• Không có kết quả nào được tìm thấy

BÀN VỀ TẦM QUAN TRỌNG VÀ NỘI DUNG VĂN HÓA HỌC ĐƯỜNG TRONG XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM ĐÀ LẠT Nguyễn Văn Thường

N/A
N/A
Protected

Academic year: 2024

Chia sẻ "BÀN VỀ TẦM QUAN TRỌNG VÀ NỘI DUNG VĂN HÓA HỌC ĐƯỜNG TRONG XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM ĐÀ LẠT Nguyễn Văn Thường"

Copied!
8
0
0

Loading.... (view fulltext now)

Văn bản

(1)

BÀN VỀ TẦM QUAN TRỌNG VÀ NỘI DUNG

VĂN HÓA HỌC ĐƯỜNG TRONG XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM ĐÀ LẠT

Nguyễn Văn Thường*

Tóm tt: Văn hoá học đường là môi trường để giáo dục, truyền tải tri thức, các giá trị, chuẩn mực văn hóa đến thế hệ trẻ và rèn luyện nhân cách con người. Trong môi trường đại học hiện nay, đa số các chủ thể tham gia vào quá trình giáo dục vẫn giữ được các giá trị, nét đẹp của nền giáo dục truyền thống, đặc biệt chuẩn mực đạo đức yêu trò, kính thầy vẫn là tư tưởng chủ đạo. Bên cạnh đó, trước những tác động của mặt trái kinh tế thị trường, sự bùng nổ của công nghệ thông tin; đặc biệt, sự du nhập của văn hóa phương Tây đã làm cho môi trường đại học bị biến đổi, đạo đức của một bộ phận giảng viên, sinh viên đang bị xuống cấp. Chính vì vậy cần có những cái nhìn và biện pháp để đưa ra nội dung văn hóa học đường hiệu quả nhất trong xã hội hiện đại. Văn hóa học đường ở trường CĐSP Đà Lạt được thể hiện qua phong cách giao tiếp của cán bộ, giảng viên và đặc biệt là sinh viên với vẻ đẹp của sự hiền hòa, thanh lịch, thân thiện, cởi mở, vui vẻ và lịch sự, điều đó đã mang lại hiệu quả trong quá trình đào tạo của nhà trường, tạo nên một hiệu ứng mô phạm trong phạm vi toàn trường, luôn gây được thiện cảm lớn trong lòng mỗi người khi tiếp xúc với các sinh viên tại ngôi trường bề dày lịch sử này.

1. Đặt vấn đề

Xu thế hội nhập văn hóa hiện nay đang đặt ra cho dân tộc chúng ta bài toán tiếp biến văn hóa. Tiếp biến như thế nào để hòa nhập mà không hòa tan trong bối cảnh những nền văn hóa ngoại lai đang trở nên ngày càng phổ biến trong sinh hoạt văn hóa của người dân, đặc biệt là của thanh niên, là một câu hỏi được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm.

Xuất phát từ bối cảnh hội nhập văn hóa hiện nay đã và đang đặt ra nhiều thách thức lớn cho dân tộc Việt Nam nói chung và thanh niên, sinh viên Việt Nam nói riêng.

Việc xâm nhập của các nền văn hóa ngoại lai vào nước ta trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là văn hóa phương Tây, tác động đến một bộ phận lớn dân cư cả ở thành thị và nông thôn, thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau và dưới nhiều hình thức khác nhau.

Trong thập kỉ đầu tiên của thế kỉ XXI, mối quan tâm về thương hiệu tổ chức ngày càng tăng. Thương hiệu đại học chính là tổng hợp những ghi nhận, đánh giá, ấn tượng văn hóa của xã hội về những sản phẩm cuối cùng của một dịch vụ giáo dục đại

* Giảng viên Khoa Bộ môn chung

(2)

học như kết quả giảng dạy, kết quả học tập, những công trình nghiên cứu khoa học.

Giống như nhiều tổ chức dịch vụ, các trường đại học đang đối mặt với một môi trường cạnh tranh ngày càng tăng. Thương hiệu đại học là một cái tên, một hình ảnh, một mô tả hấp dẫn của một tổ chức, lột tả được bản chất giá trị mà trường đại học đó cung cấp.

Thương hiệu đại học là một biểu hiện của các tính năng của một tổ chức để phân biệt nó với những tổ chức khác, phản ánh được năng lực để đáp ứng nhu cầu sinh viên, tạo sự tin tưởng vào khả năng cung cấp trình độ học vấn cao hơn và giúp người học tiềm năng đưa ra quyết định nhập học.

Thương hiệu nhà trường mạnh phải có được một văn hóa nhà trường tương ứng để tạo nên một bản sắc riêng và sức bật nội tại, giúp trường đại học có khả năng thích nghi được với sự thay đổi trong những hoàn cảnh kinh tế xã hội khác nhau. Mối quan hệ giữa văn hóa nhà trường và thương hiệu có thể khái quát trên hai khía cạnh: văn hóa là yếu tố không thể thiếu và thương hiệu là yếu tố làm nên nét văn hóa riêng biệt của nhà trường.

Chất lượng dịch vụ giáo dục thể hiện ở các yếu tố: Nguồn nhân lực, chương trình giảng dạy văn hóa nhà trường, cơ sở vật chất văn hóa nhà trường, quản lý và định hướng giáo dục.

Tại trường CĐSP Đà Lạt năm học 2019 – 2020, ngay từ đầu năm học, lãnh đạo nhà trường đã đưa ra chủ đề năm học: “Đoàn kết, đổi mới, kỷ cương, trách nhiệm”

không ngừng phát huy vai trò của sự đoàn kết và sáng tạo trong xây dựng văn hóa nhà trường trong thời đại kỷ nguyên công nghệ 4.0.

Từ những vấn đề trên, chúng tôi có thể khẳng định việc xây dựng nội dung văn hóa học đường cho các nhà trường hiện nay ở trường CĐSP Đà Lạt là điều cần thiết và văn hóa học đường có ảnh hưởng rất nhiều đến việc xây dựng thương hiệu nhà trường.

2. Giải quyết vấn đề

2.1. Quan nim v văn hóa học đường

Văn hoá học đường là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của một nền giáo dục, trong môi trường này tất cả các chủ thể tham gia từ người học đến nhà quản lý, giảng viên, nhân viên đều phải tuân thủ pháp luật, quy định, rèn luyện đạo đức, lối sống... Nếu môi trường học đường không giữ được nền nếp, giá trị, chuẩn mực, thầy không ra thầy, trò không ra trò thì nhà trường không thể thực hiện được chức năng truyền tải, giáo dục văn hóa.

Để xây dựng văn hóa học đường cần thực hiện đồng bộ từ cơ chế, chính sách, pháp luật, quy định đến việc giữ đúng chuẩn mực đạo đức, văn hóa của mỗi chủ thể tham gia vào quá trình giáo dục. Có thể nói, khái niệm văn hóa học đường là một khái niệm còn mới ở Việt Nam, đến nay có một số nghiên cứu cũng bước đầu đề cập đến

(3)

khái niệm này: “Văn hoá học đường là hệ thống những giá trị vật chất và tinh thần được hình thành và tích luỹ trong lịch sử bao gồm những suy nghĩ, quan niệm thói quen, tập quán, tư tưởng, luật pháp... nhằm thiết lập mối quan hệ giữa thầy, trò và các thành viên có liên quan để việc dạy và học đạt kết quả cao” [2, tr.497]. Ở một khía cạnh khác, khái niệm văn hóa học đường được đề cập đến ở những nội dung cụ thể hơn: “Văn hóa học đường là toàn bộ yếu tố vật chất (giảng đường, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, không gian, cảnh quan) đảm bảo tính thẩm mỹ, giáo dục, góp phần tạo nên môi trường và phương tiện giáo dục tốt nhất; nội quy, quy chế của nhà trường phù hợp với chuẩn mực văn hóa chung của xã hội, phù hợp với nội quy, quy định của môi trường học đường đảm bảo cho các hoạt động trong trường học diễn ra lành mạnh, đạt mục tiêu giáo dục là đào tạo những con người toàn diện, có đủ đức, trí, mỹ, thể, có tri thức và có hoài bão khát vọng vươn lên” [2, tr.49].

Theo Giáo sư Phạm Minh Hạc thì: “Văn hóa học đường là hệ các chuẩn mực, giá trị giúp cán bộ quản lý nhà trường, thầy cô giáo, các vị phụ huynh và các em sinh viên, sinh viên có các cách thức suy nghĩ, tình cảm, hành động tốt đẹp” [2, tr.49].

Như vậy, nhìn chung khái niệm văn hóa học đường được biểu hiện ở một số nội dung sau: Văn hóa học đường là khái niệm đề cập đến toàn bộ hoạt động vật chất, tinh thần của một nhà trường; biểu hiện trước hết ở hệ thống các giá trị, chuẩn mực, niềm tin, quy tắc ứng xử tốt đẹp giữa các chủ thể trong môi trường giáo dục; đóng góp tích cực vào quá trình hoàn thiện, phát triển nhân cách người học, hướng đến các giá trị chân, thiện, mỹ.

2.2. Tầm quan trọng của văn hóa học đường trong xây dựng thương hiệu nhà trường

Là một hệ thống mục tiêu giá trị, qui chuẩn mô phạm của một cơ quan giáo dục với tư cách một thể chế xã hội đặc thù, có định hướng, chỉ đường, dẫn lối cho việc xây dựng văn hóa tổ chức nhà trường.

Các chuẩn mực, nội qui, điều lệ nhà trường, quy tắc trong văn hóa tổ chức nhà trường có tác dụng hỗ trợ, điều phối, kiểm soát kỷ cương, nề nếp trong nhà trường.

Tạo động lực cho mọi hoạt động và xây dựng các mối quan hệ trong nhà trường, văn hóa tổ chức nhà trường góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường, làm tăng hiệu quả hoạt động nhà trường, góp phần giảm thiểu, khắc phục những nguy cơ làm giảm sức mạnh của tổ chức nhà trường.

Xây dựng những phẩm chất, truyền thống, nếp sống, phong cách đặc trưng của nhà trường, góp phần củng cố, nâng cao uy tín, thương hiệu của nhà trường, tạo đà cho các bước phát triển nhà trường.

(4)

Hệ thống giá trị cốt lõi, qui chuẩn mô phạm, chuẩn đầu ra cần đạt trong xây dựng và phát triển văn hóa trường phổ thông được thể hiện gần đây trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Các phẩm chất chủ yếu: Yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm.

Các năng lực cốt lõi gồm: Năng lực chung: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Các năng lực trên đã được xác định trong nhiều chương trình giáo dục ở nước ngoài, đặc biệt là các tài liệu xác định và lựa chọn các năng lực cốt lõi của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế năm 2005.

Hệ thống những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi nói trên là hệ giá trị mục tiêu mới nhất đang được triển khai ở các trường học. Việc xây dựng văn hóa học đường phải đi theo các mục tiêu này.

Văn hoá là một thứ tài sản lớn của bất kỳ một nhà trường nào:

Điều này được xác định dựa trên những căn cứ sau: Nhà trường là nơi bảo tồn và lưu truyền các giá trị văn hoá nhân loại; Nhà trường là nơi đào luyện những lớp người mới, chủ nhân gìn giữ và sáng tạo văn hoá cho tương lai; Nhà trường là nơi con người với con người (người dạy với người học) cùng hoạt động để chiếm lĩnh các mục tiêu văn hoá, theo những cách thức văn hoá, dựa trên những phương tiện văn hoá, trong môi trường văn hoá đại diện cho mỗi vùng, miền, địa phương.

Văn hoá tổ chức nhà trường tạo động lực làm việc:

Văn hoá nhà trường giúp giảng viên, nhân viên, sinh viên thấy rõ mục tiêu, định hướng và bản chất công việc mình làm;

Văn hoá nhà trường phù hợp, tích cực tạo ra các mối quan hệ tốt đẹp giữa các cán bộ, giảng viên, nhân viên trong tập thể sư phạm, giữa giảng viên và sinh viên;

đồng thời, tạo ra một môi trường làm việc thoải mái, vui vẻ, lành mạnh. Đó là nền tảng tinh thần cho sự sáng tạo – điều vô cùng quan trọng đối với hoạt động sư phạm mà đối tượng là tri thức và con người;

Văn hoá nhà trường tích cực giúp cho người dạy, người học và mỗi cá nhân trong lực lượng xã hội xung quanh có cảm giác tự hào, hãnh diện vì được là thành viên của tổ chức nhà trường, được làm việc vì những mục tiêu cao cả của nhà trường.

Muốn tạo động lực cần khơi dậy nhu cầu và đáp ứng nhu cầu chính đáng của mọi người. Khi nhu cầu còn ở mức độ thấp, động lực với người lao động sư phạm là đồng lương, thu nhập, tiền thưởng… bó gọn trong những giá trị vật chất. Khi nhu cầu vật chất thoả mãn một mức độ cao hơn, người lao động nói chung, nhà giáo nói riêng sẵn sàng đánh đổi, chọn mức thu nhập thấp hơn để được làm việc ở một môi trường

(5)

hòa đồng, thân thiện, thoải mái, được cống hiến, sáng tạo và được thừa nhận, tôn trọng và phát triển.

Nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục của nhà trường:

Tổng hợp tất cả các yếu tố trên, từ sự gắn kết, tạo động lực, điều phối kiểm soát và hạn chế những nguy cơ làm giảm sức mạnh của tổ chức, có thể thấy rằng, văn hóa tổ chức đã làm tăng hiệu quả các hoạt động trong nhà trường, trên cơ sở đó mà dần dần tạo nên những phẩm chất đặc trưng riêng, khác biệt cho tổ chức trường học. Đó là cơ sở nâng cao uy tín, “thương hiệu” của nhà trường, tạo đà cho các bước phát triển tốt hơn.

Vì vậy, trong quá trình xây dựng thương hiệu trường học cần xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của văn hóa học đường để vạch ra việc định hướng chiến lược trong quá trình phát triển môi trường học tập của nhà trường được rõ ràng hơn, thuận lợi hơn

2.3. Nội dung văn hóa học đường

- Văn hóa học đường là văn hóa môi trường

Học đường là nơi để tiến hành dạy và học với sự tham gia của cơ sở vật chất trường học, cán bộ quản lý giáo dục, thầy, trò, chương trình, nội dung giáo dục… để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục đào tạo của từng trường học. Do vậy, nói đến văn hóa học đường trước hết phải nói đến môi trường, cảnh quan sư phạm, cây xanh, hoa kiểng, nơi vui chơi, giải trí, sinh hoạt, hội họp, học tập, thực hành thí nghiệm, vệ sinh an toàn… như thế nào. Tổng quan toàn cảnh nhà trường từ cổng, hàng rào, bảng tên trường, bàn ghế, nhà làm việc, nhà vệ sinh… đều toát lên nét văn hóa của trường học. Nhưng điều đó không hẳn là cổng trường to hay nhỏ, hoa kiểng đẹp hay xấu, cây xanh nhiều hay ít… mà quan trọng là cách sắp xếp, bố cục các vật thể ấy trong nhà trường như thế nào? Nói lên điều gì? Văn hóa học đường tuy không phải là vật thể nhưng văn hóa học đường thể hiện qua các vật thể ấy.

- Văn hóa học đường là văn hóa tổ chức

Trường học là một tổ chức, văn hóa học đường là văn hóa tổ chức. Một tổ chức sau khi được hình thành, tồn tại và phát triển thì tự khắc nó sẽ dần dần hình thành nên những nề nếp, chuẩn mực, lễ nghi, niềm tin và giá trị. Đó là sợi dây vô hình gắn kết các thành viên trong tổ chức lại với nhau cùng phấn đấu cho những giá trị chung của tổ chức. Đó là nghi lễ, đồng phục, không khí học tập trật tự, sinh hoạt nề nếp, đi học đúng giờ, hiểu biết, tôn trọng, đoàn kết nhau, cùng nhau bảo vệ không làm thiệt hại danh dự, uy tín chung của nhà trường…

- Văn hóa học đường là văn hóa ứng xử

Văn hóa học đường là hành vi ứng xử của các chủ thể tham gia hoạt động giáo dục đào tạo trong nhà trường, là lối sống văn minh trong trường học thể hiện như:

(6)

Ứng xử của thầy, cô giáo với sinh viên được thể hiện như sự quan tâm đến sinh viên, biết tôn trọng người học, biết phát hiện ra ưu điểm, nhược điểm người học để chỉ bảo.

Ứng xử của sinh viên với thầy, cô giáo thể hiện bằng sự kính trọng, yêu quí của người học với thầy, cô giáo.

Ứng xử giữa lãnh đạo với giảng viên, nhân viên thể hiện người lãnh đạo phải có năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục. Người lãnh đạo có lòng vị tha, độ lượng, tôn trọng giảng viên, nhân viên xây dựng được bầu không khí lành mạnh trong tập thể nhà trường.

Ứng xử giữa các đồng nghiệp, sinh viên với nhau phải thể hiện qua cách đối xử mang tính tôn trọng, thân thiện, giúp đỡ lẫn nhau.

Đối với sinh viên trường CĐSP Đà Lạt thì môi trường rèn luyện chính là thông qua chính các hoạt động học tập và giáo dục tại trường để rèn luyện và xây dựng văn hóa trong chính mỗi sinh viên: thông qua học tập là các tiết học rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, thông qua hoạt động giáo dục là các buổi hoạt động ngoài khóa, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, đó là các kênh để các em trau dồi bản thân mỗi ngày.

Môi trường học tập của sinh viên CĐSP Đà Lạt là môi trường rèn luyện tốt, giúp các em hình thành năng lực sở trường của bản thân thông qua các hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, các môn học phương pháp giảng dạy, từ đó hình thành năng lực sư phạm, năng lực nghề giáo viên cần thiết cho các em, chính các em là hình mẫu cho các thế hệ trẻ tương lai sau này. Chính vì vậy, các em phải không ngừng học tập và nghiên cứu, bồi dưỡng năng lực của bản thân mỗi ngày.

Tóm lại, tất cả các ứng xử trong nhà trường đều thể hiện môi trường sống văn minh, lịch sự của nhà trường và góp phần tạo nên thương hiệu trong nhà trường. Đây cũng là vấn đề cơ bản nhất mà mỗi trường học nói chung và trường CĐSP Đà Lạt nói riêng cần quan tâm để tạo ra những sản phẩm giáo dục mang giá trị cốt lõi cao, phù hợp với sự phát triển của xã hội và phát triển văn hóa học đường theo quan điểm, định hướng phát triển riêng của từng trường.

2.4. Xây dựng chuẩn mực văn hóa học đường của giảng viên

Đối với giảng viên đại học, cao đẳng thì cần phải có tối thiểu những năng lực và phẩm chất như sự tâm huyết với nghề, có lý tưởng sống đúng, trung thực, năng lực chuyên môn thể hiện ở khả năng nghiên cứu khoa học và phải coi đổi mới phương pháp giảng dạy là yếu tố cốt lõi để nâng cao chất lượng đào tạo đại học hiện nay.

Sự tâm huyết với nghề: Giảng viên đại học nói chung và giảng viên trường CĐSP Đà Lạt nói riêng cần phải có sự tâm huyết với nghề, bởi vì chỉ khi tâm huyết

(7)

với nghề, họ mới có đủ tri thức, tình cảm, nghị lực để vượt qua khó khăn trong giảng dạy và cuộc sống, để “ươm” tài năng cho đất nước.

Lý tưởng sống đúng, có phẩm chất trung thực: Nhà giáo phải có lý tưởng sống đúng đắn, nói và làm theo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, thực hiện theo đúng quy định về chuẩn mực đạo đức nhà giáo. Có như vậy giảng viên mới định hướng để sinh viên có một thế giới quan đúng đắn khi nhìn nhận đánh giá một sự vật, hiện tượng nào đó. Giảng viên phải kiên quyết đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, thù địch, đồng thời phải kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa ngay trong môi trường giáo dục hiện nay.

Năng lực chuyên môn thể hiện ở khả năng nghiên cứu khoa học: Là giảng viên đại học thì cần phải có trình độ cao, được đào tạo bài bản, đúng ngành, đặc biệt phải có năng lực nghiên cứu khoa học, tích cực, chủ động nghiên cứu khoa học. Nếu giảng viên không nghiên cứu thì sẽ không thường xuyên bổ sung kiến thức mới cho bài giảng, kiến thức đã có sẽ trở nên giáo điều, lạc hậu, làm giảm chất lượng đào tạo, làm cho Việt Nam ngày càng tụt hậu xa hơn so với thế giới.

Đổi mới phương pháp giảng dạy: Đây là yêu cầu tất yếu trong quá trình đổi mới toàn diện đại học Việt Nam hiện nay. Mỗi phương pháp đều có thế mạnh riêng, giảng viên phải căn cứ vào nội dung chương trình để lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp. Đặc biệt, giảng viên phải quan tâm và sử dụng các phương pháp giáo dục hiện đại “lấy người học làm trung tâm”, phải tăng cường sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên trong quá trình đào tạo, giảng viên chủ yếu đóng vai trò là người gợi mở, định hướng để sinh viên chủ động, tích cực chiếm lĩnh tri thức.

Để xây dựng văn hóa học đường trong môi trường đại học hiện nay cần phải có sự tác động nhiều chiều, từ nhiều chủ thể khác nhau, trong đó giảng viên giữ vai trò quan trọng nhất, giảng viên phải là người mẫu mực về chuyên môn, nhân cách, đạo đức, lối sống thì mới làm tròn chức năng truyền tải tri thức, văn hóa, góp phần phát triển nhân cách sinh viên.

Giảng viên phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giáo dục để phát huy tính tích cực của sinh viên trong quá trình học tập. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên không chỉ dừng lại ở trang bị, định hướng, gợi mở tri thức cho người học, mà còn phải truyền cả tình thương, sự tâm huyết để kiến thức, văn hóa trở thành niềm tin, động lực thúc đẩy sinh viên điều chỉnh nhận thức, thái độ và hành vi của mình, khơi dậy ở họ ý chí vượt qua khó khăn, chiếm lĩnh tri thức khoa học, đóng góp trí tuệ cho công cuộc xây dựng đất nước.

(8)

Giảng viên trường CĐSP Đà Lạt chính là linh hồn, là sợi dây dẫn dắt bao thế hệ học trò và là những ký ức của bất kỳ thế hệ sinh viên nào. Vì vậy, để xây dựng tốt thương hiệu của nhà trường, bản thân giảng viên không ngừng cố gắng và lan tỏa những điều thú vị, tích cực tới các thế hệ sinh viên, giúp các em luôn có tư duy sáng tạo, lạc quan và biết phát triển chính từ năng lực bản thân.

3. Kết luận

Tóm lại, văn hoá học đường là môi trường để giáo dục và rèn luyện nhân cách con người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nếu môi trường học đường bị “ô nhiễm” thì nhà trường không thực hiện được chức năng truyền tải tri thức, các giá trị, chuẩn mực văn hóa đến thế hệ trẻ. Trong môi trường đại học hiện nay, đa số các chủ thể tham gia vào quá trình giáo dục vẫn giữ được các giá trị, nét đẹp của nền giáo dục truyền thống, đặc biệt chuẩn mực đạo đức yêu trò, kính thầy vẫn là tư tưởng chủ đạo. Cho nên, việc xây dựng văn hóa nhà trường là điều hết sức cần thiết đối với bất kỳ môi trường học tập nào và ở trường CĐSP Đà Lạt cũng vậy, nhà trường chúng tôi đã và đang dần hướng đến ngôi trường có môi trường học tập ngày càng phát triển hơn với nền văn hóa giáo dục tốt, hiện đại và chuyên nghiệp nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội trong thời đại 4.0. Trường CĐSP Đà Lạt, một thương hiệu nhà trường trong sạch, vững mạnh, luôn giữ gìn và phát huy giá trị chuẩn mực, đạo đức cũng như trong hoạt động giáo dục - đào tạo theo quy định của Đảng và Nhà nước ở thời kì hội nhập và phát triển đất nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm Minh Hạc (1996), Vấn đề con người trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, NXB Chính trị Quốc Gia, Hà Nội.

2. Nguyễn Hải Thập (2017), Tài liệu Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên chính hạng II, NXB Giáo dục, Hà Nội.

3. Lê Khánh Tuấn (2019), Chuyên đề 1 và chuyên để 10, Bài giảng Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên chính hạng II, Đại học Sài Gòn, TP.

Hồ Chí Minh.

4. Văn hóa nhà trường trong bối cảnh đổi mới giáo dục, Kỷ yếu hội thảo khoa học Quốc gia Học Viện Quản lý giáo dục năm 2018, NXB Lao động – Xã hội, Hà Nội.

Tài liệu tham khảo

Tài liệu liên quan