• Không có kết quả nào được tìm thấy

Chương 4: BÀN LUẬN

4.3. Một số yếu tố ảnh hưởng đến kết quả can thiệp quản lý tăng huyết áp

4.3.1. Nhân lực y tế

Tại Việt Nam, nhân lực tuyến YTCS hiện nay ở một số địa phương đang thiếu về số lượng, đồng thời yếu về chất lượng. Theo báo cáo của Bộ Y tế, trung bình mỗi TYT có khoảng 5-7 cán bộ y tế chịu trách nhiệm chăm sóc cho khoảng 5.000-10.000 dân, trong đó mới có khoảng 80% các TYT có bác sỹ và phần lớn các bác sỹ là các bác sỹ được đào tạo theo hình thức liên thông [104]. Nhiều cán bộ y tế chưa được thường xuyên đào tạo lại và cập nhật kiến thức chuyên môn về lĩnh vực mình đang được phân công nhiệm vụ. Đây là điểm yếu của tất cả các TYT trong toàn quốc chứ không chỉ riêng cho huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy yếu tố ảnh hưởng đầu tiên đến việc cung cấp dịch vụ và quản lý THA tại TTYT huyện Hạ Hoà và các TYT xã đó là thiếu nhân lực y tế có trình độ và kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Mỗi TYT xã chỉ có một bác sỹ là người có trách nhiệm và quyết định trong việc chẩn đoán, kê đơn điều trị bệnh nhân THA, nhưng họ có quá nhiều công việc phải làm ở TYT xã. Thêm vào đó, tỷ lệ các bác sỹ tại TYT xã được đào tạo về quản lý, điều trị THA tại cộng đồng chưa nhiều và chưa được thường xuyên. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với một số kết quả nghiên cứu tại Việt Nam trong công tác dự phòng, điều trị và quản lý THA tại cộng đồng ở Trà Vinh, Nam Định và Hưng Yên [14], [89], [105].

Trong thời gian gần đây, ngành y tế đã có những cố gắng nhiều trong công tác đào tạo lại/đào tạo liên tục cũng như tăng cường các bác sỹ xuống YTCS nhưng do những khó khăn nhất định nên kết quả vẫn còn hạn chế.

Một số nghiên cứu trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển như châu Phi và Trung Quốc cũng cho kết quả tương tự [26], [80], [83].

Thiếu nhân lực và yếu về trình độ chuyên môn tại các cơ sở y tế không chỉ ở Việt Nam mà còn ở những quốc gia đang phát triển [25]. Điều này ảnh hưởng không chỉ đến công việc hàng ngày của họ mà còn ảnh hưởng đến những chương trình can thiệp, trong đó có chương trình quản lý THA.

Một yếu tố nữa cũng ảnh hưởng đến hoạt động can thiệp phòng chống THA tại xã, đó là công tác giám sát, chỉ đạo về chuyên môn của cán bộ y tế tuyến huyện và tuyến tỉnh cho y tế xã. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy thông thường thì việc hướng dẫn chuyên môn và giám sát hoạt động quản lý THA tại các xã là 1 tháng/lần. Tuy nhiên, do bận nhiều công việc khác, các cán bộ y tế huyện không thực hiện được các công việc này thường xuyên. Chất lượng của hoạt động giám sát và chỉ đạo chuyên môn vẫn còn một số điểm hạn chế. Hạn chế này thuộc cả về 2 phía cán bộ TYT xã và cả cán bộ giám sát từ tuyến huyện/tỉnh. Những hạn chế này cũng đã được một số nghiên cứu can thiệp trên thế giới và Việt Nam chỉ ra [27], [30], [32], [80].

Các tác giả trên đều thống nhất rằng giám sát và theo dõi là những yếu tố quan trọng trong quản lý THA cũng như quản lý các bệnh không lây nhiễm khác. Một trong những hạn chế khá lớn tại TYT xã là việc sử dụng phần mềm quản lý bệnh nhân THA trên máy tính. Hạn chế chủ yếu đó là cán bộ y tế được giao trách nhiệm không đủ kiến thức, kỹ năng để khai thác phần mềm quản lý bệnh nhân THA tại xã. Kết quả quan sát của chúng tôi cho thấy chỉ có khoảng 2/3 TYT xã là có khả năng sử dụng thành thạo phần mềm này. Thách thức này cần thiết phải được giải quyết sớm thông qua các hoạt giám sát,

“cầm tay chỉ việc” của cán bộ y tế tuyến trên tại TYT xã.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu định tính của chúng tôi cũng đặt ra một số câu hỏi liên quan đến nhân lực tuyến YTCS, đó là: Quá trình tự học và học

tập suốt đời của cán bộ YTCS còn hạn chế? Nguyên nhân của hạn chế này là do họ chưa đủ khả năng tự học, hay thiếu động lực, hay cả hai? Trước một vấn đề sức khoẻ cộng đồng cần quan tâm, hay cụ thể hơn là cập nhật chẩn đoán, điều trị bệnh THA chẳng hạn, mặc dù đã có những tài liệu hướng dẫn rất đầy đủ do Bộ Y tế ban hành, nhưng để triển khai tới TYT xã cán bộ YTCS vẫn phải được tập huấn, phải được “cầm tay chỉ việc”? Nhiều năm trước đây, khi mạng lưới YTCS của Việt Nam mới hình thành, nguồn nhân lực không chính quy vừa thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, đồng thời các phương tiện và cách thức truyền tải thông tin, kiến thức còn rất hạn chế. Trong bối cảnh như vậy, để triển khai các chương trình can thiệp lên sức khoẻ cộng đồng (tiêm chủng mở rộng; phòng chống sốt rét, lao, phong, sốt xuất huyết, ARI, tiêu chảy, HIV....), bắt buộc phải có hoạt động tập huấn, “cầm tay chỉ việc” cho YTCS. Điều này đã trở thành thói quen cố hữu, tạo ra lối mòn khó thay đổi trong hệ thống y tế của chúng ta cho tới tận bây giờ. Hiện nay, cán bộ TYT xã đã chính thức là viên chức sự nghiệp, cán bộ hệ cao đẳng và trung cấp y/dược được đào tạo bài bản và chính quy, các bác sỹ đa khoa hầu hết được đào tạo chính quy liên thông - họ hoàn toàn có khả năng tự học, tự cập nhật kiến thức chuyên môn ở những mức độ khác nhau. Cùng với đó, 100%

TYT xã được kết nối internet để liên thông dữ liệu khám chữa bệnh với tuyến trên và BHYT, tỷ lệ cán bộ YTCS sử dụng điện thoại thông minh có kết nối 4G khá cao. Như vậy, luôn sẵn có tài nguyên rất đa dạng và phong phú về y học nói chung và về BKLN nói riêng, dễ truy cập và hầu như miễn phí trên internet. Vậy có thể thay đổi thói quen và lối mòn nêu trên hay không? Ngoài thói quen và lối mòn đó, phải chăng cán bộ YTCS còn thiếu động lực tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ, năng lực? Nguyên nhân thiếu động lực do đâu? Có phải do vấn đề về cơ chế tài chính/thu nhập, hay cơ chế quản lý lao động, hay môi trường công tác...làm cho họ thiếu vắng động lực?

Nhưng câu hỏi trên đây cũng chính là những khoảng trống cho các nghiên cứu trong tương lai.