• Không có kết quả nào được tìm thấy

VÍN đề GIA đìNH trong sự biến đưi và phát triển của xã hĩi

N/A
N/A
Protected

Academic year: 2022

Chia sẻ "VÍN đề GIA đìNH trong sự biến đưi và phát triển của xã hĩi "

Copied!
15
0
0

Loading.... (view fulltext now)

Văn bản

(1)

VÍN ®Ò GIA ®×NH trong sù biÕn ®ưi vµ ph¸t triÓn cña x· hĩi

t−¬ng lai

G

ia đình là một phạm trù xuất hiện sớm nhất trong lịch sử loài người. Ấy vậy mà, người ta lại cho rằng “xã hội học gia đình vào lúc khởi đầu mang tính chất một khoa học về các cuộc khủng hoảng” (science des crises)1. Cần hiểu rằng, các cuộc khủng hoảng xã hội đều là sự chuẩn bị cho những nhân tố mới xuất hiện, đẩy lùi cái cũ, đưa xã hội phát triển bằng chính cái quy luật không gì cưỡng lại được.

Cách đây hơn trăm năm, L.H. Morgan đã đưa ra một kiến giải thật rành rọt “Nếu người ta công nhận cái sự thật là gia đình đã lần lượt trải qua bốn hình thức và hiện đang ở hình thức thứ năm thì một vấn đề sẽ được đặt ra là trong tương lai, hình thức thứ năm đó có thể lâu dài được không? Câu trả lời duy nhất có thể đưa ra là : hình thức đó phải tiến triển cùng với sự tiến triển của xã hội, và phải biến đổi cùng với sự biến đổi của xã hội, giống hệt như trong quá khứ. Là sản vật của một chế độ xã hội nhất định, hình thức đó sẽ phản ánh trạng thái phát triển của xã hội đó”2

Phản ánh trạng thái phát triển của xã hội, gia đình của giao điểm giữa thiên niên kỷ thứ hai và thiên niên kỷ thứ ba quả là đang có nhiều biến động. Điều ấy là một sự thật dễ hiểu. Vấn đề đặt ra là nhìn cho thấu, cho đúng sự biến động ấy trong quan điểm phát triển, đặt phạm trù gia đình trong mối tương quan với sự phát triển, kinh tế - xã hội, văn hóa của đất nước đang Đổi Mới.

I. GIA ĐÌNH VIỆT NAM ĐẾN HIỆN ĐẠI TỪ TRUYỀN THỐNG.

1. Truyền thống, phải chăng là sự lắng đọng tự nhiên của dòng sông lịch sử? Mà lịch sử, phải chăng là những giai đoạn trong sự phát triển vô cùng tận của xã hội loài người? Mỗi giai đoạn đều là tất yếu, và do đó, có lý do tồn tại trong thời đại và trong những điều kiện đã quy định. Dòng sông lịch sử trôi chảy mãi, lớp phù sa mới bồi đắp trên những cánh đồng, lớp này rồi lớp khác. Mọi nền văn minh đều được bồi đắp bằng những lớp đất mới chồng lên những nền đất cũ, giá trị mới được định hình trên nền tảng của sự kế thừa những giá trị cũ đã được tinh lọc và phát huy trong những điều kiện mới. Tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Tìm hiểu các nền văn minh”, Fernand Braudel thật sâu sắc khi ông cho rằng “Không có một nền văn minh hiện đại nào thực sự có thể hiểu được nếu không hiểu hết những hành trình đã đi qua, những giá trị cũ và những kinh nghiệm đã sống”3.

1 RENÉ KONIG. “Sociology” Flammation Éditeur. 1972. p.142.

2 Dẫn lại theo PH.ANGGHEN trong C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập. Tập 21. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. Hà Nội - 1993. Tr.129.

(2)

2. Gia đình Việt Nam đương đại đang là điểm gạch nối giữa xã hội cổ truyền (tạm tính từ trước 1945, có người còn cho là nên tính từ trước ách đô hộ của Tây thực dân) và xã hội hiện đại mà chúng ta đang bước vào với quyết tâm đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Có người đang dè dặt không muốn nói đến khái niệm “khủng hoảng gia đình” nhưng lại không tránh khỏi sự lo lắng, thậm chí hoảng hốt trước sự bục vỡ của những giường mối kỷ cương vốn được xác lập trên nền của một xã hội tiểu nông chịu ảnh hưởng khá sâu của hệ tư tưởng, đặc biệt là đạo đức học Nho Giáo. Đã có không ít những lời ca thán về những hiện tượng thường ngày nói lên sự bục vỡ ấy. Và cũng đã có không ít những cố gắng che chắn, hàn gắn sự bục vỡ ấy. Thậm chí người ta cố lục tìm trong dĩ vãng những châm ngôn, những lời răn dạy, những khẩu hiệu vàng son của một thời để rồi tô son, trát phấn, phóng đại tô màu dựng lên khắp nơi với một niềm tự an ủi chân thành: may ra cứu vãn được tình thế! Khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” được dựng lên hầu khắp các trường học thay cho các khẩu hiệu “Học, học nữa, học mãi” và “Dạy tốt, học tốt”

là một ví dụ khá tiêu biểu. Đáng tiếc rằng, người chủ trương thay thế một cách sống sượng này lại không xác định cho rõ nội dung của phạm trù “lễ” và phạm trù “văn” mà người ta đang muốn dạy cho trẻ con hôm nay, đặc biệt là phạm trù lễ vốn là cốt lõi trong học thuyết của cụ Khổng.

Có những sáng kiến tổ chức những hội nghị biểu dương con cháu thảo hiền, hiếu hạnh. Có tờ báo dùng cả một tít lớn “có phải con cháu bây giờ bất hiếu hơn trước đây không” làm nền cho cả trang báo ra đều kỳ trên nhiều số với chủ đề “Gia đình và xã hội”. Càng ngày vấn đề gia đình lại được nâng dần lên trong thang bậc những bức xúc cần xem xét, giải quyết. Song, giải quyết theo hướng nào? Phục hồi vốn cổ một cách chắp vá hay tiếp nhận cái hiện đại một cách tùy tiện?

3. Để có hướng giải quyết đúng, theo tôi, phải đặt gia đình vào trong tổng thể xã hội, nhìn nhận vấn đề gia đình trong tiến trình phát triển của xã hội. Là một yếu tố cấu thành của cơ cấu xã hội, mặc dù có những thuộc tính đặc trưng, gia đình vẫn phản ánh chân thực những mối quan hệ xã hội đa dạng và phức tạp, chịu sự tác động mạnh mẽ của những biến đổi xã hội. Chỉ có thể có hướng giải quyết vấn đề gia đình một cách đúng đắn trên cơ sở của một định hướng sáng tỏ cho sự phát triển xã hội. Định hướng sáng tỏ cũng có nghĩa là nó phản ánh đúng quy luật phát triển của xã hội. Từ nhận thức sáng tỏ về quy luật mà hướng hành động chủ quan phù hợp với quy luật khách quan của sự phát triển ấy.

Đương nhiên, chúng ta không quên khuyến cáo của C.Mác: “Một xã hội, ngay cả khi đã phát hiện được quy luật tự nhiên của sự vận động của nó, cũng không thể nào nhảy qua các giai đoạn phát triển tự nhiên hay dùng sắc lệnh để xóa bỏ những giai đoạn đó. Nhưng nó có thể rút ngắn và làm dịu bớt được những cơn đau đẻ".4

Đã có một thời, chúng ta cứ ngỡ là có thể vứt bỏ quá trình lịch sử tự nhiên, thay vì cố gắng làm giảm bớt cơn đau đẻ của lịch sử, chúng ta đã đốt cháy giai đoạn, một giai đoạn của lịch sử tự nhiên, để rồi bằng chủ nghĩa duy ý chí đã dựng lên một "mô hình xa lạ với chủ nghĩa xã hội"5 dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội trầm trọng và kéo dài. Ở một cách tiếp cận khác, chính từ trong khủng hoảng đã xuất hiện những nhân tố mới. Những giải pháp mới đã xuất hiện. Bằng cuộc khủng hoảng, những đầu óc tỉnh táo đã sớm nhận ra được rằng : "người ta không thể cưỡng lại được các sự kiện kinh tế" (Ph.Angghen) và "Không có gì dại dột hơn là ý nghĩ về việc vận dụng bạo lực trong các quan hệ kinh tế" (V.Lênin). Bằng việc chấp nhận cơ chế thị

4 CÁC MÁC & PH.ANGGHEN toàn tập. Tập 24. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. Hà Nội - 1993. Tr. 21.

5 PHẠM VĂN ĐỒNG . "Hồ Chí Minh và con người Việt Nam trên con đường dân giàu nước mạnh". Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội - 1993. Tr.77.

(3)

trường của nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, công cuộc Đổi Mới đã đưa đất nước bước vào thời kỳ mới, thuận với quy luật của lịch sử tự nhiên.

"Thấy những cái cũ lỗi thời và nguy hại, phải từ bỏ không luyến tiếc" (Phạm Văn Đồng), đó là một quá trình giằng co cực kỳ phức tạp. Sự vật vã giữa cái cũ và cái mới trong tư duy, trong thói quen đã định hình thành cơ chế, thành lối sống, thậm chí tạo nên khuôn mẫu của một mô hình văn hóa, đòi hỏi phải có thời gian. Thời gian đủ làm cho cái cũ tự bộc lộ đầy đủ những khuyết tật và sức cản trở sự phát triển xã hội của chúng. Thời gian đủ để cho những đòi hỏi của cuộc sống trở nên chín muồi cho những quyết định táo bạo, đủ để cho cái mới tự khẳng định được sức sống không gì có thể kìm hãm được.

Và, cuộc sống với quy luật phát triển tự nhiên của nó, đã mạnh hơn mọi giáo điều đã được học thuộc lòng. Sự nghiệp Đổi Mới đang được khẳng định quyết tâm đẩy tới toàn diện và mạnh mẽ.

Đất nước đang đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa ra bên ngoài, hội nhập với thế giới để tạo thêm nguồn lực thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”. Chúng ta đi đến mục tiêu đó bằng khối óc và đôi chân của dân tộc mình.

Bằng bản lĩnh của dân tộc, chúng ta đón nhận những thành tựu của văn minh. Với truyền thống văn hiến nghìn năm hun đúc nên bản sắc dân tộc, chúng ta đến với thế giới mới để tự khẳng định mình.

Gia đình Việt Nam, hướng giải quyết cho sự biến đổi và phát triển của gia đình Việt Nam hôm nay cũng không nằm ngoài quy luật phát triển của xã hội Việt Nam bước vào thế kỷ 21.

4. Gia đình là một thiết chế xã hội mang đậm bản sắc dân tộc và cũng in rõ dấu ấn của tiến trình văn hóa. Với gia đình Việt Nam, bản sắc ấy, dấu ấn ấy được xác định bởi nhiều yếu tố, song nét nổi bật dễ thấy nhất là ở chỗ gia đình giữ một vị trí đặc biệt trong đời sống Việt Nam, tâm hồn Việt Nam.

Trong các thiết chế xã hội, suốt chiều dài lịch sử cho đến gần đây, gia đình vốn được xem là một thiết chế quan trọng bậc nhất.

4.1.Ngược dòng lịch sử, trở về nguồn cội, con người Việt Nam tồn tại và phát triển trong nền sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước nên định cư theo quan hệ huyết thống. Gia đình là một

"hộ" , đơn vị của tổ chức chính trị - xã hội, gắn chặt với họ và làng, trở thành một đơn vị xã hội cơ bản với những thuộc tính đặc trưng. Với tính chất là một thiết chế xã hội, gia đình nuôi dưỡng trong lòng nó những quan hệ huyết thống chủ yếu được khởi đầu bằng hôn nhân, điều này là sự khác biệt cơ bản với các thiết chế xã hội khác. Bên ngoài quan hệ huyết thống, mỗi thành viên của gia đình cũng đồng thời thực hiện những mối quan hệ xã hội vì họ cũng là thành viên của xã hội.

Nét khu biệt giữa thiết chế gia đình và các thiết chế xã hội khác là quan hệ huyết thống ấy không loại bỏ nhưng cũng không đồng nhất những quan hệ xã hội của các thành viên.

4.2. Là sản phẩm của nền kinh tế tiểu nông trồng lúa nước, trong một xã hội chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, gia đình không chỉ là đơn vị cơ bản của xã hội mà còn là hình của tổ chức xã hội và nhà nước. Nói cách khác, gia đình là hình ảnh thu nhỏ của xã hội và nhà nước.

Cho đến đầu thế kỷ này, cụ Phan Bội Châu vẫn còn khẳng định: "Nhà tức là cái nước nhỏ, nước tức là cái nhà to", cho nên "tề trị cùng một lẽ, quốc gia chung một gốc, gia đình có êm ấm thì xã hội mới ổn định " gia tề, quốc trị, thiên hạ bình" !

(4)

"Cái cộng đồng làng xã, nước và thiên hạ đều đồng dạng, lấy mô hình gốc là gia đình mà mở rộng ra, phát triển thêm".6

Vì vậy, khi nói đến gia đình truyền thống tức là muốn nói đến nền văn hóa đặc trưng chi phối kiểu loại thiết chế xã hội đặc thù này, nói đến hệ thống giá trị và khuôn mẫu ứng xử, nói đến những lễ nghi tôn giáo chi phối đạo đức và tinh thần của những thành viên trong thiết chế đó.

Ngoài Nho giáo, còn cả Phật giáo, Lão giáo và cả tư tưởng Âm Dương ngũ hành, đều có ảnh hưởng đến sự hình thành cấu trúc và chức năng của gia đình truyền thống Việt Nam. Ảnh hưởng ấy đậm nhạt khác nhau tùy theo từng giai đoạn lịch sử và từng vùng lãnh thổ trên tiến trình xuôi về phương Nam của dân tộc Việt.

"Càng di chuyển về phía Nam, người Việt càng gặp nhiều hơn những nền văn hóa phi Hán hóa, những tầng văn hóa cổ ở Nam Bộ chịu ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ nhiều hơn. Văn hóa Phù Nam và văn hóa Óc Eo, văn hóa cổ của vương quốc Khơ me đều không có một dấu vết Hán hóa nào. Người Hoa nhập cư ở Nam Bộü chỉ từ thế kỷ 17 cùng một lúc với người Việt, và họ chịu thần phục nhà Nguyễn lúc bấy giờ đã là một thế lực cầm quyền từ Phú Xuân vào trong. Những người Hoa từ chối sự thống trị của triều đại Mãn Thanh đã đến đất Nam Bộ sinh sống không có tư thế ưu trội về văn hóa so với người Việt. Họ cũng là dân mới, thậm chí là "khách trú".7

Trong một tổ chức xã hội mà dòng họ và làng xã là những thiết chế mờ nhạt thì gia đình hạt nhân có vị trí lớn hơn. Trong nền văn hóa mà yếu tố phi Hán hóa mạnh hơn, đồng thời lại chịu ảnh hưởng của các nền văn hóa Nam Á như đã nói ở trên "Gia đình Nam Bộ cũng trở nên uyển chuyển hơn để tiếp nhận những thay đổi xã hội ở Nam Bộ có mức độ dồn dập hơn ở Bắc Bộ".8

Tuy nhiên, những biến thái ấy vẫn không tạo thành sự khác biệt rạch ròi của một kiểu gia đình truyền thống Việt Nam, sản phẩm của một xã hội tiểu nông trồng lúa nước.

Trong mỗi căn nhà gạch vững chãi hay nếp nhà tranh đơn sơ, chỗ trang trọng nhất vẫn là nơi đặt bàn thờ tổ tiên!

Ngay ở đồng bằng Sông Cửu Long, người nông dân vốn không chắt chiu, tằn tiện để xây nhà như nông dân đồng bằng sông Hồng, thì cho dù là nhà tạm bợ vẫn không thể thiếu được nơi đặt bàn thờ tổ tiên. Thậm chí, "mối liên lạc giữa tổ tiên và con cháu trong gia đình Nam Bộ có dấu hiệu gần như mật thiết hơn ở Miền Bắc"9.

4.3.Nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu kéo dài triền miên, vốn chịu sự chi phối của một hệ tư tưởng hướng về "một trật tự bình yên không bao giờ thay đổi", là mảnh đất nuôi dưỡng cho một sự ổn định trì trệ từ trong gia đình ra ngoài xã hội.

Nhịp sống ì ạch như bước chân trâu trên ruộng bùn! Có lẽ sự xao động mạnh mẽ nhất là thuở Tây sang với những buổi đầu xã hội Việt Nam chịu ảnh hưởng của Âu hóa, đặt gia đình Việt Nam trước những thử thách. Một khi mà lối sống thị dân đang tấn công vào nếp sống cổ truyền kiểu "Chí cha chí chát, khua giầy dép, đen thủi đen thui cũng lụa là" thì nếp sống của gia đình với trật tự được sắp xếp từ ngàn đời bị lung lay :" nhà kia lỗi phép con khinh bố, mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng" (Thơ Tú Xương)

6 Xem: QUANG ĐẠM: "Nho giáo xưa và nay". Nhà xuất bản Văn Hóa. Hà Nội - 1994.

7 ĐỖ THÁI ĐỒNG: "Những nghiên cứu xã hội về gia đình Việt Nam". Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. Hà Nội -1991. Tr. 79.

8 ĐỖ THÁI ĐỒNG: Sách đã dẫn. Tr. 81 & 82

9 ĐỖ THÁI ĐỒNG: Sách đã dẫn. Tr. 81 & 82

(5)

Sự xuất hiện của những cô gái "tân thời" với áo dài "lơ muya" và giầy cao gót là sự thách đố cái gia phong đã được xây đắp vững chắc suốt bao thế hệ. Tuy vậy, những xao động ấy chủ yếu vẫn chỉ diễn ra ở thành phố.

Nông thôn vẫn còn triền miên trong nếp sống cổ truyền mà ngọn đèn Hoa Kỳ thắp bằng

"dầu tây", vài cái đồng hồ qủa lắc có đánh chuông treo rải rác đây đó trong dăm ba nhà các cụ Bá, cụ Lý không đủ sức khua động lối sống của xã hội tiểu nông trong lũy tre xanh. Gia đình nông thôn vẫn im lìm chuồi theo nếp cũ.

Phải đợi đến Cách Mạng tháng 8 năm 1945, rồi cuộc kháng chiến chín năm tiếp theo, gia đình Việt Nam mới thực sự trải qua những va đập trong những biến động xã hội lớn lao. Cách mạng và kháng chiến đã khơi dậy sức sống của lớp thanh niên "xếp bút nghiên lên đường tranh đấu". Những chân trời mới có sức thu hút, vẫy gọi con người, đăc biệt là lớp trẻ tạm rời bỏ gia đình

"xa nhà đi kháng chiến". Những người chưa có hoàn cảnh ra đi thì cũng đã nhen nhóm những cảm nghĩ về sự tù túng, hạn hẹp của cuộc sống gia đình quẩn quanh. Thái độ coi nhẹ, ít chú trọng đến gia đình và giáo dục gia đình manh nha từ đấy.

Từ khi đất nước bị chia cắt, miền Nam trải qua những biến động dữ dội của cuộc chiến đấu, của quá trình đô thị hóa cưỡng bức, của nông thôn bị đảo lộn bởi sự giằng co, quyết liệt, đời sống gia đình Việt Nam đã thực sự chịu đựng những tổn thương gay gắt.

Ở miền Bắc, sự thử thách lại diễn ra ở những khía cạnh khác. Quá trình hợp tác hóa ở nông thôn, phong trào lao động tập thể, thành phố, cuộc sống của những công trường đang xây dựng, những cuộc đi rèn luyện trong thực tế của học sinh, sinh viên .v.v. Tất cả những cái đó đã khơi dậy một chủ nghĩa tập thể, giáo dục một lối sống tập thể, mà trong một chừng mực nào đó, đã gây nên những mặc cảm coi nhẹ, thậm chí kỳ thị với việc xây dựng tổ ấm gia đình, cuộc sống riêng tư.

Cũng cần nói thêm là những sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức đã làm tổn thương đến tình cảm gia đình mà xét ở khía cạnh nào đó thì những vết thương tình cảm của những thảm cảnh một thời con đấu tố cha, vợ đấu tố chồng, em đấu tố anh.v.v. đã xúc phạm đến một truyền thống thiêng liêng máu mủ, ruột rà tự bao đời của cuộc sống Việt Nam. Những mặc cảm "thành phần" cũng gây nên những ảnh hưởng xấu đến quan hệ gia đình. Từ một số ít người đã dần dần tạo ra tác động lây lan trong tâm lý xã hội, hạ thấp vai trò của gia đình, dùng đoàn thể và xã hội thay cho gia đình, đặc biệt là cho giáo dục gia đình. Có thể thấy rõ nhất điều này trong các kiểu loại "gia đình cán bộ", "gia đình xã viên".

Những xao động, những chấn thương, những thử thách đối với gia đình, một thiết chế xã hội quan trọng vào bậc nhất trong cuộc sống của con người Việt Nam, xã hội Việt Nam từ đầu thế kỷ cho đến giữa những năm 70 đã ghi đậm những dấu ấn của sự biến động xã hội. Tuy vậy, vấn đề gia đình thực sự được đặt ra một cách gay gắt lại bắt đầu vào những năm 80 khi đất nước bước vào công cuộc Đổi Mới. Cõ lẽ ở vào giai đoạn này, người ta mới cảm nhận một cách đầy đủ rằng, trong tiến trình đến hiện đại từ truyền thống của xã hội Việt Nam, cuộc khủng hoảng của gia đình Việt Nam cần được xem xét một cách nghiêm túc và thấu đáo để có thể đưa ra giải pháp ở tầm vĩ mô dựa trên những căn cứ khoa học.

II. GIA ĐÌNH: KHỦNG HOẢNG VÀ PHÁT TRIỂN 1. Khủng hoảng gia đình, có hay không?

(6)

Người ta ngại nói đến từ khủng hoảng, nhất là khủng hoảng gia đình, một thiết chế xã hội đặc thù. Nhưng, để nhận chân được hiện thực, cần gọi sự vật đúng tên của nó.

Đã có một thời chúng ta kiêng kỵ nói đến chuyện khủng hoảng xã hội. Thế nhưng rồi đến một lúc nào đó, cuộc sống tự mở đường đi cho nó, chúng ta buộc phải nói lên một cách rành rọt:

"cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng và kéo dài đang đặt ra những yêu cầu bức xúc phải giải quyết vì đó là câu hỏi tồn tại hay không tồn tại của giai đoạn lịch sử mới.

Những ý tưởng Đổi Mới khởi nguồn từ trong cuộc khủng hoảng ấy, rồi những hành động được dẫn dắt bằng những ý tưởng mới ấy đã vực dậy cả một sự nghiệp cơ hồ như đang đứng bên miệng vực. Ấy thế mà, những ý tưởng mới ấy, có một thời, chỉ nghĩ đến thôi chứ chưa nói hay viết ra thành lời cũng đã là chuyện to gan phạm húy!

Là một yếu tố tạo thành cơ cấu xã hội tổng thể, khi cái xã hội ấy lâm vào khủng hoảng trầm trọng và kéo dài, lẽ nào gia đình vẫn bình an? Đương nhiên không thể lược quy một cách giản đơn những khủng hoảng của xã hội vào trong những rạn nứt và bục vỡ của những giường mối, kỷ cương gia đình vốn có những quy luật đặc thù.

Không lược quy một cách giản đơn song cần xem xét một cách kỹ lưỡng để thấy rõ hơn các chiều cạnh phức tạp của cuộc khủng hoảng gia đình đang diễn ra trong quá trình xã hội đi vào nền kinh tế thị trường, đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Có gọi đúng tên sự vật mới có được giải pháp đúng với nó.

2. Nhận dạng và phân tích.

2.1.Có một cái nhìn lướt qua về gia đình Việt Nam đi từ truyền thống đến hiện đại để có thể khái quát những đường nét cơ bản trong nhìn nhận về vấn đề gia đình. Đúng là "ở nước ta, trong tiến trình văn minh hóa đất nước, từ khởi thủy đến hiện tại có một thành tựu văn minh đáng kể chính là việc thiết lập, định hình được ý niệm về gia đình và việc xây dựng các thiết chế mang tính xã hội của hình thức gia đình đó"10

Vấn đề đặt ra là nhận diện cho đúng "thành tựu văn minh đáng kể" đó để biết cách kế thừa và phát triển, làm cho quá khứ liền mạch với hiện đại, giúp tạo ra nguồn lực của sự phát triển. Mà đã nói đến kế thừa, chúng ta hiểu sự kế thừa theo quan điểm biện chứng. Sự kế thừa luôn bao hàm trong nó sự phủ định biện chứng. Khi trân trọng truyền thống, đừng quên rằng

"truyền thống là một lực lượng bảo thủ rất lớn" (Ph.Ăngghen) và "truyền thống của tất cả các thế hệ đã chết đè nặng như quả núi lên đầu óc những người đang sống" (C.Mác)11

2.2. Cấu trúc và chức năng của gia đình Việt Nam truyền thống ít thay đổi vì nó là sản phẩm của một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu không mấy đổi thay. Trong nền kinh tế tự cấp tự túc không sao chuyển nổi sang kinh tế hàng hóa ấy, con người bị đóng khung vào trong hộ gia đình chủ yếu làm nghề nông kiêm nhiệm cả nghề thủ công, buôn bán vặt trong làng xã đóng kín và tự trị. Gia đình gắn chặt với làng - họ, hệ thống thân tộc được củng cố vững chắc chi phối cuộc sống của từng cá nhân trong cơ cấu đẳng cấp gia đình, gia tộc. Một cơ chế được hình thành từ trong cơ cấu đẳng cấp ấy đã ràng buộc con người theo những thang bậc, phận vị nhất định, từ trong gia đình ra đến làng họ, và cũng theo mô hình đó mà mở rộng ra trong cả nước. Những thang bậc ấy dựa theo các chuẩn mực của họ hàng thân sơ, tước vị cao thấp, tuổi tác già trẻ (thân, tước, xỉ). Là thành viên của gia đình trong mối ràng buộc với làng và họ ấy, con người chỉ

10 NGUYỄN ĐÌNH CHÚ: Tạp chí Xã hội học số 3/1990. Tr.47

11 MÁC - ĂNG GHEN tuyển tập. Tập II. Nhà xuất bản Sự thật. Hà Nội - 1981. Tr.286.

(7)

hiện diện như là một thành viên của cộng đồng ( gia đình, làng họ) chứ chưa thể là một cá thể định hình, càng hết sức xa lạ với khái niệm cá nhân công dân.

Trong trật tự phận vị trên dưới, trai gái, nội ngoại ấy không có chỗ cho cá nhân và càng không thể nói đến chuyện bình đẳng, bình đẳng giữa các thành viên, bình đẳng nam nữ. Do sự ưu trội của tính cộng đồng, ý thức cá nhân bị lấn át, tự do cá nhân bị tước bỏ, cá thể hòa tan vào trong cộng đồng.

Vì đã được xếp vào những thang bậc theo đúng phận vị, con người phải ứng xử theo đúng phận vị ấy. Giá trị của con người được đo theo cái chuẩn thân, tước, xỉ trong các thang bậc chứ không phải chủ yếu dựa vào tài năng, phẩm chất của họ. Cơ hội để thăng tiến xã hội cũng tùy thuộc vào cái phận vị ấy. Thân phận của người phụ nữ thì lại càng bị ràng buộc chặt chẽ hơn: lúc còn nhỏ thì hầu hạ cha mẹ và anh em, lớn lên cha mẹ đặt đâu ngồi đấy, hôn nhân gắn chặt người phụ nữ với gia đình nhà chồng.

Tính cơ động xã hội của xã hội nông nghiệp lạc hậu vốn đã thấp, thiết chế gia đình trói buộc các thành viên của mình càng làm tăng thêm tính trì trệ. Hơn nữa, trong cái triết lý “gia đình là gốc của nước”, xét về mặt cơ cấu thì “nhà” và “nước” không khác nhau về bản thể, chỉ khác nhau về quy mô, cho nên mô hình tổ chức và cách ứng xử trong gia đình cũng là mô hình tổ chức và cách ứng xử trong xã hội. Đem cái “gia đạo”, lấy cái cung cách “gia trưởng” đang được áp dụng trong gia đình, để thực thi trong xã hội thì cũng là lô gích tự nhiên! Vì thế, tình trọng hơn lý, nghĩa trọng hơn lợi, nhường nhịn hơn là đấu tranh, cũng do vậy mà đạo đức nghĩa tình đứng lên trên luật pháp.

Đường nét của mô hình gia đình truyền thống ấy không chỉ là vang bóng của một thời mà vẫn còn khá đậm trong chỗ này chỗ khác của xã hội ta hôm nay, một xã hội nông nghiệp lạc hậu đang quyết tâm trở thành một xã hội công nghiệp phát triển qua con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

2.3. Đương nhiên là trải qua hơn một thế kỷ nhiều biến động, mô hình gia đình truyền thống đã có nhiều biến thái để thích nghi với những biến đổi của xã hội. Đúng là nhiều biến động.

Quá nhiều những biến động của hơn 80 năm ách đô hộ của thực dân Pháp, gần nửa thế kỷ cách mạng và kháng chiến giành độc lập và thống nhất với cuộc chiến đấu chống Mỹ. Gia đình truyền thống đã trải qua nhiều cuộc va đập, xáo trộn, thậm chí có lúc cơ hồ như bị vùi dập, miệt thị để rồi lại được chấn hưng. Không thể không nói đến xu hướng phục hồi trở lại những mối quan hệ huyết thống đã một thời bị coi nhẹ, bị nhạt phai. Việc sưu tầm, chỉnh biên, lập lại gia phả, dựng lại nhà thờ “họ”, tôn tạo các “từ đường” được hưởng ứng khá sôi nổi không chỉ ở những cụ cao niên vốn bị xem là “thủ cựu”, mà lại là ở lớp trung niên đã từng là cán bộ, bộ đội, viên chức nhà nước một thời đã được xem là lớp người “canh tân”! Đây chẳng qua cũng là phản ứng trở lại với lầm lỗi cực đoan một thời!

Những bước thăng trầm của thiết chế gia đình quả là tấm gương phản ánh khá sinh động những biến động xã hội qua những biến thiên của lịch sử. Tuy vậy, phải đến hôm nay, khi đất nước bước vào một kỷ nguyên mới, từ một nước nông nghiệp chuyển dần thành một nước công nghiệp thì thiết chế gia đình mới thực sự đi vào một bước ngoặt.

Nói như vậy là vì, cho dù những biến động xã hội có dồn dập đến mấy đi chăng nữa thì cái cơ sở kinh tế làm nền cho những diễn biến chính trị vẫn là kinh tế tiểu nông. Cái căn tính tiểu nông ấy bám rễ sâu vào làng xã Việt Nam, nơi mà hiện nay vẫn sinh sống đến 80% cư dân Việt.

(8)

Mà làng xã lại chính là “cái tế bào sống của xã hội Việt, là sản phẩm tự nhiên tiết ra từ quá trình định cư và cộng cư của người Việt trồng trọt”.12

Cái căn tính tiểu nông ấy góp phần duy trì sức sống bền vững của thiết chế gia đình. Đã có lúc người ta tưởng có thể xóa bỏ chức năng kinh tế của gia đình, nhất là trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Hợp tác xã bậc thấp rồi bậc cao đã cố thay thế vai trò của hộ kinh tế gia đình trong sản xuất nông nghiệp. Kết quả thì như ta đã biết. Với chỉ thị 100, và sau đó là Nghị quyết 10 đã trả lại vai trò và chức năng vốn có của hộ kinh tế gia đình tiểu nông mà do đó đã tạo ra được một nguồn động lực mới, mở đầu cho công cuộc Đổi Mới. Vào giai đoạn “tem phiếu” của thời kỳ bao cấp và kế hoạch hóa tập trung, không ai hình dung nổi là Việt Nam có thể xuất khẩu gạo đứng thứ nhì thế giới! Chuyện thần kỳ khởi nguồn từ việc quay trở lại với cuộc sống thường ngày đúng với quy luật. Vẫn còn là sản xuất nông nghiệp lạc hậu thì “hộ kinh tế” giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Khi nền sản xuất nông nghiệp vẫn còn trong trình độ lạc hậu không sao chuyển được sang kinh tế hàng hóa thì căn tính tiểu nông vẫn chi phối nhịp sống của đại bộ phận cư dân. Sẽ có thể hiểu sâu điều này khi chúng ta đọc lại sự phân tích của Mác về xã hội châu Á, về phương thức sản xuất châu Á mà chúng tôi đã có dịp trích dẫn nhiều lần trong các bài viết trước đây:

“Cơ cấu sản xuất đơn giản của các cộng đồng tự cung, tự cấp ấy, những cộng đồng không ngừng được tái sản xuất ra với cùng một hình thức ấy, nếu ngẫu nhiên bị phá hủy thì cũng lại xuất hiện trên địa điểm cũ với một tên cũ. Cái cơ cấu ấy cho chúng ta cái chìa khóa để hiểu sự bí ẩn của tính chất bất di bất dịch của những xã hội Châu Á. Nó trái ngược một cách lạ thường với hiện tượng các nhà nước Châu Á không ngừng bị phá hủy rồi lại được lập lại với những sự biến đổi không ngừng của các triều vua. Kết cấu của các yếu tố kinh tế cơ bản của xã hội vẫn không bị những cơn giông tố của lĩnh vực chính trị đầy mây ảnh hưởng tới”13

Những biến đổi chính trị và xã hội dồn dập hơn một thể kỷ qua ở nước ta có thể được xem như “những cơn giống tố của lĩnh vực chính trị đầy mây” vẫn không ảnh hưởng tới, không làm thay đổi được “kết cấu của các yếu tố kinh tế cơ bản của xã hội của một xã hội nông nghiệp lạc hậu! Gia đình Việt Nam, mà chủ yếu là gia đình tiểu nông, trên căn bản vẫn chưa bị bục vỡ. Cuộc khủng hoảng chỉ thực sự bộc lộ rõ khi “kết cấu của các yếu tố kinh tế cơ bản của xã hội” đang thay đổi, từ một xã hội nông nghiệp chuyển sang một xã hội công nghiệp. Thời điểm này được bắt đầu bằng việc xây dựng nền kinh tế thị trường, đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

3. Những biểu hiện chủ yếu của khủng hoảng gia đình.

3.1. Sự bục vỡ của cơ cấu đẳng cấp, thang bậc phận vị.

Trong nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, kỹ thuật không mấy đổi thay từ đời này sang đời khác. Cái cày chìa vôi từ đời nhà Lý thế kỷ 11 vẫn còn khá phổ biến ở những thập kỷ cuối thể kỷ 20 này. Vì vậy, kinh nghiệm được đề cao tuyệt đối, vì nó là đầu mối của tri thức và cũng chi phối toàn bộ phương pháp sản xuất. Mà kinh nghiệm là do người đi trước truyền lại cho người đi sau, cha truyền con nối. Đó là nguồn gốc đẻ ra cái nguyên lý ứng xử trong gia đình: Kế, thuật, vô cải (nối tiếp, làm theo, không bao giờ thay đổi). Nối tiếp và làm theo người đi trước, người “bề trên”, không bao giờ thay đổi những cái mà người đi trước, thế hệ cha anh, những đấng bề trên đã vạch ra, điều đó trở thành nguyên tắc. Và từ đó mà hình thành

12 NGUYỄN TỪ CHI: “Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người” . Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin. Hà Nội - 1996. Tr.177.

13 CÁC MÁC & ĂNG GHEN toàn tập. Tập 23. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. Hà Nội -1993. Tr.520 (người trích gạch dưới)

(9)

cái nguyên lý sử và sự (sai khiến và phục tùng): bề trên, cha anh sai khiến, bên dưới, con cháu phục tùng. Cha sai khiến, con phục tùng, chồng sai khiến, vợ phục tùng, anh sai khiến, em phục tùng, không có chiều ngược lại.

Chính cái nguyên tắc, nguyên lý đó đã làm rạch ròi thêm cơ cấu đẳng cấp và thang bậc, phận vị: thân, tước, xỉ của họ hàng thân sơ, tước vị cao thấp, tuổi tác già trẻ. Cơ cấu ấy đã thực sự quy định cung cách ứng xử của các thành viên trong gia đình, gia tộc. Trải qua hàng chục thế kỷ, cung cách ứng xử ấy đã trở thành một thói quen hằn sâu trong đời sống xã hội, trở thành mô hình văn hóa chi phối cuộc sống gia đình và xã hội.

Ai đó sẽ nói rằng: nhưng đấy là nguyên lý của Nho giáo, xã hội người Việt không bệ nguyên xi những yếu tố ngoại sinh làm thành của mình mà thường là nội sinh hóa. Đúng là những yếu tố văn hóa du nhập từ bên ngoài không giữ nguyên dạng mà là biến thái để phù hợp với mảnh đất nuôi dưỡng nó. Sự tái cấu trúc lại hệ thống chứ không giữ nguyên như nó vốn có là nét phổ biến trong nền văn hóa Việt Nam - Đúng vậy!

Nhưng, trong trường hợp này, mảnh đất nuôi dưỡng những nguyên lý Nho giáo trong ứng xử gia đình lại cũng chính là nền kinh tế tiểu nông đồng dạng! Và vì thế, một khi cái nền tảng đó đang lung lay, nền văn minh nông nghiệp kéo dài triền miên cùng với cái cày chìa vôi và kinh nghiệm sử dụng nó đã đang từng bước được thay thế bằng nền văn minh công nghiệp thì nhiều biến động sẽ được nối tiếp. Kinh nghiệm sử dụng cày chìa vôi bằng cơ bắp đang được tri thức sử dụng máy cơ khí nông nghiệp thay thế. Và thế là, cuộc đảo lộn bắt đầu để rồi không sao có thể đảo ngược mặc dù trong tâm lý, trong thói quen người ta có ấm ức, bực dọc đến đâu. Con cái ngày nay không thể bằng kinh nghiệm của ông cha để bước vào xã hội mới mà những quy luật vận động và phát triển của nó quá mới mẻ so với những gì mà thế hệ ông cha đã trải qua. Quay đầu về xưa để tìm kinh nghiệm sản xuất và quản lý xã hội không còn thích hợp nữa, do vậy, họ không thể theo nguyên lý “sử và sự” một chiều từ trên xuống, càng không thể chỉ biết có nối tiếp, làm theo và không bao giờ thay đổi những cái mà cha ông họ đã làm, đã dạy. Nói vậy nghe ra có vẻ phạm tội đại bất kính!

Thưa vâng. Song, điều này thì Mác đã từng phân tích cách đây đã hơn trăm năm: “cái hiện tượng kỳ lạ trong lịch sử công nghiệp hiện đại là máy móc làm đảo lộn tất cả mọi giới hạn đạo đức”14. Ấy thế mà những thành tựu khoa học và công nghệ của hôm nay là điều mà thời Mác không thể nào hình dung nổi, đủ biết rằng sự đảo lộn của nó còn dữ dội đến mức nào!

Ai đó cũng sẽ vặn lại rằng: nhưng xã hội Việt Nam đã là xã hội công nghiệp đâu, 80% dân số còn sống ở nông thôn, 73% lao động vẫn là lao động nông nghiệp?

Đúng vậy. Nhưng, trong khi cái cày chìa vôi vẫn còn được sử dụng trên cánh đồng lúa nước thì người cầm cày chìa vôi đó đang được huấn luyện tri thức mới về giống, về kỹ thuật xen canh gối vụ, cách sử dụng các loại phân hữu cơ, vô cơ, phân vi sinh.v.v. Hơn nữa, mặc dầu sức máy móc chỉ mới chiếm có 20% trong cơ cấu tổng động lực của sản xuất nông nghiệp, ý nghĩa của nó không chỉ dừng lại ở 20% cư dân. Sự hiện diện của máy móc là chỉ báo của quá trình cơ khí hóa, và là biểu tượng của cái mà nghìn đời trước chưa có. Cùng với cơ khí hóa sản xuất nông nghiệp, việc chuyển sang cơ chế thị trường sẽ có sức công phá vào thành trì của cơ chế ứng xử trong mối quan hệ đẳng cấp và phận vị. Với cơ chế thị trường, thuận mua vừa bán, quan hệ giữa người mua và người bán (kể cả mua bán hàng hóa sức lao động) là quan hệ thỏa thuận giữa hai pháp nhân

(10)

bình đẳng. Quan hệ bình đẳng trong xã hội này sẽ có sức công phá vào cái trật tự đẳng cấp, phận vị của nguyên lý sử và sự trong gia đình. Thêm vào đó, cơ chế thị trường đòi hỏi phải xử lý mọi chuyện căn cứ vào thực lực, thực lực về vật chất, cả thực lực về kinh nghiệm, về tri thức, về bản lĩnh. Lớp trẻ là chủ lực của sự nghiệp kinh tế, văn hóa xã hội hôm nay không thể nào chỉ “nối tiếp, làm theo và không bao giờ thay đổi” những lời giáo huấn về kinh nghiệm đã trải qua của thế hệ ông cha, mà phải bằng chính tri thức, kinh nghiệm và bản lĩnh của mình, bằng thực lực của mình mới có thể làm nên được sự nghiệp lớn lao của đất nước hôm nay.

Cơ chế mới làm thay đổi cơ bản các quan hệ xã hội và đồng thời cũng làm lay động dữ dội lề thói gia trưởng, áp đặt trong quan hệ gia đình.

Mặc dù tính đặc thù của quan hệ huyết thống chỉ đạo mọi quan hệ ứng xử của các thành viên trong gia đình, không thể đem cách ứng xử trong quan hệ xã hội để thực thi trong quan hệ gia đình, song gia đình không là ốc đảo cô lập với xã hội. Ngược lại, mọi biến động xã hội đều dội vào gia đình. Và nếu việc “thiện kế, thiện thuật và vô cải” được xem là đạo đức theo kiểu mà Mạnh tử đòi hỏi: “cha còn sống thì xem xét chí, cha mất thì xem xét hạnh kiểm, ba năm không thay đổi (theo lề thói cha đã dạy) thì tức là đạt chữ hiếu”, thì quả thật cái đạo lý ấy không còn thích hợp với thời đại công nghiệp hóa. Cái gọi là “đảo lộn tất cả mọi giới hạn của đạo đức” hiểu theo một nghĩa nào đó là nội dung của cuộc khủng hoảng gia đình hôm nay.

3.2. “Con em trong gia đình” và “cá nhân công dân”

Là một thiết chế xã hội đặc thù vì khác với các thiết chế xã hội khác, các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau trong mối giây thâm tình máu mủ, ruột rà. Quan hệ huyết thống khu biệt thiết chế gia đình với mọi thiết chế xã hội khác.

Tuy vậy, đừng quên rằng, mọi thành viên trong gia đình cũng đồng thời là những thành viên của xã hội. Không thể đem cách ứng xử trong mối quan hệ gia đình để áp dụng trong quan hệ xã hội, và ngược lại không thể áp đặt những chuẩn mực ứng xử xã hội vào trong gia đình.

Ấy thế mà, trong suốt chiều dài của nhiều thế kỷ, cơ cấu tổ chức và cung cách ứng xử của xã hội lại cũng dựa vào mô hình gia đình để mở rộng ra, vì như đã nói ở trên, theo Nho giáo, “nhà”

và “nước” không khác nhau về bản thể, chỉ khác nhau về quy mô. Trong sự ưu trội của tính cộng đồng, mỗi con người là thành viên trong gia đình, không có điều kiện, thậm chí không có quyền khẳng định vai trò cá nhân của họ. Con thì theo cha, vợ theo chồng, em theo anh trong sự phục tùng một chiều để nối tiếp, làm theo và không bao giờ thay đổi ý hướng của người gia trưởng đã định hình thành nếp nhà, thành gia phong. Mỗi cá nhân hiện diện trong xã hội với tư cách là con cái nhà ai, ông cha làm gì, gia thế ra làm sao .v.v. phần tài năng, phẩm chất, bản lĩnh cá nhân đương nhiên không phải là không được nhìn nhận song bị những điều nói trên trùm lấp đi. Giữ được nếp nhà, làm rạng rỡ gia phong đó là điều tâm niệm của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là gia đình nhà nho, sau này là gia đình cán bộ.

Điều đó có mặt tích cực, song vấn đề cần lưu ý chính điều đó lại củng cố thêm cho tinh thần cộng đồng lấn át ý thức cá nhân, không cổ vũ cho ý chí tự chủ trong việc hình thành nhân cách độc lập. Trong điều kiện đó, sự thăng tiến xã hội của cá nhân lệ thuộc vào gia đình, tính năng động chủ quan của mỗi cá nhân dễ bị thui chột đi.

Bước vào trào lưu của cách mạng và kháng chiến, khi vai trò của gia đình bị hạ thấp, những thành viên của gia đình bứt ra khỏi cái khung chật hẹp của gia đình lại bị hút theo dòng chảy của xã hội. Người ta lại được hấp dẫn theo một chiều hướng cực đoan khác, chỉ biết có xã hội,

(11)

say sưa với hoạt động xã hội (đội thiếu niên, đoàn thanh niên, các hội quần chúng, tổ chức Đảng..) mà coi nhẹ việc giáo dục gia đình, chăm nom gia đình. Trong trào lưu đó, chủ nghĩa tập thể được đề cao, được đem đối lập với chủ nghĩa cá nhân với hàm ý xấu. Một lần nữa, cá nhân không được khẳng định. Mỗi cá nhân lại tiếp tục hiện diện trong xã hội với tư cách là thành viên của một cộng đồng trên gia đình: hội viên, đoàn viên, đảng viên.v.v

Trong nhiều thập kỷ sau cách mạng và trong kháng chiến, những đòan thể quần chúng đã phát huy vai trò lớn lao của chúng, khởi động được tính tích cực của mọi thành viên, tạo thành phong trào quần chúng rộng lớn thúc đẩy sự phát triển xã hội. Nhưng dần dần, tính độc lập và năng động của tổ chức quần chúng yếu dần, tính chất “nhà nước hóa” của các tổ chức này ngày một rõ làm cho sức hấp dẫn của chúng bị hạn chế. Trên thực tế, xã hội dân sự (còn gọi là xã hội công dân), các tổ chức dân sự chưa được hình thành đúng nghĩa của chúng.

“Việc hình thành cá nhân (với quyền tự do, phát triển độc lập, toàn diện) người công dân (với quyền làm chủ, bình đẳng xã hội) đã gặp trở ngại khi vấp phải mảnh đất vốn chỉ coi trọng con người cộng đồng”.15

Từ “con em trong gia đình”, để trở thành “cá nhân công dân” là phải trải qua một chặng đường dài đầy trắc trở.

Xã hội dân sự (xã hội công dân) vốn được xem là gắn bó với “nhà nước pháp quyền” như bóng với hình, song trên thực tế, chúng đang được nói đến khá dè dặt mặc dầu chúng ta đang chủ trương đẩy mạnh việc xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Song, đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa, trên bình diện xã hội, không thể nào không nói đến nền tảng của hiện đại hóa đứng từ giác độ của chiến lược con người. Vấn đề cá nhân - công dân chính là vấn đề nền tảng của xã hội hiện đại, cũng trên ý nghĩa đó, giải phóng cá nhân là động lực tinh thần của hiện đại hóa.

Theo Mác, “sự tự do cá nhân.... tạo ra cơ sở của xã hội công dân”, vì thế, ông cho rằng “con người với tư cách thành viên xã hội công dân có ý nghĩa là con người theo đúng nghĩa của nó”. Mác còn cho rằng “giải phóng chính trị là qui con người thành thành viên của xã hội công dân”.16

Nếu hiểu như vậy thì mẫu người của “con em trong gia đình” vốn quen được giáo dục, rèn giũa theo nguyên lý “sử” và “sự” một chiều, lệ thuộc vào ý chí của người gia trưởng và mọi ứng xử đều được quy định theo khuôn khổ của nếp nhà, khác xa với mẫu người “cá nhân công dân”

đang vươn lên trở thành chủ thể của xã hội mới, xã hội hiện đại.

Cơ chế thị trường đang vận hành xã hội, nó cũng đồng thời tác động vào từng gia đình.

Thích nghi với cơ chế đó, gia đình phải tự đổi mới, dù âm thầm lặng lẽ hay đụng độ gay gắt, mới có thể tồn tại và phát triển được. Cơ chế ấy xử lý mọi vấn đề trên cơ sở thực lực, thực lực của cá nhân, thực lực của đơn vị, thực lực của cộng đồng. “Con em trong gia đình” cũng phải tự vượt qua hoặc buộc phải phá vỡ cái khung chật hẹp của gia đình một khi mô hình gia đình không còn đồng dạng với mô hình phát triển của xã hội nữa. Chính ở đây biểu hiện tập trung sự khủng hoảng của gia đình mà hiện tượng dễ thấy hàng ngày là sự đụng độ trong ứng xử, có thể là cả trong quan niệm, giữa các thế hệ cha và con, ông và cháu.

15 TRẦN ĐỊNH HƯỢU: Trong “Những nghiên cứu xã hội về gia đình Việt Nam”. TƯƠNG LAI chủ biên. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. Hà Nội -1994. Tr.88.

(12)

Đòi quyền dân chủ và bình đẳng trong xã hội, mỗi thành viên xã hội khi đóng vai trò là thành viên của gia đình không thể không băn khoăn và dị ứng với trật tự phục tùng, nối tiếp, làm theo, không bao giờ thay đổi cái mệnh lệnh, lời giáo huấn của ông bà, cha mẹ, các đấng bề trên của mình.

Trong khi quyết liệt đấu tranh cho một mô thức ứng xử trong xã hội là phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, lấy pháp luật làm sự ràng buộc giữa cá nhân, tập thể và cộng đồng trong quan hệ dân chủ thì con người ta lại bị giằng co bởi một tập quán coi trọng tình hơn lý, đem đức trị, nhân trị đối lập với pháp trị vốn là mô hình ứng xử trong gia đình.

Đành rằng, công bằng, bình đẳng, dân chủ là chuẩn mực ứng xử trong xã hội, không thể thay thế cho hòa thuận, nhường nhịn vốn là nếp ứng xử được xem là chuẩn mực cho gia đình. Không thể thay thế, song không phải là không có ảnh hưởng, thậm chí có tác động mạnh mẽ đến giường mối, kỷ cương trong các mối quan hệ gia đình. Khi trình độ dân trí được nâng dần lên, đòi hỏi dân chủ được đẩy tới trong xã hội, đặc biệt là khi vấn đề giải phóng cá nhân được đặt ra một cách nghiêm túc trong tự do hôn nhân, tự do cư trú, tự do ngôn luận.v.v. thì thói quen ứng xử kiểu “con em trong gia đình” không những không thể thực hiện trong quan hệ xã hội mà ngay cả trong ứng xử gia đình, con em trong gia đình cũng có nhu cầu “dân chủ”. Quyền uy gia trưởng bị lung lay. Những đòi hỏi mới, thói quen mới trong ứng xử các mối quan hệ gia đình đang hình thành để thích ứng với xã hội mới.

Những nhân tố mới phá vỡ cái vỏ bọc cũ để phát triển. Cuộc khủng hoảng gia đình đang chứa đựng trong lòng nó những đòi hỏi và những tiềm năng của sự phát triển để thích nghi được với nhu cầu của xã hội mới. Và, nếu được phép kiến nghị thì tôi muốn kiến nghị rằng thêm vào mục tiêu "xã hội công bằng và văn minh" nên có nội dung "trong xã hội đó, mỗi cá nhân đều được tôn trọng và được phát huy hết năng lực của mình".

3.3.Hộ kinh tế gia đình và những bước đi mới.

Cuộc sống đã cho thấy sức sống dai dẳng đến kỳ lạ của hộ kinh tế gia đình, đặc biệt là hộ kinh tế gia đình nông dân. Từ đầu thế kỷ này, Chayanov, nhà kinh tế học Nga lỗi lạc đã sâu sắc khi ông cho rằng: Khi kinh tế gia đình và kinh tế nông thôn chưa vượt qua cái giới hạn tự nhiên của nó thì nó chưa thể bị phá vỡ để trở thành một cái khác hẳn với chính nó.

Và cuộc sống cũng đã chứng minh cái giá quá đắt phải trả khi bằng chủ nghĩa duy ý chí, người ta đã định xóa bỏ vai trò của hộ kinh tế gia đình để thay vào đó là hộ xã viên hợp tác xã. Ấy thế nhưng, chỉ với mảnh đất 5% còn dành lại cho xã viên, người nông dân đã khai thác tối đa để buộc nó đem lại những nguồn thu nhập mà nếu không có nó thì với thu nhập được chia từ kho thóc hợp tác xã không thể đáp ứng đủ nhu cầu tối thiểu của cuộc sống: ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, thuốc men, giỗ chạp, cưới xin,v.v... Thế rồi, bằng việc trả lại quyền tự chủ sản xuất và kinh doanh cho hộ kinh tế gia đình nông dân, một nguồn lực mới đã khởi động cuộc sống nông thôn, nông nghiệp làm xoay chuyển hẳn cục diện, mở đầu cho công cuộc Đổi Mới.

Mười năm đã trôi qua từ ngày có nghị quyết 10, hộ kinh tế gia đình, mà thực chất là hộ kinh tế tiểu nông đã phát huy đến ngưỡng sức mạnh của nó, đặc biệt là hộ kinh tế gia đình nông nghiệp ở đồng bằng Bắc Bộ. Nguồn lực được khởi động từ nghị quyết 10 trao lại quyền tự chủ sản xuất và kinh doanh cho hộ kinh tế gia đình nông dân, đã phát huy sức mạnh kỳ diệu của nó, đặc biệt là hộ kinh tế gia đình nông nghiệp ở đồng bằng Bắc Bộ. Song, thực trạng của sản xuất nông nghiệp đang cho thấy nguồn động lực ấy cũng đã vơi dần. Cuộc sống đòi hỏi cần có nguồn khởi

(13)

động mới. Ở một cách tiếp cận khác, có thể nói được rằng, hộ kinh tế tiểu nông đang cần những định hướng phát triển mới.

“Nông thôn nước ta hiện nay cần có một cấu trúc thể chế mới. Nếu chưa giải quyết được ngay thì trong tương lai, cấu trúc ấy cũng sẽ được hình thành để điều tiết sự hoạt động của xã hội, nhưng quá trình này đòi hỏi phải có thời gian và tốn nhiều chi phí để thay đổi. Vấn đề sẽ được giải quyết nhanh hơn và tốn ít chi phí hơn nếu chúng ta có những quan điểm đúng đắn để huớng dẫn quá trình thay đổi trong thực tiễn”.17

Trong cấu trúc thể chế mới ấy, thiết chế gia đình vẫn tiếp tục giữ một vai trò cực kỳ quan trọng. Vấn đề đặt ra là, thiết chế gia đình cần phát huy sức mạnh của nó như thế nào trong việc cải cách thể chế mà nội dung cơ bản của nó phải là giải quyết tốt mối quan hệ giữa ba bộ phận:

Nhà nước, thị trường và xã hội dân sự. Hộ kinh tế gia đình nông dân mà bản chất của nó là hộ tiểu nông sẽ tự phát triển như thế nào để tham gia vào thị trường, đấy là một đòi hỏi đang đặt ra một cách nghiêm túc.

Hình thành những hình thức hợp tác tự nguyện mới để nâng cao sức mạnh của từng hộ kinh tế gia đình là một bước đi cần thiết. Song hợp tác như thế nào, từ mục tiêu cho đến cách tổ chức và phương thức quản lý đều cần được tìm tòi một cách thỏa đáng.

Hộ kinh tế gia đình còn tiếp tục chứng minh sức sống của nó, song để phát huy được sức mạnh của nó trong bối cảnh mới, nhất định phải có những chuyển đổi trong chính bản thân nó từ cấu trúc cho đến chức năng. Đừng quên rằng, ở những nước công nghiệp đã phát triển, người ta đang nói về một hệ thống gia đình mới, không phải là gia đình hạt nhân hay gia đình mở rộng, mà là “gia đình điện tử mở rộng”!

Khái niệm “gia đình điện tử mở rộng” không phải là sự đùa bỡn hoặc cách chơi chữ, mà là một khái niệm nghiêm túc bắt nguồn từ cái xã hội với nhà là trung tâm, từ “ngôi nhà điện tử”, sản phẩm của thành tựu khoa học và công nghệ mới, cho phép phân tán chỗ làm việc theo hướng “nhỏ hơn sẽ tốt hơn”.

Nếu ngôi nhà điện tử được phát triển sẽ dẫn đến một loạt hậu quả: ảnh hưởng đến cộng đồng, đến môi trường, đến kinh tế, đến tâm lý. Nếu có từ 10% đến 20% lực lượng lao động làm việc tại nhà trong các thập kỷ sắp tới thì “toàn bộ nền kinh tế của chúng ta, thành phố của chúng ta, sinh thái của chúng ta, cấu trúc gia đình của chúng ta, các giá trị của chúng ta và ngay cả chính trị của chúng ta sẽ bị thay đổi vượt quá sự hiểu biết của chúng ta”.18

Đương nhiên là chúng ta không bị lóa mắt vì sự phát triển đến chóng mặt của khoa học và công nghệ mà thế giới đang đạt được để quên mất thực tế gia đình Việt Nam còn tỷ lệ gần 80% là gia đình sống ở nông thôn với một nền nông nghiệp chỉ có 20% cơ giới hóa! Song cuộc sống cũng lại đang cho thấy sự đan xen kỳ lạ của những cái lạc hậu và cái tiên tiến về kỹ thuật và công nghệ được vận dụng vào trong sản xuất ở nước ta hôm nay. Có những máy móc và trình độ công nghệ của thế kỷ 18, đồng thời lại có những thành tựu khoa học và công nghệ mới nhất của những năm cuối thế kỷ 20 bước vào thế kỷ 21 cùng song song tồn tại. Việt Nam đang là một thị trường hấp dẫn của máy vi tính và những thành tựu của công nghệ tin học,v.v...

Chính vì thế, những dự phóng của nhà tương lai học người Mỹ mà tôi dẫn ra ở trên không là viễn vông hoặc chỉ là chuyện huyền thoại trong bối cảnh còn lạc hậu của trình độ kinh tế và

17 ĐÀO THẾ TUẤN: “Kinh tế hộ nông dân”. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội -1997.

(14)

khoa học công nghệ của nước ta hiện nay nếu với tầm nhìn không quá thiển cận và hạn hẹp. Nếu vậy thì, cái triết lý “nhỏ hơn sẽ tốt hơn” được vận dụng vào trong sản xuất và tổ chức sản xuất, quản lý kinh tế sẽ khơi gợi những ý tưởng và cách tìm giải pháp cho hướng phát triển của hộ kinh tế gia đình nông nghiệp đang còn rất lúng túng hiện nay.

III KẾT LUẬN

Xây dựng một nền kinh tế mởí, hội nhập với khu vực và thế giới, hướng mạnh về xuất khẩu, đồng thời thay thế nhập khẩu bằng những mặt hàng trong nước sản xuất có hiệu quả. Đó là hướng phát triển của nền kinh tế mà Đại hội 8 của Đảng đã vạch ra. Tìm cách hội nhập thắng lợi và xu thế phát triển của kinh tế thế giới, đó là một cách thế để tồn tại và phát triển của đất nước ta bước vào thế kỷ 21. Vì thế, tạo ra thể chế kinh tế và xã hội cho phép nuôi dưỡng, phát huy khả năng và phẩm chất của con người Việt Nam để giành thắng lợi trong hội nhập là một đòi hỏi của giai đoạn lịch sử mới. Vấn đề gia đình với tư cách là một thiết chế xã hội đặc thù cần được nhìn nhận trong tổng thể của phát triển kinh tế - xã hội, trong cải cách thể chế kinh tế và xã hội đó.

Trong bước chuyển mình để đi tới của toàn xã hội, những đụng độ không sao tránh khỏi trong giai đoạn của khủng hoảng gia đình hôm nay báo hiệu những nhu cầu mới của sự phát triển.

Nhìn thẳng vào sự thật, tỉnh táo xem xét và phân tích nguyên nhân và nội dung của sự khủng hoảng đó, để tìm ra những giải pháp đúng đắn để khắc phục, tạo điều kiện cho sự biến đổi và phát triển của gia đình gắn liền với những biến đổi của kinh tế xã hội của đất nước, đó là thái độ khoa học cần thiết.

Không riêng gì ở nước ta, vấn đề gia đình cũng đang đặt ra một cách bức xúc đối với nhiều nước trên thế giới ở những khía cạnh khác nhau tùy theo trình độ phát triển của mỗi nước.

Đặt vấn đề “ngày nay chúng ta thường nghe thấy rằng “gia đình đang bị tan rã, hoặc “gia đình là vấn đề số một”, nhà tương lại học A.Toffler mà chúng tôi đã nhắc đến ở trên đưa ra những con số đáng suy nghĩ:

“Nếu định nghĩa gia đình hạt nhân gồm một người chồng làm việc, một người vợ trông nhà và hai đứa con thì hiện nay kiểu gia đình đó chỉ chiếm 7% trong toàn bộ dân số nước Mỹ. 93% dân số Mỹ không còn thích hợp với mô hình gia đình cũ nữa. Còn nếu quan niệm gia đình hạt nhân gồm cả hai vợ chồng đi làm và số con ít hoặc nhiều hơn hai thì 3/4 dân số Mỹ sống ngoài mô hình gia đình hạt nhân đó. 1/5 số gia đình Mỹ là hộ độc thân. Không phải họ bắt buộc phải sống một mình, nhiều người trong đó chọn cách sống ấy trong một khoảng thời gian nào đó. Chẳng hạn như người già độc thân thì đa số đã từng lấy vợ lấy chồng nhưng bây giờ thích sống một mình. Lại có dạng những người đàn ông và đàn bà sống chung với nhau mà không cần cưới hỏi gì cả. Thậm chí đã có nhiều loại dịch vụ tư vấn cho loại hôn nhân kiểu này, nhất là những vấn đề pháp lý về tài sản khi họ chia tay nhau”19.

Đấy là những số liệu lấy ra từ hiện thực xã hội Mỹ và cũng khá tiêu biểu cho những nước công nghiệp đã phát triển, liệu nó có xa lạ và hão huyền đối với xã hội ta , một xã hội nông nghiệp đang bước những bước đi đầu tiên vào sự nghiệp công nghiệp hóa?

19 Xem: A.TOFFLER. Sách đã dẫn

(15)

Đúng, chúng ta đang chập chững những bước đi ban đầu với vô vàn những gian truân, trắc trở. Song xu hướng hội nhập với thế giới là hướng phát triển tất yếu để dân tộc ta tồn tại và tiến lên sánh vai cùng với các nước trong khu vực và thế giới. Không thể không thấy những tác động của sự hội nhập ấy vào đời sống vật chất và tinh thần của chúng ta hôm nay. Bởi vậy, cũng không thể không nhìn thấy vấn đề gia đình và những giải pháp cho vấn đề gia đình trong bối cảnh của sự hội nhập ấy. Mà đã là giải pháp đúng thì bao giờ cũng mang trong lòng nó tính phổ biến và tính đặc thù. Nói tính phổ biến, tôi muốn nói vấn đề gia đình trong toàn cảnh của sự phát triển về khoa học và công nghệ kinh tế và xã hội, về nền văn minh mà thế giới đã đạt được. Nói tính đặc thù tôi muốn nói vấn đề gia đình trong nền văn hóa phương Đông, đến hiện đại từ truyền thống, trải qua những biến động xã hội dữ dội trong nửa thế kỷ cuối cùng của thiên niên kỷ này.

Cuộc sống sẽ tự mở đường cho sự phát triển. Gia đình Việt Nam cũng đang nặng nhọc chuyển mình để thích nghi với cuộc sống mới của đất nước đi vào cơ chế thị trường, bước những bước mạnh mẽ vào công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Đừng quên rằng "gia đình là một yếu tố năng động: nó không bao giờ đứng nguyên ở một chỗ mà chuyển từ một hình thức thấp lên một hình thức cao khi xã hội phát triển từ một giai đoạn thấp lên một giai đoạn cao" 20. Trút bỏ những cái lỗi thời đang là gánh nặng của sự phát triển, tinh lọc và phát huy những nét đẹp trong truyền thống văn hóa của dân tộc in đậm trong gương mặt gia đình Việt Nam, tiếp nhận những thành tựu mới trong sự phát triển kinh tế và văn hóa của thế giới mới, gia đình Việt Nam đang tự thích nghi với sự biến đổi kinh tế và xã hội. Thích nghi để tồn tại và phát triển, đồng thời cũng góp phần tạo ra nguồn lực của sự phát triển.

20L.H. MORGAN dẫn lại theo Ph.Ăngghen trong C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập. Tập 21. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. Hà Nội -

Tài liệu tham khảo

Tài liệu liên quan

2.1 Âäöng: laì váût liãûu quan troüng trong táút caí caïc loaûi váût liãûu duìng trong ké thuáût âiãûn. Âiãûn tråí suáút cuía Âäöng vaì caïc yãúu täú aính hæåíng )..

- Âäü tháøm tæì cao, læûc khaïng tæì nhoí, täøn tháút trãù cuía caïc váût liãûu naìy nhoí laìm cho chuïng thêch æïng våïi caïc loîi cuía maïy biãún aïp, caïc thiãút

Daûng phán cæûc cháûm: Bao gäöm caïc daûng phán cæûc âæåüc thæûc hiãûn trong âiãûn mäi dæåïi taïc dung cuía âiãûn træåìng mäüt caïch cháûm chaûp, coï thåìi gian,

3.1 Âäü bãön chëu noïng: khaí nàng chëu âæûng khäng bë hæ trong thåìi gian ngàõn cuîng nhæ daìi dæåïi taïc duûng cuía nhiãût âäü cao vaì sæû thay âäøi âäüt

+Sån âen: thaình pháön chênh laì bitum, noï reí hån coï tênh huït áøm tháúp vaì coï âäü caïch âiãûn cao nhæng khäng chëu âæûng âæåüc xàng dáöu vaì chëu nhiãût tháúp.

Cho nãn, âäúi våïi âæåìng dáy cao aïp vaì siãu cao aïp (U>35kV), caïch âiãûn âæåüc choün theo âiãöu kiãûn quaï âiãûn aïp näüi bäü vaì kãút håüp caïc biãûn

- Âäúi våïi nhæîng hoüc sinh quaï caï biãût, vi phaûm nhiãöu maì khäng sæîa chæîa, cäú gàõng, âaî bë phã bçnh vaì chëu sæû kè luáût cuía

Để đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn quân sự trong các nhà trường Quân đội ngày càng được củng cố, kiện toàn và phát triển, đáp ứng với nhiệm vụ trong tình