫn giao tranh (Thiện ác).

Chất suy tư, triết lý ở con người và tình yêu của Đoàn Thị Lam Luyến đã ngấm vào thơ. Chúng ta đọc thơ bà “người yêu đến nát cuộc đời” như để thấu hiểu cõi lòng của nhà thơ. Những trăn trở và khát vọng về tình yêu đã thấy được chất yêu của bà luôn đau đáu nỗi buồn vời vợi mà nữ sĩ họ Đoàn đã thể hiện qua ngôn ngữ thơ chắt lọc từ cuộc sống, từ tình yêu đôi lứa đầy dự cảm, đầy chiêm nghiệm và triết lý. Là người từng trải và nếm mùi vì yêu và mải kiếm tìm hạnh phúc, bà đã suy ngẫm cuộc đời

(7)

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 12, Số 3 (2018)

mình tưởng như đã “lõi đời”, ấy vậy mà vẫn dại của, dại yêu: “Như khi bé dại của/

Lớn rồi thì dại yêu” (Dại yêu)

Lam Luyến đã đi qua nhiều nỗi đau trong tình yêu và hôn nhân, bây giờ nhìn lại mình, chiêm nghiệm từ chính mình, bà cũng nhận ra tình yêu trên thực tế không ảo mộng như trong mơ? Anh đến từ cõi mơ/ Làm tiêu tan cõi thực/ Những mật đắng tình yêu/ Chỉ còn trong ký ức... (Cõi mơ – cõi thực)

Cuộc đời là thế, lòng người là thế, nó khiến Đoàn Thị Lam Luyến sớm phải sám hối và xót xa: “Trả ta về cô đơn/ Trả ta về hoang dã” (Trả ta về cô đơn).

Là người có trái tim nhạy cảm, nên thơ của Đoàn Thị Lam Luyến là thơ của những rung động trái tim. Thơ bà giàu cảm xúc, lắng đọng nhiều nỗi đau. Nhà thơ hơn ai hết nhạy cảm với mọi biến động của cuộc sống và khái quát mạnh mẽ thành những hình tượng thơ.... Tăng cường tính triết luận vào thơ đã tạo được nét riêng biệt làm nên phong cách thơ tình của Lam Luyến. Không phải ai cũng cảm nhận được điều đó, nhưng nó lại là căn nguyên của sự thật làm bà bình tâm hơn trước thử thách của cuộc đời. Những triết lý này có sức khái quát cao. Nó chính là sự thật ở đời mà đôi khi người thường chúng ta dễ dàng bỏ qua hoặc nhận ra nhưng không nói được thành lời và chẳng để ý mấy. Bằng trải nghiệm và suy tư, Đoàn Thị Lam Luyến đã diễn đạt đầy trí tuệ qua việc dùng từ, đặt câu mà ở đó ngôn ngữ triết lý, chiêm nghiệm đã thể hiện rõ phong cách riêng độc đáo, đáp ứng được niềm tin và sự mong đợi của người đọc.

Đoàn Thị Lam Luyến miệt mài sáng tác và sức hút trong việc sử dụng ngôn ngữ thơ của bà thể hiện ở sự dung dị, gần gũi và mang màu sắc dân gian. Thơ bà có xu hướng đưa ngôn ngữ đời thường gần gũi vào thơ để đối thoại, để độc thoại. Nữ sĩ họ Đoàn rất tài tình trong sử dụng ngôn ngữ thể hiện cách lựa chọn ngôn từ, cách tổ chức câu thơ, dòng thơ, các phương pháp diễn đạt, nhịp điệu. Điểm tạo nên nét riêng trong ngôn ngữ thơ tình Đoàn Thị Lam Luyến là lời yêu thương được tác giả thể hiện nhiều nhất, đó là lời của một người phụ nữ luôn sống trong tâm trạng khắc khoải vì yêu. Thơ là nơi bà gửi gắm tâm trạng, là nơi bộc bạch những suy nghĩ thầm kín, là nơi tâm hồn muốn được sẻ chia. Lỡ nhịp với người chồng đầu tiên, Lam Luyến kết hôn lần thứ hai không mấy suôn sẻ, vì thế nữ sĩ họ Đoàn luôn lo âu, luôn trăn trở và day dứt trước những điều bất trắc có thể xảy ra. Dù vậy, bà vẫn không chùn bước, không đầu hàng số phận. Những đổ vỡ, những thất bại trong hôn nhân quá khứ luôn ám ảnh cuộc đời Lam Luyến. Nếu yêu không hề toan tính, yêu đến độ “Lỡ một thì con gái”, đến độ “Lỡ cả mười phương lấy chồng”, đến độ “Dại yêu” hay yêu dại dột như Thị Mầu thuở trước thì Lam Luyến đã từng bởi bà vẫn luôn khát vọng nhiệt thành về một tình yêu cao đẹp, vô biên và vĩnh hằng. Tất cả đều cho thấy Lam Luyến đã sống hết mình cho tình yêu, càng thiếu thốn và mất mát, bà lại càng khao khát được yêu và sống hết mình vì nó, đấu tranh quyết liệt để bảo vệ nó.

(8)

Ý thức phái tính qua sự đa dạng ngôn ngữ thơ của Đoàn Thị Lam Luyến

Đôi nét về ý thức phái tính qua sự đa dạng ngôn ngữ thơ của Đoàn Thị Lam Luyến như đã trình bày trong bài luận chắc chắn là còn chưa đủ, nhưng người viết đều nhận thấy điều đáng quý và đáng trân trọng ở nữ sĩ họ Đoàn là một phẩm chất trí tuệ thông minh, một con người giàu niềm tin, giàu nghị lực, bất chấp mọi trở ngại để vươn lên và tự khẳng định mình trong cuộc sống./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Nguyễn Duy Cách (2012). Tác phẩm thơ văn và lời bình, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

[2]. Nguyễn Phan Cảnh (2001). Ngôn ngữ thơ, Nxb Văn hóa thông tin.

[3]. Xuân Cang (1997). Phác thảo chân dung một số nhà văn hiện đại bằng các quẻ Kinh Dịch.

[4]. Hữu Đạt (2000). Ngôn ngữ thơ Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội.

[5]. Hồ Thế Hà – Mã Giang Lân (1993). Sức bền của thơ, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

[6]. Hồ Thế Hà (2013). “Thiên tính nữ trong thi giới Xuân Quỳnh”, Tạp chí nghiên cứu văn học, số 3, tháng 3.

[7]. Hồ Thế Hà (2017). Thơ và thơ Việt Nam hiện đại (tập bài giảng)

[8]. Nguyễn Văn Hòa (2012). Cái tôi trữ tình trong thơ Đoàn Thị Lam Luyến, Luận văn thạc sĩ Ngữ văn, Đại học Quy Nhơn.

[9]. Thái Doãn Hiểu (2006). “Đoàn Thị Lam Luyến – người đơn phương phát động cuộc chiến tranh tình ái!” Tạp chí Sông Hương, (2005).

THE AWARENESS OF GENDER CHARACTER THROUGH THE DIVERSITY OF POETRY’S LANGUAGE OF DOAN THI LAM LUYEN

Nguyen Thi Thuy Trang

University of Sciences, Hue University Email: thuytrang.lhhpy@gmail.com ABSTRACT

Doan Thi Lam Luyen was one of the few female poets known since 1980s and 1990s of the 20th century. The first publication named Miss a girl time was acknowledged and loved by readers especially female readers because the nature of poems was rich of love and femineity. Doan Thi Lam Luyen owned outstanding personalities and composing style, she composed many poems in rather young age. She affirmed her fame through her poems fulfilled with narrative identity and

(9)

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 12, Số 3 (2018)

contemplation as her rough life. Her poems obviously showed gender character’s features by figuring out lyrical and diversified ego in every word and sentence.

Gender features in Doan Thi Lam Luyen’s poems are her diversity of poetry’s language which is simple, query dialogue and perceptive philosophy.

Keywords: awareness of gender character, poetry’s language, Doan Thi Lam Luyen.

Nguyễn Thị Thùy Trang sinh ngày 15 tháng 10 năm 1978 tại Thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Bà nhận bằng cử nhân báo chí năm 2000 tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh và bằng cử nhân Sư phạm ngữ văn năm 2005 tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Năm 2016, bà học Cao học ngành Văn học Việt Nam tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.

(10)

Ý thức phái tính qua sự đa dạng ngôn ngữ thơ của Đoàn Thị Lam Luyến

Tài liệu tham khảo

Tài liệu liên quan