• Không có kết quả nào được tìm thấy

Từ khóa: già hóa dân số, chăm sóc người cao tuổi, gia đình, chính sách xã hội

N/A
N/A
Protected

Academic year: 2022

Chia sẻ "Từ khóa: già hóa dân số, chăm sóc người cao tuổi, gia đình, chính sách xã hội"

Copied!
13
0
0

Loading.... (view fulltext now)

Văn bản

(1)

CHĂM SÓC NGƯỜI CAO TUỔI Ở VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHÍNH SÁCH CẦN QUAN TÂM

NGUYỄN HỮU MINH*

Tóm tắt: Bài viết phân tích một số đặc điểm nhân khẩu và kinh tế-xã hội gắn với quá trình già hóa dân số hiện nay ở Việt Nam và những nhu cầu đặt ra đối với việc chăm sóc người cao tuổi. Học vấn và mức sống được nâng cao cho phép các gia đình chăm sóc người cao tuổi tốt hơn, tuy nhiên, đối với nhiều người cao tuổi, tài sản tích lũy vẫn không đủ chăm lo cho cuộc sống. Tỷ lệ người cao tuổi tăng lên, đồng thời với quá trình giảm mức sinh, quy mô hộ gia đình nhỏ hơn, mức độ tích lũy tài chính hạn chế… đã làm tăng nhu cầu về chăm sóc người cao tuổi. Trong khi đó, các dịch vụ xã hội về vấn đề này còn hạn chế và gia đình tiếp tục là thiết chế chính trong việc chăm sóc người cao tuổi. Từ kết quả phân tích, tác giả đề xuất một số khía cạnh chính sách cần quan tâm trong chăm sóc người cao tuổi, xét từ góc độ vai trò của nhà nước, cộng đồng, gia đình, họ hàng, và thị trường.

Từ khóa: già hóa dân số, chăm sóc người cao tuổi, gia đình, chính sách xã hội.

Nhận bài: 14/9/2018 Gửi phản biện: 20/9/2018 Duyệt đăng: 27/9/2018

1. Già hoá dân số ở Việt Nam

Già hoá dân số hay còn gọi là giai đoạn “dân số đang già” được tính khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm từ 10% tổng dân số trở lên. Đó là kết quả của sự quá độ nhân khẩu học khi mức chết và mức sinh đều giảm, làm giảm tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi và tăng tỷ lệ người cao tuổi. Trong những năm qua, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam đã tăng lên khá nhiều. Tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam từ 63 năm với nam và 67,5 năm với nữ vào năm 1989 đã tăng dần lên 70,8 đối với nam và 76,1 đối với nữ vào năm 2016 (Ban chỉ đạo TĐTDS, 2010; Tổng cục Thống kê, 1991; 2012; 2015; 2017b).

Gắn với việc tăng lên của tuổi thọ trung bình, tỷ lệ người cao tuổi cũng tăng lên.

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở 2009, tỷ lệ người cao tuổi (60 tuổi hoặc cao hơn) ở Việt Nam đã tăng từ 7,1% năm 1979, lên 7,2% năm 1989, 8% năm 1999 và gần 9% năm 2009. Đến năm 2012, tỷ lệ này đã lên tới 10,2% (Ban chỉ đạo TĐTDS, 2010; Tổng cục Thống kê, 2012). Như vậy, dân số Việt Nam đã đạt đến ngưỡng dân số đang già kể từ năm 2012.

* Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

(2)

Một chỉ báo quan trọng khác của sự già hoá dân số là chỉ số già hoá, được tính như là tỷ số giữa số người tuổi 60 và già hơn trên 100 người tuổi dưới 15. Chỉ số già hoá dân số ở Việt Nam đã tăng từ khoảng 18,2 năm 1989 lên 24,3 năm 1999, 35,5 năm 2009 và 50,1 năm 2016, cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (30). Điều này cho thấy giai đoạn già hoá dân số ở Việt Nam diễn ra rất nhanh chóng trong 3 thập kỷ qua (Ban chỉ đạo TĐTDS, 2010; Tổng cục Thống kê, 1991; 2012; 2017b). Theo tính toán, thời gian để dân số Việt Nam từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14% trong tổng dân số là ngắn hơn nhiều nước: Pháp mất 115 năm, Mỹ mất 69 năm, Nhật Bản và Trung Quốc mất 26 năm, trong khi Việt Nam mất có 20 năm. Đây thực sự là một thách thức lớn cho việc chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam khi trình độ phát triển kinh tế-xã hội còn chưa cao như hiện nay (UNFPA, 2011).

Sự chênh lệch giữa tuổi thọ trung bình và tuổi thọ khoẻ mạnh, tức là số năm trung bình sống có bệnh tật, là một chỉ báo rất quan trọng khi xem xét vấn đề già hoá. Mục tiêu của các xã hội không chỉ là nâng cao tuổi thọ trung bình mà quan trọng hơn là nâng cao tuổi thọ khoẻ mạnh, sống lâu nhưng phải sống khoẻ. Tuy nhiên, theo số liệu của WHO, số năm trung bình sống có bệnh tật ở Việt Nam là tương đối cao so với các nước khác. Ở Việt Nam, nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm (dẫn theo Bộ Y tế và Nhóm đối tác Y tế, 2018).

Xu hướng già hóa dân số một mặt khẳng định chất lượng cuộc sống của người dân đã tăng lên, nhưng từ khía cạnh về chăm sóc người cao tuổi lại đặt ra những nhu cầu chăm sóc mới đòi hỏi phải được đáp ứng. Nhu cầu chăm sóc còn thể hiện khác nhau theo khu vực sinh sống và nhóm dân số. Số liệu từ Điều tra Gia đình Việt Nam 2006, Điều tra quốc gia Người cao tuổi và các cuộc Điều tra dân số gần đây cho biết tỷ lệ phụ thuộc ở các vùng đô thị thấp hơn ở nông thôn, vùng có mức sống trung bình trở lên thấp hơn so với các vùng nghèo và tương tự, các hộ gia đình có mức sống tốt hơn thì có tỷ lệ phụ thuộc thấp hơn các hộ nghèo (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cơ quan khác, 2008;

UNFPA, 2011; Tổng cục Thống kê, 2015; Tổng cục Thống kê, 2017b).

2. Một số đặc trưng nhân khẩu-xã hội gắn với việc chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam

Cùng với quá trình già hóa dân số, một số đặc trưng nhân khẩu khác cũng có sự biến đổi trong mấy thập niên qua và có những ảnh hưởng tiềm năng đến việc chăm sóc người cao tuổi. Trước hết là mức sinh ngày càng giảm. Tổng tỷ suất sinh năm 2001 là 2,25 và đến năm 2009 tổng tỷ suất sinh ở Việt Nam đã gần bằng mức sinh thay thế với 2,03 con, đến năm 2012 là 2,05 và 2016 là 2,09. Có sự khác biệt đáng kể giữa mức sinh ở đô thị và nông thôn. Năm 2009, tổng tỷ suất sinh ở khu vực đô thị là 1,81 con và ở nông thôn là 2,14 con. Số liệu tương ứng đối với năm 2012 là 1,80 và 2,17 và năm 2014 là 1,85 và 2,21; năm 2016 là 1,86 và 2,21 (Tổng cục Thống kê, 2015; 2017b). Số con ít đi hàm ý khả năng chăm sóc người cao tuổi từ thành viên gia đình sẽ gặp khó khăn hơn trong giai đoạn hiện nay và những năm tới.

(3)

Kết quả các cuộc Tổng điều tra dân số và những cuộc điều tra mẫu quốc gia (như Điều tra Biến động dân số hàng năm, Điều tra Mức sống hộ gia đình) trong mấy thập kỷ vừa qua cũng cho thấy quy mô gia đình nhỏ đi và cấu trúc của gia đình cũng ngày càng đơn giản hơn theo hướng hạt nhân hóa tức là gia đình chỉ gồm vợ chồng và các con chưa trưởng thành của họ. Số người trung bình trong hộ gia đình là 3,6 năm 2016; 3,7 năm 2012; 3,8 năm 2009; 4,6 năm 1999; 4,8 năm 1989 và 5,2 năm 1979. Quy mô gia đình ở khu vực đô thị là nhỏ hơn ở nông thôn (3,6 người ở khu vực đô thị và 3,7 người ở khu vực nông thôn năm 2016) (Ban chỉ đạo TĐTDS, 2010; Tổng cục Thống kê, 1991;

2012; 2015; 2017b). Kết quả khảo sát Mức sống dân cư 2014 cũng cho biết là quy mô trung bình hộ gia đình của các hộ nghèo thường cao hơn hộ giàu, các hộ ở miền núi cao hơn ở các hộ đồng bằng (Tổng cục Thống kê, 2016). Quy mô gia đình giảm đi làm ảnh hưởng tới khả năng của các thành viên gia đình chăm sóc người cao tuổi do có ít người ở nhà hơn.

Việc giảm quy mô hộ gia đình có ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống hàng ngày nói chung, trong đó có khả năng hỗ trợ vật chất và sức khỏe tinh thần tăng lên. Về sự hỗ trợ vật chất, thu nhập trung bình và chi tiêu trung bình cho một người tăng lên khi quy mô gia đình giảm xuống. Ngược lại, một số hậu quả tiêu cực cũng thể hiện khá rõ, khả năng những người cao tuổi phải sống một mình sẽ tăng lên.

Tình trạng hôn nhân có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống người cao tuổi vì đối với người cao tuổi việc sống cùng vợ/chồng có nhiều ý nghĩa tích cực như câu tục ngữ

“con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Đặc điểm chung hiện nay là đa số người cao tuổi sống với vợ/chồng, tuy nhiên có khác biệt cơ bản giữa nam và nữ. Số liệu Tổng điều tra dân số và Nhà ở Trung ương 2009 cho biết, tính chung có 84,9% nam giới tuổi 60 trở lên sống với vợ nhưng chỉ có 44,1% phụ nữ tuổi 60 trở lên sống với chồng vào thời điểm khảo sát (Ban chỉ đạo TĐTDS, 2010). Tỷ lệ tương ứng vào thời điểm 2014 là 85,8% và 47%, còn vào thời điểm 2016 là 86,2% và 48,% (Tổng cục Thống kê, 2015 và 2017b).

Trong số những người cao tuổi không sống với vợ/chồng vào thời điểm khảo sát, đại bộ phận là goá và tỷ lệ phụ nữ goá cao hơn rõ rệt so với nam giới. Cũng theo số liệu Tổng điều tra dân số và Nhà ở Trung ương 2009, tỷ lệ nam giới 60 tuổi trở lên ở tình trạng goá vào thời điểm điều tra là 13,8% (tỷ lệ nam giới 60-64 tuổi goá là 4,47%; 65-69 là 7,64%; 70-74 tuổi là 12,64% và 75 tuổi trở lên là 27,36%) và tỷ lệ phụ nữ 60 tuổi trở lên ở tình trạng goá vào thời điểm trên là 52,6% (tỷ lệ tương ứng với các nhóm tuổi là:

30,55%; 42,04%; 52,43% và 73,22%) (Ban chỉ đạo TĐTDS, 2010; Tổng cục Thống kê, 2011a). Kết quả điều tra dân số giữa kỳ 2014 cho thấy, tỷ lệ nam giới 60 tuổi trở lên goá là 12,6%, trong khi đó đối với nữ có 47,6% phụ nữ tuổi 60 trở lên là goá chồng. Các số liệu tương ứng ở Điều tra dân số giữa kỳ 2016 là: tỷ lệ góa của nam giới 60 tuổi trở lên là 11,9% và nữ 60 tuổi trở lên là 45,0% (Tổng cục Thống kê, 2012; 2015 và 2017b).

Ở Việt Nam, tình trạng “ly hôn” là không phổ biến. Tuy nhiên, trong những năm gần đây tỷ trọng ly hôn đã có xu hướng tăng lên. Số liệu các cuộc tổng điều tra dân số cho thấy tỷ lệ dân số 15 tuổi trở lên ly hôn (tại thời điểm khảo sát) là 0,5% năm 1989; 0,8%

năm 1999; 1,0% năm 2009; 1,5% năm 2014 và 1,8% năm 2016. Xu hướng tăng tỷ lệ ly

(4)

hôn thể hiện ở cả khu vực đô thị và nông thôn, nam cũng như nữ nhưng cao hơn đối với nữ và ở khu vực đô thị. Đối với người cao tuổi tỷ lệ ly hôn cũng có xu hướng tăng lên.

Vào thời điểm 01/4/2014, tỷ lệ ly hôn đối với nam giới và phụ nữ tuổi 60 trở lên là 0,6%

và 1,2%, còn thời điểm 2016 là 0,6% và 1,8% (Tổng cục Thống kê, 2015 và 2017b).

Các số liệu trên cho thấy, nhìn chung người cao tuổi nam giới thường sống chung với vợ còn một tỷ lệ đáng kể người cao tuổi nữ không sống với chồng. Điều đó tạo ra nguy cơ về những tổn thương có thể xảy ra trong cuộc sống do thiếu một trong hai người, đặc biệt đối với phụ nữ vì phụ nữ thường dễ tổn thương hơn đối với các cú sốc về kinh tế- xã hội (Phạm Thắng và Đỗ Thị Khánh Hỷ, 2009, dẫn theo UNFPA, 2011). Điều này đòi hỏi chính sách chăm sóc người cao tuổi phải chú ý đến xu hướng này.

Vấn đề tiếp theo cần quan tâm là người cao tuổi có sống chung với con cái hay không.

Số liệu các cuộc điều tra mức sống dân cư cho thấy rằng tỷ lệ người cao tuổi sống với con cái vẫn rất cao nhưng có xu hướng giảm (từ gần 80% năm 1992/1993 xuống còn 62% năm 2008) (UNFPA, 2011). Tỷ lệ những người cao tuổi sống cô đơn tăng từ 3,47% năm 1992/1993 lên 6,14% năm 2008. Đa số người cao tuổi sống cô đơn là ở nông thôn và là phụ nữ. Ngoài ra, tỷ lệ hộ gia đình chỉ có vợ chồng người cao tuổi cũng tăng hơn 2 lần trong giai đoạn 1992/1993- 2008. Trong bối cảnh an sinh xã hội còn hạn chế thì việc sắp xếp cuộc sống như vậy là một khó khăn rất lớn đối với việc chăm sóc người cao tuổi (UNFPA, 2011).

Đối với những người cao tuổi không sống cùng con cái thì khoảng cách nơi ở giữa bố mẹ và con cái là một vấn đề đáng quan tâm trong việc chăm sóc người cao tuổi về vật chất và tinh thần. Có một sự khác biệt giữa khu vực đô thị và nông thôn. Ở nông thôn, con cái sau khi kết hôn không sống cùng cha mẹ thường dễ dàng liên hệ với cha mẹ do sống gần. Tuy nhiên điều này khó khăn hơn ở môi trường đô thị do thiếu đất đai, đặc biệt là giai đoạn trước Đổi mới 1986. Từ khi Đổi mới, ngày càng có nhiều cơ hội hơn cho dân cư đô thị tìm kiếm ngôi nhà thích hợp, gần gũi với nhà bố mẹ. Vì thế bố mẹ và con cái có thể dễ dàng giúp nhau. Tuy nhiên, tỷ lệ con cái sống riêng nhưng gần với nơi ở của bố mẹ ở đô thị vẫn thấp hơn ở nông thôn. Cuộc khảo sát nhận thức và thái độ về gia đình ở Hà Nội 2010 chỉ ra rằng, trong số 196 người cao tuổi (60 trở lên) với 549 người con đã kết hôn hiện không sống chung nhà, có 41,9% người con sống cách nhà người cao tuổi trong phạm vi 15 phút đi bộ và 26% trong phạm vi 15-30 phút đi xe. Tỷ lệ tương ứng ở khu vực đô thị là 27,9% và 36,1% còn ở nông thôn là 48,9% và 21% (Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, 2011).

Mong muốn có con trai có liên quan chặt chẽ với vấn đề chăm sóc người cao tuổi bởi lẽ con trai được kỳ vọng là sẽ sống với và chăm sóc bố mẹ sau này, đảm bảo người cao tuổi có an sinh khi tuổi già (“trẻ cậy cha, già cậy con”). Thực tế cho thấy mong muốn có con trai thể hiện một cách mạnh mẽ trong xã hội Việt Nam thông qua chỉ báo tỷ số giới tính khi sinh1 tăng cao quá mức bình thường từ 2006 đến nay. Theo kết quả của Điều tra

1 Tỷ số giới tính khi sinh được xác định bằng số bé trai trên 100 bé gái được sinh ra của một thời kỳ, thường

là một năm lịch. Tỷ số này thông thường là 104-106/100 và nhìn chung ổn định qua thời gian và không gian giữa các châu lục, quốc gia, khu vực và chủng tộc người.

(5)

biến động dân số 2006, tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam là 109,8 trẻ em trai với 100 trẻ em gái sinh ra. Năm 2007 và 2008 tỷ số giới tính khi sinh là 111,6 và 112,1. Xu hướng đó tiếp tục với con số 112,3 năm 2012, và 112,2 năm 2016. Đồng bằng sông Hồng là vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất trong cả nước, với các tỷ số 115,3 năm 2009; 120,9 năm 2012 và 118 năm 2014 (Tổng cục Thống kê, 2012; 2015; 2017b). Bên cạnh lý do mong muốn có con trai thì chính sách có từ 1 đến 2 con, sự phát triển của công nghệ mới cho phép lựa chọn giới tính thai nhi (siêu âm và nạo thai) khi các bậc cha mẹ muốn và công tác quản lý các tiến bộ y học chưa chặt chẽ là một số nguyên nhân quan trọng của tình trạng này (Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, 2012). Tỷ số giới tính tăng cao quá mức bình thường sẽ ảnh hưởng đến khả năng lập gia đình của người dân và việc chăm sóc người cao tuổi sau này.

Theo số liệu Điều tra Gia đình Việt Nam 2006, tỷ lệ hộ gia đình có người cao tuổi 60 trở lên là 32,6%, với tương ứng 35,7% ở khu vực đô thị và 31,4% ở khu vực nông thôn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan khác, 2008). Tính chung toàn quốc có khoảng 30% người cao tuổi được nhận lương hưu, phụ cấp nghỉ hưu trước tuổi hay các quyền lợi hàng tháng khác, và hơn 70% người cao tuổi tiếp tục làm việc và sống với trợ giúp của con cháu (Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, 2006). Căn cứ vào số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội năm 2006, một phần ba số người cao tuổi là người nghèo hoặc cận nghèo và đang gặp những khó khăn trong cuộc sống vật chất, đặc biệt là những người sống ở nông thôn và miền núi; hơn 100.000 người cao tuổi phải sống trong những ngôi nhà tạm và nhiều người không có đủ áo ấm mặc trong mùa đông. Tình trạng con cháu đối xử không tốt hoặc thiếu chăm sóc bố mẹ, ông bà vẫn còn tồn tại (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, 2006).

Báo cáo của Bộ Y tế năm 2006 xác nhận rằng khoảng 95% người cao tuổi bị bệnh tật hành hạ và mỗi người cao tuổi trung bình gặp phải 2,69 bệnh, chủ yếu là bệnh kinh niên và không phải lây nhiễm/nhiễm trùng. Tỷ lệ của người cao tuổi có sức khỏe tốt chỉ khoảng 5-7%, những người sức khỏe kém chiếm 23%, còn lại là ở mức độ sức khỏe trung bình (Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, 2006). Điều tra người cao tuổi Việt Nam năm 2011 với dung lượng mẫu có tính đại diện quốc gia cho thấy có 65,4% người cao tuổi tự đánh giá sức khỏe ở mức yếu và rất yếu; 29,8% đánh giá ở mức bình thường và chỉ có 4,8% tự đánh giá ở mức tốt và rất tốt (UNFPA, 2011). Điều này cho thấy nhu cầu rất cao về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay.

Phần lớn những người cao tuổi Việt Nam hiện nay sinh ra và lớn lên trong điều kiện đất nước có chiến tranh và trưởng thành trong thời kỳ nền kinh tế bao cấp. Khi đất nước chuyển sang nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường, những người này phải đối diện với nhiều khó khăn về kinh tế vì họ hoặc không có của cải tích lũy hoặc tài sản tích lũy không đủ để họ sống và trợ giúp sức khỏe cho họ khi tuổi già. Những điều này đòi hỏi cần có sự quan tâm và chăm sóc tốt hơn người cao tuổi từ phía Nhà nước, cộng đồng, gia đình, và thị trường.

(6)

3. Biến đổi kinh tế-xã hội gắn với việc chăm sóc người cao tuổi

Nhờ thực hiện các chính sách Đổi mới (bắt đầu từ năm 1986), nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ. Mức độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm là khoảng 7,26% trong thời kỳ 2001-2010, 5,9% trong năm 2011 và ước cả năm 2017 đạt 6,8% (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2011; Chính phủ Việt Nam, 2011; Tổng cục Thống kê, 2017a). GDP bình quân đầu người là 1.168 USD năm 2010, tăng khoảng 3 lần so với năm 2000. Năm 2017, GDP bình quân đầu người ước tính đạt 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016. Với những bước phát triển mới đó, Việt Nam đã từ một nước nghèo trở thành nước có mức thu nhập trung bình thấp. Nhờ kết quả của sự tăng trưởng kinh tế, đầu tư cho các lĩnh vực xã hội, trong đó có chăm sóc y tế đã tăng lên. Theo số liệu của Bộ Y tế và Nhóm đối tác Y tế (2016: 49), tỷ lệ chi NSNN cho y tế năm 2014 ước tính là 8,2%, tăng so với năm 2010 là 7,7%. Chi NSNN cho y tế trong giai đoạn 2011-2015 tăng qua các năm với tỷ lệ tăng cao hơn so với mức tăng chi NSNN (trừ năm 2011 có mức tăng trưởng âm sau khi trừ đi tỷ lệ giảm phát GDP).

Quá trình đô thị hóa đang diễn ra khá mạnh mẽ ở Việt Nam. Tỷ lệ dân cư đô thị đã tăng từ 19,2% năm 1979 đến 19,4% năm 1989, 23,7% năm 1999, 29,6% năm 2009 và 35,1% năm 2017 (Tổng cục Thống kê, 2017a). Có những khác biệt quan trọng giữa dân cư đô thị và nông thôn. Trước hết đó là về mức sống, thể hiện rõ rệt về điều kiện nhà ở và các tiện nghi sinh hoạt như điện, nước sạch. Học vấn và trình độ chuyên môn công việc của người dân cũng cao hơn ở khu vực đô thị. Tất cả những yếu tố đó đã góp phần tạo ra lối sống khác biệt giữa dân cư đô thị và nông thôn (Nguyễn Hữu Minh, 2000; Nguyễn Thanh Liêm và Nguyễn Hữu Minh, 2011). Sự phổ biến của gia đình hạt nhân, mối quan hệ dòng họ giảm đi, sự đa dạng của hoạt động kinh tế tạo thu nhập ngoài gia đình và học vấn cao hơn ở các vùng đô thị đã ảnh hưởng đến cách nghĩ của cư dân thành thị về gia đình nói chung, trong đó có việc chăm sóc người cao tuổi. Sự phát triển của các dịch vụ giúp việc gia đình tạo thuận lợi cho dân cư trong việc chăm sóc thành viên gia đình.

Nhiều người hiện sống xa cha mẹ, họ có thu nhập cao hơn và ít con hơn, vì thế việc có người giúp việc chăm sóc cha mẹ già cũng thuận lợi hơn đối với họ.

Vấn đề di cư cũng ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc người cao tuổi. Trong thập kỷ qua, di cư đã tăng lên nhanh chóng. Dân số di cư giữa các tỉnh tăng từ 2 triệu người năm 1999 đến 3,4 triệu người năm 2009 và 2,6 triệu người năm 2014 (Tổng cục Thống kê, 2015). Xu hướng nữ hóa di cư thể hiện rõ ràng. Phụ nữ chiếm hơn một nửa dân số di cư ở gần như các loại hình di cư và di cư nông thôn-đô thị. Phân tích cơ cấu tuổi của các dòng di cư qua 3 kỳ tổng điều tra dân số (1989-2009) và Điều tra di cư nội địa 2015 cũng cho thấy người di cư, đặc biệt là nữ, có xu hướng trẻ hơn. Điều đó hàm ý rằng khu vực nhận di cư có thêm nhiều lao động trẻ, trong khi đó khu vực gửi ngày càng phải đối mặt với hiện tượng già hóa dân số và những nhu cầu đặt ra của nhóm tuổi này (Tổng cục Thống kê, 2011b; TCTK và UNFPA, 2016). Điều này tạo ra những khó khăn cho hệ thống chăm sóc người cao tuổi và trẻ em vốn truyền thống được đáp ứng bởi phụ nữ.

Một chiều cạnh khác của di cư là xuất khẩu lao động quốc tế. Từ năm 1990 đến 2009 có khoảng 500.000 người đi lao động xuất khẩu ở hơn 40 nước và vùng lãnh thổ,

(7)

trong đó có 1/3 là lao động nữ (Cục Quản lý lao động ngoài nước - Dẫn theo Phan Lương Cừ, 2010). Trong 9 tháng đầu năm 2017 Chính phủ đã đưa gần 93 nghìn người đi lao động nước ngoài (Chính phủ Việt Nam, 2017). Điều đó tạo ra tình trạng phân ly của các gia đình. Những người có sức lao động của gia đình đều phải ra đi, nên ở nhiều làng, xã chỉ còn lại ông bà già và trẻ nhỏ.

Cùng với sự phát triển kinh tế, trình độ học vấn của dân cư không ngừng tăng lên.

Năm 2009, tỷ lệ biết chữ của nam giới là 96% và của phụ nữ là 92%, so với tỷ lệ tương ứng của năm 1989 là 93% và 84%. Nhìn chung bất bình đẳng giới về giáo dục cơ bản đã gần được triệt tiêu. Năm 2014, trong số dân số từ 5 tuổi trở lên có 24,5% hoàn thành trung học cơ sở và 25,4% hoàn thành trung học phổ thông trở lên. Số liệu tương ứng cho năm 2016 là 24,8% và 26,4%. Học vấn của dân cư đô thị cao hơn ở nông thôn (Ban chỉ đạo TĐTDS, 2010; Tổng cục Thống kê, 1991; 2015; 2017b). Học vấn tăng lên giúp cho dân cư nói chung có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với kiến thức chăm sóc sức khỏe, nhất là chăm sóc người cao tuổi.

Các cơ hội việc làm ngoài nông nghiệp cũng ngày càng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân trong tìm kiếm việc làm ngoài gia đình, nhất là đối với phụ nữ ở nông thôn. Nếu năm 2009 có 76,5% dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia vào lực lượng lao động, với 81,8% nam giới và 71,4% nữ giới, 80,6% đối với dân cư nông thôn và 67,1%

với dân cư đô thị thì bức tranh tham gia lao động năm 2014 là: 78% tổng dân số 15 tuổi trở lên; 82,6% với nam giới và 73,6% với phụ nữ; 81,7% với dân cư nông thôn và 70,5%

với dân cư đô thị (Tổng cục Thống kê, 2014). Sự tham gia ngày càng nhiều của phụ nữ vào lực lượng lao động có ảnh hưởng hai mặt đến vấn đề chăm sóc người cao tuổi. Một mặt, sự tham gia lao động có thu nhập sẽ giúp tăng nguồn tích lũy tài chính của gia đình và bản thân phụ nữ, từ đó có điều kiện vật chất tốt hơn chăm sóc người cao tuổi hiện nay cũng như bảo đảm an sinh cho họ khi về già mai sau. Từ khía cạnh khác, hệ thống chăm sóc gia đình ở Việt Nam truyền thống vốn dựa vào phụ nữ, trong bối cảnh mới, việc họ đi làm bên ngoài khiến cho hệ thống chăm sóc người cao tuổi gặp khó khăn vì chưa kịp thích ứng.

4. Một số vấn đề chính sách cần quan tâm

Việc chăm sóc người cao tuổi chịu tác động của nhiều yếu tố khác nhau. Theo Ochiai (2009), hoạt động chăm sóc của người cao tuổi có liên quan đến sự vận hành của 4 thiết chế (mô hình kim cương), đó là Nhà nước, Cộng đồng, Gia đình và họ hàng, và Thị trường. Tác động của yếu tố Nhà nước thể hiện qua những chính sách và luật pháp đối với việc chăm sóc người cao tuổi cũng như các phong trào và hoạt động cụ thể tổ chức đời sống người cao tuổi. Việc nâng cao mức sống và trình độ học vấn của người dân, đô thị hóa và mở rộng cơ hội việc làm ngoài phạm vi gia đình như là một phần kết quả hoạt động của nhà nước cũng có ảnh hưởng đáng kể đến cách thức và mức độ chăm sóc người cao tuổi. Từ góc độ xã hội và cộng đồng là các hoạt động do cộng đồng tổ chức, chẳng hạn việc tổ chức các câu lạc bộ, các nhóm vui chơi giải trí, các hình thức chăm sóc khác do cộng đồng và xã hội thực hiện. Về yếu tố thị trường có hai hình thức chăm sóc phổ biến đó là nuôi dưỡng tập trung người cao tuổi trong các nhà dưỡng lão và chăm sóc

(8)

người cao tuổi ở nhà. Hình thức chăm sóc cuối cùng chính là từ gia đình với các hoạt động chăm sóc vật chất và tinh thần.

Nhà nước

Về mặt nhà nước, trong thời kỳ Đổi mới (từ năm 1986), nhà nước đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến người cao tuổi nhằm giải quyết những thách thức của tình trạng dân số già, chẳng hạn nâng cao vai trò của gia đình trong việc chăm sóc người cao tuổi, phát huy vai trò của người cao tuổi, nâng cao sức khỏe và hạnh phúc của người cao tuổi và bảo đảm một môi trường thuận lợi cho người cao tuổi2. Gần đây nhất, Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025 do Bộ trưởng Bộ Y tế ký quyết định ban hành ngày 30/12/2016, đã đặt ra mục tiêu đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, với nhiều hoạt động thiết thực từ phía nhà nước, cộng đồng, gia đình và thị trường. Tuy nhiên, các chính sách hiện tại đối với người cao tuổi mới chỉ tập trung vào việc hỗ trợ cho một bộ phận nhỏ của người cao tuổi đặc biệt khó khăn, chẳng hạn những người cao tuổi cô đơn, nghèo, không nơi nương tựa hay những người không có nguồn thu nhập. Các chính sách đó vẫn chưa vươn tới được tất cả những người cao tuổi trong toàn quốc mà nhiều người trong số họ đang đối diện với các khó khăn do tuổi già và bất bình đẳng xã hội. Phần lớn người cao tuổi Việt Nam vẫn còn phải sống chủ yếu bằng lao động của chính họ hoặc dựa vào giúp đỡ của gia đình, họ hàng, con cháu.

Chính sách về bảo hiểm y tế cũng còn nhiều hạn chế. Theo kết quả của Điều tra Quốc gia về người cao tuổi 2011, người cao tuổi ở Việt Nam thiếu các cơ hội tiếp cận các dịch vụ sức khỏe. Tỷ lệ người cao tuổi sử dụng bảo hiểm y tế là thấp. 26,1% người cao tuổi không có hình thức bảo hiểm y tế nào; 51,1% người cao tuổi không thể tự chi trả cho các điều trị y tế. Tỷ lệ người cao tuổi khám bệnh được chi trả bởi bảo hiểm y tế chỉ có khoảng 15% (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và cộng sự, 2012).

Kết quả nghiên cứu của Điều tra Quốc gia về người cao tuổi 2011 cũng chỉ ra rằng, nhiều người cao tuổi không hề nắm được về quyền của họ. Hơn 50% những người cao tuổi được phỏng vấn chỉ biết về quyền được trợ cấp và các chương trình mừng thọ. Sự hiểu biết về các lợi ích khác như quyền được ưu tiên trong các dịch vụ y tế, giảm giá dịch vụ công, trợ giúp pháp lý, miễn thuế thu nhập, vay vốn với lãi suất thấp, v.v. còn rất hạn chế (Giang Thanh Long và Bùi Đại Thụ, 2012).

2 Chẳng hạn, Khoản 3, Điều 37, Hiến pháp năm 2013 của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ rõ: “Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (Quốc hội Việt Nam 2013, Khoản 3, Điều 37); Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 và 2014 (Quốc hội Việt Nam, 2000a và 2014) đã có những quy định cụ thể về việc chăm sóc người cao tuổi; Luật Hình sự 2009 (Quốc hội Việt Nam, 2009a) xác định tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình, và điều 152 xác định tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật;

Luật Người cao tuổi 2009 (Quốc hội Việt Nam, 2009b) đã xác định các biện pháp mà Nhà nước và xã hội cần làm để tạo ra những điều kiện thuận lợi cho người cao tuổi học tập, nghiên cứu và tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể dục và thể thao, giải trí, du lịch.v.v.

(9)

Cộng đồng

Quán triệt những quan điểm chỉ đạo của Đảng và chính sách của nhà nước, ở cấp độ cộng đồng đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động chăm sóc người cao tuổi. Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” với các tiêu chí như: Gia đình ấm no, hòa thuận, tiến bộ, khỏe mạnh và hạnh phúc, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá; xây dựng các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, câu lạc bộ người lớn mẫu mực, trẻ em chăm ngoan, câu lạc bộ phát triển kinh tế gia đình, câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ ba; nhiều hình thức vận động, tuyên truyền phong phú, thiết thực như phát động các phong trào “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “thắp sáng tình yêu thương trong mỗi gia đình”, “vì một mái ấm gia đình không có bạo lực”; v.v… được tổ chức rộng khắp ở các địa phương đã có đóng góp không nhỏ vào việc củng cố gia đình và chăm sóc người cao tuổi.

Các tổ chức ở cộng đồng như các nhóm hòa giải và Hội người cao tuổi cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc người cao tuổi. Các tổ chức cộng đồng này đã can thiệp kịp thời vào các xung đột gia đình để bảo vệ quyền của người cao tuổi cũng như giữ gìn sự thống nhất, đoàn kết trong mỗi gia đình. Đồng thời, các tổ chức cộng đồng cũng có nhiều sáng kiến để bảo vệ người cao tuổi tốt hơn. Bên cạnh những hình thức câu lạc bộ, các tổ chức này có những sáng kiến như hình thành những ngôi nhà cộng đồng cho người cao tuổi đến sinh hoạt giải trí trong ban ngày và họ có thể về nhà buổi tối.

Tuy nhiên, hiện nay sự can thiệp từ bên ngoài gia đình đối với vấn đề mâu thuẫn, xung đột và đặc biệt là bạo lực đối với người cao tuổi còn gặp nhiều trở ngại, nhất là từ nhận thức của chính cộng đồng. Dù họ hàng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể như tổ hòa giải, Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ có tìm cách khuyên giải con cái và giúp đỡ người cao tuổi nhưng trong một số trường hợp, khi con cái không làm theo, họ cũng không thể có cách nào giúp đỡ được nạn nhân vì họ vẫn có tâm lý e dè và coi đây là việc riêng của gia đình. Điều này có thể làm hạn chế khả năng can thiệp của xã hội nhằm trợ giúp các nạn nhân người cao tuổi.

Gia đình

Về mối quan hệ gia đình và họ hàng, các bằng chứng thực nghiệm xác nhận mối quan hệ chặt chẽ giữa người cao tuổi và con cháu họ trong các gia đình (Lê Ngọc Lân, 2017). Người cao tuổi tiếp tục giữ vai trò và địa vị quan trọng trong gia đình và gia đình cũng có vị trí đặc biệt quan trọng đối với người cao tuổi. Điều này được thể hiện trong sự hỗ trợ lẫn nhau giữa ông bà, cha mẹ và con cháu cả từ khía cạnh vật chất và tinh thần, sự giúp đỡ và chăm sóc khi người cao tuổi bị ốm, chia sẻ gánh nặng công việc nhà và chăm sóc các cháu. Trong giai đoạn hiện nay các gia đình đang cố gắng hoàn thành trách nhiệm của họ trong việc hỗ trợ và chăm sóc người cao tuổi và duy trì mối quan hệ hài hòa giữa người cao tuổi và con cháu họ. Điều đó cũng có nghĩa là một tỷ lệ đáng kể người cao tuổi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phụ thuộc vào con cháu khi họ không thể tiếp tục tự chăm sóc hoặc không thể tự trang trải các khoản chi phí của việc chăm sóc sức khỏe và dịch vụ y tế.

(10)

Tuy nhiên, bản thân cuộc sống của gia đình các con cháu cũng còn nhiều vất vả.

Theo số liệu Điều tra Gia đình Việt Nam (2006), có khoảng 1/3 số hộ có người cao tuổi là hộ nghèo, vì vậy việc chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ già trong hộ là thực sự khó khăn, trong điều kiện các chính sách hỗ trợ của nhà nước còn ít (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan khác, 2008). Ngoài ra, một bộ phận con cháu mới chỉ quan tâm đến đời sống vật chất của các cụ, còn cuộc sống tinh thần thì bỏ bê. Lý do chính là con cháu thiếu thời gian, không sẵn sàng lắng nghe và giữa hai bên thiếu sự quan tâm chung (Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, 2012).

Cũng cần nhấn mạnh là, trong bối cảnh của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhất là dưới sự tác động của toàn cầu hóa, hệ giá trị gia đình ở Việt Nam đang có sự biến đổi rất lớn. Bên cạnh những giá trị cổ truyền như “kính trên, nhường dưới”,

“trọng xỉ” (tôn trọng người cao tuổi), thì những giá trị mới như coi trọng “quyền tự do cá nhân”, “bình đẳng giới”, “quyền trẻ em” cũng ngày càng được khẳng định. Sự biến đổi này, trong một chừng mực nhất định, đã làm cho mối quan hệ ông bà-cha mẹ-con cháu không thuận chiều như trước đây và làm tăng những mâu thuẫn và xung đột thế hệ.

Điều tra Gia đình Việt Nam (2006) cho biết, có khoảng 1/10 số ý kiến từ các hộ gia đình có 3 thế hệ chung sống thừa nhận có sự không thống nhất trong các vấn đề về lề lối sinh hoạt, cách quản lý tiền và tiêu tiền, cách thức làm ăn và phát triển kinh tế gia đình, cũng như về phương pháp giáo dục con cháu (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan khác, 2008).

Trong thời gian tới, tỷ lệ của người cao tuổi sống với con cháu có thể giảm đi do sự thay đổi về việc làm, thay đổi về quan niệm và cách suy nghĩ của các thế hệ trẻ hơn và của chính thế hệ người cao tuổi trong việc sắp xếp cuộc sống của họ khi về già. Điều đó cũng có nghĩa là người cao tuổi có thể gặp phải nhiều khó khăn hơn trong việc tự cung cấp và chăm sóc sức khỏe riêng của họ, và vì thế cần thêm sự giúp đỡ và hỗ trợ từ phía chính quyền, cộng đồng và các tổ chức xã hội.

Chăm sóc người cao tuổi và tăng cường các giá trị trong mối quan hệ giữa người cao tuổi với con cháu trong các gia đình phụ thuộc phần lớn vào việc nâng cao nhận thức của các cá nhân (con cháu và người cao tuổi) về lòng hiếu thảo. Vì thế, việc duy trì và mở rộng các cơ hội giáo dục nhằm chỉ ra những thay đổi về mối quan hệ gia đình trong quá trình công nghiệp hóa, cũng như xác lập các mối quan hệ gia đình dân chủ, tiến bộ và hạnh phúc ngày càng trở nên cấp bách.

Thị trường

Từ cách tiếp cận thị trường, việc xây dựng các trung tâm chăm sóc người cao tuổi dành cho nhiều nhóm đối tượng là rất quan trọng. Sự phát triển của các loại hình dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng đang trở thành xu hướng, hình thức mới nhằm chia sẻ gánh nặng, trách nhiệm của nhà nước, gia đình. Các trung tâm tư nhân chăm sóc người cao tuổi xuất hiện từ gần 2 thập niên nay và phát triển với tốc độ nhanh trong thời gian gần đây nhờ mức sống tăng lên và nhu cầu ngày càng cao. Các trung tâm nuôi dưỡng này chủ yếu là tại các vùng đô thị và phục vụ chủ yếu đối tượng có mức sống khá. Ngoài việc

(11)

chăm sóc ăn uống, các cơ sở nuôi dưỡng người cao tuổi còn có nhiều hoạt động phong phú khác để phục vụ người cao tuổi như về chăm sóc y tế, đời sống tinh thần, phục hồi chức năng và trị liệu. Điểm mạnh chủ yếu của các trung tâm này là có một đội ngũ các nhân viên được đào tạo khá bài bản chăm sóc người cao tuổi. Tuy nhiên, hạn chế của các trung tâm chăm sóc người cao tuổi là chi phí dịch vụ tương đối cao đối với nhiều người.

Báo cáo từ một số trung tâm chăm sóc người cao tuổi ở Hà Nội (như Thiên Đức, Nhân Ái) cho biết chi phí chăm sóc người cao tuổi tại trung tâm với một số đối tượng có tiêu chuẩn cao dao động từ 10 triệu đến 15 triệu đồng/tháng, cao hơn rất nhiều so với thu nhập của những người có mức sống trung bình.

Ngoài ra, người giúp việc cũng có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc người cao tuổi. Có nhiều loại hình giúp việc chăm sóc người cao tuổi tại nhà, người giúp việc chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện, v.v. Những loại hình chăm sóc này có ưu điểm là chi phí thường thấp hơn so với chi phí dịch vụ tại trung tâm chăm sóc người cao tuổi. Tuy nhiên, nhược điểm của loại hình chăm sóc này là những người giúp việc thường không được đào tạo bài bản trong việc chăm sóc người cao tuổi (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các cơ quan khác, 2012).

5. Kết luận

Biến đổi kinh tế-xã hội trong mấy thập niên qua đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc người cao tuổi, đồng thời đặt ra những thách thức mới. Học vấn và mức sống được nâng cao và cơ hội việc làm được mở rộng hơn, những điều này cho phép các gia đình cung cấp chăm sóc tốt hơn. Công nghiệp hóa và đô thị hóa đã làm thay đổi nhận thức và hành vi chăm sóc, chẳng hạn, viết thư, email và gọi điện thoại thay vì thăm trực tiếp để thể hiện sự chăm sóc tình cảm. Các dòng di cư tìm kiếm việc làm ngày càng mạnh một mặt giúp nâng cao mức sống dân cư, từ đó tạo điều kiện cho việc chăm sóc về đời sống vật chất đầy đủ hơn. Nhưng ở mặt khác, điều đó cũng làm giảm đi các giao tiếp trực tiếp vốn là một phần của đời sống tình cảm. Xu hướng nữ hóa trong di cư làm cho một bộ phận đông đảo phụ nữ, vốn là người thường làm công việc chăm sóc, phải rời nhà đi tìm kiếm thu nhập, để lại người cao tuổi và trẻ em nơi quê nhà. Thay vì được chăm sóc, nhiều người cao tuổi lại trở thành người chịu trách nhiệm chính cho việc chăm sóc cháu.

Quy mô gia đình nhỏ hơn có thể tạo nên thuận lợi cho việc chăm sóc trẻ em nhưng lại gây khó khăn cho việc chăm sóc người cao tuổi. Xã hội Việt Nam đang trong quá trình già hóa dân số, nhu cầu về chăm sóc người cao tuổi tăng lên trong khi các dịch vụ xã hội về vấn đề này còn hạn chế và gia đình tiếp tục là thiết chế chính trong việc chăm sóc người cao tuổi.

Trong những năm gần đây, luật pháp và chính sách Nhà nước đã đề ra những giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm chăm sóc người cao tuổi. Tuy nhiên, kết quả thực hiện các chính sách chưa tạo ra được những thay đổi cơ bản về tính chất và hình thức chăm sóc ở Việt Nam. Cần thiết phải có những nghiên cứu sâu hơn về hệ thống bảo trợ xã hội và bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm y tế đối với người cao tuổi và khuyến khích các đơn vị sử dụng lao động tạo việc làm và môi trường làm việc phù hợp với năng lực và sức khỏe người cao tuổi. Trong khi đó, các thiết chế cộng đồng, gia đình và yếu tố thị trường đã đóng góp tích

(12)

cực vào hệ thống chăm sóc người cao tuổi, và vai trò của các thiết chế này ngày càng trở nên quan trọng. Điều đó đòi hỏi cần phải phát huy sự đóng góp của các thiết chế này nhiều hơn nữa.

Dưới tác động tổng hợp của các yếu tố văn hóa, kinh tế, xã hội và chính sách đã nêu ra ở trên, sẽ còn nhiều biến đổi trong hệ thống chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam trong thời gian tới. Một sự hiểu biết đầy đủ về bối cảnh kinh tế-xã hội-văn hóa và hệ thống chính sách đã nêu ở trên sẽ là cơ sở để phân tích sâu hơn khuôn mẫu chăm sóc người cao tuổi hiện nay.

Tài liệu tham khảo

Ban chỉ đạo TĐTDS (Ban chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Trung ương). 2000. Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 1999: Kết quả điều tra mẫu. Nxb Thống kê. Hà Nội.

Ban chỉ đạo TĐTDS (Ban chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Trung ương). 2010. Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2009: Những phát hiện chủ yếu. Nxb Thống kê. Hà Nội.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. 2006. Báo cáo việc thực hiện “Pháp lệnh Người cao tuổi” tại Kỳ họp Thứ 9, Quốc hội Khóa XI.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, ILO và Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới. 2012. Việc làm bền vững đối với lao động giúp việc gia đình tại Việt Nam. Hà Nội.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng cục Thống kê; Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới và UNICEF.

2008. Kết quả Điều tra Gia đình Việt Nam năm 2006. Hà Nội.

Bộ Y tế. 2016. Quyết định Số: 7618/QĐ-BYT về việc phê duyệt Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025 của Bộ trưởng Bộ Y tế, ngày 30/12/2016.

Bộ Y tế và Nhóm đối tác Y tế. 2016. Báo cáo chung tổng quan ngành y tế năm 2015 - Tăng cường y tế cơ sở hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Nxb Y học. Hà Nội, tháng 6.

Bộ Y tế và Nhóm đối tác Y tế. 2018. Báo cáo chung tổng quan ngành y tế năm 2016 - Hướng tới mục tiêu già hoá khoẻ mạnh ở Việt Nam. Nxb Y học. Hà Nội.

Chính phủ Việt Nam. 2011. Báo cáo của Thủ Tướng Chính phủ trước Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội năm 2011, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 và 5 năm 2011-2015.

Chính phủ Việt Nam. 2017. Báo cáo Chính phủ trước Quốc hội, ngày 22/10/2017.

Đảng Cộng sản Việt Nam. 2011. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11. Nxb Chính trị Quốc gia. Hà Nội.

Giang Thanh Long, Bùi Đại Thụ. 2012. Báo cáo trình bày tại lễ Công bố Báo cáo Điều tra Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam. Hà Nội.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Người cao tuổi, Viện Y - Xã hội học và Công ty tư vấn và nghiên cứu Đông Dương. 2012. Báo cáo Điều tra Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam 2011.

Le Ngoc Lan. 2017. Elderly People in Vietnamese Family in the Context of Ageing Population and Social Changes. Unpublished Ph. D. Dissertation. Graduate Academy of Social Sciences. Hanoi.

Nguyễn Hữu Minh (Chủ biên). 2014. Đời sống văn hóa của cư dân Hà Nội. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội.

Nguyễn Hữu Minh. 2000. Các yếu tố tác động đến khuôn mẫu tuổi kết hôn của dân cư Đồng bằng sông Hồng. Tạp chí Xã hội học, số 4(72): 21-32.

Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Hữu Minh. 2011. Di cư và Đô thị hóa: Thực trạng, xu hướng và những khác biệt (chuyên khảo Tổng Điều tra Dân số 2009). Tổng cục Thống kê, UNFPA. Xuất bản bằng hai thứ tiếng Việt-Anh.

(13)

Ochiai, Emiko. 2009. Care Diamonds and Welfare Regimes in East and South-East Asian Societies:

Bridging Family and Welfare Sociology. International Journal of Japanese Sociology, 18(1):

60-78.

Phạm Thắng, Đỗ Thị Khánh Hỷ. 2009. Chính sách chăm sóc người cao tuổi thích ứng với thay đổi cơ cấu tuổi tại Việt Nam. Trong Hội thảo "Thách thức về già hóa dân số ở Việt Nam". Hà Nội: Bộ Y tế và Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình.

Phan Lương Cừ. 2010. Luật về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và những vấn đề đặt ra trong việc thực hiện luật. Hội thảo tọa đàm chuyên gia, Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, 8/2010.

Quốc hội Việt Nam. 1992. Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quốc hội Việt Nam. 2000a. Luật Hôn nhân và Gia đình Quốc hội Việt Nam. 2000b. Pháp lệnh về người cao tuổi.

Quốc hội Việt Nam. 2009a. Luật Hình sự 2009.

Quốc hội Việt Nam. 2009b. Luật Người cao tuổi.

Tổng cục Thống kê. 1991. Phân tích kết quả điều tra mẫu: Tổng Điều tra Dân số năm 1989. Nxb Thống kê.

Hà Nội.

Tổng cục Thống kê. 2011a. Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam 2009: Cấu trúc tuổi - giới tính và tình trạng hôn nhân của dân số Việt Nam.Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam năm 2009. Hà Nội.

Tổng cục Thống kê. 2011b. Di cư và Đô thị hóa ở Việt Nam: Thực trạng, Xu hướng và Những khác biệt.

Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam năm 2009. Hà Nội.

Tổng cục Thống kê. 2012. Điều tra Biến động dân số và Kế hoạch hóa gia đình 1/4/2011: Các kết quả chủ yếu. Hà Nội.

Tổng cục Thống kê. 2014. Báo cáo Điều tra Lao động Việc làm, Quý 4 năm 2014.

Tổng cục Thống kê. 2015. Điều tra Dân số và Nhà ở giữa kỳ thời điểm 1/4/2014: Các kết quả chủ yếu.

Hà Nội.

Tổng cục Thống kê. 2016. Kết quả Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam 2014. Nxb Thống kê. Hà Nội.

Tổng cục Thống kê. 2017a. Báo cáo Kinh tế-xã hội của Tổng cục Thống kê 2017.

Tổng cục Thống kê. 2017b. Kết quả chủ yếu điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 1/4/2016. Nxb Thống kê. Hà Nội.

Tổng cục Thống kê và UNFPA. 2016. Điều tra di cư nội địa quốc gia 2015: các kết quả chủ yếu. Nxb Thông tấn. Hà Nội.

UNFPA. 2011. Già hoá dân số và người cao tuổi ở Việt Nam. Thực trạng, dự báo và một số khuyến nghị chính sách. Quỹ Dân số Liên hiệp quốc.

Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội. 2006. Báo cáo giám sát việc thực hiện các chính sách và luật về người cao tuổi (Ngày 31 tháng 5 năm 2006).

Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới. 2011. Số liệu Điều tra Nhận thức và Thái độ về gia đình của người dân Hà Nội. Tác giả tự tính toán.

Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới. 2012. Tổng quan về xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

Báo cáo đề tài cấp Bộ. Hà Nội.

Tài liệu tham khảo

Tài liệu liên quan

- Biết được những việc của trẻ em cần làm để thể hiện quan tâm, chăm sóc những người thân trong gia đình.. - Biết được vì sao mọi người trong gia đình cần quan

- Để xây dựng gia đình văn hóa, mỗi người cần thực hiện tốt bổn phận, trách nhiệm như: sống gương mẫu, giản dị, không ham những thú vui thiếu lành mạnh, không sa

Thứ tư, để nâng cao vai trò và vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, Chính phủ cả hai nước đã ban hành nhiều chính sách, cụ thể ở Nhật Bản đó là

- Năng lực điều chỉnh hành vi qua việc nhận biết được biểu hiện của sự quan tâm, chăm sóc người thân trong gia đình; thể hiện được sự quan tâm, chăm sóc người thân

được chăm sóc che chở và mọi người trong mọi người trong gia đình cần yêu thương chăm sóc lẫn nhau, gia đình cần yêu thương chăm sóc lẫn nhau,. em có quyền được sống chung với

Tích cực tuyên truyền, vận động gia đình và mọi ngƣời xung quanh thực hiện tốt Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình của

Tích cực tuyên truyền, vận động gia đình và mọi ngƣời xung quanh thực hiện tốt Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình của

Tích cực tuyên truyền, vận động gia đình và mọi ngƣời xung quanh thực hiện tốt Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình của