• Không có kết quả nào được tìm thấy

Tai biến của thông khí nhân tạo tư thế nằm sấp

Trong tài liệu BỆNH NHÂN ARDS (Trang 43-46)

Chương 1: TỔNG QUAN

1.3. THÔNG KHÍ NHÂN TẠO TƯ THẾ BỆNH NHÂN NẰM SẤP

1.3.4. Tai biến của thông khí nhân tạo tư thế nằm sấp

TKNT ở tư thế bệnh nhân nằm sấp là một biện pháp không phức tạp và không tốn kém nhưng có thể đem lại hiệu quả trong điều trị bệnh nhân ARDS.

Thực tế qua các nghiên cứu của Guerin cho thấy tư thế nằm sấp không làm tăng các tai biến nguy hiểm so với tư thế nằm ngửa [13]. Tuy vậy cần phải chuẩn bị chu đáo và có biện pháp đề phòng tai biến khi TKNT tư thế nằm sấp.

Các tai biến khi TKNT tư thế nằm sấp có thể xảy ra khi thay đổi tư thế hoặc khi chăm sóc bệnh nhân. Các nhà nghiên cứu phân loại các tai biến liên quan với tư thế nằm sấp bao gồm các vấn đề nghiêm trọng, các rối loạn lâm sàng và các tổn thương trên bệnh nhân.

+ Tổn thương cơ xương do tỳ đè: Cần chú ý bảo vệ các bộ phận quan trọng như: trán, mũi, ngực, tay, khung chậu, gối, bàn chân… Khi thực hiện

thay đổi tư thế bệnh nhân cần tránh làm trật khớp hoặc làm tổn thương các bộ phận phần mềm. Tay của bệnh nhân cũng được thay đổi tư thế để xuôi theo người hoặc đưa lên đầu như tư thế tập bơi. Các gối mềm được lót dưới vùng tỳ đè như mặt, ngực, hông và cẳng chân để hạn chế tổn thương do tỳ đè. Khi lót gối ở ngực và hông thì cần lưu ý là gối đủ cao để làm giảm đè ép của bụng lên mặt giường nhưng cũng không cao quá làm tổn thương cột sống [125].

+ Phù nề mặt hoặc tổn thương da mặt của bệnh nhân cũng là tai biến hay gặp trong TKNT tư thế nằm sấp. Mancebo cũng cho rằng khi nằm sấp, bệnh nhân có thể bị phù nề mặt, tăng tiết đờm rãi và tổn thương do tỳ đè [15].

Theo Guerin và cộng sự thì cần xoay đầu bệnh nhân sang hai bên mỗi 2 giờ để hạn chế các tai biến này, đồng thời giúp cho các cơ vùng gáy được vận động [13]. Athota cũng cho rằng một số bộ phận của cơ thể bị đè ép trực tiếp bởi trọng lượng của cơ thể nên cần phải chú ý tới các bộ phận dễ bị tổn thương như mắt, mũi…[126].

+ Bệnh nhân bị nôn sau bơm sữa cũng là tai biến hay gặp khi TKNT tư thế nằm sấp. Nguyên nhân nôn có thể do tư thế nằm của bệnh nhân, đồng thời các bệnh nhân lại được sử dụng thuốc an thần và giãn cơ [127]. Nghiên cứu của Reignier trên 37 bệnh nhân nằm ngửa và 34 bệnh nhân nằm sấp thì thấy bệnh nhân nằm sấp có thể tích dịch dạ dày tồn dư nhiều hơn nhóm bệnh nhân nằm ngửa với p < 0,01. Vì vậy thể tích dinh dưỡng qua thông dạ dày ở nhóm bệnh nhân nằm sấp thấp hơn nhóm nằm ngửa. Nhóm bệnh nhân nằm sấp cũng bị nôn nhiều hơn nhóm nằm ngửa (p < 0,001). Vì vậy tác giả cho rằng nên sử dụng thuốc (Prokinetic) giúp bệnh nhân tiêu hóa tốt hơn hoặc đặt thông qua môn vị và cho bệnh nhân nằm đầu cao để hạn chế nôn. Cũng trong một nghiên cứu khác về dinh dưỡng qua thông dạ dày ở bệnh nhân TKNT tư thế nằm sấp, Reignier cho rằng khi nâng đầu bệnh nhân cao 250 cùng với sử dụng

Erythromycin và truyền nhỏ giọt sữa qua thông dạ dày thì sẽ làm giảm tai biến nôn ở bệnh nhân [128].

+ Tuột hay tắc ống nội khí quản được cho là các tai biến nghiêm trọng vì liên quan trực tiếp tới đường thở của bệnh nhân. Khi thay đổi tư thế bệnh nhân cần chú ý đề phòng tắc ống nội khí quản do xoắn hoặc gập ống thì cần chỉnh lại tư thế ống nội khí quản. Còn bệnh nhân bị tuột ống nội khí quản thì cần chuyển nhanh bệnh nhân về tư thế nằm ngửa để đặt lại nội khí quản. Để hạn chế tai biến này thì cần cố định chắc khớp nối của dây máy thở với ống nội khí quản và luôn để cho dây máy thở chùng khi thay đổi tư thế bệnh nhân [98],[101].

+ Tắc hay tuột các đường truyền, ống dẫn lưu cũng có thể xảy ra khi thay đổi tư thế bệnh nhân. Vì vậy cần cố định chắc các đường truyền và giữ cho đường truyền không bị căng khi thay đổi tư thế bệnh nhân. Pelosi cho rằng các tai biến có thể gặp trong TKNT tư thế nằm sấp bao gồm: tắc, tuột ống nội khí quản, tuột các đường truyền, tắc hay tuột ống dẫn lưu, loét vùng tỳ đè, chấn thương khớp vai và khung chậu...[88].

+ Loạn nhịp tim, tụt huyết áp và ngừng tim: Đây là vấn đề quan trọng đã được nhiều tác giả trên thế giới cho rằng cần phải chuyển bệnh nhân sang tư thế nằm ngửa khi bệnh nhân không đáp ứng hoặc có những tai biến nguy hiểm. Tuy nhiên tiêu chuẩn để ngay lập tức chuyển bệnh nhân trở về tư thế nằm ngửa cũng cần được xem xét thêm. Theo các nhà ngiên cứu, tiêu chuẩn để chuyển bệnh nhân trở lại tư thế nằm ngửa là oxy máu giảm không cải thiện sau hai lần xét nghiệm khí máu động mạch liên tiếp, huyết áp trung bình giảm 25 mmHg hoặc biểu hiện loạn nhịp tim.

Trong trường hợp bệnh nhân có ngừng tim thì phải chuyển nhanh sang tư thế nằm ngửa để sẵn sàng cấp cứu [95],[98],[126]. Một số tác giả khác lại cho rằng nếu cần phá rung nhĩ khi bệnh nhân đang TKNT tư thế nằm sấp thì

nên cố gắng thực hiện ở tư thế nằm sấp vì nếu chuyển bệnh nhân sang tư thế nằm ngửa thì sẽ mất thời gian và làm giảm cơ hội thành công [129]. Một số nhà nghiên cứu cũng đã thực hiện ép tim ngoài lồng ngực trong cấp cứu ngừng tuần hoàn khi bệnh nhân đang được TKNT tư thế nằm sấp. Nghiên cứu của Atkinson (2000) thì thấy huyết áp trung bình và áp lực trong lồng ngực cao hơn khi bệnh nhân nằm sấp [130]. Như vậy tình trạng huyết động của bệnh nhân cần được duy trì ổn định ở mức gần bình thường trước khi thay đổi sang tư thế nằm sấp. Khi bệnh nhân ở tư thế nằm sấp mà có huyết áp tụt hoặc nguy cơ ngừng tuần hoàn thì nên chuyển lại tư thế nằm ngửa. Còn khi bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn thì có thể thực hiện cấp cứu ngay ở tư thế nằm sấp, tuy nhiên vấn đề này cũng cần nghiên cứu thêm [131].

Trong tài liệu BỆNH NHÂN ARDS (Trang 43-46)