• Không có kết quả nào được tìm thấy

Tài liệu hướng dẫn giáo viên dạy nội dung giáo dục địa phương lớp 1

N/A
N/A
Protected

Academic year: 2022

Chia sẻ "Tài liệu hướng dẫn giáo viên dạy nội dung giáo dục địa phương lớp 1"

Copied!
38
0
0

Loading.... (view fulltext now)

Văn bản

(1)

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

PHẠM KHƯƠNG DUY (Chủ biên)

NGUYỄN THỊ THU HƯỜNG – NGUYỄN THANH HỒNG – ĐOÀN DŨNG SĨ – TRỊNH HIỀN THƯƠNG

GIÁO DỤC ĐỊA PHƯƠNG TỈNH VĨNH PHÚC - LỚP 1

(Sách giáo viên)

(2)

PHẦN MỘT: HƯỚNG DẪN CHUNG

I. MỤC TIÊU MÔN HỌC

Sách giáo dục địa phương tỉnh Vĩnh Phúc cấp Tiểu học được biên soạn bám sát định hướng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và các văn bản hướng dẫn của Bộ giáo dục và Đào tạo, đó là: trang bị cho HS những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề cơ bản về:

Lịch sử hình thành và phát triển, truyền thống quê hương; Địa lí, dân cư, cảnh quan thiên nhiên, môi trường tự nhiên; Một số nội dung về kinh tế, xã hội, giáo dục đạo đức, lối sống liên quan đến bảo vệ môi trường tự nhiên tại địa phương.

Qua đó giúp học sinh bậc học này hiểu, biết và thực hành để có được những trải nghiệm cụ thể theo trục từ gia đình – nhà trường – xã hội trong bối cảnh, điều kiện thực tế tại địa phương.

Những nội dung cần biên soạn của cấp Tiểu học được từng bước cụ thể hoá thành các chủ đề ở lớp 1 như sau:

Chủ

đề Nội dung Số tiết

1 Nơi em ở 4

2 Lễ hội Kéo song 4

3 Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn 4

4 Ứng xử trong gia đình 4

5 Vị trí địa lí tỉnh Vĩnh Phúc 4

6 Núi Sáng 4

(3)

7 Nghề mây tre đan ở Triệu Xá 4

8 Thực hiện tốt Năm điều Bác Hồ dạy 4

Đánh giá định kì 2 Tổng kết cuối năm 1 Tổng

cộng 35

II. GIỚI THIỆU SÁCH GIÁO DỤC ĐỊA PHƯƠNG TỈNH VĨNH PHÚC – LỚP 1

2.1. Cấu trúc nội dung

Tính hệ thống của bộ sách này chính là sự thống nhất trong cấu trúc của mỗi chủ đề, thể hiện ở bốn mục tiêu: Giới thiệu – Tìm hiểu – Luyện tập – Trải nghiệm. Logic của 4 mục này được diễn giải như sau:

Giới thiệu: Giúp HS tiếp nhận đối tượng cần lĩnh hội ở chủ đề theo hướng dẫn của GV. Phần này giúp HS làm quen và tiếp cận ban đầu với chủ đề của bài học.

Tìm hiểu: Giúp HS có được thông tin liên quan đến đối tượng cần lĩnh hội ở mỗi chủ đề. Phần này giúp HS hình thành kiến thức, kĩ năng mới gắn với chủ đề.

Luyện tập: Giúp HS củng cố lại nội dung, mục tiêu cần đạt được của chủ đề.

Trải nghiệm: Giúp HS sử dụng những kiến thức, kĩ năng đã được hình thành trong chủ đề để thực hiện những hoạt động gắn với thực tiễn, có liên quan đến chủ đề.

2.2. Các dạng chủ đề và mạch kiến thức, kĩ năng a) Các dạng chủ đề

Về cơ bản, nội dung biên soạn tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Vĩnh Phúc được triển khai theo trục chính, đó là:

– Có hiểu biết, kiến thức, kĩ năng để có thể ứng xử phù hợp với sự tồn tại của thế giới tự nhiên, từ cảnh quan đến môi trường sinh thái, địa lí,... (chủ đề 5,6).

– Có hiểu biết, kiến thức, kĩ năng để thích ứng với những giá trị văn hoá

(4)

b) Mạch kiến thức – kĩ năng

– Đảm bảo kiến thức và kĩ năng ở 4 hoạt động cơ bản của nội dung Hoạt động trải nghiệm: hoạt động hướng vào bản thân; hoạt động hướng đến xã hội;

hoạt động hướng đến tự nhiên và hoạt động hướng nghiệp.

– Đảm bảo sự tích hợp, lồng ghép với nội dung khác như: yêu quê hương, giá trị văn hoá đặc sắc của địa phương; giáo dục tư tưởng, đạo đức; xây dựng nếp sống văn minh; bảo vệ môi trường tự nhiên, yếu tố đa dạng sinh học, chất lượng môi trường sống, tìm hiểu nghề nghiệp gần gũi ở địa phương; an sinh xã hội, tôn trọng kỉ cương, nội quy nhà trường,...

c) Về cách trình bày: Để phù hợp với nhận thức của HS, những lớp đầu cấp, sách sử dụng nhiều hình ảnh chụp thực tế, hình vẽ minh hoạ nhằm tăng cường tính trực quan, tạo cho HS sự hứng thú đối với môn học.

III. PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC

Theo định hướng phát triển năng lực, sách Giáo dục địa phương tỉnh Vĩnh Phúc được biên soạn theo hướng giúp HS khám phá tri thức và vận dụng tri thức đó vào thực tiễn. Do đó, HS tìm hiểu nội dung của mỗi chủ đề qua các phần việc cụ thể, theo cấu trúc chung thể hiện thống nhất trong bộ sách để có được nhận thức về những vấn đề liên quan đến mỗi chủ đề. Như vậy, phương pháp dạy học nội dung giáo dục địa phương chú trọng đến hoạt động tương tác, thảo luận, thuyết trình theo nhóm và khả năng tự học qua việc tìm hiểu kiến thức từ nhiều

(5)

nguồn khác nhau như: thư viện nhà trường, sách báo tại địa phương, người thân, internet,...

Về cơ bản, HS được học tập nội dung giáo dục địa phương thông qua hoạt động trải nghiệm cá nhân, thảo luận và làm việc nhóm (hợp tác), thu thập thông tin phản hồi, trong đó chú trọng đến việc trao quyền và trách nhiệm cho HS thông qua việc HS phải đối diện với nhiệm vụ và giải quyết vấn đề đặt ra. Theo đó, phương pháp dạy học dựa trên giải quyết vấn đề, kích thích tính tích cực của HS bằng cách tạo động lực học tập, phát huy khả năng của HS trong việc vận dụng và sử dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thường gặp trong thực tế.

Một số phương pháp dạy học nội dung giáo dục địa phương có thể sử dụng là:

– Phương pháp kiến tạo, tìm tòi.

– Phương pháp gợi mở, thu nhận.

– Phương pháp khuyến khích – tham gia.

– Phương pháp đánh giá – kiểm tra.

IV. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP

Đánh giá kết quả học tập trong nội dung giáo dục này căn cứ theo quy định về “Đánh giá học sinh tiểu học” được ban hành theo thông tư số 30/2014/TT- BGDĐT; Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT và văn bản hợp nhất số 03/VBHN- BGDĐT ngày 28/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

(6)

Với nội dung giáo dục địa phương, việc đánh giá được thực hiện bằng lời nhận xét, trao đổi nội dung bài học về kiến thức, kĩ năng và kết quả hoạt động mà mỗi HS trải nghiệm. Trong đó, HS được tham gia đánh giá theo hình thức:

đánh giá hợp tác giữa GV và HS và đánh giá đồng đẳng giữa HS với nhau.

Trong đó, GV cần quan tâm tới việc HS tự nhận xét trong quá trình học tập và có ý kiến nhận xét về phần trình bày của bạn.

Khi đánh giá kết quả học tập, GV cần nắm được mục tiêu, bản chất, mức độ cần đạt của mỗi chủ đề để có đánh giá phù hợp với từng đối tượng HS. Việc nhận xét HS cũng cần lưu ý là nhìn nhận sự nỗ lực của từng cá nhân, không so sánh với các thành viên trong lớp. Khi nhận xét, không quá chú trọng đến kết quả cuối cùng mà cần chú ý đến quá trình HS tham gia vào các hoạt động, sự tiến bộ từ kĩ năng, thao tác đến phần diễn giải nội dung ở mỗi chủ đề.

(7)

PHẦN HAI. HƯỚNG DẪN DẠY HỌC CÁC CHỦ ĐỀ

CHỦ ĐỀ 1. NƠI EM Ở

1. MỤC TIÊU

– Giới thiệu được các thành viên trong gia đình.

– Nêu được số nhà và tên thôn/bản/làng hoặc phố/đường/tổ dân phố, xã/phường/thị trấn, huyện/thành phố nơi mình sinh sống.

– Mô tả được một số đặc điểm của nơi em ở.

2. CHUẨN BỊ

2.1. Chuẩn bị của giáo viên

Một số tranh, ảnh hoặc câu chuyện về gia đình, nơi em ở.

2.2. Chuẩn bị của học sinh

– Đồ dùng học tập: bút, giấy vẽ, hộp màu.

– Sách Giáo dục địa phương tỉnh Vĩnh Phúc lớp 1.

3. TIẾN TRÌNH HOẠT ĐỘNG 3.1. Giới thiệu

a) Mục đích

HS nhận biết được số lượng thành viên trong gia đình mình.

b) Gợi ý hoạt động Hoạt động 1

* GV cho HS quan sát bức tranh trang 5 và đặt các câu hỏi:

– Trong bức tranh vẽ gì?

– Nhà bạn nữ trong tranh có bao nhiêu thành viên? Đó là những ai?

– Nhà bạn nam trong tranh có bao nhiêu thành viên? Đó là những ai?

(8)

* GV chốt nội dung: Mỗi gia đình có số lượng thành viên khác nhau.

Hoạt động 2

* GV cho HS quan sát các bức tranh ở trang 6 và đặt câu hỏi:

– Nơi em sống trông giống hình ảnh nào nhất?

– Nói về những cảnh vật mà em nhìn thấy ở nơi mình sinh sống.

3.2. Tìm hiểu a) Mục đích

– HS biết được các mối quan hệ trong một gia đình lớn, nhỏ.

– HS kể được địa chỉ nhà, đặc điểm nơi mình sinh sống.

b) Gợi ý hoạt động Hoạt động 1

* GV cho HS quan sát sơ đồ cây gia đình và yêu cầu chỉ ra các thành viên của một gia đình theo sơ đồ đó.

* GV cho HS biết và nhớ rõ cách gọi các thành viên trong gia đình:

– Bên ngoại: Ông bà ngoại, bác/bá (anh/chị của mẹ), mẹ, cậu (em trai của mẹ), dì (em gái của mẹ). Con của bác/bá thì mình gọi là anh/chị họ, con của cậu/dì là em họ.

– Bên nội: Ông bà nội, bác (anh/chị của bố), bố, cô (em gái của bố), chú (em trai của bố). Con của bác/bá thì mình gọi là anh/chị họ, con của cô/chú là em họ.

* GV lưu ý HS: Một số địa phương ở Vĩnh Phúc, chị gái bố hay mẹ còn được gọi là “bá”, mẹ gọi là “bầm”,...

(Nếu có thời gian và muốn cho HS tìm hiểu kĩ hơn, GV có thể giới thiệu cho HS biết thêm cách gọi thím (vợ của chú), chú (chồng của cô, dì), mợ (vợ của cậu),...

* GV hỏi HS về số lượng các thành viên và kể về các thành viên trong gia đình của mình.

Hoạt động 2

* GV cho HS quan sát các bức tranh ở trang 8 và đặt câu hỏi:

– Các bức tranh có những hình ảnh gì?

(9)

– Nơi ở của bạn gái và nơi ở của bạn trai khác nhau những điểm nào?

* GV gợi ý: Nơi ở của bạn gái có nhà cửa, phố phường, bạn ở thành thị; nơi ở của bạn trai có đường làng, ngõ xóm, bạn ở vùng nông thôn.

* GV hỏi tiếp:

– Em sống ở nông thôn hay ở thành thị? Dựa vào tranh minh hoạ 1,2 ở trang 8 (sách học sinh), em hãy nói địa chỉ nhà em (số nhà/phố/đường/tổ dân phố, phường, thành phố hay thôn/bản/làng, xã/thị trấn, huyện).

– Nhà em có ở gần nhà bạn nào trong lớp không?

– Kể thêm một số địa điểm gần nhà em.

Hoạt động 3

* GV tiếp tục cho HS quan sát bức tranh thứ 3 ở trang 8 và hướng dẫn HS mô tả về con đường từ nhà tới trường.

* GV đặt câu hỏi:

– Em đi học bằng phương tiện gì?

– Con đường từ nhà em đến trường có những gì?

* GV gợi ý và khuyến khích HS kể, miêu tả theo ý của các em: Biển tên đường đặt ở ngã tư/ Biển tên ngõ ở đầu ngõ/ Cổng làng/thôn/tổ dân phố thường đặt ở đường vào làng, thôn; những cảnh đẹp, địa điểm mà em thấy trên con đường đi học .

3.3. Luyện tập

a) Mục đích

(10)

HS củng cố lại kiến thức trong chủ đề qua việc nhận diện các thành viên trong gia đình mình, biết tham gia vào các công việc chung của xóm, làng, tổ dân phố, khu phố mình sinh sống. HS thể hiện được những hiểu biết đó qua các hình thức nói (kể), vẽ tranh, làm các bài tập minh hoạ phù hợp với lứa tuổi.

b) Gợi ý hoạt động Hoạt động 1

* GV hướng dẫn HS vẽ một bức tranh chân dung một người trong gia đình em vào tờ giấy A4 (HS không viết, vẽ vào sách) bằng các câu hỏi gợi mở như:

– Em muốn vẽ bức tranh về ai trong gia đình em?

– Em định vẽ như thế nào?

* GV chốt: Thông qua tranh vẽ, các em thể hiện được chân dung một người trong gia đình. Đồng thời qua đó cũng thấy được tình cảm yêu mến, gắn bó của các em với những người thân yêu và với gia đình của mình.

Hoạt động 2

* GV yêu cầu HS vẽ và tô màu hoặc xé/cắt/dán giấy màu bức tranh về nơi em ở vào tờ giấy A4 (HS không viết, vẽ vào sách).

Tương tự như ở Hoạt động 1, GV hướng dẫn, gợi mở cho HS bằng các câu hỏi như:

– Em định vẽ, trang trí những gì? (Ngôi nhà của em, khu phố nơi em ở, xóm làng của em,…).

– Trong bức tranh, em định chú ý chi tiết nào nhất? Vì sao?

Hoạt động 3

* GV hướng dẫn HS làm dạng bài tập chỉ ra những việc em nên làm và những việc em không nên làm để bảo vệ cảnh quan môi trường nơi em ở sạch đẹp. Theo các nội dung trong sách, GV hướng dẫn HS trả lời như sau:

– Những việc em nên làm: tranh (2), (3), (6).

– Những việc em không nên làm: tranh (1), (4), (5).

(11)

* GV hướng dẫn HS kể thêm với các bạn trong lớp những việc em làm để bảo vệ cảnh quan thôn/bản/làng hoặc khu phố/khu dân cư/tổ dân phố nơi em ở và trường học của em.

* GV chốt ý: Bản thân là một học sinh, em cần chung tay cùng mọi người xung quanh bảo vệ môi trường nơi ở và trường học xanh, sạch, đẹp bằng các việc làm cụ thể, thiết thực như: tuyên truyền cho mọi người ý thức tự giác và hành động để bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi, trồng nhiều cây xanh,…

3.4. Trải nghiệm a) Mục đích

– HS được chia sẻ thực tế về gia đình mình.

– HS củng cố và hiểu thêm về gia đình mình, nơi mình sinh sống qua các hoạt động trải nghiệm thực tế và làm việc theo nhóm.

b) Gợi ý hoạt động Hoạt động 1

* GV cho HS tìm hiểu thông tin, hình ảnh về gia đình, nơi sinh sống và giới thiệu với cả lớp (Ảnh chụp gia đình, hình ảnh, clip về các thành viên trong gia đình, những dịp lễ tết quan trọng; Khung cảnh tổ dân phố, thôn, làng nơi em sống,…).

* GV hướng dẫn HS những kĩ năng như: cách nói khi giới thiệu, cách đứng trước tập thể,… để HS có thể tự tin thể hiện mình.

Hoạt động 2

* GV hướng dẫn HS cách thảo luận nhóm với các bạn để kể về những công trình, đặc điểm dễ nhận biết nơi các em sinh sống. GV khuyến khích HS kể theo ý hiểu của mình. Khi đại diện nhóm lên trình bày, nếu HS đó diễn đạt còn lúng túng hoặc chưa rõ ý, GV nên:

– Đưa thêm những gợi ý để HS hoàn thành phần trình bày của mình.

– Động viên, khích lệ HS thông qua lời nói, điệu bộ khích lệ, thái độ vui vẻ, gần gũi của cô hoặc tràng pháo tay của các bạn trong lớp,… nhằm giúp HS tự tin hơn, hoàn thành tốt phần trình bày của mình.

– Mời một HS có khả năng diễn đạt tốt trong nhóm lên trình bày lại.

(12)

CHỦ ĐỀ 2. LỄ HỘI KÉO SONG

1. MỤC TIÊU

– Thông qua việc tìm hiểu về Lễ hội Kéo song ở tỉnh Vĩnh Phúc, HS được làm quen với tên gọi và biết cách mô tả đơn giản cảnh vật, hoạt động trong một lễ hội.

– HS biết quan sát, mô tả một số hoạt động trong lễ hội truyền thống tại địa phương mình với thầy cô, bạn bè và người thân trong gia đình.

– Giáo dục HS có hành vi phù hợp khi tham gia lễ hội.

2. CHUẨN BỊ

2.1. Chuẩn bị của giáo viên

– Tài liệu và những câu chuyện (sự tích) liên quan đến Lễ hội Kéo song.

– Một số hình ảnh hoặc clip giới thiệu về Lễ hội Kéo song ở Hương Canh, Vĩnh Phúc và một số hình ảnh hoặc clip về lễ hội ở địa phương đang giảng dạy.

2.2. Chuẩn bị của học sinh

– Đồ dùng học tập: bút, giấy vẽ, hộp màu.

– Sách Giáo dục địa phương tỉnh Vĩnh Phúc lớp 1.

3. TIẾN TRÌNH HOẠT ĐỘNG 3.1. Giới thiệu

a) Mục đích

– HS gọi được tên và biết được địa điểm tổ chức Lễ hội Kéo song.

– HS biết được thời gian và mục đích tổ chức Lễ hội Kéo song.

b) Gợi ý hoạt động

* GV cho HS xem hình ảnh hoặc clip giới thiệu về Lễ hội kéo song ở thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

* Sau khi HS xem hình ảnh minh hoạ và thông tin trong sách, GV đặt câu hỏi gợi mở liên quan đến chủ đề như:

(13)

– Cả lớp vừa xem về lễ hội nào?

– Lễ hội Kéo song được tổ chức ở đâu?

– Lễ hội diễn ra trong khoảng thời gian nào?

– Lễ hội Kéo song được tổ chức nhằm mục đích gì?

* Sau khi HS trả lời câu hỏi, GV chốt những đơn vị kiến thức quan trọng:

– Lễ hội Kéo song được tổ chức ở thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

– Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 3 đến hết ngày mùng 5 Tết Nguyên Đán hằng năm.

– Lễ hội được tổ chức nhằm biểu dương tinh thần thượng võ của cha ông ta, đặc biệt là người dân Vĩnh Phúc.

(GV có thể cung cấp thêm một số thông tin cho HS như: Kéo song là một trò chơi cổ truyền, biểu dương tinh thần thượng võ của người dân Vĩnh Phúc.

Thị trấn Hương Canh hiện là một trong rất ít những địa phương còn giữ cách chơi kéo song truyền thống đặc sắc này. Năm 2014, Hội kéo song Hương Canh được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Ngày 2/12/2015, trò Kéo song Hương Canh – Bình Xuyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá của nhân loại).

3.2. Tìm hiểu a) Mục đích

HS có hiểu biết cơ bản về lễ hội như hoạt động trong lễ hội, các trò chơi diễn ra trong lễ hội.

b) Gợi ý hoạt động

* GV hướng dẫn HS chỉ ra những hình ảnh có hoạt động trò chơi kéo song ở sách học sinh trang 14. Sau đó, GV hướng dẫn HS tìm hiểu và đưa ra đáp án:

Những hình ảnh có hoạt động trò chơi kéo song là: (1), (2), (3).

* GV tiếp tục gợi mở cho HS tìm hiểu về lễ hội bằng các câu hỏi:

– Lễ hội Kéo song có những hoạt động gì? (Gợi ý: Rước kiệu, tế lễ, các đội thi đấu kéo song).

(14)

– Trò chơi kéo song có giống trò chơi kéo co không? (Gợi ý: có một số điểm giống và khác nhau).

– Em thích nhất điều gì ở Lễ hội Kéo song? (GV khuyến khích HS trả lời theo ý của các em).

– Nơi em sống còn có những lễ hội nào khác không? Kể tên và nói về một số hoạt động chính trong các lễ hội đó (GV khuyến khích HS trả lời theo ý của các em).

3.3. Luyện tập a) Mục đích

– HS củng cố lại kiến thức đã tìm hiểu được về Lễ hội Kéo song và chia sẻ thông tin về một lễ hội ở địa phương mình.

– HS biết các nội quy, quy tắc của lễ hội để đảm bảo an toàn cho bản thân và giữ gìn nét đẹp của lễ hội.

b) Gợi ý hoạt động Hoạt động 1

* GV cho HS xem tranh minh hoạ ở trang 15 và hướng dẫn HS chỉ ra những việc thực hiện đúng nội quy và việc chưa thực hiện đúng nội quy khi tham gia lễ hội.

Sau khi HS trả lời, GV chốt ý:

+ Thực hiện đúng nội quy khi tham gia lễ hội: tranh (1), (4), (6).

+ Chưa thực hiện đúng nội quy khi tham gia lễ hội: tranh (2), (3), (5).

* GV nhắc nhở HS: Khi tham gia lễ hội, các em nhớ thực hiện theo nội quy, quy tắc của lễ hội để đảm bảo an toàn cho bản thân và giữ gìn nét đẹp của lễ hội.

Nhiệm vụ sau tiết học:

Các em tìm hiểu về một lễ hội tiêu biểu ở địa phương em để giới thiệu với người thân và thầy cô, bạn bè.

Hoạt động 2

* GV đọc câu lệnh trang 16 sách học sinh.

* GV gợi ý cho HS bằng các câu hỏi:

– Em thích hình ảnh/hoạt động nào nhất trong Lễ hội Kéo song?

(15)

– Em dự định vẽ bức tranh như thế nào?

* Sau khi HS đưa ra ý kiến của mình, GV hướng dẫn HS vẽ và tô màu hoặc cắt, dán giấy, đắp nổi bức tranh về Lễ hội Kéo song vào tờ giấy A4 (không viết, vẽ vào sách).

3.4. Trải nghiệm a) Mục đích

– HS trải nghiệm cách chơi trò chơi dân gian kéo song.

– HS trải nghiệm cách giới thiệu về một lễ hội.

b) Gợi ý hoạt động Hoạt động 1

* Tuỳ vào điều kiện thực tế, GV tổ chức cho HS chơi trò chơi kéo song. Nếu không có không gian, điều kiện để tổ chức chơi trò chơi kéo song truyền thống, có thể thay thế bằng trò chơi kéo co. Trong lúc HS tham gia chơi, GV có thể giới thiệu thêm về sự khác biệt giữa trò chơi kéo song và trò chơi kéo co để HS biết.

Hoạt động 2

* GV tổ chức cho HS tập giới thiệu trước tập thể về Lễ hội kéo song. Khi HS diễn đạt còn lúng túng hoặc chưa rõ ý, GV nên:

– Đưa thêm những gợi ý để HS hoàn thành phần trình bày của mình.

– Động viên, khích lệ HS thông qua lời nói, điệu bộ, thái độ vui vẻ, gần gũi của cô hoặc tràng pháo tay của các bạn trong lớp,… nhằm giúp HS tự tin hơn, hoàn thành tốt phần trình bày của mình.

– Mời một HS có khả năng diễn đạt tốt trong nhóm lên trình bày lại.

(16)

CHỦ ĐỀ 3. TẢ TƯỚNG QUỐC TRẦN NGUYÊN HÃN

1. MỤC TIÊU

Thông qua việc tìm hiểu về Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn, làm quen với tên gọi và biết cách tìm hiểu, giới thiệu về một nhân vật lịch sử ở địa phương nơi em sinh sống.

2. CHUẨN BỊ

2.1. Chuẩn bị của giáo viên

Một số hình ảnh, tư liệu về thân thế, sự nghiệp của Trần Nguyên Hãn.

2.2. Chuẩn bị của học sinh

– Đồ dùng học tập: bút, giấy vẽ, hộp màu.

– Sách Giáo dục địa phương tỉnh Vĩnh Phúc lớp 1.

3. TIẾN TRÌNH HOẠT ĐỘNG 3.1. Giới thiệu

a) Mục đích

– HS biết được năm sinh, năm mất, quê quán của Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn.

– HS nắm được công lao, đóng góp của Trần Nguyên Hãn đối với lịch sử dân tộc.

b) Gợi ý hoạt động

* GV cho HS quan sát tranh, ảnh, clip về thân thế, con người, sự nghiệp của Trần Nguyên Hãn và đặt các câu hỏi gợi mở:

– Dựa vào sách kết hợp với các thông tin tìm hiểu được, em hãy cho biết năm sinh, năm mất, quê quán của Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn.

– Công lao, đóng góp của Trần Nguyên Hãn với đất nước là gì?

– Ông được phong chức gì?

* GV chốt ý: Trần Nguyên Hãn sinh năm 1390, là võ tướng nổi tiếng thời Lê sơ.

Quê ông ở thôn Đa Cai, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông là người có đóng góp quan trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo

(17)

chống quân Minh xâm lược. Ông được phong là Tả Tướng quốc. Ông mất năm 1429 tại Vĩnh Phúc.

(Nhiều tài liệu ghi ông sinh năm 1386 hoặc không rõ năm sinh, năm mất).

3.2. Tìm hiểu a) Mục đích

HS có hiểu biết cơ bản về Khu di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Trần Nguyên Hãn.

b) Gợi ý hoạt động

* GV cho HS quan sát tranh, ảnh về Khu di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Trần Nguyên Hãn ở trang 19 (sách học sinh) và gợi ý cho HS tìm hiểu:

– Em đã được đến tham quan Đền thờ Trần Nguyên Hãn chưa?

– Khu di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Trần Nguyên Hãn ở đâu?

– Dựa vào trải nghiệm thực tế và những thông tin tìm hiểu được, em hãy mô tả sơ lược về đền thờ Trần Nguyên Hãn.

* GV chốt ý:

– Sau khi Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn mất, để tưởng niệm và ghi nhớ công lao của ông, nhân dân đã lập đền thờ ngay tại quê hương nơi ông sinh ra, xã Đa Cai, huyện Sơn Đông, tỉnh Vĩnh Phúc.

– Đền được xây dựng trên một thế đất bằng phẳng, rộng, cao ráo, có cấu trúc theo kiểu chữ “Đinh”, xung quanh có tường bao bọc tạo nên một hình vuông chữ

“Điền”. Đền gồm 3 hạng mục: Cổng – nhà tiền tế – hậu cung. Đền được xây dựng, tu bổ nhiều lần, chủ yếu là vào đời nhà Nguyễn nên nghệ thuật kiến trúc ngôi đền này mang đậm phong cách nhà Nguyễn với những hoạ tiết trang trí khá đơn giản. (Phần này tuỳ vào điều kiện và tình hình thực tế GV có thể mở rộng thêm cho HS).

3.3. Luyện tập a) Mục đích

– HS củng cố lại kiến thức về Danh nhân – Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn (Quê quán, năm sinh, năm mất, thân thế, sự nghiệp, đền thờ).

(18)

– HS kể tên được một vài nhân vật lịch sử nổi tiếng khác tại địa phương nơi em sinh sống.

b) Gợi ý hoạt động Hoạt động 1

* GV hướng dẫn HS làm theo các yêu cầu trong sách học sinh trang 20.

* GV đọc yêu cầu:

Lựa chọn những thông tin phù hợp với Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn.

* Sau đó, GV đọc to các đáp án cho HS lựa chọn, rồi kết luận:

Những thông tin phù hợp là mục: (1), (5), (6).

Hoạt động 2

* Tương tự như ở hoạt động 1, trong hoạt động này, GV cho HS quan sát các hình ảnh ở trang 21 và yêu cầu HS chỉ ra các hình ảnh liên quan đến Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn. Sau khi HS làm theo yêu cầu, GV đưa ra đáp án và giải thích.

– Những hình ảnh liên quan đến Trần Nguyễn Hãn là: ảnh (2), (4): Đền thờ Trần Nguyên Hãn; Ảnh (3): Tượng đài Trần Nguyên Hãn.

– Những hình ảnh không liên quan đến Trần Nguyên Hãn là:

(1): Tượng đài Trần Quốc Tuấn.

(5) Chùa Một Cột.

Hoạt động 3

* GV đọc câu lệnh trang 22 sách học sinh.

* GV gợi ý cho HS bằng các câu hỏi:

– Em thích hình ảnh nào nhất về Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn?

– Em dự định vẽ bức tranh như thế nào?

* Sau khi HS đưa ra ý kiến của mình, GV hướng dẫn HS vẽ và tô màu bức tranh về Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn vào tờ giấy A4 (không viết, vẽ vào sách).

3.4. Trải nghiệm a) Mục đích

(19)

– HS trải nghiệm tham quan và nghe giới thiệu về Khu di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Trần Nguyên Hãn.

– HS trải nghiệm cách giới thiệu về một danh nhân văn hoá.

b) Gợi ý hoạt động Hoạt động 1

Tuỳ vào điều kiện từng trường để có thể tổ chức tham quan tập thể hoặc khuyến khích HS tham quan Khu di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Trần Nguyên Hãn. GV hướng dẫn cho HS những kĩ năng cần thiết khi đi tham quan, hoạt động ngoài nhà trường (tham khảo nội dung trang...).

Hoạt động 2

* GV mời mỗi HS lên trình bày về những nội dung liên quan đến chủ đề, trong đó có đề cập đến những điều đã được trực tiếp quan sát, tham gia theo hiểu biết của bản thân (hoặc qua quan sát hình ảnh trong sách, video, clip để GV có thể điều chỉnh phù hợp với mục tiêu của mỗi chủ đề).

* GV khuyến khích HS thực hiện hoạt động này để hình thành kiến thức, kĩ năng cho mỗi cá nhân. GV hướng dẫn HS cách kể lại những hiểu biết của mình về Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn cho người thân trong gia đình.

(20)

CHỦ ĐỀ 4. ỨNG XỬ TRONG GIA ĐÌNH

1. MỤC TIÊU

– Nhận biết được các hành vi ứng xử phù hợp trong gia đình.

– Biết cách ứng xử đúng mực với ông bà, bố mẹ và anh, chị, em.

2. CHUẨN BỊ

2.1. Chuẩn bị của giáo viên

– Một số câu chuyện có ý nghĩa về cách ứng xử trong gia đình.

– HS biết được những biểu hiện những biểu hiện của hành vi ứng xử trong gia đình.

2.2. Chuẩn bị của học sinh – Đồ dùng học tập: bút, hộp màu.

– Sách Giáo dục địa phương tỉnh Vĩnh Phúc lớp 1.

3. TIẾN TRÌNH HOẠT ĐỘNG 3.1. Giới thiệu

a) Mục đích

– HS làm quen với một số hành vi ứng xử phù hợp, có văn hoá trong gia đình.

– HS biết được những biểu hiện của hành vi ứng xử trong gia đình.

b) Gợi ý hoạt động

* GV cho HS xem hình ảnh trang 24 cùng với những hình ảnh đã chuẩn bị.

Sau khi HS xem hình ảnh, GV đặt câu hỏi gợi mở liên quan đến nội dung chủ đề như:

– Cả lớp vừa xem tranh/ảnh về những hành vi ứng xử nào? Giữa ai với ai?

– Em thích nhất bức tranh nào? Vì sao?

– Em đã thực hiện được những hành vi nào theo các bức hình trên?

* GV chốt ý: Ứng xử trong gia đình được thể hiện thông qua thái độ, hành vi, lời nói phù hợp với văn hoá cộng đồng địa phương nơi em sinh sống và phù hợp với thuần phong mĩ tục của nhân dân ta.

(21)

* Mở rộng: GV kể một câu chuyện có ý nghĩa về hành vi ứng xử trong gia đình và đặt một số câu hỏi để HS mô tả lại hành vi của nhân vật trong câu chuyện đó.

3.2. Tìm hiểu a) Mục đích

– HS nhận biết về cách thể hiện hành vi ứng xử trong gia đình.

– HS biết được một số ý nghĩa của hành vi ứng xử trong gia đình.

b) Gợi ý hoạt động Hoạt động 1

* GV cho HS quan sát hình ảnh trong sách, trang 25.

Sau khi HS xem hình ảnh minh hoạ và thông tin trong sách, GV hỏi HS:

– Các nhân vật trong các bức tranh đã có hành vi ứng xử như thế nào với ông bà, bố mẹ?

– Mô tả về việc thể hiện cách ứng xử của nhân vật trong mỗi bức tranh (thái độ, nét mặt, cử chỉ, lời nói,...).

* GV đặt các câu hỏi gợi mở, khuyến khích HS trả lời theo ý hiểu của các em:

– Ở nhà, em có thường xuyên thăm hỏi, động viên và giúp đỡ ông bà, bố mẹ làm việc nhà không?

– Kể với bạn bè, thầy cô những việc mà em đã làm được để giúp đỡ ông bà, bố mẹ.

* Sau khi HS trả lời, GV chốt ý và chuyển hoạt động.

Hoạt động 2

* GV cho HS quan sát hình ảnh trong sách, trang 26.

Sau khi HS xem hình ảnh minh hoạ và thông tin trong sách, GV đặt một số câu hỏi hoặc yêu cầu như:

– Các nhân vật trong các bức tranh đã có hành vi ứng xử như thế nào với anh, chị, em trong gia đình?

– Mô tả về việc thể hiện cách ứng xử của nhân vật trong mỗi bức tranh (thái độ, nét mặt, cử chỉ, lời nói,...).

(22)

* GV đặt các câu hỏi gợi mở, khuyến khích HS trả lời theo ý hiểu của các em:

– Em có mấy anh, chị, em?

– Em đã làm gì để giúp đỡ anh, chị, em trong gia đình?

* Sau khi HS trả lời câu hỏi, GV chốt ý: Trong gia đình, các em hãy là một người con hiếu thảo, biết kính trọng ông bà, bố mẹ, yêu thương, hoà thuận với anh, chị, em nhé.

3.3. Luyện tập a) Mục đích

HS củng cố lại kiến thức trong chủ đề qua việc mô tả, nhận biết về hành vi đúng/

sai trong ứng xử với người thân trong gia đình.

b) Gợi ý hoạt động Hoạt động 1

* GV đọc yêu cầu trang 27 và cho HS củng cố lại những kiến thức đã học thông qua các tình huống trong sách.

Khi HS nhận định hay đưa ra phương án trả lời chưa đúng, GV phân tích, gợi ý để HS có sự nhận biết đúng đắn.

* GV yêu cầu HS chỉ ra hành vi đúng và hành vi chưa đúng khi ứng xử trong gia đình khi quan sát các tranh trong sách.

* Sau khi HS trả lời, GV kết luận, củng cố kiến thức:

+ Các tranh thể hiện hành vi đúng khi ứng xử trong gia đình là: (1), (2), (6).

+ Các tranh thể hiện hành vi chưa đúng khi ứng xử trong gia đình là: (3), (4), (5).

Hoạt động 2

* GV đọc yêu cầu trang 28 và hướng dẫn học sinh kể về những tình huống ứng xử phù hợp với người thân trong gia đình.

* GV cho HS kể những việc làm thể hiện sự quan tâm, chăm sóc người thân trong gia đình. Cuối hoạt động, GV động viên, khích lệ HS tiếp tục thực hiện những việc làm thể hiện những hành vi ứng xử có văn hoá với người thân trong gia đình.

(23)

* GV khuyến khích HS nói những suy nghĩ của mình, động viên những bạn còn rụt rè, nhút nhát thể hiện bản thân mình thông qua các câu chuyện được kể.

* GV chốt ý: Trong gia đình, các em hãy là một người con hiếu thảo, biết kính trọng ông bà, bố mẹ, yêu thương, hoà thuận với anh, chị, em nhé!

3.4. Trải nghiệm

a) Mục đích

– Giúp HS hình thành kĩ năng trình bày, nói lên suy nghĩ của mình liên quan đến kiến thức, kĩ năng đã học trong chủ đề. Trong chủ đề này, việc học sinh nói những việc làm cụ thể cũng là để GV kiểm chứng những tri thức có hay không hình thành thực sự ở HS.

b) Gợi ý hoạt động

HS đóng vai để xử lí những tình huống giả định. Việc học qua đóng vai giúp HS có nhưng trải nghiệm thú vị. Khi mỗi nhóm lựa chọn và đóng vai trong một tình huống cụ thể, GV chỉ hướng dẫn hoặc đưa ra các gợi ý để mỗi HS thể hiện cách ứng xử trong tình huống của mình. Sau mỗi tình huống, căn cứ vào những hành vi, lời nói của HS, GV sẽ đưa ra những cách ứng xử phù hợp. Lưu ý: GV không đưa ra cách ứng xử chuẩn mực ngay mà tuỳ vào tình huống cụ thể để đưa ra cách ứng xử phù hợp nhất.

(24)

CHỦ ĐỀ 5. VỊ TRÍ ĐỊA LÍ TỈNH VĨNH PHÚC

1. MỤC TIÊU

Bước đầu biết được vị trí địa lí nơi mình sống bằng việc gọi tên và xác định được vị trí các huyện/thành phố, tỉnh tiếp giáp với địa phương nơi mình sinh sống.

2. CHUẨN BỊ

2.1. Chuẩn bị của giáo viên

– Một số hình ảnh đặc trưng tại đại bàn/xã/phường nơi mình sinh sống.

– Bản đồ tỉnh Vĩnh Phúc.

2.2. Chuẩn bị của học sinh – Đồ dùng học tập: bút, hộp màu.

– Sách Giáo dục địa phương tỉnh Vĩnh Phúc lớp 1.

3. TIẾN TRÌNH HOẠT ĐỘNG 3.1. Giới thiệu

a) Mục đích

HS biết được vị trí địa lí của Vĩnh Phúc trên bản đồ Việt Nam.

b) Gợi ý hoạt động

* GV cho HS quan sát tranh trang 30 và chỉ vị trí địa lí của tỉnh Vĩnh Phúc trên bản đồ.

3.2. Tìm hiểu a) Mục đích

– HS bước đầu biết được các loại địa hình của tỉnh Vĩnh Phúc.

– HS nắm được các huyện và thành phố của Vĩnh Phúc.

b) Gợi ý hoạt động Hoạt động 1

* GV cho HS quan sát các hình ảnh trang 30 và đặt câu hỏi:

– Em hãy cho biết các bức ảnh trên vẽ gì? (Gợi ý: vẽ các ngọn núi, vẽ đồng ruộng, vẽ đồi ).

(25)

– GV chốt ý: Đây là khung cảnh đặc trưng của tỉnh Vĩnh Phúc. Vĩnh Phúc quê ta có vùng đồng bằng, vùng núi và vùng trung du.

* GV đặt các câu hỏi gợi mở cho HS:

– Nơi em sống giống hình ảnh nào nhất ở các hình trên? Vậy em sống ở vùng nào?

Hoạt động 2

* GV cho HS quan sát tranh trang 32 và hướng dẫn HS trả lời câu hỏi:

– Tỉnh Vĩnh Phúc có bao nhiêu huyện và bao nhiêu thành phố? Kể tên các huyện và các thành phố đó.

* GV hướng dẫn HS chú ý quan sát hình ảnh lược đồ trong sách. Mỗi huyện/thành phố được thể hiện bằng các màu sắc khác nhau. GV chỉ vào ảnh trong bản đồ và đọc tên các huyện/thành phố đó cho HS nghe.

* GV chốt ý: Vĩnh Phúc bao gồm 2 thành phố (thành phố Vĩnh Yên; thành phố Phúc Yến) và 7 huyện (huyện Bình Xuyên, huyện Lập Thạch, huyện Sông Lô, huyện Tam Dương, huyện Vĩnh Tường, huyện Yên Lạc, huyện Tam Đảo).

3.3. Luyện tập a) Mục đích

– HS biết được các tỉnh tiếp giáp với tỉnh Vĩnh Phúc.

– HS nắm được huyện/thành phố nơi mình sinh sống tiếp giáp với những huyện/thành phố nào.

b) Gợi ý hoạt động

* GV cho HS quan sát tranh trang 34 và đặt câu hỏi:

– Hãy kể tên những tỉnh/thành phố tiếp giáp với tỉnh Vĩnh Phúc. (GV có thể gợi ý một tỉnh/ thành phố tiếp giáp làm ví dụ)

– Huyện/thành phố nơi em ở tiếp giáp với những huyện/thành phố nào?

* GV chốt ý:

– Các tỉnh/thành phố tiếp giáp với Vĩnh Phúc là: tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Phú Thọ, tỉnh Thái Nguyên và thành phố Hà Nội.

(26)

* Sau đó, GV hướng dẫn HS nêu tên huyện/thành phố mình đang sinh sống, tìm vị trí huyện/thành phố đó trên bản đồ, sau đó chỉ ra những huyện/thành phố tiếp giáp trên bản đồ.

* GV khuyến khích các em HS có thể tìm được các huyện gần nhau, tiếp giáp nhau, ví dụ: “Huyện Tam Dương tiếp giáp với huyện Lập Thạch, huyện Bình Xuyên, thành phố Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Tường, huyện Lập Thạch, huyện Tam Đảo”.

3.4. Trải nghiệm a) Mục đích

Giúp HS hình thành kĩ năng trình bày những hiểu biết của mình về vị trí địa lí của tỉnh Vĩnh Phúc và vị trí địa lí nơi mình ở.

b) Gợi ý hoạt động Hoạt động 1

* GV yêu cầu HS quan sát tranh, ảnh trong sách và những tư liệu sưu tầm được, sau đó giới thiệu cho các bạn và cô giáo về vị trí địa lí của tỉnh Vĩnh Phúc.

(Khuyến khích những HS tìm hiểu được nhiều nguồn thông tin về tỉnh Vĩnh Phúc).

Hoạt động 2

* GV cho cả lớp thảo luận nhóm (theo bàn hoặc theo tổ) giới thiệu về vị trí của huyện/thành phố nơi các em ở. Thông thường, các em ở cùng một huyện/thành phố, GV khuyến khích HS tìm hiểu những huyện/thành phố tiếp giáp với huyện/thành phố nơi các em đang sinh sống.

(27)

CHỦ ĐỀ 6. NÚI SÁNG

1. MỤC TIÊU

– HS biết được một số đặc điểm chính của danh thắng Núi Sáng. Qua đó làm quen với tên gọi và biết cách tìm hiểu, giới thiệu về một cảnh đẹp nơi mình sinh sống.

– Rèn luyện được một số kĩ năng cơ bản khi đi tham quan một địa điểm du lịch.

2. CHUẨN BỊ

2.1. Chuẩn bị của giáo viên

– Tài liệu liên quan đến danh thắng núi Sáng.

– Một số hình ảnh về núi Sáng và một số cảnh đẹp ở địa phương.

2.2. Chuẩn bị của học sinh – Đồ dùng học tập: bút, hộp màu.

– Sách Giáo dục địa phương tỉnh Vĩnh Phúc lớp 1.

3. TIẾN TRÌNH HOẠT ĐỘNG 3.1. Giới thiệu

a) Mục đích

– HS làm quen với tên gọi một cảnh đẹp của Vĩnh Phúc.

– HS gọi được tên của cảnh đẹp và nhận biết được khung cảnh xung quanh.

b) Gợi ý hoạt động

* GV cho HS xem hình ảnh hoặc clip về núi Sáng.

* Sau khi xem hình ảnh, GV đặt câu hỏi gợi mở liên quan đến nội dung chủ đề như:

– Cả lớp vừa xem về cảnh đẹp nào?

– Cảnh đẹp này có gì đặc biệt?

– Em ấn tượng với hình ảnh nào nhất? Vì sao?

(28)

* GV khuyến khích HS tham gia trả lời. HS nào khó khăn trong quan sát, GV có thể cho HS quan sát những hình ảnh minh hoạ có trong sách, trang 36 để vừa chỉ hình vừa nói.

* GV chốt ý: Núi Sáng là một cảnh đẹp nổi tiếng của tỉnh Vĩnh Phúc.

3.2. Tìm hiểu a) Mục đích

– HS có hiểu biết về vị trí của dãy núi Sáng.

– HS biết được tên gọi, các cảnh đẹp, địa danh nằm trên dãy núi Sáng.

b) Gợi ý hoạt động Hoạt động 1

* GV cho HS quan sát hai tranh trang 37 trong sách và đặt câu hỏi:

– Danh thắng Núi Sáng nằm trên những huyện nào?

* HS dựa vào sách và trả lời câu hỏi của GV. GV chốt ý: Dãy núi Sáng nằm trên phần đất thuộc hai huyện Sông Lô và Lập Thạch của tỉnh Vĩnh Phúc.

Hoạt động 2

* GV hướng dẫn HS quan sát các tranh trang 38 và gợi ý HS tìm hiểu bài qua các câu hỏi:

– Trên núi Sáng có cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng nào? Tên cảnh quan thiên nhiên đó là gì?

– Kể tên những điều em biết về thác Bay.

* Sau khi HS trả lời, GV chốt ý và kết luận: Thác Bay là thác nước đẹp kì vĩ và nổi tiếng được tạo nên bởi một dòng suối chảy xuống từ đỉnh núi Sáng. Tuy nhiên, thác Bay còn rất hoang sơ, đường đi hiểm trở.

Hoạt động 3

* GV cho HS quan sát các tranh ở trang 39 và yêu cầu HS chỉ vào từng ảnh và đọc to các địa điểm du lịch đẹp ở dãy núi Sáng.

* GV chốt kiến thức: Ở khu vực núi Sáng, ngoài thác Bay còn có các thắng cảnh như hồ Bò Lạc, bãi Bách Bung, Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức,…

3.3. Luyện tập

(29)

a) Mục đích

– HS củng cố lại kiến thức trong chủ đề qua việc trả lời câu hỏi.

– HS giới thiệu được một cách đơn giản về một số cảnh đẹp ở địa phương mình.

b) Gợi ý hoạt động

* GV cho HS quan sát các ảnh ở trang 40 và trả lời câu hỏi:

– Trong những bức ảnh sau, ảnh nào mô tả phong cảnh núi Sáng?

– Ở Vĩnh Phúc còn có những cảnh đẹp nổi tiếng nào khác? Kể tên các cảnh đẹp mà em biết.

Sau khi HS trả lời câu hỏi, GV tổng kết:

– Các hình ảnh mô tả cảnh núi Sáng là: (1), (4), (5), (6).

– Các hình ảnh không mô tả cảnh núi Sáng là: (2) – Hồ Gươm, (3) – Vịnh Hạ Long.

3.4. Trải nghiệm a) Mục đích

Hướng đến việc mở rộng không gian ngoài nhà trường bằng việc khuyến khích HS trực tiếp đến địa danh trong chủ đề.

b) Gợi ý hoạt động

Hoạt động 1

Tuỳ vào điều kiện từng trường để có thể tổ chức tham quan tập thể Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức hoặc khuyến khích HS tham quan với người thân khi có điều kiện. GV hướng dẫn cho HS những kĩ năng cần thiết khi đi tham quan, hoạt động ngoài nhà trường (tham khảo nội dung trang 42, 43).

Hoạt động 2

(30)

* Tương tự, tuỳ vào điều kiện từng trường để có thể tổ chức tham quan tập thể núi Sáng hoặc khuyến khích HS tham quan với người thân khi có điều kiện. GV hướng dẫn cho HS những kĩ năng cần thiết khi đi tham quan, hoạt động ngoài nhà trường (tham khảo nội dung trang 42,43). Sau khi tham quan, GV mời mỗi HS lên trình bày về những nội dung liên quan đến chủ đề trong đó đề cập trực tiếp đến những điều đã được trực tiếp quan sát, tham gia theo hiểu biết của bản thân (hoặc qua quan sát hình ảnh trong sách, video clip) để GV có thể điều chỉnh cho phù hợp với mục tiêu của chủ đề.

* GV khuyến khích HS thực hiện hoạt động này để hình thành kiến thức, kĩ năng cho mỗi cá nhân. GV hướng dẫn HS kể lại những hiểu biết của mình về núi Sáng cho cô giáo, các bạn và người thân nghe.

CHỦ ĐỀ 7. NGHỀ MÂY TRE ĐAN Ở TRIỆU XÁ

1. MỤC TIÊU

Thông qua việc tìm hiểu về nghề mây tre đan ở Triệu Xá, HS được làm quen với tên gọi và biết cách tìm hiểu, giới thiệu về một nghề truyền thống ở địa phương nơi mình sinh sống.

2. CHUẨN BỊ

2.1. Chuẩn bị của giáo viên

– Tài liệu và video clip giới thiệu về nghề mây tre đan ở Triệu Xá.

– Một số hình ảnh về làng nghề Triệu Xá, hoạt động sản xuất ở làng nghề, các sản phẩm của làng nghề Triệu Xá.

2.2. Chuẩn bị của học sinh – Đồ dùng học tập: bút, hộp màu.

– Sách Giáo dục địa phương tỉnh Vĩnh Phúc lớp 1.

3. TIẾN TRÌNH HOẠT ĐỘNG

(31)

3.1. Giới thiệu a) Mục đích

HS được làm quen với tên gọi một nghề truyền thống gắn với một địa danh – nghề mây tre đan ở Triệu Xá.

b) Gợi ý hoạt động

* GV cho HS xem hình ảnh hoặc video clip giới thiệu về làng nghề Triệu Xá và nghề mây tre đan ở đây.

* Sau khi HS xem hình ảnh, GV đặt câu hỏi gợi mở liên quan đến chủ đề như:

– Các em vừa xem hình ảnh/video về điều gì?

– Làng nghề này có gì tiêu biểu?

– Em ấn tượng nhất về hoạt động nào ở làng nghề này?

* GV khuyến khích HS tham gia trả lời. HS nào khó khăn trong diễn đạt, GV có thể cho HS quan sát các hình ảnh minh hoạ trong sách, trang 44, vừa chỉ vào hình vừa nói.

* Khi HS phát biểu, GV ghi tóm tắt những những ý kiến của HS lên bảng, không đánh giá.

* Sau khi HS đã phát biểu ý kiến của mình, GV chốt ý:

– Làng nghề mây tre đan Triệu Xá thuộc xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch, tĩnh Vĩnh Phúc, đã được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2006.

– Đây là nơi sản xuất ra nhiều sản phẩm mây tre đan đẹp sử dụng trong đời sống hằng ngày của người dân và phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

* GV gợi mở:

– Bạn nào trong lớp đã biết về nghề làm nón ở đây (đối với HS ở các xã lân cận xã Triệu Đề) kể lại cho các bạn trong lớp những điều mình đã thấy.

3.2. Tìm hiểu a) Mục đích

HS có hiểu biết về các công đoạn làm mây tre đan ở Triệu Xá.

b) Gợi ý hoạt động

* GV cho HS quan sát các công đoạn để làm ra sản phẩm mây tre đan ở Triệu Xá

(32)

* Sau khi xem hình ảnh minh hoạ về các công đoạn làm ra một sản phẩm mây tre đan ở Làng nghề Triệu Xá, GV đặt một số câu hỏi như:

– Các sản phẩm mây tre đan ở Làng nghề Triệu Xá được làm từ nguyên vật liệu gì?

– Hãy chỉ vào hình trang 45, 46 và đọc to các công đoạn làm mây tre đan ở Triệu Xá.

3.3. Luyện tập a) Mục đích

– HS củng cố lại kiến thức trong chủ đề qua việc trả lời câu hỏi.

– HS giới thiệu được về một nghề ở địa phương mình sinh sống.

b) Gợi ý hoạt động Hoạt động 1

* GV hướng dẫn HS quan sát các bức tranh, ảnh ở trang 47 và hướng dẫn HS chỉ ra đâu là các sản phẩm mây tre đan của làng nghề Triệu Xá. Sau khi HS phát biểu, GV chốt lại ý đúng:

– Các sản phẩm mây tre đan của làng nghề Triệu Xá là, ảnh (2), (4).

– Các ảnh không phải là sản phẩm của làng nghề Triệu Xá là: (1) – sản phẩm thuỷ tinh, (3) – sản phẩm đất nung.

Hoạt động 2

* GV đọc câu lệnh trang 48 sách học sinh.

* GV gợi ý cho HS bằng các câu hỏi:

– Em thích hình ảnh nào nhất về sản phẩm mây tre đan của làng nghề Triệu Xá?

– Em dự định vẽ bức tranh như thế nào?

* Sau khi HS đưa ra ý kiến của mình, GV hướng dẫn HS vẽ và tô màu bức tranh về sản phẩm mây tre đan của làng nghề Triệu Xá vào tờ giấy A4 (không viết, vẽ vào sách).

3.4. Trải nghiệm a) Mục đích

– Giúp HS có kĩ năng giới thiệu về nghề ở những hình thức khác nhau.

– HS có những trải nghiệm về nghề truyền thống ở địa phương.

b) Gợi ý hoạt động

(33)

Hoạt động 1

Tuỳ vào điều kiện từng trường để có thể tổ chức tham quan tập thể làng nghề mây tre đan Triệu Xá và nghe nghệ nhân nơi đây giới thiệu về các công đoạn làm sản phẩm từ mây, tre đan.

Hoạt động 2

* GV đọc lệnh câu trang 49, yêu cầu HS thảo luận với các bạn để tìm hiểu về nghề mây tre đan ở Triệu Xá.

* GV khuyến khích HS thực hiện hoạt động này để hình thành kiến thức, kĩ năng cho mỗi cá nhân. GV hướng dẫn HS kể lại những hiểu biết của mình về nghề mây tre đan ở Triệu Xá cho cô giáo, các bạn và người thân nghe.

(34)

CHỦ ĐỀ 8. THỰC HIỆN TỐT NĂM ĐIỀU BÁC HỒ DẠY

1. MỤC TIÊU

– HS thuộc và hiểu nội dung 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng.

– Nhận biết và thực hiện được những điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng được thể hiện qua những quy định cụ thể trong nhà trường.

2. CHUẨN BỊ

2.1. Chuẩn bị của giáo viên

– Một số hình ảnh hoặc câu chuyện về những gương HS làm tốt 5 điều Bác Hồ dạy.

– Giấy A0 hoặc A1 cho mỗi nhóm để dán tranh trình bày.

2.2. Chuẩn bị của học sinh

– Đồ dùng học tập: bút, giấy vẽ, hộp màu.

– Sách Giáo dục địa phương tỉnh Vĩnh Phúc lớp 1.

3. TIẾN TRÌNH HOẠT ĐỘNG 3.1. Giới thiệu

a) Mục đích

– HS nhận biết một số việc làm tốt phù hợp với lứa tuổi.

– HS nhận biết được nội dung của 5 điều Bác Hồ dạy.

b) Gợi ý hoạt động

* GV cho HS quan sát hình ảnh trong phần giới thiệu trang 51 và đặt các câu hỏi:

– Các bạn nhỏ trong tranh đang làm những việc tốt gì?

– Những việc làm ấy thể hiện điều gì? (Có bạn chăm chỉ học tập; Có bạn biết giữ gìn vệ sinh, làm việc giúp đỡ mọi người; Có bạn trung thực, thật thà,...).

* GV chốt nội dung: Các bạn trong bức tranh đã làm theo 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng.

* GV hướng dẫn HS học thuộc lòng từng điều trong 5 điều Bác Hồ dạy.

(35)

Mở rộng:

– Các em đã từng nghe hay đọc được 5 điều Bác Hồ dạy ở đâu chưa?

* GV khuyến khích HS tham gia trả lời.

(Nếu lớp đã treo 5 điều Bác Hồ dạy thì GV cho HS ghi nhớ đã treo để nhìn đọc lại khi chưa nhớ. Nếu lớp chưa có, GV và HS có thể cùng nhau viết lại vào giấy cỡ lớn và chọn vị trí thích hợp để treo.

3.2. Tìm hiểu a) Mục đích

– HS nhắc lại được từng điều trong 5 điều Bác Hồ dạy.

– HS hiểu được ý nghĩa của 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng.

b) Gợi ý hoạt động

* Với mỗi điều, GV hướng dẫn HS làm theo 2 bước:

+ GV cho HS quan sát từng hình ảnh và đặt câu hỏi:

– Bức tranh vẽ hoạt dộng gì?

– Hoạt động đó thể hiện điều gì? (Ví dụ: tranh vẽ các bạn HS ngoan ngoãn, lễ phép với người lớn tuổi Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; Tranh vẽ các bạn HS chăm chỉ học tập và dọn vệ sinh trường lớp Học tập tốt, lao động tốt;...).

* GV cho HS đọc lại điều dạy đó của Bác và đặt câu hỏi: “Em hiểu điều này như thế nào?” hoặc: “Theo em hiểu, điều này nghĩa là gì? (Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào là làm gì? Học tập tốt là gì?,...).

* GV giải thích lại cụ thể ý nghĩa của lời dạy, có thể cho HS đọc lại ý nghĩa dã được giải thích trong sách.

* GV chốt lại ý nghĩa của việc thực hiện theo 5 điều Bác Hồ dạy: 5 điều Bác Hồ dạy giúp thiếu niên, nhi đồng sống tốt hơn, sống có ích, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Lưu ý:

+ Sau khi giải thích cho HS hiểu được từng điều, GV có thể cho các em kể luôn một việc các em đã làm thực hiện theo 5 điều dạy đó của Bác.

(36)

+ Với những câu hỏi liên quan đến ý nghĩa của từng điều dạy, GV có thể đưa ra những câu hỏi gợi ý sát với nội dung hoặc lấy ví dụ thực tế để HS lớp 1 có thể trả lời được.

+ GV không đánh giá các câu trả lời của HS.

3.3. Luyện tập a) Mục đích

HS củng cố lại kiến thức trong chủ đề qua việc nhận diện các việc làm tương ứng với từng điều trong 5 điều Bác Hồ dạy; chia sẻ được những việc tốt mình đã làm.

b) Gợi ý hoạt động Hoạt động 1

* GV cho HS quan sát các bức tranh trang 56 và đặt câu hỏi:

– Chỉ ra tranh vẽ có hành vi phù hợp và tranh vẽ có hành vi chưa phù hợp với lối ứng xử của “cháu ngoan Bác Hồ”.

* GV hướng dẫn HS quan sát các tranh và trả lời câu hỏi.

* GV chốt ý:

– Các tranh vẽ có hành vi phù hợp với lối ứng xử của “cháu ngoan Bác Hồ” là:

(1), (3), (4), (5), (7), (8), (9), (10).

– Các tranh vẽ có hành vi chưa phù hợp với lối ứng xử của “cháu ngoan Bác Hồ”

là: (2), (6).

Hoạt động 2

* GV cho HS đọc yêu cầu trang 57 và hướng dẫn HS trả lời câu hỏi:

– Em đã làm được những việc gì để xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ?

* GV hướng dẫn HS viết những việc em đã làm được và chưa làm được vào Phiếu ghi chép ở phía dưới.

Hoạt động 3

* GV cho HS đọc yêu cầu của bài tập trang 58 và hướng dẫn HS đọc 8 nội dung, chỉ ra những việc làm thực hiện tốt Năm điều Bác Hồ dạy.

(37)

* Sau khi HS trả lời, GV chốt ý: Những việc làm thể hiện tốt Năm điều Bác Hồ dạy là: Điều (1), (2), (3), (4), (5), (6), (7). Những việc làm không thể hiện tốt Năm điều Bác Hồ dạy là: (8).

* Sau đó, GV hướng dẫn HS kể những việc em và các bạn đã làm ở lớp để thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy.

3.4. Trải nghiệm a) Mục đích

– HS được trải nghiệm thực tế những việc làm tốt theo 5 điều Bác Hồ dạy.

– HS củng cố và hiểu thêm về những việc mình có thể làm theo 5 điều Bác Hồ dạy.

b) Gợi ý hoạt động Hoạt động 1

* GV cho HS trong lớp chia thành 3 nhóm để thực hiện các công việc như sau:

Nhóm 1: Giữ gìn, thu thập sách, báo, truyện đã qua sử dụng để dành tặng các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Nhóm 2: Thu gom giấy vụn, phát động phong trào “Kế hoạch nhỏ” trong lớp.

Nhóm 3: Quyên góp tiền, quà, quần áo để ủng hộ đồng bào gặp khó khăn.

(Các nhóm cùng nhau thi đua, sau đó báo cáo kết quả trước lớp).

Các hoạt động này có thể thực hiện trên lớp hoặc ngoài giờ học.

* GV cùng HS trong lớp có thể đưa ra các nội dung:

– Mình sẽ tặng quà cho ai?

* GV có thể định hướng trước về nơi nhận, người nhận các món quà này để có hình thức tổ chức phù hợp cho HS.

* GV cùng HS suy nghĩ về cách thức tặng quà: đem quà đến tận nơi (nếu có điều kiện) hoặc gửi quà thông qua các quỹ từ thiện.

Lưu ý: Với phần Trải nghiệm, GV có thể lựa chọn số lượng và hoạt động phù hợp với thời gian và đối tượng HS của mình.

Hoạt động 2

(38)

* GV đặt câu hỏi gợi mở cho HS:

– Ở nhà, các em có tự vệ sinh cá nhân không?

– Em rửa tay như thế nào?

– Em có biết cách rửa tay theo hướng dẫn của Bộ Y tế không?

– Cách rửa tay theo hướng dẫn của Bộ Y tế gồm mấy bước, đó là những bước nào?

* Sau đó, GV hướng dẫn HS rửa tay theo 6 bước của Bộ Y tế.

* GV gợi ý cho HS tham khảo sách trang 59 và chốt ý:

– Chúng ta phải biết giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Trong điều kiện tình hình dịch bệnh leo thang như hiện nay thì việc giữ gìn vệ sinh cá nhân và đặc biệt là rửa tay đúng cách, sạch sẽ là việc làm hết sức quan trọng để bảo vệ sức khoẻ bản thân, gia đình và cộng đồng.

* Nhiệm vụ sau tiết học: GV hướng dẫn và động viên HS tiếp tục thường xuyên thực hiện các việc làm theo 5 điều Bác Hồ dạy ở nhà, ở trường và nơi mình ở.

Tài liệu tham khảo

Tài liệu liên quan

Kết luận Kết quả khảo sát về thực trạng quản lí hoạt động bồi dưỡng GVTH tại huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk cho thấy nhận thức của một bộ phận CBQL, GV về vị trí, vai trò và tầm quan