• Không có kết quả nào được tìm thấy

PHÂN TẦNG XÃ HỘI HỢP THỨC TỪ SỰ TỔNG TÍCH HỢP CÁC LÝ THUYẾT XÃ HỘI HỌC PHƯƠNG TÂY VÀ MỘT SỐ GỢI MỞ VỀ CÔNG BẰNG XÃ HỘI

N/A
N/A
Protected

Academic year: 2022

Chia sẻ "PHÂN TẦNG XÃ HỘI HỢP THỨC TỪ SỰ TỔNG TÍCH HỢP CÁC LÝ THUYẾT XÃ HỘI HỌC PHƯƠNG TÂY VÀ MỘT SỐ GỢI MỞ VỀ CÔNG BẰNG XÃ HỘI "

Copied!
10
0
0

Loading.... (view fulltext now)

Văn bản

(1)

PHÂN TẦNG XÃ HỘI HỢP THỨC TỪ SỰ TỔNG TÍCH HỢP CÁC LÝ THUYẾT XÃ HỘI HỌC PHƯƠNG TÂY VÀ MỘT SỐ GỢI MỞ VỀ CÔNG BẰNG XÃ HỘI

NGUYỄN ĐÌNH TẤN*

1. Từ tổng - tích hợp các lý thuyết về phân tầng xã hội đến việc đưa ra những kiến giải mới về “phân tầng xã hội hợp thức” và “không hợp thức”

Trong lịch sử xã hội học đã từng tồn tại 3 cách kiến giải khác nhau về phân tầng xã hội (PTXH): cách kiến giải của những người theo thuyết chức năng, những người theo thuyết xung đột và những người theo thuyết dung hòa.

Những người theo thuyết chức năng cho rằng phân tầng xã hội và bất bình đẳng xã hội là những hiện tượng phổ biến, tất yếu không thể tránh khỏi trong xã hội loài người.

Hiện tượng này tồn tại trong quá khứ và sẽ còn tiếp tục tồn tại như một nét nổi bật trong xã hội hiện đại trong tương lai. Theo họ, phân tầng xã hội và bất bình đẳng xã hội thực hiện một chức năng cần thiết và tích cực trong xã hội. Hai đại biểu của thuyết chức năng là Davis và Moore cho rằng “sự bất bình đẳng xã hội là một di sản mà nhờ vào đó xã hội bảo đảm những địa vị quan trọng nhất phải do những người có tài năng nhất đảm nhiệm một cách có ý thức. Từ đó mỗi một xã hội bất kể đơn giản hay phức tạp, phải khiến cho con người khác biệt nhau về mặt uy tín và tín nhiệm, do đó mà phải có một số bất bình đẳng được thiết chế hóa”. Với tư cách là một cơ chế vận động, một xã hội như thế nào đó phải phân công những thành viên của mình vào các địa vị xã hội và khiến họ thực hiện những bổn phận ở các địa vị đó. Vậy thì một cách không tránh khỏi, một xã hội phải có cách nào đó để phân phối những phần thưởng khác nhau tùy theo địa vị. Những phần thưởng và sự phân phối chúng trở thành một bộ phận của trật tự xã hội và như vậy làm nổi lên sự phân tầng” (Bilton và các cộng sự, 1993).

Theo quan niệm này, phân tầng xã hội và bất bình đẳng xã hội có tính chức năng, nó là tích cực và không tránh khỏi trong các chế độ xã hội loài người. Có thể tóm tắt những ý tưởng chính của các kiến giải này như sau:

- Trong xã hội có một số địa vị xét về mặt chức năng là quan trọng hơn những địa vị khác. Đó là những địa vị then chốt trong xã hội và để đảm nhiệm những nhiệm vụ đó phải có những người có những tài năng và kỹ năng đặc biệt phù hợp.

- Không phải bất cứ ai trong xã hội cũng đều có tài năng hay kỹ năng đặc biệt để đảm nhiệm những vị thế, vai trò nhất định trong xã hội.

*GS.TS, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

(2)

- Để có những kỹ năng đặc biệt đó, người ta phải trải qua những khoá học tập, huấn luyện để có đủ trình độ đứng vào những địa vị cao một khi người ta sẽ nhận được những lợi ích xứng đáng gắn với địa vị mà họ sẽ đảm nhận khi thành đạt.

- Do vậy cần thiết phải thiết chế hoá chế độ phân phối lợi ích bất bình đẳng một cách phù hợp với những thang bậc trong xã hội.

Những người theo thuyết xung đột cho rằng, do sự khan hiếm các nguồn lực, sự phân công lao động xã hội và bất bình đẳng trong phân bố nguồn lực, quyền lực nên giữa các cá nhân, các nhóm xã hội luôn nằm trong tình trạng xung đột, cạnh tranh lợi ích. Theo Ralf Dahrendorf, chính sự phân chia quyền lực trong xã hội theo nguyên tắc “kẻ có người không” đã làm cho xã hội phân chia thành các giai cấp. Ông cho rằng, phân tầng xã hội bắt nguồn từ sự phân chia quyền lực, trực tiếp là vị trí xã hội.

Marx được các nhà xã hội học phương Tây xếp vào một trong những người đặt nền tảng kinh điển cho lý thuyết xung đột (Gunter Endruweit, 1999). Ông “đã tạo ra được truyền thống theo lý thuyết xung đột trong lý thuyết xã hội nhờ khái niệm đấu tranh giai cấp và mâu thuẫn xã hội”1. Ông cho rằng, sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và phân công lao động xã hội là những nguồn gốc chính của phân tầng xã hội (K.Mác và F.Engels, 1995). Phân tầng xã hội liên quan trực tiếp đến sự bất bình đẳng giai cấp, tức là liên quan tới địa vị của họ trong kinh tế, mà cốt lõi là chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất.

Theo ông, quan hệ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất là dấu hiệu cơ bản nhất của PTXH và đấu tranh giai cấp nhằm xoá bỏ những mâu thuẫn, xung đột trong những quan hệ sở hữu, từ đó tạo điều kiện cho lực lượng sản xuất phát triển chính là nguồn gốc, động lực thúc đẩy sự phát triển của lịch sử trong xã hội có giai cấp (Endruweit và Trommdorff, 1999: 891).

Những người theo thuyết xung đột đã phê phán một cách gay gắt thuyết chức năng về phân tầng xã hội. Theo họ, lập luận của những người theo thuyết chức năng cho rằng phân tầng xã hội là một hiện tượng tích cực, mang tính chức năng và cần thiết cho sự tồn tại của xã hội, thực chất là sự “phản chức năng” (Dysfunctional).

Tunin - một đại biểu của thuyết xung đột cho rằng, “chính tự thân hệ thống phân tầng đã hạn chế sự phát triển các thành viên có tài năng tiềm tàng ở những tầng dưới”

(Bilton và các cộng sự, 1993: 62).

Sự phân phối không đồng đều của cải trong xã hội phân tầng đã khiến cho những kẻ có của, có đặc quyền được hưởng những lợi ích dễ dãi trong giáo dục để phát triển tài năng, trong khi cùng lúc đó lại làm cho những người dưới đáy bị bất lợi. Sự thiết chế hoá chế độ bất bình đẳng đã duy trì trật tự có lợi cho người giàu và chống lại những người nghèo. Như vậy, xã hội phân tầng đã không sử dụng hết nguồn tài năng một cách có hiệu quả, đầy đủ. Nó làm hạn chế tự do của tầng lớp bên dưới và làm tích tụ thêm, gay gắt thêm những xung đột và bất bình xã hội.

1 Gunter Endruweit (chủ biên). 1999. Các lý thuyết xã hội học hiện đại. Nxb Thế giới. Hà Nội. Chú giải thêm: Trong thuyết xung đột có rất nhiều đại biểu khác nhau, Marx chỉ là một trong các đại biểu với một loại ý kiến của riêng ông. Tuy nhiên ý kiến của ông có ảnh hương lớn tới nhiều nhà xã hội học khác.

(3)

Hơn nữa, trong xã hội phân tầng, một số người nhận được những lợi ích không phải trực tiếp do tài năng hay tầm quan trọng trong chức năng, mà lại chủ yếu do dòng dõi. Ở đây, sự thừa kế tài sản của dòng dõi để lại những lợi thế về mặt vật chất và xã hội là một trong những nhân tố cốt lõi để duy trì sự bất bình đẳng.

Lý thuyết chức năng cũng sai sót khi “đặt” sự phân tầng có tính tiêu chuẩn và văn hoá trong một cái khung bất bình đẳng vật chất cụ thể. Họ đã không tính tới sự lệ thuộc phổ biến của yếu tố quyền lực. Uy tín đó chỉ có thể có được thông qua những lớp đào tạo mà chỉ ở những người “có của” mới có đủ tiền bạc để chi phí và lĩnh hội.

Lenski, một đại biểu của thuyết dung hòa, cho rằng, trong xã hội luôn có những động cơ thôi thúc người ta chiếm giữ các vị trí xã hội, đồng thời cũng diễn ra các quá trình mâu thuẫn, xung đột và tranh giành quyền thống trị.

Max Weber đưa ra nguyên tắc nghiên cứu “ba chiều” về phân tầng xã hội. Ông đã tách một luận điểm về giai cấp thành ba phần riêng biệt, song có quan hệ tác động mật thiết qua lại với nhau. Đó là địa vị kinh tế hay tài sản; địa vị chính trị hay quyền lực, địa vị xã hội hay uy tín. Ông không thừa nhận quan niệm cho rằng chỉ có quan hệ kinh tế là yếu tố duy nhất giải thích cấu trúc xã hội và là động lực đầu tiên của mọi sự thay đổi trong xã hội. Ông cho rằng, những tư tưởng tôn giáo có ảnh hưởng độc lập về mặt lịch sử và lĩnh vực chính trị thường là lực lượng kiểm soát cốt yếu những thay đổi của xã hội.

Trong tiểu luận “Giai cấp, địa vị, đảng phái”, ông cho rằng, bất bình đẳng trong xã hội có thể không dựa trên cơ sở của những quan hệ kinh tế mà trên uy tín hoặc quyền lực chính trị được huy động thông qua một đảng. Ông lấy ví dụ, đẳng cấp là một hệ thống phân tầng xã hội phản ánh một xã hội bất bình đẳng không phải trực tiếp dựa trên cơ sở kinh tế mà trên những khác biệt đặc biệt về địa vị của những nền tảng và nghi thức tôn giáo.

Max Weber nhấn mạnh, quyền lực kinh tế có thể là kết quả từ sự sở hữu quyền lực trên các nền tảng khác. Địa vị xã hội hay uy tín có thể xuất phát từ quyền lực kinh tế, nhưng đây không phải là trường hợp tất yếu. Ông dẫn ra trường hợp nhà kinh doanh mới giàu lên, song chưa có được sự giáo dục và văn hoá cần thiết để nắm được những địa vị cao. Tương tự như vậy, địa vị cao trong kinh tế có thể được tạo nên trên cơ sở của quyền lực chính trị.

Lý thuyết tổng quát của Marx về phân tầng xã hội

Theo Tony Bilton và các đồng sự, Marx đã cung cấp cho xã hội học và chính trị học hiện đại một trong những tiếp cận lý thuyết bao quát và mạnh mẽ nhất... điều chắc chắn là bất cứ lý thuyết phân tầng nào đều vay mượn của Marx cách lý giải về giai cấp ngay dù nhà xã hội học đó kết thúc bằng cách bài bác Marx. Lý do là ở chỗ, học thuyết của Marx về xã hội chủ yếu dựa trên sự nghiên cứu các mối quan hệ kinh tế và các quan hệ kinh tế này lại tạo thành nền tảng của giai cấp. Với Marx, mối quan hệ giai cấp là chìa khoá của mọi mặt của xã hội. Mọi xã hội không cộng sản đều là xã hội có giai cấp. Mối lợi kinh tế, quyền lực chính trị và uy tín xã hội, tất thảy đều bắt nguồn từ cấu trúc giai cấp, các giai cấp đó vượt qua các nhóm thu nhập, chúng được tạo ra theo cung cách mà nền sản xuất được tổ chức về mặt xã hội (Tony Bilton và các cộng sự, 1993: 56-57); “lịch sử xã hội

(4)

văn minh, theo Marx là lịch sử của những hình thức khác nhau về sự bóc lột và thống trị giai cấp. Chính hình thức thống trị giai cấp quyết định tính chất chung của toàn bộ cấu trúc xã hội” (Tony Bilton và các cộng sự, 1993: 56-57). Theo Marx, mỗi xã hội đều bao hàm sự bóc lột giai cấp trên cơ sở những quan hệ sản xuất, chính cái này mà Marx gọi là phương thức sản xuất. Chìa khoá để tìm hiểu một xã hội nhất định là khám phá ra trong đó phương thức sản xuất nào chiếm ưu thế. Tiếp đó chúng ta biết được mô hình cơ bản của những mối quan hệ xã hội và chính trị và có thể đánh giá những sự xung đột và những tiềm năng thay đổi nào đã được gắn bó với xã hội.

Cũng giống như Weber, Marx đánh giá những nét kinh tế chủ yếu của hệ thống phân tầng xã hội trong chủ nghĩa tư bản là quyền sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa (TBCN) về tư liệu sản xuất và những thị trường cho hàng hoá và lao động. Song sự khác biệt cốt yếu giữa Marx và Weber là ở chỗ: Marx nhấn mạnh yếu tố thứ nhất và hướng sự nghiên cứu vào con đường xoá bỏ sở hữu TBCN về tư liệu xã hội. Còn Weber lại hướng trọng tâm vào yếu tố thị trường và cho rằng nguyên nhân đầu tiên của sự bất bình đẳng trong chủ nghĩa tư bản là khả năng thị trường, tức là những kỹ năng mà người làm thuê mang ra thị trường lao động để trao đổi (mua và bán). Weber cũng nói đến cơ may đời sống tức là những lợi thế mà người ta có thể có được do thị trường mang lại. Những cơ may này bao gồm thu nhập, phụ cấp, bảo hiểm và có thể thấy được ở các giai cấp khác nhau cũng như ở chính trong nội tại của mỗi giai cấp.

Những sự phân tích trên của Weber trên thực tế không có gì đối lập với quan niệm của Marx về giai cấp. Tuy nhiên, sự phân tích này chưa nhấn mạnh một cách thích đáng đến yếu tố sở hữu tư nhân TBCN về tư liệu sản xuất. Rõ ràng rằng nếu phân tích đến cùng thì yếu tố sở hữu về tư liệu sản xuất chính là nhân tố cốt lõi nhất của vấn đề tài sản của địa vị trong kinh tế của một giai cấp nhất định.

Song mặt khác cũng phải thấy rằng, sự phân tích của Max Weber có tính mềm dẻo, nhiều chiều, uyển chuyển và trên thực tế đó là quan niệm có thể bổ sung cho lý luận của Marx về giai cấp và phân tầng xã hội.

Tony Bilton đúng khi ông nói rằng có thể phối hợp quan niệm của Weber với quan niệm của Marx trong việc xem xét mô hình phân tầng ba giai cấp trong xã hội TBCN hiện nay (Bilton và các cộng sự, 1993: 56-57). Giai cấp lớp trên gồm những chủ sở hữu của các phương tiện sản xuất rất lợi thế nhờ có của; giai cấp trung lưu gồm những người không làm chủ tư liệu sản xuất, có cơ may đời sống nhờ khả năng thị trường từ các kỹ năng không phải chân tay; giai cấp công nhân, không sở hữu tư liệu sản xuất, cơ may đời sống bất lợi do khả năng thị trường từ các kỹ năng chân tay; tầng lớp nghèo, hết sức bất lợi trong cơ may đời sống do địa vị yếu kém hay bên lề trong thị trường lao động.

Trên đây là những kiến giải cơ bản của các nhà xã hội học trong lịch sử về phân tầng xã hội. Chúng ta có thể thấy rằng, các cách kiến giải đó tựu trung đều xoay quanh việc đặt ra và trả lời 3 câu hỏi lớn: Một là, câu hỏi về nguồn gốc của phân tầng xã hội?

hay vì sao lại có hiện tượng phân tầng xã hội? Hai là, phân tầng xã hội để lại hậu quả gì

(5)

cho con người? nó là “tốt” hay là “xấu”? nó có một chức năng “tích cực” hay “tiêu cực”?

Ba là, chúng ta cần có thái độ như thế nào đối với phân tầng xã hội? Chúng ta thừa nhận nó, cần thiết phải thiết chế hóa nó hay tìm cách xóa bỏ, mở rộng hay thu hẹp khoảng cách cũng như phạm vi tác động của nó? Bình luận về điều này, trước hết chúng ta hết sức trân trọng và ghi nhận những nỗ lực to lớn của các nhà khoa học bởi họ đã tích cực tìm kiếm, lao động sáng tạo, mang lại cho chúng ta những kiến giải quý giá để hôm nay chúng ta học hỏi, nghiên cứu, phê phán, kế thừa. Nếu không có chúng, chúng ta sẽ không có chất liệu để phân tích, “nhào nặn” ra những tri thức mới.

Tuy nhiên, những kiến giải nói trên còn có những hạn chế nhất định. Giữa chúng còn có nhiều sự khác biệt, thậm chí có chỗ còn có sự đối lập, mâu thuẫn nhau. Những kiến giải này chưa thực sự thuyết phục chúng ta, nó làm cho chúng ta còn những phân vân, có phần ngờ vực và đã nhiều thập kỷ qua câu hỏi về bản chất thực sự của phân tầng xã hội vẫn được đặt ra như một “câu đố lịch sử”, một “món nợ” về mặt nhận thức lý luận đối với giới khoa học nói chung, đối với các nhà xã hội học nói riêng. Vấn đề đặt ra là, vì sao những học giả uyên bác đó đã chưa mang lại cho chúng ta một câu trả lời tường minh, đủ sức thuyết phục. Theo suy nghĩ của chúng tôi, có nhiều lý do song một trong các lý do về mặt logic mà chúng ta có thể chỉ ra được là bởi vì các nhà khoa học này đã trả lời trực tiếp câu hỏi và đã trả lời một cách “vo tròn” câu hỏi về phân tầng xã hội. Để khắc phục hay hóa giải điều này chúng ta cần phải trả lời một cách gián tiếp bằng cách là tách câu hỏi lớn nói trên thành các câu hỏi nhỏ và lần lượt trả lời từng câu hỏi (như tác giả đã đề cập ở trên); hai là, chúng ta phải tiến hành một thao tác hóa về mặt khái niệm, “tách” khái niệm phân tầng xã hội nói chung thành 2 khái niệm bộ phận: “phân tầng xã hội hợp thức”

và “phân tầng xã hội không hợp thức” (Nguyễn Đình Tấn, 2002, 2005, 2006, 2010). Hiểu phân tầng xã hội trong hiện thực không phải “một chiều”, “đơn tuyến”, mà là “phức tạp”,

“đan kết” ở trong nó cả 2 mặt “tốt” và “xấu”, “tích cực” và “tiêu cực” tùy thuộc ở nguồn gốc hình thành và tác động của chúng đến xã hội. Với sự phân tích như vậy, phân tầng xã hội có thể được hình thành theo một logic tự nhiên, từ sự khác nhau một cách tự nhiên về năng lực (thể chất, trí tuệ), tài năng, đức độ giữa các cá nhân cũng như sự cống hiến, đóng góp một cách thực tế của mỗi cá nhân, tổ chức cho xã hội; Người nào có năng lực (thể chất, trí tuệ), tài năng, đức độ cao sẽ có cơ hội được sắp xếp vào những vị trí xã hội cao;

được nhận về mình những thù lao (tiền lương, tiền thưởng cao, được tín nhiệm cao, tôn vinh cao; Những người có năng lực (thể chất, trí tuệ), tài năng, đức độ trung bình sẽ có cơ hội được sắp xếp vào những vị trí xã hội trung bình; được nhận về mình những thù lao (tiền lương, tiền thưởng) trung bình, được xã hội tín nhiệm và đánh giá ở mức trung bình.

Những người năng lực (thể chất, trí tuệ thấp), tài năng, đức độ thấp sẽ được sắp xếp vào những vị trí xã hội thấp, được nhận về mình những thù lao (tiền lương, tiền thưởng) thấp được xã hội đánh giá một cách tương xứng. Phân tầng xã hội đang được nói đến, được giả định là chưa bị biến dạng, chưa có sự can thiệp bởi một “thế lực hắc ám” nào vào quá trình hình thành nó; phân tầng như vậy được gọi là “phân tầng xã hội hợp thức”. Hiểu theo nghĩa là một cấu trúc tầng bậc được hình thành phù hợp với chuẩn mực pháp luật,

(6)

đạo đức xã hội (vừa phù hợp với pháp lý vừa phù hợp với đạo lý) mà nhân tố cốt lõi của nó là quy luật “làm theo năng lực hưởng theo lao động” - quy luật đã được Marx phát hiện ra và coi nó là nguyên tắc phân phối phổ biến áp dụng trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản theo lý thuyết của ông. Hợp thức được hiểu theo nghĩa, nó vừa phù hợp với quy tắc, chuẩn mực trong đời sống hiện tại vừa phù hợp với quy luật, xu hướng đi lên và khát vọng của con người trong tương lai. Song hành với cấu trúc “phân tầng xã hội hợp thức” là một cấu trúc hoàn toàn đối lập với nó - cấu trúc “phân tầng xã hội không hợp thức”. Cấu trúc này không được hình thành do sự khác biệt một cách tự nhiên về năng lực (thể chất, trí tuệ), về tài năng, đức độ giữa các cá nhân, sự cống hiến, đóng góp của mỗi cá nhân, tổ chức cho xã hội mà lại dựa vào sự bợ đỡ, nịnh nọt, sự liên minh “ma quỷ” theo “lợi ích nhóm”, những quy tắc chuẩn mực xã hội bị bóp méo, bị thao túng, những chính sách pháp luật thiếu đúng đắn, thiếu khoa học, lạc hậu, sơ hở, chậm đổi mới, những hành vi tham nhũng, làm ăn phi pháp (trốn thuế, lậu thuế, làm hàng giả, hàng nhái…), sự thao túng hay tha hóa quyền lực. Phân tầng được hình thành trên những cơ sở này gọi là “phân tầng xã hội bất hợp thức”.

Với sự phân tích như vậy, rõ ràng rằng, phân tầng xã hội không đơn giản chỉ được quy về cái “tốt”, cái “tích cực” như lập luận của những người theo thuyết chức năng; nó cũng không chỉ được quy giản một chiều về cái “xấu”, cái “tiêu cực” như ý kiến của những người theo thuyết xung đột. Trên thực tế, phân tầng xã hội có cả mặt tốt, mặt xấu, mặt tích cực, mặt tiêu cực. Theo đó thì tùy ở từng “loại” phân tầng mà chúng ta sẽ có những thái độ và hành vi ứng xử một cách tương ứng. Đối với bất kỳ một người bình thường, lành mạnh nào thì rõ ràng rằng, với phân tầng xã hội hợp thức, chúng ta cần thừa nhận nó, ủng hộ sự tồn tại của nó; hơn thế nữa, cần phải thiết chế hóa nó, cần phải làm cho nó trở thành phổ biến, cần phải xây dựng một xã hội trên cơ sở của phân tầng xã hội hợp thức. Còn đối với phân tầng xã hội không hợp thức, tức là một trật tự xã hội bất công bằng, bất hợp lý, dựa trên những cơ sở tiêu cực xã hội, tham nhũng, trộm cắp, lãng phí, làm ăn phi pháp, chúng ta cần phủ nhận nó, đấu tranh loại bỏ nỏ nó ra khỏi đời sống xã hội.

Trả lời một cách rành mạch câu hỏi này sẽ cho phép chúng ta không đơn giản quy phân tầng xã hội vào “tốt” hay “xấu”, “tích cực” hay “tiêu cực”, từ đó đưa ra các đề xuất về các giải pháp ủng hộ, thiết chế hóa hay ngăn chặn, thu hẹp, xóa bỏ như những người theo thuyết chức năng hay xung đột cũng như những kiến giải và đề xuất “chiết trung”

của những người theo thuyết dung hòa. Rõ ràng rằng phân tầng xã hội có cả mặt “tốt” và mặt “xấu”, cả mặt “tích cực” và “tiêu cực”. Và ở đây chúng ta có thể kế thừa, tổng - tích - hợp một cách có phê phán những hạt nhân hợp lý ở mỗi lý thuyết và đưa ra cách kiến giải mới của chúng ta. Với sự phân tích trên, thì hiển nhiên rằng, không phải phân tầng xã hội nói chung (hiểu một cách “vo tròn”) là tốt, là tích cực như những người theo thuyết chức năng nói đến mà chỉ có phân tầng xã hội hợp thức mới là “tốt”, có chức năng tích cực - chức năng tạo ra trật tự xã hội, công bằng xã hội, tạo ra đồng thuận xã hội, đoàn kết xã hội, tạo ra quan niệm nhân văn, nhân bản, nhân ái trên cơ sở chia sẻ, thấu hiểu mình, thấu

(7)

hiểu người, thấu hiểu lẫn nhau, từ đó có thái độ đúng đắn cũng như sự hợp tác tự giác và hiệu quả với nhau. Cũng trên cơ sở nhận thức về một cấu trúc phân tầng như vậy chúng ta hoàn toàn có cơ sở khoa học và niềm tin xác tín bên trong để ủng hộ và đề xuất kiến nghị lên các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước sớm có những nghiên cứu một cách nghiêm túc, thấu đáo vấn đề này, để có thể từng bước thiết chế hóa một xã hội trên cơ sở của phân tầng xã hội hợp thức. Tương tự như vậy, chúng ta cũng không đồng tình với những người theo thuyết xung đột khi đã quy phân tầng xã hội nói chung vào cái xấu, cái tiêu cực từ đó phê phán gay gắt và phủ định sạch trơn những luận điểm của những người theo thuyết chức năng dẫn đến chủ trương tìm cách xóa bỏ phân tầng xã hội. Như phân tích ở trên, không phải phân tầng xã hội nói chung mà chỉ những phân tầng nào là bất hợp thức mới là “xấu”, là “tiêu cực” thì mới là cái cần ngăn chặn, kiểm soát và từng bước đẩy lùi, xóa bỏ. Điểm mới, điểm bứt phá từ sự tổng - tích hợp các lý thuyết về phân tầng xã hội chính là ở chỗ, chúng ta không đơn giản hoặc là quy phân tầng xã hội nói chung về

“cái tốt” cái “tích cực” như những lập luận của những người theo thuyết chức năng hoặc là quy phân tầng xã hội nói chung về cái “xấu”, cái “tiêu cực” như lập luận của những người theo thuyết xung đột mà đã thấy được, “khám phá” ra được rằng phân tầng xã hội là một “thực thể” có cấu trúc “2 mặt” song hành tồn tại: “phân tầng xã hội hợp thức” và

“phân tầng xã hội không hợp thức”. Và thái độ của chúng ta là không đơn giản ủng hộ hay phủ nhận phân tầng xã hội nói chung mà có một thái độ hết sức rõ ràng, rành mạch, chỉ ủng hộ sự tồn tại của “phân tầng xã hội hợp thức” và đề xuất các giải pháp ngăn chặn, khống chế, kiểm soát, giảm thiểu tác hại cũng như thu hẹp phạm vi tác động của phân tầng xã hội bất hợp thức. Đây thực sự là những bứt phá về mặt lý luận; nó cho phép trả lời một cách thuyết phục “câu đố” lịch sử, “món nợ” về mặt lý luận như đã trình bày ở trên.

2. Một số gợi mở về công bằng xã hội

Thực hiện tiến bộ xã hội và công bằng xã hội là một trong các mục tiêu cao cả và định hướng xã hội mạnh mẽ của chính phủ Việt Nam suốt từ khi lập nước đến nay. Tuy nhiên, để đi đến một nhận thức đúng đắn cũng như đưa ra các giải pháp thực hiện một cách sát hợp về công bằng xã hội là cả một quá trình tìm tòi với những bước đi quanh co, khúc khuỷu của nó. Đã có một thời kỳ dài, khái niệm công bằng xã hội chưa được nhận thức và phân biệt một cách rõ ràng, rành mạch với khái niệm bình đẳng xã hội.

Hai khái niệm này thường đi kèm nhau và được dùng chung nghĩa với nhau hoặc thay nghĩa cho nhau (không thấy sự khác biệt đáng kể nào trong nhận thức cũng như trong các lối ứng xử giữa người với nhau); thường thì, công bằng xã hội được hiểu như ngang bằng và bất bình đẳng xã hội có lúc, có nơi lại được một số người xem là bất công bằng xã hội. Chính những nhận thức thiếu rõ ràng và có phần sai lệch này đã dẫn đến việc dư luận xã hội cũng như các chính sách xã hội có xu hướng bình quân chủ nghĩa, thậm chí có những nơi những lúc, người ta đã coi phương thức phân phối bình quân chủ nghĩa như là phương thức phân phối lợi ích tốt nhất, dễ dàng nhất để thực hiện công bằng xã hội. Hệ lụy của nó là đã làm thủ tiêu động lực của các tầng lớp xã hội và theo đó là một

(8)

thời kỳ xã hội trì trệ kéo dài. Điều này đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam nghiêm túc thừa nhận trong các văn kiện chính thức của mình. Để khắc phục những vướng mắc về mặt nhận thức lý luận cũng như những bất cập trong thực tiễn về việc thực hiện và áp dụng những tiêu chuẩn của công bằng xã hội, chúng tôi cho rằng, chúng ta cần thiết phải đồng thời có những nhận thức đúng đắn về cả phân tầng xã hội và cả công bằng xã hội, phải thấy rõ mối quan hệ bản chất giữa phân tầng xã hội hợp thức với công bằng xã hội. Không thể xây dựng được một xã hội phân tầng hợp thức nếu vẫn tồn tại phổ biến những tiêu chuẩn và những phương thức áp dụng phi quy tắc về công bằng trong xã hội.

Ngược lại, không thể có công bằng xã hội nếu chúng ta đã đồng nhất phân tầng xã hội nói chung với bất công bằng xã hội. Chỉ một khi nhận thức được rằng, trong phân tầng xã hội có cả phân tầng xã hội hợp thức và phân tầng xã hội không hợp thức, trong đó phân tầng xã hội hợp thức là một cấu trúc bất bình đẳng song được xây dựng trên những nguyên tắc của công bằng như đã phân tích ở trên thì chúng ta mới có cơ sở khoa học để vừa xây dựng xã hội phân tầng hợp thức vừa thực hiện được những mục tiêu của công bằng xã hội. Theo suy nghĩ của chúng tôi, để có thể nhận thức cho đúng và đưa ra những giải pháp cho đúng nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội công bằng (thực hiện tiến bộ xã hội, công bằng xã hội) đòi hỏi chúng ta phải phát hiện và tìm ra một điểm chung của phân tầng xã hội hợp thức và công bằng xã hội - đó là sự “phù hợp”, sự “tương ứng”.

Trước hết đối với khái niệm công bằng xã hội, chúng tôi cho rằng, công bằng không phải là cào bằng, là sự ngang bằng nhau một cách vô điều kiện mà là một sự ngang bằng nhau trong một mối quan hệ hết sức xác định, với một nguyên tắc hết sức xác định, đó là người ta sẽ được ứng xử ngang nhau, nhận về mình những lợi ích ngang nhau, hưởng quyền lợi ngang nhau, được sắp xếp vào những vị trí ngang nhau nếu họ có tài năng, đức độ ngang nhau, cống hiến, đóng góp cho xã hội ngang nhau, thực hiện những nghĩa vụ ngang nhau. Người ta sẽ được ứng xử khác nhau, nhận về mình những quyền và lợi ích khác nhau, sắp xếp vào những vị trí khác nhau nếu tài năng, đức độ khác nhau, cống hiến, đóng góp khác nhau, đảm nhận những nghĩa vụ khác nhau. Công bằng ở đây được hiểu đó là sự phù hợp giữa năng lực thực tiễn của người ta với địa vị xã hội mà họ đảm nhiệm, giữa nghĩa vụ và trách nhiệm, cống hiến và hưởng thụ, sự hy sinh, đóng góp và sự đền đáp, công lao và sự thừa nhận, giữa làm và hưởng, lao động và sự trả công, giữa tội ác và sự trừng phạt (có làm thì có hưởng, không làm thì không hưởng). Theo cách hiểu này, thì công bằng không phải là cào bằng, cũng không phải bất cứ sự bằng nhau nào. Hai người được ứng xử ngang bằng nhau, đãi ngộ ngang nhau nhưng tài năng, đức độ khác nhau, cống hiến đóng góp khác nhau thì không được hiểu là công bằng mà chính nó là bất công bằng. Tương tự như vậy, hai người được ứng xử khác nhau, đãi ngộ khác nhau trên cơ sở của sự khác nhau tương ứng về tài năng, đức độ và sự đóng góp, cống hiến của họ cho xã hội thì đó không phải là bất công bằng xã hội mà chính đó lại là công bằng xã hội. Điều này

(9)

cũng có nghĩa rằng, nếu đánh đồng khái niệm công bằng xã hội với khái niệm bình đẳng xã hội thì thật là một sai lầm đáng tiếc, nó có thể dẫn đến những hệ quả xã hội tiêu cực. Không phải bất kỳ một sự bình đẳng xã hội nào cũng là công bằng xã hội mà chỉ có những bình đẳng xã hội nào được đặt trong một mối quan hệ hết sức xác định như vừa phân tích ở trên thì mới là công bằng xã hội. Hai là, bình đẳng xã hội là mọi sự ngang nhau, song công bằng xã hội bao hàm cả sự khác nhau (sự cống hiến, đóng góp cao thấp khác nhau sẽ nhận được những quyền và lợi ích cao thấp khác nhau).

Những người có trình độ, năng lực khác nhau song lại được ứng xử giống nhau, ngang bằng nhau thì đó là cào bằng, là bất công bằng. Bình đẳng xã hội là sự ngang bằng nhau về một khía cạnh, một phương diện nào đó giữa người ta với nhau mà chưa xem xét đến hay không đòi hỏi phải gắn nó với một quan hệ hết sức xác định vốn không ngang bằng nhau về mặt năng lực (thể chất, trí tuệ), tài năng, cống hiến, đóng góp thực tế của mỗi cá nhân cho xã hội. Ví dụ: chúng ta nói rằng, anh A và anh B bình đẳng với nhau để cùng đua tranh với nhau vào một vị trí giám đốc một nhà máy hay hiệu trưởng một trường phổ thông nào đó, nhưng chúng ta chưa nói gì đến sự khác biệt giữa họ về trình độ chuyên môn được đào tạo, kinh nghiệm, sức bền, sự điềm đạm và những tiêu chuẩn cần thiết khác thì đó mới chỉ thuần túy nói đến sự bình đẳng về cơ hội giữa hai người và sự không ngang bằng nhau về năng lực vận dụng cơ hội, mà chưa nói gì đến công bằng xã hội. Chúng ta chỉ nói đến công bằng xã hội một khi kết cục thắng lợi thuộc về người có năng lực (thể chất trí tuệ) cao hơn, ý chí, bản lĩnh cao hơn, có vốn xã hội nhiều hơn với một năng lực nắm bắt và vận dụng cơ hội tốt hơn. Ví dụ khác: anh A với anh B bình đẳng với nhau về tiền lương, tiền thưởng (được hưởng lương, thưởng ngang nhau) song năng suất, chất lượng, hiệu quả và những đóng góp thực tế của mỗi người cho doanh nghiệp lại hết sức khác nhau thì đó lại được coi là bất công bằng. Việc nhận thức chân xác và phân định một cách rạch ròi, rõ ràng giữa 2 khái niệm công bằng xã hội và bình đẳng xã hội là hết sức quan trọng. Nó cần phải trở thành nền tảng của đạo đức xã hội, cơ sở khoa học của mọi chính sách kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học - công nghệ cho mọi quốc gia, dân tộc... Với một cách hiểu về công bằng xã hội như vậy, rõ ràng rằng, nó phải là tiêu chuẩn nhân lõi để xây dựng xã hội phân tầng hợp thức. Cùng với nó, phân tầng xã hội hợp thức phải là trật tự, là phương thức tốt nhất để thực hiện công bằng xã hội.

Tất nhiên, trên đây chỉ là những nguyên tắc cốt lõi, quan trọng nhất về công bằng xã hội. Khi xem xét những vấn đề phong phú của đời sống thực tiễn, cần phải tính toán một cách thực sự đầy đủ các yếu tố cụ thể, đa dạng và sinh động của xã hội hiện thực với các yếu tố nhân văn, nhân bản có từ trong chiều sâu của đạo lý và truyền thống tương thân, tương ái quý báu của dân tộc.

(10)

Tài liệu tham khảo

Bilton, Tony, Kenvin Bonnett, Philip jones, Michelle Stanworth, Ken Sheard và Amdrew Webster. 1993.

Nhập môn Xã hội học. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội.

Gunter Endruweit (chủ biên). 1999. Các lý thuyết xã hội học hiện đại, Nxb Thế giới. Hà Nội.

K.Marx và F.Engels. 1995. K.Marx và F.Engels toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội.

Endruweit, G. và G.Trommdorff. 2002. Từ điển Xã hội học.

Nguyễn Đình Tấn. 2005. Cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội. Nxb Lý luận chính trị. Hà Nội.

Nguyễn Đình Tấn. 2010. Xu hướng phân tầng xã hội trong quá trình phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay. Nxb Lao động. Hà Nội.

Nguyễn Đình Tấn. 2002. Giáo trình xã hội học trong lãnh đạo quản lý. Nxb Lý luận chính trị. Hà Nội.

Nguyễn Đình Tấn. 2005. “Phân tầng xã hội từ sự phân tích lý luận của Marx và những phát triển mới”. Tạp chí Nghiên cứu con người, số 2.

Nguyễn Đình Tấn. 2005. “Cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội - những đóng góp lý luận và ứng dụng thực tiễn”. Tạp chí Xã hội học, số 1.

Nguyễn Đình Tấn. 2006. “Sự khác biệt giữa quan niệm của Marx và các nhà Xã hội học phương Tây khác về Phân tầng xã hội”, Tạp chí Lý luận chính trị, số 3.

Nguyễn Đình Tấn. 2010. “Cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội - một chặng đường 20 năm nghiên cứu và ứng dụng”, Tạp chí Xã hội học, số 3.

Tài liệu tham khảo

Tài liệu liên quan

Như đã nói ở trên, trong một thời kỳ dài của cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, sự phân tầng xã hội chỉ làm nổi rõ sự bất bình đẳng xã hội về thực chất, mặc dầu chúng

HiÖn t­îng bá häc cña c¸c em häc sinh PTCS vµ PTTH ë nhiÒu ®Þa ph­¬ng nghÌo võa råi lµ mét minh chøng rÊt râ cho qu¸ tr×nh nµy.. MÆt kh¸c chóng ta cÇn

Đặc điểm nổi bật nhất trong thời kỳ 1960 – 1980 là sự phân tầng xã hội vẫn diễn ra trong phạm vi một giai cấp là giai cấp nông dân tập thể, nhóm những hộ nông dân có

Tầng lớp xã hội rất được kỳ vọng và tin tưởng là có vai trò phát triển kinh tế thông qua việc liên tục đổi mới, phát triển sản phẩm, công nghệ sản xuất, kinh doanh

Với một hệ thống mạng lưới liên kết từ cấp quốc tế, khu vực đến cấp quốc gi và đ phương; với hệ thống cơ sở vật chất, nguồn nhân lực dồi dào; với phạm vi hoạt

Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng cần sớm tổ chức việc học tập, hội thảo, các cuộc tập huấn một cách rộng rãi, với những hình thức đa dạng thích

Thứ ba, bởi khả năng sử dụng toàn bộ kho tàng phương pháp của xã hội học ứng dụng, bao gồm cả sự phân tích sâu sắc những tài liệu của ngành thống kê xã hội, quan

NhÞp sèng c«ng nghiÖp ®· khiÕn cho c¸c thµnh viªn cña nhiÒu gia ®×nh Ýt khi ngåi cïng víi nhau trong b÷a ¨n hµng ngµy.. ë thµnh phè, nhiÒu bËc phô huynh cã rÊt