• Không có kết quả nào được tìm thấy

1. Mở đầu - Cơ sở dữ liệu quốc gia về Khoa học và Công nghệ

N/A
N/A
Protected

Academic year: 2024

Chia sẻ "1. Mở đầu - Cơ sở dữ liệu quốc gia về Khoa học và Công nghệ"

Copied!
10
0
0

Loading.... (view fulltext now)

Văn bản

(1)

119 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn

VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ QUẢN LÍ GIÁO DỤC

Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY

Nguyễn Quốc Trị, Hoàng Thị Kim Huệ, Trịnh Thị Quý và Nguyễn Thị Minh Nguyệt Khoa Quản lí Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Tóm tắt. Bằng phương pháp nghiên cứu lí luận, bài báo đã dẫn chứng và phân tích những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phẩm chất, năng lực, những yêu cầu đối với người cán bộ giữ vị trí lãnh đạo quản lí. Từ đó, bài báo đề xuất những kiến giải về khả năng vận dụng quan điểm của Người trong phát huy những phẩm chất, năng lực của người lãnh đạo, quản lí giáo dục đáp ứng các yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế. Những tư tưởng quan trọng của Người trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lí cũng được luận bàn và các hướng vận dụng tư tưởng của Người trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giáo dục cũng đã được đề xuất với ý nghĩa là định hướng chung cho hoạt động phát triển năng lực đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lí giáo dục đáp ứng yêu cầu hiện nay.

Từ khóa: tư tưởng Hồ Chí Minh về năng lực lãnh đạo, quản lí, tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo bồi dưỡng, lãnh đạo giáo dục, quản lí giáo dục, đào tạo bồi dưỡng.

1. Mở đầu

Tư tưởng Hồ Chí Minh cung cấp một hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc, có vai trò định hướng quan trọng cho những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong bối cảnh, điều kiện cụ thể của Việt Nam. Tư tưởng của Người là sự tổng hoà của hệ thống giá trị truyền thống và hiện đại, vừa kế thừa, phát triển những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam, vừa chọn lọc tiếp thu, học hỏi tinh hoa văn hóa nhân loại. Tư tưởng Hồ Chí Minh có giá trị thực tiễn và tính khái quát cao, có thể soi sáng nhiều vấn đề thực tiễn nảy sinh tại những thời điểm khác nhau trong sự phát triển của xã hội.

Các nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lí chủ yếu tập trung luận bàn về vai trò của cán bộ quản lí, khẳng định: cán bộ, công chức phải thực sự trong sách, ngay thẳng, “công bình, chính trực”, hết lòng phục vụ Tổ quốc và nhân dân [1]; Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, đạo đức cách mạng của cán bộ đảng viên chính là: trung với nước, hiếu với dân, yêu thương con người, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư và có tinh thần quốc tế trong sáng [2], lấy dân làm gốc, không màng đến lợi ích riêng tư, chỉ đau đầu, trăn trở, làm sao cho đất nước được đập lập, dân được tự do, ấm no, hạnh phúc và “sao cho được lòng dân” [3]. Đối với công tác bồi dưỡng cán bộ, các nghiên cứu đã nhấn mạnh quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhận thức, mục đích, thái độ, động cơ đúng đắn của việc học tập, tu dưỡng suốt đời, xác định đúng những vấn đề cần phải học tập, tu dưỡng suốt đời: có trọng tâm, trọng điểm, có chọn lọc, thứ tự ưu tiên, có kiến thức tri thức nền tảng,

Ngày nhận bài: 2/7/2021. Ngày sửa bài: 29/8/2021. Ngày nhận đăng: 10/9/2021.

Tác giả liên hệ: Nguyễn Quốc Trị. Địa chỉ e-mail: trinq@hnue.edu.vn

(2)

120

tổng quát và kiến thức, tri thức theo ngành, lĩnh vực chuyên sâu phù hợp với từng chuyên môn, công việc, lĩnh vực hoạt động [4]; công tác bồi dưỡng cán bộ cần tập trung ở việc xác định mục tiêu, nội dung, phương pháp huấn luyện, đào tạo cán bộ [5].

Từ đó, các nghiên cứu đã vận dụng các quan điểm của Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và đào tạo bồi dưỡng cán bộ trong xây dựng lực lượng cán bộ Đảng viên, trong công tác quản lí xã hội nói riêng và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như: khẳng định giá trị tư tưởng của Người về liêm chính công vụ khi xây dựng chính phủ liêm chính với tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, năng động và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cấp bách của nước ta hiện nay [1]; khẳng định bản lĩnh chính trị, tư tưởng của Người là vấn đề có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc trong việc giáo dục, rèn luyện cho sinh viên sư phạm trong giai đoạn đất nước đổi mới và hội nhập hiện nay [6]; nhấn mạnh một số nội dung cần nghiên cứu vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình thực hiện chiến lược cán bộ của Đảng, góp phần đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước [7]; hoặc nhấn mạnh tư tưởng về công tác cán bộ của Người có ý nghĩa quan trọng đối với việc tích cực thực hiện đường lối đổi mới và đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay [8].

Các nghiên cứu đi trước cho thấy việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lí trong lĩnh vực giáo dục còn là một khoảng trống trong nghiên cứu cần được bàn luận và phân tích một cách toàn diện và sâu sắc, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam hiện nay. Có thể thấy tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị khi cung cấp những luận điểm quan trọng để thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lí giáo dục đáp ứng yêu cầu của thời kì mới.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về phẩm chất, năng lực và những yêu cầu đối với người cán bộ giữ vị trí lãnh đạo quản lí

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho ngành GD-ĐT và các nhà giáo, học sinh cả nước “muôn vàn tình thân yêu”, thể hiện niềm tin tưởng và hi vọng sâu sắc của Người vào sự nghiệp GD-ĐT đối với sự hưng thịnh của đất nước. Đối với người cán bộ giữ vị trí lãnh đạo quản lí, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao phẩm chất, năng lực của họ, từ đó nhấn mạnh đến việc giáo dục, rèn luyện đội ngũ này. Bác Hồ thường dùng những hình ảnh so sánh ẩn dụ rất quen thuộc, nhất là các hình ảnh tự nhiên để người nghe dễ nhớ; ví dụ: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất.

Thiếu một đức, thì không thành người” [9]. Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong, Người chỉ ra nguyên lí: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém” [10].

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (dưới bút danh X.Y.Z) đã đề cập đến vai trò, vị thế, phong cách cần phải có của người cán bộ cách mạng khi họ giữ vị trí lãnh đạo quản lí. Lập luận cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh xoay quanh phạm trù: lãnh đạo đúng và những điều kiện để đảm bảo sự lãnh đạo đúng. Thứ nhất, gắn liền lãnh đạo với quyết định, tổ chức thực hiện và kiểm soát; Thứ hai, thực hành hai cách cơ bản trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo: liên hợp chính sách chung với chỉ đạo riêng và liên hợp người lãnh đạo với quần chúng; Thứ ba, học cách lãnh đạo từ quần chúng để trở lại phục vụ quần chúng. Từ góc độ nghiên cứu khoa học, những lập luận cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm này đã đưa ra những gợi ý và định hướng sâu sắc cho cách tiếp cận kĩ năng lãnh đạo, về chức năng và phương pháp đạt hiệu quả của hoạt động lãnh đạo.

Hoạt động lãnh đạo quản lí không chỉ diễn ra trên bình diện toàn xã hội hay tổ chức chính thức mà có thể diễn ra ở bất kì cấp độ hoạt động chung nào. Và chính trong những hoạt động ở cấp độ cơ sở, sát với người dân, năng lực và trách nhiệm của người đảm nhận vai trò lãnh đạo

(3)

121 càng thể hiện rõ. “Việc gì cũng phải có lãnh đạo thì mới thành công. Ai lãnh đạo tổ đổi công?

Trực tiếp là tổ trưởng tổ đổi công. Nếu tổ trưởng công bằng, vô tư, khéo tổ chức, khéo lãnh đạo, được bà con tin phục và yêu mến, thì việc của tổ sẽ thành công” [10]. Người đặc biệt chú trọng hoạt động lãnh đạo, vai trò của người lãnh đạo trong mối quan hệ giữa người lãnh đạo và quần chúng. Theo đó, người cán bộ chỉ thật sự thể hiện được vài trò lãnh đạo khi họ đảm nhiệm và chịu trách nhiệm trước nhân dân. “Nếu cán bộ không phụ trách trước nhân dân, tức là không phụ trách trước Đảng và Chính phủ, tức là đưa nhân dân đối lập với Đảng và Chính phủ” [11].

Bác Hồ luôn nhấn mạnh đến phẩm chất, năng lực của người cán bộ giữ vị trí lãnh đạo quản lí và đặt ra những yêu cầu sử dụng đội ngũ. Đây là một khâu rất quan trọng trong công tác cán bộ, góp phần trực tiếp xây dựng nên một đội ngũ cán bộ đưa chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức thành hiện thực trong cuộc sống. Trước hết, Người căn dặn việc sử dụng cán bộ phải có quan điểm và động cơ đúng đắn: “Mình phải có độ lượng vĩ đại thì mới có thể đối với cán bộ một cách chí công vô tư, không có thành kiến, khiến cán bộ bị bỏ rơi; Phải có tinh thần rộng rãi, mới có thể gần gụi những người mình không ưa; Phải có tính chịu khó dạy bảo, mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp họ tiến bộ; Phải sáng suốt, mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây, mà cách xa cán bộ tốt; Phải có thái độ vui vẻ, thân mật, các đồng chí mới vui lòng gần gụi mình.

Mục đích khéo dùng cán bộ, cốt để thực hành đầy đủ chính sách của Đảng và Chính phủ” [12].

Quan điểm này thống nhất và xuyên suốt trong các giai đoạn phát triển của của đất nước ta luôn coi “con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội”. Do vậy, trong công tác cán bộ, khâu dùng người là hết sức quan trọng, phải nhân văn, lấy sự hạnh phúc và phát triển của cán bộ làm mục tiêu, điều này đồng nghĩa với việc hết sức tránh biến cán bộ thành công cụ, phương tiện để đạt mục đích cho mình. Đồng thời, luôn chăm lo, quan tâm đến nhu cầu, lợi ích của cán bộ. Hiệu quả của việc dùng người phụ thuộc vào cách của người dùng, trong dùng người phải dùng người ngay thẳng, trung thực, có tài, tránh dùng những kẻ xu nịnh, bất tài. Theo Bác, cần phải hết sức chú ý khắc phục những yếu tố có tác động tiêu cực như: “1. Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài. 2. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực. 3. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình” [12].

Sử dụng cán bộ muốn hiệu quả phải theo phương châm của Bác: phát huy cái hay của người và hạn chế cái dở của người. Lúc sinh thời, Bác từng căn dặn: Phải giúp cán bộ cho đúng - Phải luôn luôn dùng lòng thân ái mà giúp đỡ, lãnh đạo cán bộ. Giúp họ sửa chữa những chỗ sai lầm. Khen ngợi họ lúc họ làm được việc” [13], “... Khi họ sai lầm thì dùng cách thuyết phục” giúp cho họ sửa chữa. Không phải một sai lầm to lớn, mà đã vội cho họ là “cơ hội chủ nghĩa”, đã “cảnh cáo”, đã “tạm khai trừ. Những cách quá đáng như thế đều không đúng” [12],

“Người ở đời, ai cũng có chỗ tốt và chỗ xấu. Ta phải khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ” [12]. Khi sử dụng cán bộ, “phải xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc” [12]. Trong mỗi tổ chức, có được một tập thể cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” là điều kiện quyết định đảm bảo sự thành công của mọi công việc. Nhận thức được điều này, người lãnh đạo phải luôn coi việc phát hiện, tuyển chọn, bố trí, sử dụng, bồi dưỡng nhân tài là một công việc quan trọng. Khi sử dụng cán bộ, người lãnh đạo phải bao dung, vị tha mới có thể đối với cán bộ một cách công tâm và khách quan; tránh thiên vị hoặc thành kiến; phải có tinh thần quảng đại để ứng xử với những người mình không ưa; chịu khó dạy bảo, dìu dắt những người chậm tiến bộ; lan tỏa những tấm gương người tốt việc tốt; tạo động lực cho cán bộ được bộc lộ tài năng và khả năng cống hiến...

Việc sử dụng cán bộ, trước hết phải xác định đúng yêu cầu của công việc, từ yêu cầu công việc để chọn người, nói cách khác là “công việc đặt ra yêu cầu cán bộ”. Điều này đòi hỏi việc bố trí, sử dụng cán bộ phải dựa vào năng lực và phẩm chất, kiên quyết tránh sự thiên vị cá nhân.

Làm được như vậy sẽ bố trí đúng người đúng việc, phát huy mặt mạnh của cán bộ và hạn chế mặt yếu, mặt dở của họ. Đồng thời, Người nhắc nhở người lãnh đạo phải quyết đoán, mạnh dạn

(4)

122

cất nhắc cán bộ và thường xuyên luân chuyển cán bộ, đó là biện pháp để bồi dưỡng năng lực và kinh nghiệm thực tiễn cho họ. Kiên quyết đấu tranh để loại bỏ thói ích kỉ, cục bộ địa phương, phải đoàn kết nhất trí thành một khối vì lợi ích chung của tập thể, tôn trọng và giúp đỡ nhau thì công việc mới trôi chảy. Những căn dặn của Bác là các chỉ dẫn hết sức rõ ràng cho người cán bộ trong giai đoạn đấu tranh giải phóng đất nước. Những chỉ dẫn đó vẫn tiếp tục phát huy và mở rộng giá trị trong công cuộc xây dựng đất nước, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn hiện nay. Kế thừa và phát huy những giá trị trong tư tưởng của Bác về người cán bộ cách mạng giữ vị trí lãnh đạo quản lí, trước yêu cầu và nhiệm vụ mới của đất nước trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lí cần phải đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn ngày càng cao về phẩm chất đạo đức cách mạng lẫn năng lực và bản lĩnh.

2.2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lí

Đề cao vai trò của người cán bộ, coi “cán bộ là cái gốc của công việc”, chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tư tưởng của Người về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có thể khái quát thành những luận điểm cơ bản sau đây:

Về ý nghĩa, vai trò của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lí:

Với quan niệm “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định

“huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” [4]. Người khẳng định: “vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà” [12].

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lí đảm bảo kết quả phải hiểu đúng ý nghĩa, vai trò và xác định rõ mục đích, mục tiêu đào tào, bồi dưỡng. Người căn dặn, cán bộ đi học là để “làm việc, làm người, làm cán bộ” [12]; việc tham gia đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ quản lí còn để tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lí tưởng, phẩm chất cách mạng. Mục đích đào tạo, bồi dưỡng phải phát triển đội ngũ cán bộ quản lí cả về phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công việc chuyên môn và nhiệm vụ cách mạng. Huấn luyện để cán bộ vững vàng về mọi mặt “có gan phụ trách, có gan làm việc” [12].

Về nội dung đào tạo, bồi dưỡng

- Thứ nhất, bồi dưỡng cán bộ cần chú trọng bồi dưỡng về lí luận chính trị:

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “mỗi cán bộ, đảng viên phải học lí luận, phải đem lí luận áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa bệnh kém lí luận, khinh lí luận và lí luận suông” [12].

Theo tư tưởng của Hồ Chí Minh, lí luận có vai trò quan trọng trong việc giữ vững tinh thần và đảm bảo sự nhất quán trong hành động. Để đảm bảo yêu cầu triển khai các công việc, người cán bộ quản lí phải hiểu đúng, quán triệt sâu sắc mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc, đầy đủ, cán bộ quản lí có thể vận dụng đúng đắn để thực hiện công việc thành công. Người đặc biệt coi trọng công tác giáo dục lí tưởng cộng sản chủ nghĩa và đường lối, chính sách cho cán bộ “Để làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng, Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lí tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của đảng viên” [13].

- Thứ hai, nội dung bồi dưỡng cần đảm bảo tính toàn diện:

Để huấn luyện được những cán bộ có đức, có tài, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung huấn luyện phải toàn diện cả về chuyên môn, nghề nghiệp; huấn luyện về chính trị, về văn hóa, về lí luận; huấn luyện về đạo đức mới - đạo đức cách mạng. Nội dung bồi dưỡng chính trị cần tập trung vào thời sự và chính sách, nội dung bồi dưỡng về văn hoá cần hướng đến bồi dưỡng để hoàn thiện, nâng cao, cập nhật các nội dung học vấn toàn diện cho cán bộ quản lí. Về bồi dưỡng lí luận, Người cho rằng, phải căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu cụ thể của cách mạng mà bố trí, sắp xếp nội dung giáo dục lí luận chính trị cho phù hợp nhằm định hướng chính trị đúng đắn cho từng đối tượng người học. Đồng thời, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với người

(5)

123 cán bộ cách mạng, thì đạo đức cách mạng là gốc, là nền tảng, nên trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng cần phải chú trọng huấn luyện cả về đạo đức của người cán bộ cách mạng.

- Thứ ba, nội dung bồi dưỡng phải đảm bảo tính thực tiễn:

Người thường phê phán cách huấn luyện “chỉ đem lí luận khô khan nhét cho đầy óc họ. Rồi bày cho họ viết những chương trình, những hiệu triệu rất kêu. Nhưng đối với việc thực tế tuyên truyền, vận động, tổ chức, kinh nghiệm chỉ nói qua loa mà thôi. Thế là lí luận suông, vô ích”

[12]. Đồng thời, Người cũng chỉ ra cách huấn luyện đúng là “trong lúc học lí luận phải nghiên cứu công việc thực tế, kinh nghiệm thực tế” [12]. Bảo đảm là sau khi học “họ có thể tự mình tìm ra phương hướng chính trị, có thể làm được những công việc thực tế, có thể trở nên người tổ chức và lãnh đạo. Thế là lí luận thiết thực, có ích” [12]. Sự gắn kết giữa nội dung bồi dưỡng với thực tiễn công việc một mặt sẽ giúp cán bộ quản lí củng cố lập trường tư tưởng, nâng cao quan điểm, mặt khác nhờ kiến thức lí luận soi sáng, cán bộ quản lí sẽ được hoàn thiện hơn về phương pháp làm việc. Đây cũng là nguyên tắc quan trọng của chủ nghĩa Mác – Lênin, là biện pháp thiết thực để chống lại “thực tiễn mù quáng” và “lí luận suông”.

Về hình thức, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng:

Người cho rằng “học phải đi đôi với hành”, “Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học” [12].

Người học phải xác định được mục đích, động cơ học tập và tự giác học tập. Đây là tư tưởng đặc biệt tiến bộ để làm cơ sở, nền tảng cho việc tự học, tự bồi dưỡng suốt đời của người cán bộ quản lí. Học tập lí luận “theo nguyên tắc: kinh nghiệm và thực tế phải đi cùng nhau”. Cách học tập là: “lấy tự học làm cốt”. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn” [12].

Về đảm bảo chất lượng đào tạo, bồi dưỡng:

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu phải đảm bảo chất lượng của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Người yêu cầu: “Đào tạo cán bộ không được làm qua loa, đại khái” mà “phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng cây cối quý” [12]. Để cán bộ quản lí được đào tạo, bồi dưỡng trưởng thành, dám chịu trách nhiệm và có trách nhiệm cao trong công việc, công tác đào tạo bồi dưỡng phải được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo tính hiệu quả, được tổ chức chặt chẽ.

Hồ Chí Minh phê phán sự lãng phí trong tổ chức đào tạo, bồi dưỡng khi việc đào tạo, bồi dưỡng là

“phí công, phí của, vô ích”. Người cũng nghiêm khắc phê phán cách đào tạo hình thức, chạy theo số lượng dẫn đến việc bồi dưỡng không thiết thực, không chu đáo, không đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những khuyết điểm thường mắc phải trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ như: lí luận và thực tiễn không ăn khớp với nhau, “dạy chính trị thì mênh mông mà không thiết thực, học rồi không dùng được”, bồi dưỡng nhiều nội dung mà hiệu quả thấp, không thực sự coi trọng chất lượng hơn số lượng. Người cũng chỉ ra khuyết điểm khi tổ chức lớp quá đông dẫn đến không thực sự đảm bảo chất lượng… Người căn dặn: “Mở lớp nào cho ra lớp ấy. Lựa chọn người dạy và người học cho cẩn thận. Đừng mở lớp lung tung” [12].

2.3. Định hướng vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lígiáo dục ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay

2.3.1 Yêu cầu về phẩm chất và năng lực của người cán bộ quản lí trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay

Nghị quyết số 29-NQ/TW về “đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã nêu rõ mục tiêu: “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào;

(6)

124

sống tốt và làm việc hiệu quả. Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lí tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lí, gắn với xây dựng xã hội học tập;

bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực” [14].

Yêu cầu “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế” đã đặt ra cơ hội và thách thức mới đòi hỏi nhà lãnh đạo, quản lí giáo dục phải đổi mới tư duy, cơ chế và phương thức quản lí. Đặc biệt trong bối cảnh đẩy mạnh phân cấp quản lí, tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục càng nhấn mạnh vai trò quan trọng của những người đứng đầu thiết chế nhà trường. Trong bối cảnh ấy, càng thấy rõ tầm nhìn, quan điểm của Hồ Chí Minh đối với phẩm chất, năng lực của nhà lãnh đạo, quản lí giáo dục vẫn còn vẹn nguyên giá trị.

Kế thừa và phát huy những giá trị trong tư tưởng của Bác về người cán bộ cách mạng giữ vị trí lãnh đạo quản lí, trước yêu cầu và nhiệm vụ mới của đất nước trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lí giáo dục cần đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn cụ thể như sau:

- Cần nhấn mạnh vai trò lãnh đạo và vai trò quản lí trong giáo dục, trong đó, các kĩ năng quan trọng trong quá trình chỉ đạo hoạt động giáo dục bao gồm: ra quyết đinh, tổ chức thực hiện và kiểm soát quá trình thực hiện.

- Nhà quản lí giáo dục cần thực hiện đúng các chủ trương, chính sách chung của ngành đi đôi với tính linh hoạt phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương, từng cơ sở giáo dục.

- Về các phẩm chất cần có đối với nhà quản lí, cần đảm bảo tính công bằng, vô tư trong việc ban hành các quyết đinh, sáng tạo trong khâu tổ chức, vận dụng sáng tạo nghệ thuật lãnh đạo để hướng đến tạo lòng tin yêu của đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên tại đơn vị mình.

- Trong bối cảnh tăng quyền tự chủ cho cơ sở, nhà quản lí cần có năng lực chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng giáo dục và đào tạo thông qua thực hiện trách nhiệm giải trình, minh bạch hóa các thông tin quản trị.

- Về công tác nhân sự, nhà lãnh đạo cần phối hợp và phát huy vai trò của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các cơ quan giáo dục và các cơ sở giáo dục, cần nhìn nhận đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên là lực lượng nòng cốt thực hiện đổi mới giáo dục hiệu quả. Về chính sách sử dụng nhân sự, cần xác định đúng yêu cầu công việc, theo đó giao việc đảm bảo phù hợp với năng lực, tạo điều kiện để phát huy người tài. Về kĩ năng tạo động lực cho người lao động, nhà lãnh đạo cần có sự đánh giá công bằng khách quan những kết quả đạt được của đội ngũ nhân sự, thực hiện điều chỉnh sai sót nếu cần thiết, luôn hài hòa trong mọi mối quan hệ, đảm bảo nguyên tắc hành chính nhưng đi đôi với các biện pháp thuyết phục, tác động lâu dài đến tư tưởng, tình cảm, giá trị, động cơ của người lao động để đảm bảo hiệu quả bền vững.

Để đáp ứng những phẩm chất và năng lực nêu trên, đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lí giáo dục nhất thiết phải trải qua quá trình rèn luyện không mệt mỏi để có bản lĩnh và năng lực vững vàng, nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn - tức là nỗ lực luyện tài: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn, nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra, và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kĩ thuật” [15]. Trong tiến trình đó, đào tạo và bồi dưỡng, dù chỉ là một khâu trong cả quá trình rèn luyện nhưng có vị trí quan trọng nhằm định hướng xây dựng năng lực lãnh đạo quản lí đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của công cuộc đổi mới toàn diện hiện nay.

(7)

125 2.3.2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lí giáo dục tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với lịch sử 70 năm phát triển đã và đang đi đầu trong khối các trường đào tạo giáo viên trong cả nước. Lời căn dặn của Bác Hồ trở thành sứ mệnh lịch sử của nhà trường: “Làm thế nào để nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm trong cả nước”. Bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay đặt ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ quá trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lí giáo dục và giáo viên của nhà trường. Hiện nay, ngoài chương trình đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân quản lí giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đã và đang triển khai các chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lí giáo dục các cấp như: Chương trình ban hành theo Quyết định số 382/QĐ-BGD&ĐT, Chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lí giáo dục theo Thông tư số 26/2015/TT-BGD&ĐT và Thông tư số 27/2015/TT-BGD&ĐT và các chuyên đề bồi dưỡng theo đơn đặt hàng của địa phương; Biên soạn và tham gia bồi dưỡng cán bộ quản lí giáo dục phổ thông cốt cán Mô đun 2 thuộc Chương trình ETEP (Chương trình nâng cao năng lực các trường sư phạm). Để vận dụng những tư tưởng Hồ Chí Minh về phẩm chất, năng lực của người cán bộ và với công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lí được phân tích ở trên, đặt trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cần thực hiện tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lí giáo dục theo những định hướng sau:

(1) Xác định đúng vai trò của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lí giáo dục

Nghị quyết Trung ương Khóa XIII của Đảng nhấn mạnh, giáo dục và đào tạo thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, do vậy phải đẩy mạnh “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao” [16]. Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng đội ngũ nhân lực kĩ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lí… luận điểm này thống nhất với quan điểm coi “cán bộ là gốc của công việc”

của Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Muốn người cán bộ quản lí giáo dục có tư duy đổi mới, có tầm nhìn, phương pháp làm việc khoa học, phát huy được vai trò đầu tàu của mình thì ngoài những phẩm chất, năng lực vốn có, họ cần được đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên, liên tục. Trong buổi nói chuyện với đồng chí Nguyễn Thị Định năm 1946, Người căn dặn “Người cách mạng phải học suốt đời, học lí luận, học quần chúng, học thực tế. Người không học thì như đi ban đêm không có đèn, không có gậy dễ vấp té…” [17]. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lí theo quan điểm của Người là phải “mạnh về phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng”. Bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước ta hiện nay là cuộc “cách mạng” trong giáo dục, do đó đội ngũ cán bộ quản lí giáo dục là lực lượng hàng đầu cần được đào tạo, bồi dưỡng về phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

(2) Xây dựng, cập nhật nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lí giáo dục đảm bảo tính hệ thống, toàn diện, gắn liền với yêu cầu của thực tiễn giáo dục

Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lí giáo dục phải được xây dựng đảm bảo tính hệ thống: Phải thống nhất từ mục đích, mục tiêu tới thiết kế chương trình, nội dung; lựa chọn phương pháp, phương tiện và xác định các phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả chương trình phải là một thể thống nhất với nhau. Khi muốn thay đổi bất cứ thành tố nào trong các mắt xích nói trên cũng phải đặt nó trong tương quan với tất cả các thành tố còn lại.

Tính toàn diện của chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lí giáo dục thể hiện “cả về chuyên môn, nghiệp vụ, huấn luyện cán bộ về chính trị, về văn hóa, về lí luận, huyến luyện về đạo đức mới – đạo đức cách mạng” trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và theo Người, nội dung huấn luyện cần phải đảm bảo định hướng giáo dục đúng đắn cho “từng đối tương người học”. Người cán bộ quản lí giáo dục hiện nay cần có đạo đức cách mạng trong thời kì phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; họ

(8)

126

cần có kiến thức rộng; nghiệp vụ vững vàng để quản trị các mặt khác nhau trong công việc thực tiễn của họ.

Tính thực tiễn theo quan điểm của Bác Hồ là “Giáo dục phải cung cấp cán bộ cho kinh tế.

Kinh tế tiến bộ thì giáo dục mới tiến bộ được. Nếu kinh tế không phát triển thì giáo dục cũng không phát triển được. Giáo dục không phát triển thì không đủ cán bộ giúp cho kinh tế phát triển. Hai việc đó liên quan mật thiết với nhau” (1956) (Dẫn theo Đặng Quốc Bảo) [18]. Luật Giáo dục (2005) chỉ ra nguyên lí của giáo dục và đào tạo nước ta phải đảm bảo học đi đôi với hành, lí luận gắn liền với thực tiễn, nhà trường gắn liền với đời sống xã hội. Do đó, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lí trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nói chung và Trường Đại học Sư phạm nói riêng phải luôn cập nhật, đổi mới. Người dạy và người bồi dưỡng cũng không ngừng nâng cao năng lực của giảng viên đáp ứng nhu cầu của người học.

Tính hệ thống, tính toàn diện, tính thực tiễn của chương trình phải nằm trong một chỉnh thể toàn vẹn.

(3) Hướng quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lí giáo dục thành quá trình tự đào tạo, tự bồi dưỡng; hình thành và phát huy năng lực học tập suốt đời cho người cán bộ quản lí giáo dục; Đổi mới mạnh mẽ phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lí giáo dục

Xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời là xu thế chung của thời đại. Sẽ không có nhà trường nào có thể theo kịp với sự phát triển của thực tiễn đời sống kinh tế, xã hội. Do đó, quá trình đào tạo, bồi dưỡng cần phải hướng tới quá trình tự đào tạo, tự bồi dưỡng của người cán bộ quản lí giáo dục. Bác Hồ khẳng định “Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào”

(1947). Người cũng là tấm gương về tinh thần tự học: “Tôi năm nay 71 tuổi ngày nào cũng phải học… công việc cứ tiến mãi, không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau. Chúng ta là đảng viên già, hiểu biết của chúng ta hồi 30 tuổi so với hiểu biết của lớp trẻ bây giờ… thì mình dốt lắm… Tôi cũng dốt lắm, nếu thế hệ già khôn hơn thế hệ trẻ thì không tốt.

Thế hệ già thua thế hệ trẻ mới là tốt. Các cháu không hơn là bệt – bệt là không tốt. Người ta thường nói “Con hơn cha là nhà có phúc”. Ta hiểu như thế nhưng không có tư tưởng thụt lùi nạnh kẹ… (1961) (Dẫn theo Đặng Quốc Bảo) [18]. Người cán bộ quản lí giáo dục chỉ có thể đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn khi họ biết tự đào tạo, tự bồi dưỡng bản thân không chỉ trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ mà còn là những vấn đề liên quan đến xử lí các mối quan hệ bên trong và bên ngoài nhà trường; là khả năng hội nhập bằng năng lực ngoại ngữ, tin học…

như đã phân tích ở trên.

Toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền kinh tế tri thức… là những cụm từ quá đỗi quen thuộc đang phủ khắp lên sự chuyển mình của giáo dục và đào tạo. Trong vòng hai năm gần đây, với thực trạng đại dịch Covid-19 diễn ra trên khắp thế giới đã tác động không nhỏ tới mọi mặt của các quốc gia, trong đó có giáo dục. Trong xu thế chung đó, sự chuyển đổi số trong giáo dục ở Việt Nam cũng trở thành chìa khóa vô cùng quan trọng giúp cho quá trình giáo dục đào tạo giảm độ ngưng trệ. Điều này phản ánh rõ ràng quan điểm giáo dục gắn liền với thực tiễn. Theo đó, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng trực tiếp không còn phù hợp, mà thay vào đó là các hình thức trực tuyến với việc ứng dụng các thành tựu của công nghệ số một cách mạnh mẽ. Với thực tiễn đó, việc người học phải biết tự giác học tập, xác định mục đích, động cơ học tập theo quan điểm của Người là vô cùng quan trọng. Muốn vậy, phương pháp và hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng phải thay đổi theo hướng hiện đại, cập nhật, linh hoạt và kết hợp đa dạng các phương pháp khác nhau.

(4) Đa dang hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá; đảm bảo chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lí giáo dục

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lí giáo dục trên bình diện này cần thể hiện rõ ở sự cẩn thận, khoa học trong việc sử dụng các hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan, công bằng. Muốn vậy

(9)

127 việc kết hợp đánh giá quá trình với đánh giá kết quả; đánh giá định lượng với đánh giá định tính… là yêu cầu bắt buộc, “phải huấn luyện cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”. Các tác giả Nguyễn Vũ Bích Hiền, Nguyễn Vân Anh, Nguyễn Quốc Trị trong nghiên cứu về “Bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở giáo dục phổ thông ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thực trạng và giải pháp” đã thống kê các phương pháp kiếm tra, đánh giá kết quả bồi dưỡng cán bộ quản lí giáo dục của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội gồm có: Tự luận; Trắc nghiệm khách quan; Vấn đáp; Bài tập cá nhân; Bài tập nhóm. Trong bối cảnh hiện nay, cần phải kết hợp một cách linh hoạt các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng hướng tới đảm bảo chất lượng chứ không chạy theo số lượng như quan điểm của Hồ Chí Minh “mở lớp nào cho ra lớp ấy” [19].

Hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lí giáo dục cần phải được thực hiện đồng bộ ở tất cả các khâu từ đầu vào cho đến quá trình và sản phẩm đầu ra, đảm bảo

“Mở lớp nào ra lớp ấy. Lựa chon người dạy và người học cho cẩn thận”. Theo đó, liên tục cập nhật, cải tiến hoạt động tuyển sinh đầu vào, đổi mới các hoạt động kiểm soát chất lượng quá trình đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí đầu ra phù hợp với thực tiễn hiện nay của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong đào tạo, bồi dưỡng là đang đi đúng với yêu cầu thực tiễn và phù hợp với quan điểm của Người.

3. Kết luận

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn để giải quyết hiệu quả những nhiệm vụ mới đặt ra là nhiệm vụ của mọi cơ quan, tổ chức, đơn vị và là trách nhiệm của mỗi cán bộ đảng viên. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với vị trí là trường đại học sư phạm trọng điểm của cả nước, với vinh dự được hai lần được đón Bác về thăm, càng cần vận dựng sáng tạo, hiệu quả hơn nữa tư tưởng của Người vào thực tiễn công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục, không ngừng nâng cao chất lượng và góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Trần Thị Minh Tuyết, 2021. Quan điểm của chủ tịch Hồ Chí Minh về liêm chính công vụ - vận dụng vào xây dựng đạo đức công vụ của cán bộ, công chức nước ta hiện nay. Tạp chí Cộng sản, số 962 (tháng 3 năm 2021), tr.38-44.

[2] Nguyễn Xuân Trung; Lê Văn Kiện, 2021. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân vào phòng, chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh trong cán bộ, đảng viên hiện nay. Tạp chí Chủ nghĩa xã hội lí luận và thực tiễn - 2021 - no.01 - tr.26-30 - ISSN.2615-9473.

[3] . Trịnh Thị Phương Oanh, 2020. “Sao cho được lòng dân” - Đạo nghĩa của người cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Tạp chí Khoa học chính trị - 2020 - no.10 - tr.14 - 17 - ISSN.1859 – 0187.

[4] Trần Đình Thắng, 2021. Vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách hồ chí minh vào việc học tập, tu dưỡng suốt đời của cán bộ, công chức, viên chức. Tạp chí Tổ chức Nhà nước - 2021 - no.2 - tr.44-47 - ISSN.2588-137X:

[5] Nguyễn Thị Hải Vân, 2021. Tư tưởng Hồ Chí Minh về “huấn luyện cán bộ” và sự vận dụng trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công an nhân dân. Tạp chí Quản lí Nhà nước - 2021 - no.3 - tr.13-18 - ISSN.2354-0761:

[6] Nguyễn Thị Thanh Tùng, 2014. Bản lĩnh chính trị, tư tưởng Nguyễn Ái Quốc giai đoạn 1930-1938 và ý nghĩa đối với việc giáo dục bản lĩnh chính trị cho sinh viên sư phạm. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Số 6BC/ 2014

(10)

128

[7] Nguyễn Minh Trưởng, 2020. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ để thực hiện thành công Chiến lược cán bộ của Đảng. Tạp chí Tổ chức nhà nước - 2020 - no.10 - tr.35-41 - ISSN.2588-137X

[8] Hoàng Thúc Lân, Lê Khánh Hội, 2020. Tư tưởng hồ chí minh về công tác cán bộ và ý nghĩa đối với việc huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay. Tạp chí Giáo dục - 2020 - no.481 - tr.1-5 - ISSN.2354-0753.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, t6, tr.117.

[10] Trích “Sửa đổi lối làm việc” in trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.231-236

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, t9, tr.467.

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, t5 [13] Hồ Chí Minh Toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, t12

[14] Nghị quyết số 29-NQ/TW ban hành ngày Ngày 4 tháng 11 năm 2013 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

[15] Bức thư cuối cùng Bác Hồ gửi cho ngành Giáo dục, ngày 15-10-1968

[16] Nghị quyết Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 01 tháng 02 năm 2021.

[17] Nguyễn Thị Định, 1996. Mùa thu rồi ngày 23. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[18] Đặng Quốc Bảo, Phạm Minh Giản, Phạm Minh Châu, Hồ Minh Quang, 2020. Phát triển giáo dục trong bối cảnh hiện nay:Nhận thức và thu hoạch; sưu tầm và liên tưởng. Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.

[19] Nguyễn Vũ Bích Hiền, Nguyễn Vân Anh, Nguyễn Quốc Trị, 2017. Bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở giáo dục phổ thông ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thực trạng và giải pháp.

Tạp chí Quản lí giáo dục, số 1 (tháng 1/2017).

ABSTRACT

Applying Ho Chi Minh’s thoughts on training educational managers and leaders in order to adapt educational innovation requirement

Nguyen Quoc Tri, Hoang Thi Kim Hue, Trinh Thi Quy and Nguyen Thi Minh Nguyet Faculty of Educational Management, Hanoi National University of Education By theoretical research method, this effort aims to analyze Ho Chi Minh’s thoughts of leaders and managers’ competencies and personalities. Based on this, some recommmendations of applying these points of view into developingeducational leaders and managers’

competencies and personalities are made in order to meet the demand of education innovation and international integration of Vietnamese education. Ho Chi Minh’s thoughts about training and in-service training process for leaders and managers were also discussed. These lead to applying Ho Chi Minh’s thoughts into enhancing educational leaders and managers’

competences.

Keywords: Ho Chi Minh’s thoughts of management and leadership competence, Ho Chi Minh’s thoughts of education and training, educational leadership, educationmanagement, training.

Tài liệu tham khảo

Tài liệu liên quan

Do đó, trong dạy học chủ đề Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính, cụ thể là dạy học lập trình, các trường phổ thông được lựa chọn ngôn ngữ lập trình để dạy học, trên cơ sở đảm

Mô-đun đàn hồi, ứng suất đàn hồi và ứng suất dẻo tăng khi áp suất nén mẫu tăng, và có sự tương quang giữa các đại lượng này với sự thay đổi của thể tích quả cầu lỗ hổng và tỉ phần các

Đặc biệt, với Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ năm 1979 không chỉ khẳng định lại bình đẳng giới trong hôn nhân gia đình, quan hệ dân sự, lao động việc

Kỉ niệm 50 năm ngày Hồ Chủ tịch về thăm Trường 1964- 2014, cuốn sách Bác Hồ với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được xuất bản đã tập hợp nhiều bài viết phân tích về nhiều vấn đề trong tư

Kết luận Bằng PPTKMM, chúng tôi rút ra các biểu thức giải tích của nhiệt độ giới hạn bền vững tuyệt đối trạng thái tinh thể và nhiệt độ nóng chảy cùng với đường cong nóng chảy của

Dạy viết dựa trên tiến trình trong sách giáo khoa Văn học của Hoa Kì Trong một số sách giáo khoa của Hoa Kì, hoạt động viết được so sánh với việc làm chủ một môn thể thao hay là việc

Những biểu hiện về ý thức, hành vi tích cực trong kĩ năng sống có liên quan đến ứng phó với BĐKH ở trẻ thông qua quan sát của giáo viên Trong và sau quá trình tham gia các hoạt động,

Từ kết quả thực nghiệm thông qua chủ đề “Điều chế thuốc trừ sâu thảo mộc từ các nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên” đã khẳng định tính hiệu quả của việc dạy học theo trạm kết hợp với kĩ