• Không có kết quả nào được tìm thấy

Chương 1: TỔNG QUAN

1.6. Truyền thông thay đổi hành vi trong phòng chống bệnh

1.6.2. Hành vi sức khỏe và các thuyết hành vi

Hành vi sức khỏe (Health Behavior) của con người thường phức tạp và không phải lúc nào cũng được hiểu một cách rõ ràng. Định nghĩa được chấp nhận khá rộng rãi thì hành vi sức khỏe là “những thuộc tính cá nhân như niềm tin, sự mong đợi, động lực thúc đẩy, giá trị, nhận thức, và kinh nghiệm; những đặc điểm về tính cách bao gồm tình cảm, cảm xúc; các loại hình hành động và thói quen có liên quan đến sự duy trì, phục hồi, và cải thiện sức khỏe” [89].

Hành vi sức khỏe là hành vi của con người có liên quan đến việc tạo ra, bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Các tác giả Green và Kreuter (1980, 1991, 1999) đã phân ra ba nhóm yếu tố chính góp phần hình thành và tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến cách ứng xử, hành vi con người, đó là:

a) Yếu tố tiền đề (Predisposning factors): là những yếu tố bên trong của cá nhân được hình thành trên cơ sở kiến thức, thái độ, niềm tin, giá trị, chuẩn mực xã hội của mỗi cá nhân.

b) Yếu tố củng cố (Reinforcing Factors): là những yếu tố ảnh hưởng từ phía người thân trong gia đình (cha, mẹ, ông, bà) và thầy cô giáo, bạn bè, đồng nghiệp, những người đứng đầu ở địa phương.

c) Yếu tố tạo điều kiện/hạn chế (Eabling Factors) là điều kiện sống, nhà ở, việc làm, thu nhập, quy định của luật pháp. Nhóm yếu tố tiền đề quyết định cách ứng xử của con người, cho người ta những suy nghĩ, những cảm xúc đối với thế giới xung quanh, nhưng những yếu tố củng cố khiến người ta có xu hướng nghe và làm theo những gì mà những người có uy tín, quan trọng đối với họ đã làm. Ngoài ra nhóm các yếu tố liên quan đến nguồn lực nói chung có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi con người, là nhóm yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện và duy trì hành vi của cá nhân.

Hình 1.3. Lý thuyết về hành vi sức khỏe của Green và Kreuter (1980, 1991, 1999) [89]

1.6.2.2. Thuyết về hành vi

Xác định yếu tố ảnh hưởng tới sự lựa chọn hành vi lành mạnh của cá nhân một cách toàn diện sẽ giúp họ cân nhắc và hành động thay đổi hành vi.

Các nghiên cứu về quá trình thay đổi hành vi sức khỏe đã sử dụng nhiều lý thuyết hành vi khác nhau làm nền tảng cho việc phân tích. Đó là: (1) Lý thuyết hành vi dự định, (2) Lý thuyết niềm tin sức khỏe.

a. Lý thuyết về hành vi dự định

Lý thuyết hành vi dự định (Theory of planned behavior - TPB) của Icek Ajzen (1991) đưa ra để giải thích về sự dự đoán hành vi của cá nhân trước khi thực hiện hành vi đó [90].

Theo lý thuyết này hành vi sức khỏe của cá nhân là kết quả trực tiếp của những hành vi đã có dự định thực hiện. Có 3 yếu tố ảnh hưởng đến hành vi dự định. Đó là thái độ hướng tới hành vi (niềm tin rằng kết quả/mục tiêu mong đợi sẽ xảy ra nếu thay đổi hành vi và kết quả của sự thay đổi sẽ có lợi cho sức khỏe); Chuẩn mực của xã hội (niềm tin của cá nhân về những gì người khác mong đợi họ nên làm) và nhận thức cá nhân về kiểm soát hành vi (cá nhân cảm thấy họ có khả năng thực hiện việc thay đổi hành vi hay không).

Hình 1.4. Lý thuyết hành vi dự định [90].

Ba yếu tố ảnh hưởng này kết hợp để tạo nên hành vi dự định. Tác giả thấy rằng con người luôn không ứng xử nhất quán với những dự định của họ.

Khả năng dự đoán hành vi bị ảnh hưởng bởi tính ổn định của niềm tin cá nhân. Một người chắc chắn dự định điều chỉnh, thay đổi hành vi cũ, thực hiện và duy trì hành vi mới nếu người đó tin rằng hành vi mới sẽ có lợi cho sức khỏe của họ. Theo lý thuyết này nếu áp lực xã hội và niềm tin đủ mạnh thì hành vi dự định thực hiện sẽ được chuyển thành hành vi thực sự.

b. Mô hình niềm tin sức khỏe

Mô hình niềm tin sức khỏe (Health Belief Model - HBM) là mô hình được xây dựng đầu tiên từ những năm 1950 bởi các nhà tâm lý học làm việc tại cơ quan y tế cộng đồng Hoa Kỳ để giải thích lý do nhiều người không tham gia vào các chương trình y tế công cộng như khám sàng lọc ung thư cổ tử cung hay khám sàng lọc phát hiện lao, sau các nghiên cứu về hành vi phòng tránh bệnh, cụ thể là các hành vi sử dụng các dịch vụ y tế công cộng như chụp X-quang phổi để định bệnh và nhận thuốc miễn phí. Mô hình niềm tin sức khỏe được tiếp tục mở rộng và là một trong những mô hình được biết đến rộng rãi nhất trong lĩnh vực thay đổi hành vi trong chẩn đoán bệnh và nhất là những đồng thuận với thuốc và vắc xin mới [89]. Theo mô hình niềm tin sức khỏe [91], hành vi sức khỏe và nhất là trong y tế dự phòng phụ thuộc vào 3 nhóm yếu tố:

- Nhận thức về mối đe dọa của bệnh: bao gồm nhận thức về mức độ trầm trọng của bệnh và nhận thức về mức độ cảm nhiễm bệnh.

- Nhận thức về những lợi ích và phí tổn trong việc thực hiện hành vi.

- Nhận thức được những trở ngại đối với việc thực hiện hành vi

Về sau, mô hình được bổ sung các yếu tố nhắc nhở, kêu gọi hành động như: thấy người khác bệnh, nhắc nhở của nhân viên y tế…

Mô hình này dẫn đến một cách tiếp cận giáo dục sức khỏe dựa trên việc thông tin về mối đe dọa của bệnh và phân tích những lợi ích và những trở ngại trong việc thực hiện hành vi kết hợp với việc thường xuyên nhắc nhở.

Mô hình niềm tin sức khỏe là một trong những nỗ lực giải thích các hành vi sức khỏe phòng bệnh. Nguyên lý của mô hình này là cách một người nhận thức về thế giới quan và nhận thức này làm động cơ thay đổi hành vi của người đó như thế nào. Cá nhân sẽ có nhiều khả năng thay đổi hành vi có hại để thực hiện và duy trì hành vi mới có lợi cho sức khỏe khi nhận thức được: nguy cơ của họ với một bệnh cụ thể, lợi ích thu được khi thay đổi hành vi có hại. Nhận thức về khả năng dễ mắc bệnh phần nào phụ thuộc vào niềm tin, kiến thức, trình độ của cá nhân, vào truyền thông và sự nhắc nhở của nhân viên y tế .

Mỗi người với đặc điểm kinh tế, xã hội, kiến thức không giống nhau sẽ có nhận thức khác nhau về một bệnh nào đó. Từ nhận thức khác nhau này những cá nhân sẽ có khả năng thay đổi hành vi khác nhau.

Mô hình niềm tin sức khỏe đã được áp dụng hiệu quả trong truyền thông thay đổi hành vi, đặc biệt trong các chương trình như tiêm chủng và kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.

Hình 1.5. Mô hình niềm tin sức khỏe (Becker, 1974)

Như vậy các lý thuyết về hành vi đều nhấn mạnh đến ba yếu tố ảnh hưởng đến hành vi. Đó là: nhận thức, niềm tin của cá nhân, chuẩn mực của xã hội và khả năng thực hiện hành vi. Lý thuyết hành vi dự định khác với mô hình niềm tin sức khỏe ở chỗ nó đặt tầm quan trọng của các chuẩn mực xã hội như một ảnh hưởng chính lên hành vi. Sự động viên tuân thủ cùng với áp lực xã hội từ nhóm người có ý nghĩa quan trọng đối với cá nhân có thể làm cho họ cư xử theo cách mà họ tin rằng các cá nhân khác nghĩ là đúng.

c. Các lý thuyết tâm lý khác

Các mô hình khác trên thế giới được áp dụng là thái độ nhận thức rủi ro (RPA) và mô hình Triandis về hành vi các cá nhân. Khung RPA dựa trên các lý thuyết nhận thức xã hội và các nhận thức về rủi ro đối với bản thân và cách sử dụng thông tin y tế hiệu quả. Tương tự như vậy, Mô hình Triandis về hành vi giữa các cá nhân được xây dựng dựa trên lý thuyết hành vi được lên kế hoạch.

Trong mô hình, xu hướng tiêm phòng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nhận thức (ví dụ: kiến thức về tiêm chủng), các yếu tố ảnh hưởng (ví dụ: thái độ về tiêm chủng) và các yếu tố xã hội (các tiêu chuẩn xã hội liên quan đến hành vi). Hành vi tiêm phòng cúm bị ảnh hưởng bởi ý định và thói quen (ví dụ: hành vi tiêm chủng trước đây), cả hai đều bị ảnh hưởng bởi điều kiện thuận lợi (tức là hoàn cảnh cho phép hoặc cung cấp lời nhắc cho hành vi được thực hiện) [92].

1.6.3. Mô hình chiến lược truyền thông (The Stratetegic Communication Model)