• Không có kết quả nào được tìm thấy

Kết quả bổ sung trang thiết bị y tế, thuốc điều trị, hồ sơ quản lý tăng

Chương 4: BÀN LUẬN

4.1. Hiệu quả can thiệp năng cao năng lực trung tâm y tế huyện và trạm y tế

4.1.2. Kết quả bổ sung trang thiết bị y tế, thuốc điều trị, hồ sơ quản lý tăng

Ngoài yếu tố về nhân lực y tế, những yếu tố về trang thiết bị, thuốc và hệ thống hồ sơ, bệnh án theo dõi bệnh nhân THA đóng vai trò rất quan trọng trong can thiệp quản lý THA. Một số nghiên cứu trên thế giới gần đây cho thấy việc cung cấp thêm các trang thiết bị, thuốc thiết yếu đã tác động tốt đến việc quản lý THA cũng như tăng tính tiếp cận của họ đối với các dịch vụ điều trị và dự phòng các biến chứng của bệnh. Sự sẵn có của các trang thiết bị y tế, thuốc, tài liệu truyền thông và sổ sách quản lý bệnh nhân THA tại cộng đồng giúp cho các cán bộ y tế có khả năng chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh nhân THA tại cộng đồng tốt hơn. Mặt khác, còn làm tăng tính tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế gần nhất cho bệnh nhân THA tại cộng đồng [78]. Tổ chức Y tế Thế giới (2007) đã có báo cáo năm về hoạt động của hệ thống y tế, trong đó nhấn mạnh rằng để đảm bảo cho cơ sở y tế hoạt động tốt thì cần đầu tư đồng bộ cả con người (số lượng, cơ cấu, chất lượng và công tác đào tạo), hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các loại thuốc, sinh phẩm đầy đủ [79]..

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tại các TYT xã nhóm can thiệp, 15 loại trang thiết bị y tế cần thiết được sử dụng để chẩn đoán, điều trị và theo dõi THA trước can thiệp chỉ có 4 TYT xã (40%) có đủ, nhưng sau can thiệp tất cả 9 TYT xã (90%) đã được trang bị đủ và sử dụng thường xuyên cho công tác quản lý THA tại xã. Về thuốc, các loại thuốc cần thiết được sử dụng để điều trị bệnh THA (nhóm chẹn kênh can xi: nifedipin, amlodipin;

nhóm ức chế men chuyển: perindopril, captopril, enalapril; nhóm đối kháng

thụ thể: losartan; nhóm lợi tiểu: hydroclothiazid/furosemid; thuốc chống đông máu aspirin) trước can thiệp chỉ có 5 TYT xã (57%) có đủ số lượng và chủng loại thuốc, nhưng sau can thiệp tất cả 10 TYT xã (100%) đã có đủ số lượng và chủng loại thuốc. Về tài liệu truyền thông, trước can thiệp chỉ có 3 TYT xã (30%) sẵn có một số loại tài liệu truyền thông về phòng, chống THA như tờ rơi, băng rôn, đĩa cho công tác phát thanh trên loa, pa nô treo ở TYT và một số nơi công cộng, nhưng sau can thiệp tất cả 10 TYT xã (100%) đã sẵn có các tài liệu truyền thông này. Tại các TYT xã nhóm can thiệp, các loại sổ sách đăng ký bệnh nhân, cấp phát thuốc, theo dõi huyết áp được sử dụng thường xuyên. Việc bổ sung khá đầy đủ các trang thiết bị, thuốc điều trị, tài liệu truyền thông và sổ sách quản lý THA cộng với công tác đào tạo cán bộ y tế đã góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý THA tại cộng đồng. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi khá phù hợp với một số nghiên cứu trong và ngoài nước dưới đây cả về hình thức, nội dung và hiệu quả can thiệp.

Một nghiên cứu tổng quan Meta trên 86 công trình khoa học nghiên cứu trên thế giới năm 2013 đã cho thấy vai trò của hệ thống y tế đến hiểu biết, chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh nhân THA tại cộng đồng do Maimaris và cộng sự tiến hành [80]. Đại đa số các nghiên cứu được tổng quan đều là tập trung vào đánh giá hiệu quả can thiệp phòng và chống bệnh THA ở các quốc gia khác nhau. Các hoạt động cũng tập trung vào 2 khu vực cơ sở y tế và người dân ở cộng đồng với những hoạt động sau: (1) đào tạo cho cán bộ y tế về quản lý THA; (2) cung cấp và bổ sung những thiết bị và thuốc cần thiết cho quản lý THA; (3) tăng cường công tác giám sát; (4) triển khai các hình thức truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng và cả tư vấn trực tiếp cho bệnh nhân tại cơ sở y tế. Các tác giả đã đi đến kết luận rằng dù ở các quốc gia khác nhau, có cấu trúc hệ thống y tế khác nhau nhưng can thiệp đầu tư cho cán bộ y tế, trang thiết bị, thuốc và hệ thống sổ sách-phương tiện quản lý bệnh

nhân THA thì hiệu quả điều trị đạt và duy trì huyết áp mục tiêu là rất khả quan. Mức độ giảm huyết áp tối đa dao động trung bình là 26,5 mmHg (15,5-45,5 mm Hg) và tối thiểu trung bình là 17,2 mmHg (7,1-27,3 mmHg) [80].

Các tác giả cũng khẳng định công tác đào tạo kết hợp với giám sát thường xuyên đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao kiến thức và thực hành của cán bộ y tế trong quản lý THA.

Samb và cộng sự (2010) đã tiến hành nghiên cứu thử nghiệm và đưa ra kết luận về vai trò của công tác củng cố hệ thống y tế trong việc quản lý các bệnh mạn tính, trong đó có THA. Công tác củng cố hệ thống y tế tại các quốc gia đang phát triển như là một liều thuốc thử cho hoạt động quản lý các bệnh này. Nghĩa là, khi cung cấp đầy đủ thuốc, trang thiết bị, nâng cao kỹ năng của cán bộ y tế, tăng cường công tác giám sát các bệnh mạn tính thì số lượng và chất lượng quản lý các bệnh mạn tính sẽ tăng cao [78].

Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã có những khuyến cáo và đề ra những biện pháp rất cụ thể về việc nâng cao năng lực cho các cơ sở y tế trong việc quản lý THA [79]. Một nghiên cứu thử nghiệm tại các cơ sở y tế khác do Stewart và cộng sự (2012) cũng đã thông báo về hiệu quả của hệ thống cơ sở y tế chăm sóc bệnh nhân THA. Các tác giả cho biết sự sẵn có của trang thiết bị cần thiết, thuốc điều trị và chất lượng cán bộ y tế có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì huyết áp mục tiêu, quản lý bệnh nhân THA và cả cấp cứu bệnh nhân khi có THA đột ngột [81]. Các tác giả cũng thông báo lượng bệnh nhân THA được quản lý tăng lên sau can thiệp; nhiều bệnh nhân THA đã được tư vấn trực tiếp và đăng ký được quản lý THA tại cơ sở y tế.

Một nghiên cứu can thiệp về phòng chống bệnh THA khác tại cộng đồng ở Trung Quốc gần đây (2014) về quản lý THA và tiểu đường trên 9.543 người bệnh cũng áp dụng các biện pháp can thiệp tương tự như nghiên cứu của chúng tôi [82]. Về phía cơ sở y tế, các can thiệp cũng là đào tạo cán bộ, tăng cường

công tác giám sát, bổ sung các trang thiết bị y tế, thuốc và tài liệu truyền thông;

về phía cộng đồng cũng triển khai các hoạt động truyền thông phòng chống THA tại cộng đồng. Kết quả nghiên cứu cho thấy sau can thiệp kỹ năng của cán bộ y tế về bệnh THA được nâng cao, số lượng bệnh nhân THA được quản lý tăng thêm 8,2% và tỷ lệ bệnh nhân đạt huyết áp mục tiêu tăng thêm 25% so với trước can thiệp.

Lu và cộng sự (2012) đã thực hiện một tổng quan trên 94 nghiên cứu về can thiệp phòng chống THA tại cộng đồng với các can thiệp: truyền thông giáo dục sức khoẻ, tăng cường giám sát, đào tạo cán bộ và tăng cường năng lực của cơ sở y tế [83]. Kết quả nghiên cứu cho thấy gần như tất cả các đối tượng nghiên cứu ở nhóm can thiệp sau can thiệp đều có kết quả tốt trong công tác phòng chống bệnh THA. Kết quả cuối cùng HATT của bệnh nhân giảm được 13,7 mmHg (95% CI: 11,53-15,93) và HATTr giảm được 7,3 mmHg (95% CI: 5,79-8,90). Không chỉ có vậy, tác giả còn tính hiệu quả của từng biện pháp can thiệp riêng biệt. Kết quả cho thấy hiệu quả riêng biệt của từng biện pháp can thiệp dao động từ 89,8% đến 99% và không khác biệt về ý nghĩa thống kê cho hiệu quả của từng hoạt động can thiệp [83].

4.2. Hiệu quả nâng cao kiến thức, thái độ và thực hành về quản lý tăng