• Không có kết quả nào được tìm thấy

Nêu được ví dụ về chuyển động cơ

N/A
N/A
Protected

Academic year: 2022

Chia sẻ "Nêu được ví dụ về chuyển động cơ"

Copied!
6
0
0

Loading.... (view fulltext now)

Văn bản

(1)

HƯỚNG DẪN TỰ HỌC VẬT LÍ 8 BÀI 1: CHUYỂN ĐỘNG CƠ

A. MỤC TIÊU BÀI HỌC

- Nêu được dấu hiệu để nhận biết chuyển động cơ.

- Nêu được ví dụ về chuyển động cơ.

- Nêu được ví dụ về tính tương đối của chuyển động cơ.

B. HƯỚNG DẪN HỌC LÍ THUYẾT (Đây là phần hướng dẫn, không phải nội dụng ghi bài)

Mặt Trời mọc ở đằng Đông, lặn ở đằng Tây (Hình 1.1). Như vậy có phải là Mặt Trời chuyển động còn Trái Đất đứng yên không? Bài này sẽ giúp các em trả lời câu hỏi trên.

I. Chuyển động cơ

Trong cuộc sống của chúng ta thường dễ dàng đưa ra một ví dụ về một vật đang chuyển động hay đứng yên. Ví dụ như một ô tô đang chuyển động trên đường, một ngôi nhà đang đứng yên trên mặt đất.

Vậy làm thế nào để nhận biết được một ô tô, một chiếc thuyền, một đám mây…

có chuyển động hay không? (Câu C1/SGK)

Với kiến thức của mình, các em có thể tìm ra nhiều cách để nhận biết các vật trên có chuyển động hay không. Ví dụ như ô tô khi chuyển động thì bánh xe sẽ quay, thuyền chạy thì chân vịt sẽ quay…

(2)

Tuy nhiên trong vật lí, để nhận biết một vật chuyển động hay đứng yên, người ta sẽ dựa vào vị trí của vật đó so với một vật khác được chọn làm mốc.

Ví dụ 1: khi nói một chiếc xe đang chuyển động trên đường thì vị trí của chiếc xe trên mặt đường sẽ thay đổi theo thời gian, khi đó vật mốc giúp ta xác định ô tô chuyển động chính là mặt đường.

Ví dụ 2: Khi nói một ngôi nhà đang đứng yên, nghĩa là vị trí của ngôi nhà trên mặt đất không thay đổi. Khi đó vật mốc giúp ta xác định ngôi nhà đứng yên chính là mặt đất.

Ta có thể chọn bất kì một vật nào làm vật mốc. Thường thì người ta chọn Trái Đất hoặc những vật gắn với Trái Đất làm vật mốc.

Tóm lại: Khi vị trí của một vật, so với vật mốc thay đổi theo thời gian thì vật chuyển động so với vật mốc. Chuyển động này được gọi là chuyển động cơ.

Từ đây, em hãy tìm một ví dụ về chuyển động, một ví dụ về đứng yên và chỉ rõ vật được chọn làm mốc trong các ví dụ này nhé. (Câu C2, C3/SGK)

II. Tính tương đối của chuyển động

Sau khi tìm hiểu về chuyển động cơ, em hãy thử xét xem hành khách trong hình 1.2 dưới đây là chuyển động hay đứng yên nếu chọn các vật mốc khác nhau (như toa tàu, nhà ga). (Câu C3,C4/SGK)

Dựa vào hình vẽ và trong thực tế, ta thấy được rằng, hành khách ngồi yên trên toa tàu thì vị trí của người này so với toa tàu là không thay đổi theo thời gian. Do dó, nếu lấy vật mốc là toa tàu, hành khách sẽ đứng yên.

(3)

Tuy nhiên, nếu lấy vật mốc là nhà ga thì hành khách đang rời xa nhà ga cùng với tàu, nghĩa là vị trí của hành khách so với nhà ga thay đổi theo thời gian. Do đó hành khách chuyển động so với nhà ga.

Từ đây, ta thấy được rằng, cùng một hành khách, nếu chọn vật mốc là toa tàu thì hành khách đứng yên, nếu chọn vật mốc là nhà ga thì hành khách chuyển động. Do đó ta có thể nói rằng chuyển động hay đứng yên chỉ mang tính tương đối vì tuỳ thuộc vào vật được chọn làm mốc.

Ngoài ví dụ ở hình 1.2 như trên, em hãy tìm thêm những ví dụ khác để chứng minh rằng chuyển động hay đứng yên chỉ mang tính tương đối nhé.

III. Một số chuyển động thường gặp

Đường mà vật vạch ra được gọi là quỹ đạo chuyển động. Tuỳ thuộc vào quỹ đạo mà ta phân biệt chuyển động thẳng và chuyển động cong.

Ví dụ chuyển động của ánh sáng, của tàu vũ trụ khi vừa được phóng lên, của máy bay đang bay ổn định là chuyển động thẳng. Chuyển động của con lắc lò xo, của quả cầu khi các học sinh chơi đá cầu là chuyển động cong. Chuyển động của kim đồng hồ là chuyển động tròn (chuyển động cong đặc biệt)

Em có thể tìm thêm một số ví dụ về chuyển động thẳng, chuyển động cong và chuyển động tròn (Câu C9/SGK)

C. NỘI DUNG GHI BÀI I. CHUYỂN ĐỘNG CƠ

- Sự thay đổi vị trí của một vật theo thời gian so với vật khác (vật mốc) gọi là chuyển động cơ (gọi tắt là chuyển động).

(4)

Ví dụ: một đoàn tàu rời ga thì tàu đang chuyển động so với nhà ga.

- Một vật được coi là đứng yên khi vị trí của vật đó không thay đổi theo thời gian so với vật khác.

II. TÍNH TƯƠNG ĐỐI CỦA CHUYỂN ĐỘNG

- Một vật có thể được xem là chuyển động so với vật này nhưng lại được xem là đứng yên so với vật khác. Ta nói chuyển động hay đứng yên có tính tương đối.

Ví dụ: Một người đứng quan sát ô tô trên đường, thì người này đứng yên so với cây cột điện, chuyển động so với ô tô.

III. MỘT SỐ CHUYỂN ĐỘNG THƯỜNG GẶP

- Tuỳ thuộc vào hình dạng của quỹ đạo mà ta chia ra các dạng chuyển động:

+ Chuyển động thẳng: Vd: Chuyển động thẳng của tàu vũ trụ.

+ Chuyển động cong: Vd: Chuyển động cong của con lắc D. CÂU HỎI ÔN TẬP

Câu 1: Thế nào là chuyển động cơ? Cho ví dụ.

Câu 2: Vì sao nói chuyển động chỉ mang tính tương đối? Cho ví dụ.

E. BÀI TẬP LUYỆN TẬP

Câu 1: Trong các phát biểu sau đây, phát biểu nào là đúng khi nói về chuyển động cơ?

A. Chuyển động cơ học là chuyển dời vị trí của vật.

B. Chuyển động cơ học là sự thay đổi khoảng cách từ vật đến vật mốc theo thời gian.

(5)

C. Chuyển động cơ học là sự thay đổi vị trí của vật này so với vật khác theo thời gian.

D. Chuyển động cơ học là sự dịch chuyển của vật.

Câu 2: Quan sát một đoàn tàu đang chạy vào ga, trong các câu mô tả sau đây, câu mô tả nào là SAI?

A. Đoàn tàu đang chuyển động so với nhà ga.

B. Đoàn tàu đang chuyển động so với hành khách đang ngồi trên tàu.

C. Đoàn tàu đang đứng yên so với người lái tàu.

D. Đoàn tàu đang chuyển động so với hành khách đang đứng dưới sân ga.

Câu 3: Có một ôtô đang chạy trên đường. Trong các câu mô tả sau đây, câu nào KHÔNG ĐÚNG?

A. Người lái xe đứng yên so với mặt đường.

B. Ôtô chuyển động so với mặt đường.

C. Ôtô đứng yên so với người lái xe.

D. Người lái xe chuyển động so với cây bên đường.

Câu 4: Người lái đò đang ngồi trên chiếc thuyền thả trôi theo dòng nước. Trong các câu mô tả sau đây, câu nào đúng?

A. Người lái đò chuyển động so với chiếc thuyền.

B. Người lái đò đứng yên so với bờ sông.

C. Người lái đò chuyển động so với dòng nước.

D. Người lái đò đứng yên so với dòng nước.

Câu 5: Hãy chỉ rõ vật mốc khi nói rằng: "Một ôtô trở khách đang chạy trên đường."

Câu 6:

a/ Khi nói Trái Đất quay quanh Mặt Trời, ta đã chọn vật nào làm mốc?

b/ Khi nói Mặt Trời mọc đằng Đông, lặn đằng Tây, ta đã chọn vật nào làm mốc?

Câu 7: Một đoàn tàu hỏa đang chạy trên đường ray. Người lái tàu ngồi trong buồng lái.

Người soát vé đang đi lại trên đoàn tàu. Cây cối ven đường và tàu là chuyển động hay đứng yên so với:

a/ Người soát vé.

(6)

b/ Người lái tàu.

Câu 8: Có người nói: Khi khoảng cách từ vật tới vật mốc không thay đổi thì vật đứng yên so với vật mốc . Theo em nói như thế có đúng không? Vì sao?

Tài liệu tham khảo

Tài liệu liên quan

Hiện tượng khuếch tán xảy ra nhanh hơn khi nhiệt độ tăng vì khi nhiệt độ tăng các phân tử chuyển động nhanh hơn -> các chất tự hoà lẫn vào nhau nhanh hơn... Các

Do các phân tử đồng xen vào khoảng cách của các phân tử nhôm và các phân tử nhôm xen vào khoảng cách của các phân tử đồng xảy ra hiện tượng khuếch tán. Tên của một

Một vật có thể chuyển động so với vật này nhưng lại đứng yên so với vật khác, tùy thuộc vào vật được chọn làm

- Sự thay đổi vị trí của một vật theo thời gian so với vật khác gọi là chuyển động cơ học.. -Một số ví dụ cụ thể về chuyển động

Bài tập 1 trang 82 SGK Vật Lí 10: Người ta đẩy một cái thùng có khối lượng 55 kg theo phương ngang với lực 220 N làm thùng chuyển động trên mặt phẳng ngang.. Hệ số

Bài tập 1:  Nêu một ví dụ cho thấy sự sáng tạo của cư dân Đông Nam Á khi tiếp thu văn hóa Ấn Độ. Bài tập

- Một vật được gọi là đứng yên so với vật này, nhưng lại là chuyển động so với vật khác.. Đối với vật này thì chuyển động nhanh, nhưng đối với vật

lấy 3 ví dụ về lực tác dụng lên một vật làm thay đổi tốc độ chuyển động, thay đổi hướng chuyển động hoặc làm vật bị biến dạng.. Khi quả bóng đập vào tường, lực do