• Không có kết quả nào được tìm thấy

Tình hình nghiên cứu điều trị bảo tồn chấn thương thận trong và

Chương 1: TỔNG QUAN

1.3. CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ CHẤN THƯƠNG THẬN

1.3.5. Tình hình nghiên cứu điều trị bảo tồn chấn thương thận trong và

- Tình hình điều trị chấn thương thận trên thế giới:

Trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu về chấn thương thận kín. Trong đó đánh giá các triệu chứng lâm sàng và mức độ nặng trên lâm sàng của chấn thương thận được các tác giả Chatelain C (1975), McAninch JW (1982), Mazeman E. (1984), Santucci RA (2001) mô tả qua các giai đoạn đã trở thành kinh điển.

Nhờ sự phát triển các phương pháp chẩn đoán hình ảnh, đánh giá các tổn thương của chấn thương thận ngày càng cụ thể và chính xác hơn.

Chatelain C (1975) dựa vào chụp niệu đồ tĩnh mạch phân loại chấn thương thận làm 4 độ [55].

Mc Aninch (1982) đã đề xuất phân chia tổn thương chấn thương thận làm 5 độ theo hình ảnh của chụp cắt lớp vi tính, giúp cho việc chỉ định điều trị hợp lý hơn [91].

Xu hướng điều trị chấn thương thận hiện nay là điều trị bảo tồn tối đa hình thái và chức năng thận chấn thương, kể cả chấn thương thận nặng độ IV, độ V [10].

Phẫu thuật nội soi ổ bụng được ứng dụng từ những năm 2000 chủ yếu là điều trị chấn thương gan, lách. Ứng dụng phẫu thuật nội soi điều trị chấn thương thận mới chỉ có một số báo cáo ngoài nước từ năm 1998 đến nay thực hiện lấy máu tụ dưới bao và cắt bao xơ quanh thận qua phẫu thuật nội soi ổ bụng để điều trị các biến chứng sau chấn thương thận.

Năm 1998, Graham thực hiện phẫu thuật nội soi qua phúc mạc làm giảm chèn ép nhu mô của khối tụ máu dưới bao 1 bên thận hình thành sau tán sỏi ngoài cơ thể là nguyên nhân gây tăng huyết áp [13].

Năm 2002, Castle đã đưa ra khả năng ứng dụng phẫu thuật nội soi sau phúc mạc để giải phóng bao xơ quanh thận và dẫn lưu khối dịch đè ép gây biến chứng muộn ở 1 BN nam chấn thương thận do thể thao sau khi dẫn lưu qua da thất bại [14].

Năm 2007, Duchene thông báo mở rộng và cắt bỏ bao xơ quanh thận 2 bên bằng phẫu thuật nội soi qua phúc mạc do tụ máu dưới bao thận biến chứng sau sau tán sỏi ngoài cơ thể sau khi đã cố gắng thử dẫn lưu tụ dịch qua da và qua nội soi ổ bụng không hiệu quả [15].

Năm 2008, Elashry báo cáo 57 bệnh nhân chấn thương thận độ IV được điều trị bảo tồn cho 84,2% và chỉ định phẫu thuật chiếm 15,8% [92].

Năm 2010, Dugi báo cáo 73 bệnh nhân chấn thương thận độ IV với kết quả bảo tồn theo dõi cho 89% và chỉ định phẫu thuật chiếm 11% [59].

Năm 2011, Moudouni báo cáo 15 bệnh nhân chấn thương thận độ IV với tổn thương thoát nước tiểu và mảnh vỡ mất nuôi dưỡng được điều trị bảo tồn theo dõi thành công 100% [93].

Năm 2013, Surya V. praksh báo cáo 70 trường hợp chấn thương thận được điều trị bảo tồn 100% bao gồm 51 bệnh nhân chấn thương thận độ I - III, 16 bệnh nhân chấn thương thận độ IV và 3 bệnh nhân chấn thương thận độ V [94].

Năm 2013, Sean A. Josephs báo cáo nghiên cứu về đánh giá những rủi ro trong phẫu thuật, phòng ngừa và điều trị chấn thương thận cấp tính [95].

Năm 2014, Wenying Wang và cộng sự báo cáo thực hiện phẫu thuật nội soi sau phúc mạc cắt thận chấn thương thành công cho 3 bệnh nhân chấn thương thận độ IV [96].

Năm 2014, Patel P và cộng sự báo cáo kết quả điều trị chấn thương thận phối hợp với chấn thương bụng do va chạm [97].

Năm 2015, Anselmo da Costa báo cáo nghiên cứu về xu hướng điều trị hiện nay những chấn thương thận cấp tính [98].

Năm 2016, Feyza Boral báo cáo điều trị các trường hợp xơ hóa quanh thận do tụ máu sau chấn thương [16].

Năm 2018, Keihani S và cộng sự báo cáo về các phương thức hiện nay điều trị chấn thương thận phân độ cao và các kết quả đề xuất của Hội phẫu thuật chấn thương Mỹ [99].

- Tình hình điều trị chấn thương thận kín ở Việt Nam:

Ở Việt Nam cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu về chẩn đoán và điều trị chấn thương thận.

Nguyễn Bửu Triều, Lê Ngọc Từ (1995) nghiên cứu tình hình chấn thương thận kín kín với 182 bệnh nhân tại bệnh viện Việt Đức từ 1982 - 1995 [38].

Từ 1982 - 1993, tại bệnh viện Saint Paul Hà Nội điều trị nội khoa 69/81bệnh nhân chấn thương thận và phẫu thuật cho 12/81 trường hợp.

Năm 2001, Lê Ngọc Từ đưa ra một số nhận xét về chẩn đoán và thái độ xử trí chấn thương thận trên thận duy nhất [24].

Vũ Nguyễn Khải Ca từ 1995 - 2001 thực hiện nghiên cứu chẩn đoán và điều trị chấn thương thận qua 206 bệnh nhân tại bệnh viện Việt Đức, Hà Nội [7].

Năm 2003, Lê Ngọc Từ, Vũ Nguyễn Khải Ca, Đặng Văn Thao, Hoàng Long báo cáo kết quả nghiên cứu 324 trường hợp chấn thương thận trong giai đoạn giao thông phát triển [100].

Nguyễn Phương Hồng thông báo nghiên cứu 31 trường hợp chấn thương thận bệnh lý gặp trong 7 năm (1993 - 1999).

Năm 2006, Nguyễn Công Bình và Phạm Văn Yến báo cáo về chẩn đoán và điều trị chấn thương thận tại bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng.

Năm 2007, Hoàng Long, Vũ Nguyễn Khải Ca, Đỗ Trường Thành, Lê Ngọc Từ đã thực hiện phẫu thuật bảo tồn cho 102 trường hợp chấn thương thận kín tại bệnh viện Việt Đức Hà Nội giai đoạn 2003 - 2006.

Năm 2008, Hoàng Long báo cáo nghiên cứu chẩn đoán và điều trị phẫu thuật bảo tồn cho 116 bệnh nhân chấn thương thận từ năm 2003 - 2007 [8].

Năm 2012, Nghiên cứu tại Bệnh viện Việt Đức trên 167 bệnh nhân chấn thương thận trong giai đoạn 2006 - 2008 cho thấy tỷ lệ điều trị bảo tồn không phẫu thuật là 74,3% với tỷ lệ thành công đạt 91,1% [9].

Năm 2013, Hoàng Long thông báo nghiên cứu đầu tiên thực hiện phẫu thuật nội soi điều trị 21 bệnh nhân chấn thương thận với tỷ lệ thành công đạt 90,4%. Tỷ lệ bệnh nhân được phẫu thuật bảo tồn thận qua phẫu thuật nội soi ổ bụng chiếm 6,9% tổng số bệnh nhân chấn thương thận được điều trị và đạt tới 32,3% bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật [12].

Năm 2017, Trần Thanh Phong và Trần Ngọc Sinh thông báo kết quả nghiên cứu 116 bệnh nhân chấn thương thận độ IV và V tại bệnh viện chợ Rẫy với tỷ lệ bảo tồn thận chấn thương đạt 95,7% [101].

Cao Văn Trí và cộng sự báo cáo nghiên cứu 35 chấn thương thận thận kín tại Bệnh viện Đà Nẵng từ tháng 5/2015 đến 5/2017 chia làm 2 nhóm phẫu thuật và không phẫu thuật với tỷ lệ điều trị bảo tồn thành công lần lượt là 91,4% và 97% [102].

Áp dụng phẫu thuật nội soi trong điều trị bảo tồn chấn thương thận trong nước được thực hiện thành công tại bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ năm 2006 và cho đến nay đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Đây là can thiệp an toàn và hiệu quả, ít sang chấn nên giúp cho bệnh nhân hồi phục sức khoẻ nhanh [12]. Tuy nhiên, đây không phải là phẫu thuật không có tai biến - biến chứng và nếu không tuân thủ tốt các nguyên tắc, phẫu thuật viên ít kinh

nghiệm thì tỷ lệ các tai biến - biến chứng trong và sau can thiệp là không nhỏ.

Đây là phương pháp điều trị chấn thương thận mới lần đầu áp dụng tại Việt Nam nên chúng tôi thực hiện nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi điều trị chấn thương thận nhằm mục tiêu hướng tới góp phần xây dựng một quy trình chuẩn, hoàn thiện về chẩn đoán, chỉ định, kỹ thuật thực hiện và theo dõi bệnh nhân sau can thiệp phẫu thuật nội soi điều trị chấn thương thận. Qua đó sẽ hiểu rõ các tai biến, biến chứng có thể xảy ra và biện pháp hạn chế các tai biến, biến chứng trong và sau can thiệp nhằm nâng cao hiệu quả điều trị bảo tồn thận chấn thương của một phương pháp phẫu thuật hiện đại.