• Không có kết quả nào được tìm thấy

Một số yếu tố ảnh hưởng đến mù màu

Chương 4: BÀN LUẬN

4.3. MỘT SỐ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CHỨC NĂNG THỊ GIÁC

4.3.5. Một số yếu tố ảnh hưởng đến mù màu

4.3.5.1. Mối liên quan giữa mù màu và yếu tố gia đình

Bệnh mù màu được John Dalton mô tả lần đầu tiên vào năm 1793 khi ông nhận ra ông và anh trai của ông không thể phân biệt được những màu có bước sóng dài. Tác giả cho rằng nguyên nhân là do màu của chất lỏng trong mắt gây ra. Tuy nhiên, sau này người ta đã chứng minh không phải do màu chất lỏng trong mắt gây ra bệnh mù màu [104].

Ngày nay, bệnh mù màu đã được chứng minh là một bệnh di truyền trên gen. Mù màu trên thang màu đỏ - lục là bệnh di truyền lặn trên nhiễm sắc thể giới tính, và mù màu trên trang màu lam - vàng di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường.

Nghiên cứu của các tác giả Formankiewicz, Monika (2009), Flück, Daniel (2006) và Jeremy Nathans và cộng sự (1986), cho thấy bệnh mù màu có liên quan đến yếu tố gia đình [26],[59],[60].

Nghiên cứu của tác giả Nilesh Kate (2016) đưa ra phả hệ mù màu khi người bố mù màu, mẹ mang gen bệnh, khả năng con trai 50% mù màu, con gái 50% mù màu và 50% mang gen bệnh [61]. Như vậy, tiền sử gia đình có người mù màu có tần số mắc cao hơn người không có tiền sử gia đình mù màu.

Nghiên cứu của chúng tôi ở bảng 3.31 cho thấy, tỷ lệ mù màu trong số sinh viên có tiền sử gia đình mắc bệnh mù màu là 4 sinh viên chiếm tỷ lệ 100% cao hơn tỷ lệ mù màu không có tiền sử gia đình là 8 sinh viên chiếm tỷ lệ 2%. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với (p<0,001). Do đó, có thể nói yếu tố gia đình có liên quan chặt chẽ với tỷ lệ mù màu.

4.3.5.2. Mối liên quan giữa mù màu và giới tính

Nghiên cứu của nhiều tác giả cho thấy bệnh mù màu bẩm sinh biểu hiện chủ yếu ở nam giới còn ở nữ giới là rất thấp.

Nghiên cứu của Karim J Karim và cộng sự (2013) cho kết quả có 8,47%

học sinh nam, 1,37% học sinh nữ được phát hiện rối loạn sắc giác bẩm sinh trong quần thể học sinh, sinh viên đại học của thành phố Erbil vùng Kurdistan-Iraq [42].

Nghiên cứu của Mehdi Modarres và cộng sự (1996) ở 2058 học sinh lứa tuổi từ 12-14 tại thành phố Tehran cho thấy có 97 trường hợp rối loạn sắc giác bẩm sinh đã được phát hiện, bao gồm 93 nam chiếm tỷ lệ 8,18%

và 4 nữ chiếm tỷ lệ 0,43% [40].

Nghiên cứu của A Chia và cộng sự (2008) trong tổng số 1249 trẻ em tại Singapore có độ tuổi từ 13-15 đã được sàng lọc bằng cách sử dụng bảng màu Ishihara cho thấy có 5,3% trẻ em trai và 0,2% trẻ em gái bị mù màu [62].

Nghiên cứu của Mohd Fareed và cộng sự (2015) ở nam về rối loạn sắc giác bẩm sinh ở trẻ em khu vực miền Bắc Ấn Độ cho thấy tỷ lệ mù màu bẩm sinh ở nam là 7,52% cao hơn so với nữ là 0,83% [6].

Trong nghiên cứu của chúng tôi tổng số đối tượng nghiên cứu là 400, trong đó có 352 sinh viên nam, có 12 sinh viên phát hiện mù màu bẩm sinh chiếm 3%. Trong 48 sinh viên nữ, không phát hiện thấy trường hợp nào mù màu. Như vậy, tỷ lệ mù màu của nam cao hơn của nữ, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với (p<0,001). Kết quả này phù hợp với kết quả nghiên cứu của các tác giả nước ngoài. Tuy nhiên, do cỡ mẫu nghiên cứu lấy trong quần thể 400 người, từ độ tuổi 20-33 nên kết quả của nghiên cứu này không có ý nghĩa đặc trưng cho tỷ lệ mù màu của cộng đồng nói chung.

So sánh kết quả nghiên cứu với các tác giả nước ngoài khác:

Bảng 4.4. Mối liên quan giữa mù màu và giới tính

Tác giả Năm Tỷ lệ mù màu ở nam Tỷ lệ mù màu ở nữ

Karim J Karim 2013 8,47 1,37

Mehdi Modarres 1996 8,18 0,43

A Chia 2008 5,3 0,2

Mohd Fareed 2015 7,52 0,83

Lý Minh Đức 2016 3,5 0,0

Có thể nói rằng, yếu tố giới tính có mối liên quan chặt chẽ với tỷ lệ mù màu bẩm sinh. Để giải thích cho hiện tượng mù màu bẩm sinh thường gặp ở nam giới, ít gặp ở nữ giới, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng mù màu là một bệnh di truyền trên gen, đặc biệt là bệnh di truyền lặn trên nhiễm sắc thể giới tính. Do vậy, ở nam giới (XY) chỉ cần 1 nhiễm sắc thể giới tính mang gen gây bệnh là đã biểu hiện bệnh, trong khi đó ở nữ giới (XX) cần 2 nhiễm sắc thể giới tính mang gen gây bệnh thì mới biểu hiện bệnh.

4.3.5.3. Mối liên quan giữa mù màu và tuổi

Kết quả của nghiên cứu của chúng tôi ở bảng 3.33 cho thấy, không có sự khác biệt đáng kể giữa tuổi trung bình của nhóm sinh viên có sắc giác bình thường (22,35  2,07) và nhóm sinh viên mù màu (22,83  2,79) trong nhóm sinh viên nghiên cứu. Sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với (p>0,05).

Chúng tôi nhận định rằng, yếu tố tuổi không ảnh hưởng đến tỷ lệ và mức độ mù màu. Kết quả này cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của các tác giả khác. Nghiên cứu của tác giả Thomas Salmon (2013) cho rằng, mù màu bẩm sinh là bệnh không tiến triển và ổn định theo thời gian [93].

4.3.5.4. Mối liên quan giữa mù màu và phân loại mù màu

Dựa vào kết quả nghiên cứu, chúng tôi nhận định rằng, tất cả các trường hợp mù màu được phát hiện đều là mù màu bẩm sinh bởi các sinh viên khám đều có tiền sử bản thân khỏe mạnh, không có tiền sử chấn thương sọ não, không mắc bệnh toàn thân hoặc đã và đang sử dụng các loại thuốc được biết là có ảnh hưởng đến mù màu mắc phải. Như vậy, trong nghiên cứu của chúng tôi cho kết quả ở biểu đồ 3.8, tỷ lệ sinh viên mù màu đều gặp ở thang màu đỏ - lục, không có trường hợp nào mù màu ở thang màu lam - vàng. Kết quả này cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của tác giả Jennifer Brich (2001) [9].

Nghiên cứu của tác giả Samir Deeb (2013) cho rằng, trong mù màu bẩm sinh, tỷ lệ mù màu ở thang màu đỏ - lục là chủ yếu, trong đó tỷ lệ mù màu lục nhiều gấp 3 lần tỷ lệ mù màu đỏ [105].

4.3.5.5. Mối liên quan giữa mù màu và tật khúc xạ

Nghiên cứu của chúng tôi ở bảng 3.34 cho thấy, tỷ lệ mù màu trong nhóm không có tật khúc xạ chiếm tỷ lệ cao hơn nhóm có tật khúc xạ. Tuy nhiên, sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê với (p>0,05). Vì vậy, tỷ lệ mù màu và các mức độ mù màu ở nhóm có hay không có tật khúc xạ là như nhau. Nói cách khác, không có mối liên quan giữa mù màu và tật khúc xạ.

Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào đưa ra vấn đề mù màu có liên quan đến tật khúc xạ. Do đó, nghiên cứu của chúng tôi khi so sánh hai vấn đề này chỉ mang ý nghĩa tham khảo thêm trong việc tìm các yếu tố ảnh hưởng đến mù màu.

4.3.6. Một số yếu tố ảnh hưởng đến thị lực tương phản