• Không có kết quả nào được tìm thấy

KIẾN THỨC, THÁI ĐỘ VÀ KĨ NĂNG CỦA ĐIỀU DƯỠNG VỀ THỰC HÀNH DỰA TRÊN BẰNG CHỨNG (EBP)

N/A
N/A
Protected

Academic year: 2022

Chia sẻ "KIẾN THỨC, THÁI ĐỘ VÀ KĨ NĂNG CỦA ĐIỀU DƯỠNG VỀ THỰC HÀNH DỰA TRÊN BẰNG CHỨNG (EBP) "

Copied!
6
0
0

Loading.... (view fulltext now)

Văn bản

(1)

KIẾN THỨC, THÁI ĐỘ VÀ KĨ NĂNG CỦA ĐIỀU DƯỠNG VỀ THỰC HÀNH DỰA TRÊN BẰNG CHỨNG (EBP)

Phạm Thị Oanh, Lương Thị Hoa*, Hoàng Trung Kiên Trường Đại học Y Dược - ĐH Thái Nguyên

TÓM TẮT

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm mô tả kiến thức, kĩ năng và thái độ của điều dưỡng về thực hành dựa trên bằng chứng (EBP) và xác định mối liên quan giữa một số yếu tố (tuổi, giới, trình độ học vấn, tham gia nghiên cứu khoa học, nguồn học liệu sẵn có) với kiến thức, thái độ và với kĩ năng thực hành EBP của điều dưỡng. Thiết kế nghiên cứu mô tả tương quan đã được sử dụng để khảo sát các điều dưỡng có trình độ từ cao đẳng trở lên và có thời gian công tác tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Thái Nguyên từ 6 tháng trở lên. Kết quả nghiên cứu cho thấy điều dưỡng có thái độ tích cực về EBP (5,08 ±1,34) tuy nhiên kiến thức và kĩ năng về EBP của họ mới đạt ở mức độ trung bình (4,00 ± 1,23) và (3,79 ± 1,39). Các yếu tố tuổi, giới và số năm công tác không có mối liên quan với kiến thức, thái độ và kỹ năng EBP của điều dưỡng; trình độ chuyên môn có mối tương quan tỷ lệ thuận với kiến thức EBP (r = 0,053; p < 0,1); với thái độ về EBP (r = 0,112 ; p <

0,05); và với kỹ năng EBP (r = 0,125; p < 0,01). Việc điều dưỡng đã từng tham gia nghiên cứu khoa học có mối liên quan tỷ lệ thuận với kiến thức EBP (r = 0,388 ; p < 0,01); với thái độ về EBP (r = 0,521; p < 0,01) và với kỹ năng EBP (r = 0,31 ; p < 0,01).

Từ kết quả nghiên cứu này cho thấy cần có chiến lược phù hợp nhằm nâng cao kiến thức, thái độ, kĩ năng EBP cho điều dưỡng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc cho người bệnh.

Từ khóa: Điều dưỡng, thực hành dựa trên bằng chứng, kiến thức, thái độ, kỹ năng

ĐẶT VẤN ĐỀ*

Y hoc chứng cứ (evidence based practice - EBP) là một phong trào mới của y học do các bác sĩ ở Canada khởi xướng từ thập niên 90 của thế kỉ trước. Theo David Saccket thì EBP là vận dụng một cách thận trọng, chính xác và rõ ràng tất cả các dự liệu nghiên cứu thu được tốt nhất hiện có, kết hợp với kiến thức và kinh nghiệm của thầy thuốc, cùng với tham khảo yêu cầu và nguyện vọng của người bệnh, để đưa ra biện pháp điều trị hữu hiệu cho từng người bệnh cụ thể [8]. Các bước thực hành dựa trên bằng chứng gồm: Đặt câu hỏi lâm sàng thực tế, có thể trả lời được; tìm bằng chứng y khoa liên quan đến câu hỏi lâm sàng;

đánh giá bằng chứng khoa học; ứng dụng bằng chứng phù hợp trên người bệnh; và đánh giá hiệu quả sau áp dụng. EBP đã và đang trở thành mối quan tâm lớn của đội ngũ các nhân viên y tế, các nhà quản lý hệ thống y tế cũng như của các nhà khoa học [3], [6].

Thực hành dựa trên bằng chứng được xem là yếu tố thiết yếu nhằm nâng cao chất lượng

*Tel: 0868 111984, Email: hoaydtn@gmail.com

dịch vụ y tế nói chung cũng như tối ưu hóa kết quả chăm sóc người bệnh nói riêng.

Melnyk và các cộng sự (2014) [7] đã chỉ ra rằng thực hành dựa trên bằng chứng giúp cải thiện các kết quả chăm sóc trên người bệnh nhiều hơn 28% so với việc thực hành dựa trên các quan điểm truyền thống. Thực hành dựa trên bằng chứng có liên quan đến việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực, cải thiện chất lượng chăm sóc người bệnh, giảm giá thành cũng như thời gian nằm viện, tăng sự hài lòng của người bệnh, và giảm thiểu các can thiệp không cần thiết [3], [6]. Chính vì vậy, Hội đồng Điều dưỡng thế giới (ICN) cũng nhấn mạnh rằng các dịch vụ y tế, đặc biệt là dịch vụ do điều dưỡng cung cấp cần dựa trên bằng chứng tốt nhất [3].

Trong lĩnh vực Điều dưỡng, những dịch vụ chăm sóc và kỹ thuật do người điều dưỡng cung cấp liên quan trực tiếp tới sức khoẻ và tính mạng con người, vì thế kiến thức và thực hành điều dưỡng phải có cơ sở khoa học vững chắc và chính xác. Thực hành dựa vào bằng chứng là trách nhiệm nghề nghiệp và đạo đức

(2)

của người điều dưỡng nhằm đảm bảo an toàn cho người nhận dịch vụ chăm sóc [3]. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng có rất ít bằng chứng được áp dụng trong thực hành chăm sóc người bệnh bởi những nguyên nhân chủ quan cũng như nguyên nhân khách quan [2], [5]. Vì vậy người điều dưỡng phải nhận thức được tầm quan trọng của EBP, có kiến thức và kĩ năng đầy đủ về EBP cũng như cần vượt qua những rào cản và thách thức để có thể ứng dụng EBP trên lâm sàng nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh.

Nghiên cứu điều dưỡng là một trong các phương tiện khách quan, hệ thống và đáng tin cậy để tạo ra bằng chứng hướng dẫn thực hành chăm sóc lâm sàng và qua đó nâng cao chất lượng của các dịch vụ điều dưỡng. Trên thế giới, một số nghiên cứu về kiến thức, kĩ năng và thái độ của điều dưỡng về EBP đã được tiến hành với kết quả điểm trung bình cao nhất thường ở phần thái độ, còn điểm kiến thức và kĩ năng EBP hầu hết chỉ đạt mức độ trung bình [1], [4], [6], [10]. Mặc dù các nghiên cứu này được tiến hành ở nước ngoài nơi mà những điều kiện cơ sở vật chất và nguồn nhân lực điều dưỡng có nhiều khác biệt so với nước ta nhưng hầu hết đều thể hiện một kết quả chung đó là kiến thức và kĩ năng EBP của điều dưỡng vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi.

Ở Việt Nam, trong quá trình tổng quan tài liệu chúng tôi chưa thấy có nghiên cứu nào công bố về kiến thức, kĩ năng và thái độ của điều dưỡng về EBP. Để nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc điều dưỡng thì việc tiến hành một nghiên cứu đánh giá về kiến thức, kĩ năng và thái độ của điều dưỡng về EBP là thực sự cần thiết. Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm mục tiêu:

MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU

- Mô tả kiến thức, kĩ năng và thái độ của điều dưỡng về EBP.

- Xác định mối liên quan giữa một số yếu tố nhân khẩu học (tuổi, giới, trình độ học vấn, tham gia nghiên cứu khoa học, nguồn học liệu

sẵn có) với kiến thức thái độ và với kĩ năng của điều dưỡng về EBP.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Thiết kế nghiên mô tả cắt ngang đã được sử dụng trong nghiên cứu này. Đối tượng nghiên cứu là tất cả điều dưỡng có trình độ từ cao đẳng trở lên và có thời gian công tác tại bệnh viện Trung ương Thái Nguyên từ 6 tháng trở lên. Số liệu được thu thập từ tháng 7 tới tháng 9, 2018 bằng bộ câu hỏi tự điền.

Cỡ mẫu và phương pháp chọn mẫu: Phương pháp chọn mẫu thuận tiện đã được áp dụng trong nghiên cứu này. Tất cả điều dưỡng có trình độ từ cao đẳng trở lên và có thời gian công tác từ 6 tháng trở lên được chọn để tham gia nghiên cứu. Thông qua trưởng phòng điều dưỡng bệnh viện và các điều dưỡng trưởng khoa, bộ câu hỏi được gửi tới tổng số 253 điều dưỡng đủ tiêu chuẩn và số phiếu trả lời thu về là 185. Bộ câu hỏi bao gồm 2 phần:

Phần I: Hỏi về thông tin cá nhân của đối tượng nghiên cứu như tuổi, giới, trình độ chuyên môn cao nhất, số năm công tác, đã từng tham gia nghiên cứu khoa học hay chưa và sự sẵn có của cơ sở dữ liệu trong bệnh viện nơi điều dưỡng làm việc.

Phần II là bộ câu hỏi đánh giá kiến thức, thái độ và kĩ năng của điều dưỡng về EBP của tác giả Upton và các cộng sự. Phần này gồm 24 câu hỏi theo cấu trúc Likert- scale thang điểm từ 1 đến 7. Kiến thức EBP của điều dưỡng được đánh giá bằng 14 câu hỏi và được chia các mức độ thấp (điểm trung bình từ 1,0 đến dưới 3,0), trung bình (điểm trung bình từ 3,0 đến dưới 5,0), và cao (điểm trung bình từ 5,0 đến dưới 7,0); kĩ năng thực hành EBP được đánh giá bằng 06 câu hỏi với 1 là “không bao giờ thực hiện” và 7 là “luôn luôn”; 04 câu hỏi còn lại dùng để đánh giá thái độ của điều dưỡng về EBP. Thái độ của điều dưỡng với EBP được coi là tích cực khi điểm trung bình thái độ từ 4,0 trở lên [9].

Phần 2 của bộ câu hỏi được dịch sang tiếng Việt theo quy trình “back- translate”. Hệ số Cronbach’s α được dùng để ước lượng độ tin

(3)

cậy của bản dịch sang tiếng Việt với kết quả là 0,83 cho toàn bộ 24 câu hỏi và 0,84; 0,88; và 0,80 tương ứng với các phần kiến thức; kỹ năng; và thái độ.

Dữ liệu được xử lí bằng phần mềm thống kê SPSS 18 với độ tin cậy alpha 0,05. Thống kê mô tả được sử dụng để mô tả thông tin cá nhân cũng như kiến thức, thái độ và kỹ năng của điều dưỡng về EBP. Tương quan Pearson và Spearman được dùng để xác định mối liên

quan giữa các yếu tố tuổi, giới, trình độ chuyên môn, tham gia nghiên cứu khoa học và nguồn dữ liệu sẵn có với kiến thức, thái độ kĩ năng thực hành EBP của điều dưỡng.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU Thông tin cá nhân

Đặc điểm nhân khẩu học của các đối tượng tham gia nghiên cứu được trình bày trong Bảng 1.

Bảng 1. Đặc điểm nhân khẩu học của các đối tượng tham gia nghiên cứu (n= 185)

Đặc điểm SD n (%)

Giới tính

Nam (41) 22,16

Nữ (144) 77,3

Tuổi 30,05 9,38

Năm công tác 8,34 5,03

Trình độ học vấn

Cao đẳng 78 (42,17)

Đại học 107 (57,83)

Thạc sĩ 0 (0)

Tham gia nghiên cứu khoa học

Đã từng 113 (61,09)

Chưa bao giờ 72 (38,91)

Nguồn học liệu

0

Không 185 (100)

Nhận xét: Có 185 điều dưỡng tham gia vào nghiên cứu này. Kết quả cho thấy điều dưỡng có độ tuổi trung bình là 30,05 (SD.= 9,38) với số năm công tác trung bình 8,34 (SD. = 5,03). Trong đó 42,17% điều dưỡng có trình độ cao đẳng; 57,83% điều dưỡng có trình độ đại học. Tỷ lệ nam là 22,16% và nữ là 77,84%. Mặc dù nguồn cơ sở dữ liệu trong bệnh viện chưa có sẵn nhưng có khoảng gần hai phần ba điều dưỡng (61,09%) đã từng tham gia nghiên cứu khoa học.

Kiến thức, thái độ, và kỹ năng thực hành EBP của điều dưỡng

Kiến thức, thái độ và kỹ năng của điều dưỡng về EBP được trình bày ở Bảng 2.

Bảng 2. Giá trị trung bình, độ lệch chuẩn, và mức độ kiến thức, thái độ, kỹ năng về EBP của đối tượng nghiên cứu

Nội dung SD Mức độ

Kiến thức 4,00 1,23 Trung bình

Thái độ 5,08 1,34 Tích cực

Kĩ năng 3,79 1,39

Nhận xét: Kết quả nghiên cứu cho thấy thái độ của điều dưỡng đối với EBP là tích cực (5,08 ± 1,34) tuy nhiên kiến thức và kĩ năng về EBP của họ mới đạt ở mức độ trung bình, cụ thể điểm trung bình kiến thức là 4,00 (SD. = 1,23) và điểm trung bình kỹ năng là 3,79 (SD. = 1,39).

Mối liên quan giữa một số yếu tố nhân khẩu học với kiến thức, thái độ và kĩ năng của điều dưỡng về EBP

Do bệnh viện chưa có sẵn nguồn học liệu nên yếu tố này sẽ không được đưa vào để xem xét mối liên quan với kiến thức, thái độ và kĩ năng EBP của Điều dưỡng.

(4)

Mối liên quan giữa một số yếu tố nhân khẩu học với kiến thức, thái độ và kĩ năng của điều dưỡng về EBP được trình bày trong Bảng 3.

Bảng 3. Mối liên quan giữa một số yếu tố với kiến thức, thái độ và kĩ năng của điều dưỡng về EBP Đặc điểm

nhân khẩu học

Kiến thức, thái độ và kĩ năng của điều dưỡng về EBP

Kiến thức Thái độ Kỹ năng

Tuổi - 0,015 (NS) - 0,025 (NS) - 0,004 (NS)

Giới 0, 212 (NS) 0,134 (NS) 0,054 (NS)

Trình độ học vấn 0,053* 0,112** 0,125***

Năm công tác - 0,013 (NS) - 0,13 (NS) - 0,017 (NS)

Tham gia NCKH 0,388 *** 0,521*** 0,31***

Nguồn học liệu

NS: not significant; * p < 0,1; ** p< 0,05; *** p< 0,01 Nhận xét: Kết quả nghiên cứu cho thấy tuổi,

giới và số năm công tác không có mối liên quan với kiến thức, thái độ và kỹ năng EBP của điều dưỡng (xem Bảng 3).

Bảng 3 cũng cho ta thấy, trình độ chuyên môn có mối tương quan tỷ lệ thuận với kiến thức về EBP (r = 0,053; p < 0,1); với thái độ về EBP (r = 0,112 ; p < 0,05); và với kỹ năng EBP (r = 0,125; p < 0,01). Ngoài ra, kiểm định Independent sample t test đã được sử dụng để xác định xem liệu có sự khác biệt về kiến thức, thái độ, và kỹ năng thực hành EBP giữa các đối tượng có trình độ cao đẳng và đại học hay không. Kết quả cho thấy, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về thái độ và kĩ năng thực hành EBP giữa các nhóm có trình độ chuyên môn khác nhau (cao đẳng, đại học), tuy nhiên điều dưỡng có trình độ chuyên môn cao hơn có điểm trung bình kiến thức cao hơn (4,25 ± 1,24 và 3,86 ± 1,14; p < 0,05).

Tương tự, việc điều dưỡng đã từng tham gia nghiên cứu khoa học có mối liên quan tỷ lệ thuận với kiến thức về EBP (r = 0,388 ; p <

0,01); với thái độ về EBP (r = 0,521; p <

0,01) và với kỹ năng thực hành EBP của điều dưỡng (r = 0,31 ; p < 0,01).

BÀN LUẬN

Nghiên cứu này được thực hiên nhằm mô tả kiến thức, thái độ và kĩ năng của điều dưỡng về EBP và xác định mối liên quan với một số yếu tố thuộc đặc điểm nhân khẩu học của các đối tượng nghiên cứu.

Các đối tượng tham gia nghiên cứu báo cáo rằng họ có thái độ tích cực với EBP tuy nhiên

kiến thức về EBP và kỹ năng thực hành EBP ở mức độ trung bình. Kết quả này tương đồng với kết quả của một số nghiên cứu trước đây [1], [2], [5].

Có thể nói, áp dụng EBP trong thực hành chăm sóc người bệnh là cách tiếp cận đa chiều và đòi hỏi người điều dưỡng cần trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng nhất định. Tuy nhiên, là một bệnh viện tuyến trung ương với số lượng người bệnh luôn trong tình trạng quá tải, điều dưỡng thường không có đủ thời gian để tiến hành các nghiên cứu. Thêm nữa nguồn học liệu chưa được trang bị đầy đủ cũng có thể là một trong những lí do khiến cho điều dưỡng khó có thể tiếp cận với các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước. Cho nên dù có thái độ tích cực với EBP nhưng điều dưỡng mới chỉ có kiến thức và kỹ năng thực hành EBP ở mức độ trung bình.

Tương tự với kết quả một số nghiên cứu trước [1], [5] trong nghiên cứu của chúng tôi yếu tố tuổi, số năm công tác và giới tính không có mối liên quan có ý nghĩa thống kê với kiến thức, thái độ, kỹ năng thực hành EBP của điều dưỡng. Tuy nhiên cũng có nghiên cứu chỉ ra rằng điều dưỡng có số năm công tác nhiều hơn có kiến thức và kĩ năng EBP cao hơn [4]. AbuRuz và các cộng sự (2017) [1]

cũng chỉ ra rằng các nữ điều dưỡng có kiến thức, thái độ và kỹ năng thực hành EBP kém hơn so với các nam điều dưỡng. Điều này cho thấy cần tiến hành thêm các nghiên cứu khác nhằm xác định ảnh hưởng của giới tính cũng như thời gian công tác với kiến thức, thái độ và kỹ năng thực hành EBP của điều dưỡng.

(5)

Tương tự kết quả của nghiên cứu được tiến hành trước đó [1], trong nghiên cứu này trình độ chuyên môn có mối liên quan với kiến thức, thái độ và kĩ năng thực hành EBP của điều dưỡng. Cụ thể điều dưỡng có trình độ đại học có điểm trung bình kiến thức về EBP cao hơn so với điều dưỡng có trình độ cao đẳng.

Điều này có thể do chương trình học đại học đã trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về phương pháp nghiên cứu khoa học. Do đó sinh viên điều dưỡng trình độ đại học được làm quen với việc nghiên cứu thông qua các bước như hình thành câu hỏi nghiên cứu, tìm tổng quan tài liệu, đánh giá các kết quả nghiên cứu có trước, viết đề cương nghiên cứu cũng như xuất bản các bài báo khoa học… Thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học đó sinh viên thu thập được các kiến về thực hành dựa trên bằng chứng và tầm quan trọng của việc áp dụng các bằng chứng khoa học trong thực hành chăm sóc người bệnh. Như vậy, việc nâng cao trình độ cho đội ngũ điều dưỡng viên sẽ giúp nâng cao kiến thức của họ về thực hành dựa trên bằng chứng. Song song với đó các khóa học chuyên sâu về EBP nên được đưa vào chương trình môn học trong các trường đào tạo về điều dưỡng nói riêng và nhân lực y tế nói chung. Các bệnh viện cũng cần thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo hoặc các khóa tập huấn, hội thảo và hội nghị về EBP nhằm tăng cường năng lực thực hành EBP cho điều dưỡng. Theo đó, các nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả của chương trình can thiệp nâng cao kiến thức, thái độ và kĩ năng EBP cho điều dưỡng cũng cần được tiến hành.

Trong nghiên cứu này, mặc dù đều biểu thị thái độ tích cực về EBP, nhưng giữa các điều dưỡng có trình độ đại học và cao đẳng lại không có sự khác biệt về mức độ thực hành EBP. Ngược lại, Majid và các cộng sự (2011) [5] chỉ ra rằng điều dưỡng có trình độ chuyên môn cao hơn thực hành kĩ năng EBP thường xuyên hơn. Có thể lí giải rằng các điều dưỡng trong nghiên cứu này có trình độ chuyên môn khác nhau nhưng vẫn làm việc trong cùng

một bệnh viện công lập với vai trò và chức năng giống nhau. Họ đều phải cùng nhau làm việc với áp lực bệnh nhân đông, nhân lực điều dưỡng thiếu hụt, cơ sở vật chất và trang thiết bị chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Ngoài ra họ phải dành nhiều thời gian để ghi chép giấy tờ hồ sơ bệnh án. Dường như họ không còn đủ thời gian để tìm kiếm các bằng chứng khoa học mới nhất và áp dụng vào thực tế lâm sàng. Do vậy, thực hành EBP chưa phải là ưu tiên hàng đầu của các điều dưỡng. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng áp lực công việc quá tải và thiếu thời gian là các yếu tố chính ảnh hưởng đến kĩ năng thực hành EBP của điều dưỡng [2], [4], [6]. Tuy nhiên, nghiên cứu trong bối cảnh các bệnh viện ở Việt Nam để làm rõ các yếu tố ảnh hưởng đến kiến thức, thái độ và kĩ năng EBP của điều dưỡng cần được triển khai trong tương lai gần.

Các điều dưỡng đã từng tham gia nghiên cứu khoa học có điểm trung bình kiến thức, thái độ và kĩ năng EBP cao hơn những người chưa bao giờ tham gia nghiên cứu. Điều này đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu trước đây [1], [2], [4]. Nghiên cứu khoa học là một phần của EBP. Thông qua các bước nghiên cứu khoa học điều dưỡng thu thập thêm những kiến thức mới có độ tin cậy, và nhận thức được tầm quan trọng của EBP trong thực hành nghề nghiệp nên điều dưỡng có xu hướng thực hành kĩ năng EBP thường xuyên hơn. Vì vậy, cần có giải pháp phù hợp để khuyến khích điều dưỡng tích cực nghiên cứu khoa học qua đó nâng cao kiến thức, thái độ và kĩ năng EBP của điều dưỡng.

KẾT LUẬN

Nghiên cứu cho thấy điều dưỡng có thái độ tích cực về EBP tuy nhiên kiến thức và kĩ năng thực hành EBP ở mức độ trung bình.

Các yếu tố tuổi, giới, và số năm công tác không có mối liên quan có ý nghĩa thống kê với kiến thức, thái độ và kĩ năng thực hành EBP của điều dưỡng.

Điều dưỡng có trình độ đại học có điểm trung bình kiến thức về EBP cao hơn điều dưỡng cao đẳng. Các điều dưỡng đã từng tham gia

(6)

nghiên cứu khoa học có điểm trung bình kiến thức, thái độ và kĩ năng EBP cao hơn những điều dưỡng chưa bao giờ tham gia nghiên cứu khoa học.

KHUYẾN NGHỊ

Các kết quả trong nghiên cứu này đã bước đầu cung cấp những thông tin cơ bản giúp cho các nhà quản lí y tế cũng như người làm công tác giảng dạy điều dưỡng đưa ra những chiến lược phù hợp nhằm nâng cao kiến thức, thái độ, kĩ năng EBP cho điều dưỡng qua đó khuyến khích họ áp dụng các bằng chứng mới nhất trong chăm sóc người bệnh, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.

Bên cạnh đó cần tiến hành thêm các nghiên cứu nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến kiến thức, thái độ, kĩ năng EBP của điều dưỡng, từ đó xây dựng và đánh giá hiệu quả của chương trình can thiệp nhằm nâng cao kiến thức, thái độ, kĩ năng EBP của điều dưỡng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. AbuRuz M. E. et al. (2017), “Knowledge, attitudes, and practice about evidence- based practice: A Jordanian study”, Health Science Journal, 11, pp. 1-8.

2. Brown E. C., Wichline M. A., Ecoff L., &

Glaser D., (2009), “Nursing knowledge, practices, attitudes and perceived barriers to evidence- based

practice at an academic medical center”, Journal of Advanced Nursing, 65(2), pp. 371-381.

3. International Council of Nurses ICN, (2007), Position Statement on Nursing Reaserach.

4. Koehn M. L. & Lehman K. (2008), “Nurses perceptions of evidence- based practice”, Journal of Advanced Nursing, 62, pp. 209-215.

5. Majid S., Foo S., Luyt B., Zhang X., Theng Y.

L., Chang Y. K., & Mokhtar I. A. (2011),

“Adopting evidence- based practice in clinical decision making: Nurses’ perception, knowledge, and barriers”, Journal of the Medical Library Association, 99 (3), pp. 229- 236.

6. Mehrdad N., Joolaee S., Joulaee A., & Bahrani N. (2012), “Nursing faculties knowledge and attitude on evidence- based practice”, Irannian Journal of Nursing and Midwifery Research, 17(7), pp. 506- 511.

7. Melnyk B. M., Gallagher L., Long L. E, Fineout E. (2014), “The establishment of evidence-based practice competencies for practicing registered nurses and advanced practice nurses in real world clinical settings: proficiencies to improve healthcare quality, reliability, practice outcomes, and costs”, Worldviews on Evidence-Based Nursing, 11, pp. 5-15.

8. Sacckett D. (1996), “Evidence based medicine:

what it is and what it isn’t”, British Medical Journal, 312, pp. 71- 72.

9. Upton D., Upton P. (2006), “Development of an evidence- based practice questionnaire for nurses”, Journal of Advaned Nursing, 54(4), pp. 454- 458.

10. Upton D., Upton P. (2005), “Nurses attitudes to evidence- based practice: Impact of a national policy”, British Journal of Nursing, 14, pp. 284- 288.

SUMMARY

NURSES’ KNOWLEDGE, ATTITUDES AND PRACICE ABOUT EVIDENCE- BASED PRACTICE

Phạm Thị Oanh, Lương Thị Hoa*, Hoàng Trung Kiên TNU - University of Medicine and Pharmacy

A descriptive cross- sectional correlational study was conducted in Thai Nguyen national hospital to describe nurses’ knowledge, attitudes and practice about evidence- based practice (EBP) and explored the correlation of nuurses’ perceived EBP and their demographic characteristics. The result showed that nurses have positive attitudes towards EBP (5.08 ± 1.34), however, their EBP’

knowledge and practice were at medium level (4.00 ± 1.23 và 3.79 ± 1.39). The nurses’ perceived EBP knowledge was difference based on educational level. The nurses’ previous participate in research was relate to their knowledge, attitudes and practice about evidence- based practice.

The results of this study suggest that a comprehensive strategy for building EBP compitencies through proper training is needed to ehance the quality of the nursing care.

Keywords: nurse, evidence- based practice, knowledge, attitudes, practice

Ngày nhận bài: 09/10/2018; Ngày phản biện: 28/10/2018; Ngày duyệt đăng: 31/10/2018

*Tel: 0868 111984, Email: hoaydtn@gmail.com

Tài liệu tham khảo

Tài liệu liên quan

Trình độ học vấn mẹ được cho là yếu tố quan trọng nhất quyết định thực hành nuôi con bằng sữa mẹ vì học vấn giúp bà mẹ nắm bắt được thông tin về lợi ích của sữa

Nghiên cứu được thực hiện nhằm cung cấp bằng chứng thực nghiệm về mối quan hệ tương quan giữa hành vi điều chỉnh thu nhập - Earnings managament (HVĐCTN) và Khả

+ Trong ống 1: Tại nhiệt độ thường, enzyme vẫn hoạt động phân giải albumin nhưng với tốc độ chậm hơn. Do đó, ống này cần nhiều thời gian hơn ống 3 để dung dịch

Đối với trong nước có tác giả Trần Nghĩa Khang và các cộng sự 2 đã nghiên cứu hiệu quả của việc sấy khô cá tra bằng NLMT, nguồn nhiệt được cấp vào thiết bị sấy thông qua

Findings from these studies indicated that teachers‟ pedagogical beliefs and class teaching were found a development or a change in a wide range of studies,

Tổ chức một số hoạt động ngoại khóa có sử dụng tiếng Anh giúp sinh viên tăng cường khả năng giao tiếp cũng như tổ chức các buổi giao lưu với đại diện

Trong nghiên cứu này, chúng tôi cũng nhận thấy không có mối liên quan giữa kiến thức chung đúng và thực hành chung đúng của học sinh THPT Lê Hồng Phong,

Mục tiêu: Đánh giá kiến thức, thái độ về ung thư cổ tử cung, dự định phòng ngừa của sinh viên điều dưỡng năm thứ nhất tại Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái