• Không có kết quả nào được tìm thấy

So sánh siêu âm trong lòng mạch và chụp động mạch vành trong

CHƯƠNG 4 BÀN LUẬN

4.2. ĐẶC ĐIỂM TỔN THƯƠNG ĐỘNG MẠCH VÀNH TRÊN SIÊU ÂM TRONG

4.2.5. So sánh siêu âm trong lòng mạch và chụp động mạch vành trong

* Siêu âm trong lòng mạch phát hiện nhiều tổn thương canxi hoá hơn so với chụp động mạch vành

Trong nghiên cứu của chúng tôi, IVUS phát hiện nhiều tổn thương canxi hoá hơn hẳn so với chụp mạch (59 so với 20, p = 0,0001). Như vậy, theo kết quả nghiên cứu, có 39 tổn thương canxi hoá không phát hiện được trên chụp mạch mà lại phát hiện được trên IVUS. Nhiều báo cáo trên thế giới cũng cho thấy, IVUS có khả năng phát hiện tổn thương canxi hoá mà không đánh giá được trên chụp mạch. Một nghiên cứu trên 1155 vị trí tổn thương, IVUS phát

hiện ra canxi hoá ở 73% số bệnh nhân, trong khi chụp mạch chỉ phát hiện ra ở 38% số bệnh nhân [109].

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, chụp mạch phát hiện canxi hoá bề mặt tốt hơn so với canxi hoá ở sâu. Canxi hoá có thể làm cho thành mạch giãn nở không đều, đặc biệt phần đầu gần của tổn thương trở nên cứng và không đàn hồi. Tổn thương bị canxi hoá nhiều cũng gây khó khăn cho can thiệp động mạch vành bằng bóng hay đặt Stent. Do đó, phát hiện tổn thương động mạch vành bị canxi hoá và mức độ canxi hoá bằng siêu âm trong lòng mạch là rất quan trọng vì dựa vào đó giúp lựa chọn phương pháp can thiệp, dụng cụ và kích cỡ dụng cụ phù hợp nhất với tổn thương.

* Siêu âm trong lòng mạch đánh giá chiều dài của tổn thương dài hơn so với QCA

Chụp mạch đo chiều dài tổn thương từ đầu gần đến đầu xa dựa theo hình chiếu của lòng mạch chứa đầy thuốc cản quang. Tuy nhiên, một hình chiếu thì không thể đánh giá chính xác được với các mạch uốn lượn, hoặc tại các điểm uốn do có hiện tượng chồng hình. IVUS đo chiều dài tổn thương bằng cách đưa dầu dò IVUS vào trong lòng ĐMV, chiều dài tổn thương được xác định bằng tích số giữa vận tốc và thời gian đầu dò đi qua tổn thương do đó điểm uốn hay mạch ngoằn ngoèo hoặc hiện tượng chồng hình không còn là vấn đề đáng ngại nữa. Tuy nhiên, để việc đo chiều dài bằng IVUS chính xác cao thì vận tốc kéo ngược đầu dò phải cố định và trục của đầu dò trong quá trình di chuyển phải song song với trục của mạch máu. Thêm vào đó, đo chiều dài tổn thương đòi hỏi phải xác định điểm cuối của tổn thương, đây là điều khó khăn bởi vì những điểm này hiếm khi không xơ vữa. Các nghiên cứu về giải phẫu bệnh trước đây và về IVUS sau này đều cho thấy xơ vữa động mạch là một bệnh lý lan toả hơn là khu trú. Hầu hết các vị trí được đánh giá là bình

thường hoặc hẹp nhẹ trên chụp động mạch vành đều tồn tại mảng xơ vữa ở các mức độ khác nhau. IVUS giúp quan sát được lòng mạch và thành mạch, do vậy việc xác định vị trí tham chiếu đầu gần và đầu xa trên IVUS để xác định chiều dài tổn thương khác với trong QCA. Do các ưu điểm trên nên chiều dài lòng mạch đo trên IVUS chính xác hơn, và thường dài hơn trên chụp mạch. Do đó, trong nghiên cứu của chúng tôi, chiều dài tổn thương trên IVUS lớn hơn so với trên QCA. Nghiên cứu của Yamagishi và cộng sự cũng cho kết quả chiều dài tổn thương đo trên IVUS dài hơn đo trên QCA, 16,3 ± 8,9 (mm) so với 12,4 ± 6,1 (mm), p <0,01 [111]. Nghiên cứu của Mintz và cộng sự cũng cho thấy chiều dài tổn thương đo trên IVUS dài hơn so với đo trên QCA [27],[67].

Việc đo được chiều dài tổn thương trong thủ thuật đặt Stent là rất quan trọng. Bởi vì, chiều dài tổn thương nhìn chung sẽ quyết định chiều dài dụng cụ can thiệp (Stent hoặc bóng…). Đặt Stent thường, xu hướng chung là chọn chiều dài phù hợp nhất mà ngắn nhất có thể được để làm giảm khả năng tái hẹp. Với Stent bọc thuốc, xu hướng lại là che phủ tổn thương nhiều nhất có thể và đầu của Stent nên ở vị trí lòng mạch lớn nhất và ít xơ vữa nhất. Như vậy, với từng tổn thương, từng loại dụng cụ can thiệp, IVUS đều có khả năng giúp lựa chọn được độ dài tối ưu nhất.

* So sánh các đường kính lòng mạch đo trên IVUS và đo trên QCA Đường kính lòng mạch nhỏ nhất là một trong các thông số tham khảo đánh giá nhu cầu cần tái tưới máu động mạch vành.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, đường kính lòng mạch nhỏ nhất đo trên IVUS lớn hơn đo trên QCA: 2,03 ± 0,40 (mm) so với 1,90 ± 0,47 (mm);

p <0,05. Kết quả này cũng tương tự một số nghiên cứu trên thế giới. Theo nghiên cứu của Yamagishi và cộng sự, trên 491 tổn thương mạch vành cũng

ghi nhận đường kính lòng mạch nhỏ nhất đo trên IVUS lớn hơn đo trên QCA:

1,02 ± 0,22 (mm) trên IVUS so với 0,9 ± 0,43 (mm) trên QCA[111]. Còn theo nghiên cứu của Abiziad, trên 122 bệnh nhân cũng cho thấy đường kính lòng mạch nhỏ nhất đo trên IVUS lớn hơn đo trên QCA: 2,8 ± 0,82 (mm) so với 2,26 ± 0,82 (mm); p= 0,0005[66].

Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi, đường kính lòng mạch nhỏ nhất (MLD) đo trên IVUS tỷ lệ thuận với đường kính lòng mạch nhỏ nhất đo trên QCA. Điều đó có nghĩa là, nếu đường kính lòng mạch nhỏ nhất đo trên QCA lớn thì đường lòng mạch nhỏ nhất (MLD) trên IVUS cũng lớn (r=0,558). Kết quả này của chúng tôi phù hợp với một số nghiên cứu của tác giả Abizaid[33],[112]. Theo tác giả này, mối liên quan giữa đường kính lòng mạch nhỏ nhất trên QCA và IVUS là ở mức trung bình (r=0,339).

Tương tự, De Scheerder và cs., trong nghiên cứu trên 80 đoạn tổn thương hẹp mức độ nhẹ đến vừa cũng ghi nhận mối liên quan mức độ trung bình giữa hai biến số trên (r = 0,467)[113]. Còn theo nghiên cứu của Mintz thì hệ số tương quan giữa hai biến số này là 0,7[27].

Trong nghiên cứu của chúng tôi, khi so sánh đường kính lòng mạch tham chiếu lớn nhất trên IVUS và trên QCA thì đường kính này trên IVUS lớn hơn đáng kể: 4,25 ± 0,63 (mm) so với 3,60 ± 0,68 (mm), p <0,0001.

Theo Mintz, khi so sánh đường kính lòng mạch tham chiếu lớn nhất trên IVUS với trên QCA thì đường kính trên IVUS lớn hơn trung bình là 0,73 ± 0,65 (mm) [27].

Mặc dù có sự chênh lệch giữa IVUS và QCA về đường kính lòng mạch tham chiếu lớn nhất nhưng lại có sự tương quan giữa đường kính lòng mạch tham chiếu lớn nhất được đo bởi hai phương pháp này. Đây là mối tương quan tuyến tính thuận, mức độ trung bình (r = 0,397) được thể hiện qua

phương trình: Y = 2,992 + 0,369X, trong đó: Y là đường kính lòng mạch tham chiếu lớn nhất đo trên IVUS và X là đường kính lòng mạch tham chiếu lớn nhất đo trên QCA. Theo De Scheerder và cộng sự[113], khi phân tích trên 80 đoạn mạch vành bị xơ vữa nhẹ thì thấy mối tương quan giữa đường kính mạch tham chiếu trên IVUS và QCA ở mức độ trung bình (r= 0,467, p<0,001). Nghiên cứu của Alfonso trên 25 bệnh nhân chụp động mạch vành cũng cho thấy mối tương quan về đường kính mạch tham chiếu giữa hai phương pháp cũng ở mức độ trung bình (r = 0,61)[114].

Qua tham khảo một số nghiên cứu, chúng tôi thấy đường kính lòng mạch tham chiếu lớn nhất đo trên IVUS lớn hơn đáng kể so với đo trên QCA. Độ mạnh của mối tương quan giữa các nghiên cứu có khác nhau. Sự chênh lệch về mức độ tương quan có thể giải thích bởi một số lý do: động mạch vành bình thường trên chụp mạch cản quan không thật sự bình thường trên IVUS và gánh nặng mảng xơ vữa tại vị trí tham chiếu đuợc xem là bình thường khác nhau giữa các nghiên cứu. Sức mạnh mối tương quan giữa đường kính mạch tham chiếu trên IVUS và trên QCA giảm khi mảng xơ vữa tăng lên.

Một trong những ứng dụng của siêu âm trong lòng mạch là đo chính xác các đường kính lòng mạch tại các vị trí tham chiếu từ đó giúp lựa chọn kích thước dụng cụ can thiệp (như bóng, Stent) thích hợp.

4.3. ỨNG DỤNG SIÊU ÂM TRONG LÒNG MẠCH TRONG ĐIỀU TRỊ CAN