• Không có kết quả nào được tìm thấy

Các giải pháp quản lý bệnh không lây nhiễm, bao gồm tăng huyết áp

Chương 1: TỔNG QUAN TÀI LIỆU

1.3. Một số thuận lợi và khó khăn trong quản lý tăng huyết áp tại tuyến y tế

1.3.3. Các giải pháp quản lý bệnh không lây nhiễm, bao gồm tăng huyết áp

Để nâng mức ưu tiên, TCYTTG khuyến khích ba nhóm nhiệm vụ: (i) Xây dựng cơ sở bằng chứng và phổ biến thông tin về các chính sách hiệu quả nhằm can thiệp trong mối quan hệ giữa BKLN và phát triển kinh tế-xã hội bền vững; (ii) Thúc đẩy bao phủ CSSK toàn dân và việc lồng ghép phòng và điều trị BKLN trong quá trình thúc đẩy bao phủ CSSK toàn dân; và (iii) Thiết lập các quan hệ đối tác để thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan chính phủ, tổ

chức xã hội dân sự và khu vực tư nhân ở các cấp trong công tác phòng và điều trị BKLN.

- Tăng cường năng lực quản lý bệnh không lây nhiễm

Để tăng cường năng lực quốc gia, TCYTTG đề nghị một số lựa chọn chính sách: (i) Lồng ghép phòng và điều trị BKLN vào quá trình lập kế hoạch của ngành y tế và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện kế hoạch quốc gia phòng và điều trị BKLN kèm theo ngân sách thực hiện dựa trên đánh giá nhu cầu và đánh giá tác động thực hiện các can thiệp; (ii) Huy động nguồn lực ổn định và sử dụng hiệu quả, kết hợp với việc nâng cao trách nhiệm giải trình thông qua giám sát và đánh giá tác động; và (iii) Tăng cường các chương trình phòng và điều trị BKLN quốc gia kết hợp với củng cố năng lực thể chế và nhân lực. Phát huy việc hợp tác giữa các nhóm đối tác trong thực hiện hoạt động phòng và điều trị BKLN và huy động cộng đồng, người dân để ứng phó với BKLN.

- Giám sát bệnh không lây nhiễm

Đại Hội đồng TCYTTG đã thông qua khung giám sát BKLN gồm 25 chỉ số và 9 mục tiêu. Các chỉ số được lựa chọn dựa trên đánh giá tính hiệu quả của từng can thiệp. Các mục tiêu được coi là tự nguyện và nhiều chỉ số cho phép định nghĩa linh hoạt theo hoàn cảnh và điều kiện của từng quốc gia. Đến năm 2016, 2021 và 2026 các nước thành viên sẽ báo cáo về tiến độ thực hiện 9 mục tiêu liên quan đến BKLN theo khung giám sát này, gồm:

(i) Giảm so với hiện tại 25% tử vong chung do các bệnh tim mạch, ung thư, ĐTĐ, và COPDs.

(ii) Giảm so với hiện tại ít nhất 10% việc lạm dụng rượu, tùy thuộc bối cảnh quốc gia.

(iii) Giảm so với hiện tại 10% tỷ lệ thiếu vận động thể lực.

(iv) Giảm so với hiện tại 30% mức tiêu thụ muối trung bình quần thể.

(v) Giảm so với hiện tại 30% tỷ lệ hút thuốc lá ở người từ 15 tuổi trở lên.

(vi) Giảm so với hiện tại 25% tình trạng THA hoặc kiềm chế sự gia tăng THA tùy theo hoàn cảnh quốc gia.

(vii) Kiềm chế sự gia tăng bệnh ĐTĐ và béo phì.

(viii) Đáp ứng nhu cầu cho ít nhất 50% số người cần thuốc và tư vấn (bao gồm cả kiểm soát đường huyết) để phòng ngừa nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

(ix) Đáp ứng 80% công nghệ cơ bản và thuốc thiết yếu có giá chấp nhận được, bao gồm thuốc gốc, cho điều trị BKLN chủ yếu tại các cơ sở y tế công và tư.

- Kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được

Nhằm kiểm soát các YTNC, Đại hội đồng TCYTTG đã tán thành Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá, Chiến lược toàn cầu về chế độ ăn uống, hoạt động thể lực và sức khỏe, Chiến lược toàn cầu về kiểm soát tác hại của rượu, Bộ khuyến cáo về quảng bá các thực phẩm và đồ uống không cồn cho trẻ em, và Tuyên bố Moskva về lối sống lành mạnh và kiểm soát BKLN. Các văn bản mang tính chiến lược đó đề xuất nhiều giải pháp cụ thể và chi tiết để kiểm soát các YTNC liên quan đến hành vi, cũng như các yếu tố kinh tế-xã hội liên quan và TCYTTG khuyến khích thực hiện đầy đủ các nội dung.

Phần lớn các chính sách, chiến lược của các quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á hiện nay đều tập trung vào các YTNC có thể phòng ngừa được.

- Củng cố hệ thống y tế

TCYTTG đã xây dựng danh mục lựa chọn chính sách liên quan đến củng cố và định hướng hệ thống y tế để ứng phó với BKLN thông qua CSSKBĐ và CSSK toàn dân. Kế hoạch hành động toàn cầu có năm nhóm khuyến nghị liên quan đến lãnh đạo, cung cấp tài chính, chất lượng dịch vụ, năng lực của nguồn nhân lực, và khả năng tiếp cận của người dân [32].

Đối với việc nâng cao hiệu suất, công bằng, bao phủ và chất lượng dịch vụ phòng và điều trị BKLN và các YTNC, có bảy lựa chọn được đề xuất:

(i) Củng cố và tổ chức các dịch vụ gần người dân trong mạng lưới CSSKBĐ được lồng ghép với các cơ sở y tế tuyến trên, bao gồm cả điều trị chuyên khoa, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ;

(ii) Tạo điều kiện cung cấp dịch vụ một cách công bằng cho người mắc BKLN của các cơ sở cung cấp dịch vụ, kể cả khu vực công lập và tư nhân;

(iii) Tăng cường hiệu suất cung cấp dịch vụ và đưa ra các mục tiêu quốc gia phù hợp với mục tiêu toàn cầu để mở rộng bao phủ các can thiệp hiệu quả-chi phí có tác động mạnh để ứng phó với BKLN, liên kết dịch vụ phòng và điều trị BKLN với dịch vụ y tế khác;

(iv) Đáp ứng nhu cầu chăm sóc lâu dài của người mắc BKLN kèm theo khuyết tật và bệnh kèm theo thông qua mô hình chăm sóc hiệu quả, sáng tạo, lồng ghép giữa các đơn vị trong hệ thống y tế và cộng đồng;

(v) Thiết lập hệ thống quản lý chất lượng, đặc biệt đối với CSSKBĐ, bao gồm hướng dẫn điều trị dựa trên bằng chứng, và các công cụ hỗ trợ quản lý BKLN và YTNC;

(vi) Vận động và tạo điều kiện cho người dân khám sớm để phát hiện bệnh và tự quản lý bệnh hiệu quả;

(vii) Rà soát lại các chương trình sức khỏe hiện có tìm cơ hội lồng ghép với chương trình phòng và điều trị BKLN.

Để mở rộng khả năng tiếp cận với các can thiệp nhằm phòng và điều trị BKLN, gói dịch vụ thiết yếu phòng và điều trị BKLN cũng được khuyến nghị bao gồm 9 thành phần:

- Thứ nhất, mở rộng bao phủ khám sàng lọc và điều trị, đồng thời ưu tiên các can thiệp hiệu quả-chi phí cao để ứng phó với các YTNC liên quan đến hành vi.

- Thứ hai, cung ứng dịch vụ tư vấn và giáo dục cho người bệnh, trong đó có nội dung về cai nghiện thuốc lá và giảm sử dụng rượu, bia ở mức có hại.

- Thứ ba, đánh giá, quản lý và xử lý các YTNC gắn liền với các cách tiếp cận tại hộ gia đình và cộng đồng nhằm thay đổi lối sống.

- Thứ tư, chuyển tuyến điều trị những người có nguy cơ cao bị BKLN hoặc tai biến.

- Thứ năm, phòng ung thư gan thông qua tiêm phòng viêm gan B trong hệ thống tiêm chủng mở rộng.

- Thứ sáu, phòng ung thư cổ tử cung thông qua các biện pháp khám sàng lọc hiệu quả-chi phí, ví dụ như VIA hoặc PAP smear, gắn với điều trị các vết loét tiền ung thư.

- Thứ bảy, phòng ngừa thứ cấp sốt thấp khớp và bệnh thấp tim.

- Thứ tám, điều trị đa thuốc, bao gồm kiểm soát đường huyết đối với bệnh nhân ĐTĐ, và các thuốc điều trị người bệnh đã bị nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não hoặc có nguy cơ cao.

- Cuối cùng là cấp thuốc aspirin cho người đang bị nhồi máu cơ tim hoặc để phòng ngừa tái phát nhồi máu cơ tim.