• Không có kết quả nào được tìm thấy

ẩn dụ ý niệm về cuộc đời trong tiếng việt nhìn từ

N/A
N/A
Nguyễn Gia Hào

Academic year: 2023

Chia sẻ "ẩn dụ ý niệm về cuộc đời trong tiếng việt nhìn từ"

Copied!
12
0
0

Loading.... (view fulltext now)

Văn bản

(1)

*Liên hệ: ngoclienpy@gmail.com

Nhận bài: 05-9-2019; Hoàn thành phản biện: 13-10-2019; Ngày nhận đăng: 07-11-2019

ẨN DỤ Ý NIỆM VỀ CUỘC ĐỜI TRONG TIẾNG VIỆT NHÌN TỪ MIỀN NGUỒN MÀU SẮC

Nguyễn Thị Liên

Trường Đại học Khoa học

,

Đại học Huế, 77 Nguyễn Huệ, Huế, Việt Nam

Tóm tắt: Là một ý niệm có tính trừu tượng, khái quát, “cuộc đời” thu hút sự quan tâm, chú ý của các nhà nghiên cứu từ nhiều bình diện khác nhau. Dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận, ẩn dụ ý niệm về cuộc đời gắn với các miền nguồn thông dụng được huy động như một công cụ tri nhận để nhận thức về con người và đời sống xã hội. Trong phạm vi bài báo khoa học này, chúng tôi hướng sự quan tâm vào ẩn dụ ý niệm về cuộc đời mà trong đó màu sắc là một ý niệm nguồn đã ánh xạ sang miền đích cuộc đời được người Việt tri nhận.

Từ khóa: ẩn dụ ý niệm, biểu thức ngôn ngữ, màu sắc, cuộc đời, miền nguồn, miền đích

1. Mở đầu

Theo lý thuyết khoa học tri nhận, ẩn dụ ý niệm (conceptual metaphor) là hiện tượng ý niệm hóa trong cách nhìn, cách nghĩ về thế giới của con người – nhìn đối tượng này thông qua một đối tượng khác. Là một ánh xạ tinh thần, “ẩn dụ thâm nhập khắp nơi trong cuộc sống hàng ngày, không chỉ trong ngôn ngữ mà còn cả trong tư duy và hành động” [6, Tr. 3], tác động đến cách suy nghĩ và hành động của con người trong đời sống hàng ngày. Ngôn ngữ học tri nhận đã chỉ ra ẩn dụ được tạo nên từ sự chuyển đổi ý niệm. Theo đó, “ẩn dụ ý niệm là một sự chuyển di (transfer) hay một sự “ánh xạ” (mapping) cấu trúc và các quan hệ nội tại của một lĩnh vực hay mô hình tri nhận nguồn sang một lĩnh vực hay một mô hình tri nhận đích” [4, Tr. 25]. Ẩn dụ tri nhận về bản chất là một cơ chế tri nhận gồm một miền nguồn và một miền đích với mục đích tạo ra và làm sáng rõ những ý niệm mới.

Một trong những địa hạt được các nhà ngôn ngữ học tri nhận đặc biệt quan tâm là các ẩn dụ ý niệm về con người với các bình diện như tâm lý, tinh thần, xã hội và sinh học. Trong đó, ẩn dụ về cuộc đời có tính đặc thù, được xem xét từ nhiều miền nguồn khác nhau: THỰC THỂ, VẬT CHỨA, CỦA CẢI, MỘT NGÀY, v.v. Mỗi ẩn dụ ý niệm là một sự chiếu xạ, thể hiện phương thức tri nhận của con người vừa mang tính phổ quát vừa thể hiện tính đặc thù về văn hóa dân tộc. Dưới đây, chúng tôi tập trung khảo sát ẩn dụ CUỘC ĐỜI LÀ MÀU SẮC với mong

(2)

216

muốn hoàn hiện thêm “bức tranh” tri nhận “cuộc đời” của người Việt thông qua ẩn dụ về cuộc đời nhìn từ miền nguồn màu sắc.

2. Mô hình tri nhận của ẩn dụ ý niệm về con người trong tiếng Việt nhìn từ miền nguồn màu sắc

2.1. Ý niệm “cuộc đời” trong tiếng Việt

Từ điển tiếng Việt [3, Tr. 2018] định nghĩa “cuộc đời” với những nét nghĩa cụ thể: 1. “Quá trình sống của một con người, một cá thể sinh vật, nhìn một cách toàn bộ từ lúc sinh cho đến lúc chết (suốt cả cuộc đời, một cuộc đời khổ cực)”; 2. “Đời sống xã hội với toàn bộ những hoạt động, những sự kiện xảy ra trong đó (tình yêu lớn của người nghệ sỹ đối với cuộc đời; tìm cách xa lánh cuộc đời)”.

Trong cấu trúc nghĩa “cuộc đời”, nét nghĩa thứ nhất, “quá trình sống” có thể hiểu là tổng thể các hiện tượng xảy ra, nối tiếp nhau theo một trình tự nhất định về không gian, thời gian.

Theo đó, quá trình sống gắn liền với từng cá thể con người. Mỗi người đều có quá trình sống của riêng mình, nghĩa là “sở hữu” một cuộc đời với những đặc trưng riêng. Những sự việc, biến cố xảy ra để lại dấu ấn nhất định, tác động đến sự nhìn nhận, đánh giá “quá trình sống” của mỗi người. Mặc khác, nhìn nhận, đánh giá về cuộc đời của mỗi cá nhân còn chịu sự tác động của yếu tố văn hóa vùng miền, cộng đồng khác nhau. Thông thường, cuộc đời mỗi con người thường được đánh giá theo chiều hướng thuận lợi, may mắn hay ngược lại, khó khăn và bế tắc. Đặc trưng này được biểu trưng bằng những màu sắc có độ tương phản rõ rệt về thuộc tính cơ bản. Đây chính là cơ sở cho sự tri nhận “cuộc đời” gắn với miền nguồn màu sắc trong tiếng Việt.

Ở nét nghĩa thứ hai, khái niệm “cuộc đời” được mở rộng phạm vi. Theo đó, “cuộc đời” là

“đời sống xã hội” gắn liền với quá trình sống của tất cả mọi người với vô vàn những hoạt động, sự kiện xảy ra trong đó. Sự phong phú của hoạt động, sự kiện mà con người thực hiện, trải qua tương ứng với sự đa dạng màu sắc, với vô vàn sắc độ mà con người tri nhận được. Sự tương ứng ấy cũng là căn cứ hình thành ẩn dụ ý niệm CUỘC ĐỜI LÀ MÀU SẮC. Chiều hướng phát triển hay suy giảm của “cuộc đời” gắn với đời sống xã hội là một trong những nền tảng thường gặp trong nhận thức của người Việt. Thành tố khái niệm này kích hoạt những liên tưởng, mở rộng đặc trưng “chiều hướng” từ khái niệm “cuộc đời” gắn với sự tương phản về màu sắc. Đây chính là căn cứ cho sự hình thành các ẩn dụ.

Như vậy, cấu trúc ý niệm “cuộc đời” bao gồm nhiều thành tố khác nhau. Trong đó, trung tâm của cấu trúc ý niệm là các khái niệm “cuộc đời” với những đặc điểm, thuộc tính đã nêu.

Các yếu tố ngôn ngữ thường được dùng để thể hiện khái niệm “cuộc đời” bao gồm: đời, đời sống, cuộc sống được chúng tôi xem xét như thành tố biểu đạt khái niệm trung tâm. Các yếu tố ngoại vi như văn hóa vùng miền, văn hóa cá nhân, v.v. có sự tác động đến nhận thức của con người về ý niệm trung tâm.

(3)

217 2.2. Quan hệ chiếu xạ của ẩn dụ ý niệm CUỘC ĐỜI LÀ MÀU SẮC trong tiếng Việt

Kết quả nghiên cứu của ngôn ngữ học tri nhận cho thấy một trong những mục đích quan trọng của ẩn dụ ý niệm là đưa những ý niệm trừu tượng trở nên xác định và thông dụng thông qua một miền ý niệm cụ thể. Sự phóng chiếu thuộc tính từ miền nguồn MÀU SẮC lên miền đích CUỘC ĐỜI được cụ thể hóa trong Bảng 1.

Bảng 1. Sự ánh xạ từ miền nguồn MÀU SẮC đến miền đích CUỘC ĐỜI trong tiếng Việt

MIỀN NGUỒN MÀU SẮC

MIỀN ĐÍCH CUỘC ĐỜI

BIỂU THỨC NGÔN NGỮ Màu/sắc độ màu Đặc trưng về đặc điểm/tính

chất của cuộc đời

Cuộc đời đen tối; cuộc đời màu hồng; cuộc đời trong trắng; tình đời đen bạc; thói đời đen bạc;

đời một màu xanh biếc.

Độ sáng, tính nhiệt của màu

Chiều hướng phát triển của cuộc đời

Cuộc đời tươi sáng; quãng đời u tối; cảm ơn cuộc đời: phía trước là màu xanh.

Hoạt động của con người gắn với màu sắc

Ứng xử của con người với cuộc đời/cuộc sống

Nếu một ngày cuộc sống của bạn bị nhuốm màu đen, hãy cầm bút và tô điểm cho nó những vì sao lấp lánh; Cuộc sống là bức tranh vô vàn màu sắc có những lúc bạn phải chọn gam màu tối để vẽ cho bức tranh của mình… Bức tranh đó có đẹp hay không còn tùy vào sự lựa chọn sắc màu của bạn.

Như vậy, khái niệm trừu tượng “cuộc đời” đã được người Việt tri nhận cụ thể thông qua tri thức, cảm nhận có được của con người về “màu sắc”. Điều này cho thấy các thuộc tính của miền nguồn MÀU SẮC đã ánh xạ sang miền đích CUỘC ĐỜI. Với tư duy ý niệm CUỘC ĐỜI LÀ MÀU SẮC, người Việt nhận thức cuộc đời như những gam màu cụ thể ứng với từng giai đoạn cuộc đời, tính chất cuộc đời. Bằng việc vận dụng cơ chế chi tiết hóa, người Việt đã chú ý làm nổi bật một số phương diện của miền nguồn MÀU SẮC: sắc độ, độ sáng, tính nhiệt, tác động của màu sắc đối với vật, con người, cảm nhận về màu. Cơ chế này làm nảy sinh các ẩn dụ thứ cấp: ĐẶC ĐIỂM/TÍNH CHẤT CỦA CUỘC ĐỜI LÀ MÀU SẮC; CHIỀU HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA CUỘC SỐNG LÀ MÀU SẮC.

2.3. Mô hình ẩn dụ ý niệm CUỘC ĐỜI LÀ MÀU SẮC trong tiếng Việt 2.3.1. Ẩn dụ ý niệm ĐẶC ĐIỂM/TÍNH CHẤT CỦA CUỘC ĐỜI LÀ MÀU SẮC

Như các nhà ngôn ngữ học tri nhận đã chỉ ra, ẩn dụ cấu trúc “có đặc điểm cấu trúc hai không gian được gọi là hai miền ý niệm. Ý niệm tại miền đích được hiểu thông qua ý niệm tại miền

(4)

218

nguồn. Quan hệ giữa miền nguồn và miền đích là quan hệ ánh xạ, nghĩa là nội dung của ý niệm tại miền đích được ánh xạ từ ý niệm tại miền nguồn” [1, Tr. 254]. Xác lập miền nguồn MÀU SẮC với các thuộc tính đặc trưng được lựa chọn phóng chiếu lên miền đích CUỘC ĐỜI là cơ sở để chúng tôi kiến tạo các biểu thức ẩn dụ. Thông thường, cuộc đời với vô vàn các biến cố được nhận diện, đánh giá bao gồm các thuộc tính: mới, đẹp, tươi sáng, chật hẹp, khó khăn, v.v. Khi các thuộc tính này được kích hoạt để ánh xạ lên miền đích CUỘC ĐỜI sẽ có sự phân cắt phạm trù, đặc điểm, tính chất thành các tiểu phạm trù để tri nhận. Đây là cơ sở tạo thành các ẩn dụ thứ cấp:

CUỘC ĐỜI ĐẸP/CÓ Ý NGHĨA LÀ MÀU HỒNG/XANH; CUỘC ĐỜI BI THƯƠNG/THẤT BẠI LÀ MÀU ĐEN/XÁM; CUỘC ĐỜI TRONG SẠCH/THANH CAO LÀ MÀU TRẮNG.

+ Ẩn dụ ý niệm CUỘC ĐỜI ĐẸP/CÓ Ý NGHĨA LÀ MÀU HỒNG/XANH

Trong cách tri nhận thông thường của người Việt, màu hồng không rực rỡ nồng nhiệt, cháy bỏng như màu đỏ. Màu hồng gây chú ý bởi sự dịu dàng, cảm giác nhẹ nhàng. Trong nhận thức chung của người Việt, màu hồng mang đến cho người nhìn cảm giác dễ chịu, êm ả. Vì thế, màu hồng thường được gắn với những gì đẹp đẽ, thơ mộng, hạnh phúc. Khảo sát nguồn ngữ liệu, chúng tôi nhận thấy rằng người Việt có xu hướng sử dụng màu hồng gắn liền với ý niệm

“cuộc đời” để thể hiện cách cảm nhận, đánh giá về giá trị, tính chất tích cực cuộc sống. Các thuộc tính đặc trưng: sắc độ tươi mát, trung tính về tính nhiệt của màu hồng chiếu xạ lên miền đích CUỘC ĐỜI trong tư duy người Việt tương ứng với các tính chất tích cực (đẹp, mới, lãng mạn, ngọt ngào) của cuộc đời:

Cho nên đau thì đau mà ca cứ vui ca

Hỏi đời có xám không, ngó về đêm đen, anh đáp đời hồng.

(Chế Lan Viên, Về đông) Vẫn ước mơ đời hồng

Đọc thơ anh trong tối Vẫn đợi ngày thành công.

(Chế Lan Viên, Nghoảnh lại 15 năm)

Theo lý thuyết ẩn dụ ý niệm, ý niệm phát sinh từ sự tương tác giữa cơ thể và văn hóa.

Thực tiễn nghiên cứu về ngôn ngữ học tri nhận cho thấy rằng: “Dù con người chia sẻ các trải nghiệm thể chất như nhau, nhưng “bộ lọc văn hóa” đã tạo ra sự khác biệt giữa các ẩn dụ trong ngôn ngữ” [5, Tr. 89]. Thuộc tính giá trị tích cực của màu hồng trong văn hóa Việt phóng chiếu lên miền đích CUỘC ĐỜI, tạo cơ sở cho sự tri nhận khái niệm “cuộc đời” gắn với màu hồng.

Cuộc đời tràn ngập màu hồng là cuộc đời tươi đẹp, là sự mơ ước, vươn đến của con người. Cũng như thế, cụm từ “đời hồng”, “sắc hồng cuộc sống” khiến người ta liên tưởng đến cuộc sống tươi đẹp, về cả phương diện vật chất lẫn đời sống tinh thần. Sắc độ tươi mát, tính nhiệt cao của màu

(5)

219 hồng tương đồng với sự nhẹ nhàng, lãng mạn, ấm áp, tươi mới được cảm nhận trong đời sống con người. Sự tương ứng thuộc tính giữa hai miền ý niệm cụ thể – trừu tượng: màu sắc và cuộc đời tạo nên ẩn dụ ý niệm: CUỘC ĐỜI LÀ MÀU SẮC. Từ đó, hình thành ẩn dụ bậc dưới: CUỘC ĐỜI ĐẸP/CÓ Ý NGHĨA LÀ MÀU HỒNG. Cuộc đời gắn với sắc hồng trong tri nhận của người Việt là cuộc đời yên ấm, hạnh phúc. Đặc trưng về sắc độ, tính nhiệt được ghi nhận trong sự chi phối của văn hóa dân tộc được kích hoạt, phóng chiếu lên miền đích CUỘC ĐỜI bằng các ánh xạ tương ứng: màu với sắc độ tươi mát tương ứng với một tương lai hé mở, sự sống hồi sinh và một cuộc sống tươi đẹp; hoạt động của con người, vật với màu sắc tương ứng hoạt động thay đổi đời sống xã hội. Với lối mã hóa này, người Việt đã cụ thể hóa cuộc đời một cách tự nhiên mà cũng vô cùng độc đáo. Vì cuộc đời được nhận biết với thuộc tính “có màu”, nghĩa là cuộc đời cũng tồn tại như một thực thể nên về cơ bản, con người có thể tác động, xây dựng cho nó đẹp hơn, tràn đầy sinh lực, sức sống hơn. Chính vì vậy, với người Việt, “tô hồng” hay “bôi đen”

cuộc đời là những xu hướng hiện hữu khi nói về tác động của con người đối với cuộc sống bản thân, cuộc sống cộng đồng xã hội. Sự tác động ấy có thể theo chiều hướng tích cực: anh đã tô hồng cuộc đời em; Từ ngày có em, cuộc đời anh tràn ngập sắc hồng, v.v. mà cũng có thể theo chiều hướng tiêu cực: tôi đã tự tay tắt đi ánh sáng của cuộc đời mình, bôi đen cuộc sống của chính mình;

Mùa đời rụng hết vàng xanh.

Cùng với màu hồng, trong tư duy của người Việt các tính chất tích cực, ý nghĩa của cuộc đời còn gắn liền với màu xanh. Có thể nói trong tất cả các màu được tri nhận, màu xanh là màu được tri nhận phong phú nhất về sắc độ. Nếu căn cứ vào thuộc tính tính nhiệt, màu xanh là gam màu lạnh. Do vậy, trong ẩn dụ ý niệm BUỒN LÀ MÀU SẮC, màu xanh gắn liền với cảm xúc buồn của con người. Tuy nhiên, ở đây, trong ẩn dụ CUỘC ĐỜI LÀ MÀU SẮC, với vai trò miền nguồn, MÀU XANH ánh xạ lên miền đích CUỘC ĐỜI gắn đặc trưng tích cực của đời sống con người. Các thuộc tính về sắc độ có tính chuyên biệt (biếc, thắm, ngát, mơn mởn, v.v.) đã ánh xạ sang miền đích CUỘC ĐỜI biểu trưng cho tính chất tích cực của cuộc đời trong tri nhận của người Việt, gắn với sức sống, sự hồi sinh của cuộc sống vốn vô cùng phong phú và đa dạng. Trong tiếng Việt, biểu tượng cuộc đời gắn với màu xanh thường gợi liên tưởng về sự tươi đẹp, ý nghĩa tích cực. Cuộc sống được hình dung một cách khoáng đạt, đầy ắp hy vọng như chính sắc độ sâu, thẳm, biếc, thẫm, ngát của màu xanh:

Ta bắt chước tiếng chim Gió còn nâng đôi cánh Suốt đời còn hút mạnh.

Màu xanh đời ngập tim.

(Chế Lan Viên, Buổi sáng chim vút bay)

(6)

220

Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì tổ quốc.

(Chế Lan Viên, Người đi tìm hình của nước)

Màu xanh vốn được xem là màu gắn liền với sức sống, sự sinh sôi nảy nở của cây trái, của thiên nhiên. Dạng thể đại diện cho màu xanh ở miền nguồn màu sắc với các thuộc tính được tri nhận về giá trị đã phóng chiếu lên miền đích tương ứng với thuộc tính tràn đầy năng lượng của cuộc sống:

Đồng bào anh lại dựng Đồng chí anh lại xây Nhà nối liền thẳng mái Đời xanh lại hàng cây.

(Chế Lan Viên, Đồng chí mù ở Kiep) Cỏ trong vườn mát dưới chân anh

Đời vẫn tươi màu lá rau xanh.

(Tố Hữu, Hãy nhớ lấy lời tôi)

Cái đẹp, cái mới, cái tươi của cuộc đời được nhận diện thông qua sự tri nhận cụ thể thuộc tính của màu xanh. Chiều kích của cuộc đời (rộng, hẹp, ngắn, dài, thẫm sâu, lớn lao, bao la, thăm thẳm…) có thể tương ứng với sắc biếc, độ thẫm tràn trề nhựa sống trong ý niệm xanh:

Tình còn nhiều tha thiết Và đời một màu xanh biếc…

(Trịnh Nam Sơn, Về đây em) Đằm trong hơi thở đất đai

Màu xanh sẽ rộng, sẽ dài mai sau.

(Hà Thiên Sơn, Mưa đêm)

+ Ẩn dụ ý niệm CUỘC ĐỜI BI THƯƠNG, THẤT BẠI LÀ MÀU ĐEN/XÁM

Mỗi người trong quá trình trải nghiệm cuộc sống đều có cảm nhận riêng về “cuộc đời của tôi”, “cuộc đời của cô/anh ấy” theo những cách thức khác nhau. Nếu các màu hồng, xanh tương ứng với một cuộc đời hạnh phúc, thành công thì mặt trái của đời sống, cuộc sống bi thương của cá nhân, bộ phận xã hội gắn với các màu đen hoặc xám.

(7)

221 Khía cạnh tiêu cực của cuộc đời được cảm nhận bằng thị giác và đánh giá mang tính chủ quan, chịu sự chi phối của cảm xúc, tình cảm con người. Có thể hình dung quá trình kích hoạt các thuộc tính từ miền nguồn MÀU SẮC sang miền đích CUỘC ĐỜI của ẩn dụ CUỘC ĐỜI BI THƯƠNG, THẤT BẠI LÀ MÀU ĐEN/XÁM như sau:

Các thuộc tính tương liên – Sắc độ (xịt, ngòm, kịt…).

– Tính nhiệt thấp – Độ sáng thấp

– Sắc thái (nặng nề, đau khổ)

Như vậy, cấu trúc ẩn dụ ý niệm CUỘC ĐỜI BI THƯƠNG, THẤT BẠI LÀ MÀU ĐEN/XÁM trong tiếng Việt là một ánh xạ dựa trên các thuộc tính tương ứng giữa miền nguồn MÀU SẮC cụ thể: MÀU ĐEN/XÁM và miền đích CUỘC ĐỜI, bao gồm các thuộc tính của màu sắc: sắc độ, tính nhiệt, độ sáng, giá trị thẩm mỹ của màu.

Đen và xám là hai màu thuộc tông màu tối. Màu đen được ứng dụng nhiều nhất trong mọi sự vật, sự việc của cuộc sống con người. Đó là màu tối nhất trong bảng màu của con người, đối lập hoàn toàn với màu trắng. Tri nhận phổ quát về màu đen gắn liền với sự huyền ảo, bí ẩn và đôi khi là cả tội ác, sự tăm tối, bất hạnh. Trong tiếng Việt, màu đen, xám gợi lên tính chất tiêu cực của cuộc đời: thảm hại, xấu xa, tù túng, thất bại, bí ẩn, trở ngại (cuộc đời đen tối, bóng đen trì trệ của đời, những trang đời xám xịt, cuộc đời xám xịt):

– Cuộc sống không phải lúc nào cũng là màu hồng mà nó cần có một chút màu xám và thậm chí là cả một màu đen.

– Đừng nghĩ cuộc đời chỉ toàn là màu hồng, đôi khi nó còn là một màu đen.

(https://anvietnam.net/2014/08/06/cuoc-song-khong-la-mau-hong-nhung-ta-co-the-xem- no-mau-hong/).

– Người dệt thảm mặc rách và cuộc đời xám xịt.

(Chế Lan Viên, Dệt thảm).

– Tục cướp vợ và cuộc đời đen tối của Mỵ “Vợ chồng A phủ” được tái hiện.

(https://news.zing.vn/tuc-cuop-vo-va-cuoc-doi-den-toi-cua-my-vo-chong-a-phu-duoc- (tai-hien-post876405.html)

Miền nguồn MÀU ĐEN/XÁM

Miền đích CUỘC ĐỜI BI THƯƠNG,

THẤT BẠI

(8)

222

Nhìn chung, tri nhận của người Việt đối với màu đen mang tính tiêu cực. Gắn với màu đen, cuộc sống, đời, cuộc đời được nhận thức với đầy đủ mặt trái của nó: sự bế tắc, quẩn quanh, u tối. Cũng như màu đen, màu xám được người Việt tri nhận ở đặc tính tiêu cực nhiều hơn tích cực. Thông thường, màu xám được cảm nhận ở tính chất nổi trội là sự âm tính về sắc độ. Mối tương quan giữa hai tông màu sáng – tối, mà tiêu biểu là: trắng – đen/xám chính là cơ sở cho sự nhận diện các mặt tích cực và tiêu cực của đời sống xã hội trong tư duy người Việt.

Cách tri nhận cuộc đời theo hai chiều hướng trái ngược nhau cho thấy tư duy biện chứng của người Việt trong nhận thức thực tế đời sống.

+ Ẩn dụ ý niệm CUỘC ĐỜI TRONG SẠCH/THANH CAO LÀ MÀU TRẮNG

Màu trắng trong văn hóa phương Đông là “màu của sự quay về, đó là màu trắng lúc rạng đông, khi bầu trời lại hiện ra, còn chưa có màu sắc gì nhưng đầy những tiềm năng biểu hiện” [2; Tr.

942]. Trong văn hóa Việt Nam, màu trắng được xem là màu của sự trong trắng, ngây thơ (áo trắng, giấy trắng học trò…). Khảo sát nguồn ngữ liệu, chúng tôi nhận thấy rằng người Việt đã dùng sự tri nhận đặc trưng về MÀU TRẮNG để thể hiện những thuộc tính của miền đích CUỘC ĐỜI trong ẩn dụ ý niệm CUỘC ĐỜI TRONG SẠCH/THANH CAO LÀ MÀU TRẮNG:

Em gái vườn quê Cuộc đời trong trắng Dầm mưa dãi nắng

Mà em biết yêu trăng đẹp ngày rằm.

(Hoàng Thi Thơ, Duyên quê)

– Hãy dùng bút hồng để vẽ lên trang giấy trắng vốn có của đời mình, đừng để người khác dùng bút đen vẽ nguệch ngoạc lên trang giấy đó.

(https://wikicachlam.com/stt-mau-den-nhung-cau-noi-hay-ve-mau-den-va-trang/)

Sự trong sạch về nhân cách, phong cách sống thanh tao của con người trong cuộc đời được người Việt tri nhận thông qua thuộc tính của màu trắng. Nếu màu đen là đại diện cho sự xấu xa, ô trọc của cuộc đời thì màu trắng lại là sắc màu tượng trưng cho cuộc đời trong sạch, thanh tao, không vướng bụi trần cuộc đời. Chính vì vậy, sự đối nghịch về tính chất cuộc đời, về sự thay đổi bất ngờ khó lường của cuộc sống được nhận diện, thể hiện dựa trên cơ sở liên tưởng sự đối nghịch của hai màu đen trắng: tình đời khi trắng khi đen; Tình đời thay trắng đổi đen; Điên để trắng và đen không đảo ngược/Điên để tình và hận mãi song đôi (Đoàn Thị Lam Luyến, Vân dại).

(9)

223 2.3.2. Ẩn dụ ý niệm CHIỀU HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA CUỘC SỐNG LÀ MÀU SẮC

Tư duy ý niệm CUỘC ĐỜI LÀ MÀU SẮC chi phối việc kiến tạo các biểu thức ngôn ngữ mang ý niệm “cuộc đời” trong tiếng Việt. Bằng việc vận dụng cơ chế chi tiết hóa, người Việt đã có chủ ý làm nổi bật một số phương diện miền nguồn, trong đó có phương diện “độ sáng” theo sự tri nhận phổ quát TRẮNG/SÁNG LÀ TÍCH CỰC; ĐEN/TỐI LÀ TIÊU CỰC; TỐT/TÍCH CỰC LÀ HƯỚNG LÊN; XẤU LÀ HƯỚNG XUỐNG. Cơ chế này làm nảy sinh các ẩn dụ thứ cấp dựa trên ẩn dụ nguyên cấp CUỘC ĐỜI LÀ MÀU SẮC; đó là hai ẩn dụ: SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ĐỜI SỐNG LÀ MÀU SẮC và SỰ SUY GIẢM CỦA ĐỜI SỐNG LÀ MÀU SẮC.

Trong ẩn dụ thứ cấp SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CUỘC SỐNG LÀ MÀU SẮC, đặc trưng sắc độ, độ sáng, giá trị tri nhận trong văn hóa Việt của các màu xanh, đỏ (thuộc nhóm màu sáng) ở miền nguồn MÀU SẮC ánh xạ lên miền đích CUỘC ĐỜI tương ứng với đặc trưng tươi mới, dồi dào, tràn trề năng lượng của cuộc sống, khiến người ta liên tưởng đến sự thay đổi theo chiều hướng tích cực của đời sống. Sắc độ tươi mát, tính nhiệt thấp của màu xanh tương đồng với sức sống lan tỏa, sinh sôi, chiều hướng phát triển tích cực của cuộc sống:

Màu xanh vô bờ bến Đã đuổi dần nước trắng Đến chân trời vô tận Là lúa ngô bất ngờ

Bên đường xanh bóng nhãn Rồi tiếp xanh bóng dừa Xanh từng hồi từng chặng Màu điền thanh lưa thưa.

(Chế Lan Viên, Bút ký đồng chiêm)

Thuộc tính của màu đỏ (sắc độ, dạng thể đại diện cho màu ) được ánh xạ lên miền đích cuộc sống tương ứng với đặc tính sôi động, phong phú, nồng cháy của một cuộc sống mới, một cuộc sống giàu có, ấm no hạnh phúc trong miền đích CUỘC ĐỜI:

Bóng dáng quê hương in trong từng con kênh dòng nước Và chợt hiểu đất nước hòa tan nên quê hương bát ngát Màu đỏ phù sa thành màu đỏ non sông

(Duy Linh, Bài thơ màu đỏ) Ta lại về ta, những đứa con

Máu hòa trong máu, đỏ như son

(10)

224

Sài Gòn ơi, Huế ơi! Xin đợi Tái hợp, huy hoàng, cả Nước non!

(Tố Hữu, Việt Nam máu và hoa)

Lựa chọn màu đỏ biểu trưng cho sự “ấm nồng” của sự sống, sự phát triển tích cực của cuộc sống tương lai là lựa chọn mang tính phổ quát. Điều đáng chú ý ở đây, đối với người Việt, chính là sự lựa chọn các sắc độ màu (miền nguồn) phóng chiếu lên miền đích CUỘC ĐỜI. Bởi lẽ, dù phong phú về sắc độ, màu đỏ không phải bao giờ cũng được xem là một màu “đẹp”. Các sắc độ tươi, hồng, thắm, rực, rực rỡ của màu đỏ tương ứng với sự phát triển theo chiều tích cực của đời sống. Tuy nhiên, các sắc độ xấu khác của màu đỏ như: lòm, ngàu, quạch, khè, v.v. không gắn với sự tri nhận thuộc tính về chiều hướng tiêu cực của cuộc đời không phải là thuộc tính được lựa chọn từ miền nguồn màu sắc phóng chiếu lên miền đích CUỘC ĐỜI để biểu đạt chiều hướng suy giảm của đời sống con người. Trên thực tế, để biểu đạt sự suy giảm của đời sống xã hội, người Việt không dùng tông màu đỏ với các thuộc tính “xấu” như trên. Màu sắc tiêu biểu được lựa chọn để biểu đạt tầng ý nghĩa này lại là màu đen. Do vậy, về cơ bản, ẩn dụ ý niệm SỰ SUY GIẢM CỦA ĐỜI SỐNG LÀ MÀU SẮC có thể được cụ thể hóa thành ẩn dụ SỰ SUY GIẢM CỦA ĐỜI SỐNG LÀ MÀU ĐEN. Với những thuộc tính cơ bản, màu đen được xem là thuộc tính của bóng tối, tương phản với ánh sáng để thể hiện những ý nghĩa đối lập về cuộc sống: sự sóng gió, khổ đau theo chiều hướng tiêu cực và cuộc sống yên ấm, hạnh phúc, viên mãn. Do vậy, màu đen gắn với miền đích CUỘC ĐỜI tương ứng với chiều hướng tiêu cực:

Cuộc sống chìm trong màn đêm đen tối.

Đời trĩu mây đen.

Như từ vực thẳm đời nhân loại Bóng tối đùn ra trận gió đen

(Huy Cận, Các vị La hán chùa Tây Phương)

Mặt khác, trong các màu, màu đen được coi là đại diện tương phản với màu trắng. Sự tương phản của màu trắng và màu đen được hình dung như sự đối nghịch giữa thiện và ác đã ăn sâu trong tâm trí người Việt. Do vậy, sự thay đổi của đời sống xã hội theo chiều hướng từ tốt sang xấu hoặc theo chiều ngược lại được hình dung với sự thay đổi của hai màu tương phản:

trắng và đen. Các biểu thức ngôn ngữ thường gặp trong tiếng Việt như: đổi trắng thay đen, biến trắng thành đen, thay đen đổi trắng, tình đời đen bạc, thói đời đen bạc, v.v. là biểu hiện cụ thể của phóng chiếu tư duy ý niệm về màu sắc sang ý niệm đời sống xã hội, vốn luôn luôn vận động và biến đổi không ngừng. Với vai trò miền nguồn, MÀU SẮC với các thuộc tính cơ bản là cơ sở, nền tảng cho sự tri nhận phạm trù trừu tượng CUỘC ĐỜI trong tiếng Việt. Sự tương tác giữa miền nguồn và miền đích trong việc hình thành ẩn dụ ý niệm ở đây là sự chuyển đổi năng động

(11)

225 giữa hai phạm trù cụ thể và trừu tượng để tạo ra tín hiệu thẩm mỹ, cung cấp các suy luận hình tượng hóa cho khái niệm trừu tượng CUỘC ĐỜI.

3. Kết luận

Khảo sát thực tiễn tiếng Việt, chúng tôi đã “cung cấp thêm” những ẩn dụ ngôn ngữ minh chứng cho ẩn dụ ý niệm về cuộc đời với miền nguồn MÀU SẮC trong tiếng Việt. Trong các ẩn dụ ý niệm về cuộc đời, các thuộc tính cơ bản của miền nguồn MÀU SẮC được ánh xạ lên miền đích trừu tượng CUỘC ĐỜI. Từ những phân tích về mô hình ẩn dụ ý niệm CUỘC ĐỜI LÀ MÀU SẮC, bài báo cung cấp thêm cơ sở cho phép khám phá cách thức tư duy của người Việt về con người, đời sống xã hội và cho thấy sự tri nhận về “cuộc đời” có liên quan đến sự tri nhận, trải nghiệm của con người đối với ý niệm “màu sắc”, gắn liền với sự vật, hiện tượng quen thuộc, gần gũi với đời sống văn hóa dân tộc. Hy vọng rằng, kết quả đạt được sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm đặc trưng trong phương thức tư duy của người Việt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Văn Cơ (2011), Ngôn ngữ học tri nhận - Từ điển – Tường giải và đối chiếu, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh.

2. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (Phạm Vĩnh Cư chủ biên dịch) (2016), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới – huyền thoại, chiêm mộng, phong tục, cử chỉ, dạng thể, các hình, màu sắc, con số, Nxb. Đà Nẵng.

3. Hoàng Phê (1997), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng

4. Lý Toàn Thắng (2009), Ngôn ngữ học tri nhận từ lý thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt, (tái bản có sửa chữa bổ sung), Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

5. Nguyễn Thị Kiều Thu, Bạch Thị Thu Hiền (2014), “Ẩn dụ và mô hình văn hóa”, Tạp chí Phát triển KH&CN, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tập 17, X 3, Tr. 87–100.

6. G. Lakoff, M. Johnon (1980), Metaphors We live by, The University of Chicago Press, Chicago and London.

(12)

226

CONCEPTUAL METAPHORS VIEWED FROM COLOURS AS SOURCE DOMAIN ABOUT LIFE IN VIETNAMESE

Nguyen Thi Lien

University of Sciences, Hue University, 77 Nguyen Hue St., Hue, Vietnam

Abstract: As an abstract and generalized concept, “life" attracts the attention and interest of researchers on different aspects. From the perspective of cognitive linguistics, the conceptual metaphors of life, associated with common source domains, are used as a cognitive tool to perceive the human characteristics and social life. Within the scope of this paper, we focus our attention on the conceptual metaphors of life, in which color is the source domain mapped to the target domain “life” perceived by the Vietnamese.

Keywords: conceptual metaphor, language expression, color, life, source domain, target domain

Tài liệu tham khảo

Tài liệu liên quan

- Tìm được các từ ngữ chỉ hoạt động trong bài đọc, các từ ngữ chỉ sự vật, màu sắc của sự vật trong trong tranh, biết sử dụng các từ ngữ.. - Tìm được các từ ngữ chỉ sự