• Không có kết quả nào được tìm thấy

(1)THI VẤN ĐÁP: ĐA DẠNG HÓA HÌNH THỨC KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ SINH VIÊN TS

N/A
N/A
Protected

Academic year: 2022

Chia sẻ "(1)THI VẤN ĐÁP: ĐA DẠNG HÓA HÌNH THỨC KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ SINH VIÊN TS"

Copied!
8
0
0

Loading.... (view fulltext now)

Văn bản

(1)

THI VẤN ĐÁP:

ĐA DẠNG HÓA HÌNH THỨC KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ SINH VIÊN TS. Bùi Hà Phương* Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM

Tóm tắt: Bài viết trình bày một số vấn đề cơ bản về hình thức thi vấn đáp được áp dụng trong quá trình kiểm tra, đánh giá người học. Bên cạnh đó, bài viết phân tích một số ưu điểm, hạn chế của hình thức thi vấn đáp ở bậc đại học. Từ đó, qua kết quả thảo luận nhóm, phỏng vấn sâu sinh viên sau khi thi vấn đáp và bằng kinh nghiệm thực tiễn của giảng viên sử dụng hình thức thi vấn đáp, bài viết đưa ra một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả kiểm tra, đánh giá sinh viên bằng hình thức thi vấn đáp.

Từ khoá: kiểm tra đánh giá, thi vấn đáp, chất lượng đào tạo

1. Đặt vấn đề

Trong hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo, công tác kiểm tra, đánh giá người học là hoạt động cực kỳ quan trọng và cần thiết của quá trình dạy học nhằm đo lường hiệu quả giảng dạy cũng như đánh giá năng lực của người học. Ở các trường đại học, kiểm tra đánh giá sinh viên (SV) được áp dụng trong suốt quá trình học tập của SV và quá trình giảng dạy của giảng viên (GV). Kết quả kiểm tra đánh giá người học không chỉ cho thấy được hiệu quả của hoạt động dạy và học mà còn cung cấp những gợi ý, định hướng quan trọng góp phần cải tiến phương pháp giảng dạy của người dạy và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực bao gồm cả người dạy và người học. Từ những kinh nghiệm thực tế của bản thân trong quá trình giảng dạy, kiểm tra và đánh giá SV và qua quá trình nghiên cứu tổng quan lý luận về hình thức thi vấn đáp, mục tiêu chính của bài viết là hướng đến việc nâng cao hiệu quả kiểm tra, đánh giá SV bằng hình thức thi vấn đáp qua các biện pháp cụ thể, đặc biệt đối với SV thuộc các nhóm ngành Khoa học xã hội và Nhân văn.

2. Một số vấn đề liên quan đến hình thức thi vấn đáp

Thi vấn đáp là một hình thức kiểm tra đánh giá được áp dụng trong quá trình đánh giá kết quả học tập của người học. Ở bậc giáo dục phổ thông, kiểm tra đánh giá bằng hình thức vấn đáp (thi vấn đáp) là hoạt động kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh dưới hình thức học sinh bốc thăm câu hỏi hoặc giáo viên đặt câu hỏi, sau đó học sinh trả lời trực tiếp bằng lời (Lê Văn Khuyên, 2016).

Mục tiêu của mỗi hình thức đánh giá nói chung là kiểm tra về kiến thức của người học và khả năng thể hiện một nhiệm vụ cụ thể. Thông thường, hình thức thi vấn đáp được sử dụng trong các kỳ thi đánh giá năng lực ngôn ngữ như thi nói trong các kỳ thi ngoại

* Email: buihaphuong81@hcmussh.edu.vn

(2)

ngữ hoặc trong các môn học. Đây là hình thức thi khác biệt với hình thức phỏng vấn trong các buổi tuyển dụng nhân sự.

Thi vấn đáp là một hình thức đánh giá trực tiếp kết quả học tập của SV bằng cách đặt câu hỏi cho họ. Khác với cuộc phỏng vấn thông thường có một danh sách câu hỏi được thiết kế sẵn, thi vấn đáp thường không có danh sách các câu hỏi được thiết kế sẵn, giám thị sẽ đặt câu hỏi và yêu cầu SV trả lời tuỳ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể (Chan C., 2009).

Mỗi hình thức kiểm tra, đánh giá đều có các loại hình cụ thể. Về loại hình thi vấn đáp, có 3 loại thi vấn đáp điển hình, bao gồm:

Thứ nhất, kiểm tra miệng sau khi hoàn thành luận văn, luận án ở bậc học sau đại học:

Đây là hình thức kiểm tra bằng miệng, thường được sử dụng trong một kỳ kiểm tra ở các trường đại học với câu hỏi và trả lời được thực hiện bằng miệng. Hình thức này thường được sử dụng để kiểm tra miệng ở bậc học sau đại học sau khi học viên, nghiên cứu sinh hoàn thành luận văn, luận án. Hình thức này được thực hiện nhằm đảm bảo kiểm tra về sự hiểu biết của học viên, nghiên cứu sinh về chủ đề nghiên cứu trong luận văn, luận án mà họ đã thực hiện. Giám thị để thực hiện hình thức thi này thường gồm giám thị bên trong và giám thị ngoài trường. Với hình thức này, thông thường không giới hạn thời gian thi, có thể mất khoảng một ngày để hoàn thành buổi thi này.

Thứ hai, hình thức nói/nghe trong môi trường ngôn ngữ: Gồm có bài kiểm tra nói và bài kiểm tra nghe, được thiết kế trong môi trường ngôn ngữ. Trong đó, kiểm tra miệng là bài kiểm tra trực tiếp nhằm đánh giá trình độ nói của SV ở mức độ nào; và kiểm tra nghe là bài kiểm tra thường sử dụng băng, đĩa để đánh giá trình độ nghe của SV.

Thứ ba, thi vấn đáp sau khi thực hiện đánh giá tham gia trực tiếp: Hình thức này thường được sử dụng như một phần của phiên thảo luận sau khi SV đã quan sát thực tế. Thời lượng thường là 3-5 phút. Thường thi không có cấu trúc chính thức, giám thị hay GV có thể có vài câu hỏi chung mà tất cả SV sẽ thường gặp phải trong thực tiễn.

Ngoài ra, hình thức hỏi đáp trực tiếp ở trên lớp trong quá trình tương tác giữa GV và SV không được xem là hình thức thi vấn đáp.

Ngoài ra, trong thực tế, còn có rất nhiều loại hình thức thi vấn đáp được sử dụng một cách linh hoạt và phổ biến, phụ thuộc vào kết quả học tập mong đợi mà mỗi chương trình đào tạo hướng đến.

Mỗi hình thức kiểm tra, đánh giá đều có những ưu điểm, hạn chế nhất định. Đối với hình thức thi vấn đáp tại trường đại học, có một số ưu điểm và hạn chế như sau:

Về ưu điểm, đối với hình thức thi vấn đáp được áp dụng trong các trường đại học, ưu điểm đầu tiên của hình thức này là (1) đảm bảo không xảy ra vấn đề đạo văn trong phần trả lời miệng của SV. Rõ ràng, khi tham gia buổi thi vấn đáp, SV không có thời gian để tìm kiếm thông tin từ các nguồn khác nhau và đạo văn; (2) trong khoảng thời gian có giới hạn, GV sẽ nhận được ngay lập tức những phản hồi và câu trả lời của SV sau khi được đặt câu hỏi và dành thời gian ngắn để chuẩn bị câu trả lời của SV. Ngược

(3)

lại, giám thị hay GV cũng sẽ có những phản hồi trực tiếp về kết quả của câu trả lời hoặc gợi ý hướng trả lời (nếu cần) đối với SV sau khi nhận được câu trả lời của SV.

Điều này góp phần giúp SV nhận ra được kết quả thi của mình ngay sau khi thi và có thể nhận ra được những hạn chế của phần trình bày miệng, từ đó khắc phục những hạn chế đó trong thực tiễn sau này; và (3) nâng cao kỹ năng mềm tổng hợp thông qua hình thức trả lời bằng lời nói của SV. Chẳng hạn, để trả lời được câu hỏi của giám thị, GV, hay trong băng, đĩa nêu ra, SV phải có sự chuẩn bị chắc chắn về kiến thức, kỹ năng nhận diện vấn đề, câu hỏi khi GV đặt ra. Đồng thời, SV phải biết cách thức lựa chọn câu trả lời cho phù hợp, chính xác và nhanh chóng. Điều này đòi hỏi SV phải thực sự linh hoạt và có khả năng thích ứng nhanh, suy nghĩ nhanh khi hoàn thành bài kiểm tra vấn đáp của mình. Ngoài ra, hình thức thi này có ưu điểm lớn đó là đánh giá được năng lực thực của từng SV. Chẳng hạn, đối với loại hình trả lời trực tiếp với GV, khi GV đặt câu hỏi, SV sẽ phải vận dụng sự hiểu biết của mình để trả lời những câu hỏi đó, đặc biệt đối với những câu hỏi mang tính thực tế.

Về hạn chế, hình thức thi vấn đáp trong trường đại học cũng có những hạn chế nhất định: (1) thường chiếm nhiều thời gian đối với số lượng SV đông. Tuỳ vào từng loại hình thi cụ thể, thời gian dành cho mỗi SV thường khác nhau, tuy nhiên, tổng thời gian dành cho buổi thi vấn đáp thường chiếm nhiều hơn so với hình thức thi khác như tự luận, trắc nghiệm,…; (2) kết quả đánh giá đối với hình thức thi vấn đáp mà không có danh sách câu hỏi được chuẩn bị sẵn còn mang tính chủ quan của người đánh giá. Do vậy, hình thức thi này đòi hỏi GV phải có tiêu chí đánh giá rõ ràng và khách quan khi chấm điểm. Thang điểm và tiêu chí càng chi tiết thì càng giảm thiểu được tính chủ quan của người chấm điểm bài thi vấn đáp của SV. Tương tự, khi đánh giá phần trình bày bằng miệng của học viên, nghiên cứu sinh sau khi hoàn thành luận văn, luận án, hay còn gọi là báo cáo kết quả nghiên cứu, tính chủ quan và sự bất đồng quan điểm của mỗi thành viên trong Hội đồng đánh giá khi đánh giá kết quả trình bày của học viên, nghiên cứu sinh cũng là hạn chế của hình thức thi này; (3) đối với bối cảnh ngôn ngữ, hình thức thi vấn đáp dưới dạng nghe - nói được xem là rào cản lớn đối với SV không sử dụng ngôn ngữ đó là ngôn ngữ bản xứ; và (4) thời gian đánh giá kết quả thi ngắn cũng mang đến một hạn chế về việc đánh giá kết quả không hoàn toàn chính xác và khách quan, đặc biệt, nếu giám thị hay GV không có ghi chú hay ghi âm để làm minh chứng về phần trình bày của SV. Mặc dù những hạn chế kể trên, hình thức thi vấn đáp vẫn được áp dụng một cách hiệu quả và phù hợp với các bối cảnh và mục tiêu đào tạo khác nhau.

3. Hoạt động kiểm tra, đánh giá sinh viên bằng hình thức thi vấn đáp

Hiện nay, Bộ tiêu chuẩn AUN-QA đang được áp dụng ở các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Từ năm 2006 đến nay, Bộ tiêu chuẩn AUN-QA được áp dụng bắt đầu từ cấp chương trình đào tạo với mục đích thúc đẩy công tác đảm bảo chất lượng và thúc đẩy cạnh tranh trong khu vực. Bộ tiêu chuẩn AUN-QA gồm có 11 tiêu chuẩn như chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, bản mô tả chương trình đào tạo, cấu trúc và chương trình dạy học, phương pháp tiếp cận trong dạy và học, chất lượng đội ngũ GV, đội ngũ cán bộ hỗ trợ, trang thiết bị, cơ sở vật chất, nâng cao chất

(4)

lượng, kết quả đầu ra và tiêu chuẩn về đánh giá người học. Trong đó, Tiêu chuẩn 5 tập trung vào hoạt động đánh giá người học.

Theo Bộ tiêu chuẩn AUN-QA, hoạt động kiểm tra, đánh giá bao gồm hoạt động tuyển sinh; kiểm tra, đánh giá liên tục trong suốt khoá học và bài thi cuối khoá/tốt nghiệp.

Hoạt động kiểm tra, đánh giá cần đo được mức độ đạt được kết quả học tập mong đợi của chương trình/môn học; hoạt động kiểm tra đánh giá bao gồm các mốc thời gian, các phương pháp kiểm tra đánh giá, tỉ lệ phân bổ điểm, bảng tiêu chí đánh giá, thang điểm,… cần được thông báo công khai và phổ biến đến tất cả các bên liên quan. Bên cạnh, các tiêu chuẩn áp dụng trong kiểm tra, đánh giá phải tường minh và nhất quán trong toàn bộ chương trình đào tạo; áp dụng các quy trình/biện pháp để đảm bảo hoạt động kiểm tra đánh giá có độ giá trị, độ tin cậy và sự công bằng. Như vậy, có thể thấy, dù với bất kỳ hình thức kiểm tra đánh giá cũng đòi hỏi người dạy phải thực hiện được các yêu cầu cụ thể đối với người học và các bên liên quan.

Đối với hình thức thi vấn đáp, để đảm bảo tương thích với các tiêu chuẩn của AUN- QA, các yêu cầu đối với hình thức thi này bao gồm các yêu cầu đối với SV và yêu cầu đối với GV.

Trong hoạt động đào tạo các ngành khoa học xã hội, có nhiều hình thức kiểm tra, đánh giá được áp dụng như đánh giá quá trình, đánh giá tổng kết,… Mỗi phương thức đánh giá áp dụng các hình thức kiểm tra, đánh giá cụ thể như tự luận, tiểu luận, trắc nghiệm, đồ án, thực hành, thuyết trình, vấn đáp,… với các rubric đánh giá cụ thể. Khi đó, để hình thức vấn đáp thực sự tương thích với các yêu cầu của hoạt động kiểm tra, đánh giá SV, đòi hỏi hình thức thi này phải đáp ứng được các tiêu chí cơ bản. Các tiêu chí này được xây dựng dựa trên thực tiễn áp dụng hình thức thi vấn đáp đã được triển khai tại trường đại học, cũng như tham khảo qua kết quả khảo sát, phỏng vấn người học.

Trong phạm vi bài viết này, căn cứ kết quả khảo sát ngắn bằng phương pháp phỏng vấn nhóm SV chuyên ngành Thông tin - Thư viện, Khoa Thư viện - Thông tin học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã cho thấy một số điều cần lưu ý khi áp dụng hình thức thi vấn đáp này. Nội dung phỏng vấn SV bao gồm các vấn đề liên quan đến ý kiến của SV về hình thức thi vấn đáp sau khi kết thúc môn học và có kết quả đánh giá cuối khoá, đồng thời nêu lên những thuận lợi, khó khăn và đề xuất của SV trước và sau khi thi vấn đáp. Kết quả cho thấy 7/10 SV đồng ý với hình thức thi vấn đáp, 2 SV không đồng ý với hình thức thi cuối kỳ là vấn đáp và 1 SV còn lại có câu trả lời lưỡng lự. Kết quả phỏng vấn cũng đề cập đến các thuận lợi, khó khăn mà SV trải qua khi thi vấn đáp như thời gian thi hạn chế, áp lực tâm lý, tránh được tình trạng học lệch và không đầy đủ nội dung ôn tập,… Trong đó SV có ý kiến về cải thiện hình thức thi vấn đáp, chẳng hạn, có ý kiến cho rằng,

“việc thay đổi thêm về hình thức thi thì có thể cho SV chuẩn bị bài tập nộp cho GV, giải thích trong lúc thi vấn đáp để có thể kéo điểm lên một chút”. Có ý kiến của SV khác cho rằng “GV nên cho SV trả lời luôn câu hỏi sau khi bốc câu hỏi, mà không cần phải ngồi viết ra nữa”.

(5)

Từ kết quả nghiên cứu và thực tiễn giảng dạy, kiểm tra, đánh giá SV bằng hình thức thi vấn đáp cho thấy, việc duy trì áp dụng hình thức này là hoàn toàn phù hợp và hiệu quả. Mặc dù vậy, việc cải thiện, nâng cao hiệu quả kiểm tra, đánh giá bằng hình thức thi này cũng luôn là vấn đề cần thiết được GV quan tâm và điều chỉnh bằng những biện pháp cụ thể.

4. Đề xuất biện pháp nâng cao hiệu quả kiểm tra, đánh giá sinh viên bằng hình thức thi vấn đáp

Có thể thấy, việc đánh giá kết quả học tập của SV sẽ cung cấp thông tin có giá trị cho nhà trường nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả giảng dạy và hỗ trợ người học. Một quy trình đánh giá SV hiệu quả cần phải được thiết kế để đo lường mức độ SV đạt được các kết quả học tập mong đợi; phù hợp với mục đích đánh giá: thi đầu vào/thi xếp lớp, thi giữa kỳ hay cuối kỳ; có các tiêu chí chấm điểm rõ ràng và được công bố rộng rãi (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2016: 36).

Đối với hình thức thi vấn đáp, khi đối chiếu với các yêu cầu cụ thể để xem xét đây là hình thức thi phù hợp và hiệu quả để đánh giá, kiểm tra SV theo tiêu chuẩn AUN cho thấy, hình thức thi này có tiêu chí đánh giá rõ ràng; SV có sự chuẩn bị về quá trình trước và trong buổi thi vấn đáp; những khó khăn mà SV thường gặp có thể dễ dàng khắc phục; hình thức này đánh giá và phân loại được các nhóm SV dựa trên năng lực.

Nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá SV hiệu quả, việc cải tiến phương pháp kiểm tra đánh giá SV cần được thực hiện thường xuyên và đồng bộ.

Riêng đối với môn học “Phân loại tài liệu” được áp dụng trong chương trình đào tạo cử nhân ngành Thông tin - Thư viện nói riêng, việc đề xuất các biện pháp cải tiến cũng hoàn toàn cần thiết. Dựa trên đánh giá của GV phụ trách giảng dạy môn học và kết quả phỏng vấn nhóm tập trung trong bài viết này, nhóm tác giả đề xuất một số biện pháp nhằm góp phần cải tiến chất lượng hoạt động kiểm tra đánh giá SV ngành Thông tin - Thư viện bằng hình thức thi vấn đáp.

Thứ nhất, xây dựng và làm rõ rubric đánh giá môn học. Việc xây dựng rubric đánh giá, kiểm tra bằng hình thức thi vấn đáp là cần thiết với tỷ trọng tiêu chí đánh giá như yêu cầu đối với câu hỏi chính (50%), câu hỏi phụ (20%), kỹ năng trình bày (20%), xử lý tình huống (10%). Tuỳ thuộc vào từng nội dung môn học, GV cũng có thể xây dựng rubric đánh giá riêng biệt, bao gồm các yếu tố cần thiết để đánh giá SV qua hình thức thi vấn đáp, bao gồm: nội dung (thể hiện mức độ liên quan đến chủ đề, mức độ chi tiết, độ chính xác của nội dung trình bày); kiến thức (thể hiện được vốn hiểu biết, kiến thức của SV về chủ đề); khả năng tương tác, kỹ năng trình bày (điệu bộ thích hợp, tương tác hiệu quả); thái độ của SV (sự tự tin, năng động, chủ động). Mỗi tiêu chí đánh giá, GV cần đo lường theo các mức độ cụ thể như xuất sắc, giỏi, khá, trung bình, yếu. Ngoài ra, GV cũng có thể chủ động xây dựng Phiếu chấm thi vấn đáp theo từng SV dự thi.

Trong đó, bao gồm các thông tin SV dự thi, thông tin về câu hỏi thi mà SV bốc thăm, các tiêu chí chấm điểm cụ thể theo thang rubric để chi tiết hoá về nội dung câu hỏi và đáp án. Khi đó, cả hai GV hỏi thi vấn đáp sẽ có thể chủ động cùng chấm điểm dựa trên Phiếu chấm thi do GV bộ môn cung cấp. Đồng thời, bên cạnh minh chứng là bản ghi

(6)

âm buổi thi vấn đáp, Phiếu chấm thi sẽ được xem là minh chứng đầy đủ, chi tiết, đảm bảo tính chính xác, công bằng và khách quan khi kiểm tra, đánh giá SV.

Thứ hai, kết hợp nội dung hỏi thi bao gồm lý thuyết và tăng cường nội dung bài tập, thực hành, thực tế. Tuỳ thuộc theo yêu cầu của từng môn học, GV có thể yêu cầu SV thực hiện bài tập bổ sung và sử dụng để trình bày trong buổi thi vấn đáp. Phần bài tập đó được đánh giá là một phần của kết quả thi vấn đáp. Tương tự, GV cũng có thể yêu cầu SV thực hiện một bài tập nhỏ tại buổi thi vấn đáp hoặc đặt các câu hỏi, các tình huống có tính chất liên hệ thực tiễn.

Thứ ba, cần có sự phân bổ thời gian thi hợp lý hơn. Theo quan điểm kiểm tra, đánh giá của GV, việc cho phép SV dành thời gian để viết ra câu trả lời trước khi trình bày với GV sẽ giúp SV có thời gian suy nghĩ và chuẩn bị tâm lý ổn định cho SV hoàn thành bài thi tốt hơn. Tuy nhiên, việc phân bổ thời gian thi đối với các lần thi vấn đáp để đảm bảo hiệu quả hơn đó là GV sẽ rút ngắn thời gian chuẩn bị câu trả lời so với trước đây (5 phút/ SV để chuẩn bị câu trả lời) sẽ giúp SV có vừa đủ thời gian để suy nghĩ một cách đầy đủ về câu trả lời và tránh thời gian SV chờ đợi lâu.

Thứ tư, hoàn thiện cấu trúc hệ thống câu hỏi thi vấn đáp dành cho SV. Trong thực tiễn khi đánh giá, kiểm tra SV bằng hình thức thi vấn đáp, GV cũng đã xây dựng hệ thống các câu hỏi tương thích với mục tiêu môn học (bao gồm câu hỏi lý thuyết và phần bài tập thực hành). Tuy nhiên, qua kết quả phỏng vấn cho thấy, cấu trúc hệ thống câu hỏi thi vấn đáp này cho thấy, một là, phân bổ câu hỏi lý thuyết và thực hành hợp lý và cân đối hơn, cần tăng số lượng câu hỏi để đánh giá kỹ năng thực hành của SV hơn nữa.

Hai là, xây dựng câu hỏi gợi ý cũng là cần thiết trong trường hợp SV chưa thể trả lời được câu hỏi do GV yêu cầu, GV cũng có thể tạo ra những câu hỏi mang tính chất gợi ý liên quan để khai thác và khuyến khích SV trả lời, giúp SV làm rõ câu trả lời. Ba là, câu hỏi thử thách là loại câu hỏi cần GV thực hiện khi đánh giá các mức độ hiểu của SV. Hay nói cách khác, cách đặt câu hỏi thử thách này sẽ đo lường được các cấp độ nhận thức trong thang nhận thức Bloom. Thông qua dạng câu hỏi này, GV sẽ phân loại được năng lực theo từng nhóm SV, để nhận thấy được sự khác biệt giữa các nhóm SV.

Ngoài ra, trong trường hợp giúp SV có tâm lý thoải mái và tự tin để trả lời câu hỏi, GV cần có kỹ năng lắng nghe, có thể đặt những câu hỏi mang tính chất giao tiếp, để tạo tâm lý thoải mái và tự tin cho SV khi trả lời.

Ngoài ra, GV cũng cần có những lưu ý trong quá trình giảng dạy, trước khi ra đề thi vấn đáp, trong quá trình thi và sau khi có kết quả thi. Chẳng hạn, trong quá trình dạy, GV chú trọng hơn đến khả năng diễn đạt của SV, tạo tâm lý tích cực cho SV khi vấn đáp với GV, giảm thiểu các trường hợp bị mất bình tĩnh khi ngồi trước 2 GV trong phòng thi hoặc GV cũng có thể thử nghiệm một số câu hỏi tương tự như đề thi để đảm bảo các câu hỏi vấn đáp không bị hiểu sai, đảm bảo bộ đề phù hợp với năng lực SV và mục tiêu môn học. Trong quá trình ra đề thi, GV cũng phải đảm bảo sử dụng ma trận đề thi để đảm bảo bộ đề thi sát hợp với mục tiêu/chuẩn đầu ra môn học và nội dung dạy học. Mặt khác, trong vài trường hợp cần thiết, GV cần dự đoán thời gian câu trả lời của SV bằng cách tự trả lời câu hỏi (theo đúng trình tự/quy trình thi) để chắc chắn

(7)

rằng SV có đủ thời gian chuẩn bị cho câu hỏi, đủ thời gian trình bày/vấn đáp. Đặc biệt, sau khi có kết quả thi, việc phân tích số liệu, thống kê kết quả, phổ điểm để rút kinh nghiệm cho các lớp tiếp theo (sự biến thiên của kết quả thi, độ khó câu hỏi - mức độ đồng đều của bộ đề vấn đáp, độ phân biệt của câu hỏi, tâm lý của SV khi vấn đáp,…) cũng là cần thiết để giúp GV nâng cao được hiệu quả kiểm tra, đánh giá các môn học bằng hình thức thi vấn đáp trong chương trình đào tạo.

5. Kết luận và định hướng nghiên cứu

Tóm lại, kiểm tra, đánh giá SV là một trong những yếu tố quan trọng nhất của giáo dục đại học. Kết quả đánh giá ảnh hưởng sâu sắc đến nghề nghiệp tương lai của SV. Do đó, hoạt động kiểm tra, đánh giá cần được thực hiện chuyên nghiệp và phải đưa các kiến thức cập nhật vào quá trình kiểm tra, thi cử (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2016: 36). Kiểm tra, đánh giá SV ngành Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cũng luôn được cải tiến và nâng cao hiệu quả. Quá trình vận dụng bất kỳ một hình thức kiểm tra, đánh giá nào cũng có những ưu điểm, hạn chế, thuận lợi và khó khăn nhất định, hình thức thi vấn đáp cũng không là ngoại lệ. Chính vì vậy, việc cải thiện những hạn chế, phát huy những ưu điểm sẽ giúp GV đánh giá đúng, đánh giá đầy đủ và toàn diện năng lực học tập, nghiên cứu và thực tiễn của SV.

Trong phạm vi bài viết có giới hạn, nhóm tác giả chưa có kết quả nghiên cứu đầy đủ hơn để đánh giá được sự tương thích giữa mức độ kỳ vọng về kết quả thi và cảm nhận của SV trước và sau khi trải qua kỳ thi vấn đáp trong các môn học khác. Đồng thời, nghiên cứu cũng chỉ dừng lại ở mức độ khảo sát và phỏng vấn nhóm tập trung mà chưa có sự mở rộng phạm vi và đối tượng nghiên cứu đối với SV ngành Thông tin - Thư viện để có thể có cách nhìn bao quát và đầy đủ hơn. Tuy vậy, những hạn chế này góp phần là những gợi ý định hướng cho các nghiên cứu kế tiếp sau này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bùi Hà Phương (2019). Đề cương môn học: Phân loại tài liệu. TP. Hồ Chí Minh:

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Chan, C. (2009). Assessment: Oral Assessment. Hong Kong: University of Hong Kong. Available from: http://ar.cetl.hku.hk. Accessed January 5, 2020.

Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (2016). Tài liệu hướng dẫn đánh giá cấp chương trình theo tiêu chuẩn AUN-QA: phiên bản 3.0. TP. Hồ Chí Minh: Nxb. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Lê Văn Khuyên (2016). Kiểm tra đánh giá bằng hình thức vấn đáp góp phần đổi mới kiểm tra đánh giá trong nhà trường. Truy cập ngày 03/01/2020 tại http://tcsnd5.edu. vn/index.php/nha-giao-cong-an/phuong-phap-gd-hi-n-d-

(8)

i/470-ki-m-tra-danh-gia-b-ng-hinh-th-c-v-n-dap-gop-ph-n-d-i-m-i-ki-m-tra-danh- gia-trong-nha-tru-ng.

Nguyễn Phương Duy (2019). Đề cương môn học: Thư mục học đại cương. TP. Hồ Chí Minh: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

i/470-ki-m-tra-danh-gia-b-ng-hinh-th-c-v-n-dap-gop-ph-n-d-i-m-i-ki-m-tra-danh-gia-trong-nha-tru-ng.

Tài liệu tham khảo

Tài liệu liên quan

Hát kể sử thi là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian đã có từ lâu đời của cộng đồng người Ê đê, được tồn tại bằng hình thức truyền miệng từ đời này qua đời

trưng cho cộng đồng.Ba nhân vật Đăm-săn, Ra-ma, Uy-lít-xơ, họ là những nhân vật anh hùng của sử thi Việt Nam, Ấn Độ và Hi Lạp, đều là người đại diện cho cộng đồng,

Trong Đăm Săn và Ramayana (hai sử thi đều của các nền văn học, văn hoá phương Đông), việc đoàn tụ gia đình được thể hiện và đề cao ở khía cạnh cộng đồng, danh dự,

Căn cứ vào các tác phẩm văn học trung đại trong kho tàng văn học Việt Nam, ta có thể dễ dàng bắt gặp những tác phẩm được làm theo thể thơ Đường luật của một số

Đề bài: Em hãy trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu về vấn đề đặc điểm hình thức thơ Đường luật qua một số bài thơ trung đại đã học.. Bài

Nguyễn

Kết quả nghiên cứu cho thấy, bốn nội dung chính về mức độ sử dụng nguồn tài liệu điện tử để làm luận văn tốt nghiệp của sinh viên ngành Thông tin học trường

CLVT và DSA có sự phù hợp thấp trong khảo sát mạch tăng sinh và mạch tân sinh nhưng có độ nhạy và độ đặc hiệu cao trong khảo sát thông động tĩnh mạch, nguồn mạch nuôi