• Không có kết quả nào được tìm thấy

TRONG DẠY HỌC GIÁO DỤC CÔNG DÂN LỚP 12 Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

N/A
N/A
Protected

Academic year: 2022

Chia sẻ "TRONG DẠY HỌC GIÁO DỤC CÔNG DÂN LỚP 12 Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG "

Copied!
6
0
0

Loading.... (view fulltext now)

Văn bản

(1)

MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC GIÁO DỤC PHÁP LUẬT NHẰM PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC NGƯỜI HỌC

TRONG DẠY HỌC GIÁO DỤC CÔNG DÂN LỚP 12 Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

Nguyễn Thị Hoàng Lan*, Nguyễn Mai Anh, Nguyễn Ngọc Ánh

Trường Đại học Sư phạm - ĐH Thái Nguyên

TÓM TẮT

Giáo dục công dân lớp 12 ở bậc trung học phổ thông có vai trò quan trọng trong việc hình thành, phát triển ý thức pháp luật và hành vi xử sự hợp pháp cho học sinh. Môn học này giúp học sinh phổ thông có những hiểu biết cơ bản về pháp luật, điều chỉnh hành vi xử sự của mình phù hợp với quy định của pháp luật, tạo lập thói quen “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Vì vậy, việc giáo dục pháp luật theo hướng phát triển năng lực cho học sinh trong dạy học Giáo dục công dân lớp 12 là rất cần thiết. Bài viết đề xuất một số biện pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả công tác này, góp phần vào việc đổi mới phương pháp dạy học Giáo dục công dân lớp 12, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Từ khóa: Giáo dục pháp luật, giáo dục công dân, phát triển năng lực, ý thức pháp luật, học sinh ĐẶT VẤN ĐỀ*

Môn Giáo dục công dân lớp 12 trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về quyền và nghĩa vụ pháp lí của người công dân trên một số lĩnh vực cơ bản, từ đó học sinh hiểu rằng bất cứ người công dân nào, ở bất kì cương vị nào đều phải sống và làm việc theo pháp luật, có trách nhiệm góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp, giữ gìn kỉ cương xã hội và xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho mọi người. Nội dung môn học góp phần tích cực vào giáo dục ý thức và hành vi của người công dân, hình thành và phát triển ở học sinh những phẩm chất và năng lực cần thiết của người công dân trong xã hội.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thời gian qua công tác giáo dục ý thức và hành vi thông qua môn Giáo dục công dân nói chung và Giáo dục công dân lớp 12 nói riêng vẫn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Điều này thể hiện ở thực tế đáng báo động về số vụ việc vi phạm pháp luật do trẻ em và người chưa thành niên gây ra. “Ghi nhận nửa đầu năm 2017, cả nước xảy ra 2.258 vụ vi phạm pháp luật do 3.340 trẻ em và người chưa thành niên gây ra. Về tội danh: giết người 36 vụ, 63 đối tượng; cướp tài sản 59 vụ, 103 đối tượng; cố ý gây thương tích 302 vụ, 574 đối tượng;

*Tel: 0912 454656, Email: hoanglan@dhsptn.edu.vn

trộm cắp tài sản 896 vụ, 1.200 đối tượng…;

theo lứa tuổi, dưới 14 tuổi 174 đối tượng, chiếm tỷ lệ 5,2%; từ 14 đến dưới 16 tuổi 818 đối tượng, chiếm 24,5%; từ 16 đến dưới 18 tuổi 2.348 đối tượng, chiếm 70,3%; theo trình độ văn hóa, không biết chữ 121 đối tượng, tiểu học 556 đối tượng, trung học cơ sở 1.765 đối tượng, phổ thông trung học 898 đối tượng; về kết quả xử lý, hình sự 833 vụ, 1.067 đối tượng, hành chính 1.425 vụ, 2.273 đối tượng…”[1].

Trong phạm vi bài viết này chúng tôi xin phân tích một số vấn đề lý luận cơ bản về giáo dục pháp luật theo hướng phát triển năng lực người học trong dạy học môn Giáo dục công dân chương trình lớp 12 ở trường Trung học phổ thông. Từ đó, nhóm tác giả cũng đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này, góp phần vào sự nghiệp đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện.

Những vấn đề lý luận cơ bản về giáo dục pháp luật theo hướng phát triển năng lực người học trong dạy học môn Giáo dục công dân lớp 12 ở trường Trung học phổ thông Cấu trúc và đặc điểm chương trình Giáo dục công dân lớp 12

Cấu trúc chương trình Giáo dục công dân lớp 12 gồm 10 bài, cụ thể như sau:

(2)

Bài 1: Pháp luật với đời sống; Bài 2: Thực hiện pháp luật; Bài 3: Công dân bình đẳng trước pháp luật; Bài 4: Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội; Bài 5: Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo; Bài 6: Công dân với các quyền tự do cơ bản; Bài 7: Công dân với các quyền dân chủ; Bài 8: Pháp luật với sự phát triển của công dân; Bài 9: Pháp luật với sự phát triển bền vững của đất nước; Bài 10: Pháp luật với hòa bình và sự phát triển tiến bộ của nhân loại [2].

Chương trình hiện nay được cấu trúc theo hướng đi từ những vấn đề lý luận chung của pháp luật đến các vấn đề cụ thể, lĩnh vực cụ thể của pháp luật.

Ngoài những bài học chính trong sách giáo khoa, chương trình còn dành thời lượng đáng kể cho các hoạt động thực hành, ngoại khóa, dạy học các vấn đề pháp luật gắn với tình hình địa phương.

Môn Giáo dục công dân lớp 12 cung cấp những hiểu biết cơ bản về bản chất, vai trò và nội dung của pháp luật trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm giúp học sinh có thể chủ động, tự giác điều chỉnh hành vi của cá nhân và đánh giá được hành vi của người khác theo quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bên cạnh đó, môn học này còn hình thành cho học sinh những tri thức về pháp luật, hình thành các năng lực pháp lí, giúp các em nhận thức được những việc làm đúng sai, hình thành ý thức pháp luật từ, đó điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với những quy định của pháp luật.

Vai trò của môn Giáo dục công dân chương trình lớp 12 trong việc hình thành ý thức pháp luật cho học sinh Trung học phổ thông Ý thức pháp luật của học sinh trung học phổ thông có thể thuộc về loại ý thức pháp luật cá nhân và ý thức pháp luật nhóm.

Ý thức pháp luật cá nhân biểu hiện sự hiểu biết pháp luật và thái độ pháp lý của mỗi cá nhân. Còn ý thức pháp luật nhóm là quan

điểm nhận thức và thái độ, tình cảm của nhóm, tổ chức người trong xã hội đối với pháp luật và các giá trị xã hội của pháp luật hoặc là các hiện tượng pháp lý thực tiễn [4].

Môn Giáo dục công dân lớp 12 có vai trò quan trọng trong việc hình thành các năng lực pháp lý cho học sinh Trung học phổ thông, đó là:

- Hình thành cho học sinh những hiểu biết về những nội dung cơ bản của pháp luật;

- Hình thành ý thức pháp luật cho học sinh;

- Hình thành lòng tin vào pháp luật;

- Hình thành thói quen xử sự (gồm cả hành động và không hành động) theo đúng quy định của pháp luật.

- Hình thành thái độ không đồng tình, lên án và đấu tranh phê phán những hành vi vi phạm pháp luật.

Từ đó học sinh có những vốn hiểu biết nhất định về kiến thức pháp luật, điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với các chuẩn mực pháp luật đề ra, đồng thời tuyên truyền cho mọi người cùng thực hiện, lên án, phê phán đối với những hành vi vi phạm pháp luật; nhận thức được rõ những việc làm mà pháp luật cho phép và những việc làm mà pháp luật cấm, những việc nên làm và những việc không nên làm.

Nội dung giáo dục pháp luật theo hướng phát triển năng lực học sinh trong dạy học môn Giáo dục công dân lớp 12

Môn Giáo dục công dân lớp 12 ở trường Trung học phổ thông có vai trò quan trọng trực tiếp trong quá trình hình thành ý thức chính trị, hành vi đạo đức, pháp luật và lối sống cho học sinh. Môn học này có đặc điểm là gần gũi, gắn bó mật thiết với cuộc sống thực tiễn sinh động của gia đình, nhà trường và xã hội. Điều này tạo cho môn học có những lợi thế để giáo viên có thể sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực nhằm phát triển các năng lực cho học sinh.

Thứ nhất, môn học cung cấp những kiến thức mang tính lý luận về Nhà nước và pháp luật.

Thứ hai, giáo dục những chuẩn mực cơ bản của pháp luật như: Dân chủ, công bằng, bình đẳng, công lý, tự do...

(3)

Thứ ba, cung cấp những kiến thức pháp luật cơ sở thuộc những lĩnh vực quan trọng trong đời sống xã hội liên quan trực tiếp đến đời sống vật chất, tinh thần, lao động và học tập của học sinh.

Thứ tư, hình thành kĩ năng thực hiện những chuẩn mực pháp luật.

Bên cạnh các năng lực chung, môn giáo dục công dân còn cung cấp các năng lực chuyên biệt:

- Tự nhận thức, tự điều chỉnh hành vi phù hợp với pháp luật và chuẩn mực đạo đức, xã hội.

- Nhận thức được các giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa, các quy định của pháp luật và nhận ra được các yếu tố tác động đến bản thân trong cuộc sống, học tập.

- Nhận thức được các yếu tố tác động đến bản thân, có cách ứng xử phù hợp với các tình huống trong cuộc sống, học tập.

- Tự đánh giá, điều chỉnh hành vi phù hợp với pháp luật và chuẩn mực đạo đức xã hội.

- Tự chịu trách nhiệm và thực hiện trách nhiệm của công dân với cộng đồng, đất nước.

- Giải quyết các vấn đề đạo đức, pháp luật, chính trị, xã hội.

- Tự đánh giá, tự điều chỉnh những hành động chưa hợp lý của bản thân trong học tập, và trong cuộc sống hằng ngày.

Như vậy, chương trình hiện tại có mục tiêu khá lớn về kiến thức, kỹ năng đối với học sinh và hướng tới việc hình thành nhiều năng lực chuyên biệt cho học sinh. Tuy nhiên, với thời lượng chương trình, đội ngũ giáo viên và mức độ quan tâm của các đối tượng trong xã hội đối với môn học thì mục tiêu này khó có thể đạt được.

Phương pháp và hình thức giáo dục pháp luật theo hướng phát triển năng lực học sinh trong dạy học Giáo dục công dân lớp 12

Trong giai đoạn hiện nay, giáo dục phổ thông nước ta đang thực hiện bước chuyển từ chương trình tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực người học, nghĩa là từ chỗ quan tâm đến học sinh được cái gì đến chỗ quan tâm học sinh vận dụng cái gì qua việc học. Giáo dục định hướng năng lực nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra của việc dạy học, thực hiện mục

tiêu phát triển toàn diện các phẩm chất nhân cách, chú trọng năng lực vận dụng tri thức trong những tình huống thực tiễn nhằm chuẩn bị cho con người năng lực giải quyết các tình huống của cuộc sống và nghề nghiệp. Chương trình này nhấn mạnh vai trò của người học với tư cách chủ thể của quá trình nhận thức [3].

Để đảm bảo được điều đó, chúng ta cần chuyển từ phương pháp dạy học theo lối

“truyền thụ một chiều” sang dạy cách học, cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kĩ năng, hình thành năng lực và phẩm chất.

Phương pháp dạy học môn giáo dục công dân được sử dụng chủ yếu hiện nay là phương pháp thuyết trình, phương pháp đàm thoại, phương pháp trực quan, phương pháp nêu vấn đề và giải quyết vấn đề, phương pháp thảo luận nhóm, phương pháp động não, phương pháp đóng vai và giải quyết tình huống, phương pháp dự án, phương pháp nghiên cứu trường hợp điển hình, phương pháp dạy học qua trải nghiệm và khám phá, phương pháp trò chơi.

Trong dạy học môn Giáo dục công dân cần sử dụng kết hợp các phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh phù hợp với đặc điểm môn học, bồi dưỡng phương pháp tự học, rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tác động đến tình cảm và đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh.

Cần tiến hành đa dạng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật ngoại khóa cho học sinh.

Thực hiện các hình thức tuyên truyền miệng, thông qua các tài liệu tuyên truyền, thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp, văn hóa, văn nghệ, tuần sinh hoạt công dân, các buổi nói chuyện chuyên đề về pháp luật, các hội thi tìm hiểu về pháp luật do nhà trường tổ chức.

Đề xuất một số biện pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục pháp luật theo hướng phát triển năng lực học sinh trong dạy học Giáo dục công dân lớp 12 ở trường Trung học phổ thông

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên Giáo dục công dân ở trường Trung học phổ thông

(4)

Trong quá trình dạy học, giáo viên là một nhân tố không thể thiếu. Do vậy, việc xây dựng một đội ngũ giáo viên có chuyên môn, nghiệp vụ là việc làm quan trọng hàng đầu.

Điều 14, chương 1, Luật giáo dục ghi rõ:

“Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục” [5].

Một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và chất lượng giáo dục pháp luật cho học sinh trường Trung học phổ thông nói riêng là phải nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên giỏi chuyên môn, vững nghiệp vụ. Trước hết, cần xây dựng đội ngũ giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân cả về chất lượng và số lượng, có phẩm chất đạo đức tốt, có lòng yêu nghề và năng lực sư phạm đáo ứng yêu cầu dạy học theo chương trình mới và phương pháp mới. Giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân cần được đào tạo chính quy, tránh tình trạng giáo viên kiêm nhiệm, dạy chéo, chuyển từ bộ môn khác sang Giáo dục công dân nhằm nâng cao chất lượng dạy và học của bộ môn này. Đồng thời, cần có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên chuyên ngành. Việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giảng dạy bộ môn Giáo dục công dân cần chú ý những vấn đề sau:

Một là: Đổi mới phương pháp đào tạo giáo viên Giáo dục công dân trong trường sư phạm.

Đào tạo giáo viên phải gắn với nhu cầu sử dụng, tránh tình trạng đào tạo thừa gây ảnh hưởng đến tâm lý người được đào tạo, học xong chưa chắc đã được tuyển dụng. Do đó, việc đào tạo cần phải được lập kế hoạch cụ thể và có sự chỉ đạo từ các cơ quan, ban ngành chức năng. Đào tạo giáo viên gắn liền đào tạo cả về số lượng và chất lượng. Người được đào tạo phải nắm vững kiến thức, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học môn Giáo dục công dân. Đổi mới phương pháp đào tạo là công tác trọng tâm của việc nâng cao chất lượng đào tạo. Cần phải áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có kế hoạch nghiên cứu công nghệ dạy học tiên tiến và đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cho công tác dạy học: Rèn luyện nghiệp vụ, lao động

hướng nghiệp, văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức các hoạt động nghiên cứu về công tác đào tạo giáo viên ở nước ngoài.

Hai là: Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng giáo viên.

Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh cần kết hợp với các cơ quan chức năng địa phương tổ chức những lớp tập huấn nhằm nâng cao trình độ, bổ sung kiến thức, cập nhật thông tin pháp luật cho đội ngũ giáo viên nói chung và giáo viên Giáo dục công dân nói riêng. Cần thường xuyên tổ chức thi giáo viên dạy giỏi Giáo dục công dân cấp huyện, cấp tỉnh nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực giảng dạy.

Đồng thời, phải thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn, tăng cường việc trao đổi thông tin, nghiệp vụ giữa các giáo viên với nhau. Giáo viên làm công tác giáo dục pháp luật qua hoạt động ngoại khóa cho học sinh không chỉ có tri thức chuyên ngành, tri thức khoa học mà còn phải có kiến thức thực tế, kiến thức liên ngành.

Đổi mới phương pháp dạy học pháp luật Các trường trung học phổ thông đã áp dụng rất nhiều các phương pháp, biện pháp giáo dục pháp luật khác nhau vào quá trình dạy học, nhưng đa số vẫn sử dụng các phương pháp truyền thống như diễn giảng, thuyết trình mang nặng tính lý thuyết, hàn lâm, chưa kích thích hành vi sự sáng tạo của học sinh.

Vì vậy, để đổi mới phương pháp giáo dục pháp luật cho học sinh cần phải lưu ý một số điểm sau:

- Phải coi trọng thực hành, tránh lối giáo dục thiên về lý thuyết, khô khan, xa rời thực tế, phải xuất phát từ thực tế cuộc sống và vốn sống của bản thân học sinh.

- Tôn trọng quy luật của nhận thức là đi từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng đến hoạt động thực tiễn.

- Phương pháp giáo dục pháp luật hướng tới mục tiêu vì học sinh, đồng thời phương pháp đó cần khơi gợi sự say mê học tập, khám phá chân lý của học sinh.

- Phải xuất phát từ mục tiêu, nội dung của môn học, gắn liền với nội dung môn học và phù hợp với đặc điểm tâm lí của học sinh.

(5)

- Tăng cường sử dụng các phương tiện hiện đại (máy chiếu, băng, đĩa, hình, phương tiện nghe, nhìn…) trong dạy học pháp luật.

- Sử dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại coi người học là trung tâm. Tùy theo từng bài học mà giáo viên chọn phương pháp cho phù hợp.

- Phát huy được tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh trong quá trình dạy học. Học sinh cần được tích cực hoạt động để tự hoạt động và chiếm lĩnh các tri thức, kĩ năng mới, hình thành thái độ tích cực với sự hướng dẫn giúp đỡ của giáo viên.

- Đổi mới phương pháp giáo dục pháp luật cần tập trung vào hướng rèn luyện tư duy sáng tao, bồi dưỡng ý chí vươn lên, năng lực tự học, tự nghiên cứu của học sinh.

Đa dạng hóa các hình thức giáo dục pháp luật Thứ nhất, mở rộng và tăng cường các hoạt động ngoại khóa. Cần xây dựng và mở rộng hình thức tìm hiểu pháp luật trên phát thanh, xây dựng website riêng về công tác giáo dục pháp luật để học sinh cập nhật thông tin, trao đổi, bàn luận và tìm hướng giải quyết cho những vấn đề bức xúc trong đời sống pháp luật, giao lưu, tôn vinh gương người tốt, việc tốt thông qua kênh thông tin báo chí, truyền hình, từ đó tác động mạnh mẽ tới tâm tư, tình cảm của em.

Thứ hai, giáo dục pháp luật cho các em thông qua các hoạt động thực tiễn, giáo dục quyền và nghĩa vụ lao động bằng cách đưa các em đến các cơ sở sản xuất, đến các vùng quê để tham gia lao động, đưa các em đi thăm hỏi gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, gia đình có nạn nhân chất độc màu da cam để giáo dục các em biết yêu Tổ quốc, yêu hòa bình và luôn hành động vì mục tiêu đó… đa dạng hóa và chuyên sâu hình thức giáo dục pháp luật qua phương tiện thông tin đại chúng bằng việc xây dựng và phát sóng chương trình truyền hình dành riêng cho học sinh.

Thứ ba, kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức.

Thứ tư, cần lồng ghép việc phổ biến, giáo dục pháp luật tại các buổi sinh hoạt đầu giờ, sinh hoạt lớp, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, tổ chức

hội thảo tọa đàm về trách nhiệm của học sinh và cán bộ giáo viên trong đấu tranh phòng chống tội phạm. tổ chức các hoạt động, sinh hoạt tập thể để thu hút học sinh vào các hoạt động lành mạnh như liên hoan, văn nghệ, thi đấu thể thao, thi hùng biện với nội dung phòng chống tội phạm, để học sinh có thêm hiểu biết và tham gia tích cực vào đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và vi phạm pháp luật xâm nhập học đường nói riêng.

Thứ năm, cần tổ chức thi tìm hiểu pháp luật và hành động bảo vệ pháp luật trong các trường trung học phổ thông. Thông qua hệ thống các chủ đề thi, việc nghiên cứu tài liệu và tham gia sẽ tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận với hệ thống tri thức pháp luật.

Thứ sáu, việc giáo dục pháp luật còn được bổ sung thêm bằng các hình thức treo băng rôn, biển khẩu hiệu, pano, áp phích có nội dung nhắc nhở mọi người sống và làm việc theo pháp luật thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp luật.

Giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp

Giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp cần tập trung vào các hình thức: Báo cáo chuyên đề thi tìm hiểu pháp luật; Lồng ghép nội dung pháp luật và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành các tài liệu, tờ rơi… nhằm cập nhật các kiến thức pháp luật mới, tạo niềm tin, tình cảm pháp luật cho người học.

Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp là một trong những phương thức có khả năng đáp ứng cao nhiệm vụ giáo dục pháp luật cho học sinh phổ thông, cụ thể như: Hoạt động câu lạc bộ, tổ chức các hội thi tìm hiểu về pháp luật (quyền trẻ em, bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản, an toàn giao thông…) với các nội dung, hình thức phong phú và đa dạng. Thông qua hoạt động giáo dục ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp, học sinh sẽ tiếp thu được kiến thức pháp luật một cách tự nhiên, sinh động với nhiều hình thức phù hợp, hấp dẫn tạo nên sân chơi lành mạnh thu hút được nhiều học sinh tham gia.

Tổ chức lồng ghép các nội dung pháp luật vào các hoạt động như sinh hoạt dưới cờ, sinh

(6)

hoạt lớp, sinh hoạt đoàn, hội, đội theo chủ đề pháp luật, xây dựng và tổ chức các câu lạc bộ tuổi trẻ với pháp luật…

KẾT LUẬN

Giáo dục pháp luật theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh các trường trung học phổ thông là một tất yếu khách quan xuất phát từ yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, từ mục tiêu phát triển đào tạo thế hệ trẻ phát triển toàn diện, biết sống và làm việc theo chuẩn mực pháp luật, có trách nhiệm công dân và năng lực thích ứng với những điều kiện hoàn cảnh xã hội.

Để góp phần triển khai thực hiện tốt công tác này, việc nhận thức đúng đắn về vai trò của công tác giáo dục pháp luật nhằm phát triển năng lực người học là rất cần thiết. Bài báo đã phân tích một số vấn đề lý luận cơ bản về giáo dục pháp luật theo hướng phát triển năng lực người học trong dạy học môn Giáo dục công dân lớp 12 ở trường Trung học phổ

thông, đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này, góp phần vào sự nghiệp đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện.

TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lê Bình (2017), “Trẻ em, người chưa thành niên phạm tội vượt quá giới hạn độ tuổi”, http://congan.com.vn/tin-chinh/chinh-tri-thoi-su, trích dẫn 19/9/2017.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2011), Tài liệu Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học Ban hành kèm theo Công văn số 582/BGDĐT-VP ngày 01/9/2011.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), Tài liệu tập huấn - Dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực học sinh, môn Giáo dục công dân cấp trung học phổ thông.

4. Trường Đại học Luật Hà Nội (2016), Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật, Nxb Công an nhân dân.

5. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Giáo dục năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009), Nxb Chính trị Quốc gia.

SUMMARY

SOME SOLUTIONS TO IMPROVE THE EFFECTIVENESS OF LEGAL EDUCATION IN TEACHING THE CITIZEN EDUCATION OF 12TH GRADE IN HIGH SCHOOL TO DEVELOPING CAPACITY OF STUDENTS

Nguyen Thi Hoang Lan*, Nguyen Mai Anh, Nguyen Ngoc Anh University of Education - TNU

Citizen education in grade 12 plays an important role in shaping and developing legal awareness and lawful behavior for students. This subject helps high school students have basic understanding of law, adjust their behavior in accordance with the law, create the habit of “Living and working under the Constitution and laws”. Therefore, legal education in the direction of developing capacity for students in Citizen education for 12th grade is very necessary. This paper proposes some basic solutions to improve the effectiveness of this work, renovate the methods in teaching Citizen education for 12th grade students, meets requirements of education renovation.

Keywords: legal education, citizen education, developing capacity, legal awareness, student

Ngày nhận bài: 17/8/2018; Ngày phản biện: 16/9/2018; Ngày duyệt đăng: 12/10/2018

*Tel: 0912 454656, Email: hoanglan@dhsptn.edu.vn

Tài liệu tham khảo

Tài liệu liên quan

Việc gắn nội dung dạy học với các tình huống thực tiễn chưa được chú trọng; dạy học thí nghiệm, thực hành, dạy học thông qua các hoạt động thực tiễn ít được thực hiện

giảng dạy ước lượng và kiểm định trong y, dược học tại Trường Đại học Y Dược – Đại học Thái Nguyên 107 Lê Thị Thu Hương - Đổi mới phương pháp thuyết trình nhằm

Kết quả nghiên cứu đã đánh giá được thực trạng công tác giáo dục thể chấ (GDTC) của nhà trường, đồng thời đề tài đã xây dựng chương trình giảng dạy môn Karatedo vào

1. Học sinh được miễn học môn Thể dục, môn Âm nhạc, môn Mỹ thuật trong chương trình giáo dục nếu gặp khó khăn trong học tập môn học nào đó do mắc bệnh

Mục tiêu thực nghiệm Tiến hành khảo nghiệm nhằm kiểm tra, chứng minh tính chân thực, hợp lý và hiệu quả của việc xây dựng và tổ chức khai thác kênh hình trong dạy học phân môn Địa lí

Mục tiêu giáo dục và năng lực người học nói chung Trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp Trung học phổ thông, môn Ngữ văn 2006 nêu rõ một trong ba mục tiêu của môn Ngữ văn là

Giáo dục STEM nhằm phát triển các năng lực cụ thể của từng môn học cho học sinh [1] như: - Tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề - Kỹ năng trao đổi và cộng tác - Tính sáng tạo

Tích cực chăm lo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giảng dạy cho đội ngũ giáo viên giảng dạy môn Giáo dục chính trị trong việc giáo dục đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh cho học sinh