• Không có kết quả nào được tìm thấy

Mối tương quan về số lượng phôi qua các bước kỹ thuật

Chương 4 BÀN LUẬN BÀN LUẬN

4.2. Bàn luận về đặc điểm phôi trước và sau rã đông của 2 phương pháp đông chậm và thủy tinh hóa

4.2.2. Mối tương quan về số lượng phôi qua các bước kỹ thuật

Trong trữ và rã đông phôi, sau mỗi bước kỹ thuật, phôi đều chịu sự tác động dẫn tới sự thay đổi về số lượng và chất lượng. Câu hỏi đặt ra là: dựa vào số lượng và chất lượng phôi trước đông có thể dự đoán được số lượng và chất

lượng phôi sau rã, trước chuyển hay không? Để tìm hiểu chính xác sự thay đổi số lượng của các loại phôi tốt, trung bình, xấu qua các bước kỹ thuật, ở 2 phương pháp, chúng tôi tìm hiểu hệ số tương quan và mô hình hồi quy tuyến tính như sau:

4.2.2.1.Mối tương quan giữa số lượng phôi trước đông và số lượng phôi sau rã.

Việc tìm hiểu mối tương quan giữa số lượng phôi trước đông và số lượng phôi sau rã của cả 3 loại: (tốt, trung bình, xấu ) có ý nghĩa đánh giá tác động của quy trình trữ lạnh lên phôi, đồng thời xác định khả năng bảo toàn chất lượng của từng loại phôi.

* Với phôi tốt (Bảng 3.3):

- Ở cả 2 phương pháp trữ lạnh, sau thống kê đều cho kết quả hệ số tương quan kém chặt (r< 0,5) giữa số lượng phôi tốt trước đông và số lượng phôi tốt sau rã; trừ nhóm phôi ngày 2- thủy tinh hóa (r= 0,585). Điều đó có nghĩa là do ảnh hưởng của quá trình đông lạnh chậm nên không thể dự đoán được số lượng phôi tốt sau rã dựa vào số lượng phôi tốt trước đông.

Có thể, ở nhóm phôi ngày 2, do có số lượng phôi bào ít hơn nhóm phôi ngày 3, nên tác động của chất bảo quản đông lạnh và quá trình trữ và rã đông thủy tinh hóa ít hơn (68,9%) so với nhóm phôi ngày 3 (81,8%). Kết quả là: số lượng và chất lượng của nhóm phôi tốt ngày 2 ít bị biến đổi hơn so với nhóm phôi ngày 3.

Tác giả Zdrovka Velera (2013) nghiên cứu trên nhóm phôi ngày 2 đông lạnh nhận thấy: 78% các chu kỳ có phôi tốt trước đông (n=1319), thì ít nhất sau rã vẫn còn phôi chất lượng tốt [96].

Tóm lại: dù có mối tương quan tuyến tính giữa số lượng phôi tốt trước đông và số lượng phôi tốt sau rã, nhưng mối tương quan này kém chặt, đặc biệt với phương pháp đông lạnh chậm và ở nhóm phôi ngày 3. Điều này thể hiện quá trình hạ nhiệt chậm gây tổn hại tế bào nhiều hơn quá trình thủy tinh hóa. Ở cả 2 phương pháp, với phôi có số lượng phôi bào lớn hơn sẽ bị tổn hại nhiều hơn.

* Với phôi trung bình. (Bảng 3.4): Ở cả 2 phương pháp: số lượng phôi độ 2 (trung bình) trước đông không có ý nghĩa dự báo cho số lượng phôi độ 2 (trung bình) sau rã.

* Với phôi xấu. (Bảng 3.5): Số lượng phôi xấu sau rã tăng lên, do đó, số lượng xấu phôi trước đông không có ý nghĩa dự báo cho số lượng phôi xấu sau rã.

Nguyên nhân khá dễ hiểu, là do ảnh hưởng của quá trình trữ và rã đông làm cho một số phôi độ 2 (trung bình) bị giảm chất lượng, chuyển thành phôi độ 1 (xấu), thậm chí bị thoái hóa. Ngay cả phôi (tốt) cũng không còn gữi nguyên được chất lượng như trước đông, sẽ giảm thành phôi độ 2 (trung bình), độ 1 (xấu), hay thoái hóa. Kết quả là: số lượng phôi độ 1 (xấu) sau rã tăng lên, số lượng phôi độ 3 (tốt) giảm đi và số lượng phôi độ 2 (trung bình) thay đổi.

4.2.1.2 Mối tương quan giữa số lượng phôi sau rã và số lượng phôi trước chuyển.

Xác định mối tương quan giữa số lượng phôi sau rã và số lượng phôi trước chuyển của cả 3 loại: (tốt, trung bình, xấu), lại có ý nghĩa đánh giá kỹ thuật nuôi cấy phôi sau rã đông, đồng thời xác định khả năng phân chia tiếp của từng loại phôi.

* Với phôi tốt. (Bảng 3.6): Ở cả 2 phương pháp, có mối tương quan tuyến tính chặt giữa số lượng phôi (tốt) sau rã và số lượng phôi (tốt) trước chuyển. Điều này có nghĩa: quá trình nuôi cấy phôi sau rã là khá tốt, ít ảnh hưởng và ít làm thay đổi chất lượng phôi, đặc biệt với phôi tốt.

* Với phôi trung bình. (Bảng 3.7):Ở cả 2 phương pháp, có mối tương quan tuyến tính giữa số lượng phôi độ 2 (trung bình) sau rã và số lượng phôi độ 2 (trung bình) trước chuyển, nhưng tương quan này kém chặt. Đặc biệt, nhóm phôi ngày 2- đông chậm không có tương quan.

- Nguyên nhân: số phôi độ 2 trước chuyển = số phôi độ 2 sau rã gữi nguyên được chất lượng phôi + một số phôi độ 3 sau quá trình rã và nuôi cấy bị ảnh hưởng và làm thay đổi chất lượng phôi chỉ còn được độ 2.

* Với phôi xấu. (Bảng 3.8): Ở cả 2 phương pháp trữ lạnh: Có mối tương quan tuyến tính chặt giữa số lượng phôi (xấu) sau rã và số lượng phôi (xấu) trước chuyển. Trừ nhóm phôi ngày 2- thủy tinh hóa có tương quan kém chặt.

Tóm lại, với phôi xấu sau rã, dù được nuôi cấy thêm 1 ngày trước chuyển, cũng không làm thay đổi chất lượng phôi.

4.2.1.3. Mối tương quan giữa số lượng phôi (tốt) trước đông và số lượng phôi (tốt) trước chuyển.

Với cả 2 phương pháp, do ảnh hưởng của quá trình trữ lạnh và rã đông, số lượng phôi tốt trước đông và số lượng phôi tốt trước chuyển, có liên quan tuyến tính nhưng kém chặt (bảng 3.9).

Dù vậy, trong thực hành trữ phôi tại lab, câu hỏi được đặt ra là: Nếu muốn thu được 1 đến 2 phôi tốt trước chuyển thì trước đông cần trữ bao nhiêu phôi? Và nên trữ bao nhiêu phôi trên 1 cọng rạ, để chủ động tiên lượng số phôi tốt thu được trước chuyển và tiên lượng kết quả có thai; đồng thời tiết kiệm số cọng rạ và số phôi cho mỗi lần trữ và rã đông? Câu trả lời: để thu được từ 1 đến 2 phôi tốt trước chuyển thì số lượng phôi cần trữ là bội số chung nhỏ nhất của số lượng được tính theo phương trình tương quan tại bảng 3.10. Số lượng phải trữ là 4 phôi cho cả 2 phương pháp. Có thể trữ 4 phôi trên 1 cọng rạ, với 2 giọt môi trường, mỗi giọt môi trường chứa 2 phôi. Khi rã 4 phôi, có khả năng thu được cao nhất là 2 phôi tốt cho phương pháp thủy tinh hóa. Trường hợp, không thu được phôi tốt nào có thể xem xét rã tiếp cọng thứ 2.