• Không có kết quả nào được tìm thấy

Đặc điểm của tỷ lệ các chất chuyển hoá tại vùng u

CHƯƠNG 4: BÀN LUẬN

4.4. Đặc điểm của UTKĐ trên cộng hưởng từ phổ

4.4.2. Đặc điểm của tỷ lệ các chất chuyển hoá tại vùng u

4.4.2. Đặc điểm của tỷ lệ các chất chuyển hoá tại vùng u

khác biệt về tỷ lệ Cho/NAA giữa nhóm bậc thấp và bậc cao ở cả TE ngắn 35 ms (nồng độ trung bình lần lượt là 2,02  0,94 vs 1,88  0,96) và TE trung bình 144 ms (nồng độ trung bình lần lượt là 7,09  6,69 vs 4,57  4,35). Sự khác biệt của kết quả này có thể do sự khác biệt về kỹ thuật và trong nghiên cứu vị trí đo được đặt ở vùng u đặc trên T2W hoặc FLAIR, tuy nhiên, tín hiệu u trên T2W hay FLAIR không phản ánh mật độ tế bào hay mức độ tăng sinh tế bào do vậy tỷ lệ Cho/NAA tại vị trí này có thể không phải cao nhất [140].

Vuorri trong nghiên cứu phân biệt UTKĐ bậc thấp và loạn sản vỏ não dựa trên CHT phổ nhận thấy không có sự khác biệt về tỷ lệ Cho/NAA giữa các loại UTKĐ [132]. Kết quả của chúng tôi có sự tương đồng với các nghiên cứu đã được công bố, tỷ lệ Cho/NAA có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các bậc u, giữa nhóm u bậc thấp và bậc cao. Tỷ lệ này có xu hướng tăng dần theo mức độ ác tính của u, tuy nhiên, giảm nhẹ ở nhóm u bậc IV so với nhóm bậc III. Điều này có thể được giải thích do các u bậc IV thường có hoại tử trong u do vậy nồng độ Cho trong u có thể thấp hơn nhóm bậc III.

4.4.2.2. Cho/Cr

Giá trị của tỷ lệ Cho/Cr không có sự tương đồng trong các nghiên cứu.

Nhiều tác giả cho rằng tỷ lệ Cho/ Cr có tỷ lệ chẩn đoán đúng cao hơn so với các tỷ lệ Cho/NAA và NAA/Cr mặc dù sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê [4, 80, 139]. Tác giả Liu trong nghiên cứu 33 trường hợp cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê của tỷ lệ Cho/Cr giữa nhóm u bậc thấp và bậc cao [139]. Kết quả tương tự cũng được công bố trong nghiên cứu của Law [4] và Yang [138], tuy nhiên không có sự khác biệt về tỷ lệ này giữa nhóm u bậc III và bậc IV. Caulo ghi nhận sự khác biệt giữa nhóm u bậc thấp và bậc cao và giữa nhóm UTKĐ ít nhánh bậc II và bậc III ở tỷ lệ Cho/Cr tại vùng giảm tín hiệu nhất trên T2W, tuy nhiên, không có sự khác biệt ở vùng ngấm thuốc trên T1W [108]. Nghiên cứu trên 23 trường hợp UTKĐ, Toyooka nhận thấy tỷ lệ Cho/Cr có sự khác biệt giữa các nhóm u bậc II, III và IV, tuy nhiên,

không có sự khác biệt giữa nhóm u bậc III và bậc IV. Tác giả cho rằng tỷ lệ này có giá trị trong chẩn đoán phân biệt giữa nhóm u bậc II và bậc III [80].

Các nghiên cứu cũng đều cho thấy tỷ lệ Cho/Cr có xu hướng tăng dần theo mức độ ác tính của u. Nồng độ trung bình của tỷ lệ Cho/Cr ở nhóm u bậc thấp và bậc cao trong nghiên cứu của Zou* [7] lần lượt là 1,88  0,47 và 2,89  0,84; tương tự, nghiên cứu của Zeng [92] cho kết quả 1,72  0,62 với u bậc thấp và 2,94  1,83 với u bậc cao. Shimizu trong nghiên cứu mối liên quan giữa các chất chuyển hoá trên CHT phổ và chỉ số Ki- 67 là chỉ số chỉ điểm cho sự tăng sinh tế bào u đã cho thấy có mối liên quan chặt chẽ giữa nồng độ Cho và chỉ số này [131]. Vì vậy, sự tăng nồng độ Cho liên quan đến sự tăng mật độ tế bào hay tăng mức độ ác tính của u. Điều đó cũng gợi ý các tỷ lệ liên quan đến Cho như Cho/Cr và Cho/NAA phản ánh vùng ác tính nhất của khối.

Ngược lại, có nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ Cho/Cr không có giá trị trong chẩn đoán phân bậc UTKĐ. Vuori không thấy các sự khác biệt về tỷ lệ này giữa các loại u sao bào, UTKĐ ít nhánh và u hỗn hợp bậc II [132]. Lê Văn Phước cho thấy có sự tăng dần về nồng độ của Cho/Cr ở các bậc u, tuy nhiên sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê. Hsu trong nghiên cứu 27 trường hợp khẳng định tỷ lệ Cho/Cr không có sự khác biệt giữa nhóm u bậc thấp và bậc cao [135]. Trong nghiên cứu chúng tôi cũng nhận thấy có sự tăng dần của nồng độ Cho/Cr theo các bậc u, tuy nhiên, tương tự như tỷ lệ Cho/NAA, nồng độ Cho/Cr ở nhóm u bậc IV giảm hơn so với nhóm u bậc III. Điều này đã được giải thích ở trên do nồng độ Cho thường có xu hướng giảm ở vùng u hoại tử, một đặc điểm hay gặp ở nhóm u bậc IV. Ngoài ra, chúng tôi không thấy có sự khác biệt về tỷ lệ Cho/Cr giữa các bậc u, giữa các nhóm u hay giữa các loại UTKĐ. Sự khác biệt này có thể do số lượng u bậc IV trong nghiên cứu chỉ chiếm 36%, đồng thời, kỹ thuật CHT phổ đa thể tích cũng cho nồng độ Cho khác với kỹ thuật đơn thể tích do hiệu ứng thể tích bán phần.

4.4.2.3. NAA/Cr

Tỷ lệ NAA/Cr thường có giá trị thấp hơn các tỷ lệ liên quan đến Cho trong các nghiên cứu [4, 80, 139], điều này có thể do NAA là chất chỉ điểm cho sự sống còn của tế bào neuron ít liên quan đến quá trình phát triển của u.

Mặc dù vậy, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy nồng độ NAA/Cr giảm rõ rệt ở các nhóm UTKĐ bậc cao. Nồng độ NAA/Cr ở nhóm u bậc thấp và bậc cao trong nghiên cứu của Law [4] lần lượt là 1,20  0,71 và 0,90  0,62, của Zou [7] là 0,88  0,28 và 0,49  0,14. Nghiên cứu của Liu sử dụng kỹ thuật CHT phổ đơn thể tích và của Zeng sử dụng kỹ thuật CHT phổ đa thể tích hay của Phước nghiên cứu trên 109 bệnh nhân u sao bào đều ghi nhận tỷ lệ NAA/Cr sự khác biệt có ý nghĩa thống kê ở nhóm u bậc cao so với u bậc thấp [13, 92, 139]. Ngược lại, một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ NAA/Cr không có sự khác biệt trong chẩn đoán phân bậc UTKĐ. Costanzo trong nghiên cứu 44 trường hợp xác định nồng độ NAA/Cr ở nhóm u bậc thấp là 0,97  0,23 và nhóm u bậc cao là 0,84  0,52, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê [95]. Law [4], Yang [138] và Hsu [135] khẳng định tỷ lệ này không có sự khác biệt giữa nhóm u bậc III và bậc IV. Vuorri không thấy có sự khác biệt giữa u sao bào, UTKĐ ít nhánh và u hỗn hợp về tỷ lệ NAA/Cr [132]. Toyooka nhận thấy có sự giảm nồng độ NAA ở các u bậc cao, tuy nhiên, không có có sự khác biệt giữa sự giảm tỷ lệ NAA/Cr và bậc của u [80]. Trong nghiên cứu của chúng tôi, nồng độ trung bình của tỷ lệ NAA/Cr giảm theo bậc của u và giữa nhóm bậc thấp và bậc cao. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê của tỷ lệ này trong chẩn đoán phân bậc UTKĐ.

Tóm lại, qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy tại vùng u nồng độ Cho/NAA và Cho/Cr tăng và nồng độ NAA/Cr giảm theo mức độ ác tính của UTKĐ là đặc điểm quan trọng trong chẩn đoán phân bậc UTKĐ. Tỷ lệ Cho/NAA có vai trò quan trọng trong phân biệt các bậc của UTKĐ và giữa nhóm u bậc thấp và bậc cao khi đều có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê của

tỷ lệ này với các bậc của u. Các tỷ lệ Cho/Cr và NAA/Cr mặc dù có sự thay đổi nhưng không có ý nghĩa thống kê trong chẩn đoán phân bậc UTKĐ. Điều này cũng phù hợp với nhiều nghiên cứu đã được tiến hành [4, 7, 8, 141].

Nghiên cứu của chúng tôi và các nghiên cứu khác cũng cho thấy tỷ lệ các chất chuyển hoá ít giá trị trong chẩn đoán phân biệt giữa u sao bào, UTKĐ ít nhánh và u hỗn hợp, giữa nhóm u bậc III và bậc IV [135, 138]. Các u bậc III và bậc IV thường có tín hiệu không đồng nhất và hoại tử rộng trong u làm thay đổi nồng độ các chất chuyển hoá, nồng độ Cho trong u bậc IV thường thấp hơn ở u bậc III có thể là nguyên nhân hạn chế độ chính xác của CHT phổ trong phân biệt hai nhóm u này. Tuy nhiên, một số tác giả gợi ý lipid và lactate là các chất chuyển hoá được tạo ra trong quá trình hoại tử của u có thể giúp chẩn đoán phân biệt trong trường hợp này [80, 135].