• Không có kết quả nào được tìm thấy

Chương 4: BÀN LUẬN

4.2 Nghiên cứu can thiệp lâm sàng có đối chứng

4.2.4. Phương pháp thăm khám và ghi nhận các chỉ số

Mỗi bệnh nhân trong nghiên cứu, ngoài việc thăm khám tại chỗ lâm sàng và X-quang vùng quanh răng, hỏi tiền sử bệnh và các yếu tố liên quan, bệnh nhân còn được yêu cầu làm một số xét nghiệm để kiểm tra tình trạng rối loạn máu, khai thác tiền sử bệnh toàn thân và tình trạng hút thuốc lá để xem xét chỉ định và tiên lượng điều trị. Ngoài những chống chỉ định chung cho điều trị như bệnh tim mạch, các rối loạn về máu và các bệnh toàn thân đang tiến triển, những bệnh nhân không được đưa vào mẫu nghiên cứu thuộc một trong các trường hợp sau:

Bệnh nhân bị tiểu đường chưa kiểm soát được, nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng bệnh tiểu đường có mối quan hệ hai chiều chặt chẽ với bệnh viêm quanh răng, tình trạng tăng đường huyết ảnh hưởng lớn đến kết quả điều trị, nhưng đáp ứng với điều trị ở bệnh nhân tiểu đường kiểm soát tốt cũng giống như người không bị tiểu đường. [69]

Nghiện thuốc lá cũng có ảnh hưởng lớn đến kết quả điều trị, nhưng khi dừng hút thuốc thì đáp ứng với điều trị như người không hút thuốc. Như vậy việc hút thuốc không ảnh hưởng lâu dài lên đáp ứng lành thương của mô quanh răng [123]

4.2.4.2. Cách khám và ghi nhận các chỉ số

Bệnh nhân nghiên cứu được thăm khám và ghi lại các chỉ số đánh giá tình trạng vệ sinh răng miệng, tình trạng lợi, chỉ số thăm dò quanh răng và các yếu tố liên quan tại thời điểm trước điều trị và các thời điểm sau điều trị.

Việc thực hiện thăm khám và ghi nhận các chỉ số một cách chính xác đòi hỏi người khám phải được tập huấn kỹ, thăm khám tỉ mỉ, nhẹ nhàng và cần có nhiều thời gian, khoảng 10-15 phút cho mỗi lần khám. Nghiên cứu này được dùng thống nhất một loại cây thăm dò đầu tù, có chia vạch mi-li-met (PCP 12, Hu-Friedy, Chicago, Hoa kỳ), có vạch chỉ thị màu đen ở mi-li-met thứ 5 và thứ 10 (Hình 2.7). Dụng cụ thăm khám này không phức tạp nhưng chuyên biệt và ít được sử dụng ở những cơ sở nha khoa tổng quát.

Nhằm hạn chế những sai số trong phép đo khi thăm khám vùng quanh răng, trước khi vào nghiên cứu, người thực hiện nghiên cứu (tác giả của luận án này) đã được tập huấn và tiến hành một thử nghiệm lâm sàng trên 6 bệnh nhân viêm quanh răng để đánh giá độ tin cậy của phép đo theo chỉ số Kappa.

Việc đánh giá mức độ viêm và chảy máu lợi, mức độ mảng bám, cao răng trên và dưới lợi cần tỉ mỉ và thận trọng vì thang điểm và cách đánh giá các chỉ số này đều mang tính chủ quan. Việc thăm khám độ lung lay răng cũng phải được tiến hành thật tỉ mỉ để xác định chính xác mức độ lung lay, sự ổn định hoặc giảm lung lay sau điều trị.

Khi đo độ sâu túi quanh răng và mức mất bám dính lâm sàng, cầm cây thăm dò kiếu cầm bút, đưa đầu cây thăm dò song song với mặt răng hướng về phía đáy túi, đi sát bề mặt chân răng với lực đẩy khoảng 25gr. Ta có thể xác định lực này bằng cách thử đấy cây thăm dò vào kẽ móng tay sao cho không gây đau. Thường việc thăm khám này không gây nên khó chịu cho người bệnh. Kết hợp việc đo độ sâu túi quanh răng và mức mất bám dính ta còn xác định được cao răng dưới lợi khi sử dụng cây thăm dò. Ghi nhận và đánh giá các số đo này bằng đơn vị mi-li-met ở 4 vị trí thăm dò mỗi răng.

Độ sâu túi quanh răng và mức mất bám dính quanh răng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ dày và hình dạng của dụng cụ thăm dò, cách sử dụng dụng cụ thăm dò và lực thăm khám, đặc biệt là tình trạng viêm nhiễm của mô quanh răng. Các số đo này có thể có sai số so với độ sâu thực của túi, vì vậy khái niệm

“độ sâu thăm dò” chính xác hơn độ sâu túi. Độ sâu túi quanh răng được tính từ bờ viền lợi tới đáy túi. Mức mất bám dính quanh răng là khoảng cách từ chỗ nối men-xương răng tới đáy túi quanh răng. Mất bám dính quanh răng là dấu hiệu duy nhất có thể đánh giá mức độ phá hủy tổ chức quanh răng, phản ánh gián tiếp mức độ phá hủy xương ổ răng và chiều cao của xương ổ răng.

Việc xác định chính xác vị trí đáy túi quanh răng và đường nối men- xương răng là rất cần thiết và quyết định đến giá trị của phép đo. Việc này thường gặp khó khăn trên lâm sàng, đặc biệt ở những người cao tuổi và những răng mang phục hình hay mòn ngót cổ răng.

Để xác định mức độ tổn thương và sự phục hồi mô xương ổ răng phải dựa vào X-quang. Nghiên cứu này sử dụng phim X-quang sau ổ răng với kỹ thuật côn dài song song. Để hạn chế sai số, nên đề nghị một người thực hiện việc chụp phim để hạn chế tối đa sự khác biệt trong mỗi lần chụp. Tuy nhiên, việc này khó thực hiện vì nghiên cứu được tiến hành trong một thời gian dài.

Muốn có được độ chính xác khi đo đạc, phải dùng kỹ thuật chụp phim X-quang chuẩn, khi chụp có gắn vật cản quang có kích thước chuẩn để khi đo

có thể tính được hệ số phóng đại hoặc đọc phim trên một dụng cụ đặc biệt có chia ô mi-li-met (Grid scale). Kỹ thuật này giúp cho số đo có độ chính xác cao nhưng thao tác khi chụp rất phức tạp và mất nhiều thời gian. X-quang kỹ thuật số cũng có nhiều ưu điểm như lưu giữ và phóng đại được hình ảnh, thay đổi được độ tương phản của hình ảnh nên việc đánh giá mật độ xương sẽ dễ dàng hơn, nhưng nhược điểm là tấm Sensor dày và cứng nên khi chụp khó đặt được đúng góc độ cần thiết, dễ gây đau và khó chịu cho bệnh nhân, vì thế việc đọc phim sẽ cho kết quả kém chính xác và cũng không được gọi là kỹ thuật X-quang chuẩn [79]. Trên phim X-X-quang, việc xác định dạng tổn thương xương ngang hay chéo đôi khi cũng gặp khó khăn vì đặc điểm của phá hủy mô quanh răng là không đồng đều, vùng tổn thương có khi chỉ là một vùng kém cản quang, bờ không đều nên việc xác định vị trí tiêu xương có góc hay không trở nên khó khăn. Chính vì vậy, phim X-quang sau ổ răng vẫn là phương tiện tốt nhất để đánh giá mức độ tổn thương xương ổ răng trong chẩn đoán và điều trị viêm quanh răng hiện nay, mặc dù việc đo đạc trên phim X-quang không thật chính xác để đánh giá sự thay đổi chiều cao xương ổ răng [5],[92]

4.2.5. Chỉ định và quy trình kỹ thuật nạo túi lợi kết hợp Laser diode