• Không có kết quả nào được tìm thấy

1.4. Vật liệu và phương pháp bảo quản để ghép xương sọ tự thân

1.4.1. Vật liệu ghép xương sọ tự thân

Trong phương pháp ghép xương tự thân để tái tạo hộp sọ, việc lựa chọn sử dụng vật liệu như thế nào để phù hợp với bệnh nhân rất quan trọng.

Vật liệu dùng ghép tạo hình khuyết sọ đòi hỏi nhiều đặc điểm riêng, không giống như các vật liệu dùng trong chấn thương chỉnh hình. Ngoài yêu cầu như: không có đào thải về mặt sinh học, đảm bảo độ vững chắc, cần phải đảm bảo tốt được chức năng bảo vệ não tức là vật liệu ghép phải có các đặc tính cơ - lý càng gần giống xương sọ càng tốt…

Vật liệu xương tự thân trong phẫu thuật ghép tự thân: Đó là những mảnh xương được lấy từ một phần khác của chính cơ thể bệnh nhân để ghép vào nơi thiếu xương. Xương tự thân là loại vật liệu tốt vì là thành phần vốn có của cơ thể bệnh nhân [31],[32],[62]. Các mảnh xương tự thân có thể đáp ứng được hầu hết các tính năng chung cần có ở các vật liệu ghép sọ được nhiều tác giả thống nhất [14],[32],[62] đó là phải:

- Phù hợp với khuyết tổn sọ não, đạt được độ kín hộp sọ.

- Có khả năng chống nhiễm trùng (dễ tiệt trùng).

- Có tính phù hợp mô và tương thích sinh học.

- Dẫn nhiệt thấp.

- Thấu xạ, không từ tính.

- Có độ bền, không bị ion hoá và ăn mòn.

- Dễ tạo hình và có tính thẩm mỹ.

- Ít tốn kém.

- Sẵn có để sử dụng.

Để phục vụ cho việc ghép xương tự thân tái tạo hộp sọ, người ta có thể sử dụng: xương sọ, xương chậu, xương sườn, xương bả vai, xương ức, xương chày. Mỗi loại xương có những thuận lợi và hạn chế nhất định [14],[31],[58].

+ Xương sọ: là vật liệu lý tưởng nhất trong phẫu thuật tái tạo khuyết sọ.

Ưu điểm là: xương sọ tự thân có độ cong và phù hợp với hình thái khuyết tổn nhất, có thể sống và hoà nhập vào chủ thể ghép, không dẫn nhiệt và không giãn nở, bền chắc khi được kết hợp, không bị phản ứng, có tính thẩm mỹ cao, khả năng bảo vệ và tính chất sinh học tương đương xương sọ xung quanh, rẻ tiền, luôn sẵn có, không phải phẫu thuật lấy xương ở vùng khác do đó bệnh nhân không phải chịu nhiều vết mổ [14],[31],[58],[63].

+ Xương chậu: có thể cung cấp mảnh ghép kích thước rộng, có kết quả tốt ở vùng trán hốc mắt, những ổ khuyết nhỏ dưới 30 cm2, việc tân tạo mạch

máu nhanh và hấp thụ nhanh hơn, có sự tương đồng với các đường viền của hộp sọ do có độ cong nhất định. Đặng Đình Nam (1995) đã sử dụng mảnh ghép từ xương chậu ở 53 bệnh nhân, kết quả tốt với các trường hợp ổ khuyết sọ kích thước nhỏ dưới 30cm2 [trích theo 8]. Tuy nhiên, xương chậu có nhược điểm là: dễ có biến chứng khi lấy xương như xuất huyết, thủng ruột, tổn thương thần kinh [31].

+ Xương sườn: phương pháp lấy xương sườn để tái tạo hộp sọ được phổ biến rộng rãi vào đầu thế kỷ 20. Mảnh xương sườn ghép thường mỏng, cung cấp xương cứng và xương xốp, hỗ trợ tốt cho việc tái tạo xương sọ, mảnh ghép xương sườn cũng có thể được sử dụng như một nguồn xương sụn để sửa chữa khuyết sọ rộng. Tuy nhiên, xương sườn mềm nên gây khó khăn khi ghép và việc sử dụng mảnh ghép này để phẫu thuật tạo hình vùng trán có thể đem lại kết quả không cao về mặt thẩm mỹ, mặt khác dễ xảy ra các biến chứng trong và sau phẫu thuật như biến dạng ngực, có vấn đề về hô hấp [14],[31],[62].

+ Xương bả vai: là một lựa chọn tốt trong ghép xương tự thân, nhưng ít được sử dụng do khó khăn trong việc lấy xương và thường có tỷ lệ biến chứng cao [14],[31],[57].

+ Xương ức: có ưu điểm là việc tân tạo mạch máu nhanh hơn, hấp thụ nhanh hơn. Tuy nhiên, việc lấy xương ức ghép sọ không được sử dụng rộng rãi do việc lấy xương khó khăn, phức tạp và kích thước xương ức có thể không đủ so với ổ khuyết sọ [14],[31],[57].

+ Xương chày: để tái thiết thẩm mỹ hộp sọ cho bệnh nhân, người ta có thể sử dụng xương chày [14]. Hiện nay, xương chày hiếm khi được sử dụng vì việc lấy xương khó khăn và gây đau đớn cho bệnh nhân, mặt khác lượng xương thu được nhỏ, ít thích hợp với hình dạng sọ, đặc biệt việc tạo đường

viền sọ đối với xương chày cũng không dễ dàng và dễ gây gãy xương chày ở những vùng đã lấy xương đi [14],[57].

Nhìn chung, vật liệu xương tự thân để tái tạo khuyết tổn hộp sọ đa dạng. Mỗi loại vật liệu cũng đều có những thuận lợi và có những mặt hạn chế.

Không có vật liệu nào tối ưu cho mọi trường hợp. Việc quyết định lựa chọn loại vật liệu phù hợp sẽ là yếu tố quan trọng đóng góp vào thành công của việc tái tạo khuyết sọ. Về lý thuyết và theo quan điểm của các nhà lâm sàng, các mảnh xương sọ để ghép tự thân là loại vật liệu đáp ứng đầy đủ nhất về các tiêu chí cần có ở các vật liệu ghép sọ hiện nay, tránh cho bệnh nhân phải phẫu thuật lấy xương ở vùng khác.

Phương pháp ghép tự thân điều trị khuyết sọ là sử dụng mảnh xương sọ của chính bệnh nhân để tạo hình hộp sọ cho chính họ, tuy nhiên mảnh xương này không thể sử dụng được ngay mà phải chờ cho đến khi tình trạng bệnh nhân tốt lên, thông thường phải hàng tháng, thậm chí hàng năm, do vậy phải bảo quản được mảnh xương trong thời gian chờ đợi ghép lại.