• Không có kết quả nào được tìm thấy

Nhiệm vụ của thống kê doanh nghiệp

N/A
N/A
Protected

Academic year: 2022

Chia sẻ "Nhiệm vụ của thống kê doanh nghiệp"

Copied!
10
0
0

Loading.... (view fulltext now)

Văn bản

(1)

BÀI 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN CỦA THỐNG KÊ DOANH NGHIỆP

Hướng dẫn đọc

Đọc kỹ tài liệu, thảo luận với giáo viên và các học viên khác về những nội dung còn chưa nắm rõ.

Trả lời các câu hỏi ôn tập, câu hỏi trắc nghiệm ở cuối bài.

Mục tiêu Nội dung

Giúp học viên hiểu rõ vai trò của thông tin thống kê trong quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Làm rõ đối tượng, phạm vi, phương pháp nghiên cứu, nhiệm vụ và các cơ sở lý luận của thống kê doanh nghiệp.

Thời lượng

4 tiết

Vai trò của thông tin thống kê trong quản lý doanh nghiệp.

Đối tượng, phạm vi và phương pháp nghiên cứu của thống kê doanh nghiệp.

Cơ sở lý luận và phương pháp luận của thống kê doanh nghiệp.

Nhiệm vụ của thống kê doanh nghiệp.

(2)

TÌNH HUỐNG DẪN NHẬP

Tình huống: Sở hữu doanh nghiệp chuyên về sản xuất kinh doanh các sản phẩm may mặc Gia đình bạn đang sở hữu một doanh nghiệp chuyên về sản xuất kinh doanh các sản phẩm may mặc. Để tin tưởng giao toàn quyền quản lý doanh nghiệp cho bạn sau này, bố mẹ quyết định giao cho bạn quản lý một xí nghiệp nhỏ.

Bạn bắt tay vào công việc một cách đầy hứng khởi và nhiệt huyết. Với mong muốn hoàn thành tốt công việc được giao, bạn đăng ký tham gia vào một khoá học nhằm trang bị cho mình những kiến thức về kỹ năng quản trị doanh nghiệp. Trong khoá học đó, bạn nhận thấy, muốn sản xuất kinh doanh có hiệu quả thì nhà quản lý cần phải nắm được các thông tin về toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp từ khâu điều tra nhu cầu thị trường, ký kết hợp đồng sản xuất, đến khâu dự trữ, sử dụng các nguồn lực, quá trình sản xuất sản phẩm, hoạt động tiêu thụ sản phẩm... Để thực hiện được các yêu cầu này đòi hỏi phải tổ chức tốt các hoạt động thống kê tại doanh nghiệp mình.

Câu hỏi

Bạn rất băn khoăn tự hỏi, thống kê doanh nghiệp là gì mà quan trọng đến thế?

(3)

1.1. Thông tin thống kê trong quản lý doanh nghiệp

1.1.1. Hệ thống thông tin thống kê phục vụ quản lý doanh nghiệp 1.1.1.1. Các loại thông tin thống kê phục vụ quản lý doanh nghiệp

Trong quá trình quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, có một số loại thông tin quan trọng mà bất kỳ một nhà quản lý nào cũng phải sử dụng tới, đó là:

 Thông tin xác định phương hướng sản xuất, kinh doanh bao gồm:

o Quan hệ cung – cầu về sản phẩm ở trong và ngoài nước;

o Tình hình phát triển các loại sản phẩm có giá trị sử dụng tương đương với loại sản phẩm này;

o Giá cả các yếu tố đầu vào và giá tiêu thụ sản phẩm đầu ra ở cả thị trường trong và ngoài nước;

o Trình độ phát triển của khoa học, kỹ thuật đối với sự phát triển của mặt hàng hiện tại và trong tương lai.

 Thông tin đảm bảo lợi thế cạnh tranh

Nền kinh tế thị trường càng phát triển thì cạnh tranh càng trở nên gay gắt. Để chiến thắng trong cạnh tranh, các doanh nghiệp phải đảm bảo yếu tố bí mật về tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị mình, đồng thời phải tìm hiểu các thông tin liên quan từ phía đối thủ.

Để làm được việc này, các doanh nghiệp cần phải xây dựng một hệ thống thông tin nội bộ chặt chẽ, chính xác để qua đó có thể tự đánh giá được tình hình cũng như khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tổ chức các cuộc điều tra chuyên môn nhằm thu thập những thông tin cần thiết về khách hàng, thị trường, các đối thủ cạnh tranh. Những cuộc điều tra đó thường tập trung vào điều tra thị hiếu tiêu dùng, nhu cầu tiêu dùng, khả năng thanh toán của khách hàng...

 Thông tin phục vụ tối ưu hoá sản xuất

Đây là các thông tin liên quan đến việc cung ứng và sử dụng các yếu tố đầu vào của sản xuất như: lao động, vốn, máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu...

Để nắm được các thông tin này đòi hỏi doanh nghiệp phải tìm kiếm các thông tin có liên quan đến hoạt động sản xuất như: nguồn cung ứng và giá cả các yếu tố đầu vào, tình hình tiêu thụ sản phẩm đầu ra nhằm đưa ra quyết định tối ưu nhất.

 Thông tin về kinh tế vĩ mô

Những thông tin về kinh tế vĩ mô có vai trò định hướng cho sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. Những thông tin này bao gồm:

o Thông tin quản lý: là các văn bản mới về pháp luật, các chính sách kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước, các kế hoạch phát triển, định hướng phát triển của ngành, lĩnh vực trong từng giai đoạn. Đây cũng có thể là các quan điểm, ý kiến rút ra từ các kinh nghiệm quản lý ở trong và ngoài nước.

(4)

o Thông tin kinh tế: bao gồm những thông tin về giá cả, thị trường tài chính, chứng khoán, thương mại, đầu tư...

o Thông tin khoa học – kỹ thuật: những thông tin có liên quan đến việc ứng dụng hoặc cải tiến khoa học kỹ thuật, công nghệ của doanh nghiệp.

1.1.1.2. Nguồn thông tin thống kê phục vụ quản lý doanh nghiệp

Thông tin thống kê phục vụ cho hoạt động quản lý doanh nghiệp thường thu được từ hai nguồn sau:

 Nguồn thông tin mà doanh nghiệp phải tự tổ chức thu thập: xuất phát từ yêu cầu quản lý mà doanh nghiệp phải tự tổ chức thu thập các thông tin cần thiết. Để có được những thông tin này, doanh nghiệp có thể dựa trên cơ sở hệ thống sổ sách ghi chép ban đầu hoặc tổ chức các cuộc điều tra chuyên môn. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp có thể mua lại từ các cơ quan, tổ chức có thông tin liên quan.

 Nguồn thông tin sẵn có: các thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng như sách báo, niên giám thống kê, phát thanh, truyền hình, Internet...

Nguồn thông tin này thường liên quan đến các nội dung quản lý kinh tế vĩ mô, do đó đặc biệt có ích khi doanh nghiệp đưa ra chiến lược phát triển dài hạn của mình.

1.1.2. Vai trò của thông tin thống kê trong quản lý doanh nghiệp Trong nền kinh tế thị trường, mỗi doanh nghiệp phải

tự vận động để tìm kiếm thị trường đầu vào và thị trường đầu ra cho mình nhằm đảm bảo sản xuất, kinh doanh diễn ra ổn định và đạt lợi nhuận cao nhất.

Để thực hiện tốt vai trò quản lý và ra quyết định, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải nắm bắt được hiện tượng kinh tế xã hội có liên quan một cách chính xác

dựa trên cơ sở thu thập, xử lý và phân tích các thông tin đa dạng, đa chiều.

Khi đó, thông tin thống kê giúp doanh nghiệp xác định rõ phương hướng sản xuất, kinh doanh, xây dựng chiến lược phát triển ngắn hạn và dài hạn nhằm đảm bảo độ an toàn với hiệu quả cao. Thông tin thống kê cũng giúp cho doanh nghiệp xác định đúng đắn năng lực sản xuất cũng như khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp mình nhằm tìm giải pháp tốt nhất để hội nhập và chiếm lĩnh thị trường.

Do đó, ta có thể khẳng định rằng, thông tin thống kê là một trong những công cụ sắc bén, phục vụ đắc lực và hiệu quả nhất cho công tác quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

1.2. Đối tượng, phạm vi và phương pháp nghiên cứu của thống kê doanh nghiệp 1.2.1. Đối tượng nghiên cứu của thống kê doanh nghiệp

Đối tượng nghiên cứu của thống kê doanh nghiệp là mặt lượng trong mối liên hệ mật thiết với mặt chất của các hiện tượng và quá trình kinh tế – xã hội phát sinh trong quá trình tái sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ở mỗi điều kiện lịch sử cụ thể.

(5)

Đối tượng nghiên cứu của thống kê doanh nghiệp là một bộ phận quan trọng của thống kê học, đối tượng nghiên cứu của thống kê doanh nghiệp có những điểm chung giống với đối tượng nghiên cứu của thống kê học. Tuy nhiên, là một môn khoa học xã hội độc lập nên đối tượng nghiên cứu của thống kê doanh nghiệp cũng có những nét đặc thù riêng có của nó, thể hiện ở những mặt sau:

Thứ nhất, thống kê doanh nghiệp nghiên cứu mặt lượng trong mối liên hệ mật thiết với mặt chất của các hiện tượng kinh tế xã hội phát sinh trong quá trình tái sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Chúng ta đều biết, con số thống kê rất khác với con số toán học ở chỗ: luôn gắn liền với một nội dung kinh tế xã hội cụ thể, gắn với những điều kiện thời gian không gian cụ thể, có đơn vị tính phù hợp và đặc biệt, chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố khác nhau. Các môn học thống kê nói chung đều nghiên

cứu quy luật số lượng, dùng con số để biểu hiện bản chất và tính quy luật của các hiện tượng kinh tế xã hội.

Thống kê doanh nghiệp cũng vậy, thông qua các hoạt động tổ chức thu thập, xử lý và phân tích các thông tin bằng số liên quan đến quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà người ta thấy được bản chất và tính quy luật của quá trình đó.

Thứ hai, thống kê doanh nghiệp không nằm ngoài đặc điểm của các môn học thống kê nghiên cứu các hiện tượng kinh tế xã hội số lớn.

Cũng như các môn thống kê khác, thống kê doanh nghiệp nghiên cứu mặt lượng của số lớn các hiện tượng kinh tế xã hội. Thông qua nghiên cứu số lớn các đơn vị, tác động của những nhân tố ngẫu nhiên đến mặt lượng của các đơn vị cá biệt sẽ triệt tiêu lẫn nhau làm lộ rõ bản chất và tính quy luật của sự vật hiện tượng nghiên cứu.

Bên cạnh đó, trong một số trường hợp cụ thể, thống kê doanh nghiệp còn nghiên cứu cả những hiện tượng cá biệt.

Thứ ba, thống kê doanh nghiệp nghiên cứu các hiện tượng trong điều kiện thời gian và địa điểm cụ thể.

Các hiện tượng kinh tế xã hội phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp luôn luôn tồn tại trong những điều kiện lịch sử cụ thể. Khi thời gian và không gian thay đổi, các hiện tượng cũng vận động, phát triển và biến đổi theo.

Vì vậy, khi nghiên cứu cần phải xác định rõ hiện tượng đó đang nằm ở thời gian, không gian nào thì con số thống kê mà nó phản ánh mới có đầy đủ ý nghĩa.

1.2.2. Phạm vi nghiên cứu của thống kê doanh nghiệp

 Thống kê doanh nghiệp nghiên cứu các hiện tượng kinh tế – xã hội phát sinh trong quá trình tái sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong những điều kiện thời gian và địa điểm cụ thể.

Các hiện tượng phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm:

o Các hiện tượng phản ánh đầu vào của quá trình sản xuất như: lao động, tài sản

(6)

o Các hiện tượng phản ánh đầu ra của quá trình sản xuất như: sản lượng, doanh thu, lợi nhuận...

o Các hiện tượng phản ánh tình hình tài chính của doanh nghiệp như: vốn tài chính và tình hình hình sử dụng vốn của doanh nghiệp.

 Bên cạnh những hiện tượng trên, thống kê doanh nghiệp còn nghiên cứu các hoạt động diễn ra trong doanh nghiệp như: quan hệ cung cầu về sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất, tình hình tiêu thụ sản phẩm, đánh giá chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, tình hình lỗ lãi trong kinh doanh...

1.2.3. Phương pháp nghiên cứu của thống kê doanh nghiệp Thống kê doanh nghiệp vận dụng các phương pháp nghiên cứu của thống kê học để tổng hợp và phân tích số liệu như: phương pháp phân tổ, phương pháp bảng và đồ thị thống kê, phương pháp phân tích hồi quy tương quan, phương pháp phân tích dãy số thời gian, phương pháp chỉ số... Ngoài ra, thống kê doanh nghiệp cũng khuyến khích sử dụng các phương tiện tính toán

hiện (đại như máy vi tính) để phân tích và dự báo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

1.3. Cơ sở lý luận và phương pháp luận của thống kê doanh nghiệp 1.3.1. Cơ sở lý luận của thống kê doanh nghiệp

Hệ thống lý luận của thống kê doanh nghiệp được xây dựng dựa trên cơ sở các học thuyết kinh tế học của chủ nghĩa Mác và kinh tế học thị trường (kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô).

Chúng ta đều biết, nội dung của kinh tế học là đề cập đến các khái niệm, các phạm trù và quy luật kinh tế.

Với những kiến thức có được từ môn học này, nhà

thống kê có thể hiểu nội dung kinh tế của các chỉ tiêu một cách sâu sắc. Từ đó, lựa chọn phương pháp tính và phân tích các chỉ tiêu một cách hợp lý.

Thống kê doanh nghiệp là một công cụ phục vụ cho công tác quản lý. Vì vậy, đường lối chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước trong từng thời kỳ nhất định cũng là một cơ sở lý luận vững chắc của thống kê doanh nghiệp.

1.3.2. Cơ sở phương pháp luận của thống kê doanh nghiệp

 Cơ sở phương pháp luận của thống kê doanh nghiệp là chủ nghĩa duy vật biện chứng. Đây là khoa học về các quy luật chung nhất của thế giới vật chất và tư duy, về các dạng vận động của vật chất. Trong nghiên cứu, phép biện chứng duy vật giúp cho các nhà thống kê phân tích đối tượng nghiên cứu một cách khách quan và khoa học.

(7)

 Thống kê nói chung thường nghiên cứu mặt lượng của hiện tượng số lớn để qua đó thấy được bản chất sâu sắc của chúng. Thống kê doanh nghiệp nói riêng lấy chủ nghĩa duy vật biện chứng làm cơ sở phương pháp luận, biểu hiện trên một số khía cạnh sau:

o Dựa trên nguyên lý về mối liên hệ phổ biến của chủ nghĩa duy vật biện chứng, thống kê doanh nghiệp đưa ra các phương pháp xem xét và đánh giá quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong trạng thái động, trong mối quan hệ về thời gian và không gian, trong mối quan hệ biện chứng với các hiện tượng kinh tế xã hội có liên quan. Có nghĩa là, phải đứng trên quan điểm toàn diện để xem xét và nghiên cứu các hiện tượng kinh tế xã hội phát sinh trong hoạt động của doanh nghiệp.

o Dựa trên nguyên lý về sự phát triển, thống kê doanh nghiệp xây dựng các phương pháp nghiên cứu sự biến động của các hiện tượng kinh tế xã hội phát sinh trong hoạt động của doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là phải quán triệt quan điểm phát triển, coi đây là nguyên tắc chỉ đạo mọi hành động và tư duy của con người.

 Thống kê doanh nghiệp lấy nguyên lý thống kê, lý thuyết xác suất thống kê toán làm cơ sở phương pháp luận để xây dựng hệ thống các phương pháp thu thập, tổng hợp, phân tích và dự đoán thống kê.

1.4. Nhiệm vụ của thống kê doanh nghiệp

Nhiệm vụ chung của thống kê doanh nghiệp là thu thập, xử lý, phân tích và dự đoán các thông tin thống kê doanh nghiệp nhằm phục vụ cho công tác quản lý kinh tế trong doanh nghiệp, ngành và toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, các doanh nghiệp thường hoạt động sản xuất kinh doanh

đa dạng trên nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề khác nhau. Vì vậy, nhiệm vụ của thống kê doanh nghiệp cũng khó khăn và phức tạp hơn.

Nhiệm vụ của thống kê doanh nghiệp:

Thống kê doanh nghiệp cùng một lúc phải thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng:

o Thứ nhất, thu thập các thông tin phục vụ yêu cầu quản lý doanh nghiệp;

o Thứ hai, thực hiện chế độ báo cáo thống kê theo quy định của Luật Thống kê.

Khi đó, thống kê doanh nghiệp có những nhiệm vụ cụ thể sau:

 Thu thập các thông tin liên quan đến các yếu tố đầu vào và tình hình sử dụng các yếu tố đầu vào cho quá trình tái sản xuất của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, dự trữ sản phẩm... để đảm bảo sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao.

 Thu thập các thông tin phản ánh tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, các thông tin chi phí sản xuất, giá thành, giá cả, chất lượng sản phẩm... Trên cơ sở đó, phát hiện nhu cầu thị trường để có phương án sản xuất hợp lý đối với từng mặt hàng.

(8)

 Cung cấp những thông tin cần thiết làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới.

 Lập các báo cáo thống kê định kỳ theo yêu cầu của địa phương, ngành chủ quản hoặc của các cơ quan thống kê...

Các bước tiến hành thống kê doanh nghiệp:

o Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh và đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

o Lựa chọn các giải pháp củng cố và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

o Dự báo thống kê về nhu cầu và khả năng phát triển của doanh nghiệp để lập kế hoạch ngắn hạn và dài hạn.

(9)

TÓM LƯỢC CUỐI BÀI

Thông tin thống kê là một trong những công cụ sắc bén, phục vụ đắc lực và hiệu quả nhất trong quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Để có thông tin phục vụ cho công tác quản lý, doanh nghiệp có thể tự tổ chức thu thập hoặc tìm kiếm từ các nguồn sẵn có. Các thông tin này bao gồm: thông tin xác định phương hướng sản xuất kinh doanh, thông tin đảm bảo lợi thế cạnh tranh, thông tin phục vụ tối ưu hoá sản xuất và thông tin về kinh tế vĩ mô.

Thống kê doanh nghiệp là một môn học thống kê nghiên cứu mặt lượng trong mối liên hệ mật thiết với mặt chất của các hiện tượng và quá trình kinh tế – xã hội số lớn phát sinh trong quá trình tái sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện lịch sử cụ thể.

Môn học này được xây dựng trên cơ sở lý luận là các học thuyết kinh tế học của chủ nghĩa Mác và kinh tế học thị trường (kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô) với phương pháp luận là chủ nghĩa duy vật biện chứng.

Nhiệm vụ chủ yếu của thống kê doanh nghiệp là: thu thập các thông tin liên quan đến các yếu tố đầu vào và tình hình sử dụng các yếu tố đầu vào cho quá trình tái sản xuất của doanh nghiệp; thu thập các thông tin phản ánh tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, các thông tin chi phí sản xuất, giá thành, giá cả, chất lượng sản phẩm...; cung cấp những thông tin cần thiết làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới; phân tích và dự đoán thống kê ngắn hạn về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và lập các báo cáo thống kê định kỳ theo quy định.

(10)

CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Trình bày hệ thống thông tin quản lý và vai trò của thông tin thống kê trong quản lý doanh nghiệp hiện nay?

2. Trình bày đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu của thống kê doanh nghiệp. So sánh với đối tượng nghiên cứu của thống kê học?

3. Hãy nêu rõ cơ sở lý luận và phương pháp luận xây dựng môn học Thống kê doanh nghiệp?

4. Thống kê doanh nghiệp có nhiệm vụ gì?

Tài liệu tham khảo

Tài liệu liên quan

Trách nhiệm xã hội về bản chất là những nghĩa vụ mà một doanh nghiệp phải thực hiện đối với xã hội nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực

Trong vai trò là một doanh nghiệp sản xuất, chất lượng là yếu tố hàng đầu đối với doanh nghiệp, Công ty luôn nỗ lực không ngừng học hỏi, áp dụng những

Loại hình tài sản này có hai đặc điểm nổi bật sau: Tham gia vào nhiều chu kỳ sản xuất kinh doanh và vẫn giữ nguyên được hình thái vật chất ban đầu cho đến khi hư

Lợi nhuận của doanh nghiệp được tạo ra không chỉ là kết quả của việc sử dụng các yếu tố hay nguồn lực vật chất hiện có (tài sản hữu hình) mà còn có sự đóng góp của các yếu

Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp ERP là một thuật ngữ được dùng liên quan đến một loạt hoạt động của doanh nghiệp, do phần mềm máy tính hỗ trợ giúp quản lý các hoạt động chủ

Để phát huy được vai trò thực sự của kế toán là công cụ quản lý kinh tế ở doanh nghiệp thì kế toán doanh thu và xác định kết quả kinh doanh chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ sau: - Lập

Kết quả nghiên cứu cho thấy kết quả xuất khẩu của doanh nghiệp rau quả chịu sự tác động của 4 yếu tố bên ngoài doanh nghiệp: Đặc điểm ngành và cường độ cạnh tranh có tác động cùng chiều

Sau phần trao Quyết định bổ nhiệm Phó Tổng cục trưởng TCTK và tặng hoa cho đồng chí Lê Trung Hiếu, thay mặt Bộ trưởng Bộ KHĐT, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chúc mừng Tổng cục Thống kê có