• Không có kết quả nào được tìm thấy

BẠO LỰC VỢ CHỒNG QUA NGHIÊN CỨU Ở PHƯỜNG QUẢNG TIẾN, THÀNH PHỐ SẦM SƠN, TỈNH THANH HÓA

N/A
N/A
Protected

Academic year: 2022

Chia sẻ " BẠO LỰC VỢ CHỒNG QUA NGHIÊN CỨU Ở PHƯỜNG QUẢNG TIẾN, THÀNH PHỐ SẦM SƠN, TỈNH THANH HÓA "

Copied!
11
0
0

Loading.... (view fulltext now)

Văn bản

(1)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn

BẠO LỰC VỢ CHỒNG QUA NGHIÊN CỨU Ở PHƯỜNG QUẢNG TIẾN, THÀNH PHỐ SẦM SƠN, TỈNH THANH HÓA

ĐINH PHƯƠNG LINH*

Tóm tắt: Bài viết tìm hiểu vấn đề bạo lực vợ chồng trên cơ sở tiếp cận giới khi xem xét cả vợ và chồng đều có khả năng là nạn nhân. Dựa trên số liệu cuộc khảo sát 520 người đã kết hôn tại một phường ở thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa năm 2016, phân tích cho thấy, trên 60% người đã từng bị bạo lực vợ chồng và khoảng trên 1/4 người bị bạo lực vợ chồng về thể chất trong vòng 12 tháng trước thời điểm khảo sát. Tỷ lệ nạn nhân trong nhóm nam không thấp hơn nhiều so với trong nhóm nữ. Bạo lực tinh thần là loại bạo lực phổ biến nhất, trong khi bạo lực tình dục hiếm xuất hiện hoặc ít được thừa nhận là có xuất hiện. Tần suất và mức độ nghiêm trọng của bạo lực vợ chồng đối với nữ giới cao hơn so với nam giới.

Từ khóa: bạo lực vợ chồng, giới, bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục, Thanh Hóa.

Nhận bài: 12/3/2018 Gửi phản biện: 10/4/2018 Duyệt đăng: 06/6/2018

1. Đặt vấn đề

Bạo lực gia đình (BLGĐ) xuất hiện ở mọi quốc gia và thời kỳ lịch sử, dạng BLGĐ phổ biến nhất là bạo lực vợ chồng (BLVC) và nạn nhân thường là phụ nữ (Kurt, 1989). Ở Việt Nam, theo nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ (Tổng cục Thống kê, 2010), 32% phụ nữ từng kết hôn cho biết họ từng chịu bạo lực thể xác và 6% phụ nữ được hỏi bị bạo lực thể xác trong vòng 12 tháng tính đến thời điểm điều tra. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Lee Jong Wook từng nhận định, bạo lực của chồng/bạn tình là một trong những nguyên nhân chính gây nên những vấn đề sức khỏe của nữ giới (Tổng cục Thống kê và WHO, 2010) BLGĐ không chỉ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nạn nhân mà còn gây nên những tổn thương tâm lý ở những người chứng kiến, đặc biệt là trẻ em.

Những thực tế trên cho thấy tầm quan trọng của nghiên cứu về bạo lực trong quan hệ gia đình nói riêng và trong mối quan hệ vợ chồng đối với việc đảm bảo gia đình ổn định và hạnh phúc.

* Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội.

(2)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn Có nhiều cách phân chia bạo lực vợ chồng, Lê Thị Quý (1996) chia thành hai loại:

a) bạo lực nhìn thấy được và b) bạo lực không nhìn thấy được; Nguyễn Hữu Minh và cộng sự (2005) lại chia thành cưỡng bức thân thể, cưỡng bức tình dục, cưỡng bức về tâm lý và tình cảm, cưỡng bức về mặt xã hội và cưỡng bức về tài chính. Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng cách phân loại của Tổng cục Thống kê và WHO (2010) trong nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình với phụ nữ ở Việt Nam Theo đó bạo lực vợ chồng sẽ gồm có ba dạng: bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần và bạo lực tình dục. Bạo lực tâm lý và tình cảm được xác định bằng những hành động hoặc đe dọa hành động như hăm dọa, kiểm soát, chửi bới, làm nhục và đe dọa nạn nhân. Bạo lực thể xác là một hoặc nhiều hành động tấn công có chủ ý về thể xác với khả năng gây đau đớn, thương tích hoặc tử vong. Bạo lực tình dục là việc sử dụng sức mạnh, cưỡng bức hoặc đe dọa về tâm lý để ép buộc người phụ nữ tham gia quan hệ tình dục ngoài ý muốn của mình, cho dù hành vi đó có thực hiện được hay không. Với cách định nghĩa trên, các biểu hiện cho từng loại bạo lực như sau:

- Bạo lực thể xác bao gồm các biểu hiện như: tát hoặc ném đồ vật vào người; đẩy, xô, kéo tóc; đánh, đấm bằng vật gây tổn thương; đá, kéo lê, đánh đập tàn nhẫn; bóp cổ, làm nghẹt thở, làm bỏng; sử dụng vũ khí (súng, dao, kéo… hoặc các vũ khí khác) để gây đau đớn về thể chất, thương tích cho nạn nhân (không tính những hành vi liên quan đến tình dục).

- Bạo lực tâm lý, tình cảm (bạo lực tinh thần) gồm các biểu hiện: không cho gặp gỡ, thăm nom bạn bè; hạn chế tiếp xúc với gia đình cha mẹ đẻ; muốn kiểm soát ở đâu vào bất cứ lúc nào; phớt lờ và cư xử lãnh đạm; tức giận nếu thấy nói chuyện với người đàn ông/phụ nữ khác; thường nghi ngờ về lòng chung thuỷ; kiểm soát đi đâu phải xin phép. Các biểu hiện bạo lực tinh thần được chia thành các nhóm: kiểm soát các mối quan hệ (không cho gặp gỡ bạn bè, hạn chế tiếp xúc với gia đình cha mẹ đẻ); kiểm soát hành vi (kiểm soát ở đâu, bất cứ lúc nào, đi đâu phải xin phép); ghen tuông (nghi ngờ lòng chung thủy, tức giận nếu thấy nói chuyện với người đàn ông/phụ nữ khác);

phớt lờ, lãnh đạm; sỉ nhục, làm cho cảm thấy tồi tệ (không tính những hành vi liên quan đến tình dục).

- Bạo lực tình dục có các biểu hiện như dùng vũ lực cưỡng ép vợ/chồng phải quan hệ tình dục khi vợ/chồng không muốn; đe dọa ép quan hệ tình dục trái mong muốn; ép phải quan hệ tình dục với một người khác.

Trên cơ sở xác định các biểu hiện BLVC như trên, công cụ điều tra được thiết kế dựa trên Thang điểm phương thức mâu thuẫn (Conflict Tactics Scale - CTS) do nhà xã hội học Murray Straus đưa ra vào những năm 1970 (Straus, 1979) Đây là công cụ được sử dụng rộng rãi nhất trong nghiên cứu về BLGĐ Nhà nghiên cứu sẽ xác định các hành vi là biểu hiện của BLGĐ và người được hỏi sẽ trả lời liệu anh/chị ta có từng bị các hành vi đó trong đời/trong vòng 12 tháng trước thời điểm nghiên cứu hay không. Thay vì chọn mẫu nghiên cứu là nữ giới như nhiều nghiên cứu đi trước về BLVC, trong nghiên cứu này, mẫu được lựa chọn bao gồm cả nam giới và nữ giới với mục đích xem xét vấn đề

(3)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn BLVC dưới tiếp cận đối xứng về giới - xem nam giới và nữ giới đều có khả năng là nạn nhân của BLVC.

Từ trước đến nay, BLVC thường được xem xét dưới góc độ bạo lực của chồng đối với vợ. Bạo lực của vợ đối với chồng thường ít được nhấn mạnh và nghiên cứu rộng rãi, nhưng như vậy không có nghĩa là vấn đề này không đáng quan tâm bằng bạo lực của nam giới đối với phụ nữ. Trên thực tế, vấn đề đối xứng về giới (nam giới và nữ giới có khả năng gây ra/trở thành nạn nhân của bạo lực vợ chồng như nhau) hay bất đối xứng về giới (nam giới có xu hướng gây nên bạo lực nhiều hơn nữ giới và nữ giới thường là nạn nhân của BLVC) là trọng tâm của sự phân chia lý thuyết về BLVC. Theo Johnson (1996), cuộc tranh luận về đối xứng giới tập trung vào mức độ mà phụ nữ có khả năng trở thành thủ phạm của bạo lực trong các mối quan hệ tình cảm. Các nhà lý luận về bạo lực gia đình phần lớn ủng hộ quan điểm đối xứng về giới, khẳng định rằng phụ nữ, cũng giống như nam giới, đều sử dụng bạo lực trong những mối quan hệ tình cảm (Straus và cộng sự, 1981). Ở phe bên kia của cuộc tranh luận, nhiều nhà lý thuyết nữ quyền về cơ bản không đồng ý với đề xuất này Thay vào đó, họ cho rằng bạo lực với đối tác tình cảm là không đối xứng và nam giới có nhiều khả năng sử dụng bạo lực trong các mối quan hệ tình cảm hơn phụ nữ, và nếu phụ nữ có sử dụng bạo lực, thì cũng chỉ có thể là vì mục đích tự vệ (Kurz, 1989; Yllo, 1993).

Bài viết này mô tả vấn đề bạo lực vợ chồng theo tiếp cận hai chiều: bạo lực đối với vợ và bạo lực đối với chồng Đây là hướng tiếp cận khá mới ở Việt Nam Trên cơ sở xác định mức độ mà nam giới và nữ giới là nạn nhân của BLVC, bài viết tìm hiểu mức độ xuất hiện của các dạng bạo lực (thể chất, tinh thần, tình dục) và các biểu hiện bạo lực của chồng đối với vợ và ngược lại. Bài viết dựa trên số liệu của cuộc nghiên cứu Ảnh hưởng của bạo lực trong mối quan hệ vợ chồng: Những chiều cạnh sức khỏe khảo sát tại phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa vào năm 2016 Cuộc khảo sát đã chọn mẫu phỏng vấn 520 người (187 nam/chồng và 342 nữ/vợ1) trong độ tuổi từ 18 đến 80, đã lập gia đình, có hộ khẩu và sinh sống tại địa phương Do BLVC là chủ đề nhạy cảm nên tỷ lệ người từ chối trả lời một số câu hỏi liên quan đến tình trạng bị BLVC khá cao, từ 12% đến 15% tùy từng câu, và thực tế chỉ còn khoảng 450 trường hợp đủ thông tin để phân tích. Bên cạnh đó, cuộc khảo sát còn tiến hành 12 phỏng vấn sâu ở 3 nhóm đối tượng, bao gồm 10 nạn nhân của BLVC, trong đó có 2 trường hợp nạn nhân ở mức độ nghiêm trọng; 01 cán bộ y tế tuyến phường và 1 đại diện nhà tạm lánh cho nạn nhân BLVC tại địa phương

2. Kết quả nghiên cứu

2.1. Mức độ phổ biến của BLVC và khác biệt theo các nhóm xã hội

Kết quả phân tích chỉ ra rằng có 62% số người được hỏi cho biết từng bị ít nhất một biểu hiện của BLVC trong đời dưới các hình thức bạo lực thể chất, tinh thần hay tình dục. Trong số 323 từng là nạn nhân BLVC có 106 nam giới và 217 nữ giới, tức là

1 Trong các phân tích, để cho thuận tiện, các ông chồng được gọi là nam và các bà vợ được gọi là nữ.

(4)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn 66,7% số nam giới và 72,6% số nữ giới được hỏi từng bị BLVC. Con số này có lẽ cao hơn so với hình dung của nhiều người, bởi lẽ từ trước tới nay, phụ nữ vẫn thường được coi là nạn nhân chủ yếu của BLVC. Tuy nhiên, bất chấp việc rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nữ giới là nạn nhân chủ yếu của bạo lực vợ chồng, vẫn có tới hơn 100 nghiên cứu thực nghiệm và báo cáo cho thấy tỷ lệ nạn nhân BLVC là tương đương giữa hai giới (Archer, 2000; Fiebert, 1997, dẫn theo Kimmel, 2002). Báo cáo thống kê và kết quả khảo sát tội phạm tại Anh qua các năm cho thấy, nam giới chiếm khoảng 40% nạn nhân trình báo bị bạo lực vợ chồng trong các năm từ 2004 đến 2009 (Campbell, 2010). Nghiên cứu về bạo lực vợ chồng ở hai quốc gia Châu Phi là Uganda và Ghana cũng cho thấy, 22% nam giới và 36% nữ giới tại Ghana bị bạo lực thể chất và tinh thần, trong khi đó, tỷ lệ này ở Uganda là 40% nam giới và 61% nữ giới (Kishor & Bradley, 2012) Như vậy, bất kể sự đa dạng về văn hóa, mức sống, trình độ phát triển của các quốc gia khác nhau, bạo lực vợ chồng vẫn tồn tại và nạn nhân không chỉ là phụ nữ.

Hình 1. Tỷ lệ là nạn nhân trong mẫu phân theo các dạng BLVC ở hai giới

Chú thích: Không có số liệu về bạo lực tinh thần trong 12 tháng qua.

Nguồn: Số liệu khảo sát của đề tài, 2016.

Theo số liệu khảo sát ở phường Quảng Tiến (Hình 1), ở cả 2 nhóm nam và nữ, tỷ lệ người từng là nạn nhân bạo lực tinh thần khá cao (62,6% nữ giới và 55,4% nam giới), tiếp đến là tỷ lệ từng bị bạo lực thể chất (39,7% trong nhóm nam, 42,3% trong nhóm nữ), và ít xuất hiện (hoặc ít được thừa nhận) nhất là bạo lực tình dục (4,5% ở nữ và 1,3% ở nam).

Như vậy, tỷ lệ từng là nạn nhân bạo lực tinh thần, thể chất hoặc tình dục trong nhóm nữ luôn cao hơn so với trong nhóm nam giới.

(5)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn Trong vòng 12 tháng trước thời điểm khảo sát, tỷ lệ nạn nhân nữ bị bạo lực tình dục cũng cao hơn tỷ lệ nạn nhân nam giới Đáng ngạc nhiên là, tỷ lệ nạn nhân nam giới bị ít nhất một biểu hiện bạo lực thể chất trong vòng 12 tháng trước thời điểm khảo sát lại cao hơn so với nhóm nữ giới (29,5% và 26,4%). Con số này là khá cao so với nghiên cứu quốc gia gần đây (Tổng cục Thống kê, 2010) và điều này có thể liên quan đến đặc thù của địa bàn khảo sát. Kết quả này cũng khác với hình dung thông thường rằng nạn nhân bạo lực thể chất thường là nữ giới (Kurt, 1989) và cũng khác so với kết quả tương ứng từ một số nghiên cứu ở nước ngoài. Chẳng hạn, tỷ lệ nữ giới từng bị ít nhất một biểu hiện bạo lực thể chất trong vòng 12 tháng trước khảo sát tại Uganda là 35,8%, nhưng tỷ lệ nam giới bị bạo lực thể chất chỉ là 11,8% (Kishor & Bradley, 2012: 11).

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, các kết quả trên phản ánh tỷ lệ người bị BLVC trong vòng 12 tháng trước thời điểm khảo sát chứ chưa cho thấy tần suất và mức độ nghiêm trọng của bạo lực. Mặt khác, với địa bàn điều tra là một phường ven biển tại đô thị du lịch, tình trạng BLVC theo giới ở đây có thể có những nét đặc thù so với các địa phương khác Dù chưa đủ để kết luận rằng nam giới ở Việt Nam bị BLVC nhiều hơn nữ giới, kết quả trên cũng cho thấy tỷ lệ nam giới từng bị bạo lực thể chất cũng như tinh thần là rất đáng kể so với phụ nữ tại thời điểm khảo sát.

Bảng 1. Tỷ lệ nạn nhân BLVC về thể chất hoặc tình dục theo các đặc điểm nhân khẩu xã hội Đơn vị: % Đặc điểm Đã từng là nạn nhân Là nạn nhân trong 12 tháng qua

Nam Nữ Nam Nữ

Tuổi

Dưới 30 tuổi 42,5 38,4 42,1 33,8

Từ 30 đến 39 tuổi 26,7 44,1 24,4 26,2

Từ 40 đến 49 tuổi 40,5 47,3 34,3 30,6

Từ 50 tuổi trở lên 37,8 29,2 17,1 11,9

Học vấn

Tiểu học 41,9 42,4 24,1 20,3

Trung học cơ sở 42,3 32,8 32,1 23,0

Trung học phổ thông 18,9 44,9 25,8 34,9

Trên Trung học phổ thông 41,0 49,0 33,3 30,8

Nghề nghiệp

Nội trợ -- 33,7 -- 17,9

Nông, ngư nghiệp, LĐ giản đơn 50,9 65,3 33,3 35,4

Bán hàng 30,8 32,8 34,8 24,8

Thợ kỹ thuật, văn phòng 40,5 39,4 35,0 33,3

Khác 15,6 50,0 16,1 34,8

Mức sống

Nghèo -- 45,7 -- 19,5

Trung bình 35,3 41,7 28,6 28,9

Khá giả trở lên -- 20,0 -- 15,4

Loại hình gia đình

Một thế hệ -- 42,4 -- 30,0

Hai thế hệ 33,9 39,0 24,8 24,7

Ba hoặc bốn thế hệ 37,1 41,8 41,9 28,3

Chung 36,5 40,3 29,5 26,4

N 159 298 149 292

Chú thích: -- không tính do số mẫu quá nhỏ (dưới 20).

Nguồn: Số liệu khảo sát của đề tài, 2016.

(6)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn Độ tuổi trung bình của nạn nhân BLVC trong mẫu khảo sát là 39, người trẻ nhất 20 tuổi và người cao tuổi nhất 76 tuổi. Bảng 1 trình bày tỷ lệ nạn nhân BLVC về thể chất hay tình dục theo một số đặc điểm nhân khẩu xã hội chính và thời điểm xảy ra. Thực tế tất cả những người trả lời từng là nạn nhân của bạo lực tình dục thì cũng từng là nạn nhân bạo lực thể chất nên có thể gọi tắt “BLVC về thể chất hay tình dục” là “BLVC về thể chất”.

Kết quả cho thấy, nhóm tuổi có tỷ lệ từng là nạn nhân cao nhất là dưới 30 tuổi ở nam giới (42,5%) và từ 40 đến 49 tuổi ở phụ nữ (47,3%) Trong vòng 12 tháng trước thời điểm khảo sát, tỷ lệ nam và nữ nạn nhân cao nhất ở nhóm dưới 30 tuổi (42,1% ở nam và 33,8%

ở nữ) và thấp nhất ở nhóm từ 50 tuổi trở lên (17,1% ở nam và 11,9% ở nữ) Đáng ngạc nhiên là nhóm từ 50 tuổi trở lên, những người thường có nhiều trải nghiệm trong đời sống hôn nhân, lại có tỷ lệ là nạn nhân trong 12 tháng qua thấp nhất. Phải chăng có một rào cản nào đó khiến những người được hỏi ở độ tuổi này không muốn thừa nhận việc họ là nạn nhân BLVC? Một điểm đáng chú ý là ở độ tuổi trên 50, tỷ lệ nam giới từng là nạn nhân cũng như là nạn nhân trong 12 tháng qua của BLVC về thể chất đều cao hơn so với tỷ lệ tương ứng trong nhóm nữ. BLVC ở giai đoạn cao tuổi là một hướng nghiên cứu không mới trên thế giới nhưng chưa được quan tâm nhiều ở Việt Nam. Bởi vậy, những con số trên, dù chỉ rất khái quát, cũng là gợi mở thú vị về một hướng nghiên cứu BLVC trong tương lai

Tỷ lệ từng bị BLVC về thể chất thấp nhất là ở các nhóm học vấn “trung học phổ thông” (18,9% ở nhóm nam và 32,8% ở nhóm nữ). Xét theo nghề nghiệp thì tỷ lệ này cao nhất ở nhóm “nông, ngư nghiệp, lao động giản đơn” (50,9% ở nam và 65,3% ở nữ). Xét theo mức sống, tỷ lệ nạn nhân nữ giảm dần từ 45,7% ở nhóm “nghèo” xuống 20% ở nhóm “khá giả trở lên” Trong vòng 12 tháng trước thời điểm khảo sát, các nhóm nam giới có tỷ lệ nạn nhân loại BLVC này khá cao là các nhóm học vấn “trên trung học phổ thông” (33,3%) và “trung học cơ sở” (32,1%), gia đình có trên hai thế hệ (41,9%), nhưng không khác biệt nhiều giữa 3 nhóm nghề nghiệp chính. Các nhóm nữ có tỷ lệ nạn nhân BLVC về thể chất cao nhất là học vấn “trung học phổ thông”

(34,9%), nghề “nông, ngư nghiệp, lao động giản đơn” (35,4%) và nhóm mức sống

“trung bình” (28,9%)

Các mô hình chung sống gia đình khác nhau cũng cho thấy tỷ lệ nạn nhân BLVC về thể chất khác nhau Mô hình gia đình một thế hệ (các cặp vợ chồng không/chưa có con) tuy không phổ biến nhưng có tỷ lệ phụ nữ bị BLVC về thể chất cao nhất (42,4%

từng bị trong đời và 30% bị trong 12 tháng trước khảo sát) Trong khi đó, các gia đình ba thế hệ lại có tỷ lệ nam giới là bị nạn nhân BLVC về thể chất cao nhất (37,1% từng bị trong đời và 41,9% bị trong 12 tháng trước khảo sát). Nguyên nhân có thể là do việc chưa/không có con thường gia tăng áp lực đối với đời sống hôn nhân, nhất là đối với người phụ nữ. Áp lực đó trong một số trường hợp có thể chuyển hóa thành các biểu hiện bạo lực tinh thần và thể chất. Mặt khác, gia đình ba thế hệ Việt Nam thường là gia đình theo mô hình sống chung với gia đình bên chồng (Hoàng Bá Thịnh, 2016). Loại hình gia đình này thường có một số đặc điểm như dễ xung đột thế hệ, đòi hỏi diện tích nhà ở lớn, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu vốn nhạy cảm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột...

(7)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn Những đặc điểm này có thể tác động trực tiếp tới mối quan hệ vợ - chồng và từ đó gây nên nguy cơ xảy ra BLVC với cả vợ và chồng.

2.2. Các biểu hiện bạo lực vợ chồng

Phụ nữ thường là nạn nhân của BLGĐ Xuất phát từ quan niệm này mà nổ ra cuộc tranh luận về tính đối xứng và không đối xứng về giới. Một bên, các nhà lý luận về BLGĐ cho rằng phụ nữ, cũng giống như nam giới, sử dụng bạo lực trong quan hệ vợ chồng hoặc chung sống không kết hôn; còn bên kia, các nhà nữ quyền khẳng định rằng BLVC là không đối xứng, nam giới có nhiều khả năng sử dụng bạo lực trong các mối quan hệ hơn phụ nữ và, nếu phụ nữ sử dụng bạo lực thường là dùng cho mục đích tự vệ (DeKeseredy & Dragiewicz, 2007; Johnson, 1996; Kurz, 1989; Yllo, 1993). Có một thực tế không thể phủ nhận là đa số các nghiên cứu về BLGĐ từ trước tới nay vẫn thiên về quan điểm bất đối xứng giới Tuy nhiên, đối với bạo lực trong mối quan hệ vợ chồng, nạn nhân không chỉ là phụ nữ. Elnaz Khosravipour và cộng sự (2015) đã từng thử chứng minh giả thuyết rằng hung thủ bạo lực là nam giới có xu hướng gây nên BLVC nghiêm trọng hơn hung thủ bạo lực là nữ giới, nhưng kết quả lại cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa giữa 2 nhóm này. Tức là, nam giới và nữ giới gây ra bạo lực với mức độ nghiêm trọng như nhau Tuy vậy, cũng phải thấy rằng, do những khác biệt về giới tính và giới, hình thức và diễn biến của bạo lực với vợ và bạo lực với chồng sẽ có những đặc điểm riêng.

Khi nhắc tới bạo lực tinh thần, người ta thường nghĩ ngay tới những hành vi sỉ nhục, quát mắng, đe dọa - đây là những biểu hiện cụ thể, có tác động trực tiếp, ngay lập tức đến đối phương và được cả nạn nhân lẫn người gây bạo lực nhận thức là “có thể gây tổn thương” Còn theo cách xác định trong bài viết này, các biểu hiện của bạo lực tinh thần trong quan hệ vợ chồng còn gồm có các hành vi mang tính kiểm soát như: hạn chế các mối quan hệ, nghi ngờ lòng chung thủy, tức giận ghen tuông... Thậm chí lạnh nhạt, phớt lờ cũng chính là một biểu hiện của bạo lực tinh thần.

Thà cứ mồm năm miệng mười ầm ĩ một lúc cho xong. Đằng này cứ im im, mặt lạnh như tiền, gọi không nói, hỏi không thưa. Khó chịu và ức chế lắm em ạ. Lắm lúc trong nhà ngột ngạt, khó chịu quá, anh lấy xe máy ra ngoài đi lượn, không thì rủ bạn đi nhậu. Ở nhà nhìn mặt vợ chịu không nổi.

(Nam, 45 tuổi, kế toán) Theo số liệu trình bày trong Hình 2, có sự khác biệt về tỷ lệ nhận thấy các biểu hiện bạo lực tinh thần trong quan hệ vợ chồng ở hai nhóm nam và nữ. Nữ giới có xu hướng bị

“phớt lờ, cư xử lãnh đạm” và “kiểm soát các mối quan hệ” bởi người bạn đời của mình nhiều hơn so với nam giới. Mặt khác, đối với tất cả các biểu hiện bạo lực tinh thần còn lại như đe dọa, sỉ nhục, ghen tuông, kiểm soát hành vi, tỷ lệ nạn nhân là nam giới lại cao hơn so với nữ giới. Mức độ chênh lệch về tỷ lệ giữa nam và nữ ở hầu hết biểu hiện bạo lực tinh thần không nhiều. Chênh lệch nhiều nhất là ở biểu hiện “kiểm soát hành vi” (đi đâu phải xin phép, bị kiểm soát ở đâu vào bất cứ lúc nào), trong đó tỷ lệ nạn nhân nam gấp rưỡi tỷ lệ nạn nhân nữ (25,3% so với 17%). Có thể người vợ có động cơ tốt khi muốn biết

(8)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn chồng mình đang ở đâu, làm gì, với ai... vì lo lắng cho chồng, vì muốn sắp xếp công việc gia đình Tuy nhiên, khi sự quan tâm đi quá giới hạn, khiến người chồng bực bội, ức chế, ảnh hưởng đến các mối quan hệ cá nhân thì khi đó sự quan tâm ấy đã trở thành bạo lực tinh thần.

Nói thật với em, đi làm cả năm lênh đênh trên biển, việc nhà vợ nó lo toan cả, nên lúc ở nhà phải nhường nhịn nó một tí. Bạn bè gọi đi nhậu là phải nhìn mặt vợ. Mặt xầm xì thì thôi nghỉ. Đi về lại nghe xa xả bên tai, mệt lắm. Có đợt anh ở nhà lâu, cuồng chân đi nhậu mấy đám liên tục, lúc về nó khóa cửa không cho vào nhà, may có hàng xóm cho ngủ nhờ đấy.

(Nam, 39 tuổi, đánh bắt cá

Hình 2. Tỷ lệ nam và nữ trong mẫu từng là nạn nhân các biểu hiện bạo lực tinh thần từ vợ/chồng

Nguồn: Số liệu khảo sát của đề tài, 2016.

Hành vi bạo lực tinh thần phổ biến nhất của vợ đối với chồng là “ghen tuông” (tức giận nếu thấy chồng nói chuyện với người phụ nữ khác, nghi ngờ lòng chung thủy) (36,35% nam giới). Mặt khác, hành vi bạo lực tinh thần phổ biến nhất của chồng đối với vợ là “phớt lờ, cư xử lãnh đạm” (36,7% nữ giới) Đây thường được gọi nôm na là

“chiến tranh lạnh” Không cần động chân động tay hay dùng lời nói, việc im lặng, cư xử lạnh nhạt khiến đối phương cảm thấy tủi thân, đồng thời gây nên sự ức chế, bí bách cho mối quan hệ do cả hai không có cách nào thể hiện quan điểm Có người sử dụng “chiến tranh lạnh” như công cụ bạo lực tinh thần một cách có ý thức, nhưng cũng có những người lại coi đây là cách cư xử văn minh để giải quyết mâu thuẫn, tránh việc va chạm, to tiếng Nhưng dù vậy thì tổn thương tâm lý mà hành vi cư xử lãnh đạm gây ra là không thể phủ nhận.

(9)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn Tỷ lệ nạn nhân bạo lực thể chất trong 12 tháng qua ở nhóm nam cao hơn nhóm nữ (Hình 1), mức độ xuất hiện của từng biểu hiện bạo lực thể chất ở nhóm nữ thường cao hơn so với ở nhóm nam (Hình 3). Nguyên nhân là mỗi nạn nhân nam thường chỉ phải chịu 1-2 biểu hiện bạo lực thể chất từ phía vợ, trong khi mỗi nạn nhân nữ thường bị nhiều dạng bạo lực thể chất khác nhau từ phía chồng. Biểu hiện BLVC về thể chất phổ biến nhất được ghi nhận đối với cả hai giới là “tát, ném đồ vật vào người” (25,3% ở nữ và 23.5% ở nam) và “đẩy, xô, kéo tóc” (14% và 8,1%) Kết quả phân tích tần suất các biểu hiện bạo lực thể chất trong vòng 12 tháng tính tới thời điểm khảo sát cho thấy, các biểu hiện bạo lực chủ yếu xuất hiện “1 lần” đối với nhóm nam giới và xuất hiện từ “2 đến 5 lần” đối với nhóm nữ giới. Tỷ lệ các biểu hiện bạo lực xuất hiện “trên 5 lần” ở nhóm nữ cũng cao hơn một chút so với nhóm nam Như vậy, xét về tần suất xảy ra bạo lực cũng như tính đa dạng và mức độ của bạo lực, nạn nhân nữ thường xuyên bị bạo lực hơn và bị bạo lực ở mức độ nghiêm trọng hơn nạn nhân nam.

Có một lần anh ta đi nghe người ta đơm đặt ở đâu rồi về nổi cơn ghen. Tôi đang ngồi vo gạo ở góc bể nước, anh ta vác cái ghế gỗ phang vào người tôi. Tôi nằm gục luôn trên nền gạch ướt, không dậy được. Anh ta còn đá vào người tôi mấy phát rồi mới bỏ đi. Lần ấy may có bà con làng xóm mang đi cấp cứu không thì không biết tôi thế nào. Tôi bị gãy xương sườn và nứt xương bả vai…

(Nữ, 26 tuổi, bán hàng)

Hình 3. Tỷ lệ nam và nữ trong mẫu bị các biểu hiện bạo lực thể chất từ phía vợ/chồng trong 12 tháng trước thời điểm khảo sát

Nguồn: Số liệu khảo sát của đề tài, 2016.

(10)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn Khi được hỏi về phản ứng của bản thân trong trường hợp bị bạo lực, nam giới cho thấy họ sẽ có xu hướng phản ứng lại bạo lực hơn so với nữ giới. Cụ thể, có tới 64,1% nữ giới cho biết họ sẽ không bao giờ đánh lại nếu bị bạo lực, trong khi đó, tỷ lệ này ở nam giới là 43%. Mặt khác, 36,5% người được hỏi cho rằng sau khi họ phản ứng lại, tình trạng bạo lực cũng sẽ không có gì thay đổi; 33,9% cho biết tình trạng bạo hành thậm chí có thể còn tồi tệ hơn Chỉ có 8,9% người được hỏi cho rằng bạo lực sẽ giảm đi và 4,7% tin rằng bạo lực sẽ dừng lại sau khi họ có hành vi phản kháng. Nữ giới có xu hướng tin rằng việc phản kháng lại BLVC sẽ mang lại hệ quả tiêu cực. Cụ thể là 42,3% nữ giới cho rằng phản kháng lại bạo lực sẽ khiến việc bạo hành trở nên tồi tệ hơn và chỉ 2,6% thấy rằng việc phản kháng giúp họ ngừng bị bạo lực.

3. Kết luận

BLVC là vấn đề không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ Nếu như quan niệm phổ biến vẫn cho rằng BLVC hoàn toàn là bạo lực của chồng đối với vợ thì theo kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ các ông chồng đã từng là nạn nhân BLVC không thấp hơn nhiều so với tỷ lệ nạn nhân trong nhóm các bà vợ Trong vòng 12 tháng trước khảo sát, tỷ lệ nạn nhân BLVC về thể chất trong nhóm nam thậm chí còn cao hơn so với tỷ lệ nạn nhân trong nhóm nữ, nhưng tỷ lệ nạn nhân nữ giới ở tất cả các biểu hiện bạo lực thể chất cụ thể lại cao hơn so với nam giới.

Bạo lực tinh thần là hình thức bạo lực vợ chồng phổ biến nhất, tiếp đến là bạo lực thể chất. Bạo lực tình dục dường như ít xảy ra nhất, hoặc là ít được thừa nhận là có xảy ra nhất. Mặc dù tỷ lệ từng bị bạo lực tinh thần từ phía vợ/chồng ở nhóm nữ cao hơn ở nhóm nam, tỷ lệ nạn nhân trong nhóm nam lại cao hơn trong nhóm nữ ở phần lớn các biểu hiện bạo lực tinh thần. Về tần suất và mức độ nghiêm trọng của bạo lực, theo kết quả phân tích dữ liệu định lượng và định tính, phụ nữ bị các biểu hiện BLVC về thể chất và tình dục thường xuyên hơn nam giới, mức độ bị bạo lực cũng nghiêm trọng hơn nạn nhân nam giới. Các bà vợ cũng ít có xu hướng phản kháng khi bị bạo lực từ phía chồng và thường lo sợ việc phản kháng có thể khiến bạo lực xảy ra nhiều hơn, tồi tệ hơn

Dựa trên quan điểm đối xứng giới về BLVC và số liệu khảo sát tại phường Quảng Tiến, kết quả phân tích cho thấy cả phụ nữ và nam giới đều có thể là nạn nhân của BLVC.

Với những hạn chế về cỡ mẫu và địa bàn điều tra, nghiên cứu này chưa đủ để đưa ra kết luận mang tính phổ quát cho vấn đề BLVC ở Thanh Hóa nói riêng hay ở Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, hy vọng kết quả từ nghiên cứu này gợi mở một góc nhìn đa chiều, khách quan hơn đối với vấn đề BLVC.

Tài liệu tham khảo

Campbell Denis. 2010. More than 40% of domestic violence victims are male, report reveals. Available at:

https://www.theguardian.com/society/2010/sep/05/men-victims-domestic-violence (Truy cập tháng 06/2018).

DeKeseredy, W. S., & Dragiewicz, M. 2007. Understanding the complexities of feminist perspectives on woman abuse: A commentary on Donald G Dutton’s Rethinking domestic violence. Violence Against Women, 13: 874-884.

(11)

BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN XÃ HỘI HỌC | ios.vass.gov.vn

Elnaz Khosravipoura, Parvaneh Mohammadkhanib, Behrouz Dolatshahi, Abbas Pourshahbaz, Ommehani Alizadeh Sahraei, Maedeh Yousefnejad. 2011. Risk factors of marital violence of married men and women in different levels of severity. Procedia - Social and Behavioral Sciences, 30: 1221-1229.

Hoàng Bá Thịnh (chủ biên). 2016. Giáo trình Gia đình học Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội Hà Nội

Johnson, H. 1996. Dangerous domains: Violence against women in Canada, Nelson Canada, Scarborough, ON.

Kimmel, S.M. 2002. Gender symmetry in domestic violence: A substantive and methodological research review. Violence Against Women, Vol 8, No 11: 1332-1363.

Kishor, Sunita and Bradley E K Sarah 2012 Women’s and men’s experience of spousal violence in two African countries: Does gender matter? DHS Analytical Studies No.27, Calverton, Maryland, USA: ICF International

Kurz, D.1989. Social science perspectives on wife abuse: Current debates and future directions.Gender and Society 3(4): 489-505.

Lê Thị Quý 1996 Nỗi đau thời đại Nxb Phụ nữ Hà Nội

Nguyễn Hữu Minh, Lê Ngọc Lân, Nguyễn Thị Mai Hoa, Trần Thị Cẩm Nhung 2005 Nghiên cứu bạo lực gia đình trên cơ sở giới ở Việt Nam Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới Hà Nội

Straus, M. 1979. Conflict Tactics Scale. Available at: http://rzukausk.home.mruni.eu/wp- content/uploads/Conflict-Tactics-Scale.pdf (Truy cập tháng 6 năm 2018)

Straus, M. A., Gelles, R. J., & Steinmetz, S. K. 1981. Behind Closed Doors: Violence in the American Family, Anchor, New York.

Tổng cục Thống kê, WHO, MDG-F, AECID. 2010. Kết quả từ nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam. Hà Nội.

Yllo, K. A. 1993. Through a Feminist Lens: Gender, Power, and Violence: Extending the Feminist Framework in Current Controversies on Family Violence. Newbury Park, CA: Sage.

Tài liệu tham khảo

Tài liệu liên quan

Hồ Chí Minh (2010) cho thấy một số khác biệt giữa thế hệ ông bà và con cháu trong gia đình như về lối sống, cách sinh hoạt, nhu cầu văn hoá tinh thần, về ứng xử

Theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thực trạng bạo lực gia đình nói chung và bạo lực gia đình đối với phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng là khó

Công trình nghiên cứu này bắt đầu từ việc xây dựng một hệ thống lý thuyết về gia đình với phương pháp luận và một phương pháp phù hợp, tiếp đó tác giả giới thiệu

Trình độ học vấn của phụ nữ có mối quan hệ với bạo lực tình dục, nghiên cứu quốc gia cho biết, tỷ lệ bạo lực tình dục trong đời thấp hơn ở những phụ nữ có trình độ

Thái độ thờ ơ, vô cảm của những người xung quanh khiến tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng Lối sống vô cảm đã và đang trở thành vấn

Các nước xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, Liên Xô ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh vũ trang của ta để thống nhất đất nước.. Mĩ tiến hành các chiến lược

Xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật về độ tuổi, năng lực trách nhiệm pháp lý và đăng ký kết hônC. Xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của

Các nghiên cứu này gợi ý cần có một thiết kế nghiên cứu theo dõi dọc với cỡ mẫu lớn được thực hiện tại cộng đồng, kết hợp cả phương pháp nghiên cứu