• Không có kết quả nào được tìm thấy

CHƯƠNG 4: GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN THẨM ĐỊNH NĂNG LỰC TÀI CHÍNH

4.2. GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN THẨM ĐỊNH NĂNG LỰC TÀI CHÍNH DOANH

4.2.5. Hoàn thiện phương pháp thẩm định

Những tồn tại trong phân tích, đánh giá KH một phần là do cơ chế quản lý giám sát của ngân hàng trong công tác này còn nhiều hạn chế. Tại một số chi nhánh của MB hiện nay chưa có phòng kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động kinh doanh cũng như công tác thẩm định doanh nghiệp của chi nhánh. Công việc này chỉ do trưởng, phó phòng ban chi nhánh đảm nhiệm. Tuy nhiên, do số lượng này còn mỏng trong khi hoạt động tín dụng ngày càng mở rộng đòi hỏi công tác kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động đánh giá KH doanh nghiệp ngày càng cao. Để khắc phục tình trạng này, MB nên thành lập ở các chi nhánh một bộ phận chuyên kiểm soát mọi hoạt động kinh doanh nói chung và công tác phân tích, đánh giá, thẩm định KH trong hoạt động tín dụng nói riêng.

Định kỳ bộ phận kiểm tra yêu cầu CVTĐ cung cấp những thông tin mới về KH, khoản vay, đồng thời kiểm tra hồ sơ tín dụng và các điều khoản liên quan. Qua đó, bộ phận kiểm tra sẽ đánh giá được việc tuân thủ quy trình tín dụng, chính sách tín dụng, cơ cấu cho vay, tình trạng dư nợ có phù hợp với mục đích phát triển mà ngân hàng đề ra hay không. Nếu phát hiện ra sai sót trong quá trình hoạt động như cho vay quá hạn mức, tài sản đảm bảo không đạt yêu cầu cần trình cấp trên để đưa ra hướng giải quyết kịp thời.

Đồng thời tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên trên toàn bộ các chi nhánh, phòng giao dịch và các đơn vị khác trong hệ thống MB để đảm bảo tính hiệu quả và thống nhất.

Ngoài ra, hàng năm tại các chi nhánh của MB nên tổ chức các buổi tổng kết việc thực hiện công tác phân tích, thẩm định NLTC doanh nghiệp. Từ những buổi tổng kết này, MB sẽ thấy được những thành tựu, chỉ ra những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện, từ đó rút ra những kinh nghiệm, có biện pháp tiếp tục phát huy những điểm mạnh, khắc phục những nhược điểm còn tồn tại. Dựa trên cơ sở đó, MB sẽ xây dựng và hoàn thiện chương trình hoạt động, đề ra các mục tiêu cần hoàn thành trong năm tới cũng như những định hướng lớn cho công tác thẩm định KH trong tương lai.

Hoàn thiện phương pháp thẩm định NLTC DNNVV vay vốn tại MB được thực hiện theo 2 hướng:

- Hoàn thiện các phương pháp đang sử dụng - Bổ sung phương pháp phân tích mới

4.2.5.1. Hoàn thiện các phương pháp đang được sử dụng

Trong hệ thống MB, phương pháp thẩm định mà CVTĐ sử dụng để phân tích chủ yếu là phương pháp truyền thống như: phương pháp so sánh, phương pháp tỷ số, phương pháp phân tích xu hướng, phương pháp phân tích cơ cấu và kết hợp các phương pháp này.

Tuy nhiên, trong phương pháp so sánh, cán bộ chỉ so sánh giữa kỳ báo cáo với bản thân doanh nghiệp; do vậy cần bổ sung việc so sánh với các doanh nghiệp khác có điều kiện hoạt động tương tự trong cùng lĩnh vực. Việc so sánh này có thể thực hiện ngay với các doanh nghiệp cùng ngành đang có quan hệ với hệ thống ngân hàng Quân đội. Qua đó sẽ xác định được lợi thế hay bất lợi của doanh nghiệp để có kết quả phân tích và dự đoán chính xác.

Ngoài ra, cũng cần thực hiện so sánh tình hình thực hiện với kế hoạch đề ra của doanh nghiệp, qua đó có thể xem xét mức độ hoàn thành kế hoạch đặt ra, đánh giá được tính chính xác trong việc lập và thực hiện kế hoạch của doanh nghiệp.

Ngân hàng thẩm định một cách độc lập và có những nguồn thông tin riêng nhưng với một số tiêu chí, nhất là những tiêu chí kế hoạch vẫn phải dựa trên nguồn số liệu mà KH cung cấp. Nếu việc lập và thực hiện kế hoạch của doanh nghiệp trong quá khứ có độ chuẩn xác cao thì sẽ có cơ sở tin cậy hơn đối với những số liệu kế hoạch của KH khi ra quyết định tài trợ vốn.

Việc phân tích và đánh giá NLTC còn được thực hiện qua việc tính toán các tiêu chí tài chính cơ bản. Sau đó, cán bộ phân tích sẽ thể hiện các số liệu đó trên các bảng số liệu. Tuy nhiên đôi khi việc nắm bắt thông tin qua các biểu số liệu gặp một số trở ngại nhất định. Thể hiện các số liệu tính toán được thông qua hệ thống đồ thị, biểu đồ sẽ là một cách ghi nhận thông tin một cách nhanh nhất và dễ nhớ nhất.

Xuất phát từ điều đó, có thể thấy trong thẩm định NLTC DNNVV vay vốn, cán bộ thẩm định nên sử dụng biểu diễn thông qua các đồ thị. Phương pháp này

cung cấp cho các đối tượng sử dụng kết quả phân tích một cái nhìn trực quan, rõ ràng, mạch lạc về sự biến đổi của các tiêu chí phân tích.

Khi phân tích các yếu tố phi tài chính, lịch sử quan hệ tín dụng của KH và ngân hàng cũng là một tiêu chí rất quan trọng để chấm điểm tín dụng và phân loại KH. Ngân hàng nên xem xét nhóm tiêu chí là tình hình phát sinh nợ quá hạn, số lần KH xin gia hạn nợ hoặc điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, số lần chậm trả lãi vay, mức độ hoạt động của tài khoản tiền gửi…

4.2.5.2. Bổ sung phương pháp phân tích mới

Ngoài việc sử dụng các biện pháp truyền thống với lợi thế là dễ hiểu, dễ sử dụng, MB nên áp dụng các phương pháp phân tích mới, khoa học đã được sử dụng rộng rãi tại các nước phát triển.

a. Phương pháp phân tích Dupont: là phương pháp phù hợp vì nó cho phép phân tích một tiêu chí tài chính tổng hợp thành một hàm số của các tiêu chí tài chính khác có liên quan để thực hiện việc phân tích tách đoạn. Đây là một phương pháp rất khoa học. Đặc biệt, trong điều kiện cạnh tranh gay gắt như hiện nay, thẩm định NLTC DNNVV vay vốn không chỉ giúp lãnh đạo ngân hàng đưa ra những quyết định tín dụng phù hợp mà ngân hàng còn có vai trò tư vấn giúp doanh nghiệp nhìn nhận thực trạng tình hình tài chính của mình để có biện pháp khắc phục những tồn tại và có định hướng phát triển đúng đắn với mục tiêu cuối cùng là hai bên hợp tác cùng phát triển. Do vậy, phương pháp Dupont với ưu điểm là tính khoa học và phân tích được rõ nguyên nhân, bản chất của sự biến động cùng mối liên hệ giữa các nguyên nhân đó lại càng cần thiết được áp dụng.

b. Phương pháp phân tích SWOT: đây là phương pháp được sử dụng để đánh giá điểm mạnh (S), điểm yếu (W), cơ hội (O), và thách thức (T) của doanh nghiệp vay vốn trên các khía cạnh chủ yếu. Phương pháp này nhanh chóng giúp cán bộ phân tích xác định được vị thế và sức mạnh của doanh nghiệp trên thị trường được đặt trong mối tương quan với doanh nghiệp khác đang hoạt động trong cùng ngành nghề và trên một địa bàn cụ thể.

c. Phương pháp tổng hợp:

Các doanh nghiệp vay vốn hiện nay thường hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, thị trường đầu vào, đầu ra rất phức tạp, tình hình cạnh tranh khốc liệt, các DNNVV với tiềm lực về tài chính, quản trị, kinh nghiệm không lớn khó đối phó được với rủi ro và phần lớn BCTC của họ chưa được kiểm toán nên việc áp dụng riêng rẽ một phương pháp phân tích, thẩm định tài chính nào cũng có hạn chế nhất định. Vì vậy, việc sử dụng tổng hợp các phương pháp nêu trên là cách được đánh giá cao trong điều kiện thực tế của Việt Nam. Vấn đề quan trọng nhất đặt ra đối với phương pháp này là việc xác định thứ tự áp dụng các phương pháp khác nhau để tránh việc phân tích trùng lặp các phương pháp cho một đối tượng cụ thể. Để làm được điều đó, cán bộ thẩm định phải xác định cấu trúc của một bản báo cáo thẩm định NLTC DNNVV vay vốn gồm các phần cụ thể sau đây:

Phần thứ nhất là phần thông tin tổng quan về KH: ở phần này, CVTĐ sẽ sử dụng phương pháp thống kê thuần túy để liệt kê những thông tin pháp lý và lịch sử hình thành phát triển của doanh nghiệp vay vốn; loại hình doanh nghiệp; ngành nghề kinh doanh; cơ cấu vốn chủ sở hữu; mô hình tổ chức hoạt động và đánh giá năng lực nhân sự của KH.

Phần thứ hai là phần năng lực cạnh tranh của DNNVV: ở phần này, CVTĐ sử dụng phương pháp SWOT để đánh giá điểm mạnh (S), điểm yếu (W), cơ hội (O) và thách thức (T) của doanh nghiệp vay vốn thông qua việc tìm hiểu hoạt động kinh doanh của KH, tình hình ngành hàng trên thị trường, triển vọng của ngành thời gian tới và đánh giá tác động của tình hình ngành, xu hướng phát triển của ngành đối với KH cũng như các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế.

Phần thứ ba là phần đánh giá NLTC DNNVV: ở phần này, CVTĐ sẽ sử dụng các phương pháp so sánh, phương pháp tỷ số, phương pháp phân tích xu hướng, phương pháp phân tích cơ cấu, phương pháp phân tích Dupont và kết hợp giữa các phương pháp này để đánh giá tình hình tài chính doanh nghiệp trên các phương diện chủ yếu như: tình hình tăng trưởng, chất lượng tài sản, các chỉ số thanh khoản, các chỉ số hoạt động, các chỉ số thu nhập, tình hình biến động tài sản nguồn vốn, các chỉ số cân nợ.

Phần thứ tư là phần đánh giá năng lực kiểm soát rủi ro của KH. Ở phần này, CVTĐ sử dụng phương pháp chấm điểm và phương pháp điểm Z để đo lường mức độ rủi ro có liên quan đến việc cấp tín dụng cho doanh nghiệp.

Phần thứ năm là phần kết luận về KH. Ở phần này, CVTĐ đưa ra kết quả đánh giá về tình hình tài chính KH của các tổ chức khác, đồng thời đưa ra kết luận cuối cùng về tình hình tài chính của DNNVV và mức phân hạng đối với KH.