• Không có kết quả nào được tìm thấy

Đánh giá phương pháp và thiết bị sấy phấn hoa

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN

1.3. Đánh giá lựa chọn phương pháp và thiết bị sấy phấn hoa

1.3.1. Đánh giá phương pháp và thiết bị sấy phấn hoa

Qua nghiên cứu các phương pháp sấy chúng tôi thấy rằng để làm khô phấn hoa thì có hai phương án: phơi nắng thủ công và làm khô bằng thiết bị sấy.

Do sử dụng trực tiếp nguồn năng lượng bức xạ mặt trời nên phương pháp phơi nắng có ưu điểm rất lớn là chi phí sấy thấp, tuy nhiên là phương pháp không phù hợp với đặc tính của phấn hoa do các nguyên nhân chính sau:

- Khó kiểm soát chế độ sấy và không chủ động do phụ thuộc vào thời tiết.

- Điều kiện vệ sinh kém ảnh hưởng chất lượng, vệ sinh an toàn của phấn hoa.

- Vật liệu tiếp xúc trực tiếp với năng lượng mặt trời làm mất hết các giá trị dinh dưỡng của phấn hoa.

- Tốn nhiều mặt bằng và nhân công.

Sấy bằng thiết bị sơ bộ chia thành hai phương pháp sau: Sấy nóng và sấy lạnh.

1.3.1.1. Phương pháp sấy nóng

Với phương pháp này ta xem như ẩm trong vật liệu sấy thoát ra do phân áp suất hơi nước trong vật tăng lên bằng cách đốt nóng vật. Theo phương pháp cấp nhiệt cho vật liệu có thể phân loại như sau:

- Sấy đối lưu: bản chất là vật liệu sấy và tác nhân sấy trao đổi nhiệt với nhau bằng đối lưu. Trong hệ thống sấy đối lưu người ta lại phân ra các loại: Hệ thống sấy buồng, hệ thống sấy hầm, hệ thống sấy tháp, …

- Sấy tiếp xúc: trong phương pháp này vật liệu sấy nhận nhiệt bằng cách tiếp xúc với một bề mặt nóng.

- Sấy bức xạ: vật liệu sấy nhận nhiệt từ một nguồn bức xạ.

- Sấy bằng dòng điện cao tần hoặc dùng năng lượng điện từ trường: Nhiệt cung cấp cho vật sấy nóng lên nhờ dòng điện cao tần tạo nên bởi điện trường cao tần trong vật.

1.3.1.2. Phương pháp sấy lạnh

Căn cứ vào nhiệt độ sấy và cơ chế tạo ra động lực sấy sơ bộ có thể phân loại nhóm phương pháp này như sau: Sấy thăng hoa, sấy chân không, sấy bơm nhiệt và sấy khử ẩm hấp phụ.

- Sấy bơm nhiệt: sấy bơm nhiệt là phương pháp mà ở đây TNS được xử lý qua hệ thống bơm nhiệt. TNS là không khí trước hết được đưa qua thiết bị bay hơi để khử ẩm bằng cách làm lạnh dưới nhiệt độ đọng sương sau đó tiếp tục qua thiết bị ngưng tụ được gia nhiệt đến nhiệt độ yêu cầu rồi cho đi qua vật liệu sấy. Trong phương pháp sấy này nhiệt độ sấy có thể nhỏ hơn hay lớn hơn nhiệt độ môi trường.

Phương pháp sấy này có ưu điểm là: Đảm bảo điều kiện vệ sinh, chất lượng sản phẩm tốt, bảo toàn hầu hết các giá trị chất dinh dưỡng, cấu trúc, màu sắc thời gian sấy giảm. Tuy nhiên nhược điểm là cấu tạo phức tạp, chi phí đầu tư cao.

- Sấy khử ẩm hấp phụ: trong phương pháp này TNS được xử lý thông qua chất hấp phụ. Cụ thể TNS là không khí được đưa qua chất hút ẩm thải ẩm cho chất hút ẩm khô đi vào buồng sấy trao đổi nhiệt ẩm với VLS.

Với phương pháp sấy này, nhiệt độ của tác nhân sấy thấp có thể dưới nhiệt độ

môi trường. Ưu điểm của phương pháp này là: chất lượng sản phẩm tốt, bảo toàn các giá trị chất dinh dưỡng cũng các giá trị cảm quan và mùi vị. Tuy nhiên, nhược điểm là cấu tạo phức tạp, chi phí đầu tư lớn so với hệ thống sấy bằng bơm nhiệt do có thêm thiết bị khử ẩm hấp phụ. Ngoài ra, thời gian sử dụng ngắn do chất hấp phụ sẽ không hoàn nguyên được do lão hóa.

- Sấy chân không: bản chất phương pháp này là ẩm trong vật liệu sấy ở thể rắn nhận nhiệt lượng trong môi trường chân không chuyển thành hơi và thải ra môi trường bên ngoài. Do đó, phương pháp này động lực của quá trình sấy ∆(pv – ph)

được tạo ra bằng cách giảm phân áp suất hơi nước trong tác nhân sấy Ph nhờ bơm chân không, hoặc đồng thời giảm Ph nhờ bơm chân không và tăng phân áp suất Pv

bằng cách đốt nóng vật liệu.

Phương pháp sấy này có ưu điểm rất lớn là: đảm bảo điều kiện vệ sinh, chất lượng sản phẩm tốt. Tuy nhiên nhược điểm là khó bảo toàn hương vị của vật do quá trình hút và xả hơi nước liên tục ra môi trường bên ngoài của bơm chân không.

Ngoài ra, cấu tạo rất phức tạp, giá chi phí đầu tư và vận hành lớn, chỉ thích hợp để sấy các loại vật liệu sấy quí hiếm không chịu được ở nhiệt độ cao.

- Sấy thăng hoa: bản chất phương pháp này là ẩm thoát khỏi vật liệu nhờ quá trình thăng hoa nên thường gọi là sấy thăng hoa.

Do đó để tạo ra quá trình thăng hoa thì vật liệu sấy được làm lạnh dưới điểm ba thể của nước nghĩa là nhiệt độ của vật liệu < 0,0098 oC, áp suất bao quanh vật liệu < 608 Pa (4,56 mmHg). Như vậy, trong các hệ thống sấy thăng hoa phải kết đông vật đồng thời tạo chân không để cho nước trong vật sấy đạt trạng thái thăng hoa.

Tương tự như sấy chân không, phương pháp sấy này ưu điểm lớn là: đảm bảo điều kiện vệ sinh, chất lượng sản phẩm tốt, bảo toàn hầu hết các giá trị chất dinh dưỡng cũng các giá trị cấu trúc, màu sắc thời gian sấy nhanh. Tuy nhiên, nhược điểm của TBS này là khó bảo toàn hương vị của vật liệu, cấu tạo rất phức tạp, giá chi phí đầu tư và vận hành lớn, chỉ thích hợp để sấy các loại vật liệu sấy quí hiếm không chịu được ở nhiệt độ cao.