• Không có kết quả nào được tìm thấy

MỘT SỐ SUY NGHĨ VỀ CƠ CẤU XÃ HỘI VÀ VIỆC HÌNH THÀNH LỐI SỐNG MỚI Ở NÔNG THÔN MIỀN NÚI

N/A
N/A
Protected

Academic year: 2022

Chia sẻ "MỘT SỐ SUY NGHĨ VỀ CƠ CẤU XÃ HỘI VÀ VIỆC HÌNH THÀNH LỐI SỐNG MỚI Ở NÔNG THÔN MIỀN NÚI "

Copied!
9
0
0

Loading.... (view fulltext now)

Văn bản

(1)

MỘT SỐ SUY NGHĨ VỀ CƠ CẤU XÃ HỘI VÀ VIỆC HÌNH THÀNH LỐI SỐNG MỚI Ở NÔNG THÔN MIỀN NÚI

(Qua thí dụ ở Lạng Sơn)

NGUYỄN VĂN HUY (Viện Dân tộc học)

1

Nông nghiệp là mặt trận hàng đầu. Thực hiện quyết định đó của Đảng trong những năm qua, nông nghiệp đã có những đổi thay sâu sắc và kéo theo nó là những biến đổi của nông thôn miền núi trong cơ cấu xã hội. Và vì thế, người ta có lý khi nói rằng không hiểu biết cơ cấu xã hội thì không có khả năng đánh giá về khuynh hướng và nhịp độ xây dựng chủ nghĩa xã hội, không thể lãnh đạo các quá trình liên kết xã hội theo từng phạm vi lãnh thổ hay trong cả nước. Lại đặc biệt quan trọng đòi hỏi phải hiểu biết cơ cấu xã hội ở nông thôn khi cư dân nông thôn ở cả nước còn chiếm tới 81.1% (1984) và ở Lạng Sơn 82.2% (1984)

2

Quá trình cải tạo và phát triển kinh tế - xã hội đã tác động mạnh mẽ tới việc biến đổi vị trí và các hình thức sở hữu ở nông thôn. Xu hướng chung là vai trò của sở hữu Nhà nước và sở hữu tập thể ngày càng tăng lên, sở hữu cá nhân giảm dần. Trên địa bàn nông thôn, ở trong phạm vi địa vực của xã này hay xã khác, tùy theo mức độ khác nhau, đã xuất hiện một hình thức mới : các hình thức sở hữu khác nhau đều song song tồn tại. Gắn liền với điều đó là những người lao động thuộc các khu vực sản xuất khác nhau cùng sinh sống trên một địa bàn.

Cơ cấu xã hội nông thôn hiện nay, ngay cả nông thôn miền núi, không còn thuần túy là nông dân như xưa nữa. Nông dân, dù là xã viên hợp tác xã hay nông dân cá thể, chỉ là một bộ phận của cư dân nông thôn. Một bộ phận cư dân không kém phần quan trọng sống ở nông thôn làm việc trong khu vực Nhà nước. Nếu đứng về mặt quan hệ với các hình thức sở hữu tư liệu sản xuất, sự phân phối các sản phẩm xã hội cũn như lối sống nhu cầu vật chất và tinh thần mà xét thì bộ phận dân cư này trở thành một nhóm xã hội mới ở nông thôn miền núi phân biệt với những người lao động ở khu vực tập thể hay cá thể. Khái niệm cư dân nông thôn đã không còn đồng nhất với khái niệm nông dân. Sự thật đó chứng tỏ một sự biến đổi kinh tế - xã hội lớn ở Lạng Sơn nói riêng và nông thôn cả nước nói chung.

(2)

Ở nông thôn đã xuất hiện nhiều ngành nghề mới, đặc biệt ở những người lao động thuộc khu vực Nhà nước. Phần đông họ làm việc ở ngành giáo dục hay trong các nông trường, lâm trường, ở các đơn vị giao thông, thủy lợi…Ở huyện Lộc Bình hơn 600 giáo viên, cán bộ công nhân viên các trường phổ thông cơ sở phân bố ở khắp các xã, trong huyện, rõ ràng không phải là nông dân, nhưng là nhưng cư dân nông thôn. Lâm trường Lộc Bình mà tiền thân của nó là Hạt lâm nghiệp được thành lập từ năm 1960, có lúc có biên chế tới 1.200 người, nay gồm hơn 400 người chia thành 8 đội rải rác 7 xã (Lục Thôn, Xuân Mẫn, Tú Minh, Tam Gia, Sân Viên, Lợi Bắc, Nam Quan) trong toàn huyện làm nhiệm vụ trồng rừng và khai thác rừng. Phần lớn cán bộ, công nhân viên của lâm trường sống và làm việc hoàn toàn trong điều kiện của cư dân nông thôn hoặc ở xem lẫn trong các làng bản hoặc ở những điểm cư trú mang tính chất làng công nhân. Hơn 160 công nhân, viên chức ở Nông trường Đông Quan cũng sống và làm việc trong điều kiện tương tự. Còn có thể kể ra nhiều nữa những cư dân nông thôn làm việc thuộc khu vực Nhà nước ở các ngành nghề khác nhau như ở các hạt kiểm lâm, trại lúa giống…Những người này hưởng lương và các quyền lợi vật chất, tinh thần từ các cơ quan chủ quản ở huyện. Hộ khẩu của họ được đăng ký tại huyện, tại thị trấn. Trong các thông kê chính thức, nhóm người này vẫn được quan niệm là những cư dân thành thị bởi họ chủ yếu được tính là ((người của Nhà nước)) và được quản lý theo ((ngành kinh tế)) chứ không tính theo ((lãnh thổ)). Nhìn nhận như vậy trong công tác thống kê hay quản lý xã hội theo chúng tôi là chưa phản ánh được đầy đủ bộ mặt của cư dân nông thôn, và do vậy, chẳng hạn, trong công tác chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở hay xây dựng lối sống mới ở nông thôn, mà ngành văn hóa đang thực hiện, sẽ không thấy hết tính đa dạng và phức tạp đối với đối tượng của mình.

Những người lao động ở khu vực tập thể ở nông thôn Lạng Sơn hiện nay giữ một tỷ trọng lớn nhất trong cư dân nông thôn, là lực lượng sản xuất nông nghiệp chủ đạo. Cơ cấu ngành nghề ở đây còn nghèo nàn, chủ yếu mới làm nông nghiệp và gần đây có thêm rừng.

Thủ công nghiệp với tư cách là một ngành sản xuất cũng chưa phổ biến rộng rãi ở các làng xã.

Ở nông thôn đã hình thành hệ thống các hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tín dụng, những nhân viên của các hợp tác xã này hoàn toàn thuộc khu vực tập thể. Các cơ sở dich vụ như may mặc, cắt tóc, ăn uống…còn chưa hình thành, trong khi đó các cơ quan thương nghiệp, dịch vụ của Nhà nước mới hoạt động chủ yếu ở các thị trấn, thị xã. Nông thôn các dân tộc ở Lạng Sơn phát triển kinh tế hàng hóa thông qua hệ thống các chợ chủ yếu ở thị trấn, thị xã. Ở nông thôn hầu như chưa phân hóa một lớp người chuyên sống bằng buôn bán – thương nhân chuyên nghiệp.

(3)

Nông dân cá thể còn giữ một vai trò lớn. Cho đến năm 1984, Lạng Sơn là tỉnh có tỷ trọng nông dân cá thể cao nhất (43,3%) so với các tỉnh miền núi phía Bắc khác như Lai Châu (40,7%), Cao Bằng (22.5%), Hoàng Liên Sơn (17,2%), Sơn La (10,9%)…Quá trình cải tạo nông dân cá thể luôn luôn có biến động. Nhìn lại quá khứ không xa, nhiều nông dân cá thể này đã từng là xã viên các hợp tác xã nông nghiệp, nhưng do những nguyên nhân khác nhau như mất mùa, thiên tai..., họ đã ra hợp tác xã, lại trở thành nông dân cá thể. Trong 2 năm gần đây, với quyết tâm của tỉnh, phong trài hợp tác hóa đang dần được củng cố. Cũng như trước lkia, nông dân cá thể chủ yếu làm nông nghiệp. Những người chuyên làm thủ công nghiệp, tiểu thương hay dịch vụ ở nông thôn rất ít, mà chủ yếu tập trung ở thị trấn và 1 thị xã của Lạng Sơn.

Trình bày khái quát tình hình trên, chúng tôi muốn đi đến một nhận thức là một mô hình xã hội mới ở nông thôn miền núi đã xuất hiện với sự phân công lao động ngày càng phức tạp hơn về cơ cấu khu vực sản xuất và cơ cấu ngành nghề (xem mô hình 1)

Mô hình 1: Cơ cấu phân theo khu vực sản xuất và ngành nghề ở nông thôn miền núi

Khu vực sản xuất Ngành kinh tế

Tập thể (nông dân, thợ thủ công)

- Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thủ công

Cá thể (nông dân) - Nông nghiệp

- Thủ công nghiệp

Nhà nước (công nhân, viên chức)

- Nông nghiệp - Lâm nghiệp

- Giao thông, công nghiệp

- Các cơ quan, trường học, bệnh viện Phân hóa ngành nghề ở nông thôn miền núi đang trở thành một xu hướng. Đó là một tiến bộ xã hội, là xu hướng tích cực có tính quy luật của sự phát triển kinh tê – xã hội của thời kỳ quá độ. Cư dân nông thôn càng nhiều ngành nghề càng chứng tỏ một sự phát triển. Sự đơn

(4)

giản của ngành nghề, hơn nữa chủ yếu chỉ tập trung vào nông nghiệp, của cư dân nông thôn miền núi Lạng Sơn như hiện nay rõ ràng là phản ánh trình độ kinh tế còn kém phát triển. Yêu cầu xây dựng nông thôn mới ở Lạng Sơn đòi hỏi phải tìm mọi biện pháp phá vỡ mô hình kinh tế - xã hội cũ, phát triển mạnh các ngành nghề mới ở nông thôn, đặc biệt trong khu vực sản xuất tập thể.

Sự phân chia các nhóm xã hội theo sở hữu đối với tư liệu sản xuất là cơ sở quan trọng để phân tích các quan hệ xã hội trong thời kỳ quá độ. Thực tế các nhóm xã hội này (nông dân tập thể, cá thể và công nhân viên chức) đang vận động và tạo ra những mối quan hệ xã hội chủ yếu ở nông thôn miền núi. Vị trí, vai trò kinh tế và xã hội, tâm lý và nhu cầu văn hóa của mỗi nhóm là khác nhau. Đó là một thực tế cần được nhận thức sâu sắc.

3

Trong sự vận động của các quá trình kinh tế và xã hội ở nông thôn miền núi như ở Lạng Sơn hiện nay, không thể không chú ý đến sự biến đổi về tính chất và chất lượng lao động của người lao động, tức là quá trình phân hóa lao động đơn giản và lao động có kỹ thuật.

Đây cũng là một tiến bộ xã hội, một quá trình xã hội tất yếu diễn ra trong thời kỳ quá độ.

Nhận thức được sự vận động của quá trình xã hội này mới thấy hết được những biến đổi to lớn ở nông thôn miền núi, đồng thời cũng thấy được những mặt yếu kém của nó để có biện pháp khắc phục. Quả vậy, trước đây ở nông thôn chỉ tồn tại một hình thức lao động duy nhất – lao động chân tay. Sự phát triển kinh tế, đặc biệt với sự có mặt của hình thức sở hữu Nhà nước ở nông thôn, việc nâng cao đời sống văn hóa và trình độ văn hóa của nhân dân đã làm hình thành nên một hình thức lao động mới ở miền núi : lao động trí óc hay nghiêng về lao động trí óc và quản lý, lao động có kỹ thuật chuyên môn và nghiệp vụ. Những người lao động trí óc đã trở thành một nhóm xã hội, nếu xét về mặt tính chất và chất lượng lao động, đã và đang hình thành ở các ngành khác nhau phân bố ở nông thôn khắp các huyện. Lại lấy huyện Lộc Bình làm thí dụ. Hơn 600 giáo viên dạy phổ thông cơ sở ở khắp các xã rõ ràng là những cư dân nông thôn làm lao động trí óc được đào tạo chuyên môn ở những mức độ khác nhau.

Trong số hơn 400 cán bộ công nhân viên ở Lâm trường Lộc Bình có 5 kỹ sư, 16 trung cấp kỹ thuật, mỗi đội sản xuất có từ 4 đên 5 người gián tiếp sản xuất bao gồm đội trưởng, cán bộ kỹ thuật, thống kê, y tá…Đó là chưa kể 35 người làm công tác quản lý, hành chính, nhgieepj vụ ở các phòng, ban tại lâm trường bộ. Những người nghiêng về lao động trí óc và quản lý này trong đó giữ một tỷ lệ nhất định là những trí thức có trình độ từ trung học chuyên nghiệp trở lên hằng ngày sống và làm việc ở nong thôn. Các đơn vị khác của Nhà nước đóng trên địa bàn các xã trong huyện cũng có một cơ cấu lao động trí óc và quản lý tương tự. Như vậy rõ ràng quá trình phân hóa lao động chân tay và lao động trí óc ở nông thôn đang diễn ra. Cùng với

(5)

điều đó, trong bản thân những người lao động chân tay cũng diễn ra một quá trình phân hóa giữa lao động đơn giản và lao động có kỹ thuật, nghiệp vụ. Công nhân ở các nông trường, lâm trường. đội thủy lợi…Phần lớn đã được đào tạo chuyên môn trở nên có tay nghề và bậc thợ. Ở Lâm trường Lộc Bình cho đến nay không còn công nhân không được đào tạo về chuyên môn nữa, tay nghề của công nhân đã vượt qua bậc 1 và 2, tất cả đều từ bậc 3 trở lên, trong đó có 16% công nhân bậc 5 so với tổng số cán bộ, công nhân của lâm trường.

Tham gia vào quá trình phân hóa xã hội này không những chỉ có những người lao động thuộc khu vực Nhà nước, mà còn có cả những người lao động thuộc khu vực tập thể.

Theo cơ chế tổ chức bộ máy hành chính của Nhà nước ở cấp xã, mỗi xã hiện nay đều hình thành lên bộ khung cán bộ tương đối hoàn chỉnh. Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng ngày 13 – 10 – 1981 đã quy định 20 chức danh được hưởng sinh hoạt phí của cán bộ xã là : bí thư và phó bí thư Đảng ủy xã, chủ tịch và các phó chủ tịch xã, ủy viên thư ký, các trưởng phó ban ngành ở xã như công an, quân sự, thống kê – kế hoạch, tài chính, văn hóa – thông tin – xã hội, thủy lợi, giao thông, quản lý ruộng đất, các trưởng trạm xá, trạm bưu điện, nhưng người đứng đầu các đoàn thể Mặt trận, Phụ nữ, Thanh niên, Hội nông dân tập thể, cán bộ phụ trách văn phòng cấp ủy, Ủy ban nhân dân xã…Hoạt động của những người này vừa mang tính chất nghiêng về lao động trí óc và quản lý khi họ giải quyết các công việc theo chức năng xã hội của mình, đồng thời lại vừa mang tính chất lao động chân tay khi họ tham gia lao động sản xuất trong gia đình. Thu nhập của họ do cả hai nguồn lao động mang tính chất khác nhau quy định. So với những người nông dân lao động đơn giản, lao động, nếp sống sinh hoạt của họ đang hình thành những đặc trưng riêng. Những người tham gia công tác quản lý ở các hợp tác xã cũng ở tình trạng tương tự như vậy. Thành phần của họ bao gồm chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm hợp tác xã, cán bộ thống kê, cán bộ kế toán, trưởng phó ban kiểm soát, các đội trưởng đội sản xuất … Nhiều nơi, để đảm bảo thu nhập gia đình và thời gian tối đa cho các hoạt động xã hội, những cán bộ xã thường kiêm nhiệm công tác quản lý ở hợp tác xã. Trong những trường hợp như vậy, họ hầu như trở thành người gián tiếp sản xuất, lao động cơ bản của họ nghiêng về lao động trí óc.

Như vậy, ở nông thôn miền núi thực sự đang hình thành một nhóm xã hội mà tính chất lao động của họ nghiêng về lao động quản lý và lãnh đạo.

Bên cạnh nhóm người này, ở khắp nơi trên phạm vi các xã cũng đang dần dần hình thành một nhóm xã hội bao gồm những người lao động có chuyên môn (sơ cấp hoặc trung cấp). Đó là các giáo viên, các trạm xá trưởng, y tá, các thống kê, kế toán, thủ kho, những người làm công tác giao thông, thuế nông nghiệp…do hợp tác xã hay xã quản lý.

(6)

Những người nghiêng về lao động trí óc và quản lý ở nông thôn miền núi có nhưng đặc điểm riêng khác với lao động trí óc và quản lý ở thành thị. Trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ của họ nói chung thấp. Đặc biệt, hoạt động lao động của những người này còn gắn chặt chẽ với lao động chân tay giản đơn cả về kết quả kinh tế lẫn thời gian vật chất. Ở đây chưa có sự tách bạch rạch ròi giữa hai hình thức lao động này, bởi vì nó là biểu hiện một quá trình xã hội tất yếu đang được dần dần phân hóa, đang vận động ở nông thôn miền núi trong thời kỳ quá độ. Sự tiến bộ xã hội này phản ánh một bước phát triển kinh tế và quản lý kinh tê – xã hội ở nông thôn miền núi hiện nay. Hơn nữa, cũng cần thấy rõ đặc điểm là sự phân hóa giữa hai loại lao động cũng có mức độ khác nhau giữa hai khu vực sản xuất (Nhà nước và tập thể) khi diễn ra ngay ở địa bàn nông thôn.

Đại bộ phận những người lao động ở nông thôn, những xã viên hợp tác xã còn là những người lao động giản đơn. Phần lớn họ làm việc theo kinh nghiệm, trình độ văn hóa thấp.

4

Mô hình cơ cấu xã hội ở nông thôn miền núi trình bày ở trên đã được kiểm tra bước đầu qua việc điều tra xã hội học tộc người ở huyện Tràng Định (năm 1979) huyện Chi Lăng (năm 1981) và ở huyện Lộc Bình (tháng 9 – 1985) do điều kiện và hoàn cảnh hạn chế, vừa qua chúng tôi chưa triển khai nghiên cứu toàn bộ cư dân nông thôn theo các mô hình đã nói ở trên mà chỉ mới đóng khung ở đối tượng nghiên cứu là nông dân các dân tộc không phải ở tất cả các huyện của tỉnh Lạng Sơn, mà chủ yếu ba huyện trên. Huyện Lộc Bình được chọn làm đối tượng nghiên cứu vì những lý do dưới đây :

- Huyện có cơ cấu dân số - dân tộc phù hợp với cơ cấu chung của tỉnh.

- Là huyện miền núi – biên giới.

- Huyện có trục giao thông quan trọng chạy qua, có cơ sở công nghiệp hiện đại (mỏ than Na Dương) có nông trường, lâm trường, phản ánh cơ cấu kinh tế tương đối phát triển.

Huyện có 26 xã và 2 thị trấn, chúng tôi chọn 6 xã để điều tra đại diện cho cư dân nông thôn, trong đó có 3 xã biên giới (Yên Khoái, Tú Mịch, Mẫu Sơn), 1 xã ven đường quốc lộ (Lục Thôn) và 2 xã sâu nội địa (Nhượng Bạn và Như Khuê). Tổng số mẫu được lựa chọn để nghiên cứu là 900 nông dân trong độ tuổi lao động của các dân tộc Tày, Nùng, Dao. Sán Chay. Những người là đối tượng điều tra đã trả lời một bảng câu hỏi gồm 136 câu hỏi về nhiều vấn đề khác nhau cho phép hiểu biết nhiều quá trình kinh tế, xã hội, văn hóa đang diễn ra ở nông thôn. Toàn bộ thông tin thu được qua phiếu hỏi đều được đưa vào chương trình xử

(7)

lý bằng máy tính điện tử. Kết quả phân tích bước đầu cho phép kiểm tra mô hình giả thuyết bằng những số lượng cụ thể.

Trong nông dân các dân tộc đang bắt đầu hình thành các nhóm xã hội được phân biệt bằng tính chất hoạt động lao động. Các nhóm xã hội đó là những thành tố của cơ cấu xã hội – nghề nghiệp. Với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, cơ cấu đó bao gồm :

- 88,2% những người lao động giản đơn

- 8.2% những người nghiêng về lao động quản lý và lãnh đạo, đồng thời vẫn tham gia lao động giản đơn.

- 2.6% những người nghiêng về lao động có chuyên môn, đồng thời vẫn tham gia lao động giản đơn.

Phân tích tình trạng kinh tế và những biến động xã hội của các nhóm xã hội – nghề nghiệp này có ý nghĩa quan trọng để hiểu được sự vận động bên trong của nông dân các dân tộc. Và thực tế cũng chứng minh rằng các nhóm xã hội dù đang trong quá trình hình thành ở nông thôn cũng đã có ảnh hưởng nhất định tới các quá trình xã hội, trong đó có lối sống.

Kết quỷ điều tra xã hội học tộc người cho biết bức tranh về trình độ văn hóa của nông dân nói chung là : 31.6% ở trình độ mù chữ và biết đọc, biết viết (trong đó riêng mù chữ là 16.5%) ; 36,5% có trình độ cấp 1 :27,7 % - cấp 2 : 3.8% cấp 3 : 0.3% có trình độ trung học chuyên nghiệp. Đây là một bức tranh có màu sắc sáng nếu như so nó với bức tranh tối màu của 30 – 40 năm về trước khi tuyệt đại bộ phận nông dân các dân tộc mù chữ. Nhưng so với yêu cầu ((nông nghiệp phải trở thành mặt trận hàng đầu)) thì 16% những người ở mặt trận hàng đầu còn mù chữ hay 1/3 mới ở dưới trình độ biết đọc, biết viết thì quả là một con số quá lớn. Nếu xét theo nhóm xã hội – nghề nghiệp thì trong khi nhóm lao động giản đơn còn 18.3% mù chữ thì ở nhóm lao động quản lý và lãnh đạo hay nhóm lao động có chuyên môn đã hoàn toàn không còn những người ở trình độ này nữa. Ở trình độ văn hóa cao hơn, từ cấp 2 trở lên, khoảng cách về trình độ văn hóa giữa các nhóm xã hội tăng dần lên từ lao động giản đơn (30.3%), lao động quản lý, lãnh đạo (38.9%) đến lao động có chuyên môn, nghiệp vụ (47.8%). Riêng ở nhóm lao động có chuyên môn, những người có trình độ cấp 3 giữ một tỷ lệ nhất định (17.4%) và vượt hơn hẳn các nhóm khác. Như vậy, so với trước đây, trình độ văn hóa của những người lao động nông dân các dân tộc đã có biến đổi lớn, sự khác biệt về khoảng cách trình độ văn hóa giữa các nhóm đã xuất hiện nhưng chưa lớn. Điều đó rõ ràng tác động tới việc hình thành lối sống mới ở nông thôn, bởi vì nội dung cơ bản của lối sống được xác định bởi nhiều yếu tố như giai cấp, dân tộc, nhóm nghề nghiệp, nhóm tuổi tác và trình độ văn hóa, trong đó trình độ văn hóa giữ một vai trò quan trọng.

(8)

Trong thời kỳ quá độ như hiện nay, lối sống xã hội chủ nghĩa đang dần dần hình thành trên cơ sở nền kinh tế mới và xã hội mới. Nhưng bản thân các cơ sở kinh tế và xã hội của lối sống mới cũng đang được cải tạo và xây dựng, nên tính chất quá độ của lối sống hiện nay cũng thể hiện rõ rệt. Đặc điểm của tính chất quá độ đó là ((những yếu tố của lối sống truyền thống đang tàn lụi dần và những yếu tố của lối sống xã hội chủ nghĩa đang hình thành và va chạm với nhau ; lối sống xã hội chủ nghĩa cũng chưa trở thành một hệ thống hoàn chỉnh )) (1).

Đặc điểm này thể hiện rõ trong các hoạt động văn hóa của lối sống. Chẳng hạn, xã hội hiện đại có những nhu cầu văn hóa khác với xã hội truyền thống. Con người cần những thông tin, những hiểu biết, những kiến thức kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa được tích lũy không giới hạn theo không gian và thời gian. Những kênh thông tin hiện đại hay những nhu cầu văn hóa mới như đọc báo, đọc sách, nghe đài, xem phim đang được mở rộng không những ở thành thị mà cả nông thôn miền núi. Đọc sách, nghe đài, xem phim…hình thành như một nếp sống trong nhân dân không phải ngày một ngày hai, mà là cả một quá trình lâu dài phụ thuộc nhiều vào điều kiện chủ quan và khách quan. Cho đến nay, tài liệu xã hội học tộc người ghi nhận rằng, mặc dù 76.3% nông dân các dân tộc có nghe đài, 43.5% có đọc sách, 39.9 % có đọc báo, 25.1% có xem phim, nhưng chưa trở thành một nếp sống thường xuyên.

Trên thực tế có một khoảng cách nhất định về nhu cầu đọc báo giữa các nhóm xã hội.

Chỉ có 35.1% những người lao động giản đơn có đọc báo, cho dù là thỉnh thoảng, trong khi đó ở những người lao động có chuyên môn nghiệp vụ hay những người làm công tác quản lý, lãnh đạo ở xã, hợp tác xã có một tỷ lệ khá cao – 69.5% và 73.9%.

Việc đọc sách cũng ở trong tình trạng tương tự. Nhu cầu đọc báo sách giữa các nhóm xã hội đã khác nhau trong khoảng cách từ 38.7% (lao động giản đơn) đến 70% (lãnh đạo, quản lý và chuyên môn, nghiệp vụ). Xu thế chung là nhóm lao động trí óc ở nông thôn có nhu cầu đọc báo khá rõ. Điều này càng thể hiện rõ khi xem xét mức độ thướng xuyên đọc sách giữa các nhóm xã hội :5.9% (lao động giản đơn) – 9.7% (lao động quản lý) – 39.1% (lao động chuyên môn). Muốn đọc sách thì phải có sách. Như chúng ta biết, cả hai thị trấn Lộc Bình và Na Dương mới có 2 thư viện mà suốt từ năm 1979 tới nay chua hoạt động được thì chưa biết đến khi nào ở nông thôn mới hình thành được các tủ sách. Vấn đề xây dựng tủ sách gia đình ở nông thôn lại càng khó khăn, thực tế chưa trở thành một nhu cầu xã hội. Hơn 80% gia đình ở nông thôn thuộc nhóm lao động giản đơn cũng như nhóm lãnh đạo, quản lý không có một quyển sách nào. Ở nhóm lao động có chuyên môn, con số đó thấp hơn một chút (73.9%). Còn lại là những gia đình có từ 1 đến 5 cuốn sách. Phần lớn đó là những cuốn sách có dược do ((ngẫu nhiên)), sách vứt lung tung, vẽ bậy, mất bìa…Một ý thức về sách cơ bản hình thành.

Đó là một trạng thái quá độ cần được dần dần khắc phục.

(9)

Nghe đài là một kênh thông tin văn hóa quan trọng bậc nhất trong xã hội hiện đại.

Điều đáng mừng là, tuy ở mức độ khác nhau, nhưng đa số người lao động đã tiếp xúc với kênh thông tin mới này. Hiện nay, 73.6% người lao động đơn giản, 95.8% lao động quản lý cấp lãnh đạo và 95.5% lao động chuyên môn thỉnh thoảng hoặc thường xuyên có nghe đài.

Những tin tức thời sự trong nước, ngoài nước, chủ yếu và nhanh nhất đưa về quần chúng thông qua hệ thống đài phát thanh của tỉnh và trung ương. Lại một lần nữa, chúng ta thấy, khi xem xét ở mức độ nghe đài thường xuyên, nhu cầu nghe đài có sự phân hóa giữa các nhóm xã hội (22.5% lao động giản đơn, 48.6% lao động quản lý và 68.2% lao động chuyên môn). Điều này cũng giống với tình hình phân bố đài ở nông thôn giữa các nhóm xã hội (23.4% lao động giản đơn, 32.8% lao động quản lý và 39.1% lao động chuyên môn).

Từ những điểm trình bày trên, chúng tôi đề nghị :

1. Để thực hiện có hiệu quả sự phát triển nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu thì bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất cho nông nghiệp, việc đầu tư cho đời sống vật chất, tinh thần và kỹ thuật cho người lao động nông dân các dân tộc là một vấn đề hết sức quan trọng. Cùng với những yếu tố kinh tế, các lĩnh vực của đời sống, trong đó có những yếu tố văn hóa ((quyết định tâm trạng và thái độ của con người đối với lao động)).

Tình trạng văn hóa thấp, đời sống văn hóa nghèo nàn, lao động với kỹ thuật giản đơn ở nông thôn miền núi rõ ràng không tương xứng với hai nhiệm vụ chiến lược mà người nông dân các dân tộc trên bien giới đang đảm nhiệm. Vấn đề đặt ra ở đây là cần nhận thức đúng mức và có kế hoạch thật sự bảo đảm có hiệu quả thực hiện việc đầu tư chiến lược con người – nông dân các dân tộc trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

2. Trong quá trình xây dựng lối sống mới xã hội chủ nghĩa ở nông thôn miền núi, cần có một cái nhìn tổng thể, trong đó không thể không tính đến quá trình phân hóa xã hội đang thực sự diễn ra với những giai đoạn trung gian để dần dần tiến tới cơ cấu xã hội hiên đại đồng nhất trong cả nước và giữa các dân tộc. Cơ cấu xã hội ở nông thôn đang hình thành.

Những nhóm xã hội mới xuất hiện. Quản lý sự hình thành và phát triển lối sống mới ở nông thôn miền núi không thể không tính đến những nhân tố này.

3. Quản lý sự hình thành và phát triển lối sống xã hội chủ nghĩa ở miền núi là một vấn đề hết sức phức tạp. Ở đây đòi hỏi một sự gắn bó chặt chẽ giữa việc thực hiện đúng chính sách dân tộc với công tác chỉ đạo thực tiễn và công tác nghiên cứu khoa học. Chúng tôi hy vọng rằng một sự hợp tác nghiên cứu giữa Ủy ban Nhân dân tỉnh, các cơ quan văn hóa - thông tin và Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Dân tộc học, Viện Xã hội học) sẽ được mở ra đặng góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng con người mới, nên văn hóa mới ở các tỉnh miền núi.

Tài liệu tham khảo

Tài liệu liên quan