• Không có kết quả nào được tìm thấy

VAI TRÒ CỦA YẾU TỐ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

N/A
N/A
Protected

Academic year: 2022

Chia sẻ "VAI TRÒ CỦA YẾU TỐ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI "

Copied!
10
0
0

Loading.... (view fulltext now)

Văn bản

(1)

ĐÔ THỊ HÓA, CÔNG NGHIỆP HÓA Ở VIỆT NAM:

VAI TRÒ CỦA YẾU TỐ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

PHẠM VĂN QUYẾT*

Kể từ ngày 1/1/1988, khi Luật đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam chính thức có hiệu lực cho đến nay, đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã có được những kết quả to lớn, tạo ra một động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội Việt Nam không ngừng phát triển và trở thành một trong những nhân tố hàng đầu thúc đẩy nhanh chóng quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa nông thôn, nông nghiệp Việt Nam. Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp với khoảng gần 50% dân số đô thị, chúng ta càng phải chú ý, quan tâm hơn đến dòng vốn từ đầu tư nước ngoài. Trong phạm vi bài viết này, trên cơ sở nguồn số liệu thống kê quốc gia và các tài liệu khác có liên quan, chúng tôi muốn tập trung làm rõ hơn vai trò của đầu tư nước ngoài đối với quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa ở Việt Nam.

1. Những vấn đề về đô thị hóa, công nghiệp hóa và đầu tư nước ngoài

Đô thị hóa là khái niệm đã được nghiên cứu từ nhiều lĩnh vực khác nhau với những định nghĩa và hệ thống các chỉ báo đặc thù, phù hợp với từng cách tiếp cận. Chúng ta đã rất quen với khái niệm đô thị hóa từ tiếp cận nhân khẩu học: Đô thị hóa là quá trình làm gia tăng tỷ lệ dân cư đô thị trong tổng số dân của một quốc gia. Tuy nhiên, tiếp cận này sẽ gây một số khó khăn cho nghiên cứu về quá trình đô thị hóa hiện nay, cũng như phân tích sự ảnh hưởng, sự tác động qua lại giữa nó với các yếu tố tạo nên sự phát triển của xã hội hiện đại. Ngày nay các nhà khoa học hướng nhiều hơn đến xem xét đô thị hóa như một quá trình kinh tế - xã hôi lịch sử mang tính quy luật trên quy mô toàn cầu. Đô thị hóa được xem như quá trình tổ chức lại môi trường cư trú của nhân loại; ở đó bên cạnh mặt dân số, địa lý, môi trường còn có mặt xã hội. (Trịnh Duy Luân, 1996). Các chỉ báo để xem xét và đánh giá về đô thị hóa được các nhà nghiên cứu đưa ra thường là tỷ lệ dân số đô thị, hệ thống mạng lưới đô thị, diện tích vùng đô thị, cơ sở hạ tầng đô thị, lối sống, văn hóa, giao tiếp, v.v...

Công nghiệp hóa là quá trình nâng cao tỷ trọng của công nghiệp trong toàn bộ các ngành kinh tế của một vùng, một nước. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX chỉ rõ nội dung tổng quát của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở nước ta là quá trình chuyển dịch kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường; thực hiện cơ khí hóa, hiện đại hóa, thủy lợi hóa, ứng dụng các thành tựu khoa học đưa vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường; là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản phẩm và lao động các ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng sản phẩm và lao động nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quy hoạch và phát triển nông

*PGS.TS,Khoa Xã hội học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội.

(2)

thôn, tổ chức lại sản xuất và xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp.

Công nghiệp hóa và đô thị hóa, là hai quá trình luôn gắn chặt chẽ với nhau. Công nghiệp hóa dẫn đến sự tập trung dân cư, hình thành khu công nghiệp, khu đô thị, làm thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng giá trị sản phẩm, lao động công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp, làm thay đổi môi trường sống, lối sống và cách tổ chức sống theo hướng của cộng đồng cư dân đô thị. Ngược lại đô thị hóa thúc đẩy nhanh chóng quá trình công nghiệp hóa khi tạo ra cơ sở vật chất, môi trường, lối sồng, văn hóa và lực lượng lao động phục vụ quá trình công nghiệp hóa. Như vậy, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn chính là từng bước phát triển nông thôn theo hướng hiện đại, thu hẹp dần khoảng cách giữa thành thị với nông thôn.

Để thực hiện công nghiệp hóa, cần thiết phải tạo ra nền sản xuất công nghiệp với hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển, hệ thống dịch vụ thích ứng. Điều này đặt ra nhu cầu rất cao về vốn quốc gia đầu tư cho phát triên. Có thể nói vốn và công nghệ là những yếu tố có ảnh hưởng to lớn đối với tăng trưởng của nền kinh tế, là chìa khóa đảm bảo thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ở hầu hết các nước, trong đó có Việt Nam, chúng ta dễ dàng bắt gặp hai nguồn vốn chủ yếu được huy động: Vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư nước ngoài dưới hình thức đầu tư trực tiếp và gián tiếp.

Luật Đầu tư 2005 của Việt Nam ghi nhận: Đầu tư là việc nhà đầu tư bỏ vốn bằng các loại tài sản hữu hình hoặc vô hình để hình thành tài sản, tiến hành các hoạt động đầu tư.

Trong bài viết này, đầu tư được nói đến chính là đầu tư nước ngoài, nghĩa là việc mang vốn từ một nước sang một nước khác để sinh lãi. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là

“việc các tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền nước ngoài hoặc bất kỳ tài sản nào được Chính phủ Việt Nam chấp thuận để hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hoặc thành lập xí nghiệp liên doanh hoặc xí nghiệp 100% vốn nước ngoài”1 (). Đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) là hình thức đầu tư thông qua việc mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá khác, quỹ đầu tư chứng khoán và thông qua các định chế tài chính trung gian khác mà nhà đầu tư không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư (Luật đầu tư 2005). Thực tế nguồn vốn huy động qua kênh đầu tư gián tiếp vào nước ta chỉ thực sự nóng lên từ năm 2006, khi thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu sôi động.Vì vậy trong các phân tích dưới đây liên quan đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giai đoạn từ 1988 đến thời gian gần đây chúng tôi sẽ đề cập chủ yếu đến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

2. Đầu tư nước ngoài với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa nước ta

Kinh nghiệm thực tế ở các nước đang phát triển cũng như ở Việt Nam thời gian qua cho thấy giữa đầu tư nước ngoài và quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa luôn có mối quan hệ chặt chẽ, tác động tương hỗ nhau. Đó là mối quan hệ thuận chiều theo hướng cùng tăng và cùng giảm: ở khu vực nào, ở tỉnh nào đầu tư nước ngoài cao, khả năng thu hút nguồn vốn này tốt thì tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa cũng tăng nhanh tương ứng và ngược lại.

Chúng ta sẽ phân tích một vài số liệu thống kê ở một số địa phương của Việt Nam trong

1 http://vietbao.vn/Van-hoa/Luat-Dau-tu-nuoc-ngoai-tai-Viet-Nam, 1987

(3)

khoảng hơn hai thập kỷ qua về mối quan hệ giữa quá trình đô thị hóa với đầu tư nước ngoài.

Bảng 1. Đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn 1988-2009 theo địa phương (với các tỉnh đồng bằng Sông Hồng)

Địa phương Số dự án Vốn đăng ký (Triệu USD)(*)

Vĩnh Phúc 185 2292.7

Bắc Ninh 165 2053.5

Hải Dương 232 2554.7

Hải Phòng 390 4781.9

Hưng Yên 168 892.0

Ninh Bình 26 577.8

Thái Bình 39 222.8

Hà Nam 35 217.1

Nam Định 24 119.9

Nguồn: Tổng cục Thống kê, số liệu về Đầu tư.

Căn cứ vào số liệu về đầu tư nước ngoài giai đoạn 1988-2009 ở Bảng 1 có thể chia các tỉnh khu vực này thành 3 nhóm: nhóm 1 là nhóm tỉnh có lượng vốn đầu tư nước ngoài ở mức cao gồm: Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc và Bắc Ninh; nhóm 2 là nhóm tỉnh có lượng vốn đầu tư nước ngoài ở mức trung bình gồm: Hưng Yên và Ninh Bình;

nhóm 3 là nhóm có lượng vốn đầu tư nước ngoài ở mức thấp gồm: Thái Bình, Hà Nam và Nam Định.

Mặt khác nếu lấy chỉ báo về tỷ lệ gia tăng dân số đô thị để đánh giá tốc độ đô thị hóa ở các địa phương thì qua số liệu thống kế dân số tại các địa phương ở khu vực đồng bằng Sông Hồng trong giai đoạn 1995-2009 (xem Bảng 2) chúng ta thấy có mối quan hệ nhất định giữa mức độ đầu tư và tốc độ đô thị hóa.

Phù hợp với số liệu ở Bảng 1 được chia thành 3 nhóm tỉnh theo lượng vốn đầu tư nước ngoài tính đến thời điểm năm 2009 ở 3 mức độ: cao, trung bình và thấp, thì ở bảng 2 cũng đã hình thành 3 nhóm tỉnh với 3 mức độ đô thị hóa tương ứng. Nhóm tỉnh có tốc độ đô thị hóa cao vẫn bao gồm các tỉnh thu hút được lượng vốn đầu tư nước ngoài cao là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương và Hải Phòng, nhóm tỉnh với tốc độ đô thị hóa trung bình vẫn gồm Hưng Yên và Ninh Bình, nhóm tỉnh với tốc độ đô thị hóa chậm cũng là các tỉnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở mức thấp là Thái Bình, Hà Nam và Nam Định.

Bảng 2. Mức độ gia tăng tỷ lệ dân số đô thị tại các địa phương đồng bằng Sông Hồng giai đoạn 1995-2009

(4)

Tỉnh Năm 1995(%) Năm 2009(%) Tỷ lệ gia tăng trong giai đoạn 1995-2009(%)

Vĩnh Phúc 7,5 22,4 14,9

Bắc Ninh 4,5 23,6 19,1

Hải Dương 8,3 19,1 10,9

Hải Phòng 32,6 46,1 13,5

Hưng Yên 2,3 12,2 9,9

Ninh Bình 9,0 17,9 8,8

Thái Bình 5,5 9,9 4,4

Hà Nam 7,3 9,8 2,5

Nam Định 12,1 17,7 5,6

Nguồn: Tổng cục Thống kê, số liệu về Dân số và lao động.

Phân tích các số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê trong thời gian qua tại các vùng miền khác của đất nước cũng cho những kết quả tương tự (xem Bảng 3).

Bảng 3. Đầu tư nước ngoài được cấp phép đến 2009 và tỷ lệ gia tăng dân số đô thị giai đoạn 1995-2009 theo các vùng miền

Vùng miền Vốn đầu tư nước ngoài

đến 2009 (triệu USD)

Tỷ lệ tăng dân số thành thị giai đoạn 1995-2009 (%)

Đồng bằng Sông Hồng 37.363,0 11,1

Trung du và miền núi Phía Bắc 2.030,3 3,5

Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung 51.735,6 7,6

Tây Nguyên 1.490,2 3,6

Đông Nam bộ 89.662,9 8,1

Đồng bằng sông Cửu Long 8.150,0 7,1

Nguồn: Tổng cục Thống kê, số liệu Đầu tư, Dân số và lao động.

Số liệu thống kê trong Bảng 3 cho thấy quy mô vốn đầu tư nước ngoài đến năm 2009 cao nhất là Đông Nam bộ, tiếp sau là Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Hai vùng có quy mô vốn đầu tư rất nhỏ là Trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Tương ứng với 4 vùng có quy mô vốn đầu tư nước ngoài cao cũng là bốn vùng có tỷ lệ gia tăng dân số đô thị cao. Hai vùng với quy mô vốn đầu tư nhỏ cũng là 2 vùng có tỷ lệ gia tăng dân số đô thị rất thấp. Riêng vùng Đồng bằng sông Hồng, tuy quy mô vốn đầu tư nước ngoài không lớn vượt trội, nhưng tỷ lệ gia

(5)

tăng dân số thành thị lại cao vượt trội hơn so với các vùng khác, lý do cơ bản là sự sát nhập của Hà Tây vào thành phố Hà Nội năm 2008.

Như vậy có thể thấy trong xu hướng chung của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, vốn đầu tư nước ngoài có vai trò to lớn thúc đẩy nhanh chóng thêm các quá trình đô thị hóa. Quy mô vốn đầu tư nước ngoài thực sự trở thành đòn bẩy, chất dầu bôi trơn cho sự vận hành của quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đất nước.

3. Đóng góp của đầu tư nước ngoài vào công cuộc đô thị hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn nước ta thời gian qua

Xét cả ở góc độ lý thuyết và thực tiễn, những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cần phải giải quyết của quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn ở bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là với các nước nghèo như Việt Nam là xây dựng mới hệ thống cơ sở hạ tầng (đường giao thông, điện, nước sinh hoạt, mạng lưới viễn thông, trường học, bệnh viện…), tiếp nhận và chuyển giao công nghệ hiện đại, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho nhân dân.v.v.

Để giải quyết được những nhiệm vụ trên, vốn đầu tư là vấn đề ưu tiên hàng đầu được đặt ra và xem xét đối với mọi quốc gia và mọi địa phương. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài là biện pháp tích cực và hữu hiệu mà hầu hết các nước, các địa phương trong kỷ nguyên hiện đại đều ưu tiên hướng đến và lựa chọn. Các thuật ngữ “trải thảm đỏ”, “trải hoa hồng”

để tiếp đón các nhà đầu tư cũng thường được nhắc đến khá nhiều trong các buổi tiếp tân, trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở hầu hết các nước. Việc hình thành các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài cũng được đưa ra bàn thảo ở cả cấp chính quyền địa phương cho đến các diễn đàn của Quốc hội. Tuy có những tác động tiêu cực nhất định, song có thể nói đầu tư nước ngoài là cơ hội tốt giúp các nước giải quyết tình trạng thiếu vốn, nhất là đối với các nước nghèo, khi mà tỷ lệ tiết kiệm từ nền kinh tế còn rất hạn chế và nhỏ hẹp. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn tiết kiệm từ nền kinh tế quốc gia, các nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng…, ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nông nghiệp, nông thôn.

Sau hơn hai chục năm, kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài ở Việt Nam có hiệu lực đến nay, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục gia tăng và đã có đóng góp quan trọng vào nguồn vốn đầu tư cho tăng trưởng. Chỉ tính riêng với FDI được cấp phép vào Việt Nam, nếu trong năm 1991 nguồn vốn này đã đăng ký là 1.291,5 triệu USD và thực hiện khoảng 328,8 triệu USD, thì vào năm 2009 đã tăng lên với con số tương ứng là 23.107,3 triệu USD đăng ký và khoảng 10.000 triệu USD thực hiện. Cả FDI đăng ký và thực hiện đạt mức cao nhất vào năm 2008 tương ứng là: 71.726,0 và 11.500,0 triệu USD. Nâng tổng vốn FDI được cấp phép ở Việt Nam đến năm 2009 là 194.429,5 triệu USD đăng ký và 66.945,5 triệu USD thực hiện (Tổng cục Thống kê, Đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp giấy phép thời kỳ 1989-2010)

Rõ ràng lượng vốn FDI trên đã là sự bổ sung quan trọng vào tổng vốn đầu tư xã hội ở

(6)

nước ta. Khi xem xét trong cơ cấu tổng vốn đầu tư ở Việt Nam từ năm 1995 đến nay, chúng ta thấy vốn FDI cũng luôn chiếm vị trí rất đáng kể. Trong giai đoạn 1995-1997 đóng góp của FDI luôn chiếm trên ¼ tổng số vốn đầu tư trong nước. Tỷ lệ này giảm đi vào giai đoạn 2001-2005 và được phục hồi sau năm 2007(xem Bảng 4)

Bảng 4. Cơ cấu tổng vốn đầu tư xã hội ở Việt Nam giai đoạn 1995-2009

Năm Tổng Kinh tế nhà nước Kinh tế ngoài nhà nước

Khu vực có vốn ĐT nước ngoài

1995 100,0 42,0 27,6 30,4

1996 100,0 49,1 24,9 26,0

1997 100,0 49,4 22,6 28,0

1998 100,0 55,5 23,7 20,8

1999 100,0 58,7 24,0 17,3

2000 100,0 59,1 22,9 18,0

2001 100,0 59,8 22,6 17,6

2002 100,0 57,3 25,3 17,4

2003 100,0 52,9 31,1 16,0

2004 100,0 48,1 37,7 14,2

2005 100,0 47,1 38,0 14,9

2006 100,0 45,7 38,1 16,2

2007 100,0 37,2 38,5 24,3

2008 100,0 33,9 35,2 30,9

Sơ bộ 2009 100,0 40,6 33,9 25,5

Nguồn: Tổng cục thống kê.

FDI vào Việt Nam trong thời gian qua, tuy có những hạn chế nhất định, song phải thừa nhận FDI đã tác động rất mạnh đến việc phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng, làm thay đổi cơ cấu kinh tế, xã hội theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa. Cùng với sự gia tăng của FDI, các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp và khu chế xuất cũng liên tục gia tăng: chỉ tính riêng 5 năm giai đoạn 2006-2010 số dự án FDI mới là 2039 tăng gấp 1,7 lần so với giai đoạn 2001-2005 với tổng vốn đầu tư là 42 tỷ USD gấp hơn 5 lần giai đoạn 5 năm trước đó. Có thể nói điểm đến của FDI ở Việt Nam thường là các khu công nghiệp, khu chế xuất. Số liệu thống kê cho thấy tính đến năm 2010 đã có 8.500 dự án đầu tư với trên 70 tỷ USD đổ vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có trên 50 tỷ USD

(7)

thuộc vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài2. Như vậy đầu tư nước ngoài đã góp phần quan trọng cho việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, tạo cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng như hình thành các điều kiện cơ bản của quá trình đô thị hóa

Phân tích sâu hơn về các ngành nghề mà FDI hướng đến, chúng ta thấy thời gian qua FDI ở Việt Nam thường tập trung các lĩnh xây dựng cơ bản, công nghiêp và dịch vụ. Số liệu thống kê về cơ cấu phân bố FDI thời kỳ 1988-2009 vào các lĩnh vực/ngành nghề khác nhau của nền kinh tế cũng cho thấy xu hướng chuyển động của FDI thường vào những ngành giúp đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và đó cũng thường là những ngành được ưu tiên về thuế, giải phóng mặt bằng khi kêu gọi đầu tư.

Bảng 5. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp giấy phép thời kỳ 1988 - 2009 phân theo ngành kinh tế

Ngành kinh tế Số dự

án

Vốn đăng ký

(Triệu USD) Tỷ lệ % vốn

Tổng số 12.575 194.429,5 100,0

Nông nghiệp và lâm nghiệp 575 3.837,7 1,97

Thủy sản 163 541,4 0,28

Công nghiệp khai thác mỏ 130 10.980,4 5,6

Công nghiệp chế biến 7.475 88.579,5 45,5

Sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước 72 2.231,4 1,15

Xây dựng 521 7.964,4 4,1

Thương nghiệp; sửa chữa xe có động cơ, xe máy, đồ dùng cá nhân và gia đình

322 1.041,6 0,5

Khách sạn và nhà hàng 379 19.402,8 9,97

Vận tải; kho bãi và thông tin liên lạc 554 8.435,3 4,33

Tài chính, tín dụng 69 1.103,7 0,56

Các hoạt động liên quan đến dịch vụ kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn

1.867 45.505,7 23,4

Giáo dục và đào tạo 128 275,8 0,14

Y tế và hoạt động cứu trợ xã hội 73 1.033,3 0,53

HĐ văn hóa và thể thao 129 2.838,0 1,45

HĐ phục vụ cá nhân và cộng đồng 118 658,3 0,34

Nguồn: Tổng cục thống kê, số liệu về Đầu tư

Các số liệu ở Bảng 5 cho thấy FDI ở Việt Nam trong hơn hai thập kỷ qua chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực công nghiêp (công nghiệp chế biến, khai thác mỏ), các loại hình

2 Khu công nghiệp: Động lực để nền kinh tế “cất cánh”. Báo điện tử của TW Hội khuyến học Việt Nam, ngày 18/4/2011, Truy cập tại http://dantri.com.vn/c25/s76-473544/khu-cong-nghiep-dong-luc-de-nen-kinh- te-cat-canh.htm

(8)

dịch vụ (khách sạn, thương nghiệp, kinh doanh, tư vấn...), xây dựng (xây dựng cơ sở hạ tầng, vận tải, kho bãi...); FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục, văn hóa rất hạn chế.

Cùng với việc tập trung đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và sự gia tăng hàng năm của FDI đã làm cho vai trò của đầu tư nước ngoài đối với giá trị sản xuất công nghiệp trong nước liên tục tăng nhanh (xem Bảng 6).

Bảng 6. Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế theo thành phần kinh tế

Năm Tổng Kinh tế nhà

nước

Kinh tế ngoài nhà nước

Khu vực vốn đầu tư nước ngoài

1996 100,0 49,6 23,9 26,5

1997 100,0 47,3 23,7 29,0

1998 100,0 45,4 21,4 33,2

1999 100,0 39,9 22,0 38,1

2000 100,0 34,2 24,5 41,3

2001 100,0 31,4 27,0 41,6

2002 100,0 31,4 27,0 41,6

2003 100,0 29,3 27,6 43,1

2004 100,0 27,4 28,9 43,7

2005 100,0 25,1 31,2 43,7

2006 100,0 22,4 33,4 44,2

2007 100,0 20,0 35,4 44,6

2008 100,0 18,5 37,1 44,4

Nguồn: Tổng cục thống kê, số liệu về Công nghiệp

Theo số liệu ở Bảng 6, vào thời điểm giữa những năm chín mươi khu vực kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo đóng góp vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp của đất nước, khu vực vốn đầu tư nước ngoài chỉ đóng góp vào khoảng ¼ tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Vai trò đó đã được thay đổi hàng năm nhất là sau năm 1998. Đến năm 2007, 2008, trong 3 thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước, kinh tế ngoài nhà nước và khu vực vốn đầu tư nước ngoài, thì khu vực vốn đầu tư nước ngoài đã thể hiện vai trò nổi trội của mình trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của đất nước. Điều đó cho thấy vốn đầu tư nước ngoài đã, đang và sẽ ngày càng có ý nghĩa quan trọng đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp ở nước ta, cũng như đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo hướng đó đầu tư nước ngoài đã thực sự là yếu tố không thể thiếu trong việc thúc đẩy nhanh chóng quá trình đô thị hóa nông nghiệp, nông thôn nước ta hiện nay.

(9)

Không chỉ có ý nghĩa trong việc tạo ra sản phẩm sản xuất công nghiệp, FDI còn đóng góp quan trọng trong tạo việc làm cho người lao động, hình thành đội ngũ lao động công nghiệp, công nhân kỹ thuật có trình độ tay nghề, có ý thức kỷ luật lao động cao. Số liệu ở Bảng 7 cho thấy trong vài năm gần đây khu vực vốn đầu tư nước ngoài cũng đã thu hút được đáng kể lực lượng lao động và sức thu hút đó đang trong xu hướng gia tăng.

Bảng 7. Cơ cấu lao động đang làm việc theo thành phần kinh tế giai đoạn 2005-2008

Năm Tổng Kinh tế nhà nước Kinh tế ngoài nhà nước

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài

2005 100,0 11,6 85,8 2,6

2006 100,0 11,2 85,8 3,0

2007 100,0 11,0 85,5 3,5

2008 100,0 10,9 85,5 3,6

Nguồn: Tổng cục Thống kê, số liệu về Dân số và lao động

Theo số liệu thống kê, tính đến năm 2007 khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã tạo việc làm cho trên 1,2 triệu lao động, mà chủ yếu là lao động công nghiệp có trình độ kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu công nghệ tiên tiến, được đào tạo ở trong nước hoặc được bồi dưỡng thêm, đào tạo lại tại các doanh nghiệp mẹ ở nước ngoài. Tuy không tạo được nhiều việc làm như các thành phần kinh tế khác, song với việc thu hút được số lượng và chất lượng lao động như trên, có thể nói FDI đã góp phần quan trọng cho việc tạo ra và thúc đẩy sự thay đổi cơ cấu lao động theo hướng lao động kỹ thuật với hàm lượng chất xám cao. Đó cũng là cơ sở của một xã hội công nghiệp phát triển, tạo đà cho quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng hơn với nền kinh tế thế giới, với các xã hội phát triển.

Tất cả những điều đó góp phần hình thành cơ cấu ngành nghề, lao động nghề, thu nhập...

và lối sống đô thị, đồng thời cũng là cơ sở không thể thiếu của quá trình đô thị hóa.

Nhiều ý kiến cho rằng vốn chỉ là điều kiện cần, cách sử dụng vốn là điều kiện đủ.

Điểm nổi bật so với các nguồn vốn khác, vốn đầu tư nước ngoài đã tạo cả điều kiện cần và đủ cho nơi tiếp nhận đầu tư. Nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào lĩnh vực nào đó cũng đồng thời một cách gián tiếp giúp cho cơ sở nhận đầu tư biết cách đầu tư, biết chọn lọc công nghệ, biết tổ chức quản lý để sao cho thu được lợi nhuận cao nhất, mang lại hiệu quả nhất. Đầu tư nước ngoài luôn kèm theo là sự tiếp thu kinh nghiệm, kiến thức quản lý hiện đại, thúc đẩy xuất khẩu, chuyển giao công nghệ, tiếp cận hệ thống kỹ thuật mới, tăng năng suất lao động và tăng thu nhập cho người lao động. Đầu tư nước ngoài còn xúc tiến đẩy nhanh quá trình hội nhập với thế giới thông qua sức ép lên quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách môi trường đầu tư. Ngoài ra đầu tư nước ngoài cũng góp phần tích cực giải quyết các vấn đề xã hội như việc làm, thất nghiêp, đói nghèo và cũng là nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước thông qua thuế.

(10)

Như vậy, khi tham gia vào giải quyết hàng loạt nhiệm vụ quan trọng cho phát triển, đầu tư nước ngoài đã trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia và thúc đẩy nhanh chóng quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Kinh nghiệm thực tế ở Việt Nam cho thấy đầu tư nước ngoài, tuy có những hạn chế nhất đinh, song nó luôn có vị trí quan trọng đặc biệt đối với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của một quốc gia. Thu hút đầu tư nước ngoài là giải pháp tích cực, hữu hiệu giúp chúng ta thu ngắn hơn con đường tiến tới một xã hộicông nghiệp hiện đại.

Tài liệu trích dẫn

Báo điện tử của TW Hội Khuyến học Việt Nam. Khu công nghiệp: Động lực để nền kinh tế cất cánh. Ngày 18/4/2011. Truy cập tại http://dantri.com.vn/c25/s76- 473544/khu-cong-nghiep-dong-luc-de-nen-kinh-te-cat-canh.htm

Luật Đầu tư năm 2005. Tham khảo tại www.dautunuocngoai.com.vn, ngày 28/9/2010.

Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987

Trịnh Duy Luân. 1996. Xã hội học đô thị. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

Tài liệu tham khảo

Tài liệu liên quan

Sau khi phân tích và xem xét cũng như dựa vào các nhân tố Nguồn nhân lực, Trình độ văn hóa, Trình độ chuyên môn, Tình trạng sức khỏe, Thái độ lao động, Kỷ

Trả lời câu hỏi trang 71 sgk Địa Lí 10 mới: Quan sát hình 20, hãy phân tích hai nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ

- Bản chất của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức

+ Cấp độ 2 đó là cấp cụ thể/chi tiết hóa nội dung các năng lực, phẩm chất cần có của một NGƯỜI TỐT NGHIỆP chương trình cụ thể nào đó; gắn với công việc mà người học

Dựa vào kết quả nghiên cứu, một số gợi ý về mặt chính sách về c sỡ hạ tầng và nguồn nhân lực vì đây là 02 yếu tố được các nhà đầu tư quan tâm khi quyết định đầu tư

Bên cạnh đó, Nguyễn Phúc Nghiệp [10] đã khái quát về một số tác dụng của kênh đào trong việc ổn định đời sống cư dân, phục vụ cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp và chăn