• Không có kết quả nào được tìm thấy

KỸ THUẬT SẢN XUẤT GIỐNG LƯƠN ĐỒNG HÌNH THỨC BÁN TỰ NHIÊN

N/A
N/A
Protected

Academic year: 2022

Chia sẻ "KỸ THUẬT SẢN XUẤT GIỐNG LƯƠN ĐỒNG HÌNH THỨC BÁN TỰ NHIÊN "

Copied!
51
0
0

Loading.... (view fulltext now)

Văn bản

(1)
(2)

1

NHÀ XUẤT BẢN ĐẠI HỌC HUẾ Huế, 2021

(3)

2

Biên mục trên xuất bản phẩm của Thư viện Quốc gia Việt Nam

Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm lươn đồng Monopterus albus (Zuiew, 1793) : Sách tham khảo / Nguyễn Quang Linh (ch.b.), Phạm Thị Hải Yến, Võ Điều, Kiều Thị Huyền, Trần Vinh Phương. - Huế : Đại học Huế, 2021.

- 49tr. : hình vẽ, ảnh ; 21cm

ĐTTS ghi: Đại học Huế. - Thư mục: tr. 47-49

1. Kỹ thuật chăn nuôi 2. Lươn đồng 3. Sách tham khảo 639.37432 - dc23

DUM0422p-CIP Mã số sách: TK/52-2021

(4)

3

LỜI NÓI ĐẦU

Lươn đồng có tên khoa học là Monopterus albus, là loài thủy đặc sản nước ngọt được nuôi khá phổ biến trên thế giới, phổ biến ở một số nước khu vực Đông Nam Á (Lee và Degani, 2000); thịt lươn đồng chứa nhiều axit béo không no: DHA, EPA và chất bổ dưỡng khác như: vitamin B1, B2, chúng có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng sức đề kháng và tăng trí thông minh (Nguyễn Văn Chung, 2008). Theo Đỗ Tất Lợi, lươn đồng có tính mát, lợi máu và rất tốt cho người ốm, nhất là phụ nữ. Nghiên cứu của Rene (2016) cho thấy thịt lươn đồng có hàm lượng dinh dưỡng rất cao: Protein thô (CP): 68,79%; Lysine: 612,04 mg/kg; Methionine: 24,80 mg/kg;

tổng năng lượng: 3.074,10 kcal/kg. Lươn đồng là loài dễ nuôi có thể áp dụng nhiều hình thức khác nhau: nuôi có bùn hoặc không bùn, nuôi ao bạt hoặc bể xi măng tận dụng, có thể nuôi ở mật độ cao đến 500 con/m2 và hiệu quả kinh tế khá cao.

Trong những năm qua, địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực lân cận, người dân chủ yếu thu gom con giống ngoài tự nhiên từ tháng 6 đến tháng 10 (dương lịch) hàng năm. Đây là loài thủy đặc sản hứa hẹn có nhiều triển vọng cho nghề nuôi thủy sản nước ngọt trong tương lai, đặc biệt trong tình hình nghề nuôi thủy sản vùng ven biển ngày càng gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, sản lượng lươn ngoài tự nhiên ngày càng giảm sút do khai thác quá mức, môi trường sống ngày càng ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp đã ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi lươn giống tự nhiên.

(5)

4

Vì vậy, để nâng cao kiến thức cho người nuôi lươn đồng thời làm tài liệu tham khảo và tra khảo cho các nghiên cứu, chúng tôi giới thiệu cuốn sách này là kinh nghiệm và một số kết quả nghiên cứu đã được thực hành có hiệu quả: Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm Lươn đồng Monopterus albus (Zuiew, 1793).

Nội dung cuốn sách gồm có 3 chương:

Chương I. Giới thiệu một số đặc điểm sinh học lươn đồng Chương II. Kỹ thuật sản xuất giống lươn đồng hình thức bán tự nhiên

Chương III. Kỹ thuật nuôi lươn thương phẩm trong bể Mặc dù đã nỗ lực cố gắng trong quá trình biên soạn, nhưng chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế.

Vì vậy, chúng tôi rất mong các nhà khoa học, quý đồng nghiệp và bạn đọc phản hồi những ý kiến tích cực để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong những lần tái bản sau. Qua đây, chúng tôi muốn cám ơn Đại học Huế đã hỗ trợ kinh phí từ đề tài khoa học và công nghệ cấp Đại học Huế “Nghiên cứu phương pháp nuôi vỗ và thử nghiệm sinh sản nhân tạo lươn đồng (Monopterus albus Zuiew, 1793) tại Thừa Thiên Huế” mã số: DHH2015-14-01.

Trân trọng cảm ơn!

Các tác giả

(6)

5 MỤC LỤC

Trang

LỜI NÓI ĐẦU 3

Chương I. GIỚI THIỆU MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC LƯƠN ĐỒNG

7

1. Phân loại và phân bố 7

2. Đặc điểm hình thái, cấu tạo 8

3. Môi trường và tập tính sống 9

4. Đặc điểm dinh dưỡng và sinh trưởng 10

5. Đặc điểm sinh sản 11

6. Kích thước trứng mới đẻ và lươn bột 16 Chương II. KỸ THUẬT SẢN XUẤT GIỐNG

LƯƠN ĐỒNG HÌNH THỨC BÁN TỰ NHIÊN

18

1. Yêu cầu kỹ thuật địa điểm và trang thiết bị 18

2. Thiết kế bể 19

3. Mùa vụ nuôi vỗ 22

4. Kỹ thuật nuôi vỗ 22

5. Kỹ thuật cho lươn sinh sản bằng phương pháp bán tự nhiên

24

(7)

6

6. Kỹ thuật ương nuôi lươn bột lên lươn hương và lươn giống

33

7. Quản lý chất lượng môi trường nước nuôi giai đoạn ương

36

Chương III. KỸ THUẬT NUÔI LƯƠN THƯƠNG PHẨM TRONG BỂ

38

1. Xây dựng bể 38

2. Con giống và thuần dưỡng 39

3. Nguồn nước 40

4. Thức ăn và cách cho ăn 40

5. Thời gian nuôi 41

6. Thu hoạch 41

7. Một số bệnh thường gặp và biện pháp phòng trị 42 7.1. Một số biện pháp phòng bệnh chung 42

7.2. Một số bệnh thường gặp 43

TÀI LIỆU THAM KHẢO 47

(8)

7 Chương I

GIỚI THIỆU MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC LƯƠN ĐỒNG

1. Phân loại và phân bố Giới (Regnum) Animalia Ngành (Phylum) Chordata

Lớp (Class) Actinopterygii Bộ (Order) Synbranchiformes Họ (Familia) Synbranchidae Giống (Genus) Monopterus

Loài (Species) Monopterus albus (Zuiew, 1793) Tên tiếng Anh: Rice field eel, Asian swamp eel.

Tên tiếng Việt: Lươn đồng.

Lươn đồng phân bố nhiều nơi trên thế giới như: Indonesia, Malaysia, vùng Đông Bắc châu Á tới Nhật Bản và từ phía Tây tới Đông Bắc Ấn Độ (Meghalays và cs, 1976). Ở khu vực Đông Nam Á, lươn đồng có rất nhiều ở Việt Nam, Myanma, Thái Lan và Campuchia. Ở Việt Nam, lươn đồng có mặt ở hầu hết các thủy vực, chúng sống và phát triển từ các vùng thượng lưu sông Hồng đến vùng rừng núi cao nguyên Trường Sơn, miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (Nguyễn Chung, 2007).

(9)

8 2. Đặc điểm hình thái, cấu tạo

Lươn đồng có thân tròn, dài, cuối đuôi dẹp bên. Đầu tròn tương đối lớn và cao hơn thân. Mõm ngắn, miệng có thể mở rất rộng, rạch miệng hơi cong. Mỗi bên có hai lỗ mũi nằm cách xa nhau. Mắt rất bé nằm ẩn dưới da của mỗi bên đầu, khe mang hẹp giới hạn bên của mặt bụng (Mai Đình Yên, 1992). Là loài động vật da trơn, mõm tròn, có răng hàm và vòm miệng nhỏ. Môi trên dày chồng lên một phần của môi dưới (Nichols, 1945; Jayaram, 1981). Đường bên phát triển rất rõ (Jayaram, 1981).

Hình 1. Hình thái bên ngoài lươn đồng Monopterus albus (Zuiew, 1793)

Cơ thể lươn đồng có màu vàng nâu ở bên trên, mặt bụng có màu trắng hoặc nâu nhạt với những chấm nhỏ sậm ở bên hông và đôi khi có ở mặt bụng (Inger và Kong, 1962), màu sắc của lươn có thể thay đổi tùy theo môi trường sống.

(10)

9

Vây ngực và vây bụng thoái hóa, vây hậu môn giảm nhỏ dạng nếp da mỏng liền với vây đuôi (Trương Thủ Khoa, 1993).

3. Môi trường và tập tính sống

Lươn đồng là loài có môi trường sống khá rộng, ở nước ngọt chúng có thể sống ở các khu vực: từ ao hồ, mương rãnh, ruộng lúa và dọc bờ sông, ngay cả những nơi nước tù đọng thiếu oxy và thậm chí là nước lợ chúng cũng có thể sống được. Lươn đồng thích sống nơi nhiều bùn, đất thịt hoặc sét pha để đào hang, phù hợp với tập tính sống chui rúc, tránh ánh sáng. Nhiệt độ thích hợp đối với lươn đồng là 15-30ºC, tối ưu nhất là 25-28ºC (Baensch, H.A.;

R. Riehl, 1985). Lươn đồng có khả năng chịu nóng hơn là chịu lạnh, khi nhiệt độ dưới 10ºC thì quá trình trao đổi chất của lươn giảm và chúng ở hẳn trong hang sâu hoặc ẩn mình dưới lớp bùn để trú rét. Với tập tính là sợ ánh tráng nên lươn đồng là loài thích sống chui rúc, ẩn mình. Ở tự nhiên thì chúng thường chui trong bùn, đất và đào hang. Khi ở trong hang, chúng thường ẩn sâu bên trong hang và đầu lươn hướng ra miệng hang để vừa canh phòng kẻ thù, vừa để phục kích con mồi. Trong điều kiện môi trường sống không thuận lợi, khô hạn chúng có thể ở ẩn trong hang một thời gian dài và hầu như không hoạt động (Smith, 1945; Sterba, 1983;

Liem, 1987). Lươn đồng là loài sống chui rúc, tránh ánh sáng, săn mồi chủ yếu vào ban đêm, ban ngày chúng chủ yếu ở trong hang hoặc những ngày mát mẻ mới ra ngoài để

(11)

10

tìm kiếm thức ăn. Vì vậy, trong các mô hình nuôi lươn thường phải sử dụng bùn hoặc giá thể nhằm làm nơi ẩn nấp cho lươn.

Theo kết quả nghiên cứu của Phạm Văn Trang (1998, 2004) lươn đồng là loài có ngưỡng oxy thấp, chúng có thể sống được ở ngưỡng oxy hòa tan < 2 mg/L, nhờ có cơ quan hô hấp chính là xoang hầu, tuyến da và mang. Trong điều kiện môi trường sống thiếu dưỡng khí, chúng có thể hô hấp trực tiếp từ khí trời qua hai lỗ mũi (Liem, 1987).

4. Đặc điểm dinh dưỡng và sinh trưởng

Lươn đồng có miệng rộng, độ mở của miệng rất to, dạ dày có dạng hình ống dài và vách dày nằm dọc theo chiều dài cơ thể. Ruột dày và ngắn, tỷ lệ chiều dài ruột so với chiều dài thân (RLG = Li/L) trung bình 0,65 (Lý Văn Khánh, 2008).

Lươn đồng được xem là loài săn mồi về đêm, thức ăn của chúng thiên về động vật như: cá, giun, giáp xác và các động vật thủy sinh nhỏ khác (Yamamoto và Tagawa, 2000). Lươn đồng cũng như nhiều loài động vật thủy sản khác, có phổ thức ăn thay đổi theo từng giai đoạn phát triển và thích nghi với thành phần thức ăn trong môi trường nước. Giai đoạn còn nhỏ, chúng chủ yếu ăn các loài động vật phù du (Zooplankton), khi trưởng thành thức ăn của chúng chủ yếu là các loài động vật đáy (Zoobenthus), đặc biệt chúng thích ăn những loại thức ăn có mùi tanh. Lươn đồng nhờ vào khứu giác để tìm kiếm thức ăn. Trong điều kiện thiếu nguồn thức ăn, chúng

(12)

11

có thể ăn thịt lẫn nhau, vào mùa sinh sản chúng hầu như không ăn (Ngô Trọng Lư, 2000). Hiện nay, trong điều kiện sản xuất nhân tạo và nuôi thương phẩm, lươn chủ yếu được thuần dưỡng để sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi có độ đạm dao động từ 25-40% tùy theo giai đoạn phát triển.

Sinh trưởng và phát triển của lươn đồng cũng giống như một số loài thủy sản khác, ban đầu tăng nhanh về chiều dài, về sau tăng trưởng chủ yếu về khối lượng (Ngô Trọng Lư, 2000).

Bảng 1. Tốc độ tăng trưởng lươn đồng theo một số tác giả Thời

gian

Chiều dài (cm)

Trọng lượng

(g) Tác giả

1 năm 27 18 - 60 Ngô Trọng Lư

20 - 27 <200 Việt Chương

2 năm

30 - 48 40 - 100 Ngô Trọng Lư 35 - 50 200 - 300 Việt Chương;

Dương Nhựt Long

3 năm 60 <1.000 Việt Chương

(Phan Thị Thanh Vân và cs, 2009) 5. Đặc điểm sinh sản

Sự phát triển tuyến sinh dục của lươn đồng phụ thuộc

(13)

12

vào điều kiện dinh dưỡng và điều kiện sinh thái của thủy vực, đặc biệt là chế độ nhiệt. Các giai đoạn phát triển tuyến sinh dục của lươn đồng phụ thuộc vào thời gian các tháng trong năm, trong đó có sự khác biệt về thành thục sinh dục giữa cá thể đực và cá thể cái. Tỷ lệ giới tính trong quần đàn tự nhiên của lươn đồng đực/lưỡng tính/cái là: 37,03%:

18,53%: 44,44%.

Bảng 2. Tương quan giữa nhóm kích thước và tỷ lệ giới tính của lươn đồng

Nhóm kích thước

(cm)

Số cá thể kiểm tra

(con)

Số cá thể đực (con)

Số cá thể lưỡng tính (con)

Số cá thể cái

(con)

21 - 26,9 30 0,00 0,00 100,00

27 - 53,9 74 32,43 31,08 36,49

54 - 70 31 83,87 6,45 9,68

Tổng 135 37,04 18,52 44,44

(Võ Đức Nghĩa và cs, 2015) Ở điều kiện Thừa Thiên Huế, thời gian bắt đầu sinh sản của lươn đồng là tháng 4 (dương lịch), tuy nhiên chúng có khả năng sinh sản sớm hơn vào cuối tháng 3 nếu gặp điều kiện thuận lợi.

(14)

13

Bảng 3. Hệ số thành thục của lươn đồng qua các tháng Thời gian

kiểm tra (tháng)

Hệ số

thành thục lươn đực (%)

Hệ số

thành thục lươn cái (%)

2 3 4 5

0,09 0,75 0,85 1,87

1,05 2,25 3,01 4,23

(Võ Đức Nghĩa và cs, 2015) Sức sinh sản tuyệt đối lươn đồng đạt: từ 156,43-638,67 trứng/cá thể (Võ Đức Nghĩa và cs, 2015); 143-6.813 trứng/

lươn cái (Lý Văn Khánh và cs, 2008).

Bảng 4. Sức sinh sản của lươn đồng Nhóm chiều

dài (cm)

Số cá thể

Sức sinh sản tuyệt đối (trứng/cá thể)

Sức sinh sản tương đối

(trứng/g)

21 - 26,9 30 156,43 7,89

27 - 53,9 27 475,70 5,04

54 - 70 3 638,67 3,54

(Võ Đức Nghĩa và cs, 2015) Sức sinh sản tương đối dao động: từ 3.540-7.890 trứng/kg khối lượng cơ thể (Võ Đức Nghĩa và cs, 2015);

4.828-65.771 trứng/kg lươn cái (Lý Văn Khánh và cs, 2008).

(15)

14

Theo Tang và cs (1974, được trích dẫn bởi Nguyễn Tường Anh, 1999), lươn đồng là động vật lưỡng tính cái trước, đực sau. Việc dùng các hormon steroid sinh dục chuyển đổi giới tính của lươn đồng ở tất cả các pha đều không thành công.

Hình 2. Tuyến sinh dục lươn đồng giai đoạn lưỡng tính (x 40) (Võ Đức Nghĩa và cs, 2015)

(16)

15

Lươn đồng có kích thước dưới 26 cm đều là lươn cái, từ 26-54 cm có thể là đực, cái và lưỡng tính và trên 54 cm đều là cá thể đực (Phạm Trang và Phạm Báu, 2000). Ở điều kiện nuôi nhốt, lươn bắt đầu chuyển đổi giới tính từ con cái sang lưỡng tính khi đạt chiều dài từ 39,0-46,0 cm, tương ứng với khối lượng từ 130,0-190,0 g/con (Nguyễn Hữu Khánh, 2016). Nhưng trong thực tế chúng tôi đã bắt gặp trường hợp lươn có chiều dài 60,0 cm, khối lượng cơ thể đạt 220,0 g, buồng trứng đạt 14,2 g (Hình 3).

Hình 3. Buồng trứng lươn đồng

Ở điều kiện nuôi, lươn đồng thành thục lần đầu khi đạt 8 tháng tuổi với chiều dài dao động từ 32,0-45,0 cm tương ứng với khối lượng dao động từ 41,0-100,0 g/con (Nguyễn Hữu Khánh, 2016).

(17)

16

6. Kích thước trứng mới đẻ và lươn bột

Trứng lươn đồng mới đẻ có kích thước dao động từ 3,12-3,62 mm, hình cầu có màu vàng nhạt, màng trứng trong suốt (Hình 4), sẽ chuyển sang màu hồng sau khoảng thời gian 72-96 giờ (Trần Vinh Phương và cs, 2017). Kích thước trứng lươn đồng cũng đã được ghi nhận trong công bố của Đức Hiệp (1999), với đường kính đạt từ 3,5-4,0 mm và Đỗ Thị Thanh Hương (2008) với đường kính dao động từ 3,17-3,58 mm.

Hình 4. Trứng lươn đồng mới đẻ

Lươn bột mới nở ôm khối noãn hoàn tròn và to ở dưới bụng dọc theo chiều dài thân nên chúng rất ít cử động, ban đầu có màu vàng, sau đó chuyển dần sang màu nâu xám đen (Hình 5). Khi nghe tiếng động mạnh chúng bơi không định hướng, không liên tục, bơi đứt quãng rồi lắng xuống đáy.

(18)

17

Lươn đồng mới nở có chiều dài trung bình đạt 1,72 cm, đến ngày thứ 7 đạt khoảng 2,9 cm và đến ngày thứ 10 đạt trung bình 4,02 cm (Trần Vinh Phương và cs, 2017). Lươn nở được 5-7 ngày sau hết noãn hoàn (Hình 5).

Hình 5. Các giai đoạn phát triển của phôi và lươn bột (A: Phôi vị; B: Lươn bột mới nở; C: Lươn bột 2 ngày tuổi;

D: Lươn bột 5 ngày tuổi)

(19)

18 Chương II

KỸ THUẬT SẢN XUẤT GIỐNG LƯƠN ĐỒNG HÌNH THỨC BÁN TỰ NHIÊN

1. Yêu cầu kỹ thuật địa điểm và trang thiết bị

Địa điểm xây dựng trại sản xuất giống cần có nguồn nước ngọt sạch, chất lượng tốt không bị nhiễm phèn hay nhiễm mặn. Giao thông thuận tiện cho việc vận chuyển thức ăn, con giống và các nguyên vật liệu cần thiết trong quá trình sản xuất giống. Đồng thời, cần có nguồn điện đảm bảo cho hoạt động sản xuất và các mục đích khác.

Yêu cầu kỹ thuật xây dựng trại sản xuất giống tùy thuộc vào công suất dự kiến cần đạt được. Để sản xuất 5.000- 10.000 con giống/đợt, cơ sở sản xuất cần có các trang thiết bị như sau:

Bảng 5. Yêu cầu trang thiết bị thực hiện sản xuất giống TT Hạng mục Yêu cầu kỹ thuật Số lượng

1 Ao cấp, xử lý nước Cấp thoát nước dễ dàng,

độ sâu 1-1,5 m 01

2 Bể nuôi vỗ Bể bạt hoặc bể xi măng,

diện tích 10-20 m2 03 3 Bể sinh sản Bể bạt hoặc bể xi măng,

diện tích 10 - 20 m2 03 4 Bể ương giống Bể bạt hoặc bể xi măng,

diện tích 10 - 20 m2 6

(20)

19 5 Bể nuôi sinh khối

thức ăn

Bể bạt hoặc xi măng, diện

tích từ 1 - 2 m2 6

6 Máy bơm nước Công suất 15-20 m3/h 01 7 Máy xay thức ăn Cầm tay hoặc điện, công

suất 20 - 40 kg cá/ngày 01 8 Nhà làm việc và kho Diện tích 20 m2 01 9 Ao chứa nước thải Diện tích 5 - 10 m3 01

10 Máy sục khí 0,5 - 1 Kw 01

11 Một số trang thiết bị khác

Vợt, xô chậu, hệ thống sục khí, hệ thống phun mưa nhân tạo…

2. Thiết kế bể

Bể nuôi vỗ: Là bể lót bạt hoặc bể xi măng đều được, nếu sử dụng là bể xi măng thì xung quanh tường và từ đáy bể lên nên tráng men láng để lươn khỏi bị xây xước. Kích thước bể nuôi vỗ lươn không nên quá lớn và cũng không quá bé, thích hợp từ 10-20 m2, bể có hình chữ nhật (Hình 6). Giá thể có thể là những thanh tre được bệt ngang dọc tạo thành khung hoặc sử dụng sợi dây ni lon để làm nơi trú ẩn cho lươn.

Trên bể nuôi vỗ bố trí ống nước có vòi phun mưa nhân tạo kích thích lươn nhanh chóng thành thục. Thiết kế bể nuôi sao cho hơi xuôi về cống xả nước nhằm tạo điều kiện thuận tiện khi thoát nước.

(21)

20

Hình 6. Bể nuôi vỗ lươn đồng bằng xi măng

Thiết kế bể cho lươn đẻ: Hiện nay, có hai loại bể cho lươn đẻ được sử dụng phổ biến, đó là bể lót bạt và bể xi măng. Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất giống sử dụng nhiều là bể lót bạt vì loại này rất tiện và dễ thiết kế, bể thường có dạng chữ nhật kích thước khoảng 10-20 m2. Bể đẻ có ụ bùn (đất) để cho lươn đào hang làm tổ đẻ như ngoài tự nhiên.

Trong đó, bùn (đất) phải được phơi nắng thật kỹ, lấy hết cây gai tránh làm cho lươn bị xây xước khi chui trong bùn.

Nước được cấp vào không được cao hơn lớp bùn, cấp nước làm sao tạo được ụ đất cao hơn mặt nước từ 10-15 cm để khỏi ngập miệng hang. Bể cho đẻ cũng thiết kế hệ thống cấp và xả nước sao cho thuận tiện nhất trong mỗi lần thay nước.

Đồng thời, bố trí hệ thống phun mưa nhân tạo bằng vòi

(22)

21

phun sương để tạo điều tự nhiên cho lươn đẻ. Mặt trên của đất bùn có thể sử dụng lá hoặc lưới lan che đậy hoặc gieo hạt lúa để cho mọc xung quanh làm nơi trú ẩn cho lươn đồng thời cũng là nơi che mát cho lươn khi trời nóng và tránh kẻ địch (Hình 7).

Hình 7. Bể cho lươn đồng đẻ có hệ thống phun mưa

(23)

22 3. Mùa vụ nuôi vỗ

Mùa vụ sinh sản lươn đồng: Ở miền Bắc, cho lươn đẻ từ tháng 4-8; miền Nam từ tháng 2-10. Đối với Thừa Thiên Huế và các tỉnh lân cận, mùa vụ sinh sản lươn đồng bắt đầu từ tháng 4-9 hàng năm (Võ Đức Nghĩa và cs, 2015). Mùa vụ sinh sản của lươn đồng trong điều kiện nuôi tập trung vào tháng 3 và tháng 9 với 2 lần sinh sản trong năm (Nguyễn Hữu Khánh, 2016).

Để phù hợp với mùa vụ sinh sản lươn đồng bắt đầu từ tháng 4 hàng năm, chúng ta nên nuôi vỗ lươn bố mẹ bắt đầu từ tháng 1, đến cuối tháng 3 có thể kiểm tra và chuẩn bị cho lươn sinh sản.

4. Kỹ thuật nuôi vỗ

Tuyển chọn lươn đưa vào nuôi vỗ: Thông thường, nguồn lươn bố mẹ cho sinh sản được tuyển chọn từ các hộ dân nuôi lươn thương phẩm sẽ tốt hơn so với lươn khai thác tự nhiên, bởi vì lươn nuôi đã sử dụng được thức ăn công nghiệp và cũng đã thích nghi với điều kiện nuôi nhốt. Tuyển chọn những cá thể có thời gian nuôi trên 12 tháng, khối lượng đạt từ 100-150 g/con, thân hình trơn nhẵn, bóng láng, hoạt động mạnh, không dị hình và không bị xây xát, lỗ sinh dục có màu vàng hơi chuyển hồng (Hình 8). Mật độ nuôi vỗ từ 10-15 cặp/m2.

(24)

23

Hình 8. Tuyển chọn lươn nuôi vỗ

Thức ăn nuôi vỗ: Nếu là nguồn lươn từ nuôi thương phẩm đã sử dụng được thức ăn công nghiệp thì nguồn thức ăn cho nuôi vỗ nên kết hợp thức ăn công nghiệp và cá biển (tỷ lệ 50:50). Thức ăn công nghiệp sử dụng loại có độ đạm (protein) >30%, cá biển nên sử dụng những loại cá có thịt nhiều và ít xương dăm như: cá nục, cá chỉ vàng. Nếu là nguồn lươn được tuyển chọn từ khai thác tự nhiên thì phải qua thời gian thuần dưỡng cho đến khi lươn thích nghi được với môi trường nuôi nhốt và sử dụng được thức ăn công nghiệp (thời gian thuần dưỡng có thể kéo dài 2-3 tháng). Có thể sử dụng 100% nguồn thức ăn tươi cho nuôi vỗ. Thức ăn được xay nhuyễn, khẩu phần cho ăn từ 5-10% khối lượng

(25)

24

thân, ngày cho ăn 1 lần vào lúc 17-18 giờ hàng ngày. Sau khi cho ăn 1-2 giờ nên kiểm tra vớt bỏ thức ăn thừa để tránh ô nhiễm nước. Bổ sung vitamin tổng hợp (vitamin E, vitamin C) với liều lượng 5 g/kg thức ăn để tăng sức đề kháng và tăng khả năng thành thục cho lươn. Cho ăn đủ, đúng khẩu phần, khi thời tiết thay đổi có thể điều chỉnh tăng giảm lượng thức ăn cho phù hợp với thực tiễn.

Quản lý và chăm sóc: Thời gian nuôi vỗ thường kéo dài khoảng 2-3 tháng. Định kỳ hàng tháng kiểm tra tỷ lệ thành thục và hệ số thành thục để chọn lươn bố mẹ thành thục đưa vào sinh sản. Tỷ lệ thành thục của lươn đồng dao động từ 70-88% (đối với lươn cái) và 60-66% (đối với lươn đực).

5. Kỹ thuật cho lươn sinh sản bằng phương pháp bán tự nhiên Tuyển chọn lươn bố mẹ tham gia sinh sản: Tiến hành chọn những cá thể đã thành thục có trọng lượng từ 120-200 g/con, chiều dài từ 25-58 cm/con. Lươn đồng đều, khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, không bị bệnh hay trầy xước. Lươn là loài lưỡng tính theo từng giai đoạn, vì vậy việc phân biệt đực cái nếu không giải phẫu thì chủ yếu dựa vào hình dạng bên ngoài và theo kinh nghiệm như sau:

- Lươn cái thành thục: Bụng căng tròn to, lỗ sinh dục màu hồng đỏ và lồi ra (Hình 9), ấn tay nhẹ thấy bụng mềm.

Trứng chín là trứng to, căng tròn đều, màu vàng rơm và rời ra. Lươn cái thường có đầu nhỏ đuôi ngắn. Hoặc có thể giải

(26)

25

phẫu một vài cá thể để xác định chính xác các giai đoạn thành thục của tuyến sinh dục.

- Lươn đực thành thục: Bụng thon nhỏ và cứng, lỗ sinh dục nhỏ. Lươn đực có đuôi dài, nhọn và đầu to (Hình 10).

Hình 9. Lỗ sinh dục lươn cái

Hình 10. Lươn đực

(27)

26

Phương pháp cho đẻ: Lươn đồng là loài khá dễ cho đẻ, nhưng lại khó thăm trứng hay nói cách khác là không thể sử dụng que thăm trứng như những loài cá nước ngọt khác (cá chép, mè, trôi, trắm…). Vì vậy, để xác định giai đoạn phát triển của trứng ở giai đoạn III hoặc IV cho đẻ, chúng ta có thể giải phẫu để quan sát buồng trứng bằng mắt thường, trứng đã thành thục có màu vàng, hạt to và rời (Hình 11), hoặc sử dụng mẫu trứng để cắt tiêu bản mô học theo mô tả của O. Xakun và Buskaia (1968) với 6 giai đoạn (Hình 12).

Hình 11. Buồng trứng lươn thành thục (giai đoạn IV)

(28)

27

Hình 12. Tiêu bản trứng lươn giai đoạn IV (vật kính 10 x) Sau khi tuyển chọn được lươn bố mẹ thành thục thì đưa vào bể đẻ đã chuẩn bị sẵn. Mật độ sinh sản từ 5-10 cặp/

1 m2. Đối với phương pháp sinh sản bằng hình thức bán tự nhiên quan trọng nhất là tuyển chọn được lươn bố mẹ đủ điều kiện tham gia sinh sản và không sử dụng kích dục tố.

Đối với phương pháp này tỷ lệ đẻ thường không cao, dao động từ 40-60% và thời gian từ khi đưa lươn bố mẹ vào bể đẻ đến khi lươn bắt đầu đẻ ổ đầu tiên khá dài, khoảng từ 15-25 ngày. Ngoài ra, hiện nay nhiều phương pháp cho lươn sinh sản bằng cách sử dụng 2 hormone phổ biến là LRH-A3 (Luteinizing hormone-releasing hormone analog) kết hợp Domperidon hoặc HCG (Human Chorionic gonadotropin) có bán sẵn trên thị trường. Đối với kích dục tố HCG có thể dùng với liều từ 1.000-2.000 IU/kg; LRH-A3 từ 50-150 µg/kg (Nguyễn Thị Hồng Thắm, 2007; Đỗ Thị Thanh Hương, 2008;

Trần Vinh Phương, 2017).

(29)

28

Thức ăn và quản lý trong quá trình sinh sản: Sau khi chuyển lươn bố mẹ vào bể đẻ, sau 3 ngày mới bắt đầu cho lươn ăn và thường xuyên theo dõi để thay nước. Thức ăn được sử dụng trong quá trình sinh sản là cá tạp (loại ít xương dăm như: cá nục, chỉ chỉ vàng, bạc má…) xay nhuyễn kết hợp với thức ăn công nghiệp có độ đạm >30%

được đặt trên sàn ăn (30x30 cm), cho lươn ăn ngày 1 lần vào buổi chiều tối. Lượng thức ăn từ 5-7% khối lượng thân.

Định kỳ 2 lần/tuần phun mưa nhân tạo khoảng 15 phút để kích thích lươn đẻ. Trong quá trình cho lươn đẻ tiến hành theo dõi các thông số môi trường (pH, nhiệt độ, khí độc…) bằng các dụng cụ chuyên dụng trong nuôi trồng thủy sản như nhiệt kế thủy ngân để đo nhiệt độ, test kit Sera (Đức) để đo chỉ số pH và khí độc để có những biện pháp xử lý kịp thời.

Hàng ngày, theo dõi các hoạt động của lươn. Khi lươn quẩy đục nước trong bể đẻ là dấu hiệu lươn bắt đầu đẻ trứng. Quan sát trên các miệng hang có tổ bọt là lươn đã đẻ trứng. Tổ bọt có thể nằm ở miệng hang trên ụ đất hoặc cũng có thể nằm sâu trong hang.

Chú ý: Khi đẻ trứng thì lươn bố mẹ thường xuyên canh giữ tổ trứng, do đó khi kiểm tra tổ trứng phải sử dụng dụng cụ (vợt, muỗng) để lấy cả tổ trứng. Không nên dùng tay để lấy trứng, vì có thể bị lươn tấn công gây thương tích.

Khi phát hiện lươn đẻ (xuất hiện tổ bọt) không vội lấy trứng ngay mà để trứng phát triển đến giai đoạn phôi vị mới thu trứng (khi trứng lươn từ màu vàng đã chuyển sang màu hồng (Hình 13)). Tùy theo cỡ lươn bố mẹ lớn hay nhỏ mà

(30)

29

số lượng trứng thu được rất khác nhau, dao động từ vài chục đến vài trăm trứng/tổ.

Đối với phương pháp cho lươn đồng đẻ bằng hình thức bán tự nhiên (không tiêm kích dục tố), sau khi lươn đẻ trứng có 2 cách để ấp và ương lươn bột, một là: thu trứng lươn và đem đi ấp nở thành lươn bột, hai là: thu lươn bột 15 ngày tuổi, có nghĩa là sau khi phát hiện tổ trứng lươn đẻ nhưng không thu trứng đi ấp mà theo dõi đến khi tổ trứng nở thành lươn bột (khoảng 15 ngày tuổi), lúc này ta tiến hành thu lươn con đem ương.

Hình 13. Tổ trứng Kỹ thuật thu và ấp trứng

Trứng lươn sau khi thu xong, loại bỏ hết bùn, rửa sạch rồi đem đi ấp, có thể sử dụng thau nhựa để ấp trứng lươn (mực nước từ 5-10 cm), trong quá trình ấp nên có sục khí

(31)

30

nhẹ, thời gian trứng nở thành lươn bột sớm hay muộn tùy vào nhiệt độ nước, cần duy trì nhiệt độ: 26-30oC, pH từ 6,5-8,0.

Hình 14. Kiểm tra tổ trứng

Hình 15. Trứng phát triển đến giai đoạn phôi vị và lươn bột mới nở

(A: Trứng lươn; B: Lươn bột mới nở)

(32)

31

Mật độ ấp 300-500 trứng/lít sau khoảng thời gian từ 4-7 ngày ấp trứng bắt đầu nở thành lươn bột (Hình 15).

Đối với kỹ thuật thu và ấp trứng lươn đồng ở hình thức sinh sản bán tự nhiên cho tỷ lệ thụ tinh hơn 93%. Tỷ lệ lên bột đạt 47,0% (2012) và 98,4% (2013) (Nguyễn Văn Hiệp và Huỳnh Hữu Ngãi, 2014). Tương tự, Đỗ Thị Thanh Hương và cộng sự (2008) khi cho lươn đồng đẻ bằng cách cho đẻ tự nhiên có tỷ lệ thụ tinh đạt 96,0%.

Hình 16. Lươn bột 4 ngày còn ôm noãn hoãn Kỹ thuật thu lươn 15 ngày tuổi:

Sau khi phát hiện các tổ trứng của lươn, chúng ta tiếp tục theo dõi nhưng không thu trứng đi ấp (tỷ lệ sống không

(33)

32

cao mà còn mất nhiều thời gian) cho đến khi trứng nở thành lươn bột trong hang và tiếp tục theo dõi đến khoảng 15 ngày (lúc này lươn con đã tự kiếm được thức ăn), trong thời gian này chúng ta có thể cung cấp thêm nguồn thức ăn là Moina (bo bo) vào trong bể đẻ làm thức ăn cho lươn con, khoảng 15 ngày sau chúng ta bắt đầu thoát nước để thu lươn con theo dòng nước chảy ra ngoài, sau đó phá vỡ hang để bắt hết toàn bộ lươn con chuyển tiếp ương thành lươn hương và lươn giống (Hình 17).

Hình 17. Lươn con 15 ngày trong hang

Tuy nhiên, đối với biện pháp này có nhược điểm là không thể kiểm soát được các chỉ tiêu sinh sản từ giai đoạn phát triển phôi đến giai đoạn lươn con 15 ngày tuổi.

(34)

33

6. Kỹ thuật ương nuôi lươn bột lên lươn hương và lươn giống

Bể ương: Sử dụng bể xi măng (có tráng men) hoặc bể lót bạt đều được, diện tích từ 10-20 m2 tùy vào điều kiện và quy mô áp dụng.

Giá thể ương: Giai đoạn phổ biến nên dùng sợi ni lon làm nơi trú ẩn cho lươn con.

Thức ăn: Giai đoạn đầu tốt nhất là Moina và bổ sung thêm lòng đỏ trứng gà với khẩu phần 1 lòng đỏ/5.000-10.000 lươn bột. Từ ngày thứ 10 đến ngày 20, thức ăn tốt nhất là trùn chỉ, cho ăn 4-5 lần/ngày và có thể bổ sung thêm ấu trùng lăng quăng. Từ ngày 21 đến ngày 40 thức ăn là trùn chỉ kết hợp cá biển xay nhuyễn (chỉ lấy phần thịt), một số loại cá biển thường sử dụng là cá nục, cá chỉ vàng, ngoài ra trong khẩu phần ăn có thể bổ sung thêm giun quế cho lươn con ở giai đoạn này cần có nhu cầu dinh dưỡng cao để phát triển tốt. Từ ngày 41 trở đi có thể tập cho lươn ăn thức ăn công nghiệp viên nổi có hàm lượng protein >35%. Khi lươn con đạt 50 ngày tuổi chuyển qua giai đoạn ương lên giống.

(35)

34

Bảng 6. Tăng trưởng về chiều dài của lươn đồng nuôi ở các mật độ khác nhau (cm)

Ngày tuổi

Mật độ nuôi 500

con/m2

1.000 con/m2

1.500 con/m2

2.000 con/m2

21 4,79 4,76 4,79 4,79

28 5,07 5,08 5,03 5,14

35 5,52 5,50 5,47 5,43

42 6,15 6,07 5,67 5,49

49 7,43 7,27 6,85 6,24

56 7,86 7,69 7,59 6,89

63 9,54 8,58 8,57 7,69

(Trần Vinh Phương và cs, 2017) Mật độ ương: Tùy theo giai đoạn, có thể từ 500-2.000 con/m2, nhưng tốt nhất từ 500-1.000 con/m2 cho lươn con tăng trưởng nhanh và tỷ lệ sống cao, sử dụng nguồn nước ngọt sạch, nếu dùng nước máy phải để qua đêm hoặc sục khí cho hết clo, mực nước 20-30 cm.

Tỷ lệ sống giai đoạn lươn bột lên hương đạt từ 90-95%

đạt chiều dài khoảng 9,0-12 cm và khối lượng đạt khoảng 1,0-1,4 g/con.

Thời gian: Ương lên lươn hương lên giống từ 3-4 tháng, lúc nay lươn đạt khối lượng từ 6-8 g/con (Hình 18), tỷ lệ sống giai đoạn này đạt > 85%, thời điểm này có thể xuất bán giống hoặc chuyển qua bể nuôi thương phẩm.

(36)

35

Hình 18. Lươn hương 50 ngày tuổi

Hình 19. Lươn giống

(37)

36

Bảng 7. Mật độ và thức ăn trong quá trình ương lươn giống

Ngày tuổi (ngày)

Mật độ

(con/m2) Thức ăn Liều lượng

(%P)

Tần suất cho ăn (lần/ngày)

Từ 0 - 5 2.000 Dinh dưỡng

noãn hoàn 0 0

5 - 9 2.000 Moina Thỏa mãn 4

10 - 20 500 - 1.000 Trùn chỉ Thỏa mãn 4

21 - 40 500 - 1.000

Trùn chỉ + Thịt cá (nục) xay nhuyễn

10 - 15 2 - 3

41 - 50 500 - 1.000

Tập cho lươn ăn thức ăn công nghiệp viên nổi

5 - 10 2

Lươn

giống 500

Thức ăn công nghiệp> 30%

protein

5 - 7 2

7. Quản lý chất lượng môi trường nước nuôi giai đoạn ương Kỹ thuật ương lươn không khó, tuy nhiên yếu tố quan trọng để tăng tỷ lệ sống và giúp lươn con phát triển nhanh vẫn là quản lý chất lượng nước, ở đây chủ yếu đảm bảo nước nuôi luôn được sạch. Giai đoạn cho ăn cá xay nhuyễn hay thức ăn có độ đạm cao, thức ăn tan trong nước và dư dễ gây ô nhiễm nước, làm gia tăng khí độc, giảm lượng oxy hòa tan, từ đó ảnh hưởng đến sự bắt mồi cũng như tăng

(38)

37

trưởng của lươn. Khi nước nuôi nhiễm bẩn thường xảy ra hiện tượng lươn con thân thẳng đứng, đầu nhô lên mặt nước để thở. Khi phát hiện dấu hiệu này cần thay nước mới cho lươn. Do đó, để giúp lươn tăng trưởng tốt cần thường xuyên vệ sinh ao/bể nuôi, thay nước 30-50% sau khi lươn ăn xong, vớt bỏ thức ăn dư thừa. Nhiệt độ nước duy trì từ 25-30oC, pH từ 7-8, oxy hòa tan >3 mg/L.

(39)

38 Chương III

KỸ THUẬT NUÔI LƯƠN THƯƠNG PHẨM TRONG BỂ

1. Xây dựng bể

Bể nuôi lươn thương phẩm có thể sử dụng bể xi măng hoặc bể lót bạt (Hình 20) có kích thước từ 30-50 m2, tùy vào quy mô sản xuất và trình độ kỹ thuật của người nuôi để lựa chọn kích thước phù hợp.

Hình 20. Thiết kế bể lót bạt nuôi lươn thương phẩm Thiết kế bể nuôi phải có cống thoát nước và ống chống tràn, thuận lợi cho việc tháo nước và phòng tránh lươn thoát ra ngoài. Bể nuôi có hình chữ nhật, tiện cho việc

(40)

39

quản lý và chăm sóc mô hình. Nếu nuôi ngoài trời nên có mái che tránh nắng mưa. Đặc tính của lươn là tránh ánh sáng nên cần giá thể để làm nơi trú ẩn cho lươn, giai đoạn này có thể sử dụng giá thể là những khung tre ngang dọc có che bạt thay bùn.

2. Con giống và thuần dưỡng

Chọn lươn giống đồng đều kích cỡ, khỏe mạnh và không bị xây xát. Nên chọn lươn giống từ các cơ sở sản xuất giống nhân tạo có uy tín hoặc giống lươn tự sản xuất thay cho lươn giống đánh bắt ngoài tự nhiên. Lươn giống nhân tạo đã quen với môi trường nuôi và sử dụng được thức ăn công nghiệp nên thuận lợi cho quá trình nuôi thương phẩm. Đối với lươn giống sinh sản nhân tạo, chỉ cần thuần hóa cho lươn quen với điều kiện môi trường 3-5 ngày là có thể đưa vào bể nuôi.

Đối với lươn khai thác tự nhiên thường phải trải qua thời gian thuần hóa môi trường và thuần dưỡng thức ăn.

Ngoài ra, nếu nguồn lươn giống được đánh bắt bằng xung điện thì tỷ lệ sống rất thấp (20-30%) và chậm lớn. Đối với nguồn giống này khi đưa về cần tắm nước muối 2-3% hoặc iodine 1-2 ppm trong thời gian 5 phút. Đặc biệt, giai đoạn khó khăn nhất đối với lươn tự nhiên phải cần thời gian thuần dưỡng chuyển đổi thức ăn từ tính ăn động vật sang thức ăn công nghiệp, thời gian thuần dưỡng thức ăn từ 1-2 tháng.

(41)

40

Cỡ lươn giống thích hợp nuôi thương phẩm từ 100-120 con/kg. Mật độ nuôi từ 80-120 con/m2. Có thể nuôi với mật độ 150-200 con/m2 nhưng phải theo dõi quản lý tốt chất lượng nước và thường xuyên phân cỡ.

3. Nguồn nước

Nước nuôi lươn phải không ô nhiễm bởi các loại chất thải từ công nghiệp, nông nghiệp, không nhiễm nước thải sinh hoạt. Nếu sử dụng nước máy nuôi lươn nên để qua đêm làm bay clo, có thể sử dụng nguồn nước ngầm sạch nhưng phải có sục khí để tăng hàm lượng oxy trong nước ngầm. Mực nước nuôi lươn thích hợp từ 25-35 cm.

4. Thức ăn và cách cho ăn

Thức ăn: Thức ăn sử dụng cho nuôi thương phẩm là thức ăn công nghiệp (25-30% đạm) và các loại thức ăn tươi sống như cá tạp (ít xương dăm), ốc bươu vàng, hến.

Chế độ cho ăn: Cho lươn ăn 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều tối. Trong những ngày đầu nên cho lươn ăn thịt cá tạp, ốc băm nhuyễn, sau đó chuyển dần sang thức ăn công nghiệp. Lượng thức ăn từ 5-7% khối lượng thân. Nếu sử dụng thức ăn tươi băm nhuyễn thì phải sử dụng thêm sàn ăn (hình vuông kích thước 30x30 cm), mỗi bể đặt từ 2-3 sàn để lươn dễ dàng sử dụng. Đối với việc cho ăn thức ăn cá tạp thì cần

(42)

41

theo dõi và thay nước ngày 1 lần (Sàn ăn có thể thiết kế như ở Hình 6).

5. Thời gian nuôi

Tùy vào mùa vụ của từng địa phương để chọn thời gian nuôi thích hợp, đối với Thừa Thiên Huế và khu vực lân cận có thể nuôi lươn từ tháng 3 hàng năm, thời gian nuôi lươn thương phẩm từ 7-8 tháng.

6. Thu hoạch

Hình 21. Tháo cạn nước để thu hoạch

Tùy vào giá cả thị trường cũng như nhu cầu của người nuôi để lựa chọn thời điểm thu hoạch thích hợp. Đầu tiên, cần tháo một phần nước để lại khoảng 5 cm, sau đó dỡ bỏ

(43)

42

giá thể ra ngoài nhằm tránh xây xát rồi sử dụng vợt để bắt toàn bộ lươn thương phẩm đi tiêu thụ. Nên thu lươn vào buổi sáng tránh khi có thời tiết nắng và nhiệt độ cao.

Năng suất lươn thương phẩm từ 8-10 kg/m2, kích thước từ 7-9 con/kg, hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) tùy vào loại thức ăn sử dụng. Đối với thức ăn công nghiệp FCR dao động từ 2,5-3; thức ăn phối hợp chế biến từ 4-5; thức ăn cá tạp từ 5-6.

7. Một số bệnh thường gặp và biện pháp phòng trị 7.1. Một số biện pháp phòng bệnh chung

Để phòng bệnh tốt cho lươn quan trọng nhất vẫn là giữ được nguồn nước sạch, đồng thời định kỳ 10 ngày/ tắm cho lươn bằng Iodine. Khi tắm lươn phải tháo cạn nước, sau đó cấp 5 cm nước mới vào rồi phun đều dung dịch Iodine vào nước với liều lượng 1-2 mL/m3 (ppm) trong 5 phút, sau đó cấp thêm nước mới vào duy trì mực nước từ 25-35 cm. Ngoài ra, người nuôi cũng có thể sử dụng các loại thuốc, hóa chất sau để phòng bệnh cho lươn:

Dùng Tetracyline để tắm phòng bệnh cho lươn theo định kỳ 10 ngày/lần với liều 0,5 mg/L.

Bổ sung thêm vitamin C vào thức ăn với liều 5-10 g/kg thức ăn giúp tăng sức đề kháng cho lươn.

Có thể bổ sung chế phẩm Bokashi trầu với liều 10-20 mL/kg thức ăn để phòng bệnh và kích thích lươn bắt mồi giúp lươn phát triển nhanh.

(44)

43

Trong quá trình xử lý thuốc cần phải theo dõi thường xuyên, vì da lươn rất nhạy cảm với các chất kích thích, do đó cần chú ý theo dõi những phản ứng bất thường để có phương án xử lý kịp thời.

Trong quá trình nuôi cần chú ý đến giá thể, nếu giá thể là tre thì phải trơn láng vì lươn thường quấn mình quanh khung tre nên rất dễ bị xây xước khi đó nước ô nhiễm rất dễ gây ra bệnh lở loét.

7.2. Một số bệnh thường gặp Bệnh sốt nóng

Triệu chứng: Lươn tiết dịch nhờn gây ra nước nhớt.

Lươn quấn vào nhau, đầu sưng phồng và có thể chết hàng loạt.

Nguyên nhân chính: Bệnh thường xảy ra với mô hình nuôi lươn không bùn với mật độ cao, không có mái che.

Do đó, những ngày trời nắng nóng làm tăng nhiệt độ nước tăng lên kết hợp thức ăn thừa làm môi trường ô nhiễm dẫn đến lượng oxy hòa tan trong nước giảm.

Phòng và trị bệnh: Làm mái che mát cho bể nuôi, phân loại và san lươn sang bể khác, thay nước sạch 50%, tăng sức đề kháng cho lươn bằng cách bổ sung vitamin C hòa tan trong nước với liều 1 g/10 m3 nước.

Bệnh ký sinh trùng

Triệu chứng: Lươn giảm hoạt động, hậu môn sưng đỏ.

(45)

44

Tác nhân chính: Do ký sinh trùng ký sinh bám gây viêm ruột sưng đỏ hậu môn.

Phòng và trị bệnh: Dùng thuốc đặc trị ký sinh trùng như Vime-Clean của Công ty Vemedim với lượng 1 g/0,2- 0,3 kg thức ăn trộn vào thức ăn cho lươn ăn 4-5 ngày liên tục, tăng cường vitamin C, thay 50% nước.

Hình 22. Lươn bị sưng đỏ hậu môn Bệnh xuất huyết, lở loét

Triệu chứng: Lươn bệnh hoạt động chậm chạp, trên thân có những vết loét lõm sâu và xuất huyết (Đặng Hoàng Oanh, 2012).

Tác nhân: Aeromonas hydrophila.

Phòng và trị bệnh: Vệ sinh kỹ bể nuôi, nuôi bể xi măng cần tráng lớp men láng dưới đáy và xung quanh thành

(46)

45

bể từ đáy lên khoảng 30 cm. Khi lươn bị bệnh đầu tiên cần phải thay 30% nước mới bể nuôi, sau đó phun thuốc diệt khuẩn Iodine 1-2 mg/L tắm cho lươn trong 5 phút. Đồng thời, trộn thuốc Tetracyline dạng vỉ 1 viên/3-5 kg thức ăn.

Cũng có thể bôi trực tiếp vào vết loét trong 5-7 ngày liên tục bằng Iodine, Tetracyline.

Hình 23. Lươn bị lở loét do xây xước Bệnh nấm thủy mi

Triệu chứng: Xuất hiện các đám sợi hình bông bám vào đầu hoặc thân, lươn có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, bơi lội khó khăn. Xuất hiện những búi trắng như bông có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Tác nhân: Nấm Leptolegnia, Aphanomyces, Saprolegnia và Achlya.

(47)

46

Mùa vụ xuất hiện bệnh: Bệnh thường xảy ra vào mùa lạnh có nhiệt độ thấp <20oC, đây là điều kiện cho nấm phát triển mạnh.

Phòng và trị bệnh: Trước khi nuôi sát trùng bể, vệ sinh sạch sẽ. Tắm cho lươn bằng muối NaCl nồng độ 2-3%

hoặc hòa 10 mL Iodine trong 10 lít nước sạch để tắm trong 5-15 phút và thay 50% nước sạch.

Hình 24. Lươn bị nấm ở đầu

(48)

47

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thị Lệ Hoa (2009). Thử nghiệm nuôi vỗ thành thục và sinh sản lươn đồng (Monopterus albus Zuiew, 1793). Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Cần Thơ.

2. Đỗ Thị Thanh Hương, Nguyễn Thị Hồng Thắm, Nguyễn Anh Tuấn (2008). “Kết quả bước đầu về sản xuất giống nhân tạo lươn đồng”. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ.

3. Đỗ Thị Thanh Hương, Nguyễn Thị Lệ Hoa và Nguyễn Anh Tuấn (2010). “Nuôi vỗ thành thục và kích thích lươn đồng (Monopterus albus) sinh sản bằng HCG (Human chlorionic gonadotropine)”. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ.

4. Nguyễn Văn Hiệp, Huỳnh Hữu Ngãi (2014). “Các chỉ tiêu sinh sản của lươn đồng (Monopterus albus Zuiew, 1793) kích thích sinh sản bằng HCG và sinh sản tự nhiên”. Tạp chí Nghề cá, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2.

5. Lý Văn Khánh, Phan Thị Thanh Vân, Nguyễn Hương Thùy, Đỗ Thị Thanh Hương (2008). “Nghiên cứu đặc điểm sinh học dinh dưỡng và sinh sản của lươn đồng”. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ.

(49)

48

6. Võ Đức Nghĩa, Lê Thị Thu An, Trần Vinh Phương (2015). “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học sinh sản của lươn đồng (Monopterus albus Zuiew, 1793) tại Thừa Thiên Huế”, Tạp chí Khoa học Đại học Huế, tập 104 (5):139 - 151.

7. Đặng Hoành Oanh, Nguyễn Đức Hiền (2012). “Phân lập và xác định khả năng gây bệnh xuất huyết trên lươn đồng (Monopterus albus) của vi khuẩn Aeromonas hydrophila”. Tạp chí Trường Đại học Cần Thơ, 22c:

173-182.

8. Trần Vinh Phương (2017). Nghiên cứu phương pháp nuôi vỗ và thử nghiệm sinh sản nhân tạo lươn đồng Monopterus albus (Zuiew, 1793) tại Thừa Thiên Huế, mã số: DHH2015-14-01. Báo cáo tổng kết đề tài Khoa học và công nghệ cấp Đại học Huế.

9. Ngô Trọng Lư (2014). Kỹ thuật nuôi lươn, ếch, baba, cá lóc. Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội.

10. Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quốc gia (2010). Kỹ thuật nuôi lươn và cá chình. Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội.

11. Tran Vinh Phuong, Pham Thi Hai Yen, Nguyen Van Khanh, Vo Dieu, Nguyen Van Huy (2017).

Effects of Foods on Maturity and Spawning InductionMethods on Ovulation of Rice Field Eel Monopterus albus (Zuiew, 1793) in Thua Thien Hue

(50)

49

Province, Vietnam. Journal of Agricultural Science and Technology A and B & Hue University Journal of Science 7, 85-92. doi: 10.17265/2161-6256/2017.

10.011S.

12. Rene Wangiwang Pinkihan (2016). Nutrient Composition and Digestibility of Asian Swamp EeL (Monopterus albus) Meal in Broiler Nutrition.

International Journal of Science and Research (IJSR) ISSN (Online): 2319-7064. 5(7):803-809.

(51)

50

NHÀ XUẤT BẢN ĐẠI HỌC HUẾ

07 Hà Nội, TP. Huế - Điện thoại: 0234.3834486; Fax: 0234.3819886 http://huph.hueuni.edu.vn

Chịu trách nhiệm xuất bản Q. Giám đốc: TS. Trần Bình Tuyên

Chịu trách nhiệm nội dung Q. Tổng biên tập: TS. Nguyễn Chí Bảo

Thẩm định sách

PGS.TS. Nguyễn Duy Quỳnh Trâm Biên tập viên

Ngô Văn Cường Biên tập kỹ thuật Tôn Nữ Quỳnh Chi Trình bày, minh họa

Minh Hoàng Sửa bản in Ngô Cường Đối tác liên kết xuất bản

Trần Vinh Phương, Ban Khoa học, Công nghệ và Quan hệ quốc tế Đại học Huế, số 01 Điện Biên Phủ, thành phố Huế

KỸ THUẬT SẢN XUẤT GIỐNG VÀ NUÔI THƯƠNG PHẨM LƯƠN ĐỒNG Monopterus albus (Zuiew, 1793)

(Sách tham khảo)

In 100 bản, khổ 14.5x20.5cm tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vân Thái, 89 Nguyễn Huệ, thành phố Huế. Số xác nhận đăng ký xuất bản: 957-2021/CXBIPH/07-10/ĐHH. Quyết định xuất bản số:

52/QĐ-NXB, cấp ngày 31 tháng 03 năm 2021. In xong và nộp lưu chiểu năm 2021.

Mã số ISBN: 978-604-974-897-4

Tài liệu tham khảo

Tài liệu liên quan