• Không có kết quả nào được tìm thấy

DI CƯ LAO ĐỘNG - MỘT CHIẾN LƯỢC SINH KẾ CỦA HỘ GIA ĐÌNH NÔNG THÔN VÙNG VEN BIỂN HAI TỈNH

N/A
N/A
Protected

Academic year: 2022

Chia sẻ "DI CƯ LAO ĐỘNG - MỘT CHIẾN LƯỢC SINH KẾ CỦA HỘ GIA ĐÌNH NÔNG THÔN VÙNG VEN BIỂN HAI TỈNH "

Copied!
11
0
0

Loading.... (view fulltext now)

Văn bản

(1)

DI CƯ LAO ĐỘNG - MỘT CHIẾN LƯỢC SINH KẾ CỦA HỘ GIA ĐÌNH NÔNG THÔN VÙNG VEN BIỂN HAI TỈNH

QUẢNG TRỊ VÀ THỪA THIÊN HUẾ

Lê Đăng Bảo Châu Lê Duy Mai Phương Nguyễn Hữu An Tóm tắt: Nhiều bằng chứng nghiên cứu chỉ ra người dân nông thôn ở các nước đang phát triển có chiến lược sinh kế đa dạng nhằm đảm bảo cuộc sống gia đình và thích ứng với một xã hội đang chuyển đổi. Vậy người dân nông thôn vùng ven biển Trung Trung Bộ có chiến lược sinh kế như thế nào? Dựa vào kết quả nghiên cứu ở xã Hải An và xã Hải Khê thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng trị và xã Quảng Công huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, bài viết chỉ ra những đặc điểm của yếu tố nguồn lực, các hình thức di cư lao động và kết quả chiến lược sinh kế của các hộ gia đình ở hai địa phương trong bối cảnh hiện nay.

Từ khóa: Di cư lao động; chiến lược sinh kế; hộ gia đình nông thôn ven biển.

Đặt vấn đề

Các nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau đã khẳng định rằng người dân nông thôn ở các nước đang phát triển không chuyên một hoạt động sinh kế độc nhất mà phần lớn luôn có chiến lược đa dạng hóa các hoạt động sinh kế (Adams và Mortimore, 1997; Ellis, 1996; Unni, 1996).

Trong một nghiên cứu bàn về các chiến lược sinh kế của hộ gia đình và đa dạng hóa sinh kế ở nông thôn, Ellis đã định nghĩa “Đa dạng sinh kế là quá trình theo đó các hộ gia đình nông thôn xây dựng một danh mục đa dạng các hoạt động sinh kế của mình và những khả năng hỗ trợ xã hội trong cuộc đấu tranh của họ cho sự tồn tại và cải thiện tiêu chuẩn sống” (Ellis, 1998, tr. 5).

Theo Ellis (2000), cần phải phân biệt đa dạng hóa “cần thiết” với đa dạng hóa “lựa chọn”. Đa dạng hoá “cần thiết” xuất phát từ những nguyên nhân “không tự nguyện và bất khả kháng”. Ví dụ như suy thoái môi trường, thiên tai như hạn hán, lũ lụt hoặc nội chiến, mất khả năng tiếp tục thực hiện các hoạt động nông nghiệp… Đa dạng hóa “lựa

chọn” ngược lại, xuất phát từ những lý do tự nguyện và chủ động. Ví dụ như tìm kiếm cơ hội thu nhập theo mùa; tìm việc làm ở khu vực có nhu cầu lao động lớn, cơ hội giáo dục…

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhiều nghiên cứu về đa dạng hóa sinh kế đã thừa nhận di cư lao động như là một chiến lược sinh kế tạo thu nhập quan trọng của các hộ gia đình nông thôn ở các nước nghèo (Skeldon, 2002). Các nghiên cứu gần đây về di cư lao động đã làm sáng tỏ mối quan hệ giữa di cư với các hoạt động sản xuất nông nghiệp và đa dạng hóa sinh kế (Taylor, 2005). Nghiên cứu của De Haas (2007) đã nhấn mạnh rằng số lượng các cuộc di cư càng gia tăng thì kéo theo nó là các hoạt động sinh kế của người dân càng phong phú và các chiến lược sinh kế của các hộ gia đình càng mang tính đa vị trí.

Có thể nói, các nghiên cứu đi trước đã chỉ ra đa dạng sinh kế như là một chiến lược quan trọng của hộ gia đình nông thôn. Sinh kế biển của các địa phương vùng ven biển Trung Trung Bộ gặp rất nhiều khó khăn do đặc điểm địa lý và khí hậu của vùng đất này. Thêm vào đó, sự cố môi trường biển

(2)

Formosa (2016) đã ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sinh kế dựa vào biển của người dân trong những năm qua. Vậy câu hỏi đặt ra là chiến lược sinh kế được hộ gia đình xây dựng trong điều kiện nguồn lực nào? Việc triển khai mô hình sinh kế của hộ gia đình có kết quả ra sao?

Dựa vào kết quả nghiên cứu thực hiện ở xã Hải An và xã Hải Khê thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng trị và xã Quảng Công huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế vào tháng 7 năm 2019, thuộc đề tài cấp Bộ (2017-2019) của nhóm tác giả, nghiên cứu về “Vai trò của di cư lao động trong tái cấu trúc các hoạt động sinh kế của các hộ gia đình nông thôn vùng ven biển hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế”, bài viết này góp phần làm rõ cách thức các hộ gia đình thực hành di cư lao động như một hoạt động sinh kế mang tính chiến lược.

1. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu Giả định rằng để tạo ra thu nhập và thích ứng với bối cảnh xã hội đang chuyển đổi, các hộ gia đình nông thôn ven biển xây dựng các chiến lược sinh kế của mình dựa trên đa dạng hóa các hoạt động nghề nghiệp. Di cư lao động được lựa chọn như một chiến lược sinh kế của các hộ gia đình nông thôn. Nghiên cứu này sử dụng cách tiếp cận phân tích sinh kế bền vững theo mô hình của Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID) để xem xét thực trạng các nguồn vốn sinh kế của các hộ gia đình nông thôn, việc lựa chọn hình thức di cư và các kết quả đạt được từ di cư lao động.

Phương pháp nghiên cứu dựa trên sự kết hợp giữa (1) nghiên cứu tài liệu thứ cấp gồm các thông tin thống kê; các công trình nghiên cứu đi trước và (2) khảo sát định tính, định lượng ở 4 xã thuộc 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Với dung lượng mẫu gồm 200 hộ gia đình có người di cư, sinh sống tại địa bàn nghiên cứu của hai tỉnh, mẫu khảo sát được chọn theo phương pháp chọn mẫu thuận tiện, phân tầng qua 5 giai đoạn: i) chọn một số huyện được đề xuất nghiên cứu; (ii) chọn một số xã của các huyện được đề xuất nghiên cứu; iii) chọn một số thôn của các xã được chọn; iv) chọn các hộ gia đình ở các thôn

được chọn; v) chọn một thành viên trong các hộ gia đình để phỏng vấn.

Các biến số sẽ được mã hóa sẵn ngay ở bảng hỏi và cơ sở dữ liệu định lượng được thiết lập dựa trên ứng dụng phần mềm SPSS. Giới hạn bài viết tập trung phân tích thông tin định lượng, các thông tin định tính sẽ được sử dụng và phân tích trong các công bố tiếp theo của nhóm tác giả.

2. Một số kết quả và phát hiện

2.2. Vài nét về đặc điểm kinh tế, xã hội của các địa phương khảo sát

Quảng Trị và Thừa Thiên Huế là hai tỉnh miền Trung, được coi là khu vực có khí hậu khá khắc nghiệt, chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam khô nóng thổi mạnh từ tháng 3 đến tháng 9, thường gây nên hạn hán. Từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc kèm theo mưa nên dễ gây nên lũ lụt. Với điều kiện địa lý và khí hậu khắc nghiệt, sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Cục Thống kê tỉnh Quảng Trị (2018), dân số trung bình toàn tỉnh Quảng Trị là 630.845 người, trong đó thành thị có 190.793 người (chiếm 30,2%), nông thôn có 440.052 người (chiếm 69,8%). Toàn tỉnh có 14 xã và 2 thị trấn ven biển thuộc 4 huyện đất liền (Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng) và huyện đảo Cồn Cỏ. Nghề nghiệp chính và thu nhập chủ yếu của người dân ở các xã, thị trấn ven biển là khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản và các hoạt động dịch vụ nghề cá, dịch vụ du lịch.

Hai xã có khảo sát ở tỉnh Quảng Trị là Hải An và Hải Khê thuộc huyện Hải Lăng, có bờ biển kéo dài tới 13,5 km. Hai xã này đều nằm ở phía Đông huyện Hải Lăng, giáp biển Đông. Từ bao đời nay, nguồn sinh kế của các hộ dân nơi đây chủ yếu gắn liền với biển. Đây cũng là hai xã luôn phải hứng chịu trực tiếp ảnh hưởng từ các sự cố môi trường biển (thiên tai, ô nhiễm môi trường). Vì vậy, xu hướng chuyển nghề hoặc đi làm ăn xa càng diễn ra phổ biến hơn so với các xã khác (Ủy ban Nhân dân huyện Hải Lăng, 2019).

(3)

Theo Cục Thống kê tỉnh Thừa Thiên Huế (2017), dân số trung bình toàn tỉnh là 1.154,3 nghìn người, trong đó có 563,4 nghìn người ở khu vực thành thị (chiếm 48,8%) và 590,9 nghìn người ở khu vực nông thôn (chiếm 51,2%). Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc ước tính 616,2 nghìn người. Với 9 đơn vị hành chính bao gồm 1 thành phố, 2 thị xã và 6 huyện, Thừa Thiên Huế có 27 xã thuộc xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển giai đoạn 2016 - 2020 phân bố ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang.

Xã Quảng Công thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng là một xã được khảo sát.

Đây là là một xã bãi ngang ven biển thuộc xã đặc biệt khó khăn. Dân số trung bình của xã khoảng 4.787 người (năm 2017). Sinh kế chủ yếu của người dân chủ yếu cũng là khai thác - nuôi trồng - chế biến thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán - dịch vụ (Ủy ban Nhân dân huyện Quảng Điền, 2017)

Từ năm 1988 các hộ gia đình trong mẫu khảo sát thực hiện ở ba xã Hải An, Hải Khê và xã Quảng Công bắt đầu có người di cư lao động. Với tổng số 1.059 thành viên của 200 hộ được khảo sát có 664 người đang tham gia lao động tạo ra thu nhập.

Trong đó có 385 người (chiếm 58%) đang di cư lao động (Kết quả khảo sát, 2019).

2.2. Thực trạng các loại vốn sinh kế của các hộ gia đình nông thôn ven biển

Để tìm hiểu cách thức người dân ở khu vực nông thôn ven biển hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế thực hành di cư lao động như một chiến lược sinh kế, nghiên cứu này trước hết tập trung phân tích thực trạng các nguồn vốn sinh kế của các hộ gia đình, bao gồm: (1) Vốn vật chất (bao gồm cả tài chính và cơ sở hạ tầng); (2) Vốn tự nhiên; (3) Vốn con người và (4) Vốn xã hội.

(1) Vốn vật chất

Kết quả khảo sát cho thấy đa số các hộ có người di cư đều không thuộc hộ khá giả. Có 156 hộ (chiếm 78%) tự đánh giá kinh tế hộ thuộc nhóm

“trung bình” và 21 hộ (chiếm 10,5%) tự đánh giá là “hộ nghèo”. Tuy nhiên bên cạnh các hộ tự đánh

giá “nghèo” và “trung bình” vẫn có 22 hộ (11%)

“khá giả” và 1 hộ (0,5%) tự đánh giá “giàu có”

tham gia di cư lao động. Thu nhập trung bình/năm của các hộ không cao (gần 10,5 triệu/năm). Chênh lệch thu nhập giữa hộ có thu nhập thấp nhất và cao nhất rất lớn (lần lượt là 3 triệu/năm và 1 tỷ 236 triệu/năm).

Đối với vốn vật chất, cụ thể là đất canh tác và hồ nuôi trồng thủy sản, khảo sát cũng cho kết quả tương tự. Trong 200 hộ được khảo sát, chỉ có 35,5% hộ có đất canh tác và 5% hộ có hồ nuôi hải sản. Tuy nhiên, cũng giống như các hộ không có đất canh tác hay hồ nuôi, các hộ này cũng chọn di cư như một chiến lược sinh kế.

Có thể thấy rằng giữa nghèo đói và di cư lao động tồn tại một mối liên kết. Thế nhưng nghèo đói không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến di cư.

(2) Vốn tự nhiên

Đặc trưng về khí hậu cũng ảnh hưởng rất lớn đến các chiến lược sinh kế của các hộ gia đình nông thôn ven biển. Duyên hải miền Trung là khu vực có khí hậu khắc nghiệt. Mùa khô thường hạn hán, có gió mùa Tây Nam khô hanh. Mùa mưa thường có bão lụt. Đất đai ở khu vực này chủ yếu là đất cát, nghèo dinh dưỡng, không ưu đãi cho phát triển nông nghiệp.

Thêm vào đó, sự cố môi trường biển Formosa (năm 2014) đã ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nói chung và của 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên Huế) nói riêng. Báo cáo thực hiện công tác khắc phục sự cố môi trường biển của Ủy ban Nhân dân huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng trị (tháng 5/2018) đã thống kê thiệt hại theo Quyết định số 1880/QĐ- TTg, ngày 29/9/2016 và Quyết định số 309/QĐ- TTg ngày 19/03/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Kết quả cho biết Huyện Hải Lăng có 665 tàu thuyền bị ảnh hưởng.Trong đó xã Hải An có 335 chiếc, xã Hải Khê có 330 chiếc. Diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại trên toàn huyện Hải Lăng là 65,535 ha. Trong đó xã Hải An thiệt hại 45,425 ha. Xã Hải Khê thiệt hại 20,11 ha. Tổng số

(4)

lao động bị ảnh hưởng là 2.768 người. Trong đó, số lao động khai thác biển là 898 người và số lao động bị ảnh hưởng là 1.870 người.

Báo cáo thực hiện công tác khắc phục sự cố môi trường biển của Ủy ban Nhân dân huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế (tháng 12/2017) đã thống kê thiệt hại theo Quyết định số 1880/QĐ- TTg, ngày 29/9/2016. Kết quả cho biết Huyện Quảng Điền có 08 xã, thị trấn bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển diễn ra tháng 4-5/2016, trong đó, 02 xã vùng biển bị ảnh hưởng trực tiếp là Quảng Công và Quảng Ngạn, 06 xã, thị trấn còn lại thuộc vùng đầm phá. Toàn huyện có 305 tàu thuyền khai thác bãi ngang ven biển (thuộc 02 xã Quảng Công và Quảng Ngạn), với 1.812 lao động trực tiếp ven biển bị ảnh hưởng. Sự cố môi trường biển đã làm cho hoạt động khai thác thủy sản ven biển tạm dừng đến cuối năm 2016. Sản lượng khai thác biển năm 2016 chỉ đạt 28,6% so với năm 2015. Hoạt động thu mua, sơ chế, chế biến hải sản cũng bị ảnh hưởng, các hoạt động kinh doanh du lịch tại các bãi biển bị ảnh hưởng do không có khách. Có 6,18 ha/6,72 ha ao nuôi tôm chân trắng trên cát ven biển bị chết hoàn toàn; 01 vạn cá giống của cơ sở ươm giống ven biển bị chết. Số đối tượng bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển ở xã Quảng Công là 1.798 người.

(3) Vốn con người

Liên quan đến vốn con người, trình độ học vấn của lao động trong mẫu khảo sát (664 người) đa số ở mức phổ thông (chiếm 84,5%). Số người có trình độ từ trung cấp nghề trở lên chiếm tỷ lệ rất thấp với 13,7%. Tùy vào điều kiện kinh tế hộ gia đình và năng lực của thanh thiếu niên mà trường học có được chọn lựa như một chiến lược phát triển vốn con người của hộ hay không.

Đối với các hoạt động sinh kế tại địa phương, thiếu lao động trẻ là một vấn đề đáng lo ngại.

Nguyên nhân là do phần lớn nhân lực trong độ tuổi lao động của hộ đã di cư lao động.

Thế nhưng số hộ có thuê mướn lao động để sản xuất nông/ngư nghiệp rất ít (chỉ chiếm 4% số hộ

được khảo sát). Đối với các hộ có thuê mướn lao động, số lao động thấp nhất được thuê là 4 và cao nhất là 6 người. Lao động được thuê mướn chủ yếu theo mùa vụ (75%) và thuê định kỳ (25%). Số tiền các hộ phải trả để thuê mướn lao động thấp nhất là gần 40 triệu/năm và cao nhất là 90 triệu/năm.

Bên cạnh trình độ học vấn không cao, rất ít lao động ở khu vực có khảo sát có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trong số 664 lao động, chỉ có 170 người (chiếm 25,6%) có kênh qua ít nhất 1 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất, đào tạo nghề tại địa phương

(4) Vốn xã hội

Các nghiên cứu về sinh kế của các hộ gia đình nông thôn đã luôn nhấn mạnh về tầm quan trọng của vốn xã hội trong các chiến lược sinh kế của người dân. Vốn xã hội trong nghiên cứu này được xem là tất cả các mối quan hệ xã hội, hỗ trợ hộ gia đình trong cuộc sống và đặc biệt trong các hoạt động sinh kế. Nguồn hỗ trợ mang tính cá nhân bao gồm “bà con/họ hàng tại địa phương”, “bà con/họ hàng ở xa, “hàng xóm láng giềng” được xem là nguồn hỗ trợ quan trọng nhất của các hộ gia đình.

Trong tác phẩm Gia tăng những bấp bênh, lao động, bảo trợ, vị thế cá nhân, Castel (2009) đã gọi môi trường xã hội thân cận, như gia đình, hàng xóm, là nguồn “hỗ trợ gần” (protections rapprochées). Nguồn hỗ trợ này bao gồm các quan hệ mang tính huyết thống (bà con/họ hàng), hoặc mức độ “qua lại” và sự tin cậy lẫn nhau (hàng xóm/láng giềng).

Kết quả khảo sát cho thấy nguồn “hỗ trợ gần”

đóng vai trò quan trọng nhất trong các chiến lược sinh kế của hộ gia đình nông thôn. Trong đó, những người ở gần hỗ trợ nhiều hơn những người ở xa, những người có quan hệ gần (bà con) hỗ trợ nhiều hơn người có quan hệ xa trong tất cả các hoạt động sinh kế của hộ. Trong di cư lao động, nguồn “hỗ trợ gần” đã giúp đỡ các hộ gia đình từ thông tin trước chuyến đi cho đến trao đổi thông tin liên lạc giữa đầu đi và đầu đến, giới thiệu công việc, chỗ ăn ở tại nơi đến và giúp chuyển tiền về.

(5)

Biểu đồ 1: ĐỐI TƯỢNG VÀ NỘI DUNG HỖ TRỢ TRONG QUÁ TRÌNH DI CƯ LAO ĐỘNG Đơn vị tính: %

Nguồn: Kết quả khảo sát (2019).

Mặc dù đa số các hộ gia đình có người di cư trong mẫu khảo sát ở trong tình trạng thiếu các loại vốn (tài chính, vật chất, con người, xã hội), phân tích thực trạng các nguồn lực sinh kế cho thấy di cư lao động không phải là hiện tượng đặc biệt của người nghèo. Trong điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường của địa phương, nó được xem như là một chiến lược sinh kế các của các hộ gia đình nông thôn. Tùy vào năng lực các loại vốn của mỗi hộ mà di cư lao động được đầu tư một cách khác nhau và mang lại những kết quả sinh kế khác nhau.

2.3. Các hình thức di cư lao động của hộ gia đình

Di cư lao động chủ yếu là vì mục đích kinh tế (lao động kiếm tiền). Việc di cư có thể bằng nhiều hình thức khác nhau. Tùy vào các tiêu chí khác nhau (khoảng cách giữa nơi xuất cư và nơi nhập cư; tính chất pháp lý, hướng di chuyển, mục đích di cư…) mà các nghiên cứu trong và ngoài nước đã chỉ ra rất nhiều các hình thức di cư lao động đã và

đang tồn tại cho đến nay. Vì đặc trưng của mẫu khảo sát là di cư lao động tự do nên trong nghiên cứu này, chúng tôi phân loại các hình thức di cư dựa trên hướng di chuyển, bao gồm 2 loại hình chính: di cư lao động trong nước và di cư lao động ra nước ngoài. Đối với di cư lao động trong nước, nghiên cứu chia nhỏ các hình thức di cư theo các đơn vị hành chính, bao gồm di cư lao động trong huyện, trong tỉnh và giữa các tỉnh.

Kết quả khảo sát cho thấy đa số người dân ở khu vực nông thôn vùng ven biển hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế lựa chọn loại hình di cư trong nước (89%). Di cư lao động ra nước ngoài chiếm tỷ lệ không cao (11%). Những thành viên trong các hộ gia đình tham gia di cư lao động có độ tuổi chủ yếu từ 16 đến 35 tuổi (chiếm 73% những người đang di cư). Những người có độ tuổi từ 36 đến 60 chiếm 26% và trên 60 tuổi chỉ chiếm 1%.

Có 45% lao động đang di cư là nữ giới và 55% là nam giới.

0%

5%

10%

15%

20%

25%

Giới thiệu công việc Hỗ trợ chỗ ăn ở tại

nơi đến Cho vay tiền chi cho

chuyến đi Trao đổi thông tin

kinh nghiệm Giúp chuyển tiền về Bà con/họ hàng tại địa phương Bà con/họ hàng ở xa Hàng xóm

(6)

2.3.1. Di cư lao động ra nước ngoài

Di cư lao động ra nước ngoài chỉ chiếm 11%

tổng số những người đang di cư (385 người) của 200 hộ được khảo sát. Nơi đến chủ yếu là Nhật Bản (8 trường hợp). 16 trường hợp còn lại đến Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Na-Uy, Mỹ, Ca Na Đa, Úc (mỗi nước đến có 1-2 người).

Hình thức di cư ra nước ngoài chủ yếu là xuất khẩu lao động. Điểm khác biệt giữa hai loại di cư này là số tiền đầu tư ban đầu cho chuyến đi và thu nhập của lao động di cư tại đầu đến. Theo kết quả phỏng vấn sâu, để có thể làm việc ở nước ngoài, tùy vào nước đến mà người lao động di cư phải trả một khoản tiền trên dưới 200 triệu đồng. Trung bình mỗi tháng người lao động di cư nhận được 20 triệu đồng.

Đa số lao động chọn xuất khẩu lao động trong mẫu khảo sát của chúng tôi thuộc hộ trung bình, khá giả và giàu có. Theo các lý thuyết kinh tế mới trong nghiên cứu về di cư, di cư được xem như là một chiến lược sinh kế của hộ gia đình nhằm chia sẻ các rủi ro bằng cách gửi một số thành viên của hộ đến một thị trường lao động khác. Có thể thấy mặc dù các hoạt động sinh kế ở nông thôn có thể mang lại thu nhập không nhỏ, các hộ khá giả này vẫn có chiến lược đa dạng hóa sinh kế thông qua con đường di cư lao động. Bằng cách này, hộ có thể tận dụng các cơ hội thị trường được tạo ra từ quá trình phát triển chung của đất nước để tham gia các hoạt động nghề nghiệp khác nhau. Các hoạt động nông nghiệp và phi nông nghiệp cùng nhau tạo ra thu nhập ổn định cho hộ gia đình, khắc phục tình trạng bị động khi chỉ dựa vào các hoạt động sinh kế phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp vốn phụ thuộc rất nhiều vào tính mùa vụ và thiên nhiên.

Đối với các hộ này, năng lực các nguồn vốn đầu tư ban đầu ảnh hưởng rất nhiều đến các quyết định trong việc lựa chọn điểm đến cũng như nghề nghiệp của lao động di cư. Xuất khẩu lao động cũng như đầu tư vào học vấn của con cái để nâng cao vị thế và cơ hội tiếp cận các nghề nghiệp có thu nhập cao trên thị trường là đặc điểm của họ.

Các gia đình khá giả không sử dụng tiền chuyển về

từ lao động di cư để chi cho sinh hoạt hàng ngày của hộ tại nông thôn mà sử dụng để tái đầu tư phát triển các loại vốn khác nhau của hộ.

Nói như vậy không có nghĩa là người nghèo không lựa chọn xuất khẩu lao động. Kỳ vọng vào thu nhập hàng tháng từ loại hình di cư này, vẫn có một trường hợp thuộc hộ nghèo quyết định xuất khẩu lao động. Các nghiên cứu về di cư lao động ra nước ngoài theo hình thức xuất khẩu lao động đã chỉ ra rằng để có thể chi trả cho chuyến đi, các hộ gia đình nghèo phải vay mượn với lãi xuất cao.

Trong trường hợp kết quả của sinh kế không như kỳ vọng, người dân rất dễ rơi vào tình trạng nợ nần.

2.3.2. Di cư lao động trong nước

So với di cư lao động ra nước ngoài, di cư lao động trong nước chiếm đa số các đối tượng đang di cư trong các hộ được khảo sát (89%). Loại hình di cư chủ yếu là giữa các tỉnh (chiếm 75% số người đang di cư). Nơi đến chủ yếu của loại hình di cư này là các tỉnh thành phía Nam. Đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh (77 trường hợp); Đà Nẵng 27 trường hợp, Bình Dương 19 trường hợp. Ngoài ra người lao động di cư còn đến rải rác ở Đắk Lắk, Khánh Hòa, Long An, Đồng Nai, Biên Hòa, Cà Mau, Vũng Tàu. Số lượng những người đến các tỉnh thành này không nhiều (1-2 trường hợp mỗi địa điểm).

Ngoài ra người dân ở khu vực có khảo sát ở tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế còn chọn đến các tỉnh thành phía Bắc. Cụ thể là Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình. Tuy nhiên số lượng người đến các địa điểm này không nhiều (1- 2 trường hợp cho mỗi địa điểm).

Di cư lao động trong huyện và trong tỉnh chiếm tỷ lệ rất thấp (lần lượt là 1% và 6%). Đối với trường hợp di cư trong tỉnh, lao động di cư chủ yếu tập trung vào hai thành phố Đông Hà (thuộc tỉnh Quảng Trị) và Huế (thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế).

Ưu điểm của di cư lao động trong nước là chi phí ban đầu cho chuyến đi không lớn. Bên cạnh đó, người lao động di cư không cần phải đầu tư nhiều

(7)

cho vốn con người như học tiếng, đào tạo kỹ năng… Tuy nhiên, khác với thu nhập từ xuất khẩu lao động, thu nhập từ các công việc trong nước không cao. Đối với những lao động thuộc hộ nghèo không có vốn đầu tư cho sinh kế ở đầu đến thường chấp nhận làm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm, nhàm chán với mức lương chỉ đủ chi trả một cách chật vật cho đời sống của họ tại nơi đến.

2.4. Kết quả sinh kế từ di cư lao động

Với tư cách là một chiến lược sinh kế, di cư lao động mang lại cho các hộ gia đình nhiều nguồn lợi khác nhau. Nghiên cứu này phân tích các đóng góp ở ba khía cạnh (1) đóng góp đối với các hoạt động

sinh kế tại địa phương; (2) cải thiện điều kiện sống của hộ gia đình và (3) tái cấu trúc các hoạt động sinh kế của hộ.

2.4.1. Đóng góp của di cư lao động đối với các hoạt động sinh kế tại địa phương

Với giả thiết thu nhập từ di cư lao động sẽ được sử dụng một phần cho đầu tư sinh kế tại địa phương, nghiên cứu tìm hiểu việc sử dụng tiền chuyển về cho mục đích phát triển sản xuất nông/ngư nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy diện tích đất canh tác và hồ nuôi tôm không thay đổi, đóng góp của di cư lao động thông qua tiền gửi đối với phát triển sản xuất tại địa phương rất thấp.

Biểu đồ 2: MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG “TIỀN CHUYỂN VỀ”

Đơn vị tính: %

Nguồn: Kết quả khảo sát (2019).

Các hoạt động sinh kế của hộ trước và sau khi có di cư lao động không thay đổi. Sinh kế của các hộ gia đình ở khu vực có điều tra vẫn luôn tập trung vào 4 nhóm nghề: Sản xuất nông nghiệp, đánh bắt và nuôi trồng hải sản, công nhân, làm thuê và kinh doanh dịch vụ. Các hoạt động tiểu thủ công nghiệp và các hoạt động khác (đóng tàu) chiếm tỷ lệ rất thấp. Đánh bắt hải sản vẫn là hoạt động sinh kế chính của các hộ gia đình. Mặc dù Quảng Trị và Thừa Thiên Huế là hai tỉnh bị ảnh

hưởng của sự cố môi trường Formosa, và hoạt động đánh bắt hải sản ở hai tỉnh này đã bị ngưng trệ giai đoạn 2014-2016, tuy nhiên đến nay, khi sự cố môi trường đã phần nào được khắc phục, người dân lại quay trở lại với nghề đánh bắt hải sản. Số lượng hộ từ bỏ nghề đánh bắt do đó không nhiều (7%). Các hoạt động nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi) và kinh doanh dịch vụ có giảm nhẹ nhưng với tỷ lệ không đáng kể.

46 % 17 %

26 %

86 % 23 %

2 %

22 % 3 %

1 %

31 % 5 %

Trả nợ Trả chi phí đầu tư ban đầu cho di cư Cho vay/để dành, gửi tiết kiệm Chi tiêu hàng ngày chi phí học hành/y tế Thuê mướn lao động Đầu tư sản xuất Đầu tư cho tiểu thủ công nghiệp/chế biến thực phẩm Đầu tư buôn bán/dịch vụ Xây dựng, sửa chữa nhà cửa, sân vườn Khác (mua vàng, nuôi con, góp vốn mua nguyên vật liệu, đóng góp …

(8)

Lý do “tiền chuyển về” từ lao động di cư không được sử dụng để phát triển các hoạt động sinh kế tại địa phương được giải thích bằng chiến lược phân cực của hộ gia đình. Để có thể thực hiện song song các hoạt động sinh kế cả ở đầu đi và các đầu đến, các hộ gia đình phải phân chia nguồn nhân lực của mình ra các phần khác nhau. Cụ thể là những người đã có kinh nghiệm trong sản xuất nông ngư nghiệp và là người đảm nhiệm chính các hoạt động này sẽ ở lại nông thôn, tiếp tục hoạt động của mình. Kết quả khảo sát cho thấy đa số họ có độ tuổi tập trung từ 36 đến 60. Trong khi đó, lao động di cư lại tập trung ở độ tuổi 18 đến 35. Thu nhập từ di cư lao động do đó được chi nhiều cho cuộc sống của người lao động và phát triển nghề nghiệp của họ tại nới đến.

Kiến thức, kỹ năng người di cư tích lũy được bên ngoài cũng góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy đa dạng hóa sinh kế ở cộng đồng địa phương.

Những người di cư trở về mở ra các hướng sản xuất phi nông nghiệp và kinh doanh dịch vụ mới, nâng cao thu nhập của hộ gia đình cũng như thu hút lao động nông thôn, trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến cộng đồng đầu đi theo hướng tích cực

2.4.2. Đóng góp của di cư lao động trong an ninh lương thực và cải thiện điều kiện sống của hộ gia đình ở nông thôn

“Tiền chuyển về” không được đầu tư nhiều cho sản xuất nông/ngư nghiệp, mở rộng đất đai canh tác hay hồ nuôi hải sản mà được các hộ ưu tiên cho “chi tiêu hàng ngày của hộ” ở đầu đi (86%) và “sửa chửa, xây dựng nhà cửa” (31%).

Điều này cho thấy di cư thật sự là một hoạt động sinh kế quan trọng. Cùng với các nguồn thu nhập khác, nó giúp cải thiện đời sống vật chất, tái sản xuất sức lao động cho các thành viên ở lại.

Bên cạnh đó, “tiền chuyển về” còn được hộ gia đình sử dụng đầu tư cho sức khỏe và giáo dục. Tất cả các loại đầu tư này đều hướng đến mục đích cải thiện nguồn vốn con người, tăng năng lực sử dụng trong các chiến lược sinh kế mới. Việc sử dụng

“tiền chuyển về” để chi trả cho lương thực, y tế, giáo dục, ngoài ý nghĩa nâng cao năng lực của vốn con người còn được hiểu là nguồn thu nhập mang

lại sự đảm bảo cho các hộ gia đình trong những hoàn cảnh khó khăn như mất mùa, dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng hải sản, các sự cố môi trường trong đánh bắt hải sản,… cũng như vượt qua các biến cố của gia đình như ốm đau, bệnh tật,… Có 46% hộ gia đình sử dụng “tiền chuyển về” để trả nợ và 17% để trả nợ chi phí đầu tư ban đầu cho di cư. Điều đó chứng tỏ di cư lao động đã đóng góp vào việc hỗ trợ và khắc phục các kết quả tiêu cực của các chiến lược sinh kế khác và mở ra các chiến lược sinh kế mới.

2.4.3. Vai trò của di cư lao động trong tái cấu trúc các hoạt động sinh kế của hộ gia đình

Theo mô hình phân tích sinh kế bền vững của DFID, kết quả của một chiến lược sinh kế sẽ được sử dụng để tái cấu trúc các hoạt động sinh kế. Đối với các hộ gia đình có người di cư lao động, kết quả của di cư lao động sẽ quyết định xu hướng phát triển sinh kế của hộ trong tương lai.

Như đã phân tích ở trên, “tiền chuyển về” được ưu tiên để chi tiêu vào cải thiện điều kiện sống của hộ gia đình ở nông thôn hơn là để phát triển các hoạt động sinh kế tại địa phương. Bên cạnh những chi tiêu được luận giải như cách thức làm tăng vốn con người ở địa phương, một số gia đình (26%) còn sử dụng nó như một nguồn tín dụng bằng cách

“cho vay, để dành, gửi tiết kiệm” để đầu tư cho tương lai.

Ngoài những đóng góp kinh tế cho hộ gia đình ở nông thôn thông qua tiền gửi về, thu nhập từ di cư lao động được sử dụng chủ yếu để chi tiêu cho cuộc sống và đầu tư cho học tập và nghề nghiệp của người lao động di cư tại điểm đến. Đó cũng là cách thức tăng vốn con người, tạo lực cho các cực đến của hộ gia đình. Kết quả của chiến lược đầu tư này sẽ là yếu tố quyết định mô hình của hộ gia đình trong tương lai: Những người lao động di cư sẽ trở về quê hương lập nghiệp sau một thời gian di cư lao động nhất định hay sẽ định cư tại nơi đến.

Các mô hình này đến phiên nó lại quyết định các chiến lược đầu tư trong giai đoạn tiếp theo.

(9)

Tuy nhiên cũng giống như các hoạt động sinh kế khác, kết quả của di cư lao động không luôn như mong đợi và các nguồn vốn đầu tư cho hoạt động sinh kế của hộ gia đình luôn đứng trước những nguy cơ bị tổn hại.

Đối với nguồn vốn con người, bên cạnh việc thiếu nhân lực cho các hoạt động sinh kế tại địa phương. Nguồn nhân lực được hộ phân bổ cho di cư lao động luôn đứng trước nguy cơ bị tổn hại khi người lao động di cư luôn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức ở đầu đến.

Biểu đồ 3: CHI TIÊU CỦA LAO ĐỘNG DI CƯ TẠI NƠI ĐẾN

Đơn vị tính: %

Nguồn: Kết quả khảo sát (2019).

Kết quả khảo sát bằng bảng hỏi trên 200 hộ gia đình ở xã Hải An, Hải Khê tỉnh Quảng Trị và xã Quảng Công của tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy nguy cơ người lao động di cư gặp nhiều nhất và gây lo lắng nhất cho người thân ở nhà là vấn đề sưc khỏe và nguy cơ đến tính mạng. Tình trạng người di cư vừa sống xa bố mẹ mình vừa sống xa con cái tạo không ít khó khăn về tình cảm và tinh thần cho cả đầu đi và đầu đến. Các trách nhiệm (chăm sóc, dạy bảo) không được thực hiện trực tiếp và “nỗi nhớ”, sự lo lắng luôn là thường trực.

Đối với nguồn vốn tài chính, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng chi phí bỏ ra ban đầu cho xuất khẩu lao động rất cao đối với người dân nông thôn.

Trong trường hợp họ không thể tự chi trả, phải vay mượn vốn với lãi suất cao, các hộ gia đình có thể lâm vào cảnh nợ nần. Cũng có một số trường hợp công ty ở nước tiếp nhận phá sản, hết việc làm hoặc bản thân người lao động không chịu nổi điều kiện làm việc khắc nghiệt, công việc vất vả bỏ về nước. Tất cả trường hợp này hộ gia đình đều mất trắng khoản chi phí ban đầu.

Đối với vốn xã hội, kết quả khảo sát cho thấy mạng lưới di cư được tạo nên từ các mối quan hệ xã hội “co cụm” (bonding social capital) theo định

nghĩa của Woolcock và Narayan (2000). Chính những đặc trưng “hướng vào bên trong” và mang tính chất “gia đình” khiến cho mạng lưới khó mở rộng ra bên ngoài, các mối quan hệ xã hội ít mang lại những cơ hội mới và không được gia tăng. Bên cạnh nguy cơ không tăng về lượng, vốn xã hội của các hộ gia đình nông thôn còn có xu hướng giảm về chất khi khoảng cách trở thành một cản trở trong tương tác giữa người di cư và gia đình họ ở quê nhà

3. Một số nhận xét và kết luận

Cũng như các hoạt động khác, di cư lao động là một chiến lược sinh kế được xây dựng dựa trên các nguồn lực rất hạn chế. Hạn chế này đã giới hạn các hình thức di cư lao động của người dân trong khu vực được khảo sát trong hai loại chính: Xuất khẩu lao động đối với các trường hợp di cư lao động ra nước ngoài và di cư giữa các tỉnh đối với di cư trong nước, trong đó chủ yếu là di cư giữa các tỉnh.

Mặc dù được xây dựng dựa trên các loại vốn rất hạn chế, di cư lao động đóng vai trò rất quan trọng trong kinh tế của hộ gia đình. Thu nhập từ di cư lao động được sử dụng chủ yếu để gia tăng các 0

50 100 150 200 250

Chi tiêu hàng ngày Học tập Đầu tư nhà ở, CSVC Khởi nghiệp Khoaản chi khác (nuôi con)

(10)

loại vốn của hộ, đặc biệt là vốn con người và là cơ sở để các hộ gia đình xây dựng các chiến lược tái cấu trúc các hoạt động sinh kế theo hướng đa dạng hóa các hoạt động phi nông nghiệp và đa địa phương hóa sinh kế.

Là một chiến lược sinh kế quan trọng, di cư lao động vẫn hướng đến các chiến lược đa dạng hóa sinh kế theo hướng phi nông nghiệp. Trong mối quan hệ với sản xuất nông nghiệp, thu nhập từ di cư lao động đóng góp không nhiều. Ngược lại kết quả thu được từ các hoạt động sản xuất ở địa phương hiện tại vẫn đóng vai trò duy trì cực gốc ở đầu đi, đầu tư cho các chuyến đi và là nơi quay trở về khi kết quả của di cư lao động không đạt kỳ vọng.

Trong tương lai, những người ở lại quê nhà, nay đã có tuổi sẽ già đi, lao động di cư lại có xu hướng tách hộ và định cư tại các nơi đến. Nhân lực cho phát triển nông thôn sẽ là một vấn đề nan giải

cho các cộng đồng nông thôn. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ thực hiện với các hộ gia đình có người di cư. Bên cạnh những hộ này vẫn có những hộ bám làng, bám biển, tiếp tục các hoạt động nông/ngư nghiệp tại địa phương. Bài toán vẫn là các hộ gia đình cần phải có những giải pháp cần thiết trong việc đầu tư, phân phối và quản lý các nguồn lực cũng như vận dụng tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước để xây dựng các chiến lược sinh kế của hộ một cách an toàn và có lợi. Ngoài ra các chính sách phát triển nông thôn của Nhà nước phải được xây dựng song song và có tính đến các chính sách di cư để đảm bảo các nguồn lực cho phát triển xã hội ở cộng đồng đầu đi. Việc cung cấp bảo trợ xã hội thông qua các chính sách mang tính pháp lý phải được thực hiện tốt hơn cho người lao động di cư cũng như thúc đẩy mối quan hệ giữa di cư và phát triển.

Tài liệu tham khảo

1. Adams, W.M., and Mortimore, M.J. (1997). Agricultural intensification and flexibility in the Nigerian Sahel.Mimeo, Department of Geography, University of Cambridge.

2. Castel, R. (2009). La montée des incertitudes, travail, protection, statut de l’individu.Paris.

3. Cục Thống kê Thừa Thiên Huế (2017). Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2017.

http://www.thongkethuathienhue.gov.vn/ChiTietTin.aspx?id=119

4. Cục Thống kê tỉnh Quảng Trị (2018). Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị năm 2018.

http://cucthongke.quangtri.gov.vn/News/?ID=473

5. De Haas, H. (2007). The complex role of migration in Schifting Rural Livelihoods: the case of marrocan oasis. Global Migration and Development. E. S. Van Naerssen T., Zommers A., New York- London, Ed. CERES International Migration. p21-42.

6. Ellis F. (2000). Rural Livelihoods and Diversity in Developing Countries. Oxford University Press:

Oxford.

7. Ellis, F. (1996). Policy implications of rural livelihood diversification. mimeo, Overseas Development Group, University of East Anglia, Norwich.

8. Ellis, F. (1998). Survey Article: Household Strategies and Rural Livelihood Diversification.Journal of Development Studies, 35(1), 1-38. https://quangdien.thuathienhue.gov.vn/?gd=3&cn=375&tc=3408 9. Skeldon R. (2002). Migration and poverty.Asia-Pacific Population Journal (17). p67-82

10. Taylor E. (2005). Migrations: nouvelles dimensions et caractéristiques: Causes, Conséquences et Répercussions en termes de pauvreté rurale. Food and Agriculture Organization, Rome.

11. Tỉnh ủy Quảng Trị (2016). Kết luận Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh Khóa XVI về các giải pháp chuyển đổi sinh kế, khôi phục và hát triển sản xuất cho nhân dân vùng biển.

(11)

12. Unni, J. (1996). Diversification of economic activities and non-agricultural employment in rural Gujarat. Economic and Political Weekly, August 17: 2243-2250.

13. Ủy ban Nhân dân huyện Hải Lăng (2018). Báo cáo kết quả thực hiện công tác khắc phục sự cố môi trường biển trên địa bàn huyện Hải Lăng, Số 84/BC-UBND, ngày 07/05/2018

14. Ủy ban Nhân dân huyện Hải Lăng (2019). Báo cáo tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp động lao động thuộc hộ gia đình có cá nhân thiệt hại do sự cố môi trường biển đợt 1.

15. Ủy ban Nhân dân huyện Quảng Điền (2017). Báo cáo kết quả khắc phục thiệt hại do sự cố môi trường biển của UBND huyện Quảng Điền, tháng 8/2017.

16. Ủy ban Nhân dân huyện Quảng Điền (2017). Báo cáo về đất đai, dân số, lao động

17. Woolcock, M., and Narayan, D. (2000). Social Capital: Implications for Development Theory, Research, and Policy. The World Bank Research Observer 15(2), 225-249.

Thông tin tác giả:

1. Lê Đăng Bảo Châu, TS

- Đơn vị công tác: Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế

- Địa chỉ email: Chau.lebao@gmail.com 2. Lê Duy Mai Phương, Th.S

- Đơn vị công tác: Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế

3. Nguyễn Hữu An, Th.S

- Đơn vị công tác: Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế

Ngày nhận bài: 05/4/2019 Ngày nhận bản sửa: 1/7/2019 Ngày duyệt đăng: 29/7/2019

Tài liệu tham khảo

Tài liệu liên quan

Bài viết này sẽ cố gắng phân tích rõ hơn những yếu tố tác động đến số lượng công việc nội trợ mà người phụ nữ phải gánh vác trong gia đình nông thôn ở cả ba

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta đến năm 2020 được Đại hội Đảng lần thứ XI thông qua, một trong những giải pháp có tính đột phá thực hiện được

Vấn đề đặt ra là người nông dân ven đô đã sử dụng các mối quan hệ xã hội mà họ có được vào chiến lược sinh kế của họ như thế nào trong bối cảnh đô thị hoá

Phân tích, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến cảm nhận của hộ gia đình sau khi sử dụng dịch vụ cho vay tại ngân hàng Agribank huyện Quảng Điền để từ đó đề xuất các

Đó là sự chuyển dịch khá tích cực về cơ cấu hộ gia đình trên địa bàn huyện trong 5 năm qua,hộ nông nghiệp giảm bởi lý do như đã nêu ở trên là nhằm phân công

Do đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá mức độ hài lòng khi tham gia hợp tác xã của nông hộ, từ đó đưa ra các giải pháp nhằm khuyến khích nông hộ tham gia

Chính vì vậy, nghiên cứu đã phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự tham gia chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của hộ dân cư ở xã Quảng Ngạn, với

Đề tài tập trung nghiên cứu với mục tiêu nhằm phân tích hiện trạng tài nguyên nước mặt hạ lưu hệ thống sông Vu Gia — Thu Bồn, vùng ₫ồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam