• Không có kết quả nào được tìm thấy

TÌM HIỂU ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP CỦA HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ TỈNH SƠN LA

N/A
N/A
Protected

Academic year: 2022

Chia sẻ "TÌM HIỂU ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP CỦA HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ TỈNH SƠN LA "

Copied!
11
0
0

Loading.... (view fulltext now)

Văn bản

(1)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn

TÌM HIỂU ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP CỦA HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ TỈNH SƠN LA

NGUYỄN THỊ THU HƯỜNG, NGUYỄN ĐỨC CHIỆN*

Tóm tắt: Bài viết tìm hiểu thực trạng định hướng nghề nghiệp cho học sinh nhà trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Sơn La. Kết quả cho thấy công tác hướng nghiệp của nhà trường và gia đình cho học sinh còn nhiều bất cập, hiệu quả không cao. Định hướng nghề của các em vẫn chủ yếu theo xu hướng phổ biến vào đại học với hy vọng ra trường làm việc ở các cơ quan trong khu vực nhà nước để thoát khỏi cảnh làm nông lâm nghiệp, thoát nghèo và thay đổi vị thế xã hội của bản thân, gia đình. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy sự chuyển hướng mới trong nhận thức của một bộ phận học sinh là chọn học nghề thay vì cố vào đại học, chi phí học tập tốn kém nhưng khó tìm việc phù hợp.

Từ khóa: định hướng nghề nghiệp, học sinh trung học phổ thông dân tộc nội trú.

Ngày nhận bài: 27/6/2017; Ngày gửi phản biện: 12/9/2017; Ngày duyệt đăng: 16/12/2017

1. Đặt vấn đề

Định hướng nghề nghiệp là vấn đề quan trọng đối với mỗi cá nhân, nhất là nhóm học sinh (HS) chuẩn bị kết thúc chương trình học phổ thông. Bởi lý do ở tuổi này các em bắt đầu nhận thức và suy nghĩ về ngành nghề sẽ theo học, mong muốn về công việc, nơi làm việc và môi trường làm việc trong tương lai. Trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm giáo dục hướng nghiệp cho HS, coi giáo dục hướng nghiệp là một bộ phận của nội dung giáo dục phổ thông toàn diện. Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4/11/2013 của Đảng, Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 của Chính phủ, Nghị quyết số 88/QH13 của Quốc hội, Chương trình hành động của Bộ Giáo dục và đào tạo thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên cơ sở đó cùng với yêu cầu đổi mới của đất nước, ngành giáo dục nước ta đã ban hành nhiều văn bản nêu rõ mục đích, nhiệm vụ, nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực phối hợp với cộng đồng và gia đình trong việc định hướng nghề nghiệp cho HS chọn ngành nghề tương

* Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

(2)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn

lai. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học phổ thông vẫn còn nhiều bất cập, tình trạng học sinh lúng túng không định rõ được ngành nghề sẽ học, đổ xô vào một số nhóm ngành nghề hay nói cách khác là đua nhau thi vào một số nhóm ngành “hot” của xã hội, hiện tượng HS chọn nhầm trường, nhầm nghề vẫn diễn ra phổ biến, điều đáng quan tâm là vấn để này dẫn đến hệ quả mất cân đối giữa các ngành nghề đào tạo, gây ra một sự lãng phí rất lớn cho gia đình và xã hội (Minh Hiếu, 2013). Đây là thách thức lớn đối với nhóm HS trung học phổ thông, thanh niên ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa - nơi điều kiện kinh tế rất nghèo, đặc biệt là hoạt động hướng nghiệp cho học sinh còn gặp nhiều khó khăn.

2. Câu hỏi nghiên cứu, nguồn số liệu và giới hạn nghiên cứu

Câu hỏi nghiên cứu đặt ra là nhóm học sinh (HS) trung học phổ thông ở trường Phổ thông Dân tộc Nội trú (PTDTNT) tỉnh Sơn La có định hướng nghề nghiệp như thế nào? Các nhóm cha mẹ, thầy cô giáo và cán bộ trong ngành giáo dục có quan điểm thế nào về định hướng nghề nghiệp cho HS trung học phổ thông dân tộc nội trú trong bối cảnh hiện nay?

Bài viết dựa vào tài liệu thứ cấp và kết quả khảo sát định tính đề tài “Định hướng nghề nghiệp của HS trung học phổ thông tại trường phổ thông dân tộc nội trú (Nghiên cứu trường hợp tỉnh Sơn La)” thực hiện vào tháng 3 năm 2017. Mẫu phỏng vấn sâu 27 trường hợp, trong đó có 15 HS lớp 12, 01 đại diện Ban giám hiệu, 03 giáo viên chủ nhiệm lớp 12, 01 giáo viên thư ký Hội đồng giáo dục trường PTDTNT tỉnh Sơn La, 01 cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La. 06 trường hợp phỏng vấn sau khi biết kết quả tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, gồm: 03 HS và 03 cha mẹ HS.

Bài viết tập trung phân tích, so sánh quan điểm của nhóm HS, cha mẹ, thầy cô giáo và cán bộ ngành giáo dục về định hướng nghề nghiệp, nhằm làm rõ khác biệt về quan điểm định hướng nghề nghiệp, lựa chọn ngành nghề cho HS trường PTDTNT tỉnh Sơn La trong bối cảnh hiện nay.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Vài nét về địa bàn nghiên cứu và hoàn cảnh gia đình học sinh

Sơn La là tỉnh miền núi cao ở phía Tây Bắc Việt Nam, cách Hà Nội 320 km. Theo điều tra dân số ngày 01 tháng 4 năm 2015, Sơn La có 1.195.107 người, với 12 dân tộc đang cư trú:

đông nhất là dân tộc Thái (54%), rồi đến dân tộc Kinh (18%), dân tộc Mông (12%), dân tộc Mường (8,4%), còn lại là các dân tộc khác như: Dao, Xinh Mun, Khơ mú, Lào, La Ha, Kháng (Sơn La Online, 2016). Theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ các huyện nghèo, cả nước có 62 huyện thuộc 20 tỉnh có số hộ nghèo trên 50% thì Sơn La có tới 5 huyện nghèo.

Trường PTDTNT là loại hình trường chuyên biệt mang tính chất phổ thông, dân tộc và nội trú, được Nhà nước thành lập cho con em dân tộc thiểu số định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn nhằm góp phần tạo nguồn đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng này. Nhà trường có nhiệm vụ: Giáo dục lao động, hướng nghiệp và dạy nghề truyền thống phù hợp với năng lực của HS và yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; theo dõi, thống kê số lượng HS đã tốt nghiệp hàng

(3)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn

năm của nhà trường tiếp tục học ở cấp học, trình độ cao hơn hoặc trở về địa phương tham gia công tác, lao động sản xuất nhằm đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2016).

Trường PTDTNT tỉnh Sơn La tiền thân là trường Thiếu nhi dân tộc tỉnh Sơn La được thành lập năm 1964. HS nhà trường được hưởng nhiều chế độ trợ cấp của Nhà nước như học bổng, tiền sinh hoạt, sách vở, đồ dùng học tập, phụ đạo… nên tỷ lệ HS đăng ký tuyển sinh vào trường hàng năm rất đông, năm học 2015 - 2016 có 690 HS tham gia dự tuyển vào trường, trúng tuyển 210 em chia đều vào 7 lớp 10; năm học 2016 - 2017 có 210 HS trúng tuyển/tổng số 673 HS dự thi vào trường (Báo cáo của Ban Giám hiệu trường PTDTNT tỉnh Sơn La).

Gia đình HS trong trường đều sống ở vùng điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, trình độ học vấn và dân trí thấp, nhiều cha mẹ không biết chữ hoặc chỉ học bậc tiểu học, đa số cha mẹ các em đều làm nông nghiệp, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Tính đến tháng 3 năm 2017, toàn trường có tổng số 615 HS, trong đó có 365 HS nữ chiếm 59,3%, gồm 9 dân tộc, đông nhất là dân tộc Thái chiếm 47%, dân tộc Mông chiếm 31,5%, còn lại là các dân tộc khác, cụ thể số lượng HS từng dân tộc như sau: Thái: 289, Mông: 194, Mường: 67, Dao: 35, Sinh mun: 12, Kháng: 7, Kmú: 5, Laha: 5, Lào: 1. Kết quả xếp loại

học lực của HS nhà trường trong 3 năm học gần đây thể hiện trong Bảng 1.

Bảng 1. Xếp loại học lực HS toàn trường từ năm học 2014 đến nay

Học lực (%) N

Năm học

Giỏi Khá Trung

bình Yếu Tổng

2014 - 2015 3,1 54,9 41,3 0,70 100,0 575

2015 - 2016 9,4 70,7 19,7 0,2 100,0 630

2016 - 2017 11,9 79,8 8,4 0,0 100,0 615

Nguồn: Trường PTDTNT tỉnh Sơn La (2015, 2016,2017) .

Các thông tin trên cho thấy một số nét đặc trưng về địa bàn nghiên cứu: điều kiện địa lý, tự nhiên, kinh tế, xã hội của tỉnh Sơn La; tình hình học tập của các nhóm HS, đặc biệt là hoàn cảnh gia đình của HS trường PTDTNT tỉnh Sơn La. Gia đình HS cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, trình độ học vấn của cha mẹ thấp và hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn được xem như là nhân tố chi phối đến mong muốn và định hướng nghề nghiệp của HS ở các địa phương nơi đây. Sau đây chúng tôi sẽ tìm hiểu quan điểm của các em và cha mẹ về định hướng nghề nghiệp.

3.2. Ý kiến, quan điểm của học sinh và cha mẹ các em về định hướng nghề nghiệp Đánh giá của học sinh về hoạt động hướng nghiệp của nhà trường

Như đã nêu, hoạt động hướng nghiệp là nội dung quan trọng được các cấp ngành, đặc biệt là ngành giáo dục rất quan tâm trong những năm gần đây nhằm giúp HS chuẩn bị hành trang và có những định hướng đúng đắn, phù hợp về ngành nghề

(4)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn

tương lai. Câu hỏi đặt ra là nhóm HS trường PTDTNT tỉnh Sơn La đang có ý kiến đánh giá như thế nào về hoạt động định hướng nghề của nhà trường và mong muốn ngành nghề học trong tương lai? Các dẫn chứng và phân tích dưới đây sẽ trả lời cho câu hỏi này.

Hộp 1. Ý kiến của HS về hoạt động định hướng nghề của nhà trường

- “Nhà trường tổ chức định hướng nghề cho HS mỗi tháng 1 lần. Tại các buổi đó, thầy cô phổ biến việc chọn nghề nghiệp, nêu các nghề đấy có ưu điểm gì, tình hình việc làm hiện nay xem học ra thì có xin được việc không” (HS lớp 12, nữ).

- “Qua những buổi định hướng nghề nghiệp thì cũng thu được nhiều thông tin bổ ích, mình xem xét lại xem là mình hợp với nghề nào mình có thể chọn bởi vì trước đấy bọn cháu chỉ ước mơ thôi, qua những buổi nói chuyện như thế thì giúp mình định hướng lại” (HS lớp 12, nam).

- “Nhìn chung các buổi định hướng nghề cung cấp thông tin hữu ích cho HS. Cụ thể, đầu tiên thầy cô nói về phương thức tuyển sinh của Bộ Giáo dục, bọn em cũng có đọc một số cái nhưng nhận thức của bọn em không hiểu hết, khi thầy cô nói thì bọn em hiểu rõ hơn về quy định thi cử của Bộ” (HS lớp 12, nam).

- “Vì các buổi định hướng nghề thường tổ chức tập trung, có thầy cô nói không truyền cảm hoặc nói chung chung, không cụ thể hóa ngành nghề thì các bạn cũng không chú ý nghe. Ví dụ các thầy cô chỉ nói chung chung mình có năng khiếu này, đam mê cái kia thì nên chọn ngành nghề này để phù hợp với cái đam mê, điều kiện của bản thân” (HS lớp 12, nam).

- “Các buổi định hướng chưa hiệu quả, giáo viên chỉ hướng dẫn làm hồ sơ, ôn tập, chưa nói rõ về các trường, ngành học dễ xin việc, nên HS hoang mang chưa biết chọn ngành chọn nghề nào” (HS lớp 12, nữ).

Đánh giá hiệu quả hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường, HS khẳng định qua các buổi định hướng này, các em thu nhận được nhiều thông tin bổ ích, giúp họ lựa chọn ngành nghề phù hợp. Tuy nhiên, có những em cho biết hoạt động hướng nghiệp còn chung chung, chưa có được những thông tin đối với từng trường, từng ngành, nghề, từng lĩnh vực cụ thể. Khi hỏi các em có nhận được sự tư vấn từ giáo viên không? Câu trả lời rất khác nhau, có em cho rằng việc tham khảo ý kiến của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn giúp các em có những định hướng đúng đắn, phù hợp hơn với bản thân, có em chỉ hỏi sau khi đã có quyết định chọn trường, thầy cô chỉ nói rõ hơn về nghề chứ không tư vấn xem khả năng có phù hợp với nghề đó không, có khả năng thi vào trường đó hay không. Chỉ có chủ đề hướng dẫn HS làm hồ sơ tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng được nhà trường thực hiện khá tốt.

Mong muốn của học sinh về ngành, trường học và công việc tương lai

Các dẫn chứng và phân tích trên cho thấy đánh giá của HS trường PTDTNT tỉnh Sơn La về hoạt động hướng nghiệp của nhà trường. Bảng 2 dưới đây cho thấy nhóm HS có mong muốn lựa chọn khối thi, ngành và trường học khi hoàn thành chương trình phổ thông trung học.

(5)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn Bảng 2. Mong muốn về khối thi và trường học của HS trong mẫu khảo sát

TT Trường Số lượng Khối thi Giới tính

A B C Nam Nữ

1. Nhóm trường Quân đội, Công an 5 0 0 5 5 0

2. Nhóm trường Y, Dược 3 0 3 0 0 3

3. Nhóm trường kinh tế, kỹ thuật 2 2 0 0 1 1

4. Nhóm trường KHXH và báo chí 1 0 0 1 0 1

5. Nhóm trường tư pháp 3 0 0 3 1 2

6. Trường sư phạm 0 0 0 0 0 0

7. Học nghề 1 0 0 0 1 0

Tổng số 15 2 3 9 8 7

Nguồn: Số liệu khảo sát của đề tài tháng 3 năm 2017

Trong số 15 HS lớp 12 năm học 2016-2017 được khảo sát (Bảng 2), có 14 em có nguyện vọng đăng ký thi vào các trường đại học, kể cả 2 HS có học lực trung bình, chỉ có 1 em muốn học nghề vì gia đình quá nghèo không đủ điều kiện để theo học đại học, dù các em biết thực tế ở địa phương có nhiều người học xong đại học, cao đẳng nhưng không xin được việc lại quay về địa phương làm nông nghiệp hoặc đi làm công nhân nhưng các em vẫn lựa chọn thi đại học, chỉ nghĩ đến học nghề nếu thi đại học năm thứ hai vẫn không đỗ. Minh chứng điều này, một nam HS của trường có nguyện vọng xét tuyển vào trường Đại học Luật cho biết “Nếu thi năm thứ nhất không đỗ thì em sẽ đi làm thêm để năm sau thi tiếp, em không muốn đi học nghề vì muốn được đi làm nhà nước”, cho dù chính bản thân em cũng nhận thức được học xong ra trường rất khó xin việc và xác định nếu không xin được việc sẽ xin đi làm công nhân cùng anh trai ở Hải Dương.

Có thể nói, xu hướng mong muốn về ngành nghề của HS trường PTDTNT tỉnh Sơn La cũng không nằm ngoài xu thế chung của HS phổ thông trên toàn quốc là theo tâm lý đám đông và trào lưu xã hội, các em đều lựa chọn vào các trường đại học sau khi tốt nghiệp THPT, rất ít HS theo học các trường đào tạo nghề. Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Thái Duy Tuyên (1994), Nguyễn Thị Mai Lan (2010), Đặng Nguyên Anh (2013) cho rằng định hướng giá trị ngành nghề của HS trung học phổ thông, thanh niên mang tính tự phát, thanh niên và xã hội nói chung còn thiên về lựa chọn con đường vào đại học nhiều hơn vào học các trường nghề. Công tác hướng nghiệp cho HS và thanh niên dường như thất bại trước tâm lý “vào đại học” của các gia đình và các bậc phụ huynh. Thống kê của nhà trường về tỷ lệ HS đỗ đại học, cao đẳng năm học 2014-2015 là 120/151 HS (đạt 79,4%); năm học 2015-2016 là 180/209 HS (đạt 86,1%), trong đó 7,2% đỗ trường công an, quân đội, 10% sư phạm, còn lại là các ngành khác.

Bảng 2 cũng cho thấy các em có xu hướng chủ yếu đăng ký thi khối C theo đúng lực học. Đáng chú ý có sự khác biệt về giới và hoàn cảnh gia đình trong việc chọn trường.

Trong mẫu khảo sát có khoảng một phần ba học sinh lựa chọn nhóm trường an ninh, quân đội, các em lý giải nhóm trường này ít chỉ tiêu cho nữ nên điểm đầu vào của nữ thường cao hơn nam 2 đến 3 điểm, HS có hoàn cảnh gia đình khó khăn, lực học khá cũng lựa

(6)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn

chọn trường này vì trong quá trình học được hỗ trợ về ăn, ở, mặc, trang thiết bị đồ dùng phục vụ cho học tập, phụ cấp hàng tháng, không phải đóng học phí, và một lý do rất quan trọng là khi ra trường được bố trí công việc, gia đình không phải lo đầu ra. Ngành y được các em nữ lựa chọn nhiều. Điều này cũng đúng với kết quả phỏng vấn sâu khi được hỏi xu hướng chọn nghề của các bạn nam và nữ, thì giáo viên và các em cho biết nhiều bạn nam chọn các trường công an, quân đội, các bạn nữ chọn trường y, sư phạm. Qua định hướng của giáo viên và thực tế ở địa phương các em đã nhận thấy thực trạng thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp trường sư phạm nên trong số 15 em được hỏi không có HS nào đăng ký vào sư phạm, điều này cũng đúng với nhận định của giáo viên rằng năm nay HS có nguyện vọng vào sư phạm giảm nhiều.

Định hướng của cha mẹ về nghề nghiệp cho con cái

Các phân tích vừa cho thấy đánh giá của HS về hoạt động hướng nghiệp của nhà trường, mong muốn của các em về trường học và ngành nghề tương lai. Câu hỏi tiếp tục đặt ra là nhóm cha mẹ có định hướng như thế nào về trường học và ngành nghề của các em. Thông tin phỏng vấn sâu của HS và cha mẹ HS được trích dẫn dưới đây sẽ cho thấy vấn đề này.

Hộp 2. Ý kiến của HS và cha mẹ các em về trường học và ngành nghề

- “Em tìm hiểu thông tin về các trường trên mạng xã hội, có tham khảo thêm ý kiến của các anh chị khóa trên. Những gia đình khá giả thì bố mẹ định hướng nghề nghiệp cho, còn chúng em học trường này gia đình khó khăn thì tự tìm hiểu, tự thi”(HS lớp 12, nữ, điều kiện gia đình khá giả).

- “Sở thích của con là học Học viện Cảnh sát, còn gia đình thì trường nào con thích thì theo con thôi, gia đình nghĩ đỗ Học viện Hành chính là tốt rồi nhưng con muốn học dự bị 1 năm để ôn thi lại. Con nói Học viện Hành chính không thích mấy, gia đình mình khó khăn học ra khó xin việc, còn Học viện Cảnh sát có sẵn chỉ tiêu không phải lo xin việc” (Phụ huynh có con tốt nghiệp THPT 2016-2017, hoàn cảnh kinh tế khó khăn).

- “ Bố mẹ chỉ biết nhắc con cố gắng học để vào đại học, nên chọn trường, ngành nghề con yêu thích và quyết định đến tương lai của con thì con theo học cho tốt chứ không bắt buộc theo ngành nào" (Phụ huynh có con tốt nghiệp THPT 2016-2017, hoàn cảnh kinh tế khó khăn).

- “Con đăng ký thi vào khoa quản lý nhà hàng trường ĐH Kinh tế quốc dân hay sao ý không nhớ lắm, nhưng con không đỗ, chỉ đỗ vào trường Thanh thiếu niên. Gia đình cũng bảo đi học Thanh thiếu niên nhưng con không muốn đi, con nói đi làm công nhân thôi .... Gia đình không hướng cho con thi trường nào cụ thể vì cũng không hiểu nhiều, chỉ bảo học trường nào sau này ra trường dễ kiếm việc làm vì kinh tế gia đình khó khăn có thể nuôi con học được nhưng không có tiền thì không xin việc được. Vợ cũng học sư phạm ra nhưng thất nghiệp. Hiện con đang theo bạn đi làm công nhân ở Bắc Ninh" (Phụ huynh có con tốt nghiệp THPT 2016-2017, hoàn cảnh kinh tế trung bình).

Như phân tích ở trên, yếu tố ra trường xin được việc làm là cơ sở quan trọng để các em chọn trường. HS của trường PTDTNT tỉnh Sơn La đều có cùng hoàn cảnh kinh tế gia đình không khá giả khiến các em đặc biệt quan tâm đến yếu tố đầu ra. Bố mẹ cũng chủ yếu làm nghề nông không có nhiều kiến thức để định hướng nghề nghiệp cho con, các em thường chỉ hỏi ý kiến bố mẹ khi đã có lựa chọn ngành học và mong

(7)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn

muốn sự ủng hộ của gia đình trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, tuy nhiên nhiều em vẫn đăng ký thêm nguyện vọng xét tuyển vào các trường theo ý thích của bố mẹ, anh chị. Minh họa cho xu hướng này chúng tôi dẫn ra ý kiến của một HS nam đăng ký nguyện vọng 1 là Học viện An ninh và nguyện vọng 2 là Đại học Y Thái Nguyên cho biết, em muốn học An ninh vì từ bé xem phim cảnh sát hình sự em đã thích làm cảnh sát và khi ra trường không phải lo xin việc. Trước khi quyết định em có hỏi thêm ý kiến bố mẹ, thầy cô, tìm hiểu thông tin trên internet. Tuy nhiên kết quả thi được 24 điểm, trong khi điểm chuẩn của Học viện An Ninh là 27,75. Ngay sau khi biết không đỗ Học viện An ninh em đã nộp hồ sơ gốc vào trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương để ôn sang năm thi lại. Em cho biết “Em thích học An ninh nên sau khi biết không đỗ em nộp hồ sơ gốc vào trường Dự bị Dân tộc luôn”. Bố của HS nam này cho biết, trước khi làm hồ sơ tuyển sinh gia đình cũng khuyên em thi vào an ninh theo đúng nguyện vọng của em và cũng đồng ý cho em sang năm thi lại “Gia đình chỉ biết cháu thi không đủ điểm vào an ninh và muốn học dự bị 1 năm để sang năm thi lại, gia đình cũng đồng ý theo cháu thôi”. Kết quả này tương đồng với kết quả nghiên cứu của Bùi Thị Thanh Hà (2009, 2013) cho rằng tính tự quyết trong lựa chọn ngành nghề của HS tăng mạnh và chiếm ưu thế, HS và cha mẹ chia sẻ định hướng, cha mẹ tôn trọng, con cái tự tin và có trách nhiệm với chính bản thân và gia đình thông qua việc định hướng và lựa chọn nghề, chọn trường.

Nghiên cứu này cũng phát hiện thêm rằng không chỉ HS mà cha mẹ các em cũng thiếu kiến thức, thông tin về ngành nghề nên không thể định hướng nghề nghiệp cho con cái phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh gia đình, xu hướng chung đều mong muốn các con được đi học đại học với hy vọng có tấm bằng đại học, thay đổi vị thế gia đình, thoát khỏi cảnh làm nông vất vả, đời sống khó khăn. Kết quả này cũng ủng hộ cho luận điểm nghiên cứu của Tôn Thiện Chiếu (2007) đối với HS nông thôn. Bằng chứng khảo sát này cũng cho thấy không có khác biệt giữa các cha mẹ trong định hướng nghề cho con vì hầu hết cha mẹ các em đều làm ruộng, có trình độ học vấn thấp, mức sống trung bình hoặc nghèo.

3.3. Quan điểm của giáo viên về định hướng nghề nghiệp cho học sinh

Ngoài ảnh hưởng từ gia đình, việc định hướng nghề nghiệp của HS còn chịu tác động bởi nhà trường, thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm giúp HS tự tin hơn trong quá trình lựa chọn nghề. Một số nghiên cứu trước (Tôn Thiện Chiếu, 2007) chỉ ra rằng, nhà trường là yếu tố quan trọng thứ 2 sau gia đình có tác động đến việc định hướng nghề nghiệp cho thanh niên. Cũng có nghiên cứu kết luận rằng, thầy cô giáo và nhà trường là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc định hướng nghề nghiệp của các bạn trẻ (Dẫn theo Nguyễn Đức Vinh, 2014).

(8)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn

Phỏng vấn sâu Ban giám hiệu và giáo viên khẳng định, việc định hướng nghề cho HS là cần thiết, giúp HS biết được khả năng, thiên hướng của bản thân để có dự định về nghề nghiệp tương lai, từ đó sẽ tập trung vào các môn học sẽ thi đại học, cao đẳng hay theo đuổi học nghề phù hợp với bản thân.

Các hình thức định hướng nghề nghiệp trong trường được thực hiện thông qua các hoạt động sau: Các giờ học môn hoạt động giáo dục hướng nghiệp; dạy nghề phổ thông;

giờ sinh hoạt lớp; kết hợp với các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh, đơn vị tư vấn du học và xuất khẩu lao động tổ chức các buổi ngoại khóa hướng nghiệp cho HS.

Trong đó, hoạt động giáo dục hướng nghiệp được nhóm giáo viên thực hiện theo chương trình và tài liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dạy tập trung theo khối bố trí thành 1 buổi riêng, mỗi buổi gồm 1 tiết hoạt động giáo dục hướng nghiệp kết hợp với 2 tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp, mỗi tháng 1 chủ đề do Hiệu trưởng phụ trách, cùng tham gia giảng dạy có Bí thư Đoàn Thanh niên, 1 giáo viên dạy bộ môn không đủ tiết dạy theo tiêu chuẩn.

Trong các chủ đề giáo dục hướng nghiệp, một số chủ đề như: Giao lưu với những tấm gương điển hình về sản xuất kinh tế giỏi (lớp 11) không được thực hiện, còn các chủ đề tìm hiểu thực tế một cơ sở sản xuất công nghiệp hoặc nông nghiệp (lớp 10) do nhà trường kết hợp với tiết học tham quan tìm hiểu về địa phương của các môn văn học, lịch sử, địa lý nên nội dung hướng nghiệp chưa được chú trọng tại các buổi tham quan này. Các buổi tư vấn nghề của các trường đại học, cao đẳng cho HS khối 11, 12 chủ yếu là giới thiệu về nhà trường với mục đích chiêu sinh người học.

Bên cạnh đó, hoạt động hướng nghiệp còn được thực hiện thông qua chương trình giáo dục nghề phổ thông do Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp dạy tại trường cho HS lớp 11 với 105 tiết (3 tiết/tuần). Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành tài liệu dạy học 11 nghề phổ thông: làm vườn, nuôi cá, trồng rừng, gò, điện dân dụng, điện tử dân dụng, sửa chữa xe máy, cắt may, nấu ăn, thêu tay, tin học văn phòng. Tuy nhiên do điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn nên HS các trường THPT trên địa bàn tỉnh Sơn La kể cả trường PTDTNT tỉnh chỉ được học một trong các nghề: tin học văn phòng, điện dân dụng, thêu tay và nhiếp ảnh.

Tuy hiệu quả hoạt động GDHN trong nhà trường còn hạn chế, nhưng theo nhận định của giáo viên nhà trường, công tác hướng nghiệp trong trường PTDTNT tỉnh được thực hiện nghiêm túc hơn so với các trường không nội trú vì nhà trường xác định đối với HS nội trú thì nguồn thông tin từ nhà trường là một kênh thông tin quan trọng giúp các em chọn nghề, chọn trường phù hợp với năng lực bản thân và hoàn cảnh gia đình.

(9)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn Hộp 3. Quan điểm, ý kiến của giáo viên về công tác định hướng nghề cho HS

- “Định hướng nghề cho HS là việc làm cần thiết và quan trọng. Em là giáo viên chủ nhiệm lớp 12 nhiều năm, em biết thị trường lao động Việt Nam mình thực tế đang thừa thầy thiếu thợ.

Lĩnh vực thừa thầy như sư phạm, hay rất nhiều lĩnh vực khác; trong khi đó thị trường đang rất thiếu công nhân kỹ thuật, nên bản thân em động viên HS không chỉ vào đại học mới là con đường lập nghiệp mà mình nên dựa trên năng lực của mình, mình yêu thích nghề nào, khả năng của mình là gì thì mình gắn bó, hướng theo ngành nghề đấy chứ không nên chạy theo xu thế, hay theo cảm tính. Học đại học ra bây giờ thất nghiệp rất nhiều như Đại học Tây Bắc chẳng hạn” (Giáo viên, nữ, 42 tuổi).

- “Thứ nhất chúng em định hướng dựa vào hoàn cảnh của từng HS, thứ hai dựa vào nhu cầu xã hội. Ví dụ có em rất muốn học Đại học Sư phạm dạy THPT, thì chúng em cũng định hướng học giáo viên mầm non hay tiểu học ra trường xin việc dễ hơn và thời gian học cũng ngắn hơn đỡ tốn kém về kinh tế” (Giáo viên, nữ, 37 tuổi).

- “Năm ngoái lớp 12 em chủ nhiệm có 1 HS học nghề điện tâm sự với cô giáo là gia đình em không có điều kiện xin việc nên sau khi học xong em sẽ học thêm nghề điện để làm tại bản em.

Nghĩa là HS có vận dụng kiến thức trong trường rồi đi học nâng cao để sau này theo nghề đó (Giáo viên, nữ, 42 tuổi).

- “Dạy nghề phổ thông có tác dụng giới thiệu một số nghề cơ bản cho HS, rồi được cộng điểm thi tốt nghiệp THPT, ít ra HS cũng được học một số kỹ năng cơ bản như học tin học văn phòng thì sẽ đánh được văn bản, học điện dân dụng thì có thể sửa được đường điện hỏng hóc đơn giản trong nhà, học thêu xong nhiều em thêu những bức tranh rất đẹp tặng nhà trường, người thân, bạn bè. Nhưng hiệu quả không nhiều, trung tâm thì thiếu cơ sở vật chất cho HS thực hành, nhiều năm không có đổi mới gì. Nếu thiết thực hơn đối với HS trường này thì phải dạy trồng rau sạch, chăn nuôi sạch, giâm chiết cành, v,v..." (Giáo viên, nữ, 55 tuổi).

- “Định hướng nghề nghiệp hiệu quả không cao vì những người dạy đều là giáo viên kiêm nhiệm dạy không đủ tiết hoặc dạy yếu không có năng lực, không đầu tư, không có thông tin, không được tập huấn đào tạo bài bản thế nên hướng nghiệp còn chung chung, chưa phù hợp với thực tiễn.... bố mẹ cũng không biết để định hướng cho con, chính vì thế HS mới lao vào thi đại học” (Giáo viên, nữ, 55 tuổi).

Kết quả phỏng vấn cho thấy các thầy cô giáo rất tích cực tham gia hoạt động hướng nghiệp cho HS, là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc định hướng nghề nghiệp của các em. Tuy nhiên, còn tồn tại nhiều vấn đề có liên quan đến hiệu quả trong hướng nghiệp của nhà trường hiện nay. Hiệu quả dạy nghề phổ thông thấp, chủ yếu chỉ có tác dụng giúp các em làm quen với một số nghề phổ thông đơn giản để phục vụ cuộc sống hàng ngày như thêu, sửa chữa điện trong gia đình, biết đánh văn bản và được cộng điểm thi tốt nghiệp. Công tác giáo dục hướng nghiệp chưa hiệu quả, thông tin về nhu cầu việc làm đối với từng ngành nghề mà giáo viên có được rất mơ hồ, chung chung, vì hàng năm địa phương, ngành Giáo dục và các ngành liên quan chưa thống kê được tỷ lệ HS, sinh viên ra trường có việc làm. Cơ sở để giáo viên đưa

(10)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn

ra định hướng chọn nghề cho HS là dựa vào lực học, hoàn cảnh gia đình của HS và tìm hiểu thông tin trên truyền hình hoặc qua internet về nhu cầu của xã hội.

4. Nhận xét và kết luận

Định hướng nghề cho HS trường PTDTNT tỉnh Sơn La được các cấp thuộc ngành giáo dục và cha mẹ quan tâm thực hiện trong thời gian qua. Nhà trường và thầy cô giáo đã có nhiều nỗ lực trong việc định hướng ngành nghề cho HS với mong đợi các em tìm được ngành học phù hợp và tìm được công việc tốt trong tương lai

Tuy nhiên, hoạt động này còn nhiều bất cập, thiếu chuyên gia hay giáo viên chuyên biệt phụ trách công tác hướng nghiệp; giáo viên bộ môn được phân công kiêm nhiệm hoạt động hướng nghiệp không được bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác này, không có đủ thông tin về thị trường lao động cũng như định hướng phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và cả nước; chưa có phương pháp phù hợp để hướng nghiệp cho HS, nội dung hướng nghiệp còn chung chung; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác này; Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp với chức năng tổ chức hoạt động hướng nghiệp và dạy nghề cho HS phổ thông nhưng kinh phí hạn hẹp, cơ sở vật chất thiếu thốn, danh mục nghề nghèo nàn không phù hợp với thực tiễn của địa phương nên không khuyến khích được các em chọn nghề đã học để mưu sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông.

Học sinh trường PTDTNT với điểm thi đầu vào lớp 10 khá cao, các em chăm ngoan, học thiên về các môn xã hội, nên việc lựa chọn trường của các em cũng chủ yếu là các khối ngành xã hội. Mong muốn của các em là thi vào các trường, quá trình học tập được hỗ trợ và phân công việc khi ra trường do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. HS nam có xu hướng mong muốn thi vào nhóm trường khối công an, quân đội, trong khi HS nữ có xu hướng chọn trường y dược, sư phạm. Kết quả cho thấy do hiện tượng không xin được việc khi học xong đại học nên một số học sinh có sự chuyển hướng không theo trao lưu xã hội là bằng mọi giá vào đại học, nhưng nhìn chung các em và cha mẹ vẫn có xu hướng vào đại học với hy vọng khi ra trường, làm việc ở các cơ quan trong khu vực nhà nước, hy vọng thoát nghèo, thoát khỏi cảnh làm nông và thay đổi vị thế xã hội của bản thân, gia đình. Nghiên cứu này cũng phát hiện ảnh hưởng của cha mẹ đối với định hướng ngành nghề của học sinh là rất yếu vì các em ở nội trú trong trường, ít được về thăm gia đình, hơn nữa bố mẹ có trình độ học vấn thấp, chủ yếu làm nông nghiệp, sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nên không có nhiều kiến thức để định hướng nghề cho con cái. Kết quả nghiên cứu này cho thấy công tác định hướng nghề cho học sinh PTDTNT ở Sơn La đang phải đối mặt với nhiều bất cập và thách thức trong bối cảnh hiện nay.

Nghiên cứu này mới chỉ nhận diện sơ bộ một số nét liên quan đến định hướng nghề cho HS PTDTNT tỉnh Sơn La. Để có thể đánh giá toàn diện về định hướng nghề nghiệp cho các nhóm HS trường PTDTNT tỉnh Sơn La nói riêng, các trường PTDTNT khu vực Tây Bắc, chúng tôi cho rằng việc thiết kế nghiên cứu định tính và định lượng trên phạm vi quy mô lớn đối với loại hình trường chuyên biệt là các trường PTDTNT khu vực Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung để đánh giá tổng quát, chính xác về thực trạng công tác

(11)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn

định hướng nghề nghiệp cho HS trường PTDTNT trên toàn quốc là rất cần thiết, qua đó có những khuyến nghị phù hợp để công tác này thực sự có hiệu quả, giúp cho thanh niên, học sinh dân tộc thiểu số có thể chọn nghề phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội;

đồng thời phù hợp với năng lực cá nhân, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập, phát triển bền vững cộng đồng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa trên cả nước./.

Tài liệu tham khảo

Báo Sơn La Online. 2016. Quê hương Sơn La - Các dân tộc anh em. Truy cập từ http://www.baosonla.org.vn/vi/chuyen-muc/que-huong-son-la---cac-dan-toc-anh-em-121, ngày 14/7/2016.

Bộ Giáo dục và Đào tạo. 2016. Thông tư số 01/2016/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 01 năm 2016 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú.

Bùi Thị Thanh Hà, 2009. Tác động của cha mẹ trong việc hướng nghiệp cho học sinh phổ thông hiện nay. Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, số 1.

Bùi Thị Thanh Hà. 2013. Lựa chọn nghề nghiệp của học sinh trung học phổ thông hiện nay. Đề tài cấp cơ sở. Viện Xã hội học.

Chính phủ. 1981. Quyết định số 126/CP ngày 19 tháng 3 năm 1981 quy định về công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông và việc sử dụng hợp lý học sinh các cấp phổ thông cơ sở và phổ thông trung học tốt nghệp ra trường.

Đặng Nguyên Anh. 2013. Việc làm và giải quyết việc làm thanh niên: Thực trạng và giải pháp. Báo cáo xã hội. Viện Xã hội học

Minh Hiếu. 2013. Mất cân đối về ngành nghề đào tạo. Báo điện tử Đại biểu Nhân dân, http://daibieunhandan.vn/

Nguyễn Công Uẩn. 2000. Đặc điểm của xu hướng nghề nghiệp của học sinh thành phố, Báo cáo Đề tài nghiên cứu, Trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội).

Nguyễn Đức Vinh. 2014. Định hướng nghề nghiệp cho lớp trẻ và tác động của chúng đến quá trình chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp ở Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 tầm nhìn 2030.

Viện Xã hội học: Đề tài cấp Bộ.

Nguyễn Thị Mai Lan. 2010. Định hướng giá trị, nhân cách của học sinh trung học phổ thông.

Luận án Tiến sỹ Tâm lý học.

Nguyễn Thị Nhân Ái. 2012. Định hướng giá trị nghề của học sinh trung học phổ thông một số tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ. Luận văn Tiến sĩ Tâm lý học.

Thái Duy Tuyên.1994. Tìm hiểu định hướng giá trị của thanh niên Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường. Đề tài cấp nhà nước KX 07.

Tôn Thiện Chiếu. 2007. Định hướng nghề nghiệp của thanh niên học sinh nông thôn. Đề tài tiềm năng năm. Viện Xã hội học.

Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Sơn La. Báo cáo số 25/BC-PTDTNT ngày 30 tháng 5 năm 2016. Báo cáo tổng kết năm học 2015-2016.

Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Sơn La. Báo cáo số 35/BC-PTDTNT ngày 29 tháng 5 năm 2015. Báo cáo tổng kết năm học 2014-2015.

Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Sơn La. Báo cáo số 36/BC-PTDTNT ngày 28 tháng 5 năm 2017. Báo cáo tổng kết năm học 2016-2017.

Tài liệu tham khảo

Tài liệu liên quan

Mặt khác, những nghiên cứu bước đầu về các nhân tố ảnh hưởng đến chọn nghề của học sinh - sinh viên đã kết luận: truyền thông đại chúng, đặc biệt là Internet, giữ vai trò chính trong

Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề, qua trao đổi với CBQL và GV một số trường, có ý kiến cho rằng hiệu quả của công tác quản lí hoạt động NCKHSPUD còn hạn chế, do các CBQL không thực hiện hoặc

ĐÁNH GIÁ VỀ THỰC TRẠNG QL HOẠT ĐỘNG GDPL CHO HS CÁC TRƢỜNG THPT THÀNH PHỐ QUẢNG NGÃI Trong thời qua, công tác GDPL cho học sinh các trường THPT thành phố Quảng Ngãi đã được tăng

Thực trạng công tác giám sát, kiểm tra đánh giá kế hoạch quản lí hoạt động tư vấn tâm lý học đường cho học sinh Trung học cơ sở Kết quả khảo sát lấy ý kiến đội ngũ CBQL, GV ở 04