• Không có kết quả nào được tìm thấy

KHUÔN MẪU XÃ HỘI CHI PHỐI ỨNG XỬ CỦA NGƯỜI NÔNG DÂN CHÂU THỔ SÔNG HỒNG THỜI KỲ ĐỔI MỚI

N/A
N/A
Protected

Academic year: 2022

Chia sẻ "KHUÔN MẪU XÃ HỘI CHI PHỐI ỨNG XỬ CỦA NGƯỜI NÔNG DÂN CHÂU THỔ SÔNG HỒNG THỜI KỲ ĐỔI MỚI "

Copied!
8
0
0

Loading.... (view fulltext now)

Văn bản

(1)

KHUÔN MẪU XÃ HỘI CHI PHỐI ỨNG XỬ CỦA NGƯỜI NÔNG DÂN CHÂU THỔ SÔNG HỒNG THỜI KỲ ĐỔI MỚI

NGUYỄN ĐỨC CHIỆN*

1. Đặt vấn đề

Cuộc sống của người nông dân Việt Nam có nhiều thay đổi kể cả vật chất và tinh thần sau gần ba mươi năm thực hiện công cuộc Đổi mới. Không chỉ riêng ở châu thổ sông Hồng mà ở khắp mọi vùng nông thôn trên phạm vi cả nước, chúng ta đang chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ của các khuôn mẫu xã hội bên cạnh thiết chế, định chế xã hội chính thức. Điều đáng quan tâm là những loại hình khuôn mẫu này đang có ảnh hưởng lớn đến ứng xử, hay nói cách khác là đến hành động xã hội của người nông dân, không chỉ trong sinh hoạt đời thường mà cả trong các hoạt động kinh tế của họ.

Câu hỏi đặt ra và cần tìm hiểu là những loại hình khuôn mẫu xã hội nào đang tồn tại và chi phối ứng xử của người nông dân cả nước nói chung cũng như của người nông dân châu thổ sông Hồng nói riêng trong thời Đổi mới? Hơn nữa, những tương tác giữa các cá nhân, nhóm và cộng đồng dựa trên các khuôn mẫu xã hội đó có giúp người nông dân thay đổi cuộc sống hay níu chân họ trong quá trình phát triển hiện nay?

Dựa vào nguồn tài liệu thứ cấp, bài viết bước đầu nhận diện và lý giải các khuôn mẫu xã hội, chỉ ra những rào cản ảnh hưởng đến tiến trình hiện đại hóa và phát triển nông thôn nước ta hiện nay, qua đó đóng góp một số bằng chứng làm rõ thêm cuộc tranh luận chưa ngã ngũ về bản chất người nông dân Việt Nam đã được dấy lên cách đây gần nửa thế kỷ.

2. Trở lại những tranh luận về khuôn mẫu ứng xử của nông dân Việt Nam Cuộc sống và các quan hệ xã hội của người nông dân Việt Nam từ lâu đã là đề tài khoa học thu hút sự quan tâm của các học giả trong và ngoài nước. Hai tác giả John J.Mc Alister và Paul Mus trong công trình “Người Việt và những cuộc cách mạng” (1970) đã cho rằng “Người nông dân Việt Nam đã được dạy dỗ để tin rằng thành công lao động và sự sống còn của anh ta phụ thuộc vào sự tuân thủ các lễ nghi… thuận ý trời” (Mc Alister và Mus, 1970: 30). Luận điểm này cho thấy vai trò của các khuôn mẫu tâm linh trong đời sống của người Việt truyền thống. Quan trọng hơn, đây là một trong những quan điểm khởi xướng cho các cuộc tranh luận sau đó về bản chất và lối ứng xử của người nông dân Việt Nam, trong số đó có hai tác giả nổi tiếng người Mỹ là James Scott và Samuel Popkin những năm tiếp theo của thập niên 1970.

* TS, Viện Xã hội học. Bài viết hoàn thành trong khuôn khổ đề tài "Trao đổi và mạng xã hội: Tiếp cận Xã hội học và Nhân học về biến đổi xã hội nông thôn Việt Nam" do Quỹ Nafosted tài trợ.

(2)

Trong công trình “Nền kinh tế đạo đức của người nông dân” Scott (1976) đã đi đến khái quát về lối ứng xử của người nông dân Việt Nam theo khuôn mẫu hay là một nguyên tắc “an toàn trên hết”. Ông cho rằng trong cuộc sống mưu sinh, người nông dân ít tính toán phát huy tối đa lợi nhuận, mà chỉ lo làm ăn và xử sự sao cho tránh được những rủi ro thất bát, tránh dẫn cả nhà họ tới chết đói (Scott, 1976:5). Ở một hướng tiếp cận khác, Popkin lại khái quát hóa và đưa ra một bức tranh khác hẳn về lối ứng xử của người nông dân Việt Nam. Trong công trình “Người nông dân hợp lý” (1979), ông quả quyết rằng hành động của nông dân theo nguyên tắc “lựa chọn hợp lý”, có mưu lợi cá nhân, họ thường tính toán, so đo, cân nhắc được - mất trong nhiều đường lối hành động khác nhau, và chọn đường lối nào có lợi nhất cho mình, để tăng cái được cho mình (Popkin, 1979:

18-22). Có thể nói cuộc tranh luận của Scott và Popkin về bản chất và cách ứng xử của người nông dân đã gây tiếng vang sâu rộng trong giới nghiên cứu quốc tế về xứ sở Đông Nam Á và Việt Nam nhiều thập kỷ qua.

Ở Việt Nam, vào thập niên 1990 của thế kỷ trước, nhà nhân học Canada gốc Việt Lương Văn Hy, trong công trình nghiên cứu về một làng ở tỉnh Phú Thọ thuộc trung du miền núi phía Bắc Việt Nam, dựa trên bằng chứng thực nghiệm thu được, cho rằng “Sự cân nhắc được - mất có ý nghĩa nhất định trong sự phân tích hành động của con người.

Tuy nhiên, ông cũng đưa ra nhiều bằng chứng để bác bỏ việc lý giải quá trình cách mạng theo tính toán được mất” (Lương Văn Hy, 1992: 220-221). Không đồng ý với cả Scott và Popkin về cách giải thích lối ứng xử của người nông dân, gần đây, trong bài viết với nhan đề “Góp phần tìm hiểu người nông dân Việt Nam thời Đổi mới”, nhà xã hội học Mai Huy Bích đã cho rằng cả Scott lẫn Popkin đều chỉ đúng phần nào: mỗi tác giả thấy một khía cạnh nào đó ở nông dân, nhưng người thì xuất phát từ tình huống cực hạn (Scott), người thì khái quát hóa quá mức (Popkin). Hơn thế nữa, cả hai đã coi nông dân như là thuộc loại hình này hoặc loại hình kia, khác biệt rạch ròi với nhau, thậm chí như những cực đối lập (Mai Huy Bích, 2004: 23). Từ góc độ học thuật trong nước, có thể xem đây là nghiên cứu đầu tiên đi vào làm rõ tranh luận giữa các học giả quốc tế về bản chất người nông dân Việt Nam.

Những dẫn liệu trên đã cho thấy những cách luận giải khác nhau về khuôn mẫu ứng xử của người nông dân Việt Nam. Điều lý thú là cuộc tranh luận về xã hội nông thôn và những trao đổi tương tác thường ngày của người nông dân Việt Nam cho đến nay vẫn chưa đến hồi kết. Mục đích của chúng tôi ở trong các phần tiếp sau đây là đưa ra một cách giải thích dựa trên các loại hình khuôn mẫu xã hội để làm rõ thêm về lối ứng xử của người nông dân châu thổ sông Hồng thời Đổi mới.

3. Các khuôn mẫu xã hội chi phối ứng xử của nông dân Việt Nam

Người nông dân Việt Nam có nhiều cơ hội khôi phục và mở rộng các mối quan hệ xã hội kể từ khi công cuộc Đổi mới được phát động, trong đó có việc khôi phục các khuôn mẫu văn hóa cổ truyền và xuất hiện khuôn mẫu mới. Dưới đây, chúng tôi sẽ lần lượt làm rõ các khuôn mẫu xã hội đang có ảnh hưởng tới đời sống thường ngày của người nông dân Việt Nam.

(3)

3.1. Loại hình khuôn mẫu “tâm linh”

Có một sự trỗi dậy trở lại của các loại hình khuôn mẫu mang tính tâm linh trong đời sống xã hội nông thôn nước ta từ sau Đổi mới. Trong một nghiên cứu xuất bản mới đây vào năm 2012, với nhan đề “Thương thảo để tái lập và sáng tạo “Truyền thống”:

Tiến trình tái cấu trúc lễ hội tại một làng Bắc Bộ” của Lương Văn Hy và Trương Huyền Chi (2012) đã chỉ ra rằng có sự khôi phục mạnh mẽ và sinh động các lễ nghi trong các cộng đồng nông thôn Bắc Bộ từ sau khi Nhà nước xóa bỏ cơ chế kinh tế kế hoạch.

Trong thực tế, chúng ta cũng đang chứng kiến một hiện tượng hiển nhiên là ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam, phong trào khôi phục các di tích tâm linh như đền, đình, chùa, miếu và nhà từ đường diễn ra rất sôi động. Bên cạnh đó, các khuôn mẫu lễ nghi có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tâm linh cũng được phục hồi mạnh mẽ. Điều đáng quan tâm là hành động trong cuộc sống thường ngày của các cá nhân, nhóm xã hội, trong đó có người nông dân đang bị chi phối nhiều từ các loại hình khuôn mẫu tâm linh hiện nay. Chúng ta dễ dàng quan sát thấy sự kiện người dân ở các địa phương, trong đó có người nông dân hành lễ đến các ngôi đền, ngôi chùa nổi tiếng và linh thiêng để cầu may và giải hạn cho bản thân và người thân trong gia đình vào dịp đầu năm; hay những hoạt động hầu đồng, đi xem bói và cúng bái, kể cả chuyện tình yêu và hôn nhân của lứa đôi cũng chịu áp lực rất lớn từ tâm linh.

Kết quả khảo sát thực nghiệm của đề tài “Toàn cầu hóa và bản sắc làng Việt ở miền Bắc” cho thấy có đến 98% người dân trong mẫu được hỏi cho biết gia đình có đến lễ tại ngôi chùa của làng vào dịp đầu năm. Phỏng vấn sâu của cuộc nghiên cứu này còn phát hiện thêm nhiều người dân, nhất là nhóm phụ nữ nông dân đã dành thời gian đi lễ các ngôi chùa nổi tiếng ở bên ngoài làng vào những tháng đầu năm. Trong cuộc phỏng vấn sâu người phụ nữ 60 tuổi có nghề làm ruộng và buôn bán thực phẩm cho biết “Cứ vào ngày mồng một tết hàng năm, tôi và con dâu chuẩn bị lễ ra chùa cầu một năm sức khỏe, làm ăn phát tài và đặt lễ giải hạn cho bản thân và những người trong gia đình.

Ngày rằm hàng tháng tôi cũng thường xuyên mua lễ ra chùa làm lễ. Năm nay, tôi đã cùng một nhóm chị em trong làng đi chùa Hương làm lễ cầu mong những điều tốt đẹp cho gia đình. Tôi đã làm như thế trong nhiều năm, bây giờ không đi thì mình cảm thấy không yên tâm trong cuộc sống”. Kết quả quan sát tham dự cũng cho thấy những nhóm xã hội càng có điều kiện kinh tế, mức sống khá giả thì mức độ tham gia lễ chùa càng nhiều hơn các nhóm khác.

Rõ ràng là, các hoạt động tâm linh đã và đang trở thành khuôn mẫu rất quan trọng trong đời sống thường ngày của người nông dân hiện nay. Họ tin rằng có sức khỏe tốt, làm ăn của gia đình thuận lợi là do thế giới bên ngoài trần tục phù hộ giúp đỡ. Điều này góp phần chứng minh hành động của người nông dân châu thổ sông Hồng thời Đổi mới không phải chỉ bị chi phối bởi nguyên tắc của “nền kinh tế đạo đức” hay “sự lựa chọn hợp lý” mà Scott và Popkin đưa ra. Một câu hỏi tiếp tục đặt ra là tại sao người nông dân ngày càng lệ thuộc nhiều hơn vào các khuôn mẫu này trong bối cảnh xã hội nông thôn Việt Nam đang đổi mới và hội nhập? Điều này cần được trả lời trong các nghiên cứu tiếp theo.

(4)

3.2. Loại hình khuôn mẫu “an toàn trên hết”

Bằng chứng về sự tham gia của các xã viên vào hợp tác xã trong thời kỳ kinh tế kế hoạch đã cho chúng ta thấy một khuôn mẫu “an toàn trên hết” từng tồn tại trong các hợp tác xã. Mặc dù bản thân mỗi xã viên không mặn mà với mô hình kinh tế tập thể nhưng họ vẫn không dám bỏ hợp tác xã mà chỉ tham gia hợp tác xã với phương thức đối phó, không làm việc và đóng góp hết khả năng lao động của mình vào hoạt động kinh tế tập thể (Martin Rama, 2007). Ở điểm này chúng ta thấy phần nào ý kiến của Scott có giá trị

“người nông dân luôn cầu an, không muốn đối mặt với rủi ro”.

Trong bối cảnh Đổi mới hiện nay, cách ứng xử theo nguyên tắc “an toàn trên hết”

tiếp tục thấy trong các nhóm nông dân, không chỉ riêng ở châu thổ sông Hồng mà còn tồn tại ở nhiều vùng nông thôn khác của đất nước. Một vấn đề lớn ở nông thôn Bắc bộ hiện nay nhiều là nông dân làm ruộng, trồng lúa và hoa màu trên mảnh ruộng của mình nhưng không có lãi. Thực tế, nhiều nhóm nông hộ đã phải để cho thành viên gia đình rời bỏ làng quê đến các thành phố lớn mưu sinh, nhưng hiện tượng đáng chú ý nhất là hầu hết họ không mạo hiểm chuyển nhượng ruộng đất cho người khác mà chuyển công việc của bản thân và gia đình sang lĩnh vực khác ngoài nông nghiệp.

Kết quả khảo sát đề tài “Toàn cầu hóa và bản sắc làng Việt ở miền Bắc” tại một làng thuộc châu thổ sông Hồng cho thấy tình trạng không muốn chuyển nhượng đất nông nghiệp giữa các nông hộ cho dù hoạt động sản xuất nông nghiệp của các hộ nhiều năm qua không mang lại lợi nhuận cho kinh tế hộ gia đình. Cuộc nghiên cứu cũng phát hiện thêm rằng hầu hết nông hộ trong làng nhiều năm qua tiến hành hoạt động gieo trồng lúa và hoa màu không có lãi nhưng vẫn sản xuất trên thửa ruộng được giao theo hướng “cầm chừng” nhằm giữ đất. Trong số đó, có một số nhóm hộ đã bỏ hoang hóa ruộng đất không sản xuất nhiều năm nay. Cũng theo báo cáo của lãnh đạo xã Yên Thường - nơi tiến hành cuộc khảo sát, số diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang hóa không sản xuất hiện nay chiếm khoảng mười phần trăm tổng diện tích đất nông nghiệp của toàn xã. Cuộc phỏng vấn sâu người nông dân 52 tuổi, nam giới ở làng này cho biết “Làm ruộng bây giờ nếu tính toán chi phí từ công làm đất, giống, phân bón, thuốc trừ sâu, tiền thủy lợi phí, thuê gặt đập thì hết không có lãi, nhưng gia đình tôi vẫn phải làm để giữ mảnh ruộng đề phòng việc làm ăn buôn bán bên ngoài gặp rủi ro sẽ quay lại với ruộng”. Đây là một vấn đề rất hệ trọng và mang tính phổ biến mà chúng tôi thường gặp trong các cuộc trao đổi với người dân làng trong đợt khảo sát.

Điều lý thú là các thông tin này cho chúng ta thấy một khuôn mẫu ứng phó theo nguyên tắc “an toàn trên hết” đang chi phối suy nghĩ và hành động trong cuộc sống của người nông dân châu thổ sông Hồng thời Đổi mới. Tình thế tiến thoái lưỡng nan này trong sản xuất nông nghiệp đã minh chứng thêm rằng người nông dân hiện nay không phải hoàn toàn là con người duy lý kinh tế như luận điểm của Popkin trong tài liệu đã dẫn ở trên.

3.3. Loại hình khuôn mẫu “có đi - có lại”

Khuôn mẫu có đi - có lại (hay hành động duy tình, duy cảm) với phương thức và nguyên tắc ứng xử “có đi - có lại”, là khuôn mẫu điển hình thể hiện trong các quan hệ ở

(5)

xã hội nông dân Việt Nam trước kia cũng như hiện nay. Đặc trưng này đã được nhiều nghiên cứu về văn hóa lưu ý đến (Đào Duy Anh, 2000; Toan Ánh, 2005; Trần Quốc Vượng, 2000). Một đặc điểm chung mà các nhà nghiên cứu thường nhắc đến là, ở xã hội nông thôn Việt Nam truyền thống, người nông dân thường chia sẻ, tương trợ lẫn nhau mỗi khi thành viên trong cộng đồng có các sự kiện quan trọng như hiếu, hỷ, tân gia, khao vọng, v.v…

Theo quan sát của chúng tôi, sự hiện diện của loại hình trao đổi mang tính tình cảm “có đi - có lại” chi phối các ứng xử thường ngày của người nông dân. Hiện nay, các sự kiện lớn của cá nhân và gia đình như việc hiếu, việc hỷ hay mừng tân gia, lễ khao thọ, người ta thấy các nguyên tắc ứng xử có đi - có lại đang chi phối rất lớn các quan hệ xã hội nông dân châu thổ sông Hồng. Kết quả phỏng vấn sâu của đề tài “Toàn cầu hóa và Bản sắc làng Việt ở miền Bắc” cũng phản ánh về điều này. Một nông dân 62 tuổi, nam giới, tham gia phỏng vấn sâu cho biết: “Sống ở đây phải theo xóm theo làng, gia đình người ta có việc tang là mình phải đến thăm hỏi, giúp đỡ, phúng viếng tiền, đến khi gia đình mình có việc xảy ra họ mới đến. Giá trị của các khoản phúng viếng giữa mình và họ cũng phải tương đương”.

Cách ứng xử của người dân như trên là khá phổ biến. Nhiều cuộc nghiên cứu khác của chúng tôi cũng đã cho thấy các quan hệ trao đổi xã hội trên đang tồn tại trong đời sống cộng đồng nông thôn không chỉ riêng châu thổ sông Hồng mà ở nhiều vùng nông thôn khác trên cả nước. Mặc dù chỉ là khuôn mẫu không chính thức với quy ước ngầm định nhưng lại đang được các nhóm xã hội trong cộng đồng nông thôn tuân thủ nghiêm ngặt. Đó là một quá trình tương tác, trao đổi ngang giá trị giữa các mối quan hệ xã hội. Tình huống này đã minh chứng thêm rằng người nông dân Việt Nam hoàn toàn không duy lý như nhận định của Popkin trước đây.

3.4. Loại hình khuôn mẫu “phiêu lưu mạo hiểm”

Khuôn mẫu phiêu lưu mạo hiểm (hay nói cách khác là khuôn mẫu duy lý) đang được thể hiện mạnh mẽ trong các quan hệ xã hội ở cộng đồng nông thôn Việt Nam hiện nay. Kể từ khi có chính sách Đổi mới (1986) đến nay, chúng ta được chứng kiến nhiều nhóm nông dân đã phát huy năng lực bản thân để phát triển kinh tế của gia đình. Trong thời gian qua, truyền thông đại chúng công bố nhiều tấm gương điển hình người nông dân ở khắp mọi nơi đổi đời nhờ biết tính toán trong sản xuất, kinh doanh. Chẳng hạn, trên trang báo điện tử vnexpress.net ngày 15/3/2013 có nhắc đến tấm gương người nông dân làm giàu từ nuôi bò sữa. Đó là anh Nguyễn Xuân Khanh (xã Phú Châu, huyện Ba Vì, Hà Nội): "Sinh ra trong gia đình nghèo, anh Khanh không có điều kiện học hành, vất vả với nghề nông, và nhiều công việc khác. Anh mạo hiểm vay vốn đầu tư nuôi bò sữa, nhờ đó kinh tế gia đình đi lên và hiện nay thu nhập từ nuôi bò sữa 30 triệu đồng một tháng”.

(6)

Kết quả cuộc khảo sát tại một cộng đồng ở châu thổ sông Hồng do đề tài “Toàn cầu hóa và bản sắc làng Việt ở miền Bắc” cũng cho thấy, hầu hết hộ gia đình nông dân ngoài làm nông nghiệp còn tổ chức buôn bán, kinh doanh với các lĩnh vực rất đa dạng. Điều đáng chú ý là phạm vi hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều hộ gia đình hiện nay đã vượt ra khỏi ranh giới của làng với nguyên tắc “tăng tối đa lợi nhuận thu được”. Khi hỏi về công việc buôn bán, kinh doanh của người dân trong làng, thông tin từ các cuộc phỏng vấn sâu đã chứng tỏ người nông dân không chỉ “duy tình”, “duy cảm” hay “ứng phó”, mà còn luôn tính toán một cách hợp lý. Một phụ nữ 38 tuổi, là nông dân nhưng có buôn bán thực phẩm gia cầm ra thành phố hàng ngày cho biết “Buôn bán ngoài chợ ai cũng muốn mua được rẻ và bán được giá cao nhất. Để bán hàng có lãi phải biết mua hàng chuẩn, có chất lượng, và cũng phải biết bán cho từng khách hàng”. Điều này phản ánh một thực tế là trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, người nông dân không chỉ có thể hội nhập, mà còn có đủ khả năng để thích ứng. Họ luôn mong muốn mua được một giá rất thấp và bán với một giá rất cao nhằm mang lại lợi nhuận cho mình.

Nhưng khả năng hội nhập và thích ứng của người nông dân trong nền kinh tế thị trường nhiều khi đã đi quá xa. Khi tấc đất trở thành tấc vàng, nhiều hộ gia đình nông dân vì muốn lợi ích tối đa cho mình đã lấn chiếm đất công, buộc chính quyền địa phương phải can thiệp và cưỡng chế. Thông tin từ cuộc phỏng vấn cán bộ xã Yên Thường cho biết, trong sáu tháng đầu năm 2013, xã đã phải huy động công an viên xử lý và cưỡng chế 7 vụ người dân lấn chiếm đất công làm đất của gia đình. Kiểu hành xử này cũng đang xảy ra với người dân ở nhiều nơi khác mà các kênh truyền thông đại chúng trong nước đề cập nhiều trong thời gian qua. Hơn thế, nhiều tờ báo điện tử cũng đưa nhiều câu chuyện liên quan đến phương thức làm ăn bằng mọi thủ đoạn để có lợi nhuận, hay làm ăn kiểu chộp giật để đạt được mục đích. Rất nhiều câu chuyện nói về người nông dân sản xuất rau màu không theo quy trình đảm bảo rau an toàn, hay tiến hành chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh thực phẩm, v.v.. Tình huống này chứng minh rằng người nông dân thời Đổi mới không phải chỉ hành động theo nguyên tắc “nền kinh tế đạo đức” với phương châm “an toàn là trên hết” như Scott đã khẳng định, mà họ sẵn sàng đầu tư, kể cả phải đối mặt với những rủi ro mạo hiểm để thu lợi.

4. Nhận xét và bàn luận

Qua những điều đã trình bày, có thể rút ra một số nhận xét, đồng thời cũng là những vấn đề cần tiếp tục bàn luận như sau:

1. Việc phân tích một cách khái quát một số khuôn mẫu ứng xử như trên đã chỉ ra rằng hành động xã hội của người nông dân châu thổ sông Hồng thời kỳ Đổi mới không chỉ hạn định bởi những nguyên tắc “nền kinh tế đạo đức” như Scott đã khẳng định, hay “sự lựa chọn hợp lý” theo kết luận của Popkin, cũng không chỉ phụ thuộc vào sự tuân thủ các lễ nghi… thuận ý trời mà Alister và Mus đã nhận định trước đây. Điều chúng tôi có thể bổ sung thêm là trong xã hội nông thôn ngày nay đang tồn tại nhiều loại hình khuôn mẫu, thiết

(7)

chế xã hội khác nhau. Người nông dân có vô số hành động trong cuộc sống hàng ngày, trong đó mỗi hành động xã hội của họ bị quy chiếu bởi một khuôn mẫu hay định chế xã hội nhất định mà họ phải đóng vai và thể hiện vị thế phù hợp với mong đợi của nhóm và xã hội.

2. Việc phân tích các khuôn mẫu ứng xử và hành động xã hội của người nông dân vùng châu thổ sông Hồng trong thời Đổi mới cũng cho thấy, các giá trị văn hóa cổ truyền và văn hóa mới đang đan bện vào nhau, cùng chi phối mạnh mẽ suy nghĩ và tâm thế hành động của người nông dân không chỉ trong sinh hoạt hàng ngày, trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng, mà còn cả trong các hoạt động sản xuất và kinh doanh, v.v... Điều này chứng tỏ cuộc tranh luận về bản chất và cách ứng xử của người nông dân Việt Nam do các học giả quốc tế, Alister và Mus khởi xướng, sau đó là sự tham gia của Scott và Popkin, và gần đây của một số học giả người Việt vẫn chưa kết thúc. Cuộc tranh luận vẫn rất cần được tiếp tục nhằm phản ánh đúng về chân dung người nông dân Việt Nam như nó vốn có trong đời sống hiện thực. Điều này đúng như nhà xã hội học Peter Berges đã từng viết: “Các sự vật không phải lúc nào cũng như vẻ ngoài của chúng, và nhiệm vụ của nhà xã hội học là phải thường xuyên kiểm chứng mọi điều, chứ không thể coi nó là đương nhiên” (Berges, 1963).

3. Cũng cần nói rằng lâu nay chủ đề nghiên cứu về nông nghiệp, nông thôn và người nông dân ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu, rất đáng được khích lệ. Tuy nhiên, nếu xem xét một cách tổng thể, rất dễ dàng nhận thấy phần lớn những nghiên cứu đã có là về sự biến đổi trong hoạt động kinh tế, cũng như sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, trong khi những phân tích về chân dung, chỗ đứng và tâm thế của người nông dân trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường, của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế lại khá mờ nhạt. Đây là vấn đề cần đặt ra đối với các nghiên cứu xã hội học trong thời gian sắp tới, nhất là đối với các chuyên ngành xã hội học nông thôn, xã hội học tôn giáo và xã hội học văn hóa.

4. Sau cùng, những dữ liệu và phân tích trong bài viết này về khuôn mẫu và hành xử của người nông dân châu thổ sông Hồng trong thời kỳ Đổi mới cũng gợi ra nhiều hàm ý liên quan đến khó khăn và thách thức đang đặt ra trong quá trình hiện đại hóa nền nông nghiệp, và phát triển cộng đồng nông thôn Việt Nam. Làm thế nào để người nông dân vượt qua thách thức, hội nhập và phát triển bền vững vẫn đang là vấn đề cần được làm rõ trong các nghiên cứu tiếp theo.

Tài liệu tham khảo

Berges, Peter. 1963. Lời mời đến với Xã hội học: Một góc nhìn nhân văn. Bản dịch của Phạm Văn Bích. Tư liệu cá nhân.

Đào Duy Anh. 2000. Việt Nam văn hóa sử cương. Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.

J.Mc Alister, John and Paul Mus. 1970. The Vietnamese and Their Revolution. Harper and Ron.

Luong Van Hy.1992. Revolution in the Village: Tradition and transformation in North Vietnam, 1925 - 1988. Honolulu, University of Hawaii Press.

(8)

Lương Văn Hy và Trương Huyền Chi. 2012. Thương thảo để tái lập và sáng tạo “Truyền thống”: Tiến trình tái cấu trúc lễ hội tại một làng Bắc Bộ”, trong: Những thành tựu nghiên cứu bước đầu của Khoa Nhân học. TP. Hồ Chí Minh, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Mai Huy Bích. 2004. Góp phần tìm hiểu người nông dân Việt Nam thời Đổi mới. Hà Nội, Tạp chí Xã hội học. Số 4.

Popkin, Samuc. 1979. The Rational Peasant: The Political Economy of Rural Society in Vietnam. Berkeley.

University of California Press.

Rama, Martin. 2007. "Những quyết sách khó khăn: Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi". Working paper No 40. The World Bank, Hanoi.

Scott, James. 1976. The Moral Economy of the Peasants Rebellion and Subsistence in Southeast Asia. New Haven: Yale University Press.

Toan Ánh. 2005. Nếp cũ con người Việt Nam. Nxb trẻ, TP Hồ Chí Minh.

Trần Quốc Vượng. 2000. Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm. Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

Tài liệu tham khảo

Tài liệu liên quan

Sự, giảm nhanh số dân trong năm năm gần đây ở Xuân Tiến một phần là do sau khoán 10, nhờ vào việc phát triển và đa dạng hóa các ngành nghề và hiện nay như một thị

Đối với những tổ chức có đăng kí hoạt động (như trường hợp các CLB và một số hội liên quan đến giáo dục, văn hóa, văn nghệ, thể thao), việc bầu ra một bộ máy lãnh

Bài viết này tập trung thảo luận vấn đề cơ cấu lao động nghề nghiệp của một nhóm xã hội đặc thù và năng động, giữ vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển

Thí dụ muốn khắc phục tình trạng nghèo đói và giảm khoảng cách giàu - nghèo ở nông thôn cũng như giữa nông thôn và đô thị thì phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp

Khi nói về những thiếu sót trong việc giải quyết không đúng đắn mỗi quan hệ giữa nhận thức chủ quan và thực tế khách quan, Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho rằng: “Cơ

Chiến tranh không chỉ tác động mạnh đến hình dạng tháp dân số, mà còn để lại dấu ấn cả trong đặc điểm cơ cáu gia đình ở địa phương: toàn xã có khoảng 25% gia đình

Như vậy, con số di động thực tế (factual mobility, hoặc gross mobility) trong cả Bảng 1 bằng tổng số N trừ đi tổng số địa vị không thay đổi từ cha sang con (Σn ii

NhÞp sèng c«ng nghiÖp ®· khiÕn cho c¸c thµnh viªn cña nhiÒu gia ®×nh Ýt khi ngåi cïng víi nhau trong b÷a ¨n hµng ngµy.. ë thµnh phè, nhiÒu bËc phô huynh cã rÊt