• Không có kết quả nào được tìm thấy

Các nghiên cứu sự phát triển đầu mặt và cung răng ở Việt Nam

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÀI LIỆU

1.5. Lịch sử nghiên cứu vùng đầu mặt và cung răng trên thế giới và Việt Nam

1.5.2. Các nghiên cứu sự phát triển đầu mặt và cung răng ở Việt Nam

NC của Jin-Soo Ahn (2012) [107], Adam H. Dowling (2013) [108]. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi trình độ người thực hiện và trang thiết bị hiện đại.

Như vậy, cung răng được nghiên cứu với nhiều kích thước trên một mẫu hàm với nhiều lứa tuổi khác nhau, cỡ mẫu ngày càng lớn hơn, trên nhiều nhóm chủng tộc khác nhau để tìm ra những quy luật thay đổi kích thước, khớp cắn cung răng trong quá trình phát triển.

NC cũng đã giúp những Bác sỹ chỉnh nha làm cơ sở cho chẩn đoán và xây dựng kế hoach điều trị.

1.5.2.2. Các nghiên cứu sự phát triển cung răng ở Việt Nam.

Việc nghiên cứu hình thái cung răng đã được tiến hành từ thập niên 60 của thế kỷ XX, nhưng chủ yếu về hình thái cung răng.

Huỳnh Kim Khang và Hoàng Tử Hùng (1992) [112] đo trên mẫu hàm kích thước ngang và kích thước theo chiều trước - sau của cung răng hàm trên ở 169 người Việt trưởng thành. Kết quả cho thấy cung răng hàm trên có dạng elip. Cung răng của nam lớn hơn của nữ có ý nghĩa thống kê. Đây có thể được xem là công trình nghiên cứu đầu tiên về hình thái cung răng người Việt.

Khi nghiên cứu so sánh đặc điểm cung răng người Việt với người Ấn Độ và Trung Quốc, Phạm Thị Hương Loan và Hoàng Tử Hùng (2000) [62], đã đưa ra nhận xét: cung răng người Việt rộng hơn đáng kể so với cung răng người Ấn Độ và gần với kích thước cung răng người Trung Quốc. Cung răng người Việt có loại hàm rộng chiếm đa số và phần trước cung răng lớn hơn người Trung Quốc nên hàm người Việt hô nhẹ hơn hàm người Trung Quốc ở vùng răng trước.

Nghiên cứu dọc đầu tiên về sự phát triển hình thái của cung răng sữa ở giai đoạn từ 3 đến 5,5 tuổi trên 117 trẻ em được Ngô Thị Quỳnh Lan [15] thực hiện vào năm 2000. Kết quả của công trình cho thấy: các kích thước chiều rộng cung răng sữa tăng có ý nghĩa trong giai đoạn 3 đến 5,5 tuổi; các kích thước chiều dài cung răng sữa không thay đổi có ý nghĩa và nhìn chung có xu hướng ngắn lại. Sự tăng trưởng chiều rộng cung răng ở phía trước nhiều hơn phía sau.

Bằng phương pháp đo trực tiếp trên mẫu hàm, Lê Đức Lánh (2002) [18] đã xác lập mẫu hình thái và mẫu tăng trưởng của cung răng ở trẻ tử 12 đến 15 tuổi. Kết quả cho thấy chiều rộng của cung răng hàm trên và hàm dưới ở trẻ 15 tuổi đã đạt được kích thước của người trưởng thành, chiều dài cung răng nam đa số đạt được kích thước ở người trưởng thành lúc 12 tuổi, chiều dài cung răng ở nữ đa số đạt được kích thước ở người trưởng thành lúc 12 tuổi đối với hàm trên và 15 tuổi đối với hàm dưới. Nhìn chung, trong giai đoạn từ 12 đến 15 tuổi, có sự tăng nhẹ về chiều

rộng và giảm nhẹ về chiều dài cung răng.

Trong một nghiên cứu dọc tiếp theo (2007) (với mẫu gồm 33 cá thể, 17 nam và 16 nữ có bộ răng sữa đầy đủ và lành mạnh), Nguyễn Thị Kim Anh [113] đã tìm hiểu về đặc điểm hình thái cung răng sữa dưới trong giai đoạn từ 3 đến 5 tuổi bằng phương pháp đo trực tiếp trên mẫu hàm. Các số liệu được xử lý thống kê “ngang”

và “dọc”, kết quả của công trình cho phép rút ra một số kết luận về đặc điểm hình thể của cung răng sữa lúc 3 - 5 tuổi và những thay đổi hình thể, xu hướng tăng trưởng giai đoạn 3 - 5 tuổi. Trong quá trình phát triển từ 3 đến 5 tuổi, cung răng sữa dưới đã thay đổi theo xu hướng ngày càng rộng ra và tròn hơn, mặt phẳng nhai ít cong hơn.

Trịnh Hồng Hương (2012) [17] nghiên cứu sự thay đổi của cung răng và khớp cắn từ hệ răng hỗn hợp sang hệ răng vĩnh viễn ở học sinh từ 9 đến 12 tuổi, kết luận chiều rộng cung răng tăng ở cả hàm trên và hàm dưới, chu vi cung răng tăng ở hàm trên nhưng giảm ở hàm dưới. Các nghiên cứu trên cùng với một số nghiên cứu khác đóng góp những thông tin cơ bản về kích thước, chỉ số vùng đầu mặt và cung răng người Việt Nam nói chung.

Như vậy, các nghiên cứu đều nhận định có sự thay đổi về kích thước cung răng và khớp cắn từ lứa tuổi này qua lứa tuổi khác; sự thay đổi này có thể khác nhau giữa các tham số khác nhau, giữa giới nam với giới nữ cũng như giữa những giai đoạn tuổi khác nhau trong quá trình phát triển. Mặt khác, do những khác biệt về nhân chủng học nên không chỉ sự thay đổi của các tham số mà bản thân các tham số đó cũng có thể khác nhau từ nhóm chủng tộc này qua nhóm chủng tộc khác và trong lâm sàng không thể áp dụng những kết quả nghiên cứu của dân tộc này cho dân tộc khác được.