• Không có kết quả nào được tìm thấy

Hoạt động từ thiện và an sinh xã hội của Trung ương Giáo hội

N/A
N/A
Protected

Academic year: 2023

Chia sẻ "Hoạt động từ thiện và an sinh xã hội của Trung ương Giáo hội"

Copied!
8
0
0

Loading.... (view fulltext now)

Văn bản

(1)

Hoạt động từ thiện và an sinh xã hội của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Phạm Văn Đức1

1 Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Email: ducphilosophy@gmail.com

Nhận ngày 17 tháng 1 năm 2020. Chấp nhận đăng ngày 19 tháng 3 năm 2020.

Tóm tắt: Hoạt động từ thiện xã hội, an sinh xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của toàn thể xã hội. Trong những năm qua, Ban Từ thiện xã hội của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một trong những tổ chức luôn tích cực thực hiện các hoạt động từ thiện xã hội, an sinh xã hội và đạt nhiều kết quả đáng kể. Đặc biệt, các hoạt động như nuôi dạy trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa và lớp học tình thương ngày càng được chú trọng và nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra trong tình hình hiện nay, đòi hỏi Ban Từ thiện xã hội của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cần phát huy hiệu quả hơn nữa hoạt động nuôi dạy trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa và lớp học tình thương trên phạm vi cả nước.

Từ khóa: An sinh xã hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, từ thiện - xã hội.

Phân loại ngành: Tôn giáo học

Abstract: Social charitable and social protection activities of the Vietnam Buddhist Sangha have been receiving more and more attention from the whole society. Over the past years, the Board on Charitable and Social Affairs of the Sangha's Central Committee is one of the organisations that have always actively implemented social charitable and social protection activities, achieving significant results. In particular, activities such as nurturing orphans and the lone elderly people, and “classes of love and support” for disadvantaged children, have been attached more and more importance to, with increasingly improved quality. However, there are still many issues raised in the current situation, requiring the Board to further boost the effectiveness of the activities across the country.

Keywords: Social protection, Vietnam Buddhist Sangha, social charitable activities.

Subject classification: Religious studies

(2)

1. Đặt vấn đề

Từ thiện xã hội là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, nổi bật của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) trong nhiều năm qua. Đây là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc, nêu cao tinh thần yêu nước, thương nòi “thương người như thể thương thân”, “tương thân, tương ái”, vốn là truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam. Hoạt động này đã thu hút được sự tham gia đông đảo của giới tăng ni, Phật tử và nhiều tầng lớp nhân nhân, các tổ chức, cá nhân trên khắp cả nước quan tâm chăm sóc, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hoạt động từ thiện xã hội và an sinh xã hội của GHPGVN đã được thực hiện tích cực trên nhiều phương diện cả về vật chất và tinh thần, như việc khám chữa bệnh, bốc thuốc miễn phí; làm đường, sửa cầu; dạy học; giúp đỡ những người cơ nhỡ, không nơi nương tựa; hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, như hạn hán, lũ lụt, v.v..

Hiện nay, đối tượng thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội ngày càng được mở rộng. Xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất ngày càng được nâng cao thì đồng thời cũng xuất hiện những mặt trái, như: sự chênh lệch giàu nghèo; tình trạng xuống cấp của đạo đức xã hội; người già không được nuôi dưỡng, chăm sóc; nhiều trẻ mồ côi do bị sinh ngoài ý muốn không được chăm sóc đầy đủ, v.v.. Bởi vậy, những đối tượng yếu thế như người già không nơi nương tựa, trẻ mồ côi bị bỏ rơi luôn cần nhận được sự quan tâm, chăm sóc của cộng đồng xã hội thông qua việc nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm từ thiện xã hội. Đây cũng là những đối tượng thụ hưởng các chính sách

an sinh xã hội nói chung và hoạt động an sinh xã hội, từ thiện xã hội của GHPGVN nói riêng.

Trung ương GHPGVN là một tổ chức xã hội lớn và có uy tín ở Việt Nam, trước nay đã cung cấp cho xã hội một nguồn vốn quan trọng, luôn đồng hành cùng Nhà nước và các tổ chức khác trong các hoạt động từ thiện để hỗ trợ cho người dân, góp phần quan trọng trong công tác an sinh xã hội.

Để GHPGVN thực hiện hoạt động từ thiện xã hội, an sinh xã hội hiệu quả hơn, chúng ta cần có sự nhìn nhận, đánh giá thực trạng trong những năm qua, chỉ ra những thành tựu và hạn chế, từ đó đề ra các chủ trương, giải pháp nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả, khắc phục những hạn chế, bất cập của hoạt động này.

2. Tính cấp thiết tăng cường hoạt động từ thiện và an sinh xã hội trong bối cảnh hiện nay

Hiện nay, chúng ta đang sống trong thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thời đại của sự hội nhập kinh tế quốc tế, song, cũng có không ít những khó khăn, thách thức. Ứng dụng khoa học công nghệ - kỹ thuật hiện đại vào phát triển sản xuất đã đem lại nhiều thành tựu to lớn cho đất nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh chóng, hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đời sống của đông đảo nhân dân cũng ngày càng được cải thiện và nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội cũng có không ít những rủi ro, có không ít người không bắt kịp xu thế của thời đại, dẫn đến

(3)

những thất bại trong làm ăn, cuộc sống trở nên khó khăn, an ninh sinh tồn bị đe doạ…

Khoa học, công nghệ, mạng Internet…

phát triển mạnh mẽ cũng làm cho việc lan tỏa những luồng văn hóa ngoại lai có yếu tố tiêu cực và là nguyên nhân dẫn đến những hệ lụy, những vấn đề nổi cộm trong xã hội, đặc biệt là yếu tố làm xuống cấp về đạo đức, lối sống trong một bộ phận người dân, nhất là thế hệ trẻ. Việc quan hệ trước hôn nhân ở giới trẻ, sinh con trước hôn nhân trở nên phổ biến; hiện tượng ly hôn ngày càng nhiều; tình trạng nạo phá thai, sinh con mà không thể nuôi dưỡng, trẻ mồ côi… là những vấn đề đáng báo động trong xã hội Việt Nam hiện nay.

Những năm qua, thiên tai, hạn hán, lũ lụt xảy ra nhiều, gây hậu quả lớn cả về người và tài sản. Trong đó, đối tượng chịu ảnh hưởng lớn chính là nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, như: trẻ mồ côi lang thang cơ nhỡ, người già không nơi nương tựa… những đối tượng này tìm đến các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm từ thiện xã hội, mong muốn có cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn.

Vấn đề từ thiện xã hội là một trong những hoạt động nằm trong chương trình an sinh xã hội cũng như trong chương trình Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội, là mục tiêu lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển con người, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững: “Phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, hiệu quả. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương.

Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục những rủi ro do tác động của kinh tế, xã hội, môi trường. Phát triển mạnh hệ

thống bảo hiểm, khuyến khích và tạo điều kiện để người lao động tiếp cận và tham gia các loại hình bảo hiểm. Mở rộng các hình thức trợ giúp và cứu trợ xã hội, tăng độ bao phủ, nhất là đối với các đối tượng khó khăn, các đối tượng dễ bị tổn thương” [2]. Việc triển khai các quỹ, chương trình từ thiện, an sinh xã hội không chỉ vì các tác động ngắn hạn, mà vì những sự thay đổi có hệ thống.

Việc tạo ra giá trị cho cộng đồng được coi là mục tiêu chính cho mọi hoạt động từ thiện, vì nó xây dựng nguồn lực để giải quyết các vấn đề trong tương lai và giảm khả năng phụ thuộc lâu dài.

Tuy nhiên, để giải quyết những vấn đề trên, cần có sự quan tâm, chung tay vào cuộc của tất cả các cơ quan chức năng và của toàn xã hội. Chủ trương xã hội hoá hoạt động từ thiện xã hội, an sinh xã hội là một chủ trương đúng đắn. Bởi lẽ, chủ trương này sẽ phát huy được nguồn lực của toàn xã hội, hỗ trợ Nhà nước trong đảm bảo an sinh xã hội. Tinh thần cứu khổ, cứu nạn chúng sinh của Phật giáo cho thấy rõ, hạnh “bố thí” là một trong những độ đầu tiên trong Lục độ của nhà Phật. Đức Phật khuyên con người có tinh thần vô ngã, vị tha, hành thiện, yêu thương đồng loại, tránh làm điều ác. Tinh thần vì chúng sinh của Phật giáo đã hòa quyện cùng với tinh thần, truyền thống, triết lý sống của nhân dân, con người Việt: “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”, “Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”… Tinh thần “nhập thế” của Phật giáo đã cho thấy sự tương đồng trong triết lý nhân sinh, đây là cơ sở, nền tảng quan trọng để Phật giáo tồn tại, phát triển và đồng hành cùng với dân tộc. Hoạt động từ thiện xã hội là sự thể hiện tinh thần từ bi,

(4)

cứu khổ cứu nạn của tín đồ Phật giáo, đồng thời là một biểu hiện quan trọng chức năng hỗ trợ xã hội của Phật giáo.

Chính vì vậy, để tiến tới xã hội văn minh, dân chủ, không còn người nghèo đói, khổ cực đòi hỏi phải có sự quan tâm của toàn xã hội; cần tích cực và tăng cường thực hiện hoạt động từ thiện xã hội, an sinh xã hội đối với những đối tượng thụ hưởng an sinh xã hội, đối tượng yếu thế, khó khăn trong hoàn cảnh nhiều vấn đề xã hội, toàn cầu nảy sinh.

3. Thực trạng hoạt động nuôi dạy trẻ mồ côi, chăm sóc người già không nơi nương tựa và lớp học tình thương của Ban Từ thiện xã hội của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Báo cáo “Giáo hội Phật giáo Việt Nam 35 năm thành lập, ổn định và phát triển” khẳng định: “Các trường mầm non, trường nuôi dạy trẻ em, trường nuôi dạy trẻ em bất hạnh, khuyết tật, trẻ em bị ảnh hưởng chất độc màu da cam cũng được nhân rộng và phát triển đúng hướng, góp phần làm giảm bớt gánh nặng cho gia đình các em và cho xã hội” [5].

Theo Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ V (2002-2007) của Hội đồng trị sự GHPGVN, trong phạm vi cả nước có trên 1.000 lớp học tình thương, 36 cơ sở nuôi dạy trẻ mẫu giáo bán trú, nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật,... với trên 20.000 em; có trên 20 cở sở nhà dưỡng lão, nuôi dưỡng trên 1.000 cụ già.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN, trong năm 2019, Ban Từ thiện xã hội đã nỗ lực hoàn thành các mặt công tác Phật sự từ

việc cứu trợ đồng bào bị thiên tai, đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, tặng học bổng, trao tặng nhà tình thương, tình nghĩa, đại đoàn kết, tặng xe đạp, xe lăn, xây cầu,… Đặc biệt, Ban Từ thiện xã hội của Trung ương GHPGVN luôn đặc biệt chú trọng đến hoạt động nuôi dạy trẻ mồ côi, chăm sóc người già không nơi nương tựa và lớp học tình thương. Đây là những đối tượng cần được quan tâm sát sao và trực tiếp nhất, nếu như không có những sự giúp đỡ kịp thời thì có lẽ hệ quả xã hội là rất lớn.

Tạm thời tính đến thời điểm này, Ban Từ thiện Xã hội Trung ương GHPGVN đã ghi nhận được một số các cơ sở từ thiện tại các tỉnh, thành như sau:

- Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi: theo Báo cáo tổng kết công tác Phật sự năm 2019 Ban Từ thiện xã hội Trung ương GHPGVN, hiện nay có 46 trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, với 1.329 em. Nổi bật là ở Đồng Nai với 320 em; Thừa Thiên Huế có 175 em; Bạc Liêu có 121 em; Đà Nẵng có 105 em…[7].

- Trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn: trước yêu cầu thực tiễn của xã hội, với tinh thần từ bi, cứu khổ cứu nạn đối với người già không nơi nương tựa, neo đơn, Ban Từ thiện xã hội của Trung ương GHPGVN đã thành lập một số trung tâm nuôi dưỡng nhằm giúp đỡ người già có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đến nay đã có 15 trung tâm nuôi dưỡng, với 527 cụ [7].

Bên cạnh đó, Ban Từ thiện xã hội không chỉ quan tâm chu đáo đến đời sống vật chất, tinh thần cho các cụ, mà còn lo chu đáo hậu sự cho các cụ khi họ qua đời.

- Lớp học tình thương: Với tinh thần

“Duy tuệ thị nghiệp”, Phật giáo luôn coi trọng việc học tập của các thế hệ trẻ, đặc

(5)

biệt với những trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa.

Ban Từ thiện xã hội đã phối hợp với Giáo hội Phật giáo các tỉnh và chính quyền địa phương thành lập các lớp học tình thương, nhằm giúp các em có cơ hội, điều kiện đến lớp học tập, nâng cao kiến thức, để các em có tương lai tươi sáng hơn, vững chắc hơn.

Đến năm 2019 đã mở được 12 lớp học tình thương, với 5.678 em học sinh và có 199 giáo viên tham gia giảng dạy. Trong đó, ở Quảng Trị có 01 lớp học với 4.684 học sinh. Đây là địa phương có số trung tâm ít nhưng có số lượng học sinh lớn nhất. Tiếp đến là Thừa Thiên Huế có 3 lớp học, với 362 học sinh… [7].

Như vậy, những năm qua GHPGVN đã tiến hành hoạt động từ thiện xã hội, an sinh xã hội đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong đó, các hoạt động nuôi dạy trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa và lớp học tình thương đạt nhiều kết quả tích cực.

Ngoài ra, hoạt động từ thiện của Ban Từ thiện xã hội nói riêng, GHPGVN nói chung còn đạt nhiều kết quả trên các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, xây dựng nhà tình nghĩa, Trung tâm tư vấn người nhiễm HIV/AIDS...

4. Đánh giá hoạt động từ thiện và an sinh xã hội của Ban Từ thiện xã hội, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Hoạt động từ thiện xã hội, an sinh xã hội của Ban Từ thiện xã hội là hoạt động tích cực, tiêu biểu của GHPGVN. Từ khi được thành lập (1981) đến nay, GHPGVN luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, cùng với sự nỗ lực không ngừng

của Ban Từ thiện xã hội, hoạt động từ thiện xã hội, an sinh xã hội nói chung và hoạt động nuôi dạy trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa và lớp học tình thương nói riêng của GHPGVN đạt được những kết quả cơ bản sau:

- Kết quả tích cực: Tư tưởng “vô ngã, vị tha” của Đức Phật đã thấm sâu vào mỗi tăng, ni, Phật tử, nên hoạt động từ thiện xã hội càng tạo thêm niềm tin sâu sắc cho mọi đối tượng trong xã hội, trở thành chỗ dựa vững chắc về tinh thần hướng thiện. Chính vì phát huy được truyền thống “yêu nước, thương nòi”, “lá lành đùm lá rách”, đoàn kết của nhân dân mà hoạt động từ thiện xã hội trong Phật giáo đã nhanh chóng quy tụ được những tấm lòng hướng thiện, từ bi của các tăng, ni, Phật tử và các nhà hảo tâm trong cả nước. Hoạt động này ngày càng được mở rộng, lan rộng cả về nội dung và hình thức với nhiều việc làm thiết thực, đa dạng, phong phú. Do đó, hoạt động từ thiện xã hội đã trở thành một phong trào có ảnh hưởng, tác động đến mọi đối tượng trong xã hội.

Từ việc quy tụ, huy động được đông đảo tăng ni, Phật tử và các nhà hảo tâm, các tầng lớp nhân dân, hoạt động từ thiện xã hội đã thu hút được một nguồn lực tài chính không nhỏ, đây là vấn đề mấu chốt để thực hiện có hiệu quả trong việc mở rộng các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa và lớp học tình thương2. Do đó, Ban Từ thiện xã hội đã phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong hoạt động tổ chức, quản lý và thực hiện công tác từ thiện, đem lại cuộc sống tốt hơn cho những đối tượng yếu thế, đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Cơ cấu tổ chức quản lý hoạt động từ thiện xã hội của GHPGVN ngày càng được

(6)

hoàn thiện, Ban Từ thiện xã hội được thiết lập từ Trung ương đến các tỉnh, thành. Ban Từ thiện xã hội đã thu hút được sự quan tâm, tham gia của những vị chức sắc, cao tăng có uy tín, đức độ trong giáo hội.

Ngoài ra, Ban Từ thiện xã hội còn quy tụ được sự tham gia của những tấm lòng hướng thiện, những nhà hảo tâm, mạnh thường quân trong và ngoài nước. Vì vậy, những hoạt động từ thiện khi được Giáo hội phát động luôn nhận được những sự hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời và triển khai một cách bài bản, hiệu quả.

- Hạn chế. Hoạt động từ thiện của Giáo hội Phật giáo ở nhiều địa phương còn mang tính chất phong trào, thời vụ nên chưa mang lại hiệu quả thực sự cao. Đội ngũ tăng, ni và đội ngũ nhân viên làm công tác từ thiện còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, ít được trao đổi, giao lưu thường xuyên. Nguồn tài chính còn mang tính chất bị động, do chủ yếu là từ nguồn kinh phí cúng dường Tam bảo của tín đồ.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan, chính quyền với Ban Từ thiện xã hội của Trung ương GHPGVN đôi khi còn chưa được hiệu quả. Công tác tuyên truyền cho hoạt động từ thiện chưa thực sự được triển khai sâu rộng đến các tỉnh thành, địa phương trong cả nước.

5. Một số vấn đề đặt ra

Bên cạnh những kết quả đạt được trong hoạt động từ thiện xã hội, an sinh xã hội như đã nêu trên, vẫn còn có những vấn đề chưa thực hiện được. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần phải tiếp tục thực hiện để hoạt động từ thiện xã hội thực sự đạt hiệu quả tích

cực, để các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội, như trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa, những đối tượng yếu thế của xã hội có được mái ấm tình thương và chế độ chăm sóc tốt hơn.

Một là, về nhân sự: Mặc dù Ban Từ thiện xã hội của Trung ương GHPGVN đã có nhiều nỗ lực trong đào tạo nhân lực thực hiện hoạt động từ thiện xã hội, nhưng thực tế nguồn nhân sự có nhiều kinh nghiệm, được đào tạo bài bản, có năng lực tổ chức, quản lý hoạt động từ thiện, những người hy sinh lợi ích của bản thân để phụng sự đạo Pháp, hết mình cống hiến cho công tác của Giáo hội, cho hoạt động từ thiện còn hạn chế và chưa đáp ứng nhu cầu. Hơn nữa, chúng ta đang trong giai đoạn phát triển của thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động từ thiện xã hội có những nét mới, đòi hỏi Trung ương GHPGVN cần xây dựng được một đội ngũ có đủ năng lực, chuyên môn đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Do đó, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực là một trong những vấn đề đặt ra, cần có những giải pháp thích hợp để tăng cường hoạt động từ thiện đạt hiệu quả cao.

Hai là, về mặt tài chính: Phần lớn nguồn lực tài chính cho hoạt động từ thiện xã hội chủ yếu là do nguồn kinh phí từ các nhà hảo tâm và tín đồ cúng dường Tam bảo. Do đó, cần có sự thống nhất về tổ chức, về mặt chủ trương và cách thức hoạt động để có thể phát huy được các nguồn lực xã hội, giúp Ban Từ thiện Trung ương chủ động hơn trong nguồn lực tài chính, như có các giải pháp, các mô hình phát triển kinh tế để tạo lập nguồn kinh tế riêng, giúp tập trung tối đa nhân tài, vật lực để xây dựng một số cơ sở từ thiện hiện đại, quy mô lớn hơn (lớp học tình

(7)

thương, trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, nhà dưỡng lão…)

Ba là, sự phối kết hợp trong các cơ quan: Việc phối/kết hợp giữa các cơ quan trong GHPGVN với Ban Từ thiện xã hội mặc dù đã đem lại kết quả cao, song nhiều khi vẫn chưa thực sự kịp thời, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng. Do đó, giữa Ban Từ thiện xã hội với các cơ quan khác trong Giáo hội cần xây dựng kế hoạch làm việc chung, kết hợp chặt chẽ và chủ động hơn.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa Ban Từ thiện của Giáo hội ở các tỉnh, địa phương với các cơ quan chính quyền tỉnh, địa phương cần thực hiện thường xuyên, liên tục. Cần tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan, chính quyền cũng như các hãng thông tấn, báo chí, truyền hình, phát thanh của các địa phương để tuyên truyền hoạt động từ thiện của Phật giáo đến với đông đảo nhân dân. Công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá hình ảnh, hoạt động từ thiện, cho nên Ban Từ thiện cần hết sức quan tâm, tăng cường thực hiện vấn đề này để truyền bá tới nhân dân, thu hút ngày càng nhiều người dân tham gia vào hoạt động từ thiện xã hội, an sinh xã hội.

6. Kết luận

Nhìn lại hoạt động từ thiện xã hội của Ban Từ thiện xã hội Trung ương GHPGVN thời gian gần đây cho thấy, hoạt động này đã đi vào nền nếp và có kết quả đáng khích lệ. Sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Từ thiện xã hội với các Giáo hội địa phương trên cả nước đã giúp cho hoạt động từ thiện xã hội diễn ra liên tục, đều khắp. Những tăng, ni, Phật

tử, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã tích cực đóng góp thiết thực để hoạt động này đạt được thành tựu ngày càng cao. Với việc đề ra mục tiêu, đường hướng phát triển, với mục đích hướng thiện, nhằm giúp đỡ những đối tượng khó khăn, yếu thế, Giáo hội đã chỉ ra những con đường thực hiện phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước nhằm huy động nguồn lực xã hội để tăng cường sự quan tâm, chăm sóc đối với các đối tượng bất hạnh trong xã hội.

Trong thời gian qua, hoạt động từ thiện xã hội của GHPGVN luôn đảm bảo cả về chất lượng và số lượng, góp phần giảm gánh nặng cho xã hội, cho Đảng và Nhà nước. Toàn thể tăng, ni, Phật tử và các cơ quan trong GHPGVN đã luôn nỗ lực với mục đích chia sẻ nỗi lo chung của toàn xã hội. Các tổ chức từ thiện của các cấp Giáo hội Trung ương và địa phương đã trực tiếp dấn thân, chia sẻ trực tiếp với nỗi đau của những con người bất hạnh. Do đó, cần phải có sự phối hợp giữa Ban Từ thiện xã hội từ Trung ương đến các địa phương với các cơ quan, chính quyền; nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực tổ chức, quản lý của đội ngũ nhân sự trong hoạt động từ thiện;

và thực hiện tốt các nguồn lực xã hội, nguồn lực tài chính để chủ động hơn trong hoạt động từ thiện xã hội và an sinh xã hội trong thời gian tới.

Chú thích

2 Theo Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ V (2002-2007) của Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN thì toàn nhiệm kỳ V, đã thu hút được 400 tỷ đồng phục vụ hoạt động từ thiện xã hội, an sinh xã hội. Còn trong Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ VII (2012-2017) của Hội

(8)

đồng Trị sự Trung ương GHPGVN thì toàn nhiệm kỳ VII đã thu hút được 894.117.837.000đ phục vụ hoạt động từ thiện, an sinh xã hội.

Tài liệu tham khảo

[1] Phạm Văn Đức, Đặng Hữu Toàn, Nguyễn Đình Hòa (2010), Vấn đề dân sinh và xã hội hài hòa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

[2] Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định số 432/QĐ - TTg, ngày 12 tháng 4 năm 2012 về Phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, Hà Nội.

[3] Lê Bá Trình, Trần Thị Kim Oanh, Trần Văn Anh (Hòa thượng Thích Tấn Đạt) (đồng chủ biên) (2017), Phát huy vai trò Phật giáo tham gia xã hội hoá công tác xã hội, từ thiện, Kỷ yếu Hội thảo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.

[4] Nguyễn Văn Tuân, Đông Thị Hồng (Đồng chủ biên) (2016), Đảm bảo an sinh xã hội ở Việt Nam trong 30 năm đổi mới (1986-2016):

những vấn đề khoa học và thực tiễn, Nxb Lao động - Xã hội, Hà Nội.

[5] Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh (2016), Giáo hội Phật giáo Việt Nam 35 năm hình thành và phát triển, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.

[6] “Hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo Việt Nam hiện nay - Một số vấn đề đặt ra và giải pháp”

https://vbgh.vn/index.php?language=vi&nv=ne ws&op=ban-tu-thien-xa-hoi/26-hoat-dong-tu- thien-xa-hoi-cua-phat-giao-viet-nam-hien-nay- mot-so-van-de-dat-ra-va-giai-phap-

174.html,truy cập ngày 5/10/2018.

[7] Ban Từ thiện xã hội Trung ương, “Báo cáo tổng kết công tác Phật sự năm 2019 Ban Từ thiện xã hội Trung ương GHPGVN”

https://vbgh.vn/index.php?language=vi&nv

=news&op=tai-lieu-hinh-anh-hoi-nghi-tong- ket-ghpgvn-nam-2019/bao-cao-tong-ket-cong- tac-phat-su-nam-2019-ban-tu-thien-xa-hoi- trung-uong-ghpgvn-1105.html, truy cập ngày 06/01/2019.

Tài liệu tham khảo

Tài liệu liên quan

Trải qua 22 năm xây dựng và trưởng thành, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Phòng

* Những chủ trương trên đây của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 đã hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược được đề ra từ Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ