• Không có kết quả nào được tìm thấy

Chương 1: TỔNG QUAN TÀI LIỆU

1.7. Một số đặc điểm dân tộc của người Việt Nam

tần số đột biến nucleotid vùng D-loop của các mô ung thư buồng trứng cao hơn nhiều so với mô bình thường [77]. Số bản sao DNA ty thể tăng ở ung thư tuyến giáp [78], ung thư phổi [79], ung thư đại trực tràng [80]. Biến đổi theo hướng giảm số bản sao DNA ty thể được xác định thấy ở bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan [81], ung thư buồng trứng [82]. Khi phân tích gen ATPase6, CytB, ND1, and D310 của mtDNA trong ung thư bàng quang các tác giả đã thấy gặp phổ biến là các đa hình: G8697A, G14905A, C15452A, and A15607G [83].

Như vậy, có thể thấy DNA ty thể có liên quan đến nhiều bệnh ung thư trong đó có ung thư vú, do đó việc nghiên cứu về DNA ty thể nói chung và vùng HV1 của DNA ty thể nói riêng trên bệnh nhân ung thư vú người Việt Nam là cần thiết và có ý nghĩa khoa học.

Dựa theo ngôn ngữ, 54 dân tộc Việt Nam được chia thành 8 nhóm.

Trong nghiên cứu này chúng tôi lựa chọn 4 dân tộc thuộc 3 nhóm ngôn ngữ:

dân tộc Kinh, Mường thuộc nhóm ngôn ngữ Việt-Mường, dân tộc Khmer thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer, dân tộc Chăm thuộc họ ngôn ngữ Nam Đảo. Bởi vì, dân tộc Kinh là dân tộc đa số, dân tộc Mường và dân tộc Khmer là dân tộc thiểu số có số dân lớn, bên cạnh đó dân tộc Khmer, dân tộc Chăm là dân tộc còn theo chế độ mẫu hệ.

1.7.1. Dân tộc Kinh

Dân tộc Kinh có tên gọi khác là Việt. Người Kinh cư trú khắp cả nước, nhưng đông nhất là các vùng đồng bằng và thành thị (Hà Nội, TP. HCM), dân số khoảng 73.594.427 người, chiếm 86,83% dân số toàn quốc.

Người Kinh (người Việt) có tiếng nói và chữ viết riêng. Tiếng Việt nằm trong nhóm ngôn ngữ Việt - Mường (ngữ hệ Nam Á).

Người Kinh là dân tộc đa số tại Việt Nam, tuy nhiên ở một số tỉnh người Kinh lại là dân tộc thiểu số (ví dụ ở Hòa Bình người Mường là dân tộc chiếm đa số khoảng 64% dân số toàn tỉnh).

Theo truyền thống của người Kinh thì người đàn ông là trụ cột gia đình.

Các con đều lấy họ bố và được coi là nối nghiệp tông đường. Dòng họ của bố là "họ nội" còn dòng họ bên mẹ là "họ ngoại".

1.7.2. Dân tộc Mường

Dân tộc Mường có khoảng trên 1.200.000 người, sống chủ yếu ở khu vực miền núi phía Bắc, tập trung đông nhất ở tỉnh Hòa Bình và các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa (người dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình chiếm khoảng 64% dân số toàn tỉnh).

Tiếng Mường thuộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường (ngữ hệ Nam Á).

Người Mường có quan hệ rất gần với người Kinh. Các nhà dân tộc học và ngôn ngữ cho rằng người Mường và người Kinh có nguồn gốc chung là người Việt-Mường cổ. Vào thời kỳ ngàn năm bắc thuộc thì bộ phận người cư trú ở miền núi ít bị Hán hóa, bảo tồn lối sống cổ đến nay là người Mường.

Người Mường sống định canh định cư ở miền núi, nơi có nhiều đất sản xuất, lúa nước là cây lương thực chủ yếu. Người Mường ở nhà sàn, sống tập trung thành làng xóm ở chân núi, bên sườn đồi, nơi đất thoải gần sông suối, mỗi làng có khoảng vài chục nóc nhà.

1.7.3. Dân tộc Chăm

Người Chăm còn gọi là người Chàm, người Chiêm (Chiêm Thành) là một dân tộc đã từng có một quốc gia độc lập, hùng mạnh trong lịch sử, có nền văn hóa phát triển, và là hậu duệ của các cư dân nền văn hóa Sa Huỳnh thời kì đồ sắt.

Ở Việt Nam người Chăm có mối liên hệ gần gũi với các dân tộc cùng thuộc họ ngôn ngữ Nam Đảo như Gia Rai, Ê Đê, Ra Glai và Chu Ru.

Người Chăm được xác định là cư dân bản địa ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam và đã có quá trình định cư lâu đời ở khu vực này.

Trải qua hàng ngàn năm, dưới những biến cố lịch sử, xã hội người Chăm không còn chỉ cư trú tập trung ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ mà đã phân bố rộng rãi ở khắp các tỉnh phía Nam Việt Nam và một số các quốc gia khác. Hiện nay, theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Chăm ở Việt Nam có dân số khoảng 161.729 người,sống rải rác ở các tỉnh phía Nam trong đó riêng hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận chiếm khoảng trên 60%.

Do đặc điểm cư trú, tính chất tôn giáo và sắc thái văn hóa mang tính vùng miền, người Chăm ở Việt Nam được chia thành 3 nhóm cộng đồng chính là: Chăm H'roi, Chăm Ninh Thuận - Bình Thuận, và Chăm Nam Bộ.

Chế độ mẫu hệ và tín ngưỡng nữ thần vẫn tồn tại ở người Chăm. Phong tục Chăm quy định con theo họ mẹ, họ bên mẹ được xem là gần (họ nội). Chỉ con gái được thừa kế tài sản, người con gái út được thừa kế nhà tự để thờ cúng ông bà và phải nuôi dưỡng cha mẹ già.

1.7.4. Dân tộc Khmer

Người Khmer ở Việt Nam (hay còn gọi là Khmer Krom, Khơ-me Crôm, Khơ-me hạ, Khơ-me dưới) là một bộ phận dân tộc Khmer sống ở đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam. Phần lớn người Khmer sống tập trung ở Campuchia.

Tiếng nói và chữ viết của người Khmer thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer (ngữ hệ Nam Á).

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Khmer ở Việt Nam có dân số 1.260.600 người, riêng người Khmer ở Sóc Trăng chiếm 30,7% dân số toàn tỉnh và chiếm 31,5% tổng số người Khmer tại Việt Nam.

Xã hội người Khmer vẫn còn tồn tại nhiều tàn dư mẫu hệ. Gia đình nhỏ một vợ một chồng, ở riêng và là đơn vị kinh tế độc lập, có nơi 3-4 thế hệ sống chung trong một nhà. Hôn nhân thường do cha mẹ xếp đặt, có sự thoả thuận của con cái, cưới xin trải qua 3 bước: làm mối, dạm hỏi và lễ cưới, được tổ chức ở bên nhà gái. Sau đó, người con trai phải ở bên nhà vợ một thời gian. Trải qua ít năm hoặc khi có con, họ ra ở riêng, nhưng vẫn cư trú bên ngoại.

Người Khmer có rất nhiều họ khác nhau. Những họ do triều Nguyễn trước đây đặt ra như: Danh, Kiên, Kim, Sơn, Thạch. Những họ tiếp thu từ người Việt và người Hoa như: Trần, Nguyễn, Dương, Trương, Mã, Lý...