• Không có kết quả nào được tìm thấy

Nhiễm H. pylori và mối liên quan đến dân tộc (chủng tộc)

Trong tài liệu DANH MỤC CÁC HÌNH (Trang 98-101)

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

CHƯƠNG 4 BÀN LUẬN

4.1. TÌNH TRẠNG NHIỄM HP Ở TRẺ  18 TUỔI TRONG QUẦN THỂ NGHIÊN CỨU

4.1.4 Nhiễm H. pylori và mối liên quan đến dân tộc (chủng tộc)

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng, trên cả hai địa bàn nghiên cứu, không tìm thấy sự khác biệt về tỷ lệ nhiễm H. pylori trong mối liên quan đến dân tộc của đối tượng nghiên cứu. Tại địa bàn Điện Biên, tỷ lệ nhiễm của người Kinh cao hơn người dân tộc Thái, ngược lại trên địa bàn Trà Vinh, tỷ lệ nhiễm của người

Kinh lại thấp hơn người dân tộc Khơ me, tuy thế khác biệt này không có ý nghĩa thống kê.

Sự khác biệt huyết thanh học nhiễm H. pylori được quan sát giữa các nhóm dân tộc và các chủng tộc khác nhau ở nhiều quốc gia, các nghiên cứu chỉ ra nhiều yếu tố liên quan như các yếu tố lây nhiễm vi khuẩn, các yếu tố môi trường, nhạy cảm và đáp ứng miễn dịch của chủ thể [142]. Sự khác biệt về tỉ lệ nhiễm H. pylori giữa các nhóm chủng tộc và dân tộc đã được mô tả rất nhiều trong các tài liệu [4], [6], [7], [143], [144], [145], [146], [204]. Tuy nhiên vẫn chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh một cách rõ ràng những khác biệt đó là do di truyền chủng tộc hoặc tách biệt hoàn toàn ra khỏi mối liên quan với các yếu tố kinh tế xã hội và các yếu tố nguy cơ khác có thể.

Nhiều nghiên cứu khác ở Châu Á- Thái Bình Dương cũng đã cho thấy sự khác biệt liên quan đến chủng tộc ngay cả sau khi đã phân tích đa biến để đánh giá tác động độc lập của chủng tộc. Một nghiên cứu trên tổng cộng có 2.381 đối tượng được lựa chọn từ 5 địa điểm khác nhau trong cả nước Malaysia đã cho thấy người gốc Trung Quốc, Ấn Độ, nhập cư có nguy cơ nhiễm cao so với người Mã Lai [144]. Kết quả đó cũng tương đồng với kết quả của Alfizah và cộng sự (2010) khi so sánh tỷ lệ nhiễm trên bệnh nhân được nội soi tiêu hóa trên tại Trường Đại học Kebangsaan Trung tâm Y tế Malaysia, người gốc Ấn Độ có tỷ lệ nhiễm cao nhất (45,4%), tiếp theo là Trung Quốc (36,8%) và thấp nhất đã được nhìn thấy trong người Mã Lai (18,3%) [4]. Tại Singapore, ở nhóm trẻ 11 tuổi cho thấy tỷ lệ trẻ gốc người Ấn Độ có tỷ lệ kháng thể với H. pylori cao hơn những người Trung Quốc hoặc Mã Lai với tỉ lệ là 43%, 23% và 20% [145], [146]. Epplein và cộng sự nghiên cứu tại Mỹ (2011) có cỡ mẫu là 689 người Mỹ gốc Phi thấy người Mỹ gốc Phicó nguy cơ nhiễm H. pylori cao từ 2 - 6 lần so với người da trắng, [2].

Tại Châu Âu, các nghiên cứu cũng cho thấy khác biệt về tỷ lệ nhiễm giữa người bản địa và người gốc nhập cư. Một nghiên cứu trên phụ nữ được thực hiện tại thành phố Rotterdam, một thành phố đa sắc tộc tại Hà Lan giữa tháng 4 năm 2002 và tháng 1 năm 2006 thấy người gốc Ma Rốc cao gấp 19,4 lần, người gốc Cape

Verde cao gấp 7,6 lần so với phụ nữ người gốc Hà Lan. Không những thế tỷ lệ CagA dương tính trong nhóm nhiễm H. pylori cũng có sự khác biệt về chủng tộc [5].

Kinh, Khơ me và Thái là ba dân tộc khác nhau, do đó một cách tự nhiên họ khác nhau về di truyền và vì vậy họ có thể bị ảnh hưởng bởi nguồn gốc khác nhau của vi khuẩn do di cư như thông báo gần đây của Breurec [205]. Ngoài ra, do truyền thống từ lâu đời, những tập tục, thói quen trong sinh hoạt, lao động và giao lưu cuộc sống chắc chắn có nhiều khác biệt với nhau. Tuy nhiên, thực tế kết quả nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt đáng kể nào trong tỷ lệ nhiễm H. pylori giữa hai dân tộc trên cùng địa bàn này, qua đó cho thấy vai trò quan trọng trong của yếu tố điều kiện kinh tế xã hội tương tự cũng như các sự giao thoa văn hóa, lối sống và điều kiện sống tự nhiên mà họ đã chia sẻ trong suốt thế kỷ dài của quá trình chung sống.

Trong thực tế, thật khó có thể khẳng định một cách chính xác mức độ chủng tộc/dân tộc của từng đối tượng trong nghiên cứu dựa vào cộng đồng của chúng tôi khi yếu tố này chỉ được ghi nhận thông qua thông tin hành chính. Việc kết hôn giữa người Thái với người Kinh, người Khơ me và người Kinh cũng như các dân tộc khác là một việc hết sức bình thường và đã diễn ra trong nhiều thế kỷ. Như vậydòng máu, nguồn gene đã có thể được pha trộn, hỗn hợp nhiều lần trong quá trình lịch sử chung sống. Tại thực địa việc xác định chính xác chủng tộc hay dân tộc của những đứa trẻ như vậy khiến người nghiên cứu đôi khi lúng túng. Đó cũng một phần nào giải thích cho kết quả như nhau giữa hai dân tộc khác nhau trên hai địa bàn Trà Vinh và Điện Biên. Kết quả này cũng tương đồng với nghiên cứu dựa vào cộng đồng của Nguyễn Văn Bàng và cộng sự trước đó vào năm 2007, trên 784 thành viên của 245 hộ gia đình của dân tộc Kinh và 4 dân tộc thiểu số khác (Dáy, Mông, Tày, Dao) sống trong một khu vực miền núi biên giới phía Bắc, không có sự khác biệt đáng kể trong tỷ lệ huyết thanh dương tính với H. pylori giữa người Kinh (41,0%) và người Dáy (38,1%) sống tương đối gần nhau trên một địa bàn. Nhưng thật thú vị, các tỷ lệ này cao hơn hơn hẳn so với người Dao (20,3%) và người Tày

(16,7%) cũng như người H’mong (16,1%) những người sống ở vùng sâu vùng xa, hoàn toàn tách biệt khỏi nhóm Kinh và người Dáy (p <0,001) [206]. Trong một nghiên cứu khác của Lê Thọ và Nguyễn Văn Bàng dựa vào cộng đồng gần đây thực hiện trong Tây Nguyên, trên 1.968 thành viên của 498 hộ gia đình, trong đó có 782 người lớn và 1.186 trẻ em dưới 15 tuổi (Kinh, K'ho, Êđê, Raglai) không cho thấy bất kỳ sự khác biệt đáng kể trong H. pylori giá huyết thanh dương tính giữa trẻ em người Kinh (35,3%) và những người thiểu số K'ho (36,0%) sống chung với nhau tại Đức Trọng,Đà Lạt. Điều đáng chú ý là tỷ lệ nhiễm H. pylori ở trẻ em dân tộc thiểu số của hai dân tộc sống ở các khu vực miền núi xa xôi cao hơn so với người Kinh và người K'ho (47,6% ở Ede và 47,2% ở Raglai) (p <0,01) [114]. Vì không có sự khác biệt lớn về tỷ lệ nhiễm H. pylori liên quan với các biến số kinh tế xã hội, thói quen và lối sống và dữ liệu về bản chất của vi khuẩn cũng như về di truyền của đối tượng cũng chưa được nghiên cứu nên không thể đưa ra những giả thuyết nào thêm về tỷ lệ nhiễm khác nhau tại các quần thể dân tộc khác nhau tại Việt Nam.

Trong tài liệu DANH MỤC CÁC HÌNH (Trang 98-101)