• Không có kết quả nào được tìm thấy

Tương quan giữa các phép đo trên mô cứng và mô mềm của phim sọ

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÀI LIỆU

1.3. Tương quan giữa các phép đo trên mô cứng và mô mềm của phim sọ

Năm 2012, theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Kim Anh 64 nhận thấy các kích thước cung răng (chiều dài, chiều rộng) của nam đều lớn hơn nữ, tuy nhiên chỉ có sự khác biệt ở chiều rộng vùng răng cối lớn thứ hai là có ý nghĩa thống kê. So sánh các kích thước cung răng của trẻ 13 tuổi với người trưởng thành (20-25 tuổi) cho thấy chiều dài và chiều rộng cung răng vĩnh viễn hàm dưới giảm có ý nghĩa theo tuổi; tuy nhiên, không có sự thay đổi có ý nghĩa về các giá trị của đường cong Spee giữa trẻ 13 tuổi và người trưởng thành

1.3. Tương quan giữa các phép đo trên mô cứng và mô mềm của phim sọ

Trên thế giới

Bishara (1985) 38 cho rằng dù ít hay nhiều cấu trúc mô mềm đều thay đổi theo xương.

Subtelny (1959) 118 cho rằng mối tương quan giữa mô mềm và xương không chặt chẽ. Burstone (1967) 39 nhấn mạnh phân tích thẩm mỹ khuôn mặt phải phân tích trên mô mềm và mô mềm không phản ảnh được kết cấu mô cứng bên dưới. Burstone nhận thấy cùng một nền xương giống nhau nhưng có thể tạo ra được những mô mềm nhìn nghiêng rất khác nhau.

Hình 1.13: Theo Burstone cùng một mô xương nhưng mô mềm thì khác

nhau 39

Hình 1.14: Sự thay đổi môi theo răng cửa 39

R. M. Ricketts qua nghiên cứu trên các bệnh nhân nắn chỉnh răng kết luận rằng vị trí của môi thay đổi theo sự di chuyển răng cửa một cách rất tinh tế: môi trên lùi 1mm nếu răng cửa trên lùi 3mm, môi dưới lùi 1mm nếu răng cửa trên lùi 1mm và răng cửa dưới lùi 0,6mm. Tuy nhiên khoảng cách giữa điểm A xương và A mô mềm, Pog và Pog’ thì không đổi trong suốt quá trình điều trị, Ricketts cho rằng tư thế răng cửa dưới so với mặt phẳng A-Pog (+2mm± 0,5) chứa đựng nhiều yếu tố thẩm mỹ được xác định bởi đường thẩm mỹ, thăng bằng cơ-thần kinh, kiểu tăng trưởng và tuổi bệnh nhân 8.

Theo Kasai, mối quan hệ giữa mô cứng và mô mềm có thể thay đổi bởi một số cấu trúc mô mềm có tương quan chặt chẽ với mô cứng, nhưng đa số các chỉ số mô cứng khác thì lại bị ảnh hưởng bởi chiều dài, độ dày và chức năng của mô mềm. Cũng theo tác giả này, chiều cao tầng mặt dưới cũng được tìm thấy là một yếu tố quan trọng quyết định hình thái mô mềm. Kasai báo cáo rằng chiều cao tầng mặt dưới dài hơn và răng cửa dưới nhô ra có liên quan đến môi trên dày hơn 68.

Saxby và Freer nhận thấy rằng vị trí của răng cửa trên, răng cửa dưới và góc của răng cửa trên là yếu tố quyết định rất quan trọng liên quan đến mô mềm, tác giả cũng tìm thấy mối tương quan giữa chiều cao tầng mặt dưới với mô mềm ở trên các mặt phẳng ngang và dọc 77.

Trong một nghiên cứu của Sodagar và cộng sự (2010), tỷ lệ của độ lùi răng cửa hàm trên với độ lùi môi trên là 2:1, và trong một nghiên cứu khác, người ta đã tìm thấy mối tương quan đáng kể giữa sự lùi sau của răng cửa dưới với sự co lại của môi dưới 57.

Theo M. Joshi (2015) 65 nghiên cứu trên phim sọ nghiêng của 150 người ở Đông Bắc Trung Quốc rút ra kết luận môi trên và môi dưới ở tương quan xương loại I hơi nhô, tương quan xương loại II có môi trên nhô nhất và môi dưới lùi nhất, tương quan xương loại III có môi dưới nhô nhất. Người Đông Bắc Trung Quốc có môi trên và dưới nhô ra hơn so với người da trắng.

Khalid Ashraf (2018) nghiên cứu độ dày và chiều dài môi và cằm trên 180 trường hợp, ông nhận thấy mô mềm được coi là một cấu trúc hay thay đổi có thể phát triển cùng hoặc độc lập với mô xương 66.

Tại Việt Nam

Hiện nghiên cứu về tương quan giữa mô mềm và mô cứng trên phim X quang còn khá mới mẻ, nhiều nghiên cứu thường tập trung phân tích mối tương quan giữa mô cứng trên phim và mô mềm trên ảnh

Võ Trương Như Ngọc (2014) nhận thấy mối tương quan giữa các góc mô cứng SNA, SNB, I/I, ANB với các góc mũi môi, góc hai môi và khoảng cách từ môi đến các đường thẩm mỹ E, S là rất thấp. Tác giả kết luận mô mềm và mô cứng không có mối liên quan chặt chẽ với nhau 70.

Trần Tuấn Anh (2014) trong nghiên cứu của mình cho rằng mô mềm nhìn nghiêng không chỉ ra được tốt vị trí mô xương nhìn nghiêng bên dưới 75

Hòa Thị Phương (2018) nghiên cứu một số kích thước sọ-mặt ở trẻ em người dân tộc Kinh độ tuổi 12 bằng phương pháp đo trên phim X quang nghiêng chụp từ xa nhận thấy mô mềm và mô cứng có mối tương quan là rất thấp (r<0,3), chỉ có độ nhô môi trên có tương quan thuận chiều trung bình với độ nhô răng cửa trên và dưới ở tương quan xương loại III, độ nhô môi dưới có tương quan thuận chiều chặt chẽ với độ nhô răng cửa trên và độ nhô răng cửa dưới ở tương quan xương loại I và loại III 72.

➢ Nhìn chung, dựa trên các báo cáo của các tác giả trong và ngoài nước, chúng tôi nhận thấy có thể có mối tương quan giữa mô mềm và mô cứng tuy không nhiều và không chặt chẽ. Bên cạnh việc nghiên cứu mô mềm trên trẻ 12 tuổi có rất ít. Vì vậy, cần phải có thêm những nghiên cứu trên lứa tuổi này