• Không có kết quả nào được tìm thấy

BẢO TÀNG HÓA DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TRONG CỘNG ĐỒNG Ở VIỆT NAM

N/A
N/A
Nguyễn Gia Hào

Academic year: 2023

Chia sẻ "BẢO TÀNG HÓA DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TRONG CỘNG ĐỒNG Ở VIỆT NAM "

Copied!
20
0
0

Loading.... (view fulltext now)

Văn bản

(1)

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA HÀ NỘI

NGUYỄN THỊ THU TRANG

BẢO TÀNG HÓA DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TRONG CỘNG ĐỒNG Ở VIỆT NAM

Chuyên ngành: Văn hóa học Mã số: 62310640

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC

HÀ NỘI, 2016

(2)

Công trình được hoàn thành tại:

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA HÀ NỘI BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS. TS. Đặng Văn Bài 2. PGS. TS. Nguyễn Thị Huệ

Phản biện1: PGS.TS. Nguyễn Duy Thiệu Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam Phản biện 2: GS.TS. Nguyễn Chí Bền

Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam Phản biện 3: PGS.TS. Phạm Mai Hùng

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam

Luận án sẽ được bảo vệ tại Hội đồng chấm luận án cấp Trường Họp tại: Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

Số 418, đường La Thành, quận Đống Đa, Hà Nội Vào hồi 08h00’, ngày 23 tháng 8 năm 2016.

Có thể tìm hiểu luận án tại:

- Thư viện Quốc gia Việt Nam;

- Trung tâm Thông tin Thư viện – Trường Đại học Văn hóa Hà Nội;

- Phòng Quản lý đào tạo sau đại học – Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

(3)

DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN

1. Thu Trang (Nguyễn Thị Thu Trang ) (2009), “Bảo tàng hóa di sản văn hóa làng - gợi nghĩ từ Phước Tích”, Tạp chí Di sản văn hóa (Số 3,(28)), tr.41-45.

2. Quang Minh - Nguyễn Thị Thu Trang (2012) “Vai trò của cộng đồng nhìn từ góc độ bảo tồn di sản văn hóa”,

Tạp chí Di sản văn hóa (Số 4,(41)), tr.18-23.

3. Nguyễn Thị Thu Trang (2013) “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa bằng hình thức bảo tàng hóa di sản văn hóa”, Tạp chí Di sản văn hóa (Số

4,(45)), tr.96-101.

4. Nguyễn Thị Thu Trang (2015) “Bảo tồn và phát huy di sản Ca Huế từ kinh nghiệm bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục quốc gia”,

Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Ca Huế, giá trị, định hướng bảo tồn và phát huy”,

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế, tr.81-193.

5. Nguyễn Thị Thu Trang (2016) “Cộng đồng với việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể”, Tạp chí Di sản văn hóa (Số 1,(54)), tr.6-15

MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài

Ở VN, các giá trị VH truyền thống do các bậc tiền nhân xây dựng, sáng tạo, gìn giữ và trao truyền cho chúng ta rất đa dạng và có bề dày lịch sử. Trải qua chiến tranh, thiên tai và quá trình đô thị hoá, kho tàng DSVH có nguy cơ bị huỷ hoại; hơn nữa, do thiếu sự phối hợp liên ngành cũng như nhận thức không đầy đủ trong quá trình

nghiên cứu quản lý, đầu tư bảo vệ và phát huy làm cho nhiều DSVHPVT mai một, có nguy cơ biến mất. Trước đây, chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu các

(4)

DSVHVT mà chưa quan tâm tới chủ thể di sản. Đó là cá nhân, cộng đồng sáng tạo, lưu giữ, thực hànhtrao truyền DSVHPVT từ thế hệ này qua thế hệ khác. Bên cạnh đó, những lý luận và thực tế về phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy DSVHPVT ở VN còn hạn chế và những thử nghiệm thực tiễn còn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Chính vì vậy, luận án nghiên cứu “Bảo tàng hóa di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng ở Việt Nam”chọn hướng tiếp cận mới là nghiên cứu tính hiệu quả, thiết thực của việc bảo vệ DSVHPVT dựa vào lực lượng sáng tạo, sở hữu, trao truyền và kế thừa di sản. Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ:

1. Hệ thống hóa lý thuyết và làm rõ đặc trưng, nội hàm của khái niệm bảo tàng hoá DSVHPVT trong cộng đồng;

2. Khẳng định mối quan hệ cơ bản giữa bảo vệ DSVHPVT và bảo vệ chủ thể sáng tạo, sở hữu DSVHPVT;

3. Đề xuất giải pháp khoa học phù hợp và gợi mở mô hình bảo tàng hóa

DSVHPVT trong cộng đồng ở VN để biến công tác bảo vệ DSVHPVT trở thành sự nghiệp xuất phát từ cộng đồng và trở lại phục vụ cộng đồng.

2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục đích nghiên cứu

Nghiên cứu nội dung bảo tàng hóa DSVHPVT đã được triển khai trong một số trường hợp tại VN; phân tích những thuận lợi, khó khăn và kết quả đạt được, từ đó, khẳng định tính ưu việt của mô hình này và đưa ra định hướng, giải pháp nhằm áp dụng bảo tàng hóa DSVHPVT trong cộng đồng như một giải pháp xã hội hoá hoạt động bảo vệ và phát huy DSVHPVT ở VN hiện nay.

2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

- Sưu tầm, tập hợp những công trình nghiên cứu, các ấn phẩm đã xuất bản của các tác giả đi trước về DSVHPVT để nắm được lịch sử nghiên cứu từ trước đến nay của vấn đề; phân tích các quan điểm về các biện pháp bảo tồn và phát huy DSVHPVT, từ đó, đề xuất hướng tiếp cận mới của đề tài;

- Điều tra, khảo sát thực bảo tàng hóa DSVHPVT trong cộng đồng, đánh giá hiệu quả cũng như những tác động của quá trình này đối với đời sống cộng đồng và sức sống của di sản, từ đó, khái quát những vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu, thực hiện.

- Chỉ ra xu thế chung của thế giới mà Việt Nam cần hướng tới; vận dụng lý thuyết và xu thế mới này để khái quát thành một số mô hình bảo tàng hoá DSVHPVT trong cộng đồng có thể áp dụng tại VN.

3. Cơ sở lý thuyết

Áp dụng lý thuyết bảo tàng học nhằm phân tích vai trò của bảo tàng đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT và vận dụng lý thuyết này vào việc “bảo tồn tại chỗ” hay còn được gọi là bảo tàng hoá DSVHPVT trong cộng đồng. Nghĩa là quan tâm, coi trọng và bảo vệ di sản trên nguyên tắc chỉnh thể cấu trúc mà di sản tồn tại hay là đặt di sản trong mối liên hệ mật thiết với môi trường sinh thái - nhân văn nơi nó

(5)

được sáng tạo ra, đang được lưu giữ và thực hành. Từ đó, tiếp cận DSVHPVT và không gian VH của di sản; phân tích giá trị của DSVHPVT trong việc tạo nên bản sắc VH của cộng đồng và sự ĐDVH; đánh giá sức sống của DSVHPVT trong không gian tồn tại của nó và trong đời sống cộng đồng.

Trên cơ sở đó, luận án làm rõ các vấn đề nghiên cứu sau đây:

- DSVHPVT là gì và DSVHPVT thuộc về ai? Ai có quyền quyết định đối với sự tồn tại của DSVHPVT? Nguyên tắc nào cần thực hiện để bảo vệ DSVHPVT?

- Bảo tàng hóa DSVHPVT là gì? Bảo tàng hóa DSVHPVT trong cộng đồng có là phương pháp hiệu quả nhằm bảo vệ, phát huy giá trị DSVHPVT?

4. Phương pháp, đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1. Phương pháp nghiên cứu

- Bảo tàng học, Văn hóa học, Xã hội học...; Điền dã dân tộc học để tham dự, quan sát, ghi chép, điều tra, phỏng vấn, ghi âm, ghi hình;

- Phân tích, tổng hợp để thu thập, phân tích và đánh giá thông tin.

4.2. Đối tượng nghiên cứu

- Việc bảo tàng hóa DSVHPVT trong cộng đồng; đặt các DSVHPVT trong đời sống văn hoá cộng đồng chủ thể VH;

- Những phương pháp đã được thực hiện nhằm bảo vệ và phát huy giá trị các DSVHPVT với sự tham gia của chính cộng đồng chủ thể DSVH.

4.3. Phạm vi nghiên cứu

- Phạm vi vấn đề nghiên cứu: kế thừa nguồn tư liệu của các tác giả đi trước, nghiên cứu lý thuyết về di sản, bảo tàng và cộng đồng; nghiên cứu giá trị và sức sống một số di sản tiêu biểu thuộc các loại hình DSVHPVT.

- Phạm vi không gian nghiên cứu: nghiên cứu trực tiếp trên một số cộng đồng, nhóm người, cá nhân là chủ sở hữu DSVHPVT tại những vùng phân bố di sản là đối tượng được nghiên cứu trong luận án.

5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án 5.1. Ý nghĩa khoa học

- Hệ thống hoá các tư liệu liên quan đến nội dung nghiên cứu của luận án; đánh giá thực trạng vấn đề qua các trường hợp nghiên cứu để rút ra những thành công và hạn chế trong công tác bảo tàng hóa DSVHPVT ở VN;

- Là công trình nghiên cứu chuyên sâu và luận giải những vấn đề lý luận về bảo tàng hóa DSVHPVT trong cộng đồng ở VN;

- Là tài liệu tham khảo có giá trị đối với các nhà quản lý VH, cộng đồng chủ thể VH về công tác quản lý DSVHPVT tại VN nói chung và tại các điểm nghiên cứu nói

(6)

riêng; tài liệu chuyên ngành phục vụ giảng dạy, nghiên cứu trong các trường đại học, cao đẳng đào tạo cán bộ VH.

5.2. Ý nghĩa thực tiễn

- Góp phần nhận diện đặc điểm, xác định giá trị của các loại hình DSVHPVT, đề xuất định hướng và mô hình nhằm bảo vệ và phát huy.

- Góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý DSVHPVT và ngăn ngừa nguy cơ làm biến dạng, mai một, thất truyền DSVHPVT theo tinh thần Luật di sản văn hóa;

- Góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của DSVHPVT;

phục vụ mục tiêu phát triển cộng đồng, phát triển du lịch VH.

6. Kết cấu của luận án

Ngoài phần mở đầu (9 trang), kết luận (4 trang), tài liệu tham khảo (7 trang), nội dung chính của luận án gồm 03 chương:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lý luận về bảo tàng hóa di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng

Chương 2: Thực tiễn hoạt động bảo tàng hóa di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng

Chương 3: Bảo tàng hóa di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng ở Việt Nam, một số vấn đề đặt ra.

Chương 1

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ BẢO TÀNG HOÁ DI SẢN VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ TRONG CỘNG ĐỒNG

1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu 1.1.1. Tình hình nghiên cứu trên thế giới

1.1.1.1. Các hội thảo, hội nghị, tọa đàm bàn về di sản văn hóa phi vật thể

Phiên họp thứ 25 của UNESCO (1989) nhấn mạnh “VH dân gian là một hình thức biểu đạt VH cần được bảo tồn, gìn giữ bởi và vì lợi ích của nhóm người”. Phiên họp thứ 142 (1993), UNESCO đề xuất thiết lập “Hệ thống Báu vật nhân văn sống” nhằm bảo vệ và tôn vinh chủ thể VH, lực lượng quan trọng với việc bảo tồn, bảo vệ, phổ biến và chuyển giao DSVHPVT.

Năm 1997, UNESCO ra Tuyên bố về các kiệt tác truyền khẩu và vô hình của nhân loại, đề cao tầm quan trọng của DSVHPVT. Hội thảo Châu Á-Thái Bình Dương “Toàn cầu hoá với Bảo tàng và DSVHPVT” (2002) nhấn mạnh vai trò của bảo tàng với việc bảo vệ và phát huy DSVHPVT. Năm 2003, phiên họp Đại hội đồng UNESCO thứ 32 nhắc đến việc đảm bảo sự tôn trọng đối với DSVHPVT và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của DSVHPVT; thông qua Công ước về bảo vệ DSVHPVT.

Năm 2004, Hội nghị “Bảo vệ DSVHPVT: Hướng đến phương pháp tiếp cận tổng thể”, đề cập định nghĩa “cộng đồng”, “nhóm người”, “cá nhân” và khuyến khích ghi

(7)

danh DSVHPVT tại Danh mục DSVHPVT (quốc gia), Danh sách DSVHPVT đại diện/bảo vệ khẩn cấp (UNESCO) cần có sự tham gia, đồng thuận của cộng đồng. Hội nghị ICOM “Bảo tàng và DSVHPVT” cũng bàn đến vai trò kết nối khách tham quan- cộng đồng của bảo tàng.

Năm 2006, Hội nghị chuyên gia về “Sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ DSVHPVT” bàn đến khái niệm “cộng đồng” và vai trò của họ đối với DSVHPVT, đặc biệt là đối với việc bảo vệ, duy trì, trao truyền DSVH với tư cách là chủ thể sáng tạo, tái tạo, thực hành, truyền dạy DSVHPVT.

Những hội thảo, hội nghị quốc tế trên đây đã mở ra cách tiếp cận mới

với DSVHPVT, đó là mối liên hệ giữa bảo tàng-hiện vật bảo tàng-khách tham quan- cộng đồng chủ thể di sản. Vấn đề còn bỏ ngỏ, là làm thế nào để kết nối các lực lượng này vào cùng một hoạt động mang tính bảo tàng học mà qua đó, vai trò của chủ thể VH được nâng cao và DSVH của họ liên tục được thực hành và trao truyền ngay tại nơi họ sinh sống và sáng tạo ra di sản.

1.1.1.2. Các công trình nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể và bảo tàng

Theo một số nhà bảo tàng học (Kaulen M.E., Kossova I.M., Sundieva A.A. của Nga, Richard Kurin, Viện Smithsonian, Hongnam Kim, Bảo tàng quốc gia Hàn

Quốc…), bảo tồn di sản cần biến các đối tượng lịch sử, VH, tự nhiên thành đối tượng trưng bày bảo tàng, để bảo quản tối đa và thể hiện những giá trị lịch sử, VH, khoa học..., nghĩa là tách DSVHPVT khỏi môi trường tồn tại của nó và đặt vào môi trường VH-lịch sử do bảo tàng tạo ra.

Ngược lại, các nhà bảo tàng học Pháp (André Desvallées, François Mairesse,

Deloche B.) lại có cùng quan điểm với Peter Davis (Anh) khi chọn mô hình BTST theo quan điểm Bảo tàng học mới để trao quyền bảo tồn, giới thiệu và quản lý di sản cho cộng đồng với sự trợ giúp của bảo tàng.

1.1.1.3. Các công trình nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể và cộng đồng Theo Lưu Khôi Lập và Trương Anh Mẫn (Trung Quốc), do tính chất của

DSVHPVT là tồn tại trong con người và chỉ được thể hiện thông qua hành động của họ, được trao truyền chủ yếu qua truyền khẩu, truyền nghề nên bảo vệ DSVHPVT trước hết là trân trọng, hỗ trợ, hướng dẫn và dựa vào chủ thể di sản. Ông Rieks Smeets (Ban DSVHPVT, UNESCO), cho rằng, cần nỗ lực “lôi kéo” khả năng tham gia cộng đồng vào việc sáng tạo, duy trì và chuyển giao và quản lý di sản. GS. Toshiyuki Kono (Nhật Bản) cho rằng không thể cắt đứt quan hệ giữa DSVHPVT với cộng đồng nắm giữ nó. Nhà nghiên cứu VH Hàn Quốc, Dawnhee Yim cho rằng, để bảo tồn một loại hình DSVHPVT, chủ thể di sản phải quyết định hình thức, mức độ bảo tồn.

Các nhà nghiên cứu trên thế giới đã sớm quan tâm tới loại hình DSVHPVT và có những nhận thức rất tích cực và mới mẻ về chủ thể di sản. Tuy nhiên, những nghiên cứu trên mới dừng lại ở việc đánh giá vai trò của bảo tàng và những hoạt động trong các khâu công tác bảo tàng nhằm bảo vệ, phát huy DSVHPVT. Luận án cho rằng, đây mới là sự khởi đầu và vẫn còn bỏ ngỏ câu chuyện về sự kết nối các phương pháp bảo tàng học với DSVHPVT, mà trong đó, yếu tố con người với tư cách là chủ thể lưu giữ,

(8)

thực hành, trao truyền và phát huy các giá trị DSVH được đặt lên hàng đầu, để hướng họ tới việc chủ động bảo vệ và phát huy DSVH của chính họ.

1.1.2. Tình hình nghiên cứu trong nước

1.1.2.1. Các công trình về nghiên cứu, sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể

Nhiều cơ quan VH đã triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu, sưu tầm DSVHPVT song chưa chú ý nghiên cứu toàn diện các loại hình DSVHPVT; nhiều di sản chưa được quan tâm thỏa đáng hoặc sưu tầm, phục hồi theo kiểu sao chép, bắt chước, dẫn đến đánh mất đặc trưng, bản sắc của di sản.

1.1.2.2. Các công trình nghiên cứu vấn đề kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể

Theo Công ước Bảo vệ DSVHPVT của UNESCO năm 2003, kiểm kê được xác định là biện pháp quan trọng đầu tiên để bảo vệ DSVHPVT. TS. Lê Thị Minh Lý cho rằng cần phải nhận diện, xác định và kiểm kê các hiện tượng DSVHPVT hết sức đa dạng đang hiện diện trên lãnh thổ của mỗi quốc gia. Cùng quan điểm này, tác giả Nguyễn Thị Thu Trang trong đề tài “Bảo tàng với việc bảo vệ, phát huy DSVHPVT” cho rằng: do tính chất nguyên hợp và phi vật chất của DSVHPVT nên cần kiểm kê các dạng tồn tại của DSVHPVT để có kế hoạch sưu tầm, nghiên cứu, từ đó định hướng bảo tồn và phát huy.

1.1.2.3. Các công trình nghiên cứu về vấn đề tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể

Tiếp cận DSVHPVT qua âm nhạc truyền thống, cố GS. Trần Văn Khê đưa ra

phương pháp bảo tồn dựa trên công tác tư liệu lưu trữ, phân tích và quảng bá, truyền dạy các tài liệu “thính thị” về di sản, lôi cuốn sự chú ý của công chúng, là biện pháp hữu hiệu nhằm duy trì sức sống của di sản. GS.TS. Ngô Đức Thịnh lại khẳng định tính hai mặt của việc tư liệu hóa DSVHPVT, một mặt sẽ bảo tồn những di sản truyền khẩu có nguy cơ mai một, mặt khác, sẽ làm nghèo nàn đi những hiện tượng VH dân gian nảy sinh và tồn tại chủ yếu dưới dạng truyền khẩu với những dị bản vô cùng phong phú và đa dạng.

1.1.2.4. Các công trình nghiên cứu vấn đề bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể với sự tham gia của bảo tàng

PGS.TS. Đặng Văn Bài và PGS.TS. Nguyễn Văn Huy cho rằng, các bảo tàng cần khuyến khích các chủ thể VH trực tiếp tham gia vào các hoạt động bảo tàng, trao cho họ cơ hội trình bày về VH của họ sẽ giúp họ nhận thức được thể mạnh VH của mình để vừa giữ gìn các kỹ năng, kinh nghiệm, vừa tạo ra những sản phẩm mới phù hợp với thị trường. PGS.TS. Nguyễn Thị Huệ lại đề cập xu hướng mới trong thực tiễn và lý luận bảo tàng học, khẳng định phải có nhận thức mới về chức năng của bảo tàng, là nơi thu thập, bảo quản, trưng bày những hiện vật đã được tách ra khỏi bối cảnh ban

đầu mà còn bảo tồn và phát triển bền vững cả di sản thiên nhiên và DSVH.

1.1.2.5. Các công trình nghiên cứu vấn đề tôn trọng, hỗ trợ và khuyến khích con người/nghệ nhân thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể

Xu hướng tôn trọng các chủ thể sáng tạo VH được nhiều nhà nghiên cứu VH đồng tình như ý kiến của GS. TSKH. Tô Ngọc Thanh, GS.TS. Nguyễn Xuân Kính và TS. Lê Thị Minh Lý, cho rằng việc tôn vinh nghệ nhân nhằm tôn vinh và nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của họ trong việc gìn giữ và phát huy giá trị DSVHPVT. Việc tôn vinh

(9)

các "Báu vật nhân văn sống" còn là một một phương pháp để bảo vệ, phát huy giá trị DSVHPVT.

1.1.2.6. Bảo vệ, phát huy di sản phi vật thể với sự tham gia của cộng đồng

Nhiều nhà nghiên cứu đưa ra quan điểm cần tôn trọng chủ thể VH và cần tạo điều kiện để họ tự quyết định đâu là bản sắc VH của họ và lựa chọnnhững khía cạnh nào của di sản cần được bảo tồn hay phát huy. TS. Bùi Hoài Sơn cho rằng, cộng đồng là chủ thể và là người thực hành VH nên chỉ có họ mới hiểu và thể hiện sinh động nhất những giá trị tổng hợp của di sản của họ. Các nhà nghiên cứu Lê Hồng Lý, Nguyễn Thị Hiền, Đào Thế Đức, Hoàng Cầm cũng khẳng định, một trong những nguyên tắc bảo tồn căn bản là trao cho các cộng đồng quyền trao truyền DSVH của họ từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Có thể thấy, trên thế giới và ở VN, tiếp cận bảo tàng hóa DSVHPVT trong cộng đồng đã được nghiên cứu song chưa đẩy lên thành một phương pháp bảo vệ và phát huy DSVHPVT. Nếu các nhà bảo tàng học Pháp đặt nền móng cho mô hình BTST theo quan điểm Bảo tàng học mới (George Henri Rivière, Boylan.P.J.), thì ở VN, công trình “Bảo tàng hóa DSVH làng” của Đặng Văn Bài và Nguyễn Hữu Toàn đã trực tiếp đề cập mô hình này song khuôn lại ở phạm vi “DSVH làng”, nhằm tạo ra ngôi làng cụ thể mà DSVH cùng môi trường sống của làng trở thành đối tượng của hoạt động bảo tàng.

=> Chưa có một công trình nào đề cập Bảo tàng hóa DSVHPVT trong cộng đồng ở VN. Do đó, cần nghiên cứu có hệ thống các vấn đề cơ bản:

- Nhận diện đầy đủ các mặt giá trị của DSVHPVT đối với cộng đồng;

- Vai trò, nhu cầu, lợi ích của cộng đồng trong việc lưu giữ DSVHPVT

- Thực trạng bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT trong cộng đồng tại VN với sự tham gia trực tiếp của chủ thể VH.

Luận án nghiên cứu “Bảo tàng hóa DSVHPVT trong cộng đồng ở Việt Nam” sẽ nêu lên những vấn đề và đưa ra định hướng cụ thể cho mô hình bảo tàng hóa

DSVHPVT trong cộng đồng, nhằm bảo tồn bền vững và phát huy rộng rãi giá trị DSVHPVT song song với bảo vệ, tôn vinh chủ thể VH, đảm bảo DSVHPVT của họ có khả năng quay trở lại phục vụ chính đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng một cách hiệu quả nhất.

1.2. Cơ sở lý luận về bảo tàng hoá di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng

1.2.1. Một số khái niệm cơ bản 1.2.1.1. Khái niệm Bảo tàng học

Đã tồn tại nhiều quan điểm khác nhau xung quanh khái niệm Bảo tàng học, song đều đưa đến một định hướng chung: “Bảo tàng học là một ngành tri thức liên quan đến việc nghiên cứu mục đích, tổ chức của bảo tàng. Nó được thực hiện thông qua nghiên cứu lịch sử và nền tảng của bảo tàng, vai trò của bảo tàng trong xã hội, hệ thống phân loại về nghiên cứu, bảo tồn, giáo dục và tổ chức trong bảo tàng, phân loại các bảo tàng và thiết lập mối quan hệ giữa chúng” (ICOM).

1.2.1.2. Khái niệm Bảo tàng học mới

Lý thuyết Bảo tàng học mới nhấn mạnh vai trò xã hội của bảo tàng và phương pháp tiếp cận mới, đặc biệt là khả năng thể hiện và giao tiếp của bảo tàng với công chúng

(10)

Trái ngược với mô hình bảo tàng truyền thống lấy hiện vật làm trung tâm, bảo tàng học mới đặc biệt quan tâm các hình thức thể hiện mới của bảo tàng, đó là các hình thức như BTST, BTCĐ, bảo tàng xã hội, trung tâm khoa học và VH... Với Bảo tàng học mới, cộng đồng chủ thể di sản mới là yếu tổ quyết định sự ra đời và tồn tại của bảo tàng.

1.2.1.3. Khái niệm Bảo tàng hóa

* Bảo tàng hoá theo quan điểm Bảo tàng học truyền thống: Là hoạt động tách một vật khỏi môi trường tự nhiên và VH của nó, tạo ra một trạng thái mới tại bảo tàng với một giá trị mới... để nó trở thành hiện vật của bảo tàng và một chức năng mới là hiện vật để giới thiệu, trưng bày trong bảo tàng (ICOFOM).

* Bảo tàng hoá theo quan điểm Bảo tàng học mới: Là quá trình biến một phần cuộc sống và hoạtđộng của một cộng đồng, một công trình kiến trúc hay di chỉ khảo cổ, thậm chí là các thắng cảnh thiên nhiên…, trở thành một loại hình bảo tàng, hay là phương pháp chuyển đổi một loại hình hay mô hình nào đó sang mô hình bảo tàng (Zbynek Stransky (Tiệp Khắc cũ)).

Luận án bước đầu đưa ra khái niệm Bảo tàng hóa DSVH:

Bảo tàng hóa DSVH là việc bảo vệ nhằm phát huy giá trị của những địa điểm văn hóa, những hiện vật hay hoạt động sống của các cộng đồng ngay tại môi trường sinh thái-nhân văn, nơi chúng đã được sáng tạo ra và hiện đang tồn tại cùng cộng đồng, song không nhất thiết phải tuân thủ nghiêm ngặt toàn bộ quy trình bảo tàng học.

1.2.1.4. Khái niệm di sản văn hoá phi vật thể

Luận án điểm qua các khái niệm DSVHPVT của UNESCO và Luật DSVH, chỉ ra nội hàm cơ bản của khái niệm và xác định sự tương đồng trong nhận thức về khái niệm trên ở thế giới và VN.

1.2.1.5. Khái niệm cộng đồng

Trên cơ sở các nghiên cứu về cộng đồng và các khái niệm cộng đồng trên thế giới và trong nước, luận án đưa ra định nghĩa cộng đồng (VH):

Cộng đồng (VH) là một tập hợp những chủ thể VH và những người cùng cư trú tại một khu vực địa lý, có đặc tính chung về VH, xã hội, cùng thừa nhận một DSVH là tài sản của họ và một DSVHPVT là bản sắc VH của họ.

1.2.2. Bảo tàng hoá di sản văn hoá phi vật thể trong cộng đồng

1.2.2.1. Khái niệm bảo tàng hoá di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng

- Là quá trình bảo tồn và phát huy giá trị của một không gian VH hay những hoạt động sống của một cộng đồng nhất định thông qua việc biến đổikhông gian, hoạt động sống đó thành một loại hình bảo tàng;

- Là hoạt động gìn giữ và phát huy giá trị DSVHPVT ngay trong môi trường sinh thái-nhân văn, trong không gian VH nơi di sản được sáng tạo ra và tiếp tục lưu truyền, được thực hiện bởi chính những chủ thể di sản VH.

- Là quá trình mà cộng đồng với tư cách là chủ thể sáng tạo chủ động bảo vệ và phát huy DSVH ngay tại cộng đồng đó theo phương pháp bảo tàng học;

Luận án đưa ra khái niệm: Bảo tàng hóa DSVHPVT trong cộng đồng là hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị những DSVHPVT của các cộng đồng ngay tại môi trường sinh thái-nhân văn nơi di sản được sáng tạo và tiếp tục lưu truyền, được thực hiện theo phương pháp bảo tàng học với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng chủ thể DSVH.

(11)

1.2.2.3. Hình thức biểu hiện của bảo tàng hoá di sản trong cộng đồng

BTST hay BTCĐ là hình thức biểu hiện cụ thể của bảo tàng hóa DSVHPVT thông qua sử dụng phương pháp bảo tàng học để bảo tồn, phát huy DSVHPVT ngay tại cộng đồng, với sự tham gia và đồng thuận của họ.

1.3. Khái quát 3 trường hợp nghiên cứu điển hình 1.3.1. Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên

Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lăk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Người dân Tây Nguyên tin rằng cồng, chiêng có linh hồn và cồng chiêng càng lâu năm thì càng linh thiêng và càng nhiều sức mạnh.

Diễn tấu cồng chiêng không chỉ là trình diễn những bản nhạc truyền thống, mà là thể loại âm nhạc gắn liền với nhiều sinh hoạt VH cộng đồng. Những sinh hoạt đó gắn với môi trường, không gian diễn xướng của cồng chiêng, là không gian sinh hoạt VH và sản xuất của họ.

Trường hợp cụ thể của Không gian văn hóa Cồng chiêng người M’nông, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông:Người M’nông ở huyện Đắk R’lấp thực hành DSVHPVT cồng chiêng như một hình thức sinh hoạt VH gắn liền với đời sống tinh thần, tâm linh của cộng đồng. Gần đây, đời sống kinh tế, xã hội và VH của người M’nông nơi đây có nhiều thay đổi (kinh tế, xã hội, lối sống, VH và quan hệ giữa các cộng đồng, giữa con người với thiên nhiên, phương thức canh tác, lối sống và tín ngưỡng…) nên những biểu

hiện của VH cồng chiêng trong đời sống cũng bị biến đổi.

Trước thực trạng đó, các nhà quản lý, nghiên cứu VH và cộng đồng đã có những định hướng và giải pháp nhằm nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT cồng chiêng, đưa cồng chiêng trở lại với giá trị nguyên bản và về diễn xướng trong môi trường sinh thái-nhân văn của nó, mà việc bảo tàng hóa DSVHPVT cồng chiêng trong cộng đồng được thể hiện cụ thể.

1.3.2. Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc

Hội Gióng do người dân ở nhiều làng xã thuộc Hà Nội tổ chức nhằm tưởng nhớ Thánh Gióng, một vị thần trong huyền thoại của người Việt có công đánh giặc ngoại xâm bảo vệ nước Việt cổ thời vua Hùng Vương thứ Sáu, cách đây khoảng 3.000 năm.

Không gian của hội Gióng gắn với nơi sinh và hóa của Thánh Gióng nằm ở phía bắc sông Hồng, tiêu điểm là lễ hội đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm và lễ hội đền Sóc, huyện Sóc Sơn. Hàng năm, vào tháng Giêng, tháng Tư Âm lịch, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc được dân làng tổ chức theo một mô thức cổ truyền tái hiện chiến công của Thánh Gióng trong chống giặc ngoại xâm, thể hiện ước vọng thái bình cho đất nước, thịnh vượng cho mọi nhà và mùa màng bội thu.

Hội Gióng từ xưa đã ăn sâu vào đời sống tinh thần và trở thành một sinh hoạt VH- tín ngưỡng của cộng đồng. Hàng năm, lễ hội Gióng tại các di tích liên quan luôn được cộng đồng tổ chức theo phong tục của địa phương.

1.3.3. Nghề gốm làng cổ Phước Tích

Làng Phước Tích thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, được thành lập vào khoảng thế kỷ XV, hiện lưu giữ một kho tàng DSVH truyền thống rất đa dạng và tiêu biểu của làng cổ người Việt ở miền Trung: không gian cảnh quan, di sản kiến trúc, nghề gốm cổ truyền và các tập quán xã hội… Nghề gốm hình thành và

(12)

hưng thịnh do nơi đây không có ruộng đất nông nghiệp mà ba mặt được bao bọc bởi dòng sông Ô Lâu. Sản phẩm gốm Phước Tích là những vật dụng không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người dân và đã bước từ dân gian vào đời sống cung đình với sản phầm “Om Ngự” được vua quan nhà Nguyễn ưa chuộng.

Tuy nhiên, nghề gốm Phước Tích trong lịch sử đã dần bị mai một bởi

chiến tranh, nhu cầu người dân trước sự xuất hiện của nhiều loại vật dụng thuận tiện, các nghệ nhân đều cao tuổi. Cần có giải pháp khả thi để phục hồi làng nghề gốm trước khi những người nắm được kỹ thuật bí truyền ra đi, nhằm bảo tồn và phát huy một làng nghề gốm vốn hưng thịnh trong quá khứ.

Tiểu kết

Nghiên cứu lý thuyết về Bảo tàng học truyền thống và Bảo tàng học mới là cơ sở khoa học để hiểu vai trò và vị trí của bảo tàng trong lịch sử VH tại mỗi thời kỳ lịch sử.

Nghiên cứu áp dụng các nguyên tắc bảo tàng hoá nói chung và bảo tàng hóa di sản trong cộng đồng nói riêng chính là một trong những hướng “đón đầu” sự biến đổi các hình thức VH, tạo sự thay đổi “uyển chuyển” của bảo tàng nhằm thích nghi với các điều kiện lịch sử, để bảo tàng hoàn thành tốt hơn vai trò, chức năng của mình đối với việc bảo tồn và phát huy bền vững di sản. Ba di sản được lựa chọn nghiên cứu trong luận án hiện đang được cộng đồng và chính quyền địa phương bảo vệ để phát huy và thuộc những trường hợp có những bước đi gần nhất với xu thế chung của thế giới, để chứng minh tính hiệu quả cũng như những tác động tích cực của mô hình này đối với đời sống cộng đồng chủ thể VH ở các địa phương hiện nay.

Chương 2

THỰC TIỄN HOẠT ĐỘNG BẢO TÀNG HÓA DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TRONG CỘNG ĐỒNG

2.1. Thực tiễn bảo tàng hóa di sản văn hoá phi vật thể trong cộng đồng ở Việt Nam qua 3 trường hợp Trên cở sở lý thuyết về bảo tàng hóa DSVHPVT trong cộng đồng và sơ

đồ khái quát xây dựng từ lý thuyết (Chương 1), tác giả nghiên cứu các hoạt động mang tính chất bảo tàng hóa DSVHPVT của 3 trường hợp điển hình: Không gian VH Cồng chiêng Tây Nguyên, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, Nghề gốm làng cổ Phước Tích trên cơ sở tiếp cận trước hết từ Mục đích mà 3 trường hợp này hướng tới, bao gồm 6 mục đích chính:

2.1.1. Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và sự đa dạng văn hóa

DSVHPVT làm nên bản sắc cộng đồng. Do đó, bảo vệ DSVHPVT chính là bảo vệ các bản sắc để tạo nên sự đa dạng VH.

2.1.2. Bảo vệ quyền con người/ chủ thể văn hóa

Chủ thể VH có quyền quyết định đâu là di sản của họ và quyền hưởng thụ giá trị di sản đó. Bảo vệ DSVHPVT là bảo vệ quyền sáng tạo và hưởng thụ VH của họ mà cao hơn chính là bảo vệ quyền con người.

2.1.3. Bảo vệ môi trường sinh thái-nhân văn

DSVHPVT thực sự có giá trị khi nó được thực hành trong không gian văn hóa của nó. Đó là môi trường sáng tạo và diễn xướng cần bảo vệ.

2.1.4. Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

(13)

DSVHPVT cần được phát huy để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa nói chung và phục vụ lợi ích chủ thể văn hóa nói riêng.

2.1.5. Phát triển kinh tế-xã hội địa phương

DSVHPVT được phát huy hợp lý sẽ trở thành nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương và nâng cao đời sống cộng đồng.

2.2. So sánh, đánh giá về 3 trường hợp nghiên cứu

2.2.1. So sánh thực tiễn bảo tàng hoá di sản văn hoá phi vật thể trong cộng đồng qua những trường hợp nghiên cứu

2.2.1.1. Điểm chung

Những hoạt động bảo tàng hóa DSVHPVT trong cộng đồng được thực hiện khá bài bản và mang lại những hiệu quả đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản này:

Đạt mục đích bảo vệ DSVHPVT, bảo vệ sự ĐDVH và bảo vệ quyền của chủ thể DSVH; Thực hiện các nguyên tắc: cộng đồng tự nguyện, đồng thuận; tôn trọng tập tục của cộng đồng và tôn trọng tính thiêng của di sản; Đáp ứng các tiêu chí: đủ điều kiện về không gian, lãnh thổ, địa điểm di sản VH; có DSVHPVT tiêu biểu và có sự tham gia của cộng đồng; Được thực hiện bởi các đối tượng: cộng đồng chủ thể, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước về VH; Trình tự thực hiện các hoạt động bảo tàng hóa rất khoa học, đi từ hoạt động nghiên cứu, nhận diện và lựa chọn DSVHPVT đủ tiêu chí, đến hoạt động làm việc với cộng đồng để đảm bảo đạt được sự tự nguyện và đồng thuận từ họ, từ đó, xây dựng kế hoạch chi tiết và quy hoạch tổng thể bảo vệ di sản và cộng đồng.

2.2.1.2. Điểm khác biệt

Không gian VH cồng chiêng Tây Nguyên: do địa điểm phân bố di sản

mang tính đặc thù, không đáp ứng điều kiện cơ sở hạ tầng và khó trở thành điểm đến du lịch. Tương tự với Hội Gióng đền Phù Đổng, di sản của họ chưa thực sự trở thành một sản phẩm VH để có thể khai thác, phục vụ du lịch, đồng nghĩa với việc không thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương, phục vụ lợi ích vật chất cho cộng đồng. Ở Hội Gióng đền Sóc, các nguyên tắc Đảm bảo tính toàn vẹn của di sản và Tôn trọng tập tục của cộng đồng đều không được thực hiện triệt để. Nghề gốm Phước Tích thực hiện các hoạt động bảo tàng hóa DSVHPVT trong cộng đồng với sự tham gia đồng thời của cả cộng đồng chủ thể, chính quyền và bảo tàng địa phương, các nhà quản lý và nghiên cứu VH, cũng như sự đầu tư, hỗ trợ của nước ngoài và các công ty lữ hành, các doanh nghiệp, trên cả phương diện chuyên môn và tài chính.

2.2.2. Nhận xét, đánh giá

2.2.2.1. Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên

Bảo tàng hóa Không gian VH cồng chiêng trong cộng đồng có thế áp dụng các mô hình BTCĐ, BTST, Bảo tồn làng hay Bảo tàng hóa di sản VH làng… Việc bảo tàng hóa di sản này trong cộng đồng chưa đạt được mục đích: Bảo vệ môi trường sinh thái nhân văn, Phát huy giá trị DSVHPVT và Phát triển kinh tế xã hội địa phương; chưa đáp ứng nguyên tắc Cân bằng trách nhiệm và lợi ích cộng đồng; chưa đáp ứng tiêu chí về Hạ tầng cơ sở và Điểm đến du lịch; Khách tham quan chưa tham gia vào quá trình bảo tàng hóa di sản.

(14)

Nguyên nhân: Chưa huy động được nguồn lực và cải tạo cơ sở vật chất; chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ của chính quyền và cộng đồng chưa rõ cách thức triển khai áp dụng bảo tàng hóa di sản cồng chiêng trong cộng đồng.

2.2.2.2. Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc

Lễ hội ở hai địa điểm theo hai mô hình bảo vệ và phát huy khác nhau, song đều mang “bóng dáng” của bảo tàng hóa DSVHPVT trong cộng đồng qua mô hình BTCĐ (tại đền Phù Đổng) và BTST (tại đền Sóc). Việc bảo tàng hóa di sản Hội Gióng trong cộng đồng chưa đạt được mục đích: Bảo vệ môi trường sinh thái nhân văn, Bảo vệ chủ thể VH, Phát huy giá trị DSVHPVT và Phát triển kinh tế xã hội địa phương; chưa đáp ứng nguyên tắc Cân bằng giữa bảo tồn và phát triền và Đảm bảo tính toàn vẹn của di sản; chưa đáp ứng tiêu chí về Điểm đến du lịch; Bảo tàng địa phương và Khách tham quan chưa tham gia vào quá trình bảo tàng hóa di sản.

Nguyên nhân: Chưa huy động được nguồn lực và cải tạo cơ sở vật chất; chưa nghiên cứu lựa chọn, áp dụng mô hình phù hợp với di sản và cộng đồng.

2.2.2.3. Nghề gốm làng cổ Phước Tích

Với sự vào cuộc của cả chính quyền, các nhà quản lý, cộng đồng chủ thể và khách thể, phương pháp bảo vệ và phát huy di sản được áp dụng ở Phước Tích là một mô hình bảo tàng hóa DSVH làng rất thành công và đã tiệm cận bảo tàng hóa DSVHPVT trong cộng đồng theo hệ thống lý thuyết đã được đưa ra trong phạm vi đề tài. Việc bảo tàng hóa di sản làng cổ Phước Tích trong cộng đồng chưa thực sự đạt được mục đích:

Phát triển kinh tế xã hội địa phương; chưa đáp ứng nguyên tắc Cân bằng giữa bảo tồn và phát triển song đã đáp ứng được các tiêu chí, thực hiện theo đúng trình tự với sự tham gia thực hiện của đầy đủ các đối tượng… theo lý thuyết của mô hình.

2.3. Kinh nghiệm quốc tế

2.3.1. Bảo tàng hoá theo mô hình bảo tàng sinh thái 2.3.1.1. Bảo tàng sinh thái Alsace, Pháp

BTST Alsace được thiết lập bằng việc đưa những công trình kiến trúc truyền thống của Alsace về dựng lại trong khu vực được chọn làm bảo tàng. Bảo tàng giới thiệu hơn 70 công trình kiến trúc cổ của Alsace với 40.000 hiện vật là vật dụng của người dân và cả cảnh quan tự nhiên sống động và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân với đầy đủ các phong tục tập quán, thói quen lao động, nghi lễ, âm nhạc và ẩm thực truyền thống…

BTST này đóng vai trò cùng lúc là: Một tổ chức xã hội; Một ngôi làng cổ; Một bảo tàng; Một nơi sinh sống hàng ngày của cư dân địa phương; đảm nhiệm tốt vai trò của một ngôi làng và một bảo tàng độc đáo với tính đa dạng của các hoạt động, thể hiện sống động bởi dân làng.

2.3.1.2. Bảo tàng Zuiderzee, Hà Lan

Bảo tàng Zuiderzee là một làng chài được thiết lập từ các tập đoàn những người làm nghề đánh cá trong khu vực, mô phỏng kiến trúc và không gian làng Zuiderzee cổ với các tòa nhà, các con đường dẫn ra bờ biển, cầu cảng… do không gian sinh tồn của cư dân cùng các DSVHPVT có nguy cơ biến mất. Cộng đồng và chính quyền địa phương đã quyết định thiết lập bảo tàng nhằm lưu giữ môi trường cảnh quan, sinh thái và VH ở đây.

(15)

Bảo tàng được tổ chức theo mô hình BTST từ ý tưởng của cộng đồng với sự tham gia tích cực của họ vào các hoạt động của bảo tàng. Hiện vật bảo tàng đều là những di sản đang sống một cách mạnh mẽ và có sự gắn kết với

bản sắc và tinh thần của các chủ thể di sản.

2.3.2. Bảo tàng hoá theo mô hình Bảo tàng cộng đồng 2.3.2.1. Bảo tàng cộng đồng Anacostia ở Washington, Mỹ

Là bảo tàng được xây dựng với mục tiêu trở thành trung tâm lịch sử và VH của người Mỹ gốc Phi tại Anacostia. Cộng đồng làm việc cùng các nhân viên dự án để xây dựng kế hoạch cho các chương trình triển lãm, các bộ phim tư liệu về cộng đồng, trong đó, cộng đồng được lựa chọn những đối tượng mà họ coi là bản sắc VH của họ để trưng bày, trình chiếu, giới thiệu và trực tiếp tham gia bằng cách kể các câu chuyện trong triển lãm của Bảo tàng.

Nhờ dựa vào cộng đồng và hoạt động trên nguyên tắc vì cộng đồng, BTCĐ

Anacostia đã làm sâu sắc thêm sự hiểu biết của cộng đồng về việc duy trì bản sắc của chính họ; gắn kết các thành viên trong cộng đồng thông qua môi trường VH và gắn kết bảo tàng với cộng đồng, để bảo tồn và phát huy bền vững bản sắc VH của dân cư trong khu vực.

2.3.2.2. Bảo tàng di sản Nias, Indonesia

Bảo tàng được thành lập với chức năng như một trung tâm VH và quản lý công tác bảo tồn DSVH của Nias. Cán bộ bảo tàng đã phối hợp với cộng đồng trên khắp đảo Nias để hỗ trợ họ cải tạo những ngôi nhà truyền thống và phục hồi nghề thủ công, nghi lễ truyền thống, khuyến khích họ trình diễn tại bảo tàng để khơi dậy niềm tự hào cũng như trình diễn tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bản sắc VH mà họ đang nắm giữ.

Bảo tàng và cộng đồng đã thành công trong việc bảo tồn và giới thiệu rộng rãi DSVH; cộng đồng được hưởng lợi ích kinh tế do di sản mang lại.

=> Các bảo tàng nêu trên đã thành công trong việc gắn kết với cộng

đồng địa phương để hỗ trợ họ giới thiệu di sản của mình cũng chính là thành công của cộng đồng đối với việc trực tiếp tham gia vào các hoạt động bảo tàng và làm phong phú thêm nội dung trưng bày của bảo tàng.

Các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam: Bảo tàng cần tôn trọng cộng đồng và các vấn đề VH liên quan đến cộng đồng; xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ với những người nắm giữ di sản, để cùng nhau giới thiệu thông qua các hoạt động bảo tàng; cần có sự kết hợp giữa nguyên tắc đạo đức trong công tác quản lý bảo tàng và sự đồng thuận của cộng đồng.

Tiểu kết

Thực trạng bảo tàng hóa DSVHPVT trong cộng đồng qua ba trường hợp trên cho thấy, bảo tàng hóa DSVH trong đời sống cộng đồng sẽ giải quyết được việc trưng bày cuộc sống và những DSVH sống thông qua những con người hiện hữu. Ba trường hợp

(16)

điển hình này đều đang được duy trì theo cách tự nhiên của từng cộng đồng và có những “sức sống” khác nhau. Nếu cộng đồng có được sự hỗ trợ, định hướng đúng, hoạt động bảo tàng hóa DSVH tại cộng đồng chắc chắn sẽ đạt đến mục tiêu là đưa

DSVHPVT cùng toàn bộ đời sống, sinh hoạt VH, phong tục tập quán của cư dân địa phương thành đối tượng hoạt động của bảo tàng. Đây là những bước đi ban đầu và đạt được những thành công nhất định, là cơ sở cho việc đề xuất những định hướng về mô hình và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động bảo tàng hóa

DSVHPVT tại cộng đồng ở VN thời gian tới.

Chương 3

BẢO TÀNG HÓA DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TRONG CỘNG ĐỒNG Ở VIỆT NAM, MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA

3.1. Bảo tàng hóa di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng-xu thế cần hướng tới

3.1.1. Sự cần thiết áp dụng bảo tàng hóa di sản văn hóa trong cộng đồng - Củng cố, giữ gìn các DSVHPVT chuyển giao liên tục trong cộng đồng và cho phép nó thay đổi phù hợp với nền VH đã sản sinh và nuôi dưỡng nó;

- Làm sống lại những yếu tố đã bị mai một, đảm bảo sự sống, sự liên tục làm mới và trao truyền di sản;

- Là phương pháp toàn diện, có tính bao quát chỉnh thể, bao gồm tất cả hình thức biểu hiện của DSVHPVT để phản ánh và bảo về tính ĐDVH của

cộng đồng các dân tộc VN.

- Góp phần tích cực bảo vệ bền vững tài sản cộng đồng và của dân tộc, bảo vệ quyền sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của cộng đồng chủ thể VH.

- Bảo vệ tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và của VN nói chung.

3.1.2. Định hướng tại Việt Nam

Từ bối cảnh VN và kinh nghiệm quốc tế, đề tài đưa ra định hướng nhằm ứng dụng với phương pháp bảo tàng hóa DSVHPVT trong cộng đồng tại VN:

- Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể cần cần ưu tiên và gắn với phát triển

- Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trong môi trường sinh thái-nhân văn - Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể là bảo vệ và hỗ trợ người nắm giữ di sản - Bảo vệ bền vững di sản văn hóa phi vật thể trong nền kinh tế thị trường - Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa

3.2. Một số vấn đề đặt ra đối với bảo tàng hóa di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng 3.2.1. Vấn đề nghiên cứu khoa học về di sản văn hóa phi vật thể

Hoạt động nghiên cứu khoa học là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của việc bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT thông qua bảo tàng hóa DSVHPVT trong cộng đồng.

3.2.2. Vấn đề tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo vệ, pháthuy giá trị DSVHPVT theo hướng bảo tàng hoá di sản trong cộng đồng cần tập trung xây dựng

(17)

hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về DSVHPVT, phổ biến, giáo dục, đưa pháp luật về DSVH vào đời sống.

3.2.3. Vấn đề đa dạng hoá các hình thức hoạt động mang tính chất bảo tàng hoá di sản trong cộng đồng để phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội

Các hình thức bảo tàng hóa DSVHPVT có thể thực hiện rất đa dạng: BTST, BTCĐ, bảo tàng hóa DSVH làng, trung tâm hoạt động VH, bảo tàng ngoài trời, bảo tồn làng, bản… và đều hướng đến mục tiêu bảo vệ và

phát huy giá trị DSVHPVT và cộng đồng.

3.2.4. Vấn đề nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể

Bản sắc VH xuất phát từ cộng đồng, từ nhu cầu, lợi ích cộng đồng nên họ được quyền tự xác định bản sắc, tự giữ gìn sự ĐDVH và lựa chọn yếu tố VH cần thiết cho đời sống tinh thần của họ.

3.2.5. Vấn đề huy động các nguồn lực đầu tư cho hoạt động bảo tàng hoá di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng

Xã hội hóa hoạt động bảo tàng hóa DSVHPVT trong cộng đồng không chỉ nhằm mục đích huy động sự đóng góp của nhân dân, còn huy động mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội trực tiếp tham gia các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVH.

3.2.6. Vấn đề phát huy các mô hình: Bảo tàng sinh thái, Bảo tàng cộng đồng và bảo tàng văn hóa làng với tư cách là các điểm đến, các sản phẩm du lịch hấp dẫn

Bảo tàng hóa DSVHPVT trong cộng đồng được khai thác phục vụ du lịch hợp lý sẽ tạo nguồn thu để đầu tư trở lại cho bảo vệ chủ thể và DSVHPVT.

3.2.7. Vấn đề chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân

Khi kinh tế của đất nước phát triển, khả năng hỗ trợ của Nhà nước cao hơn, việc ban hành chính sách hỗ trợ toàn diện cho các nghệ nhân rất cần thiết, nhằm bảo vệ bền vững các DSVHPVT.

3.2.8. Vấn đề huy động sự hỗ trợ của quốc tế cho hoạt động bảo tàng hóa di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng

Thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, đẩy mạnh việc giới thiệu,

quảng bá VH, đất nước và con người VN; tranh thủ sự giúp đỡ về khoa học, kỹ thuật, tài chính cho hoạt động bảo vệ DSVH.

3.3. Một số mô hình bảo tàng hóa di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng có thể áp dụng tại Việt Nam

Bảo tàng hóa DSVHPVT trong cộng đồng cần đảm bảo hai yếu tố cơ bản, đó là phải có môi trường thực hành và cộng đồng chủ thể VH. Do đó, không phải

DSVHPVT nào cũng có thể áp dụng bảo tàng hóa trong cộng đồng, mặt khác, bảo tàng hóa trong cộng đồng cũng không thể phát huy hiệu quả ở tất cả các loại hình

DSVHPVT. Những điều kiện cần và đủ để áp dụng mô hình bảo tàng hóa DSVHPVT trong cộng đồng bao gồm:

- Phải là một lãnh thổ, khu vực với cộng đồng sở hữu DSVHPVT tiêu biểu.

- “Bảo tàng” được thiết lập trên cơ sở tham gia đồng thuận của cộng đồng; việc hình thành ý tưởng và mọi hoạt động bảo tàng có thể tiến hành cùng lúc.

- Sự phối hợp giữa chính quyền, cơ quan quản lý VH, các nhà nghiên cứu, cộng đồng chủ thể, khách thể trong việc vận hành “bảo tàng”.

(18)

- Nguồn lực của “bảo tàng” dựa trên cơ sở tài nguyên VH và thiên nhiên tại chỗ, cùng với tri thức, nỗ lực và nguyện vọng của cộng đồng địa phương.

- Cơ sở hạ tầng phát triển, đáp ứng đủ điều kiện để phát triển du lịch, trở thành điểm đến hấp dẫn để có thể phát huy hiệu quả giá trị DSVHPVT, phục vụ phát triển cộng đồng và phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

3.3.1. Mô hình Bảo tàng sinh thái và Bảo tàng cộng đồng

Mô hình tổng thể bao gồm:

a) Cơ sở hạ tầng: Không gian VH; công trình kiến trúc, giao thông…

b) Tổ chức thực hiện: Cộng đồng chủ thể và khách thể

c) Di sản lựa chọn: BTST: di sản thiên nhiên và môi trường sinh thái được chú trọng và ưu tiên thể hiện; BTCĐ: yếu tố thiên nhiên được kết hợp với yếu tố xã hội hoặc chỉ thể hiện môi trường xã hội.

d) Phương thức thực hiện: Cộng đồng chủ thể: ý tưởng; Chính quyền và Bảo tàng địa phương: xây dựng quy hoạch; Quản lý nhà nước về VH: hỗ trợ

về mặt pháp lý và khoa học; Khách tham quan: tham gia chia sẻ trách nhiệm.

đ) Hiệu quả: Bảo vệ di sản, quyền con người; phát triển cộng đồng.

3.3.1.1. Mô hình cho Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông: Bảo tàng cộng đồng

3.3.1.2. Mô hình cho Hội Gióng ở đền Sóc: Bảo tàng sinh thái

3.3.2. Mô hình cho làng cổ Phước Tích: Bảo tàng hóa di sản văn hóa làng Hiệu quả thiết thực của các mô hình này:

- Trở thành mô hình có giá trị đối với việc nghiên cứu, nhận diện bản sắc cộng đồng trong môi trường địa phương;

- Tạo cho cộng đồng địa phương cơ hội học tập và trao truyền di sản qua các thế hệ một cách tương đối nguyên vẹn và dài lâu;

- Mang lại sự tự chủ có ý thức cho cộng đồng trong việc sáng tạo, thực hành, hưởng thụ, quản lý, khai thác DSVHPVT như một dạng tài sản;

- Gắn kết mối quan hệ cộng đồng, chính quyền và các tổ chức xã hội… vì mục tiêu chung bảo vệ và phát huy DSVH địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái-nhân văn hướng đến phát triển cộng đồng và kinh tế xã hội.

Tiểu kết

Từ thực tế những thành công và hạn chế trong thực tiễn hoạt động mang tính chất bảo tàng hóa DSVHPVT tại cộng đồng ở VN và trên cơ sở kinh nghiệm của một số quốc gia đã thành công trong việc bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT bằng áp dụng phương pháp này, tác giả luận án cho rằng, để từng bước triển khai có hiệu quả phương pháp này, có rất nhiều vấn đề đặt ra và cần được nhận diện và xử lý hài hòa.

Những định hướng và mô hình bảo tàng hóa DSVHPVT trong cộng đồng trên đây đã khẳng định, cộng đồng có vai trò to lớn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị

DSVH. Có thể coi đây là những mô hình thí điểm có thể áp dụng ở VN, theo định hướng chiến lược xây dựng nền VH tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chính sách tôn trọng ĐDVH của các dân tộc, chủ trương bảo tồn, phát huy các giá trị VH truyền thống. Để phát huy tối đa nguồn lực xã hội quan trọng đó, cần quán triệt quan điểm:

tự nguyện, đồng thuận, tự do, bình đẳng và cùng có lợi. Cộng đồng cũng cần phát huy

(19)

vai trò của mình vì mục tiêu bảo vệ DSVH, để công tác bảo vệ DSVHPVT thành sự nghiệp xuất phát từ cộng đồng và trở lại phục vụ cộng đồng.

KẾT LUẬN

1. Với những nhận thức mới về DSVHPVT và quan điểm mới về bảo tàng học, đặt ra thách thức đối với chức năng và vai trò của bảo tàng trong mối quan hệ với di sản. Bảo tàng học mới với trọng tâm là những bằng chứng vật thể và phi vật thể tổng hợp của môi trường VH hoặc tự nhiên tại địa điểm hoặc lãnh thổ mà bảo tàng phục vụ, được giới thiệu thông qua hoạt động của cộng đồng chủ thể sinh sống trên địa bàn đó. Với quan điểm này, di sản được lưu giữ ngay tại môi trường nơi nó được sinh ra với đầy đủ mọi loại hình nên bảo lưu được gần như vẹn nguyên sức sống, không bị suy giảm giá trị. Nói cách khác, quan điểm mới đã đặt ra hướng tiếp cận bảo tàng hóa DSVHPVT trong cộng đồng để bảo vệ và phát huy giá trị di sản và phục vụ nhu cầu cộng đồng một cách hiệu quả nhất.

2. Hoạt động trên nguyên tắc bảo tàng học, bảo tàng hoá di sản với sự đồng thuận của cộng đồng có thể được áp dụng với cả di sản thiên nhiên, DSVH, cả DSVHVT và DSVHPVT. Qua đó, tất cảc các loại hình di sản đều được bảo tồn, phát huy và khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần tạo nên sự phát triển bền vững cho di sản và cho cộng đồng chủ thể di sản.

Việc thực hiện bảo tàng hoá DSVHPVT thông qua các hình thức BTST, BTCĐ hay bảo tàng hóa DSVH làng nhằm tạo cho cộng đồng một vai trò xã hội đặc biệt, để họ tự nhận thức về giá trị di sản mà họ nắm giữ, tự giác tham gia các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phục vụ cho sự phát triển của chính cộng đồng.

3. Cộng đồng chủ thể cần có sự hỗ trợ của các tổ chức, các thiết chế VH để biến những “truyền thống VH sống” của họ thành đối tượng trưng bày, giới thiệu ra thế giới bên ngoài. Các tổ chức và các thiết chế VH cũng cần đến sự tham gia của cộng đồng, để việc giới thiệu các giá trị DSVHVT và DSVHPVT sống động hơn. Từ đó, quá trình tái hiện bản sắc của các cộng đồng thông qua các hiện vật và không gian tồn tại của di sản, qua sự thể hiện và giới thiệu của chính cộng đồng sẽ mang đến cho khách tham quan cái nhìn chân xác về bản sắc VH của cộng đồng, thúc đẩy quá trình giao lưu VH giữa các cộng đồng. Nhờ đó, DSVHPVT được bảo tồn bền vững và có cơ hội được quảng bá, đem lại lợi ích về tinh thần và vật chất cho cộng đồng. Đó là ý nghĩa thực tế của phương pháp bảo tàng hóa DSVHPVT trong cộng đồng.

4. Trên cơ sở nghiên cứu hệ thống lý thuyết bảo tàng học và VH học, luận án bước đầu làm rõ nội hàm khái niệm của lý thuyết về một loại hình bảo tàng mới, đó là bảo tàng hóa DSVHPVT trong cộng đồng. Loại hình bảo tàng này chưa được ứng dụng rộng rãi ở VN nhưng đã xuất hiện những mô hình bảo tồn di sản tương đối gần với mô hình bảo tàng hóa DSVHPVT trong cộng đồng. Từ thực trạng đó, luận án đề xuất những mô hình bảo tàng hóa DSVHPVT trong cộng đồng phù hợp và thích ứng các điều kiện, nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT của các cộng đồng một cách hiệu quả nhất. Dự kiến, kết quả của luận án sẽ có thể giúp bổ sung, hoàn thiện hơn mô hình bảo tàng hóa DSVHPVT trong cộng đồng trên thực tế tại ba trường hợp nghiên cứu điển hình: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc và Nghề gốm làng cổ Phước Tích.

(20)

Bên cạnh việc giải quyết 4 nhiệm vụ nghiên cứu được đặt ra ở Phần mở đầu của luận án, đây cũng chính là mục tiêu mà luận án nghiên cứu “Bảo tàng hóa di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng ở Việt Nam” hướng tới, để góp phần:

- Bảo vệ và phát huy bền vững giá trị DSVHPVT;

- Bảo vệ quyền VH, bao gồm quyền được sáng tạo VH và hưởng thụ các giá trị VH hay cao hơn nữa, đó là bảo vệ quyền con người;

- Đảm bảo DSVHPVT nói riêng và DSVH nói chung mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng./.

Tài liệu tham khảo

Tài liệu liên quan

Do đó, việc nghiên cứu khoa học của Bảo tàng chỉ tập trung nhiều vào khoa học ứng dụng.. chuyên ngành Bảo tàng học. Còn việc nghiên cứu dân tộc học, văn hóa học mang

- Bảo tàng sinh vật biển là một công trình công cộng có chức năng nghiên cứu, trưng bày và giới thiệu các hiện vật và các loài quý hiếm trong danh sách bảo tồn. -

công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu tập thể, sở hữu chung của cộng đồng, sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu khác về di sản văn hoá theo quy định của pháp

Mục đích và phương pháp nghiên cứu của đề tài Để thực hiện và hoàn thành tốt đề tài, em đã có một thời gian thực tập ở Bảo tàng Bắc Ninh, Bảo tàng dân tộc học và Bảo tàng lịch sử, để

Bảo tàng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu thông tin và trưng bày các bằng chứng vật thể và phi vật thể về môi trường của con người vì mục đích nghiên cứu, giáo dục và thưởng thức”.1 Khái

Từ thực trạng của hoạt động bảo tồn, tôn tạo di tích, di sản văn hóa và phát triển du lịch nêu trên cho thấy, để công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá đạt được hiệu quả

Tuy nhiên, để đạt được kết quả đó Tiên Yên cần tăng cường đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động văn hoá, huy động mọi nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hoá các

Trách nhiệm quản lý của Nhà nước, vai trò của cộng đồng trong quản lý, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Sán Dìu nói riêng cần có sự kết hợp hài