• Không có kết quả nào được tìm thấy

Đặc điểm bệnh nhân

Trong tài liệu thay lại khớp háng (Trang 103-106)

Chương 4: BÀN LUẬN

4.1. Đặc điểm bệnh nhân

Chương 4

Nghiên cứu của chúng tôi có 66% bệnh nhân nam và 34% bệnh nhân nữ. Sự khác biệt về giới có ý nghĩa thống kê với p=0,033. Nghiên cứu của nhiều tác giả khác cũng cho thấy tỉ lệ bệnh nhân nam phải thay lại khớp háng nhiều hơn bệnh nhân nữ có thể do nam giới là lực lượng lao động chính, hoạt động thể lực của nam giới mạnh hơn nên khớp háng nhân tạo phải hoạt động nhiều dẫn đến hỏng khớp háng nhân tạo nhiều hơn nữ giới. Nghiên cứu của Rodgers trên 330 bệnh nhân thì có 59,4% nam và 40,6% nữ (p<0,001).113 Malchau cũng nhận thấy tỉ lệ thất bại sau phẫu thuật thay khớp háng lần đầu ở nam cao hơn nữ ngay từ 2 năm đầu. Theo Crawford, các bệnh nhân nam <50 tuổi, đặc biệt là những bệnh nhân bị thoái hoá khớp thứ phát do chấn thương hoặc hoại tử vô mạch chỏm xương đùi có tỉ lệ lỏng khớp vô khuẩn cao sau khi thay khớp háng. Những bệnh nhân này thường trở lại các hoạt động thể thao hoặc hoạt động chân tay nặng nên tỉ lệ thất bại phẫu thuật sau 5-10 năm tăng cao.114

4.1.2. Lý do thay khớp lần đầu

Kết quả ở bảng 3.1 cho thấy bệnh lý hoại tử chỏm xương đùi và gãy cổ xương đùi là 2 nguyên nhân hay gặp nhất khiến cho bệnh nhân phải thay khớp lần đầu (chiếm 86%). Trong nghiên cứu về thay lại khớp của Zheng (2021), lý do thay khớp lần đầu của 34 khớp thay lại bao gồm thoái hóa khớp (24%), tiêu chỏm xương đùi (18%), gãy cổ xương đùi (29%), loạn sản khớp háng (21%), viêm cột sống dính khớp (6%), và một số nguyên nhân khác (1%). Do mô hình bệnh tật của mỗi nước một khác nên có thể có sự khác biệt về tỉ lệ các bệnh lý phải thay khớp háng lần đầu. Trong nghiên cứu của chúng tôi, gãy cổ xương đùi chiếm tỉ lệ 40%. Leonardsson và cộng sự (2009) nhận thấy đối với những bệnh nhân phải thay khớp lần đầu do gãy cổ xương đùi, trật khớp và gãy xương quanh khớp là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới phải thay lại khớp háng nhân tạo. Sau 7 năm, tỉ lệ phải thay lại khớp ở nhóm thay khớp ngay sau khi gãy cao hơn so với nhóm thay khớp sau khi cố định xương thất bại (4,4% so với 2,9%).115

Thoái hoá khớp cũng là một trong số các chỉ định thay khớp háng lần đầu với tỉ lệ 8% (bảng 3.1). Trong nghiên cứu của Meyer, tỉ lệ phải thay lại

khớp háng của các bệnh nhân bị thoái hoá khớp háng là 1,9%.116 Phẫu thuật thay khớp háng lần đầu được thực hiện nhiều nhất cho nhóm bệnh lý thoái hoá khớp. Đây cũng là bệnh lý có tỉ lệ thành công sau mổ cao nhất,116 nên tỉ lệ thay lại khớp háng cũng thấp hơn so với các nguyên nhân ban đầu khác.

4.1.3. Thời gian giữa hai lần thay khớp

Thời gian trung bình giữa hai lần thay khớp là 75,8±68,1 tháng (khoảng 6,3 năm), ngắn nhất là 19 ngày, dài nhất là 21 năm. Trong nghiên cứu của Zheng,80 thời gian giữa hai lần thay khớp là 43,8 tháng (từ 0 đến 156 tháng), ngắn hơn kết quả của chúng tôi. Thời gian giữa hai lần thay khớp càng ngắn thì tỉ lệ thành công của phẫu thuật theo thời gian càng giảm. Trên thế giới, tỉ lệ thành công của phẫu thuật thay khớp lần đầu dao động theo từng nghiên cứu. Evan và cộng sự đã tổng hợp kết quả từ nhiều nghiên cứu về phẫu thuật thay khớp háng cho thấy tỉ lệ thành công sau 25 năm của phẫu thuật thay khớp háng từ các báo cáo đơn lẻ là 77,6% và từ cơ quan đăng kí thay khớp quốc gia của Australia và Phần Lan là 57,9%.117 Theo Malchau, khoảng 90-95% bệnh nhân thay khớp háng duy trì chức năng khớp ổn định trong vòng 10 năm đầu, 85% khớp háng nhân tạo còn giữ được hoạt động ở thời điểm 20 năm.83 Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Việt Nam chưa có nghiên cứu nào theo dõi lâu dài kết quả của phẫu thuật thay khớp háng lần đầu nên tỉ lệ thành công cũng như tỉ lệ thất bại phải thay lại khớp theo thời gian chưa rõ.

4.1.4. Lý do thay lại khớp háng

Về nguyên nhân thất bại không do nhiễm khuẩn sau thay khớp háng, lỏng khớp chiếm tỉ lệ cao nhất là 72%. Nguyên nhân hay gặp thứ hai là trật khớp (20%). Một số nguyên nhân ít gặp hơn là gãy xương quanh chuôi (4%) và gãy chuôi khớp (4%). Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu của nhiều tác giả khác. Lỏng khớp là nguyên nhân thất bại hay gặp nhất sau phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo. Quá trình tiêu xương vô khuẩn quanh khớp nhân tạo dẫn tới lỏng khớp có thể gây ra bởi các mảnh vỡ nhỏ từ các thành phần khớp háng nhân tạo. Nguyên lý của hiện tượng này là do quá

trình viêm và tiêu xương. Tiến triển của sự phá hủy các mô xung quanh khớp nhân tạo là một thách thức lớn bởi các biểu hiện không rõ ràng mà âm thầm cho tới khi hỏng khớp thực sự. Khi tổ chức xương quanh khớp nhân tạo bị tiêu đi, xuất hiện các tổ chức xơ và tiêu xương quanh khớp háng nhân tạo làm cho tình trạng lỏng khớp tăng lên.118

Trong nghiên cứu của Dobzyniak, tỉ lệ thay lại khớp háng trong vòng 5 năm đầu là 39%, nguyên nhân hay gặp nhất là trật khớp (33%) và lỏng khớp vô khuẩn (30%).119 Đây cũng là 2 nguyên nhân hay gặp trong số những bệnh nhân phải thay lại khớp trong 5 năm đầu trong nghiên cứu của chúng tôi. Kết quả ở bảng 3.3 cho thấy 10 ca trật khớp phải thay lại trong nghiên cứu đều xảy ra trong vòng 5 năm đầu tiên, chứng tỏ trật khớp háng thường xảy ra sớm và là nguyên nhân khiến cho bệnh nhân phải thay lại khớp sớm hơn. Trật khớp xảy ra sớm sau phẫu thuật có thể liên quan đến kĩ thuật mổ. Do kỹ thuật không đặt đúng vị trí của ổ cối (nghiêng 45 độ và ngả trước 20-25 độ), hậu quả bệnh nhân có thể trật khớp ra trước hoặc ra sau; có thể do bất tương xứng của khớp háng nhân tạo làm khớp bị lỏng, do bệnh nhân vận động sai tư thế, do mòn lớp lót ổ cối dẫn tới sự bất tương xứng khớp.

Gãy xương quanh khớp là một biến chứng ít gặp hơn sau phẫu thuật thay khớp háng nhưng lại là biến chứng nặng nề khiến cho bệnh nhân phải thay lại khớp sớm. Tỉ lệ gãy xương đùi quanh chuôi khớp trong nghiên cứu của chúng tôi là 4%. Ngoài ra, có 1 ca vỡ ổ cối kèm trật khớp do chấn thương cũng được thay lại khớp. Trong nghiên cứu của Khan (2020), tỉ lệ thay lại khớp háng là 11%. Gãy xương đùi quanh khớp chiếm 8,3% trong số các nguyên nhân phải thay lại.120 Tuổi bệnh nhân càng cao càng làm tăng nguy cơ gãy xương đùi quanh chuôi sau thay khớp háng lần đầu.121

4.2. Đặc điểm lâm sàng và Xquang trước mổ của bệnh nhân thay lại khớp háng

Trong tài liệu thay lại khớp háng (Trang 103-106)